Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 47

Tổng truy cập: 1379297

CHỨNG NHÂN

Chứng nhân

Phúc Âm Chúa nhật VI Mùa thường năm C nhắc lại cho chúng ta nội dung giáo lý của Chúa Giêsu là giáo huấn trường tồn trong Giáo Hội.

Chúa Giêsu bấy giờ ở trên núi xuống, Người vừa qua một đêm cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, đến sáng ngày Ngài đã gọi mười hai môn đệ lại và đặt họ làm tông đồ. Bấy giờ Người xuống khỏi núi, không những có đoàn mười hai và nhiều môn đệ khác đi theo mà còn có rất đông dân chúng đang đứng chờ ở một chỗ đất rộng. Họ từ khắp nơi kéo đến như muốn được chia sẻ những gì mà Chúa Giêsu đã ban cho các tông đồ của Người khi ở trên núi.

Quả vậy, thánh Matthêu nói rằng, Chúa Giêsu đã giảng dạy về “Tám mối phúc thật” khi Ngài ở trên núi, và bài giảng đó được mệnh danh là bài giảng trên núi, kê khai tám điều phúc hứa cho những người nghe Lời Chúa nên được gọi là bài giảng “Tám mối phúc thật”.

Ở đây, nơi Phúc âm thánh Luca thì chúng ta chỉ thấy có bốn điều phúc và thấy Chúa Giêsu đã tuyên bố những điều này ở một nơi đất bằng và rộng. Chắc chắn không phải Luca đã xén bớt bài giảng của Chúa Giêsu khiến “Tám mối phúc thật” chỉ còn có bốn. Chúng ta phải nói rằng, cả thánh Luca và thánh Matthêu đều đã ghi lại toàn bộ bài giảng của Chúa qua trung gian một bản văn đã có trước các ngài. Bản văn này ghi bốn điều phúc cho kẻ nghèo khổ: kẻ nghèo, kẻ khổ, kẻ đói và kẻ bắt bớ vì đạo. Matthêu và Luca cũng chép lại cả bốn nhưng cả hai đều quảng diễn thêm. Matthêu thì phân bốn thành tám, còn Luca thì nhân hai với bốn, tức là dùng thêm hình thức tiêu cực để củng cố cho hình thức tích cực, nghĩa là sau khi nói đến bốn điều phúc, thánh sử Luca nói đến bốn điều vô phúc cho những kẻ mâu thuẫn với bốn hạng người được phúc ở trên. Bốn điều phúc được dành cho bốn hạng người: nghèo, đói, khóc lóc và bị ghét bỏ, bốn điều vô phúc thì lại đe doạ những kẻ: giàu, no, cười cợt và được tâng bốc.

Thánh sử Luca tỏ ra trung thực với truyền thống của các tiên tri trong Cựu ước, vì các ngài luôn luôn loan báo những kẻ nghèo khó sẽ được rao giảng Tin Mừng. Nay Chúa Giêsu mang Tin Mừng đến, những người có phúc nhận lãnh chính là những thành phần khó nghèo trong xã hội. Chính Người cũng đã sinh ra giữa đám người này, họ là những người đầu tiên được loan báo ơn cứu độ khi sứ thần hiện ra với các mục tử trong đêm Giáng sinh. Nhiều lần Chúa khẳng định Tin Mừng và của cải không thể đi với nhau, vì nhất thiết hoặc sẽ mê của mà bỏ Chúa, hoặc ngược lại người ta sẽ đi theo Chúa mà bỏ hết mọi sự.

Có thể nói ba mối phúc đầu làm thành một bộ và chủ yếu nhắm tới hạng người khổ sở trong xã hội mà Kinh Thánh gọi chung là những người nghèo khó. Họ sẽ được rao giảng Tin Mừng ở đời này và sẽ được bù lại ở đời sau. Nhưng khi lãnh nhận Tin Mừng họ phải cẩn thận, nếu họ bị ghét bỏ bởi danh Chúa thì họ có phúc vì họ sẽ giống các tiên tri thật, còn nếu họ được khen lao thì họ sẽ như các tiên tri giả. Người ta không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của một trật được, thế nên phúc cho người nghèo khó vì Nước Thiên Chúa là của họ.

Đời sống Kitô hiện nay của chúng ta đang thể hiện những lời thánh Luca đã viết và đã được sự khôn ngoan của các tiên tri ngày xưa báo trước. Về mặt xã hội, chúng ta là những thành phần khó nghèo và đang phải phấn đấu nhiều, nhưng hiện nay nhờ vào mầu nhiệm Chúa Giêsu Phục sinh không những chúng ta được an ủi vì đang được ở trong Nước Trời. Nhưng hơn nữa chúng ta còn nắm giữ niềm tin về hạnh phúc bất diệt sau này khi những kẻ chết trong Chúa Kitô sẽ sống lại cho sự sống muôn đời. Đó là nền tảng của đức tin chúng ta, đó là nền tảng của những “Mối phúc thật” mà chúng ta tuân giữ trong cuộc sống hằng ngày.

 

37. Đức tin

Phụng vụ lời Chúa hôm nay mở đầu với đoạn sách ngôn sứ Giêrêmia, công bố án phạt những kẻ gắn chặt đời mình vào quyền lực vật chất để rồi lòng dạ xa rời Thiên Chúa. Song song đó là lời cầu chúc cho những ai ký thác mọi ước vọng của mình nơi Người. Đó là dòng văn tiêu biểu của đạo lý ngôn sứ thời Cựu ước vốn nêu bật ý niệm về đức công chính của Thiên Chúa, Đấng thật nghiêm minh, công thưởng, tội trừ.

Trong bối cảnh dân tộc Israel thời các ngôn sứ là một nước nhỏ yếu thế, non trẻ so với bao cường quốc xung quanh, luôn là món mồi bị giành giựt, xâu xé về mặt chính trị lẫn tôn giáo thì nguy cơ đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất do cha ông truyền lại để ngả theo thói tục ngoại giáo không ngừng là một ám ảnh. Lời kêu gọi của các ngôn sứ do Thiên Chúa sai đến phải mang một âm sắc mạnh mẽ quyết liệt nhằm khuyến thiện và răn ác.

Mặt khác, do quan niệm thực tiễn và thiên về vật chất đối với thế giới bên kia, đời sau, cách nào hơn kém là phần nối tiếp của cõi dương gian này, nên thưởng phạt cũng thi hành rất cụ thể, rất nhãn tiền. Người lành được hưởng một cuộc đời sung túc, trường tồn, trong khi kẻ ác phải đoạ đày tiêu diệt. Phải nhất thiết cầm cương nảy mực trên nhân loại, như vậy thì Thiên Chúa mới làm sáng tỏ thánh đức và uy quyền của Người.

Bài Tin Mừng hôm nay thánh Luca muốn giới thiệu Đức Giêsu như một ngôn sứ chính hệ nối tiếp dòng đạo lý các ngôn sứ tiền bối cựu trào, bởi đó nội dung giảng dạy của Người tất yếu bao gồm chúc lành và khuyến cáo. Một dị đồng đầy ngụ ý với đoạn văn song hành thường gọi là “Tám mối phúc thật” trong Tin Mừng thánh Matthêu, đó là sự vắng mặt của những lời quở trách.

Một lần nữa, nguy cơ do môi trường ngoại giáo nơi tác giả Luca nhắm tới vẫn đe doạ cộng đoàn Kitô hữu non trẻ mỏng manh. Tuy nhiên, đạo lý về đức công chính của Thiên Chúa đã được thay thế bằng đạo lý Thiên Chúa là tình thương trong sứ điệp Tin Mừng của Đức Giêsu. Thánh đức của Thiên Chúa từ nay sẽ rạng ngời trước thế gian, không ở án phạt nghiêm khắc mà chính là nơi lòng khoan dung tha thứ của Người, biểu hiện rõ nét, kiểm nghiệm được qua con người của Đức Giêsu, Đấng được sai đến để cứu vớt, để chữa lành và tha thứ.

An xử nếu nói theo ngôn ngữ của Tin Mừng thánh Gioan chính là do thái độ bất tín, cố chấp của con người từ chối sứ điệp tình thương Thiên Chúa. Trong thư gửi giáo đoàn Côrintô cũng là giáo đoàn non trẻ giữa một thế giới chịu ảnh hưởng sâu đậm mạnh mẽ của triết lý và phong hoá ngoại giáo, thiên về duy lý và duy vật, thánh Phaolô kêu gọi Kitô hữu bám chặt vào cốt lõi đức tin của mình nơi huyền nhiệm Đức Kitô Phục sinh.

Hẳn nhiên, đây không chỉ thuần là một tín điều lý thuyết phải bảo vệ bằng luận cứ hàn lâm uyên bác, song nhất là phải minh chứng nơi nếp sống cụ thể của mỗi người, nơi từng mảng đời của những người tuyên xưng Chúa của mình đã Phục sinh, có nghĩa là huyền nhiệm Phục sinh Đức Kitô cách nào đó cũng cần tỏ hiện, tái diễn nơi sự Phục sinh những giá trị tốt đẹp. Hình ảnh thuần hậu nguyên bản buổi đầu sáng tạo, nơi con người đã được thánh tẩy với cái chết của Đức Kitô và đã được cùng sống lại với Người trong đời sống mới của Thánh Thần.

Thất bại không thể tuyên xưng niềm tin Đức Kitô Phục sinh do cuộc sống vẫn còn nô lệ cho tội lỗi và tà thần là nỗi nhục nhã của Kitô hữu, vì tự bêu rêu mình như kẻ lừa dối. Thất bại không làm sáng tỏ được thánh đức của Thiên Chúa nhân từ yêu thương do hành vi tâm tưởng còn u ám, ác ý, hận thù là nỗi đau đớn của Kitô hữu, vì tự trói cột mình vào quyền lực tử thần. Thất bại không sống trọn vẹn phẩm giá con cái ánh sáng, chân lý và tự do, quá quỵ luỵ vào vật chất, danh lợi, là gông ách nặng nề của Kitô hữu, vì tự thúc thủ dưới bạo quyền của Satan. Thất bại trong nếp sống mới của Tin Mừng, đó cũng là thất bại trong tư cách thừa kế lời chúc phúc của Thiên Chúa. Vì thế, mỗi người tín hữu Kitô hãy giữ vững niềm tin của mình vào Chúa Kitô, đó là đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh tin kính.

 

38. Hạnh phúc

Giữa lúc mọi nơi trong xã hội đang đẩy mạnh chương trình “Xoá đói giảm nghèo”, đồng thời báo chí không ngớt ca ngợi những tấm lòng của những nhà hảo tâm, giàu có đã rộng tay giúp đỡ cho những người khổ đau bệnh tật, nghèo khó bất hạnh. Thế mà Tin Mừng lại đưa ra một điều dường như nghịch lý: “Phúc cho kẻ đói khát, phúc cho kẻ nghèo khổ,… và khốn cho kẻ giàu có, no đủ…”. Vậy, phải chăng những người nghèo là người hạnh phúc, còn những người giàu có sẽ là người bất hạnh? Thế thì, vấn đề được đặt ra ở đây là: ai mới thật là người hạnh phúc, và phải sống thế nào để được hạnh phúc?

Những cơ nguy của người giàu có.

Với những lời có vẻ như lời nguyền rủa: khốn cho các ngươi là những người giàu có, no đủ… Chúng ta cần hiểu, đây là một lối văn thường gặp trong Cựu ước, các lời này không phải là những lời nguyền rủa hay lên án nhưng là những lời có ý ngăn đe thương hại.

Tại sao Chúa Giêsu lại ngăn đe thương hại những người giàu có, no đủ?

Ai cũng đi tìm hạnh phúc, đó là vấn đề cơ bản của cuộc sống con người. Thế nhưng, bi kịch của con người mọi thời khi cho rằng càng có nhiều tiền của, tiện nghi, quyền lực, danh vọng thì càng được hạnh phúc. Đây cũng là bi kịch của xã hội thời Chúa Giêsu, và cũng là bi kịch cho thời đại chúng ta.

Thật vậy, trong xã hội tiêu thụ ngày nay, nghệ thuật quảng cáo đạt đến mức thặng thừa đã đẩy người tiêu thụ từ trẻ em cho đến người lớn đến với những nhu cầu vật chất giả tạo. Người ta thi nhau mua sắm, càng mua càng thấy thiếu, càng sắm càng thấy chưa đủ. Người ta trở thành nô lệ cho nhu cầu tiêu dùng của mình, nô lệ cho tiện nghi máy móc, hưởng thụ. Thử hỏi như thế thì làm sao mà có được sự tự do và hạnh phúc thật?

Cũng trong xã hội tiêu thụ này, có không ít người xem sự giàu có, thành đạt, nổi tiếng, là cứu cánh duy nhất của cuộc đời, đến nỗi họ sẵn sàng chà đạp lên tất cả đạo đức luân lý, để đạt cho kỳ được điều họ muốn. Biết bao người đã ngã gục trước đồng tiền, tiền của kiếm được cách bất chính thì cũng được sử dụng một cách bất hảo, đem đổ vào các cuộc vui chơi sa đoạ trác táng… Họ phè phỡn ăn chơi, no nê, vui thú, trong khi có biết bao người vì họ mà phải tán gia bại sản. Và bên cạnh họ, còn biết bao người đói khổ, chỉ cần một lần tiêu xài của họ cũng có thể nuôi sống biết bao người trong nhiều tháng.

Bởi đó, Chúa Giêsu đã ngăn đe những người giàu có khi họ lấy của cải vật chất làm cứu cánh thay vì chỉ là phương tiện sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Họ chỉ cậy dựa vào quyền lực trần thế như lời ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc 1 đã cảnh báo: “Khốn cho kẻ tin tưởng vào người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ xa Chúa”.

Những cơ may của người nghèo khó.

Đối với những người nghèo khó, đói khát, thái độ của Chúa Giêsu đối với họ như thế nào? Phải chăng Chúa Giêsu đã rao giảng một điều nghịch lý khi cho đói, nghèo… là phúc?

Khi tuyên bố: phúc cho kẻ nghèo khó, đói khát, khóc lóc, bị bách hại… Chúa Giêsu không giảng dạy một điều nghịch lý, và Ngài cũng không chủ trương bần cùng hoá thế giới này. Khi tuyên bố: phúc cho kẻ nghèo khó, đói khát, khóc lóc, bị bách hại; Chúa Giêsu đã xác định cho con người một bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống.

Chính mối phúc cuối cùng cho thấy chìa khoá của câu trả lời: nghèo đói, khóc lóc, bị ganh ghét, xỉ vả vì Con Người, và cũng câu này cho biết chính các ngôn sứ cũng từng bị đối xử như thế. Vậy, có thể hiểu những người nghèo đói, khóc lóc được Thiên Chúa chúc phúc ở đây chính là những người mà tiên tri Giêrêmia đã loan báo: “Phúc thay cho những người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ”.

Bởi đó, những người nghèo khó mà Tin Mừng nhắc đến hôm nay không chỉ thuần tuý là những người thiếu cơm ăn áo mặc, nhưng là những người nghèo theo nghĩa biết tín thác cuộc đời mình trong tay Thiên Chúa, biết cậy dựa vào Chúa, lấy Chúa làm cứu cánh của cuộc đời mình. Như thế, họ sẽ trở thành những người có Thiên Chúa làm gia nghiệp, và họ sẽ là những người hạnh phúc thực sự, cho dẫu họ có là người nghèo đích thực.

Những cơ hội cho con người hôm nay.

Trong cuộc sống thực tại hôm nay, mỗi người đều phải vất vả với việc làm ra của cải để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng lời Chúa hôm nay, đòi hỏi mỗi người làm sao một đàng vừa chu toàn trách nhiệm với gia đình, nhưng đàng khác vẫn sống niềm cậy trông vào Thiên Chúa.

Khi sống trọn vẹn niềm cậy trông vào Thiên Chúa, khi càng lệ thuộc vào Ngài, chúng ta càng cảm thấy tự do đối với của cải, vật chất nơi thế trần này. Khi đó, dù phải vất vả với cuộc sống, chúng ta sẽ sẵn sàng quan tâm đến những người chung quanh, nhất là những người nghèo thật sự, những người nghèo vật chất, nghèo tinh thần, nghèo học vấn… nhằm chia sẻ, những gì có thể được cho những người anh chị em cùng con một Cha trên trời.

Trong những năm qua, chúng ta thường nghe nói đến mẹ Têrêxa Calcutta, một người chỉ biết sống cho người khác: Khi còn tại thế, mẹ không thiếu tiền của, nhưng mẹ vẫn sống như một “người nghèo khó của Thiên Chúa”. Với chiếc xe hơi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tặng ở Bombay, mẹ đã bán để lấy tiền xây dựng một trung tâm lớn cho bệnh nhân phong. Với số tiền nhận từ giải Hoà Bình Gioan XXIII của Vatican, mẹ đã thiết lập một trung tâm phục hồi chức năng cho người cùi. Với số tiền nhận từ giải Nobel Hoà Bình mẹ đã xây nhà cho những người nghèo.

Mẹ Têrêxa đã tận hiến cuộc đời mình cho những người nghèo và tất cả những gì của mẹ đều thuộc về những người nghèo đói,khổ đau, vì mẹ luôn gắn kết cuộc đời mình với Đức Kitô, tín thác cuộc đời mẹ trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Mẹ đã lấy Thiên Chúa làm cứu cánh và cùng đích của cuộc đời mẹ.

Tóm lại, cho dù là người giàu sang hay người đói khổ, vẫn có thể trở thành “người nghèo của Thiên Chúa”, thành “người không vật sở hữu”, cho đi tất cả vì yêu mến và tín thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa, lấy Chúa làm niềm cậy trông là niềm hạnh phúc. Xin cho mỗi chúng ta cho dẫu có là người nghèo khó, vất vả, khổ đau hay là người giàu có, biết lấy Chúa là niềm cậy trông, là niềm hạnh phúc.

 

39. Hạnh phúc

Vào năm 1918, tại Mỹ đã xảy ra một trận dịch cúm tàn sát bao nhiêu sinh mạng. Các bác sĩ và y tá phải tối tăm mặt mũi vì công việc. Tình cảnh trong các bệnh viện thật là thảm hại. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, các thành viên của một hội thượng lưu ở Nữu Ước quyết đem sức lực ra giúp đồng bào. Họ giàu có và đã lớn tuổi, có thể chỉ ký một tấm ngân phiếu để giúp bệnh nhân là xong. Nhưng không, họ không những đã bỏ tiền ra mà còn tình nguyện tới các bệnh việc săn sóc, tắm rửa cho các bệnh nhân, an ủi những gia đình đang đau khổ mà không ngại mệt nhọc, cũng nhưng sợ lây bệnh cho chính bản thân.

Tin mừng hôm nay hướng chúng ta về những người xấu số, bất hạnh và cho họ niềm hy vọng hạnh phúc ở tương lai. Tin mừng không hề lên án người giàu chỉ vì họ có nhiều tiền của, nhưng chỉ lên án những ai giàu có mà không biết sử dụng của cải cho đúng, thậm chí còn dùng của cải như chướng ngại vật chặn đứng lối vào Nước Trời. Giàu có mà hành sử như các thành viên của hội thượng lưu ở Nữu Ước trong câu chuyện trên còn được Chúa chúc phúc. Họ được hưởng hạnh phúc đời này lẫn đời sau. Bí quyết của họ rất đơn giản, đó chính là biết chia sẻ và trao ban.

Chúa Giêsu không lên án của cải nói chung, nhưng Ngài lên án cách sử dụng của cải. Tiền bạc tự nó không có giá trị đạo đức. Nó có thể dùng vào việc tốt, cũng như việc xấu. Tự bản chất, của cải không là những gì xấu và tự bản chất, nghèo khó cũng không phải là nhân đức.

Chỉ khốn cho người giàu có khi họ không phân định rõ ràng giữa phương tiện và cùng đích, giữa điều kiện vật chất và định mệnh con người. Đời sống của họ bị nhận chìm bởi các con sóng là những phương tiện vật chất như áo quần, xe cộ, nhà cửa và các tiện nghi…Đời sống họ bị đè bẹp bởi các hành trang vật chất. Họ quên rằng con người sống nhờ phương tiện, nhưng lại sống cho cùng đích. Và cùng đích của con người là “hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Thảm kịch của cuộc sống chính là lo lắng tìm kiếm phương tiện mà quên mất cùng đích của mình…

Dưới mắt Chúa, làm giàu một cách lương thiện không phải là tội. Tiêu dùng của cải do mình làm ra không hề là một điều xấu. Nhưng điềm nhiên hưởng thụ và nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của tha nhân lại là một tội ác. Thiên Chúa đã dựng nên trái tim con người để rung lên những nhịp đập yêu thương, và trao tặng cho con người đôi tay để mở ra ban phát. Kẻ nào khoá lại trái tim và mắm chặt đôi tay là đi ngược với bản tính con người mà Chúa đã tạo dựng. Vì thế, ai sống co cụm trong vỏ ốc ích kỷ của mình, kẻ ấy có thể rất giàu về tiền của nhưng lại thật nghèo trong nhân tính.

Có nhiều người lẫn lộn giữa hạnh phúc và cái bóng của nó. Họ mải mê chạy theo cái bóng, để rồi mau chóng thất vọng khi nó vỡ tan như bọt xà phòng. Hạnh phúc đích thực không nằm nơi của cải hay những gì mình chiếm hữu, nhưng nằm nơi những gì mình đã trao ban. Vì thế, thánh Phaolô đã viết: Cho thì vui sướng hơn là nhận. Hạnh phúc đích thực không nằm trong những lời ca tụng hay trong chức tước quyền uy, nhưng nằm trong sự an bình vui tươi của một lương tâm thanh thản.

Một tác giả có viết: trong hạnh phúc có mầm đau khổ. Quả thật, hạnh phúc bao giờ cũng trộn lẫn với mồ hôi nước mắt. Có hạnh phúc đích thực nào mà không phải trả giá bằng đau khổ? Có ai sống trên đời này mà được hạnh phúc trọn vẹn đâu? Điều này giải thích tại sao những gì chúng ta coi là bất hạnh, thì Chúa Giêsu lại cho là hạnh phúc. Chỉ khi nào chúng ta cảm nghiệm được cái nghịch lý của Lời Chúa thì chúng ta mới có được hạnh phúc đích thực. Chỉ khi nào chúng ta dám nghèo vì thanh liêm, đói vì ngay thẳng, khóc vì đại nghĩa, bị ghét vì nói thật, bị xỉ vả vì danh Chúa, chúng ta mới sống trọn vẹn các mối phúc thật. Chỉ khi nào chúng ta thấy mình giàu lên khi chịu nghèo, no thoả lúc đói khát, vui cười khi rơi lệ, và hân hoan lúc bị bách hại, chúng ta mới thực sự nếm cảm được niềm hạnh phúc Nước Trời.

 

40. Nghịch lý

Người ta thường nói “nghèo khổ”, nghĩa là cái nghèo và cái khổ luôn đi đôi với nhau. Đã nghèo thì tất nhiên phải khổ. Thế mà Chúa Giêsu lại nói “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo”. Hình như Chúa Giêsu muốn đảo ngược kiểu nói “nghèo khổ” thành “nghèo phúc”. Thật nghịch lý!

Nhưng chuyện nghịch lý không phải là không có trên đời. Thông thường ai cũng muốn một cuộc sống sang giàu. Thế nhưng, có những người lại đi tìm một cuộc sống nghèo. Chẳng hạn như các nhà nho cởi áo từ quan rời bỏ nếp sống tiện nghi nơi thành thị để tìm nếp sống thanh đạm giữa thiên nhiên. Hay như thánh Phanxicô Assisi là con nhà giàu, nhưng từ bỏ tất cả để sống nghèo, lại còn lập cả một huynh đoàn qui tụ những người muốn sống nghèo nàn. Những con người đó không phải điên khùng mà hoàn toàn sáng suốt. Quyết định sống nghèo của họ không phải do bốc đồng nhất thời, mà là kết quả của một thời gian dài suy nghĩ chọn lựa. Sự chọn lựa ngược đời của họ khiến chúng ta phải suy nghĩ vì chắc hẳn họ đã nghiệm ra có nhiều điều hay trong cái nghèo nên họ mới chọn lựa như vậy.

Dĩ nhiên cái nghèo mà họ chọn lựa không phải là tình trạng túng thiếu: không đến nỗi phải chết đói, chết khát, chết lạnh, mà chỉ cần tối thiểu để ăn, để uống, để mặc: tri túc tiện túc, biết đủ là đủ.

Vì chỉ cần tối thiểu như thế, nên lòng họ không bị dao động vì những ham muốn có thêm. Túi tham không đáy. Lòng ham muốn sẽ không bao giờ được thoả mãn, nên cứ dao động hoài.

Không ham muốn thêm mà cũng không sợ bị mất, nên người nghèo như thế rất bình tâm, nhờ đó có thể ăn ngon, ngủ yên.

Người nghèo không kiêu căng, không khoe của, không khinh miệt người khác.

Người nghèo không cậy dựa vào tiền bạc của cải, nên dễ cậy dựa vào Chúa hơn.

Có thể người nghèo bị người đời khinh ghét, nhưng bù lại, họ được chính Thiên Chúa yêu thương che chở.

 

41. Người giàu cũng khổ

Trong những ngôi nhà của người giàu, chúng ta nhận thấy thiếu một điều, thiếu sự sống và tiếng cười. Chúng ta không bao giờ thấy con trẻ chơi đùa trên bãi cỏ. Một bầu khí u buồn dường như bao quanh chúng và đó chính là sự sầu muộn của giàu có.

Một cặp vợ chồng giàu sống trong một ngôi nhà lộng lẫy. Họ có một bà giúp việc. Buổi sáng bà nấu một bữa ăn nhẹ. Buổi trưa một bữa ăn ngon và buổi tối một bữa ăn thịnh soạn cho cặp vợ chồng và những người khách lui tới. Nhiều năm trôi qua, cặp vợ chồng già đi. Vì thế, họ không tiếp đãi ai. Bữa ăn của họ gồm có trứng chiên, bánh mì và nước trà pha lạt. Họ im lặng ngồi ăn, hiếm khi nhìn nhau. Vào tối thứ bảy, bà giúp việc mời ít người bạn vào một căn phòng dưới tầng hầm. Ở đó, họ dùng một bữa cơm đạm bạc, uống một chút rượu, mở nhạc, nhảy múa và nói những câu chuyện vui đùa. Một tối nọ, đang khi những tiếng cười vang lên, thì cánh cửa mở ra. Đó là cặp vợ chồng chủ nhà. Họ nói với bà giúp việc: chúng tôi không muốn quấy rầy các bà, nhưng chỉ muốn nhìn các bà vui đùa mà thôi…Người giàu cũng khổ vì không có niềm vui, không có hạnh phúc.

Câu chuyện trên cho chúng ta một hiểu biết thấu đáo về các mối phúc thật mà Chúa Giêsu đã nói. Dưới mắt thế gian, người giàu dường như được Thiên Chúa chúc lành, trong khi người nghèo dường như bị chúc dữ. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã nói về sự nghèo khó kỳ lạ của những người sống trong sự giàu sang của thế gian và sự giàu sang kỳ lạ của những người tin tưởng vào Thiên Chúa. Người giàu có xu hướng cậy dựa vào của cải. Đối với họ, chính thế giới này mới quan trọng, còn Thiên Chúa không ít thì nhiều cũng thừa thãi và thế giới khác thì xa xôi và mơ hồ. Trái lại, người nghèo quay về Thiên Chúa một cách tự nhiên. Như một bà cụ nghèo đã nói với một linh mục: Có một Thiên Chúa để cậy trông, há chẳng phải là một điều cao cả đó sao.

Điều đó không có nghĩa là nghèo khó là một điều tốt. Khi Chúa Giêsu nói: Phúc cho người nghèo khó và đói khát, Ngài không ban lời chúc lành cho cái nghèo xơ xác và đói lả vì đây là những điều xấu. Tuy nhiên, đối với người nghèo những nguy cơ của đời sống làm cho cái chết đến gần hơn, thì đời sau cũng đến gần hơn. Đó là lý do trong câu nói của Chúa Giêsu: Phúc cho những kẻ nghèo khó vì nước Thiên Chúa là của họ.

Sự nghèo khó được chúc lành là sự nghèo khó của những người đặt tin tưởng vào Thiên Chúa hơn là vào của cải vật chất. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thoả mãn những khát vọng của tâm hồn con người.

 

42. Tin tưởng vào Chúa

Chủ đề của Lời Chúa hôm nay chính là sự tin tưởng vào Thiên Chúa. Thực vậy, những kẻ tin tưởng vào thế gian giống như cây gai cằn cỗi trong sa mạc, đang khi đó những người tin tưởng vào Thiên Chúa giống như cây sai trái trồng bên dòng sông nhiều nước. Tin tưởng vào Thiên Chúa là cậy trông nơi Ngài, vì Ngài là suối nguồn sự sống. Những người tin tưởng vào Thiên Chúa là những người nghèo được Thiên Chúa chúc phúc.

Khi Chúa Giêsu nói: Phúc cho những kẻ nghèo khó, Ngài đã không chúc phúc cho sự đói khát và khốn cùng. Đói khát và khốn cùng là điều xấu. Điều được chúc phúc chính là lòng cậy trông, tin tưởng vào Chúa. Những kẻ đặt sự tin tưởng của họ vào thế gian sẽ thất vọng, còn những người đặt tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ không bao giờ bị thất vọng. Bởi vì chỉ mình Thiên Chúa mới có thể lấp đầy sự trống rỗng của cõi lòng chúng ta. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể thoả mãn những khát vọng của tâm hồn chúng ta. Nhưng thường chúng ta chạy đến Thiên Chúa sau cùng, thay vì chạy đến Thiên Chúa trước tiên.

Thánh Giacôbê nói rằng những người nghèo khó đối với thế gian này sẽ được Thiên Chúa làm cho giàu có trong đức tin. Những người giàu thường có xu hướng cậy dựa vào của cải vật chất. Đối với họ, chính thế gian này mới quan trọng. Thiên Chúa không ít thì nhiều cũng thừa thãi và đời sau thì xa vời và mơ hồ. Trái lại, những người nghèo thường có xu hướng tự nhiên quay về Thiên Chúa. Đối với họ, mọi nguy cơ và khó khăn của đời sống làm cho Thiên Chúa và đời sau gần gũi và hiện thực hơn.

Sự nghèo khó ấy tự nó không phải lài điều tốt. Nhưng khi đời sống trở nên khó khăn và luôn bị đe doạ, nó sẽ trở nên phong phú hơn bởi lẽ khi chúng ta càng ít mong đợi thì những điều tốt lành của đời sống càng trở nên những ân huệ bất ngờ mà chúng ta đón nhận ví lòng biết ơn. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu lại nói: Phúc cho những kẻ nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Ngày kia, một người nghèo đi dọc theo một con đường, tình cờ ông gặp một người ăn mày đến xin ông bố thí. Xấu hổ vì không có gì để bố thí, người nghèo đáp: Tiếc thật, nhưng tôi cũng nghèo như anh thôi. Khi nghe nói điều đó, người ăn mày nói: Cám ơn bạn, vì món quà của bạn. Không hiểu người ăn mày muốn nói gì, người nghèo hỏi lại: Tại sao anh lại cám ơn tôi? Tôi có cho anh cái gì đâu. Người ăn mày đáp: Ồ có chứ, bạn đã cho tôi sự lương thiện của bạn, sự nghèo khó của bạn và lòng tin tưởng của bạn.

Thiên Chúa không nghèo, nhưng chúng ta thì nghèo. Thế mà chúng ta lại có cái để cho Thiên Chúa. Chúng ta có thể cho Ngài sự lương thiện, sự nghèo khó và lòng tin tưởng của chúng ta.

 

43. Phúc cho anh em

Suy Niệm

Cái chết của công nương Diana làm hàng triệu người xúc động. Người ta thương bà không chỉ vì bà xinh đẹp, nhân từ, mà còn vì bà chưa được hưởng chút hạnh phúc mới hé nụ.

Hạnh phúc là niềm khao khát của mọi người.

Con người sinh ra là để được sống hạnh phúc.

Cả đời người là cuộc hành trình kiếm tìm hạnh phúc.

Thiên Chúa cũng bận tâm đến hạnh phúc con người.

Những gì Ngài làm: sáng tạo, nhập thể, cứu chuộc, thánh hoá… đều nhằm đem lại hạnh phúc đời này và đời sau.

Hạnh phúc của Thiên Chúa như gắn liền với hạnh phúc con người. Thiên Chúa vui khi thấy con người hạnh phúc.

Chẳng có gì dễ hiểu như hai từ hạnh phúc. Nhưng định nghĩa hạnh phúc lại là điều không dễ.

Mỗi người có một quan niệm về hạnh phúc, và nơi mỗi người, quan niệm này cũng biến đổi theo thời gian.

Thường ta hay chạy theo những cái bóng của hạnh phúc, để rồi vỡ mộng, nhưng nhờ đó ta dần dần hiểu hơn thế nào là hạnh phúc đích thật.

Hạnh phúc không nằm nơi của cải, kiến thức, quyền uy. Hạnh phúc không do chiếm được những gì mình muốn, nhưng do trao hiến điều quý nhất của mình.

Hạnh phúc là mãn nguyện với những gì mình được ban.

Hạnh phúc là niềm vui nhẹ nhàng, là bình an sâu lắng.

Hạnh phúc là sự ổn thoả giữa tôi với Chúa, giữa tôi với anh em, giữa tôi với chính tôi…

Sống ở đời, con người thấy mình không hạnh phúc trọn vẹn. Hạnh phúc bao giờ cũng được trộn với mồ hôi, nước mắt. Nhưng có hạnh phúc thật nào lại không mua bằng khổ đau? Chỉ ai biết yêu thực sự, mới cảm thấy hạnh phúc. Chúng ta cần nhiều thời gian mới hiểu được các mối phúc.

Những điều ta coi là bất hạnh, Đức Giêsu bảo là hạnh phúc.

Nghèo, đói, khóc than, bị oán ghét, khai trừ, xỉ vả: những điều đó tự chúng chẳng có giá trị gì. Nhưng nếu ta nghèo vì thanh liêm, đói vì ngay thẳng, khóc vì đại nghĩa, bị ghét vì nói thật, bị xỉ vả vì Chúa, thì ta thật là người có phúc.

Hạnh phúc ngay trong hiện tại, nơi một lương tâm thanh thản.

Ta thấy mình giàu lên khi chịu nghèo, no thoả khi đói khát, vui tươi khi rơi lệ, và nhảy mừng khi bị bách hại.

Có bao Kitô hữu đã sống các mối phúc thật trong đời mình.

Họ cảm nghiệm được cái nghịch lý dễ thương của Lời Chúa.

Không phải chỉ có bốn hay tám mối phúc trong Tin Mừng.

Phúc cho ai nghe và giữ Lời Chúa, phúc cho ai không thấy mà tin…

Đức Giêsu có thể kéo dài các mối phúc đến vô tận, để các mối phúc đi vào mọi ngõ ngách của đời thường.

Chính chúng ta cũng có thể viết những mối phúc mới, nhờ dựa vào những niềm vui Chúa ban cho ta mỗi ngày.

Chính chúng ta phải cộng tác với Chúa để các mối phúc được thành tựu ngay ở đời này, nhờ biết chia sẻ cho người đói, đem niềm vui cho kẻ khổ đau.

Gợi Ý Chia Sẻ

Theo ý bạn, thế nào là con người hạnh phúc? Bạn có gặp ai được hạnh phúc trọn vẹn ở đời này không?

Vẫn có nhiều người coi tiền bạc đem lại tất cả, kể cả hạnh phúc, vì thế họ dùng mọi thủ đoạn để làm giàu. Bạn nghĩ tiền bạc có vai trò nào trong việc xây dựng hạnh phúc?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười, nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa. Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân. Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.

Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng. Nụ cười ấy hoà với niềm vui của người được lành bệnh.

Lạy Chúa Giêsu, có những niềm vui Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay, có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.

Xin dạy chúng con biết tươi cười, cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con

Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống, dù không phải tất cả đều là màu hồng.

Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản, nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.

Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc, vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.

 

44. Những Hạnh Phúc Bất Tiện – GF

Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ rồi nói:

“Phúc cho anh em những kẻ nghèo khó,

vì Nước Thiên Chúa là của anh em.

Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,

Vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.

Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,

Vì anh em sẽ được vui cười. (Lc. 6, 20-21)

Với lý trí chúng ta rất khó hiểu về các mối hạnh phúc này. Lý trí đành chịu thua. Chúng đả đảo lý luận con người. Chúng làm ta phát điên. Nhưng chúng lại làm ta kinh ngạc và chúng ta không dám từ bỏ chúng vì nghĩ đến những bao nhiêu quả phúc chúng đã sinh ra qua những thế hệ. Những hạnh phúc theo Thánh Lu-ca và Thánh Mát-thêu đều gây kinh ngạc, tuy hai Thánh có viết khác nhau, nhưng cùng một mục đích là hạnh phúc nước trời. Thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến tinh thần nghèo khó, đến thái độ con tim. Thánh Lu-ca nhấn mạnh đến nghèo khó thật sự, nghèo khó của giai cấp xã hội chẳng có gì hết trơn hết trọi, giai cấp xã hội nghèo khó này đang qui tụ lại thành tín đồ của Tin Mừng Đức Giêsu. Thánh Mát-thêu kêu mời từ bỏ bên trong. Thánh Lu-ca kêu gọi cải tạo cơ cấu xã hội để giảm bớt những khổ đau trong xã hội.

Chính trong thảm trạng cụ thể của lịch sử mà Đức Kitô nói: “ Các bạn là những người nghèo khổ, đói khát, khóc lóc, bị khinh bỉ, ghen ghét, bị bắt bớ, bị nhục nhã, phúc cho các bạn. Vì nếu bây giờ các bạn chịu được như thế, ngày kia tất cả sẽ đổi lại, các bạn sẽ giầu có, no nê, vui cười, được mến chuộng trong nước Thiên Chúa”.

Có thật không hay trò đùa? Đức Kitô nói thế nào? có phải Ngài nói dỡn để cho những kẻ khốn khổ thể xác, tình cảm, tinh thần được vui chút ư? có phải Ngài là chú hề đã nói đến sự đền bù ở tương lai mơ hồ giả định ư? có phải chỉ là giấc mơ hạnh phúc có thể giúp cho người ta chịu khổ bây giờ để đè nén cho nguôi đi những đau đớn và uất ức chăng? hiểu sai lầm các mối phúc thật, như thế là độc ác và vô liêm sỉ. Đức Kitô không bao giờ phong thần đau khổ và bất hạnh. Người không ngừng làm giảm bớt nỗi đau khổ của con người suôt đời Ngài đã cứu chữa, an ủi những bệnh nhân, tật nguyền, nghèo khổ và tha thứ cho những tội nhân, giải phóng những kẻ bị ma quỷ xiềng xích. Ngài muốn chúng ta hiểu và chấp nhận thập giá như Ngài. Vì mến Chúa và yêu người. Lúc đó thập giá trở nên lời hứa thực hiện ơn cứu độ. Như vậy khác xa những thứ mỵ dân!

 

45. Phúc cho anh em là những người nghèo

Suy Niệm

Một học sinh nghèo trả lại chiếc bóp lượm được. Một giáo viên kiên trì theo đuổi nghề giáo. Một cán bộ về hưu trong cảnh thanh bạch. Một bạn nữ bỏ chỗ làm có thu nhập cao… Một nhân viên từ chối những đồng tiền hối lộ.

Giữa cuộc sống khó khăn, vẫn có bao người không bị mê hoặc bởi bạc tiền. Họ chọn sống trong cảnh nghèo, lam lũ hơn, nhưng vui hơn và thanh thản hơn.

Vẫn có bao người nếm được mối phúc của Tin Mừng: “Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Trời là của anh em.”

Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt.

Đức Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác, với lối đánh giá khác, làm chúng ta ngỡ ngàng.

Ngài cho các môn đệ của Ngài biết rằng: họ là những người có phúc, khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Ngài. Nước Trời đã thuộc về họ từ đây, và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.

Đức Giêsu đã sống những mối phúc trước chúng ta.

Ngài là một người thợ thủ công nghèo, Ngài biết đến sự giày vò của cơn đói, Ngài đã từng nhỏ lệ trước thành Giêrusalem, và đã chịu mọi khổ hình cho đến chết. Nhưng Đức Giêsu là con người hạnh phúc, vì biết mình luôn sống cho Cha và con người.

Chúng ta cần có kinh nghiệm của Đức Giêsu: Nghèo của cải mà thật giàu Nước Thiên Chúa.

Đức Giêsu chúc phúc cho những môn đệ nghèo của Ngài, nhưng Ngài không ca ngợi sự bần cùng, lạc hậu.

Cả cuộc đời Ngài là một hành vi cúi xuống để nâng dậy những ai nghèo sức khoẻ, nghèo niềm vui.

Hôm nay Ngài muốn chúng ta đến với khu lao động, với lớp học tình thương, xoá đi cái nghèo tri thức, nghèo những ước mơ cao cả.

Sự no đủ và niềm vui phải bắt đầu từ đời này.

Ước gì chúng ta sống như Đức Kitô, tự nguyện trở nên nghèo hơn để làm giàu cho người khác (2Cr 8,9).

Gợi Ý Chia Sẻ

Theo ý bạn, ai là những người nghèo được Chúa chúc phúc? Một người giàu có thể có tinh thần nghèo khó không?

Thế giới hôm nay cho chúng ta nhiều tiện nghi và phương tiện giải trí. Bạn có thấy mình bị cuốn hút không? Làm sao để khỏi rơi vào chủ nghĩa hưởng thụ?

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy những người nghèo ở quanh con, ở trong gia đình con, đang cần đến con.

Bất cứ ai cần đến con đều là người nghèo, xin cho con thấy Chúa trong họ.

Dần dần con hiểu rằng cả người giàu cũng nghèo, nghèo vì cần thấy đời họ có ý nghĩa.

Dần dần con chấp nhận rằng cả bản thân mình cũng nghèo và cần đến người khác.

Lắm khi con cần một nụ cười, một ánh mắt, một lời thăm hỏi đỡ nâng.

Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con ai cũng nghèo về một mặt nào đó, ai cũng cần đến người khác. Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau, làm cho nhau thêm giàu có.

Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo, vì Chúa rất cần đến chúng con để hoàn thành công trình cứu độ.

Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo để nhận lãnh, can đảm nhận mình giàu để hiến trao. Amen.

 

46. Những mối phúc và những mối hoạ đích thực – JKN

Câu hỏi gợi ý:

  1. Bạn có thấy những mối phúc và hoạ đích thực bài Tin Mừng này có liên hệ đến luật nhân quả không? Bạn hiểu thế nào về luật nhân quả?
  2. Nếu chỉ có đời sống trần gian này là duy nhất, thì bài Tin Mừng trên có còn đúng không? Nếu còn có đời sống vĩnh cửu nữa thì sao?

Suy tư gợi ý:

  1. Luật nhân quả trong vũ trụ, trong cuộc đời trần gian

Bài Tin Mừng hôm nay nói lên tương quan nhân quả mang tính tất yếu giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại và tương lai, hay giữa thời trước và thời sau. Tương quan đó diễn tiến theo những định luật cố định đã được Thiên Chúa thiết lập trong vũ trụ. Những định luật đó có thể tóm lại trong những mệnh đề sau đây: Có gieo mới có gặt; Gieo nhân nào gặt quả nấy; Gieo ít thì gặt ít, gieo nhiều thì gặt nhiều; Từ lúc gieo đến lúc gặt đòi hỏi phải có thời gian, và phải vất vả bỏ công sức ra.

  1. Giải thích luật nhân quả

– Có gieo mới có gặt: Không sự việc nào xảy ra trong cuộc đời mà không có nguyên nhân. Thấy một cây rợp bóng mát bên vệ đường, không ai nghĩ rằng tự nhiên nó mọc lên, mà nghĩ rằng phải có người trồng nó. Hay ít ra là có một con chim nào đó đã gieo hạt ở đấy… Hạnh phúc hay đau khổ ta được hưởng hay phải chịu đều có nguyên nhân do chính ta – đôi khi do ai đó – tạo ra trước đó. Và những gì ta đang có hoặc đang làm đều là nguyên nhân phát sinh hiệu quả trong tương lai. Sách Giảng Viên viết: «Kẻ không gieo chẳng bao giờ gặt» (Gv 11,4).

– Gieo nhân nào gặt quả nấy: Nhìn cây cam, ta chắc chắn nó phải mọc lên từ hạt cam, không thể từ một hạt khác được. Nghĩa là thấy nhân thì biết quả, và nhìn quả thì biết nhân: «Cứ xem người ta sinh ra quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt» (Mt 7,16-18). Cũng vậy, hành động tốt ắt phải đem lại hạnh phúc, và hành động xấu ắt phải dẫn đến đau khổ. Sự tương ứng này đạo Phật gọi là «nghiệp báo». Thánh Kinh viết: «Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy» (Gl 6,7); «Gieo gió thì phải gặt bão» (Hs 8,7; x. G 4,8);

– «Gieo ít thì gặt ít, gieo nhiều thì gặt nhiều» (2Cr 9,6): Nhân và quả không chỉ tương ứng về chất, mà còn về lượng nữa. Gieo một hạt thì chỉ được một cây, gieo trăm hạt thì được cả trăm cây.

– Từ lúc gieo đến lúc gặt đòi hỏi phải có thời gian: Thời gian là một yếu tố quan trọng để hạt phát triển thành cây, và để cây ra trái. Thời gian đó lâu hay mau tuỳ từng loại cây. Cây ngô chỉ cần trồng 3 tháng là ra trái, nhưng cây sầu riêng thì phải mất 7 đến 10 năm. Không thể thúc cây mọc nhanh hơn hay giục hoa kết trái sớm hơn. Kết quả của việc lành nhiều khi phải 5, 10 năm sau mới hưởng được. Cũng như hậu quả của một hành động xấu phải 3, 4 năm hay cả chục năm sau mới thấy được. Do đó, nhiều khi phải chờ đợi kết quả, hoặc đừng tưởng sẽ tránh được hậu quả. Rất nhiều trường hợp hành động ở đời này, nhưng đến đời sau mới sinh kết quả hay hậu quả.

– … và phải vất vả bỏ công sức ra: Để cây lúa mọc lên và sinh ra hạt lúa, người nông dân phải cày bừa, gieo hạt, làm cỏ, dẫn nước, trừ sâu, bón phân, rồi gặt, đập lúa và xay lúa. Bao công lao và mồ hôi phải đổ ra: «Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần» (Ca dao). Nhưng công lao và mồ hôi ấy nếu chính đáng sẽ đổi thành vui mừng và hạnh phúc: «Gieo trong đau thương sẽ gặt giữa vui mừng» (Tv 126,5-6).

Ai cũng sợ khổ và muốn được hạnh phúc. Nhưng người khôn thì tránh được khổ và tạo được hạnh phúc, còn người dại tuy muốn tránh khổ nhưng vẫn vướng đau khổ và không tìm thấy hạnh phúc. Vì «người khôn sợ nhân, người dại sợ quả». Muốn tránh khổ thì phải tránh từ nhân. Cứ tạo nhân khổ thì khi quả khổ đến làm sao tránh được? Muốn được phúc thì phải tạo phúc từ nhân. Nếu tạo nhân phúc thì dù chẳng mong cầu, quả phúc vẫn đến.

  1. Luật nhân quả với các mối phúc thật và các mối hoạ thật

Chúng ta dễ hiểu đoạn Tin Mừng hôm nay khi đối chiếu nó với luật nhân quả và niềm tin vào đời sống vĩnh cửu sau cuộc sống ngắn ngủi này. Minh hoạ sau đây cũng giúp ta hiểu đoạn Tin Mừng trên sâu xa hơn.

Trên thế giới, có rất nhiều người đang phải sống trong những chế độ độc tài, thiếu nhân quyền và tự do cần thiết. Họ cảm thấy khó sống nên quyết tâm đi tị nạn, nghĩa là di chuyển với bất cứ giá nào đến những vùng đất tự do để cuộc sống thoải mái hơn. Những người có ý định đi tị nạn này có hai cách suy nghĩ và hai cách sống khi còn ở vùng đất cũ mà họ muốn rời bỏ:

Cách 1: Từ khi có ý định đi tị nạn, họ coi cuộc sống của họ tại vùng đất họ đang sống như cuộc sống tạm bợ, và coi cuộc sống họ sẽ sống tại vùng đất tự do mới là cuộc sống đích thực và lâu dài của họ. Vì thế, nhiều người đến tuổi lập gia đình đã không dấn thân vào tình yêu để không bị cản trở cho việc dời đổi chỗ ở. Nhiều người bị thiếu thốn nghèo khổ nhưng đã từ chối những chỗ làm có lương bổng rất lớn để khỏi bị ràng buộc vào hợp đồng khi cần phải ra đi. Nhiều người rất giàu có, thay vì mua sắm nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ sang trọng như những người giàu có khác, thì lại chấp nhận sống nghèo khổ để có thể dành tiền hầu có thể sử dụng trong cuộc sống mới. Tóm lại, tại vùng đất cũ, họ sống một cách đơn sơ, khó nghèo, làm những nghề tạm bợ để «lấy ngắn nuôi dài», tạm ngưng tiến hành tất cả những chuyện quan trọng trong cuộc đời. Tất cả đều để chuẩn bị cho cuộc sống sau này tại vùng đất tự do.

Cách 2: Mặc dù có ý định đi tị nạn, nhưng những người theo cách này chẳng chuẩn bị gì cho cuộc sống sắp tới. Khi còn sống tại vùng đất mà họ sẽ rời bỏ, họ sống như thể họ sẽ sống ở đấy vĩnh viễn. Vì thế, họ mua sắm nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ như bao người không có ý định tị nạn. Họ tiếp tục tính toán những chuyện lâu dài như dấn thân vào tình yêu hôn nhân, hợp đồng làm ăn lâu dài với nhiều người, v.v… Đến khi được phép ra đi, họ không kịp bán ruộng vườn, nhà cửa, xe cộ, nên phải bỏ lại tất cả. Tình yêu hôn nhân của họ đang tiến hành bỗng dở dang: đi thì đành phải chia tay với người yêu và thành kẻ bội tình, mà muốn chung tình thì phải bỏ ý định đi tị nạn… Các hợp đồng lâu dài bỗng nhiên bị cắt ngang và phải bồi thường (nếu không trả trước khi ra đi thì khi qua vùng đất mới cũng phải trả)… Vì thế, khi đến vùng đất tự do, họ không còn gì, mà nợ nần thì chồng chất.

Giữa hai cách ấy, cách nào khôn ngoan hơn? Khi còn ở vùng đất cũ, những người theo cách 1 phải sống thiếu thốn, khó khăn, đang khi những người theo cách 2 thì sống rất đầy đủ, ung dung. Nhưng khi sang đến vùng đất mới thì ngược lại, người theo cách 1 có một tương lai tươi sáng, còn người theo cách 2 có một tương lai đen tối. Vậy thì sự khó khăn thiếu thốn của những người theo cách 1 ở vùng đất cũ là hoạ hay là phúc? Và sự đầy đủ, ung dung của những người theo cách 2 ở vùng đất cũ là phúc hay là hoạ?

Cuộc đời ta đang sống tại trần gian – mà theo Thánh Kinh thì thủ lãnh của nó là ma quỉ (x. Ga 12,31; 14,30; 16,11; Ep 2,2) – đầy những bất trắc, đau khổ và đầy hạn chế… có khác gì cuộc sống khó khăn dưới một chế độ độc tài. Nhưng cũng theo Thánh Kinh, chúng ta còn có một cuộc sống khác lâu dài hơn, hạnh phúc hơn, tự do hơn rất nhiều ở bên kia cõi chết; đó là đời sau hay cuộc sống vĩnh cửu. Cuộc sống cơ cực đời này kéo dài nhiều lắm khoảng 100 năm, còn cuộc sống hạnh phúc kia kéo dài vô tận. Người Kitô hữu tuy sống ở trần gian, tuy tích cực xây dựng cuộc sống ở trần gian, nhưng tâm hồn luôn ngưỡng vọng về cuộc sống hạnh phúc đời sau. Có hai cách sống ở đời này, tương tự như cách 1 và 2 trong minh hoạ trên.

Mỗi người chúng ta đang sống theo cách nào? Những gì bất lợi cho cuộc sống đời sau, dù nó có đem lại lợi lộc vô vàn ở đời này, cũng là những mối hoạ. Còn những gì thuận lợi cho cuộc sống đời sau, dù có đem lại nhiều bất lợi cho cuộc sống đời này, cũng là những mối phúc. Đặt vấn đề như thế, chúng ta sẽ dễ hiểu được đâu là những mối phúc đích thực, đâu là những mối hoạ đích thực khi ở trần gian này. Nhờ đó ta mới hiểu được những câu nói có vẻ như nghịch lý của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng trên.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con biết luật nhân quả là gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Nếu con gieo nhân thuộc trần gian, con sẽ gặt được những gì thuộc trần gian. Nếu con gieo nhân thuộc vĩnh cửu, con sẽ gặt được những gì thuộc vĩnh cửu. Khi còn ở trần gian, nếu con chỉ gieo nhân thuộc trần gian, thì khi bước sang đời sống vĩnh cửu, con hoàn toàn trắng tay. Nếu ở đời này, con gieo nhân cho đời sau, thì đời sau con sẽ giàu có, nhưng đời này con phải chấp nhận cuộc sống chỉ tạm đủ với những gì tình thương quan phòng của Cha ban cho con. Xin cho con nhận ra đâu là cách gieo nhân khôn ngoan nhất, đem lại lợi ích cho con nhất.

 

home Mục lục Lưu trữ