Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 31

Tổng truy cập: 1379977

CHUYỆN KHÔN, DẠI

Chuyện khôn, dại

(Suy niệm của Trầm Thiên Thu)

Ngay trong cuộc sống đời thường cũng luôn có nhiều “chuyện lạ”, nhưng mỗi chuyện đều có những mức độ “lạ” khác nhau, thậm chí là khác hẳn. Tốt cũng “lạ”, xấu cũng “lạ”. Vì vậy mà cần phải tỉnh táo, biết phân biệt cái gì đúng hoặc cái gì sai. Đó là người thông minh và khôn ngoan. Chúa Giêsu dạy cách xử sự: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10:16).

Sự khôn ngoan rất quan trọng trong mọi trường hợp. Kinh thánh cho biết: Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình, dựng lên bảy cây cột, hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn và sai các nữ tỳ ra đi. Đức Khôn Ngoan còn lên các nơi cao trong thành phố và kêu gọi: “Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây!” (Cn 9:4). Với người ngu si, Đức Khôn Ngoan bảo: “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết” (Cn 9:5-6).

Đường lối Chúa luôn cao siêu và kỳ diệu, vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải thầm nhủ: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Ngài chẳng ngớt trên môi” [Tv 33 (34):2], đồng thời còn nói cho người khác biết: “Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa, xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Ngài” [Tv 33 (34):3-4], rồi giải thích lý do: “Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Ngài đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng” [Tv 33 (34):5]. Tình yêu của Thiên Chúa bao la, lòng thương xót của Ngài vô biên, chắc chắn rằng “ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi” [Tv 33 (34):6]. Sự thường thì “vô tri, bất mộ”. Nhưng một khi đã “nếm thử” sự ngọt ngào của Ngài rồi, người ta sẽ khiêm nhường khi làm chứng về Ngài: “Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn” [Tv 33 (34):7].

Thánh vịnh 33 (34) muốn nhắc nhở chúng ta một điều: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!” [Tv 33 (34):9]. Nghiệm ra Chúa rồi thì người ta sẽ thêm khôn ngoan, biết sống theo lời khuyên tốt lành: “Phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa; hãy làm lành, lánh dữ;, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà” [Tv 33 (34):14-15].

Tục ngữ Việt Nam khuyên: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Đó là phép lịch sự cơ bản nhưng lại thể hiện sự ý tứ, tinh tế và khôn khéo. Thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối” (Ep 5:15-16). Thánh nhân “vuốt mặt” mà không cần “nể mũi”, cứ nói thẳng nói thật: “Anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là Ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí” (Ep 5:17-18). Đó mới là cách sống khôn ngoan, mà người nào có “sống khôn” thì mới có thể “chết thiêng”. Hệ lụy lô-gích!

Ngày xưa, những người có “máu nhạc” bị coi là “xướng ca vô loài”, nghĩa là “không giống ai” theo dạng “kỳ quặc”, kiểu như “con giáp thứ 13” không hề có trong số các con giáp. Thế nhưng Thánh Phaolô lại khuyên: “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5:19). Đặc biệt hơn, thánh nhân nhấn mạnh: “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Ep 5:20). Tạ ơn khi vui mừng và may mắn thì đó là điều dễ dàng, không có gì đáng nói; nhưng tạ ơn khi buồn rầu và kém may mắn thì đó mới là điều đáng nói. Khó lắm! Nhưng Thánh Gióp đã làm được điều đó, dù đời ông là bản “trường ca đau khổ”. Chúng ta phải nỗ lực noi gương Thánh Gióp vậy!

Nếu lần đầu nghe Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6:51). Liệu chúng ta có thể tin “chuyện động trời” như vậy? Chắc là không! Người Do-thái khi nghe Chúa Giêsu nói vậy, họ liền tranh luận sôi nổi với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6:52). Ăn thịt sống của động vật đã là “điều lạ”, huống chi là “ăn thịt và uống máu người”. Phải nói là kinh dị! Chắc là Chúa Giêsu cười thầm trong bụng. Biết họ không thể tin vì “chói tai”, nhưng Ngài vẫn xác quyết: “Thật, Tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống” (Ga 6:53-55). Chắc là lúc đó ai cũng trố mắt ngạc nhiên, nhưng vẫn há hốc mồm miệng và vểnh tai nghe “điều lạ”. Chúa Giêsu nói tiếp: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Ttôi, và Tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” (Ga 6:56-57).

Chúa Giêsu là nhà hùng biện vĩ đại. Họ im lặng tức là có cảm giác “khác” rồi. Đúng là “lời nói lung lay, gương lành lôi kéo”. Ngài tiếp tục tái xác định: “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:58).

Có lý lắm. Chắc hẳn lúc đó có nhiều người đang “mềm” lòng như sáp nến gặp lửa nóng vậy. Trong số những người khôn thì chắc cũng không thiếu những người dại. Họ dại vì họ cố chấp, biết đúng mà cứ muốn chứng tỏ “bản lĩnh” của mình; họ dại vì quá tự ái, cái “tôi” lớn hơn cái “chúng ta”; họ dại vì không muốn tin vào quyền năng của “chàng trai trẻ” Giêsu.

Và chúng ta ngày nay cũng thế thôi, có người khôn và cũng có người dại!

Lạy Chúa, xin giúp chúng con được đức khôn ngoan và đức khiêm nhường để sống tốt lành ngay trên trần gian này, để chúng con được mãi mãi “ở lại trong tình thương của Chúa” (Ga 15:9). Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

 

47. Khôn Ngoan Nhập Thể và Bánh Hằng Sống

(Suy niệm của Đức ông James M. Reinert – Đan Quang Tâm dịch)

Ba tuần trước, ta nghe đọc trình thuật của Thánh Gioan về một trong những dịp Đức Giêsu cho hàng ngàn người ăn bằng mấy cái bánh và vài con cá. Như trong các trình thuật khác, ta thấy rằng có một sự ê hề dẫy tràn. Chẳng những đủ cho người ta ăn – mà phần dư thừa để lại cũng nhiều, ngay cả sau khi ai nấy đều ăn no.

Từ sau ngày hôm nay trở đi, ta sẽ nghe thêm một bài trích từ Chương sáu Phúc âm Thánh Gioan. Đức Giêsu tiếp tục đưa ra mối liên quan đến điều Người hứa về “bánh hằng sống” và câu truyện Cựu Ước về việc Thiên Chúa nuôi dân Israel ăn trong sa mạc. Người bồi dưỡng cuộc sống của họ nơi sa mạc. Người bồi dưỡng cuộc đời của họ về mặt thể lý và Đức Giêsu sẽ bồi dưỡng chúng ta về mặt tâm linh.

“Niềm hy vọng Kitô giáo đem lại năng lượng lớn lao cho việc dấn thân trong lĩnh vực xã hội vì niềm hy vọng này tạo ra niềm tin vào khả năng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, mặc dù sẽ không bao giờ có “một thiên đàng hạ giới”. Các Kitô hữu, đặc biệt là giáo dân, được thôi thúc hành động sao cho “sức mạnh của Tin Mừng chiếu soi trên đời sống gia đình và xã hội hàng ngày của mình. Họ hành xử với tư cách con cái của lời hứa và vì vậy, mạnh mẽ trong niềm tin và hy vọng, họ biết tận dụng thời buổi hiện tại (x. Ep 5,16; Cl 4,5) và bền chí chờ đợi vinh quang sẽ đến (x. Rm 8,25). Vì vậy, họ đừng giấu kín niềm hy vọng này tận nơi thâm sâu của lòng mình, nhưng hãy diễn tả ra qua việc hoán cải không ngừng và qua việc chiến đấu “chống lại những lực lượng thống trị thế giới tối tăm này, chống lại những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6,12). Động lực tôn giáo đàng sau sự dấn thân đó có thể không được tất cả mọi người chia sẻ, nhưng các xác tín luân lý nảy sinh từ động lực ấy tạo thành một điểm gặp gỡ giữa các Kitô hữu và tất cả những người thành tâm thiện chí” (Sách Tóm lược HTXHCG, 579).

Bài đọc Sách Cách ngôn bảo ta rằng tất cả điều này nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Đối với tác giả, khôn ngoan là một điều gì đó “cụ thể”, một điều gì đó hữu hình, một điều gì đó chiếm hữu – theo cùng phương cách ta cảm thấy về quan hệ của ta với Thiên Chúa. Mọi thứ được chuẩn bị cho ta – các lời mời đã được đưa ra. Bài Đọc thứ nhất không bảo ta liệu lời mời đến dự bữa tiệc này đã được chấp nhận hay không và lời mời ấy có thể thấy dễ dàng như một điều gì đó mà nhân loại đã phấn đấu qua các thời đại.

Đức Giêsu đã chuẩn bị loại tiệc cưới đó và đưa ra cùng một lời mời: chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa, lắng nghe lời Người, đặt niềm tin vào điều bạn nghe, chia sẻ trong thân mình và máu của Người và để cho Đức Giêsu lôi kéo bạn đến với Người.

Kết quả? Như Thánh Phao lô viết cho cộng đoàn Êphêxô: “Hãy biết tận dụng thời buổi hiện tại… đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa”. Thánh Phaolô yêu cầu các thành viên của cộng đoàn hãy sử dụng các ơn đã được ban cho họ… chấp nhận lời mời và lắng nghe, đặt lòng tin vào lời của Thiên Chúa và hãy để cho Đức Giêsu lôi kéo họ vào ơn cứu độ và sự sống đời đời mà Người hứa.

Rồi Thánh Phaolô thêm vào quyền năng và công trình của Chúa Thánh Thần. Người bảo cộng đoàn “hãy thấm nhuần Thần Khí”. Chỉ qua việc sống một đời sống yêu thương huynh đệ trong cộng đoàn thì mới họ bỏ ngỏ cho Thần Khí làm việc và nhờ thế mà họ mới thờ phượng Thiên Chúa một cách chân thực.

Một lần nữa, với lời nhắc nhở được Đức Giêsu ban cho ta vào cuối bài đọc Phúc âm ngày hôm nay, ta thấy rằng đây không những là một bộ phận trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người nhưng các quà tặng này cũng đã được đề nghị qua các thời đại và bây giờ ta, một lần nữa, được mời gọi, chấp nhận, lời mời dự yến tiệc trên trời của Thiên Chúa. Ta quả là một dân tộc của niềm cậy trông.

 

48. Thánh Thể

Suy niệm

Ăn thịt và uống máu người mình yêu là điều khủng khiếp chẳng ai dám nghĩ tới. Nhưng Đức Giêsu lại muốn nuôi cả nhân loại bằng Thịt và Máu Ngài. Và thực sự Ngài đã nuôi ta bằng cái chết thập giá – ở đó Ngài đã hy sinh Máu Thịt mình. Đúng hơn, Ngài nuôi chúng ta bằng sự sống của Ngài: sự sống được trao đi qua cái chết tự nguyện, và sự sống được lấy lại qua phục sinh vinh quang.

“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (c.56). Từ sau bữa Tiệc Ly, Hội Thánh đã tin vào sự hiện diện đích thực của Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, trong hình bánh rượu. Như Hội Thánh dạy, chắc chắn Chúa Kitô hiện diện với chúng ta bằng nhiều cách, nhưng cách riêng là dưới hình bánh rượu.

Thánh Thể là một hy tế: hy tế cứu chuộc và đồng thời là hy tế của Giao Ước mới. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập hy tế tạ ơn bằng Mình và Máu Người, nhờ đó hy tế thập giá được kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để lại cho Hội Thánh việc tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Người. Rước lễ là đón lấy dòng sự sống, chấp nhận sống nhờ. Như Đức Giêsu sống nhờ Cha và chúng ta sống nhờ Đức Giêsu (c.57). Như cành nho sống nhờ thân cây nho, chúng ta cũng sống nhờ, sống trong và sống cho Chúa.

Trong phép Thánh Thể, Chúa Giêsu là lễ vật Chúa Cha ban tặng cho chúng ta để được hiến tế, hầu thanh tẩy và giao hòa chúng ta với Người. Hy tế của Chúa Kitô và hy tế tạ ơn trong thánh lễ chỉ là một vì cùng có một lễ vật là Chúa Giêsu, chỉ khác về cách dâng hiến. Hy tế của Chúa Kitô cũng là hy tế của các chi thể của Thân mình Người. Cuộc sống của các tín hữu, công việc, đau khổ, lời ca ngợi, kinh nguyện của chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô và lễ dâng toàn hiến của Người và nhờ đó có được một giá trị mới.

Thánh Thể là lương thực nâng đỡ và biến đổi Giáo Hội từ bên trong, nhờ đó chúng ta được đồng hóa với Chúa Kitô, được biến đổi thành con người mới, kết hợp mật thiết với Chúa, là Đầu của Nhiệm thể.

Sự sống mới mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể biến thành “liều thuốc trường sinh bất tử, để được mãi mãi sống trong Chúa Kitô”. Là những người sống nhờ Chúa Kitô, và Chúa Kitô muốn cho tất cả chúng ta được sống dồi dào, chúng ta phải công bố tính cách thánh thiêng của sự sống con người.

Dâng hy tế của Chúa Kitô cách đích thực có nghĩa là tiếp nối hy tế này bằng một cuộc sống hiến dâng cho kẻ khác. Cũng như Chúa Kitô đã hiến mình làm hy tế dưới hình bánh rượu, chúng ta cũng phải hiến thân cho người đồng loại, qua việc phục vụ khiêm hạ trong tình huynh đệ xứng với phẩm giá con người.

Vậy Thánh Thể mà chúng ta cử hành và chia sẻ trong bữa tiệc thánh, mời gọi chúng ta kết hợp việc bẻ bánh với việc chia sẻ của cải, quyên góp để trợ giúp những người túng thiếu nhất, thắng vượt mọi chia rẽ và kỳ thị. Chứng tá tình yêu này là một yếu tố không thể thiếu trong việc Phúc Âm hóa đích thật.

Lạy Chúa Giêsu, nhờ Lời Chúa và Thánh Thể, chúng con hy vọng chắc chắn sẽ được sống lại và được sống muôn đời với Chúa. Xin giúp chúng con biểu lộ lòng tin này trong việc đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể, trong cuộc sống hiệp nhất với nhau và trong tình liên đới với mọi người.

 

49. Lương thực nuôi hồn

(Suy niệm của Tu sĩ Phạm Hùng Cường)

Qua đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe tôi nghĩ đến một câu truyện được kể rằng:

Trong trận thế chiến thứ hai, quân phát xít Đức kéo vào những làng mạc giết hại người dân vô tội, một cuộc càn quét thật dữ dội và ác nghiệt, thấy thế chị Êlen vội bế con mình xuống hầm trốn, mẹ con chị đã hơn ba ngày ở dưới hầm mà bọn lính vẫn rảo quanh tìm kiếm những người sống xót để sát hại, sự tìm kiếm ấy mỗi lúc một gắt gao hơn. Với thời gian chị Êlen vừa đói vừa phải lo bảo vệ đứa con của mình nên đã cảm thấy mệt, đồng thời đứa bé trên tay lại luôn miệng kêu mẹ ơi con khát, vừa nghe lời đó chị Êlen thấy người mình run lên và lòng như lửa đốt, chị run lên vì sợ rằng qua tiếng kêu đó quân lính sẽ phát hiện ra mẹ con chị, còn chị như lửa đốt là bởi vì thương con đang đói, nên chị ôm ghì chặt con vào lòng, sau giây lát đứa bé lại rên rỉ kêu mẹ! con khát! Chị Êlen quờ quạng xem có tìm được gì cho con uống để đỡ khát chăng. Nhưng cũng chẳng có gì ngoài bóng tối, đứa con lại kêu lên Mẹ! khát! Chị Êlen xoay người, đưa tay lên miệng cắn đứt đầu ngón tay rồi đút vào miệng con và nói uống đi con nước đây! Chị Êlen lúc này cảm thấy như toàn bộ dòng máu trong cơ thể đang truyền sang đứa con của mình và từ đó người con ấy được hết khát.

Kính thưa qúy ông bà và toàn thể anh chị em đói đã là một nỗi lo cho con người nhưng khát còn là điều đáng lo hơn.

Qua câu chuyện trên đây thiết nghĩ rằng: Đối với mỗi người chúng ta, chúng ta chỉ bỏ một ngày không ăn uống gì là chúng ta đã cảm thấy khó chịu hoặc đói lả, chúng ta phải đi tìm cho mình những gì có thể giúp mình vượt qua cơn đói khát này. Vâng!thể xác là thế đó. Còn linh hồn thì sao? Chúng ta có thể để cho linh hồn chúng ta đói khát không? Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng để linh hồn mình đói, nhưng nhiều khi chúng ta đã không nhận ra, mà chúng ta chỉ thấy bình thừơng như không có gì xẩy ra, thực ra cái bình thừơng ở đây lại là cái không bình thường. Không bình thường là vì linh hồn là sức sống cho thể xác, mà một khi thể xác không còn nhạy cảm nữa, thì cũng chính là lúc linh hồn đã suy thoái, tàn phai như thế làm sao có thể tồn tại được.

Vậy để có được một linh hồn khoẻ mạnh, chúng ta hãy cho linh hồn chúng ta được ăn uống đầy đủ. Lương thực của linh hồn ở đây không phải là thịt, cá hay rau quả mà chúng ta thường dùng hàng ngày, nhưng chính là mình và máu Chúa Giêsu, Chúa sẵn sàng cho chúng ta con người của Ngài.Ngài không nề quản bất cứ điều gì với chúng ta, Ngài sẵn sàng chịu nghèo đi để chúng ta được giầu có, Ngài bằng lòng chiụ đau khổ để chúng ta được hạnh phúc, Ngài chấp nhận chết đi để chúng ta được sống, tất cả những điều đó đều nhắm tới một mục đích duy nhất là để được kết hợp giữa Ngài với chúng ta. Một sự kết hợp không chỉ dừng lại ở gặp gỡ nhưng phải đạt đến đỉnh điểm là nên một với Ngài. Ngài đã hứa với chúng ta rằng “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi”

Vì thế, trước khi chịu tử nạn Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể để ở với chúng ta, và cho chúng ta đuợc no thỏa mỗi ngày qua Thánh lễ, có như thế chúng ta mới có thể cảm nghiệm được tình thương của Chúa dành cho chúng ta mỗi ngày một sâu hơn, khăng khít hơn và Chúa còn nói rằng: “Ai ăn thịt ta và uống máu ta, thì ở trong ta và ta ở trong kẻ ấy”. Từ đó ta thấy tình thương của Chúa dành cho ta thật bao la, hải hà. Nhưng chúng ta đã đáp trả lại tình thương ấy thế nào? hay đã nhiều lần chúng ta đáp trả tình thương đại lượng ấy bằng sự so đo, tính toán, ích kỷ… thậm chí có thể nói chúng ta còn làm ngơ trước tiếng mời gọi của Chúa. Trong khi đó Chúa thì mong sao có người đến nói chuyện và dùng bữa với Chúa, nhưng ngày qua ngày cũng chỉ có ta với ta. Vâng! Con người chúng con là thế đó!

Lạy Chúa chúng con là những con người yếu đuối thường hay phản bội, xin cho chúng con có được linh hồn khoẻ mạnh để soi sáng cho chúng con luôn nhận ra và chống lại những trước cám dỗ trong cuộc đời. Từ đó chúng con sẽ nhạy cảm hơn khi thấy linh hồn mình đói, có như thế chúng con mới biết chạy đến với Chúa, để Chúa cho linh hồn chúng con ăn từ đó linh hồn chúng con sẽ không bị đói nữa và sẽ được sống đời đời.

 

50. Suy niệm của Lm Vũ Xuân Hạnh.

“Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Chữ “manna” chắc hẳn không còn lạ lẫm gì với bạn và tôi. Chúng ta nghe rất nhiều khi đọc Thánh Kinh Cựu ước, nhất là sách Xuất hành. Sách Tân ước cũng đã có nhiều lần nhắc lại. Đặc biệt trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc lại từ “manna” như một so sánh kém hơn để nói về bí tích Thánh Thể, của ăn cao quý. Vậy manna có nghĩa là gì?

Câu chuyện về manna thật lạ lùng. Nó như một phương tiện cứu đói mà Thiên Chúa quan phòng, qua đó đã tỏ bày lòng yêu thương đối với dân của Người. Ngày ấy, dân đi trong sa mạc đến bốn mươi năm. Sa mạc chứ đâu phải đồng bằng. Đồng bằng còn có người khổ, người đói nói gì đến sa mạc đầy khắc nghiệt, đầy nguy nan. Vì thế cuộc sống sa mạc dẫu có đói rét, thiếu thốn đến mức cùng cực, không thể vượt qua đi nữa, vẫn là điều không lạ. Thiên Chúa nhìn thấy nỗi lầm than ấy của dân chúng. Manna là quà tặng mà Người ban cho họ để không chỉ làm lương thực mà còn giáo huấn họ về lòng yêu thương vô cùng của Người. Người cho họ biết rằng, giữa nỗi cơ cực trăm chiều, Người vẫn ở bên họ, Người rất gần với họ.

Manna giống như một thứ nhựa cây, cứng lại khi gặp không khí. Muốn ăn, người ta phải giã nát ra rồi nướng thành bánh. Manna có đủ mọi mùi thơm ngon, điều đó biểu trưng cho lòng nhân hậu của Chúa.

Chúa Kitô ví Thịt Máu Người là BÁNH. Nói cho trọn nghĩa, Bánh ở đây nghĩa là lương thực. Lương thực – Bánh – này “bởi trời xuống”. Vì thế Bánh này là Bánh mà không một thứ lương thực nào ví bằng. Dẫu là manna, dẫu là lương thực đã từng biểu trưng cho lòng thương xót của Thiên Chúa với dân Người, vẫn không thể và không bao giờ có thể mảy may sánh được. Bởi thế Chúa Giêsu khẳng định: “Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Nếu ngày xưa, manna như một thứ nhựa cây, ngày nay bánh Thánh Thể chính là Mình Máu Đấng là Thiên Chúa làm người. Nếu ngày xưa ăn manna chỉ là ăn bánh, ngày nay lãnh nhận bí tích Thánh Thể là ăn chính Chúa Kitô. Ngày xưa manna là quà tặng do lòng thương xót của Chúa dành cho dân, thì hôm nay lòng thương xót của Thiên Chúa đã trao tặng con người chính Người Con Một dấu ái. Ngày xưa manna chỉ là của ăn mang lai sự no nê cho thân xác, ngày nay Mình Máu Chúa Kitô trở thành Thần Lương không chỉ nuôi sống linh hồn mà còn củng cố khả năng hướng thiện của người rước lấy. Ngày xưa manna chỉ là phương tiện cứu đói tạm thời, ngày nay Mình Máu Chúa Kitô không chỉ là lương thực giúp người tín hữu có đủ sức mạnh, đủ nghị lực tiếp bước hành trình về quê trời, mà còn đưa họ vào vĩnh cửu và sống vĩnh cửu. Ngày xưa manna cho thấy Chúa không bỏ dân của Người, ngày nay Chúa hiện diện giữa Hội Thánh và hiện diện giữa thế giới này bằng chính Con của Người trong bí tích Thánh Thể. Còn hơn cả mọi hiện diện bình thường, nơi bí tích ThánhThể, người cô đơn tìm được nguồn an ủi; người yếu đuối tìm được sức mạnh; người tội lỗi tìm được ơn tha thứ; người đau đớn tìm được sự chữa lành; người bất hạnh tìm được nghị lực tinh thần; người mất niềm tin vào cuộc đời, vào con người tìm được chỗ nương thân; người hấp hối tìm được sự nâng đỡ vững vàng để bước ra khỏi cuộc đời; người bị bỏ rơi tìm được nguồn tình yêu chất chứa đầy sự thông cảm và âu yếm… Và còn một ý nghĩa quan trọng, rất quan trọng: Nếu ngày xưa manna là của ăn nuôi thân xác, ngày nay còn hơn bất cứ của ăn nào, Mình Máu Chúa Kitô ban cho ta ơn thần hoá…

“Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”. Bằng những lời chân thành như thế, Chúa Giêsu giới thiệu cách long trọng Bánh hằng sống, Bánh muôn đời tồn tại và đầy quyền năng trao ban ơn sống đời vĩnh cửu cho tất cả những ai rước lấy với lòng trong sạch, đơn sơ, ngay lành. Bánh ấy, quyền năng ấy chỉ có thể được trao ban bởi một mình Thiên Chúa mà thôi. Vì thế, Thiên Chúa đã làm người, để bằng tất cả mọi sáng kiến của Người, ta được sung mãn đến mức làm một với Thiên Chúa. Bởi vậy, khi dạy hãy ăn Thịt và uống Máu Người, Chúa Giêsu muốn ta đời đời ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa trong ta. Người muốn ta dùng chính nhân tính của Người mà nuôi dưỡng tâm trí và linh hồn ta. Người muốn ta hãy bồi bổ đời sống của mình bằng sự sống của Người cho đến khi trong ta thấm đẫm, tràn ngập và đầy dẫy sự sống của Thiên Chúa.

Vì Thánh Thể là một sự bồi bổ thần linh tuyệt hảo như thế, nên ăn Chúa Kitô là sống bằng chất bổ dưỡng có tên là CHÚA KITÔ. Vì thế việc rước lễ thường xuyên, cũng có nghĩa là ngay từ bây giờ bạn và tôi đã bước vào đời vĩnh cửu và chắc chắn sẽ được sống đời vĩnh cửu ấy.

 

home Mục lục Lưu trữ