Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 42

Tổng truy cập: 1380098

CỘI NGUỒN CỦA SỰ ÁC

CỘI NGUỒN CỦA SỰ ÁC- Lm Inhaxiô Trần Ngà

Trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh, có hàng ngàn người xuống đường tuần hành qua các đường phố, hô to các khẩu hiệu chống chiến tranh. Ban đầu người ta hô: “đả đảo bom giết người!”

Sau đó, trong đám đông tham gia biểu tình có cuộc tranh luận nhỏ: “Làm gì có bom giết người! Bom đạn có giết ai đâu? Chỉ có những con người ác tâm tạo ra bom đạn, rồi đem bom bỏ lên đầu người khác mới gây nên tội giết người.”

Thế là sau đó, người ta hô khẩu hiệu khác, hợp tình hợp lý hơn: “Đả đảo những kẻ giết người!”

Nhưng rồi lại có người bàn thêm: “Đâu phải tự dưng mà người lại giết người. Phải có động cơ nào đó thúc đẩy mới có chuyện giết người. Nếu không có lòng tham lam, ghen tị và những dục vọng xấu xa thúc đẩy, nào có ai lại đi giết người?” Nhiều người đáp lại: “Chí lý! Chí lý!”

Thế là cuối cùng, mọi người hô to khẩu hiệu khác: “Đả đảo lòng tham lam! Đả đảo lòng ghen tị! Đả đảo lòng hận thù!” (dựa theo Cha Anthony de Mello)

Thưa quý ông bà anh chị em,

Chính những dục vọng đen tối trong lòng người mới là nguyên nhân chính gây nên mọi xấu xa trong cuộc đời.

Vì chưa hiểu điều nầy, những người biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu cứ lo rửa cho sạch bên ngoài mà không lo rửa sạch nội tâm. Họ luôn rửa tay trước khi dùng bữa, hô hào mọi người hãy làm như họ, cho rằng đó là việc quan trọng cần làm và họ trách các môn đệ Chúa Giêsu vì các ông nầy bỏ qua tập tục đó.

Nhân cơ hội đó, Chúa Giêsu dạy cho các ông một bài học: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. 21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

Để hiểu rõ hơn bài học nầy, chúng ta hãy nhìn lại trường hợp Cain và Aben. Cain và Aben là hai anh em ruột thịt hằng ngày vẫn thường yêu mến nhau, vui đùa với nhau, hoà thuận với nhau.

Thế rồi, sau khi thu hoạch hoa màu lợi tức, hai anh em cùng nhau dâng của lễ đầu mùa lên Thiên Chúa. Thiên Chúa nhận lễ vật của Aben mà từ khước lễ vật của Cain.

Thế là từ đó, trong lòng Cain phát sinh một mối ghen tị, hận thù. Lòng ghen tị lớn dần lên lấn át cả tình anh em ruột thịt khiến Cain dụ em ra đồng và xông vào đánh chết người em.

Chính lòng ghen tị trong tâm hồn Cain là nguyên nhân chính xui khiến anh giết chết Aben.

Một trường hợp tương tự khác là vua Sao lê và Đavít.

Thời ấy, Gô-li-át là kiện tướng của quân Philitinh, một con người khổng lồ lại có sức mạnh vô địch khiêu chiến với người Israel. Trong hàng ngũ quân Ít- ra-en không ai có thể đương đầu được với con người khổng lồ ấy.

May thay, Đavít xuất hiện kịp thời. Cậu dùng ná bắn lủng trán Gô-li-át, rồi dùng chính gươm của y mà chặt đầu y. Thừa cơ hội tốt, quân Israel xông lên đánh tan quân địch không còn manh giáp.

Dân chúng Israel tuôn ra đường tung hô ca tụng vị anh hùng trẻ tuổi Đavít. Họ ca lên rằng: “Vua Sao-lê giết được một ngàn, còn Đavít giết được hàng vạn”.

Lời ca tụng đó vẳng đến tai vua Sao-lê. Lòng ghen tị xuất hiện và nung nấu tâm hồn ông. Thế là vua thay lòng đổi dạ: trước đây vua yêu thương Đavít bao nhiêu thì giờ đây vua căm thù Đavít bấy nhiêu. Nhà vua bất thần lấy giáo phóng vào Đavít khi cậu gảy đàn cho vua nghe. Đavít lách mình tránh thoát cái chết trong gang tấc. Sau đó vua đem quân truy lùng tận những hang núi sâu để tiêu diệt vị anh hùng tài năng và dũng cảm nầy.

Đúng là những gì xấu xa bên trong lòng người mới làm cho người ta ra nhơ uế.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn thật sâu tận đáy lòng mình để quan sát những ham muốn xấu xa, những kiêu căng và ghen tị, những tham lam và thù ghét đang âm ỉ trong lòng. Chính những thứ đó mới là nguyên nhân gây nên tội ác, tạo nên mọi điều xấu xa.

Nếu chúng ta không nhận diện được chúng, không nhổ bỏ chúng khỏi tâm hồn mình, thì dần hồi chúng sẽ lớn dần lên và xô đẩy chúng ta vào tội ác, khiến tương quan giữa chúng ta với người khác ngày càng tồi tệ, làm cho đời sống thiêng liêng của chúng ta suy sụp hoàn toàn.

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN- Năm B

LUẬT CHÚA BAN HÀNH NHẰM THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI- Lm. Trần Bình Trọng

Luật Chúa được ban hành là để hướng dẫn đời sống con người và nhắc nhở cho loài người bước đi theo đường lối chính trực nhằm thăng tiến hoá đời sống con người. Như vậy mục đích của việc giữ luật là nhằm giải phóng con người khỏi sống theo bản năng và khỏi áp dụng luật rừng. Trong bài trích sách Đệ nhị luật, Môsê nhắc nhở cho họ: Hãy tuân giữ những mệnh lệnh của Chúa là Thiên Chúa chúng ta mà tôi truyền cho anh em (Đnl 4:2). Theo ông Môsê thì nhờ việc giữ luật, họ sẽ được các dân tộc coi là khôn ngoan và thông minh (#nl 4:6) vì họ có Chúa ở gần kề và hướng dẫn đời sống họ.

Tuy nhiên nhóm người Pharisêu và kinh sư lại toan đè nặng trên dân chúng với nhiều khoản luật chi tiết của tiền nhân. Theo Phúc âm thì nhóm người Pharisêu là phe biệt phái, nằm trong Do thái giáo. Theo sử gia Josephus, có chừng sáu ngàn người Pharisêu thời vua Hêrôđê. Họ thường phê bình chỉ trích, bắt bẻ và chống đối Đức Giêsu và các môn đệ. Thánh Phaolô tông đồ là cựu thành viên của phái Pharisêu. Ông Nicôđêmô (Ga 3; 7:45-48) và ông Ga-ma-li-ên (Cv 5:34) cũng là người Pharisêu. Còn nhóm kinh sư là những học giả và trí thức trong đạo Do thái, được nhận tước hiệu ráp-bi hoặc người chỉ đạo. Họ không thuộc phe đảng nào. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều người kinh sư thuộc phái Pharisêu nên họ cũng tỏ thái độ và hành động chống đối Chúa như phái Pharisêu.

Trong Phúc âm hôm nay, hai nhóm Pharisêu và kinh sư quan sát thấy vài môn đệ của Đức Giêsu dùng bữa mà không rửa tay nên bèn thắc mắc, đặt vấn đề với Chúa. Mối bận tâm của họ không có liên quan đến vấn đề vệ sinh, nhưng chỉ là hình thức đạo đức bề ngoài. Họ nhấn mạnh đến việc rửa tay cho được sạch bên ngoài, mà không quan tâm đến việc tẩy rửa tâm hồn bên trong. Việc rửa tay bên ngoài của họ là một việc làm trống rổng, không có ý nghĩa và không có giá trị thiêng liêng. Vì thế Đức Giêsu cảnh giác thái độ giả hình của họ vì họ giữ luật vụ vào hình thức bên ngoài.

Theo luật truyền khẩu và tập tục Do thái trong sách Tan-mút thì nghi thức rửa tay trước khi ăn không buộc hết mọi người, mà chỉ có hàng tư tế mới phải theo. Sách Tan-mút sưu tầm luật truyền khẩu và tập tục Do thái không được ghi trong Bộ luật viết ra của sách luật Tora, cũng gọi là sách Ngũ kinh, là năm cuốn sách đầu của Kinh thánh Cựu ước. Theo nghi thức rửa tay được kể lại trong sách Tan-mút, thì nước phải đổ trên mỗi tay hai lần. Lượng nước cũng được qui định đổ cho tới cổ tay. Tại Galilê, vì thiếu nước nên người ta thường bỏ qua việc rửa tay trước khi ăn. Tuy nhiên nhóm người Pharisêu và kinh sư từ Giêrusalem lên vẫn đòi phải áp dụng luật này.

Đức Giêsu cảnh giác nhóm người Pharisêu và kinh sư vì họ đã đi lạc đường lối, toan nô lệ hoá con người bằng việc giữ tập tục của tiền nhân. Họ giữ luật theo hình thức bên ngoài, mà tâm hồn họ xa Chúa và họ còn sống đời bất công. Do đó Đức Giêsu cảnh giác họ: Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm (Mc 7:8a). Người còn trích lời ngôn sứ Isaia để quở trách họ: Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta (Mc 7:6).

Chúa Giêsu còn dùng cơ hội này để cảnh giác dân chúng và các môn đệ là chỉ có gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế như: Những ý định xấu, tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ bánh, kiêu ngạo, ngông cuồng (Mc 7:21-22).

Lời Chúa cảnh giác nhóm người Pharisêu và kinh sư trong Phúc âm phải nhắc nhở ta dùng những cơ hội có thể để tự xét và tự kiểm. Kết quả của việc tự xét và tự kiểm về đời sống nội tâm, có thể làm ta hài lòng hay trách mình. Tuy nhiên ta phải trung thực với lòng mình, nghĩa là phải biết chấp nhận sự thực về mình dù sự thật có đau lòng. Nếu tự xét, ta có thể khám phá ra thái độ giả hình của người Pharisêu và kinh sư cũng có thể ăn rễ sâu trong đời sống đạo đức của ta. Ta có thể tuân giữ luật Chúa mà không phát xuất từ nội tâm, không do lòng mến thúc đẩy, như là giữ luật Chúa vì sợ tội hoặc giữ luật Chúa để được tiếng khen là mình đạo đức chứ không phải do lòng mến.

Giữ luật theo kiểu người Pharisêu và kinh sư khiến người ta trở thành nô lệ cho luật, làm cho đời sống trở nên cằn cỗi. Giữ luật vị luật khiến cho luật trở thành bất động và bất biến. Giữ luật vì yêu mến thì luật sẽ trở thành luật biến đổi, luật trổ bông. Việc giữ luật như vậy có tính cách biến đổi, mang lại hoa quả thiêng liêng cho đời sống. Đối với người con thảo có tâm hồn đạo hạnh thì việc tuân giữ luật Chúa và tìm sống theo thánh chỉ của Chúa phải là khát vọng của họ. Và phần thưởng dành cho người tuân giữ giới răn Chúa và sống theo thánh chỉ của Chúa là có được tâm hồn bình an và thư thái trong cõi siêu việt.

Lời cầu nguyện xin cho tâm hồn và đời sống được biến đổi trong việc tuân giữ giới răn:

Lạy Chúa là Thiên Chúa, Đấng thông biết mọi sự,

và thấu suốt cõi lòng người.

Chúa là Đấng đáng tôn thờ, chúc tụng và yêu mến.

Xin tha thứ những lần:

con chỉ thờ Chúa bằng môi miệng bên ngoài,

mà lòng thì xa Chúa.

Xin giúp con làm mọi việc vì yêu mến Chúa

đễ lời cầu nguyện của con được đi đôi với việc làm,

cho đời sống con được thăng tiến hoá. Amen.

*******

Lạy Chúa là Đấng thông biết mọi sự, Chúa thấu suốt lòng con. Chúa là Đấng đáng tôn thờ, chúc tụng, ngợi khen và cảm mến

Xin tha thứ

* những lần con chỉ thờ Chúa bằng môi miệng bên ngoài, mà lòng con xa Chúa,

* những lần con cầu nguyện cách máy móc mà thiếu tâm tình xác tín.

* những lần con chỉ đóng vai trò bàng quan mà không thực sự tham dự vào việc thờ phượng.

* những lần con tiếc rẻ thời giờ với Chúa bằng cách luôn đi lễ trễ và ra về sớm

Xin tha thứ

* những lần con quá quan tâm đến lỗi lầm của ngưòi khác

* những lần con nhạo cười người khác khi họ bày tỏ đức tin bằng lòng đạo đức chân thành

Lạy Chúa, xin thương xót con theo lượng từ bi của Chúa.

Xin giúp con thiết lập được mối liên hệ gần gũi với Chúa đễ những lời cầu nguyện và ca tụng của con được đi đôi với việc làm.

Xin Chúa đến ngự trị trong tâm hồn con. Xin Chúa là niềm vui, niềm hi vọng và là nguồn ơn cứu độ đời con.

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN- Năm B

GIẢ HÌNH (*)- Lm. Giuse Đinh Tất Quý

“Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”. (Mc 7,8)

Ðoạn Tin Mừng hôm nay khởi đi từ một câu chuyện nhỏ, chuyện những người  Biệt Phái và luật sĩ thắc mắc về việc các môn đệ của Chúa không rửa tay theo tập tục của tiền nhân trước khi ăn. Qua câu trả lời, Chúa Giêsu đã muốn cho mọi người hiểu rằng cuộc sống có những việc còn quan trọng hơn những việc có tính cách tập tục và bên ngoài đó. Và cũng nhân câu chuyện này Chúa còn nói thêm về việc phải sống như thế nào mới là cuộc sống đẹp lòng Chúa và mang lại cho cuộc sống đó nhiều ý nghĩa hơn. Chúng ta tự hỏi Chúa muốn cuộc sống phải như thế nào?

Điều Chúa muốn chắc chắn không phải là cuộc sống sống giả tạo, cuộc sống không có sự ăn khớp giữa bên ngoài với bên trong của một con người.

Trong một chương trình buổi tối trên một kênh truyền hình Hoa Kỳ, một cô gái điếm đã được mời đến phát biểu ý kiến dựa theo một số câu hỏi của những phóng viên. Cô trang điểm diêm dúa và mặc một chiếc váy cực ngắn. Cô đã tỏ ra không những bình tĩnh, mà còn khiêu khích trước những câu hỏi của phóng viên.

Chợt có một phóng viên nhìn thầy trên cổ của cô có đeo một sợi dây chuyền vàng với một cây Thánh giá thật đẹp, anh ta liền thay đổi một đề tài. Anh ta hỏi cô: “Tôi thấy cô đeo Thánh giá trên cổ, hẳn cô là người có Tôn giáo”.

Khán giả thấy rõ sự bối rối xuất hiện trên khuôn mặt cô, vì đây là vấn đề mà cô chưa bao giờ nghĩ tới. Sau một hồi do dự, cô trả lời: “Tôi không theo đạo nào cả”.

Người phóng viên hỏi dồn: “Vậy tại sao cô lại mang Thánh giá trên người?”.

Cô thinh lặng cúi xuống sàn nhà một hồi lâu, rồi trả lời: “Lúc nhỏ tôi có đạo, nhưng đó là chuyện xưa rồi”.

Một con người không còn tin Chúa nhưng vẫn đeo Thánh Giá của Chúa. Rõ ràng đó là việc không hợp lý tí nào. Cuộc sống như thế đáng cho mọi người  gọi là cuộc sống giả hình. Và một cuộc sống với những phẩm chất giả tạo như thế nhất định sẽ chẳng đem lại niềm vui nào cho những người sống cuộc sống đó. Chính vì thế mà trong bài tin mừng hôm nay Chúa đã kịch kiệt lên án cuộc sống như thế. “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.”(Mc 7,7)

Ngày xưa thì như thế còn hôm nay thì sao?

Chắc anh chị em đã thấy ngày hôm nay người ta nói nhiều tới căn bệnh thành tích, căn bệnh phát sinh từ cuộc sống hình thức giả tạo mà ra. Bao nhiêu hệ lụy xấu xa đã phát sinh từ căn bệnh này thì mọi người chúng ta đã biết. Sống như thế có khác gì ngày xưa và nếu cứ sống mãi như thế thì chắc chắn cuộc sống của chúng ta sẽ không thể tốt đẹp mà ngược lại nó sẽ là một cuộc sống gây nên nhiều đau khổ.

Rồi nhìn vào cuộc sống của thế giới hôm nay chúng ta thấy cũng chẳng kém gì. Đây là những nhận được Internet truyền đi khắp nơi như một hệ lụy của những lối sống mà con người hôm nay đang sống. Bên ngoài thì xem ra thật tốt nhưng nội dung thì có nhiều phải suy nghĩ. Tác giả gọi những nhận xét này là: “Những nghịch lý của thời đại chúng ta”

Chúng ta có những tòa nhà cao hơn, nhưng tư cách những người cư ngụ trong đó thì lại nhỏ hơn. Những con đường cao tốc rộng hơn, nhưng quan điểm của con người thì lại hẹp hòi hơn.

Chúng ta nói quá nhiều, yêu quá ít và ghét quá thường xuyên.

Chúng ta đã đi lên mặt trăng và quay trở về, nhưng lại cảm thấy phiền hà khi băng qua đường để gặp một người hàng xóm mới dọn đến.

Chúng ta làm trong sạch không khí, nhưng lại gây ô nhiễm tâm hồn của nhau.

Chúng ta viết lách nhiều hơn, nhưng học hành thì ít hơn.

Chúng ta dự tính nhiều hơn, nhưng thực hiện ít hơn. Chúng ta chỉ biết vội vã, mà không biết chờ đợi.

Chúng ta có thu nhập cao hơn, nhưng đạo đức thì lại thấp hơn.

Chúng ta trở nên thừa về số lượng, nhưng lại quá thiếu về chất lượng.

Đây là thời cơ có tới hai nguồn thu nhập từ cả hai vợ chồng trong gia đình, nhưng ly dị thì nhiều hơn; Thời của những căn nhà sang trọng, nhưng tổ ấm thì tan vỡ nhiều hơn.

Vâng nếu cuộc sống chỉ là như thế thì thật là tủi nhục cho Thiên Chúa khi Chúa đã cho chúng ta được làm người .

Vậy chúng ta phải sống như thế nào mới đẹp lòng Chúa?

Xin muợn một câu truyện để trả lời. Truyện kể rằng có hai nhà sư, một già một trẻ, cùng nhau đi xuống núi. Dọc đường các ngài gặp một cô thiếu nữ rất đẹp đứng bên bờ một vũng nước sâu. Thiếu nữ muốn đi qua mà nhưng không sao đi được. Thấy vậy, một nhà sư già liền bế thiếu nữ lên và đi qua vũng nước và bỏ cô ở phía bên kia. Rồi hai người  tiếp tục cuộc hành trình. Trở về gần đến chùa, nhà sư trẻ trách bạn: “Sao anh lại bế một thiếu nữ như thế ?”. Nhà sư già trả lời: “Tôi đã để cô ta lại bên vũng nước, còn anh, sao anh còn mang cô ta về đến tận chùa”

Câu chuyện ý nhị trên đã minh hoạ rõ nét ý hai lối thể hiện cuộc sống của mình: Một lối sống đạo theo hình thức và một lối sống đạo theo nội tâm. Nhà sư trọng hình thức không dám động đến thiếu nữ, nhưng tâm hồn ông lại nặng vấn vương. Thế mà ông vẫn cứ yên tâm cho rằng mình đã giữ trọn luật giới sắc. Ông tự hào về mình và trách móc bạn đã vi phạm luật tu hành.

Những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do thái xưa cũng giữ đạo theo hình thức như thế. Họ rất trọng những luật lệ theo hình thức bề ngoài. Họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ. Đối Với họ, đạo là lề luật. Giữ trọn lề luật là giữ đạo. Đặc biệt là luật thanh sạch.

Đức Giêsu đã trách họ là giả hình. Họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Đức Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám, xấu xa.

Đạo Chúa không phải là hình thức. Đạo Chúa là tình yêu. Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phao-lô dạy: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài ngưòí và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoang. Giá như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tính đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi đến chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,1-3).

Lạy Chúa Giêsu,

xin giúp con biết bỏ đi những bề bộn nơi tim con.

Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,

hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,

bằng trái tim bao dung của Chúa.

Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,

trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn

để yêu mến mọi người.

Vì con biết rằng với tất cả tâm tình, con mới thực sự sống đạo. Với tất cả tâm tình, đạo mới đưa con đến gần Chúa.

Lạy Chúa, xin ban cho con thêm lòng yêu mến Chúa.

home Mục lục Lưu trữ