Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 47

Tổng truy cập: 1379166

CON CÁI LÀ HỒNG ÂN

CON CÁI LÀ HỒNG ÂN- Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền

Giả sử bạn biết một phụ nữ đang mang thai. Bà hiện có 8 người con mà 3 điếc, 2 mù và 1 mắc bệnh tâm thần. Hơn nữa, người mẹ lại mang bệnh giang mai hiểm nghèo. Bạn sẽ đề nghị bà ấy phá thai chăng?

Và nếu đây là câu trả lời mà bạn nghĩ rằng sẽ tốt cho cha mẹ chúng và đứa trẻ, thì bạn ơi, bạn vừa mới giết nhạc sĩ tài hoa Beethoven!

Thực ra Thiên Chúa luôn có một chương trình cho một em bé chào đời. Có lẽ đó cũng là điều mà chúng ta nghe vọng ra từ máng cỏ, nơi Hài Nhi Giêsu đã chào đời.

Ngài đến để cho mỗi một em bé được cưu mang và sinh hạ với tất cả phẩm giá của con người.

Ngài đến để cho mọi đứa bé chào đời được tôn trọng và yêu thương.

Ngài đến để nói với chúng ta rằng, dù khỏe mạnh hay bệnh tật, dù thông minh hay đần độn, dù xinh đẹp hay xấu xí, dù bình thường hay khuyết tật… tất cả mọi em bé chào đời đều có một phẩm giá thánh thiêng bất khả xâm phạm.

Nếu chúng ta không có niềm tin như thế chúng ta sẽ dễ dàng kết thúc sự sống nơi các thai nhi khi chúng không vừa ý chúng ta, như bị dị tật hoặc giới tính không như ý .  . . Thế nhưng, nhiều người hôm nay đang cho mình quyền quyết định sự sống nơi các thai nhi nên hàng năm tại Việt Nam vẫn có hàng triệu thai nhi bị sát hại. Đây là một xã hội loại trừ quyền của Thượng Đế để hành xử theo ý mình nên dẫn đến bất nhân và vô luật pháp.

Là người ky-tô hữu sống trong xã hội đầy thị phi này thiết tưởng chúng ta phải là những con người cổ võ cho sự sống và bảo vệ sự sống ngay từ lúc thụ thai. Vì quyền con người được sống phải được bảo vệ và tôn trọng ngay từ lúc hình thành nơi lòng mẹ. Đó là quyền mà Thượng Đế đã ban tặng cho mọi người mà không ai có quyền cướp đi. Niềm tin ky-tô giáo còn nhắc nhở chúng ta sự sống là ân huệ của Thiên Chúa thế nên, ta phải đón nhận với trọn vẹn lòng tri ân cảm tạ.

Hôm nay sinh nhật thánh Gioan tiền hô như là một điển hình về hồng ân sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người, cách riêng cho các gia đình. Đón nhận sự sống qua các thai nhi là đón nhận món quà vô cùng quý báu mà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta. Hãy trân trọng món quà Thiên Chúa tặng ban. Hãy bảo vệ sự sống mà Thiên Chúa đã gửi gắm cho chúng ta.

Cha mẹ có quyền trên con cái nhưng không phải là quyền quyết định sự sống con cái mà là được quyền bảo vệ giáo dục cho con cái. Việc bảo vệ và chăm sóc con cái là bổn phận và trách nhiệm mà Thiên Chúa sẽ hỏi những người làm cha mẹ như xưa đã hỏi Cain: “Cain, em ngươi đâu”.

Hai ông bà Giacaria và Elizabet đã cảm nhận niềm vui thực sự vì Chúa đã viếng thăm gia đình họ. Từ nay họ được Thiên Chúa chúc phúc cho có con nối dõi tông đường. Điều mà gia đình Giacaria trân trọng là vì họ có con trong lúc tuổi già, tuổi mà không còn trông chờ có khả năng sinh con, nhưng Chúa đã ban cho họ một người con như ân thưởng cho một đời sống công chính trước mặt Chúa. Ông bà Giacaria đã đón nhận con cái như là một hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng để rồi họ hết lời ngợi khen tình thương Thiên Chúa đã ưu ái dành cho họ.

Ước gì các bậc làm cha mẹ luôn nhận ra con cái là hồng ân Thiên Chúa ban tặng để rộng lòng đón nhận theo thánh ý Chúa. Xin cho các bậc làm cha mẹ luôn trân trọng món quà sự sống và cũng phải có bổn phận bảo vệ sự sống mà Thiên Chúa đã trao phó cho họ. Amen

CHÚA NHẬT LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

CHÚA MỞ ĐƯỜNG ĐI CHO MỖI NGƯỜI-  Trích Logos Năm B

Ngày 19/10/2008, Chúa Nhật Truyền giáo, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI phong hai vị trong bậc đáng kính lên hàng chân phước, ông  Louis Martin và bà Maire Guérin, song thân của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Mỗi người đều có một con đường do Chúa mở lối.

Tháng 9/1843, một thanh niên 20 tuổi dấn bước trên con dốc gồ ghề lên nhà dòng thánh Bênađô.  Anh ta xin đi tu. Cha bề trên nhìn anh ta và nói : “Con đã học môn Latinh chưa ?” – “Thưa cha, chưa !” Anh thành thật trả lời. Cha bề trên kết luận mau chóng: “Con ạ, Chúa không chọn con trong ơn gọi tu trì !”. Martin đành trở về và nhà dòng Bernado mãi mãi chỉ là kỷ niệm êm đềm trong tâm trí anh.

Vài năm sau, cũng tại thành Alencon, một người mẹ dắt con gái đến nhà dòng Nữ Tử Bác Ái của thánh Vinhsơn Phaolô. Đứa con tên là Marie Guérin muốn đi tu. Gặp mẹ bề trên dòng, với ơn soi sáng, bà trả lời ngắn gọn : “Chúa không muốn con đi tu. Ngài muốn con sống bậc sống khác”. Hai mẹ con trở về. Riêng Marie, cô âm thầm thưa với Chúa : “Nếu con không đáng là bạn trăm năm của Chúa như chị con thì trong bậc vợ chồng, con xin dâng tất cả con cái cho Chúa, xin Chúa nhận lời con xin”.

Ngày 13/8/1858, tại nhà thờ Đức Bà thành Alencon, người ta thấy cử hành long trọng lễ cưới : Marie Guérin sánh duyên cùng Louis Martin.

Đôi vợ chồng này sinh được 9 người con : 4 trai 5 gái. Bốn người con trai như những bông hoa được Chúa sớm đưa về thiên đàng. Còn lại năm người con gái như những bông hoa lần lượt được hái dâng cho hai nhà dòng : Dòng kín Camêlô và dòng Đức Bà Thăm Viếng. Trong những bông hoa ấy có một bông hồng tuyệt đẹp đó là Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Quả thật Thiên Chúa là Đấng mở đường cho mỗi người chúng ta theo ý Ngài.

Gioan Tẩy Giả ra đời với một sứ mạng

Chúa tình yêu an bài cho mỗi người đều có thể nên thánh. Nên thánh là ơn gọi chung, nhưng cách nên thánh lại khác nhau không phải ai cũng giống ai. Chúa trao cho mỗi phận người một sứ mạng theo ý Chúa. Chúng ta nên thánh nhờ đi trọn con đường Chúa mở và chu toàn được sứ mạng Chúa trao. Cuộc đời Gioan Tẩy Giả minh hoạ rõ nét điều đó.

Ý định của Chúa trên cuộc đời Gioan Tẩy Giả được tỏ lộ trước khi thụ thai trong lòng mẹ Êlisabeth. Khi đó, vợ chồng tư tế đạo đức Dacaria đã cao niên nhưng son sẻ. Họ thành tâm đêm ngày cầu xin Chúa ban cho một mụn con. Chúa đoái thương nhận lời họ trong lần ông Dacaria dâng hương nơi đền thờ Giêrusalem. Thiên thần thay mặt Chúa dặn dò Dacaria rất kỹ : tên con trẻ được Chúa ấn định là Gioan ; cả đời Gioan sẽ tránh xa chất có men : “rượu lạt, rượu nồng em sẽ đều không uống”.

Có một chút gì đó trục trặc do ông Dacaria không hoàn toàn tin lời sứ thần. Có những điều ta hằng cầu xin nhưng khi đạt được vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Tuy thế, Chúa tình yêu đã khôn ngoan biến ngay sự trục trặc ấy thành dấu chỉ cho thấy Chúa toàn năng và phá tan sự nghi ngờ trong lòng ông : “Này đây ông sẽ bị câm, … cho tới ngày các điều ấy xảy ra…”. Điều đó cũng giúp cho mọi người nhận ra sự can thiệp của Chúa trên cuộc đời Gioan (x. Lc 1, 5-22).

Ngày Gioan chào đời, mọi người đều nhận ra bàn tay Thiên Chúa yêu thương gia đình ông Dacaria và cách riêng phù hộ Gioan. Mọi người phân vân về tên gọi cho con trẻ. Theo thói quen người con sẽ mang một tên đã có nơi họ hàng trong khi người mẹ nằng nặc muốn đặt tên cho con mình là Gioan (Giavê là Đấng Thương Xót). Họ phải nhờ đến quyền gia trưởng của Dacaria. Ông xác định : “tên cháu là Gioan”. Ngay lúc đó, miệng lưỡi ông nói lại được. Thế mới biết : khi người ta nghi ngờ Chúa là lúc cuộc sống bất ổn, trục trặc. Cuộc sống bình an trở lại khi người ta sống đúng thánh ý Chúa. Miệng lưỡi chỉ xứng hợp để nói những điều đẹp ý Chúa.

Không ai sinh ra do vô tình

Chẳng phải chỉ có cuộc đời Gioan hay một số người mới được Thiên Chúa an bài xếp đặt mà là tất cả mọi người đều có một vị trí trong trái tim Chúa từ đời đời.

Có người bất mãn cho rằng : người ta sinh ra trên đời như là bị vứt bỏ vào cuộc đời cách tình cờ, ngẫu nhiên, vu vơ… Có ai được chọn lựa ra đời hay không ra đời đâu ! Suy nghĩ đó khiến không ít người có thái độ bất mãn, thờ ơ với cuộc sống mình. Điều đó dẫn đưa người ta đến thái độ bi quan than thân trách phận, sinh sự với cuộc đời, bất xét đến tha nhân.

Có người lại quan niệm : mỗi người đã có sẵn một định mệnh cứng nhắc. Nó làm cho con người mất tự do, con người đành bó tay chấp nhận định mệnh có khi là rất khắc nghiệt ấy. Cách nghĩ này thường dẫn người ta đến thái độ bất mãn hoặc buông xuôi.

Đối với niềm tin Kitô giáo : con người được sinh ra từ ý định yêu thương của Thiên Chúa. Từ hư vô, con người được gọi vào hiện hữu để chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa tình yêu.

Đối với niềm tin Kitô giáo : mỗi người có một vị trí trong cõi lòng Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu tất cả và yêu riêng từng người. Như người mục tử thương yêu cả đoàn chiên và đồng thời quan tâm đến từng con một ; như người đàn bà bỏ công tìm kiếm bằng được đồng bạc bị rơi mất, Thiên Chúa cũng trọn tình với từng người và trọn tình với tất cả.

Đối với niềm tin Kitô giáo : mỗi người được Chúa mở riêng một con đường đến với Chúa để đạt được hạnh phúc. Tuy thế, mỗi người vẫn được tự do hoặc thuận ý Chúa hoặc chối từ. Hạnh phúc nằm trong sự tiền định của Chúa. Bất hạnh thì không. Bất hạnh xảy đến là do con người không chấp nhận chương trình tiền định yêu thương của Chúa dành cho mình.

Chúa mở đường đi cho mỗi người

Cuộc đời mỗi người là một hành trình. Mục tiêu chung của tất cả là trở về với Chúa, kết hợp với Chúa trong hạnh phúc vô biên. Khát mong của Thiên Chúa từ ngàn đời và mãi mãi là con người được hạnh phúc vĩnh cửu. Tuy thế, để đạt mục tiêu đó, tuỳ mỗi người, Chúa chọn ra những con đường khác nhau qua bậc sống khác nhau và hoàn cảnh khác nhau : có người được Chúa dọn cho con đường tận hiến trong bậc tu trì để bước đi ; người thì sẽ nên thánh dễ dàng trong bậc sống hôn nhân gia đình ; kẻ thì thành toàn trong việc sử dụng đúng sức khoẻ, của cải ; người thì được hoàn thiện trong đau khổ bệnh tật, khó nghèo…

Hơn nữa, tuỳ theo tài năng như những nén vàng nén bạc khác nhau về chất lượng và số lượng Chúa trao như vốn liếng, mỗi người sẽ chu toàn những sứ mạng riêng biệt mà Chúa uỷ thác cho mỗi người.

Mục tiêu nên thánh và đạt hạnh phúc vĩnh cửu là mẫu số chung cho tất cả. Trong thánh ý Chúa, những phận người dù khác nhau luôn là con đường tốt nhất để đạt mục tiêu chung : nên thánh.

Truyện kể rằng ngày thánh Giuse và Đức Mẹ khởi hành đi Belem, thiên thần hiện ra với đàn thú vật để chọn lấy một vài con giúp đỡ Thánh Gia. Con cáo tự giới thiệu : “Tôi sẽ hết lòng phụng dưỡng Hài Nhi, mỗi ngày tôi sẽ bắt một con gà tơ cho mẹ Ngài bồi dưỡng”. Thiên thần trả lời : “Bạn xảo quyệt quá !”. Đến lượt con công : “Tôi sẽ dùng bộ lông đầy màu sắc của tôi để trang hoàng cho Gia Thất đẹp hơn đền thờ Salômôn”. Thiên thần thở dài : “Bạn hão huyền quá !”. Nhìn xa xa thấy con lừa và con bò, thiên thần hỏi : “Còn các bạn ?”. Lừa nói : “Tôi sẵn sàng giúp nhưng tôi chậm chạp và học hành kém, càng học càng dốt, chẳng biết có giúp gì được các Ngài !”. Bò tiếp lời : “Có lẽ chúng tôi chỉ làm được vài việc nhỏ như lấy đuôi đuổi ruồi thôi !”. Thiên thần vui mừng : “Được lắm, tôi cần hai bạn”.

Chẳng ai là phận bỏ đi trước Thiên Chúa. Chỉ cần một tình yêu và lòng tin cậy, Thiên Chúa sẽ làm cho họ trở nên lớn lao trong Nước Trời.

CHÚA NHẬT LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

NGƯỜI DỌN ĐƯỜNG- Trầm Thiên Thu

Bất cứ làm gì cũng cần chuẩn bị, dù việc lớn hay nhỏ, chuẩn bị lâu hay mau. Một trong các công việc quan trọng là “mở đường” hoặc “dò đường”, người đó phải đi trước để xem xét tình thế để lo liệu công việc cho phù hợp, có thể đạt hiệu quả cao nhất. Dọn đường mang hai ý nghĩa về nghĩa đen và nghĩa bóng, cụ thể và trừu tượng, hữu hình và vô hình.

Ngày xưa, khi vua chúa đi đến đâu đều có quân sĩ đi trước thông báo cho dân biết, luôn được tiền hô hậu ủng. Ngày nay cũng vậy, khi các nhân vật quan trọng sắp đến đâu đều có người đến nơi đó trước để chuẩn bị nhiều thứ, không chỉ liên quan ngoại giao mà còn về vấn đề an ninh – nhất là trong thời buổi khủng bố ngày nay.

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã làm như vậy. Trước khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, Chúa Cha đã cho một người tiền phong chuẩn bị trước, đó là Gioan – con trai của ông bà Dacaria và Êlidabét. Theo tiếng Do Thái,tên Gioan có nghĩa là “Thiên Chúa từ bi”.Thánh Gioan là “dấu cộng” của Cựu Ước và Tân Ước, được gọi là Tiền hô (người dọn đường cho Chúa Giêsu), là Tẩy giả (người làm phép rửa cho Chúa Giêsu), và là người rất… “bụi đời” – vì ông “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3:4). Thế nhưng “kẻ bụi đời” đó lại được mệnh danh là “ngôn sứ của Đấng tối cao” (Lc 1:76, Thánh ca Chúc Tụng – Benedictus) và “nên cao cả trước mặt Chúa” (Lc 1:15).Thế nhưng ông Gioan vẫn khiêm hạ, nhận mình là người “không đáng cởi quai dép cho Chúa Giêsu” (Lc 3:16).

Có nhiều “điểm lạ” trong cuộc đời Thánh Gioan Tẩy giả, lạ lùng ngay từ đầu. Mẹ ông mang tiếng là son sẻ (ngày nay gọi là “hiếm muộn” hoặc “vô sinh”), nhưng Thiên Chúa đã thương nhậm lời cầu xin và cho bà mang thai khi bà đã luống tuổi. Còn người cha, vì không tin vợ mình mang thai nên bị câm cho đến khi bé Gioan chào đời và chịu phép cắt bì.Khi đó, mọi người cũng thấy lạ nên để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” (Lc 1:66). Cái gì cũng lạ lùng, thật kỳ lạ vô cùng!

Theo thời gian,chính dị nhi ấy“càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh” (Lc 1:80). Người ta nói rằng “nam vô tửu như kỳ vô phong”, nhưng Gioan Tẩy giả không hề biết rượu lạt hay nồng (Lc 1:15). Dị nhân Gioan càng lạ lùng hơn khi ông khiêm nhường nói về Đấng sắp đến – Đức Giêsu: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3:30). Ôi, Bác Gioan nhà ta thật lạ quá chừng luôn!(Gọi là “bác” cho thân thiện, đúng cấp bậc dòng họ, và cũng hợp với ngôn ngữ Việt Nam, vì ông là anh họ của Thầy Giêsu mà). “Người dọn đường” mà còn khác người như thế thì huống chi “Đấng ngự đến nhân danh Thiên Chúa”.

Cuộc sống cũng có nhiều mối liên quan kỳ lạ, nhưng sự liên đới đó luôn có nguyên nhân và hệ quả – người ta gọi tắt là Nhân Quả. Thiên Chúa là Đấng công minh và công bình,nên ý định của Ngài cũng rạch ròi nhưng vẫn bí ẩn: Trời sinh một bậc kỳ tài là để dùng vào một sứ mệnh nào đó, nhưng trước khi trao sứ mệnh đó, trời bắt người đó phải trải qua trăm cay ngàn đắng. Thật vậy, sách Huấn Ca có lời khuyên độc đáo này: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, con hãy CHUẨN BỊ tâm hồn để ĐÓN CHỊU THỬ THÁCH. Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì, đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ” (Hc 2:1-2).

Tất nhiên Thánh Gioan Tẩy giả cũng không ngoại trừ với quy-luật-công-bằng đó. Và rồi cuối cùng, ông đã phải chết nhục nhã bằng cách bị chém đầu vì một vũ nữ lăng loàn trắc nết (x. Mt 14:3-11; Mc 6:17-19), chứ không được chết hiên ngang ngoài pháp trường như những vị tử đạo khác.Mối tộilà tại ông vua nhu nhược Hêrôđê, vì mê gái nênlú lẫn mà lỡ hứa cho cô gái đó bất cứ thứ gì, dù là nửa quốc gia. Khủng khiếp thật! Thế nhưng cô ta không cần nửa đất nước mà chỉ khoái cái thủ cấp của Bác Gioan thôi. Thế mới tai hại. Nhưng Hêrôđê lại tiếp tục hèn hạ khi bộc lộ bản năng mà không dám thể hiện bản lĩnh. Thật tồi tệ!

Ông Gioan Tẩy giả bị người ta coi thường, nhưng ông lại được Đức Kitô đề cao: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11:11). Đa số đâu hẳn là đúng, thiểu số đâu hẳn là sai? Đừng lấy số đông để áp đảo hoặc áp đặt điều gì đó đối với người khác!

Kính mừng đại lễ Thánh Gioan Tẩy giả, Giáo hội đưa ra hình ảnh Thánh Gióp, một người chịu nhiều đau khổ và mất mát đến tột cùng, ngay cả thân nhân cũng nguyền rủa ông. Nhưng giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp: “Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân? Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài” (G 38:8-10).Rồi Ngài cho ông biết: “Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành!” (G 38:11). Tự do cũng phải có giới hạn ngay trong sự tự do.

Mãi mãi tiếng sóng vỗ vẫn thế, không khác gì, chỉ khác về cường độ. Tiếng sóng có lúc da diết, có lúc êm đềm, có lúc lãng mạn, có lúc sôi nổi, và có lúc lại thét gào dữ dội. Khi biển lặng, sóng vỗ rì rào êm đềm thật thú vị; nhưng khi biển giận dữ, không ai biết sóng thần nổi lên lúc nào, có chạy cũng không kịp!

Thánh Vịnh gia nhận định: “Họ vượt biển ngược xuôi nghề thương mãi, giữa trùng dương lèo lái con tàu, mắt đã tường việc Chúa làm nên và kỳ công Ngài thực hiện giữa dòng nước lũ” (Tv 107:23-24). Thiên Chúa không là người thích đùa dai,con người quá quắt nên Ngài mới ra tay uy lực, không phải để triệt hạ mà để tỉnh thức lương tâm con người: “Chúa truyền lệnh khiến bùng lên bão táp, lớp sóng xô cuồn cuộn dập dồn” (Tv 107:25). Lúc đó,“họ nhô lên tận trời, nhào xuống vực sâu, lúc nguy hiểm, hồn xiêu phách lạc” (Tv 107:26). Khủng khiếp quá, chịu gì nổi!

Thuở xưa, ngôn sứ Isaia cho biết điều Đức Chúa đã ban cho ông: “Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén,giấu tôi dưới bàn tay của Người.Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn,cất tôi trong ống tên của Người. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung”(Is 49:2 và 5). Những người được Thiên Chúa tuyển chọn đều có những “điểm lạ”, mỗi người mỗi cách. Isaia như thế đó, còn Gioan Tẩy giả theo cách khác. Và mỗi người đều có mục đích riêng của Chúa. Với Isaia, Thiên Chúa nói: “Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49:6). Với Gioan Tẩy giả, sứ thần cho biết “sẽ nên cao cả trước mặt Chúa” và đã “đầy Thánh Thần” ngay khi còn trong lòng mẹ (Lc 1:15), sứ vụ đặc biệt của ông là “đi trước mặt Chúa để dọn đường cho Người” (Lc 1:76).

Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, kể cả những gì chúng ta chưa nghĩ tới. Thánh Vịnh gia nói: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi.Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả” (Tv 139:1-3).

Thiên Chúa biết tất cả vì Ngài tạo dựng nên chúng ta. Để dễ hiểu, có thể ví Ngài như nhà điêu khắc, còn chúng ta là những bức tượng. Thánh Vịnh gia xác định: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!Hồn con đây biết rõ mười mươi” (Tv 139:13-15).

Nói về Thánh Gioan Tẩy giả, Kinh Thánh cho biết: “Để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ít-ra-en chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gioan đã tuyên bố: “Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người” (Cv 13:24-25). Gioan là thế: giản dị, khiêm nhường, nhưng nghiêm túc và trực tính, không chấp nhận tà quyền.

Trình thuật Lc 1:57-66 cho biết về sinh nhật Gioan Tẩy giả. Ai cũng lạ khi thấy cha mẹ đều muốn đặt tên cho con trẻ là Gioan, lạ nữa là từ lúc đó ông Dacaria nói lại bình thường. Ai cũng thắc mắc về đứa trẻ và nhận ra “có bàn tay Chúa phù hộ” dị nhi Gioan. Cuối cùng, Thánh Luca cho biết: “Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en” (Lc1:80). Đó là cách sống ẩn dật để sống cho Thiên Chúa. Lạ thật!

Những người theo Chúa luôn nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện, đó là “điểm lạ” và cách sống ẩn dật của các tín nhân. Liên quan việc cầu nguyện, Thánh Isaak Syria cho biết: “Đôi khi có người ước muốn một điều tốt lành, nhưng Thiên Chúa không giúp đỡ họ. Điều này xảy ra bởi vì ước muốn ấy nhiều khi do ma quỉ mà ra và gây hại chứ không sinh ích; hoặc vì ước muốn ấy vượt ngoài phạm vi khả năng của chúng ta, khi chúng ta chưa đạt đến một đời sống xứng hợp; hoặc vì điều ấy xa lạ với hình thức nỗ lực chúng ta đã chấp nhận; hoặc vì vẫn chưa đến thời gian để điều ấy được hoàn thành hoặc bắt đầu được hoàn thành; hoặc vì chúng ta không có đủ kiến thức và sức mạnh; hoặc vì những hoàn cảnh hiện tại vẫn chưa thích hợp. Tuy nhiên, ma quỉ lại dùng tất cả mưu mô của hắn để đặt công việc ấy vào một ánh sáng thuận lợi, mưu đồ kích động chúng ta, khuấy đảo bình an tâm hồn và làm hại thân xác chúng ta. Vậy chúng ta phải cẩn trọng suy xét cả những ước muốn tốt lành của mình. Tốt nhất là hãy làm mọi việc theo lời khuyên nhủ”.

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con (Lc 17:5), xin dạy chúng con biết thi hành đúng điều Ngài muốn nơi chúng con, dù thuận hay trái ý chúng con. Lạy Thánh Gioan Tẩy,xin thương cầu thay nguyện giúp để chúng con luôn biết dành cho Chúa vị trí ưu tiên số một.Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

home Mục lục Lưu trữ