Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 47

Tổng truy cập: 1376757

CON ĐƯỜNG SỰ SỐNG

Con đường sự sống

Chắc không ít người ngỡ ngàng khi Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết là con đường dẫn tới sự sống đích thực và vĩnh cửu là con đường: “Vào qua cửa hẹp”. Và ai biết tìm kiếm và chiến đấu để vào qua cửa hẹp thì được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Đó là điều Chúa Giêsu quả quyết cho tất cả chúng ta. Vấn đề không phải là có bao nhiêu người được cứu độ vì “Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở”; cũng không phải là chuyện ai được tiền định để hưởng sự sống đòi đời “Không phải gọi Lạy Chúa! Lạy Chúa là được vào Nước Trời đâu”! Nhưng vấn đề là làm sao tìm thấy “con đường hẹp” và “vào qua cửa hẹp” cách anh hùng và trung tín.

Vấn đề đặt ra: “cửa hẹp là cửa nào?” Làm sao để có thể tiến bước trong con đường mà cửa hẹp dẫn đưa qua?

Khi nói “Hãy phấn đấu vào qua cửa hẹp”, chắc chắn Chúa Giêsu không nói đến vấn đề rộng hẹp theo nghĩa vật chất, nhưng mang nghĩa tinh thần và thiêng liêng. Nhìn vào chính cuộc sống và chọn lựa của Chúa Giêsu, ta có thể thấy được một vài đặc tính của con đường hẹp:

Con đường hẹp là con đường của sự từ bỏ: từ bỏ những gì đi ngược lại với phẩm giá và lương tâm của con người dù nó có lợi lộc nhiều đến mấy đi nữa! Từ bỏ những quyến luyến hay việc tôn thờ lệch lạc như thần tài, bói toán, sắc dục …

Con đường hẹp là con đường của hy sinh: sẵn sàng chịu mất giờ, mất công sức, mất tiền của vì hạnh phúc của anh chị em mình; vui lòng nhường nhịn với những tranh chấp nhỏ nhen vì muốn gây tinh thần hoà thuận với mọi người…

Con đường hẹp là con đường của yêu thương và tha thứ: Con đường của tình yêu và tha thứ là con đường đẹp nhất, nhưng cũng là con đường nhiều chông gai nhất. Bởi lẽ, yêu thương vô vị lợi là cúi mình xuống tận cùng để nâng người khác lên, là sẵn sàng nhận lãnh lấy những chỉ trích, những hiểu lầm của người khác. Cái chết nhục nhằn của Chúa Giêsu trên Thập giá đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Con đường hẹp là con đường vâng phục Thánh ý Chúa Cha. Thánh ý Chúa trong cuộc đời ta thường rất khác với ý ta muốn. Chấp nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời ta cũng có nghĩa là chấp nhận bỏ mình, trở nên không không để Chúa tự do hành động trong đời ta và ta sẵn sàng bước theo Chúa trên những con đường mới lạ, gập ghềnh và chẳng mấy ai đi! Nhưng Chúa sẽ đưa ta vào con đường huyền nhiệm của yêu thương và sự sống.

Nói tóm, Con đường hẹp là con đường Thập giá mà Đức Giêsu đã đi. Nhưng xem chừng, con đường hẹp như thế này không mấy hấp dẫn đối với nhiều người hôm nay, nhất là khi cuộc sống của họ đã quá đầy đủ và giàu sang! Theo lẽ thường, ai cũng thích bước đi trên con đường rộng rãi, phẳng phiu và dễ dãi. Đó là con đường tự do để hưởng thụ, tự do làm những gì mình thích bất chấp hậu quả.

Trong Tin mừng theo Thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh với mọi người rằng: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong mà nhiều người lại đi qua đó.” (Mt 7,13). Chúa để cho chúng ta tự do để chọn lấy cho mình một con đường. Trước mắt chúng ta luôn có hai con đường mở ra: con đường hẹp với những hy sinh, chịu đựng, nhịn nhục nhau vì yêu và một con đường rộng thênh thang với đầy dẫy sự hưởng thụ và hấp lực trần gian.

Có một câu chuyện rất hay sau đây tôi xin được kể như một kết thúc: “Một thanh niên giàu có than phiền với bạn: “Người ta không thích tôi. Họ cho rằng tôi ích kỷ và keo kiệt. Nhưng tôi đã hứa là sau khi tôi qua đời, tôi tặng tất cả những gì tôi có cho một tổ chức từ thiện”.

Bạn anh nói: “Ồ, câu chuyện của bạn làm tôi liên tưởng đến cuộc trò chuyện giữa Bò và Heo. Heo đến phàn nàn với bò: ‘Người ta luôn nói tốt về bạn. Vâng, điều đó là sự thật, vì bạn cho họ sữa. Nhưng họ nhận nơi tôi nhiều hơn: dăm bông, thịt muối, mỡ và có khi họ nấu cả chân tôi. Chẳng ai giống tôi. Nhưng đối với họ, tôi chỉ là một con lợn, một con lợn để làm thịt. Tại sao thế?’

Bò suy nghĩ một lát và nói: ‘Có lẽ điều đó đúng. Nhưng bạn chỉ cho thịt khi bạn chết rồi; còn tôi, tôi cho sữa ngay lúc tôi còn sống.”

 

7. Cửa Hẹp, Lối Đi Hẹp – An Phong

Tin Mừng Chúa Nhật 21 Thường Niên C là những lời nhắn nhủ của Đức Giêsu: “Hãy phấn đấu đi qua cửa hẹp mà vào”. Như người chủ đóng cửa ngôi nhà lại, thì Đức Giêsu cũng sẽ “đóng” bữa tiệc cánh chung, ngăn không cho những người làm điều ác, những người không nhận biết Người đi vào tham dự. Bàn tiệc Nước Trời dành cho những ai thành tâm thiện ý, “mến Chúa và yêu người”.

“Hãy phấn đấu đi qua cửa hẹp mà vào”. Đó là lời nhắn nhủ của Đức Giêsu cho tất cả mọi người. Vào thời Đức Giêsu, những lời này là một thách đố đối với người Do Thái. Vì họ luôn tin rằng, họ sẽ có phần trong thời đại sắp đến, trong bàn tiệc Nước Trời, bởi vì họ là dân đặc tuyển, được ưu tiên. Đức Giêsu đã loại trừ quan niệm đặc tuyển này. Điều quan trọng là họ có thực hiện những lời Người dạy dỗ hay không.

Đời sống kitô hữu là một hành trình thiêng liêng đi qua cửa hẹp. Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến nỗ lực, nhiều nỗ lực để có thể vượt qua cánh cửa hẹp. Để có được một đời sống hạnh phúc, một gia đình tốt đẹp… chúng ta cần đi qua “cửa hẹp”, cần nhiều nỗ lực, cần hy sinh, cần chiến đấu, “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Tôi”.

Nhưng cánh cửa hẹp này chỉ được mở từ bên trong, vào một lúc nào đó. Chỉ một mình Thiên Chúa mới quyết định mở và mở lúc nào, tức là Người quyết định tất cả. Thiên Chúa mở cánh cửa hẹp, bởi vì cánh cửa tâm hồn chúng ta còn hẹp. Để đi vào vương quốc Tình yêu, chúng ta cần loại bỏ sự hẹp hòi, kiêu ngạo, những gì chống đối lại tình yêu. Nói khác, cánh cửa tâm hồn chúng ta có rộng mở thì cánh cửa vương quốc Tình Yêu mới rộng mở. Đó là lý do tại sao lối vào vương quốc của Thiên Chúa đòi cố gắng và hy sinh.

“Người đứng chót sẽ lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”. Những người từ phương Đông, Tây, Nam, Bắc dường như là những người đứng chót, nhưng lại là người đầu đi vào Nước Thiên Chúa. Còn những người bị ở ngoài dường như là những người đã từng “ăn, uống” với chủ nhà, đã từng nghe những lời giảng, dạy… Nói chung, họ là những người ở gần chủ. Họ đồng bàn với chủ, nhưng lòng họ thì lại xa chủ. Thế nên ông chủ tuyên bố: tôi không biết các anh là người ở đâu cả.

Là người kitô hữu, chúng ta thuộc về Giáo hội qua bí tích Rửa tội, chúng ta “gần” Đức Kitô hơn những người chưa lãnh bí tích Rửa tội, nhưng có thể chỉ là “sự gần gũi bên ngoài”. Trong khi đó, những người không phải là kitô hữu, họ dường như “xa” Đức Kitô, nhưng họ lại rất gần Người qua việc đáp trả lời mời gọi của Chúa Thánh Thần trong lương tâm họ. Họ là những “kitô hữu vô danh”.

Nếu các người đĩ điếm và những người thu thuế đi vào Nước Thiên Chúa trước cả những người Pharisêu, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng có nhiều người không phải là kitô hữu cũng sẽ đi vào Nước Thiên Chúa trước nhiều người kitô hữu.

Phải chăng chúng ta là những kitô hữu “theo lý lịch?”

Phải chăng chúng ta “ở trong nhà” nhưng lại “không gần” Đức Giêsu?

Lạy Chúa,

xin dạy chúng con biết đi qua cánh cửa hẹp

để chúng con có thể bước vào vương quốc của Chúa,

vương quốc của Tình Yêu.

Chìa khóa mở cửa vương quốc này là các mối phúc thật.

Nhờ các mối phúc,

chúng con sẽ nhận ra

cái gì là chính yếu, quan trọng, trường cửu

cái gì là phụ tùy, phù phiếm, chóng qua.

Xin Chúa giải thoát chúng con khỏi sự tự mãn,

là người kitô hữu, nhưng lại là “kitô hữu theo lý lịch”.

Xin giải thoát chúng con khỏi mọi sợ hãi,

sợ thiếu thốn, sợ hy sinh, phấn đấu.

Amen.

 

8. Cửa hẹp

Suy Niệm

Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp. Cửa hẹp khi thi vào đại học. Cửa hẹp khi đi xin việc làm. Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới.

Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.

Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều. Cửa hẹp mà vào được mới quý.

Nếu thiên đàng có cửa, thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo chơi.

“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp”(Lc 13,24), vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống”(Mt 7,14).

Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình, với cái tôi cồng kềnh của mình, nặng nề vì những vun vén cá nhân, phình to vì tự hào và tham vọng.

Thật ra cửa vào sự sống không hẹp nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá. Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại, khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em.

Cần có một cái tôi như trẻ thơ mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).

Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng. Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ, cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại.

Để “người lớn”trở nên hồn hậu như trẻ thơ, cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4).

Đây thật là một cuộc chiến với chính mình. Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.

Nhiều người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng. Họ gõ cửa và đòi vào. Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc, bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Đức Giêsu, và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy. Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ: “Ta không biết các anh từ đâu đến!”

Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy, dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh tâm… Chúa vẫn không quen biết chúng ta vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình. Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.

Đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục. Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ. Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại.

Cứu độ là một ơn Chúa ban, nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận.

Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa, nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên: “Đây là đầy tớ tốt lành và trung tín.”

Gợi Ý Chia Sẻ

Bạn thấy để sống đời Kitô hữu xứng đáng, dễ hay khó? Có khi nào bạn thấy khó đến độ không thực hiện nổi không?

Nước Thiên Chúa được ví như một bữa tiệc vui, trong đó có muôn người từ khắp nơi trên thế giới đến dự. Bạn có hình ảnh nào khác để gợi mở về Thiên Đàng không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con dám hành động theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện, vì xác tín rằng

Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, Chúa ngàn lần quảng đại hơn con, và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá, xin cho con dám liều theo Chúa mà không tính toán thiệt hơn, anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ, can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim, và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa những hy sinh làm cho tim con rướm máu, con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt của người một lòng theo Chúa.

 

9. Cửa hẹp đưa con người đến đâu?

(Trích dẫn từ ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm Ignatiô Trần Ngà)

Khi có người hỏi: “Thưa Ngài, có ít người được cứu thoát thôi, phải không?” Chúa Giêsu không trả lời có nhiều hay ít. Nhiều hay ít là tuỳ vào sự chọn lựa của con người. Nhưng nhân cơ hội nầy, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta biết phải đi vào cửa hẹp mới được cứu độ. Ngài nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”.

Vậy, vào cửa hẹp nghĩa là gì?

Là sống theo lề luật Chúa.

Lề luật Chúa xem ra gò bó, trói buộc chúng ta, ép chúng ta vào khuôn khổ, bắt chúng ta đi theo đường hẹp, không để cho chúng ta sống buông thả như bao nhiêu người khác… Thế nên có nhiều người bực mình, có người nổi loạn, có người muốn bức phá hết những ràng buộc của luật lệ.

Vậy thì cửa hẹp đưa con người đến đâu?

Thiên Chúa đã dựng nên trái đất và Ngài quy định cho nó phải quay quanh mặt trời theo một lộ trình nhất định, đó là quỹ đạo trái đất. Phải mất 365 ngày và 6 giờ, trái đất mới quay hết một vòng quanh mặt trời, và cứ thế suốt niên đại nầy sang niên đại khác. Quả là gò bó, trói buộc, là đường hẹp triền miên.

Thế nhưng bao lâu trái đất còn đi theo đúng quỹ đạo, tức con đường hẹp mà Thiên Chúa ấn định cho nó, thì mọi sự sẽ diễn tiến tốt đẹp, cuộc sống sẽ ổn định điều hoà. Nếu một ngày nào đó, trái đất ‘cảm thấy’ đi theo quỹ đạo là gò bó, là đường hẹp, để rồi đi trệch ra ngoài cho thong dong thoải mái… chỉ một chút xíu thôi mà!… thì đó là ngày cùng tận của vũ trụ và thế giới!

Chiếc tàu nghĩ rằng tại sao tôi cứ phải bị gò bó bởi hai đường sắt? Tại sao tôi không chạy nhảy như hươu nai, băng qua đồi núi, băng qua cánh đồng như bao nhiêu muông thú. Thế rồi nó thoát ra khỏi hai đường sắt gò bó, để được tự do tung hoành… Hậu quả của sự chọn lựa ‘khôn ngoan’ nầy sẽ vô cùng bi thảm. Nhưng nếu nó chấp nhận đi theo hai đường rây chật hẹp, nó về đến ga chót thật an toàn.

Trong gia đình, người vợ nghĩ rằng: thật uổng phí cuộc đời nếu ngày nào cũng nấu ăn, rửa chén, dọn nhà, quét sân… để sống cho chồng và cho con. Tại sao tôi không tự giải thoát mình khỏi vòng cương toả của gia đình? Tại sao lại phải chọn cửa hẹp, lại phải đi đường hẹp? Tại sao tôi không thể bay nhảy như những cô gái trong các hộp đêm?

Thế rồi cô đã chắp cánh bay, và kết cục là gia đình đổ vỡ, cuộc đời của cô lụi tàn trong đau thương và tủi nhục.

Nếu mỗi người chúng ta hôm nay cứ sống buông thả theo bản năng của mình mà không đi theo đường hẹp Chúa vạch ra cho chúng ta, tức là tuân giữ các giới răn, thì số phận chúng ta cũng như con tàu đi trật đường rầy, chúng ta sẽ lãnh lấy thảm họa. Mai đây, chúng ta có van nài với Chúa rằng: ‘Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì Chúa sẽ bảo: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’ và “Bấy giờ chúng ta sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Abraham, Isaac và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài.”

Trái lại, nếu chúng ta chấp nhận đi đường hẹp, tức đi đúng theo đường lối Chúa như tàu đi đúng đường rầy, như trái đất quay đúng theo quỹ đạo… chúng ta sẽ được sống an bình hoan lạc ở đời nầy và được hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa đời sau.

Vậy thì bước qua cửa hẹp là giá phải trả (có gì mà không phải trả giá!) cho hạnh phúc đời nầy và hoan lạc vĩnh cửu mai sau.

 

10. Hãy đi vào cửa hẹp – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

(Trích dẫn từ ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)

Đọc những thông tin trên mạng và qua các báo chí chúng ta thấy một tình trạng đáng lo ngại cho nền đạo đức Việt Nam. Nền đạo đức bốn ngàn năm văn hiến đang trong tình trạng suy đồi, băng hoại thật trầm trọng. Điển hình như các vụ việc gần đây nhất như sau:

“Hiệu trưởng mua dâm học sinh và Chủ tịch tỉnh bị cáo buộc mua dâm ở Hà Giang. Hai vợ chồng bị kết án 20 năm tù mỗi người vì hành hạ một bé trai tại Cà Mau. Một nữ sinh cứa cổ người tình. Một thanh niên chặt đầu người yêu cũ. Bên cạnh đó là tệ trạng hàng ngàn phụ nữ và trẻ em bị buôn lậu với giá nhiều khi chỉ một triệu đồng Việt Nam (tương đương khoảng 50 MK) một người…”

Đó là hậu quả của một lối sống dễ dãi, ẩu thả của xã hội Việt Nam hôm nay. Họ thích tìm sự dễ dãi cho mình đến mức độ bất tuân luật pháp. Họ đề cao tự do, tự lập đến nỗi không cần tôn giáo, và tệ hơn nữa là loại trừ tôn giáo. Họ hành xử theo cách nghĩ của mình, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo lý truyền thống của cha ông. Chúng ta biết rằng không có tôn giáo thì con người sẽ tự do hành động theo ý mình nên chẳng sợ “trời có mắt” để mà “làm điều lành tránh điều dữ” hay lời khuyên của tiền nhân “ở hiền gặp lành”. Không có tôn giáo con người không có sự sống thần linh hướng dẫn dễ lầm đường lạc lối và điều chắc chắn là chẳng ai nghe ai. Nhìn chung, ai cũng biết rằng cuộc sống dễ dãi sẽ đi tới chỗ diệt vong. Ai cũng biết rằng sự suy đồi của họ sẽ làm nghèo đất nước, làm khổ gia đình, và giết chết bản thân. Nhưng tính hưởng thụ đã đẩy họ vào con đường truỵ lạc để tranh thủ hưởng thụ theo kiểu mà Nguyễn Công Trứ bảo rằng:

Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi,

Xuân tàn hoa rụng còn gì vui Xuân

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi vào con đường hẹp. Con đường của hy sinh vì phải bỏ lại những thú vui mau qua, những đam mê tội lỗi để sống đúng với phẩm giá con người là “nhân linh ư vạn vật”. Con đường với lối đi thanh thoát, nhẹ nhàng khỏi những tham lam bất chính, những quyến luyến phù phiếm mau qua. Chúa mời gọi chúng ta cần phải sống tỉnh thức kẻo sẽ ân hận ngày mai, khi mà mọi người từ đông sang tây đều đến dự tiệc cưới còn mình bị tống ra ngoài. Chúa nhắc nhở chúng ta còn có một sự sống hạnh phúc viên mãn là thiên đàng, là hạnh phúc viên mãn bên Chúa. Đó chính là mùa xuân vĩnh viễn, là hạnh phúc ngàn đời. Đó chính là hạnh phúc mà mỗi người chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm và chiếm hữu cho dù phải hy sinh những danh lợi thú trần gian, có khi bằng cả mạng sống ở đời này. Sự sống và hạnh phúc vĩnh viễn đó chỉ đạt được khi chúng ta biết sống hy sinh, biết tự chủ bản thân theo đường lối Chúa, biết sống cao thượng, biết tránh xa những thói đời xấu xa.

Nhưng tiếc thay, nhân loại hôm nay luôn ham sướng sợ khổ. Thích tìm sự dễ dãi hơn là những hy sinh từ bỏ. Có những bạn trẻ thích hưởng thụ nhưng không muốn làm, chỉ lêu lổng dẫn đến trở thành một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Có những bạn trẻ tìm sự dễ dãi trong quan hệ nam nữ mà đánh mất lòng tự trọng, sự trong sạch tâm hồn. Có những người luôn tìm sự dễ dãi cho bản thân, nuông chiều theo tính xác thịt dẫn đến ngoại tình, dâm ô, trộm cắp…; Có những người đang mang trong mình những căn bệnh thời đại là hậu quả của lối sống dễ dãi, thiếu tự chủ bản năng.

Người ta vẫn nói: “Hãy dừng lại trước khi qua muộn”. Sự khôn ngoan mời gọi chúng ta đừng tìm sự dễ dãi đến mức độ nuông chiều theo bản năng. Hãy tự chủ. Hãy tỉnh thức. Hãy canh tân sửa đổi để trau dồi nhân đức cho bản thân hầu diệt trừ những tính hư nết xấu. Hãy sống cho cao thượng đúng với phẩm giá con người là “nhân chi sơ tính bản thiện”. Hãy sống công bình bác ái và yêu thương để khỏi bị luận phạt ở đời sau. Hãy sống đời này cho nghiêm túc để đời sau chúng ta được hạnh phúc muôn đời. Hãy vì sự sống vĩnh cửu mà can đảm từ bỏ những lối đường tội lỗi hôm nay.

Nguyện xin Chúa là Đường là Sự Thật và là Sự Sống dẫn dắt chúng ta đi trong chân lý vẹn toàn. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ