Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 34

Tổng truy cập: 1379087

CON MỚI LÀ BÀO THAI, MẮT NGÀI ĐÃ NHÌN THẤY

CON MỚI LÀ BÀO THAI, MẮT NGÀI ĐÃ NHÌN THẤY- Lm  Antôn Nguyễn Văn Độ

Từ thế kỷ thứ IV, Giáo hội đã mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Đây là một lễ rất lâu đời xét về mặt thời gian. Nếu như câu hỏi mà những người đương thời để bụng suy nghĩ “con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? ” Thì ngày nay người ta vẫn không ngừng đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn như : Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6 ? Và lý do gì mà Giáo hội lại mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan cách trọng thể như thế ?

Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6 ?

Lý do lấy ngày 24 tháng 6 thay vì ngày 25 tháng 6 là vì theo cách tính ngày xưa, tức là theo calends( ngày mùng 1), ides(ngày 15) và nones(ngày thứ chín). Dĩ nhiên, những niên hiệu này có một giá trị phụng vụ và biểu trưng hơn là một giá trị lịch sử. Chúng ta không biết chính xác ngày và năm Chúa Giêsu sinh ra, nên khi nào Gioan sinh ra chúng ta cũng không hay.

Dựa vào trang Tin Mừng, thánh Luca cho biết, khi loan báo sự sinh hạ của Chúa Kitô cho Đức Maria, thiên thần cho ngài biết bà Isave chị họ của ngài đang có thai trong tháng thứ sáu. Cho nên, Gioan Tẩy Giả phải được sinh ra sáu tháng trước Chúa Giêsu và như vậy bảng niên đại được tôn trọng cho đến ngày nay.

Giáo hội mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan

Thánh Augustinô nói : “ Giáo hội có thói quen lấy ngày qua đời của các vị thánh để mừng kính, vì đó là ngày sinh nhật của các thánh trên Trời. Riêng thánh Gioan Baotixita được miễn trừ khỏi qui luật bình thường đó, vì ngài đã được thánh hiến ngày từ trong lòng mẹ trước khi sinh ra, nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô trong lòng Đức Maria Trinh Nữ Rất Thánh khi thăm Bà Thánh Isave, từ đó Giáo hội tin rằng Gioan Tẩy Giả đã được thánh hoá trong dạ mẹ nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô. Đó là lý do Giáo hội cử hành lễ sinh nhật của ngài ”.

Hội Thánh coi sinh nhật của thánh Gio-an như một ngày thiêng thánh. Không có vị nào trong các bậc cha ông được chúng ta mừng sinh nhật trọng thể như thế. Chúng ta mừng sinh nhật thánh Gio-an và mừng sinh nhật Đức Ki-tô : đó là điều không thể bỏ qua.

Thánh Gio-an sinh ra bởi một cụ bà son sẻ, còn Đức Ki-tô sinh ra bởi một thiếu nữ đồng trinh. Vì không tin Gio-an sẽ chào đời, nên người cha đã hoá câm ; vì tin Đức Ki-tô sẽ chào đời, nên Đức Ma-ri-a đã thụ thai bởi lòng tin. Vậy Gio-an xuất hiện như ranh giới giữa hai giao ước, Cựu Ước và Tân Ước. Chính Chúa Giêsu chứng thực: Cho đến thời ông Gio-an thì có luật và các ngôn sứ. Vì là đại diện cho thời đại cũ, ông đã được sinh ra bởi hai ông bà già ; vì là đại diện cho thời đại mới, ông đã được gọi là ngôn sứ ngay từ trong lòng mẹ.

Ông Da-ca-ri-a bị câm, hay im lặng của ông Da-ca-ri-a có nghĩa gì nếu không phải là lời ngôn sứ tạm ngưng, và đóng lại cho tới khi Đức Ki-tô đến rao giảng ? Khi ông Gio-an đến thì lời ngôn sứ được mở ra và khi Đấng được tiên báo đến thì lời ngôn sứ trở nên rõ ràng. Lưỡi được mở vì tiếng ra đời. Khi ông Gio-an tiên báo về Chúa thì người ta hỏi ông rằng : Ông là ai ? Và ông trả lời : Tôi là tiếng, còn Chúa, ngay từ nguyên thuỷ đã là Lời. Ông Gio-an là tiếng trong thời gian, còn Đức Ki-tô, ngay từ khởi đầu, đã là Lời vĩnh cửu.

Lời mời gọi bảo vệ sự sống các thai nhi

Theo Kinh Thánh, con người là kẻ được Thiên Chúa nhận biết, gọi tên; và Thiên Chúa biết chắc chúng ta từ khi còn trong lòng mẹ. Mắt Ngài thấy chúng ta : “Con mới là bao thai, mắt Ngài đã thấy ” (Tv 138,16).

Chúng ta có một ý niệm rất hẹp hòi và có tính pháp lý về con người, gây nhiều hoang mang trong sự bàn cãi về nạn phá thai. Xem ra một đứa bé chỉ được sở hữu phẩm giá con người khi nó được các thẩm quyền con người thừa nhận.

Khoa học nói với chúng ta rằng trong phôi thai, toàn diện hữu thể nhân bản đang thành hình, được phản chiếu trong mỗi chi tiết rất nhỏ; đàng khác, đức tin chúng ta thêm rằng, điều chúng ta có không phải là công trình vô danh của tạo vật, nhưng một công trình tình yêu của đấng Sáng tạo. Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn được phác họa trước lúc sinh ra: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1, 76).

Vấn đề nghiêm trọng ngày nay là hàng triệu trẻ em chết vì phá thai mà không được rửa tội. Chúng ta phải nói gì về chúng? Chúng có được thánh hoá cách nào đó trong bụng mẹ chúng không? Chúng có được cứu rỗi không?

Câu trả lời không do dự: Chắc chắn chúng được cứu rỗi. Thiên Chúa có thể cứu rỗi bằng những phương tiện bất thường, khi con người, không do lỗi mình, không được lãnh bí tích rửa tội. Chúa làm như vậy đối với các thánh Anh Hài, những em bé đã chết không được rửa tội.

Giáo hội đã luôn luôn công nhận khả năng của một phép rửa tội bằng ý muốn và một phép rửa tội bằng máu, và nhiều em bé chắc chắn đã biết một phép rửa tội bằng máu, dầu thuộc về một bản tính khác.

Khi làm sáng tỏ vấn đề trên sẽ mang lại một sự thoải mái cho những kẻ tin, những kẻ mất bình thản trước số phận khủng khiếp của rất nhiều em bé trong thế giới ngày nay.

Xin Chúa cho tất cả những người cha và bà mẹ, như bà Isave và ông Giacaria, đang chờ đợi hay kinh nghiệm sự sinh con, có được niềm vui và hớn hở trong đứa con Chúa đã trao ban, và niềm vui sinh con, vì sự sống đã bừng lên nơi con cái. Xin cho mọi người tôn trọng các thai nhi ngay từ trong lòng mẹ. Amen.

CHÚA NHẬT LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ- LỄ CHÍNH NGÀY

CON TRẢ LỚN LÊN MẠNH MẼ TRONG LÒNG- Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Ngày 24 tháng 6 hàng năm, Giáo hội long trọng cử hành lễ sinh ra đời của Gioan Tẩy Giả con ông Dacaria và bà Êlisabeth trước lễ Chúa Giáng sinh đúng 6 tháng.  Gioan, anh em họ của Chúa Giêsu được gọi là “Gioan phép rửa” vì ông làm phép rửa cho Chúa Giêsu trong sông Gioan để chuẩn bị phép rửa trong Chúa Thánh Thần. Thánh Augustinô nói, Giáo hội thường kính nhớ các Thánh vào ngày các ngài qua đời, để tưởng nhớ đến ngày sinh trên trời của các Thánh. Mừng ngày sinh của thánh Gioan là một ngoại lệ, vì nhờ Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong lần thăm viếng gia đình Êlisabét của Đức Maria, Gioan đã được thánh hiến trước khi sinh, từ khi còn trong lòng mẹ (x. Lc 1, 33-45).

Sự chào đời của thánh Gioan Tẩy Giả là một đại tin vui cho toàn cõi địa cầu : “Chưa sinh ra người đã nhảy mừng khi Ðấng Cứu Ðộ trần gian ngự đến. Lúc chào đời người đã đem lại nhiều niềm vui” (Kinh Tiền Tụng). Vì ngày ông sinh ra loan báo ơn Cứu Độ đã gần kề. Thiên Chúa quyền năng đã can thiệp một cách bất thường vào ngày chào đời của một số tiên tri như Samuel và Giêrêmia; song cũng tiết lộ ngày sinh của Vị Tiền Hô Chúa Cứu Thế. Theo Chúa Giêsu, Gioan trổi vượt hơn hơn nhiều so với tất cả các tổ phụ và các tiên tri về phẩm giá và sứ mạng tương lai cũng như sự ưu việt của ân sủng và thánh thiện mà ông đã được cất nhắc lên “Chúa đã thánh hiến người và cho người được vinh dự đặt biệt giữa các người thế” (Kinh Tiền Tụng).

Thông điệp mà Sứ Thần truyền tin cho Dacaria để loan báo sự ra đời của Gioan Tẩy Giả, Êlisabét làm mẹ ở độ tuổi cao niên, sự im lặng đột ngột của Dacaria kể từ khi nhận được tin của Sứ Thần cho tới ngay cắt bì cho đứa trẻ, và miệng lưỡi ông mở ra cách thần kỳ, cho phép ông hát bài thánh ca Benedictus – Chúc tụng Chúa. Các sự kiện trên cho thấy những điều kỳ diệu trước sự ra đời của Gioan.

Trong các trình thuật Tin Mừng, có ít điều thú vị đề cập đến sự ra đời của Gioan Tẩy Giả. Phép lạ đã được thêm vào những điều kỳ diệu xung quanh cái nôi của trẻ Gioan; bà con họ hàng cảm thấy sợ hãi, và tiếng đồn đã lan truyền ra khắp miền núi xứ Giuđê, vì vậy tất cả đều hỏi nhau: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào ?” (Lc 1, 66).

Gioan là một người tương phản vĩ đại : dù sống trong sa mạc hoang vu, ông vẫn cất tiếng nói với đám đông bằng một giọng nói thuyết phục, tiếng nói ấy kêu gọi người ta hoán ; ông khiêm tốn nhận rằng mình chỉ là tiếng nói, chứ không phải là Lời, ông nói thẳng và can đảm kết án, đồng thời tố cáo những bất công kể cả các vua chúa quan quyền, ông chỉ cho các môn đệ biết Chúa Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa và bảo họ theo Người,  dù bị giam trong ngục, ông vẫn không từ chối nói về Hêrôđê. Thinh lặng và khiêm nhường, ông gan dạ can trường thậm trí phải máu đổ đầu rơi. Chúa Giêsu đã nói về Gioan Baotixita là một con người cao trọng nhất sinh ra bởi người nữ, nhưng ông chỉ là tiền hô Đấng Cứu Thế (x. Mt 11,11).

Ông cao trọng ở chỗ, ông ý thức được mình là người Thiên Chúa tuyển chọn : “Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng, nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel” (Lc 1,80). Toàn bộ thời thơ ấu và thiếu niên của Gioan được đánh dấu bằng sự nhận thức về sứ mệnh của mình là làm chứng; bằng cách làm phép rửa cho Chúa Giêsu trong Giordan; chuẩn bị mọi người nhận biết Chúa Cứu Thế; và cuối đời mình, ông đổ máu ra để làm chứng cho sự thật.

Thánh Gioan Tẩy Giả chiếm một vị trí có một không hai trong lịch sử nhân loại : ông là chiếc cầu nối giữa hai thế giới, tóm lại Cựu Ước và chuẩn bị cho Tân Ước; ông khép lại sứ mạng của các tiên tri và mở ra sứ mạng của các Thánh Tông Đồ, Các Thánh Tử Đạo, Các Thánh Tiến Sĩ, Các Thánh Hiển Tu, Ấn Tu, Các Thánh Đồng Trinh, vì Gioan hội tụ tất cả trong cùng một lúc nơi chính bản thân mình với sự thánh thiện, tạo nên các phẩm hàm chư thánh khác nhau, và ông ở giữa họ với một vị trí đặc biệt.

Lòng sùng kính thánh Gioan Tẩy Giả luôn là niềm vui được phổ biến rộng rãi trong toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Ngày lễ kính ngài thường được cử hành với niềm vui phấn khởi. Ngài là quan thày của nhiều giáo xứ, nhiều huynh đoàn tại nhiều nơi trên thế giới.

Mừng lễ sinh nhật thánh Gioan hôm nay, chúng ta, những người đã chịu phép Rửa tội, ý thức rằng mình cũng được chọn và được sai đi để làm chứng cho Chúa. Thánh Gioan là một người mẫu và là một sự trợ giúp cho tất cả chúng ta trong những môi trường khác nhau. Nơi Gioan Tiền Hô, thái độ tiền hô thể hiện bằng lời cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, lòng can đảm và sự khiêm nhường, giúp chúng ta mở ra chân trời mới của sự thánh thiện cho tất cả chúng ta và cho anh em của chúng ta.


CHÚA NHẬT LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

ĐƯỢC GỌI ĐỂ NÊN NHÂN CHỨNG CHO TÌNH YÊU – Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các câu chuyện dân gian kể lại thường cho thấy các vị minh vương, ngay từ nhỏ đã có những dấu hiệu trổi vượt hoặc khác thường được biểu lộ ra bên ngoài. Hôm nay Kinh Thánh cũng kể lại cho chúng ta những việc lạ lùng đã xảy ra trong dịp sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Nhưng khác với các câu chuyện dân gian, sự kiện Gioan Tẩy Giả ra đời được các tác giả Kinh Thánh nhận ra, ông chính là con người đã được nhiều vị tiên tri trong Cựu Ước nhắc tới. Hơn nữa, sau khi chiêm nghiệm cuộc đời của Gioan Tẩy Giả, các tác giả Kinh Thánh nhận ra ông chính là con người đã được Thiên Chúa tuyển chọn và trao cho một sứ mạng hết sức cao cả, là trở thành người dọn đường và là người làm chứng cho Đấng Cứu Thế. Bằng cả cuộc đời thực thi sứ mạng, Gioan đã trở thành cầu nối giữa thời Cựu Ước và thời đại của Chúa Giêsu. Hơn hẳn các ngôn sứ khác, Gioan là người tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giêsu và giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế cho mọi người: “Đây chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”.

Thánh Gioan có một vị trí quan trọng trong lịch sử cứu độ, sự xuất hiện của ông đã là một dấu hiệu cho thấy, thời cứu độ đã đến. Các tổ phụ, các tiên tri xưa, không chỉ tiên báo về việc Đấng Cứu Thế sẽ đến mà còn tiên báo về ngày ra đời của người dọn đường cho Ngài. Tiên tri Isaia đã nói về sứ mạng của mình và cũng là của vị Tiền hô như sau: “Hỡi các đảo hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm hãy chú ý, Chúa đã gọi tôi từ trong lòng mẹ, Ngài đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như lưỡi gươm sắc bén,…Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn… để tôi thành người tôi trung đem nhà Giacop về cho Người, và quy tụ Israel chung quanh Người”. Như vậy, sứ mạng của Vị Tiền Hô là đem nhà Giacop trở về và quy tụ Israel tản mác cho Thiên Chúa.

Sự kiện thiên thần báo tin cho Dacaria về việc ông có một đứa con đặt tên là Gioan, đã là một điềm lạ đối với mọi người. Dân chúng thấy Dacaria ra khỏi cung thánh không còn nói được nữa, ngày Gioan chào đời cả hai ông bà Dacaria và Elizabeth đều cương quyết phải đặt tên cho đứa bé là Gioan, khi đó ông lại nói được. Lưỡi của Dacaria lại được mở ra và ông đã dâng lên lời kinh ca tụng: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người”. Dacaria đã nhận ra sứ mạng to lớn nơi người con của ông khi ông nói rằng: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là Ngôn sứ của Đấng tối cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết Người sẽ cứu độ, và tha cho họ hết mọi tôi khiên”. Thấy những việc lạ lùng, dân chúng vô cùng kinh ngạc và tự nhủ: “Để xem rồi em bé này sẽ như thế nào, vì quả thật bàn tay Thiên Chúa đang ở với em”.

Đức Giêsu rất tôn trọng vị Tiền Hô của mình, khi khởi đầu sứ mạng công khai, Đức Giêsu đã bước đến, cúi xuống xin Gioan làm phép thanh tẩy cho mình, trước sự phản đối của Gioan. Gioan đã nhiều lần giới thiệu cho môn đệ của mình và chỉ cho mọi người về Đức Giêsu. Hơn hẳn các ngôn sứ trước đây, họ nói về Đấng Cứu Thế, Gioan là người chỉ cho mọi người biết Đức Giêsu chính là Đấng cứu thế: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Sau khi hoàn thành sứ mạng, Gioan đã rút lui, nhường bước cho Đấng Cứu thế: “Tôi phải nhỏ đi để cho Ngài được lớn lên”. Gioan cũng không giữ riêng các môn đệ cho mình, ông sẵn sàng giới thiệu môn đệ của mình đến với Chúa Giêsu. Cuối cùng ông đón nhận, chấp nhận sự tù đày và cả cái chết vì trung thành với sứ mạng uốn nắn lại lòng người, mở đường cho Thiên Chúa.

Nhìn vào cuộc đời của Thánh Gioan, chúng ta cảm phục về cuộc sống của Ngài, một con người khiêm tốn, và can đảm trung thành với sứ mạng. Dù được dân chúng kính trọng, dù được biết bao sự ủng hộ của nhiều người và dù được dân coi như là một đấng Mesia, Gioan vẫn không vì thế mà ông quên sứ mạng và vị trí của mình chỉ là người dọn đường. Ông không lợi dụng sự ủng hộ của dân chúng để cầu danh cầu lợi cho mình, cũng không ảo tưởng về sự thành công của mình, ông một mực khiêm tốn nhìn nhận: “Đấng đến sau tôi, thì cao trọng hơn tôi và tôi không đáng cúi xuống để xách dép cho Người”.

Chúng ta nhận ra tính cách đặc biệt và con người của Gioan. Ông là một con người ngay thẳng can đảm, lời lẽ sắc bén, ông đã dám nói lên sự thật và bênh vực cho sự thật. Khi rao giảng về sự sám hối, ông đều nói thẳng vào vấn đề của từng người. Từ các luật sĩ là những người vị vọng, đến những người thu thuế bị coi là hèn kém, những người biệt phái giả hình, ông đã dám gọi họ là: “nòi rắn độc kia, các người đừng hòng trốn thoát cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”. Đối với những người thu thuế, ông dạy họ đừng gian tham, đừng trục lợi cho riêng mình, đừng thu lợi bất chính. Với những quân nhân của triều đình, ông kêu gọi gọi họ đừng lợi dụng chức quyền để o ép dân chúng, đừng gian tham bất công, hãy làm việc cho xứng với đồng lương của mình. Trong một bối cảnh xã hội Do Thái thời ấy, thì những lời này của Gioan là những lời thật mạnh mẽ mà không phải ai cũng dám lên tiếng, nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì Gioan là người đã dám đụng đến những vấn đề nhạy cảm của xã hội lúc bấy giờ.

Không dừng lại đó, Gioan còn là người duy nhất dám đương đầu với chính quyền để phanh phui sự xấu xa, lên tiếng bênh vực cho sự thật và cho công lý, mặc dù ông biết rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến tính mạng của ông. Ông không chấp nhận một vị vua, người đứng đầu một quốc gia, mà lại có những hành động vô luân như vua Herode. Ông vua này đã phớt lờ dư luận quần chúng, ngang nhiên cướp vợ của anh mình, chung sống với chị dâu một cách ngang trái. Gioan đã chỉ thẳng mặt Herode và cảnh cáo nhà vua: “Nhà vua không được cướp vợ của anh mình”. Hành động quả cảm này đã khiến Herode bực tức, đã bỏ tù và sau cùng đã giết chết Gioan.

Thưa quý OBACE, trong cuộc sống ngày nay, chúng ta được mời gọi sống theo tấm gương của Gioan: khiêm tốn và can đảm chu toàn trách nhiệm của mình. Khiêm tốn không có nghĩa là nhu nhược hay nhắm mắt làm ngơ trước sự dữ và sự xấu, mà là nhận rõ trách nhiệm của mình, con người và nhiệm vụ của mình, trong gia đình, trong xã hội và kiên trì chu toàn. Ngày hôm nay ngay trong gia đình, trong tương quan xã hội, rất nhiều việc sai trái đang xảy ra, nhưng vì sức ép của đồng tiền, vì quyền lợi, chúng ta không dám lên tiếng ngăn cản sự sai trái ấy. Trong tương quan bạn bè và xã hội, nhiều người vì sợ mích lòng, vì sợ ảnh hưởng đến công việc và con đường danh vọng, nên không dám chống lại cái xấu, nhắm mắt làm ngơ trước sự sai trái, và còn đồng lõa với những sai trái của bạn bè và xã hội.

Hơn lúc nào hết, người tín hữu chúng ta phải là những sứ giả như Gioan, là người dọn tâm hồn để cho gia đình, cho anh em, và cho cả xã hội này đón nhận được chân lý và sự thật của Đức Kitô. Là người Công Giáo, chúng ta phải can đảm lên tiếng bênh vực cho chân lý và sự thật; chỉ mặt gọi tên sự xấu bằng đúng cái tên của nó, không né tránh sự thật, không ngụy biện, và không dùng lời lẽ hoa mĩ dối trá để biện minh cho những hành động xấu xa, vì tất cả sự gian dối đều do ma quỷ mà ra.

Nhưng trước hết, mỗi người cần điều chỉnh bản thân mình, theo lời mời gọi của Gioan: lấp đầy, san phẳng những chỗ gập ghềng trong đời sống, sám hối, sửa chữa những sai lầm và quay trở về với Thiên Chúa. Cần phải khai mở một con đường ngay thẳng cho Chúa đến với tâm hồn mình trước. Con đường trong tâm hồn của mỗi người, chỉ có chính bản thân tự quyết định để mở rộng và giải tỏa cho riêng mình mà thôi.

Xin Chúa cho chúng ta biết học theo cách sống, theo con người của Gioan và thực hiện lời mời gọi của Gioan, để chúng ta có thể đón tiếp Chúa vào tâm hồn mỗi ngày qua Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể. Amen

home Mục lục Lưu trữ