Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 44

Tổng truy cập: 1377256

CÔNG DÂN NƯỚC TRỜI

Công dân nước trời – Thiên Phúc

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Ngày xưa ngày xưa, hai anh em cùng sống và làm việc chung trên một cánh đồng và chung một cối xay. Mỗi tối về, họ chia đều hoa lợi đã thu hoạch trong ngày. Người em sống độc thân, còn người anh có vợ và nhiều con cái. Bất chợt một hôm, người em sực nghĩ: “Thật không công bằng chút nào việc chia đều hoa lợi. Mình chỉ có một mình còn anh ấy pải nuôi cả vợ con nữa”. Thế rồi mỗi đêm, người em âm thầm lấy bớt số thóc lúa của mình đem đổ vào kho của người anh.

Gần như đồng thời, người anh sực nghĩ: “Thật không công bằng chút nào việc chia đều hoa lợi. Vì mình có con cái cấp dưỡng trong lúc tuổi già. Còn chú ấy sống một mình, sẽ chẳng có ai cấp dưỡng. Chú ấy cần dự phòng cho tuổi già sau này”. Thế rồi, mỗi đêm, người anh âm thầm lấy bớt số thóc của mình đem đổ vào kho của người em.

Kết quả mỗi buổi sáng thức dậy, cả hai đều rất ngạc nhiên thấy phần thóc của mình đã được bổ sung trở lại, không hề hao hụt. Song họ không hiểu tại sao.

Đến một tối, hai người bắt gặp nhau giữa đường khi đang mang thóc đổ vào kho của nhau. Cả hai lập tức hiểu ra sự việc. Và họ cảm động ôm chầm lấy nhau.

Nhiều năm sau khi họ qua đời, câu chuyện ấy lan rộng ra. Vì thế, khi dân chúng muốn xây dựng một thánh đờng cho thị trấn, họ đã chọn đúng chỗ mà hai anh em gặp nhau tối ngày xưa ấy, để đặt móng cho thánh đường – bởi họ nghĩ rằng không thể có chỗ nào khác trong thị trấn linh thánh hơn chỗ này.

***

Vua Giêsu là vua Tình yêu. Chỉ có ai sống yêu thương mới được ở trong vương quốc của Người. Hai anh em trong câu chuyện trên đây quả xứng đáng là thần dân của Vua Giêsu Tình yêu.

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mô tả cho các môn đệ về ngày Cánh Chung. Lúc đó, Người sẽ ngự đến trong vinh quang, có các thiên sứ theo hầu. Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển. Muôn dân sẽ quì tụ trước mặt Người, Người sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên và dê. Chiên bên phải và dê bên trái.

Thế là quá rõ, Đức Giêsu vừa là Vua vũ trụ, vừa là Thẩm phán thế gian. Người tuyển chọn các con dân của Người bằng một phương cách thật bất ngờ, đến nỗi những con chiên ngoan đạo của Người cũng không thể ngờ tới: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?” (Mt 25,37-39).

Hóa ra là, từ bấy lây nay, chúa hiện thân trong người đói khát, khách lạ, mình trần; trong kẻ đau yếu, tù đầy mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày. Tiêu chuẩn để được cấp hộ chiếu nước Trời thật đơn giản: Hãy làm những nghĩa cử yêu thương cho anh em, nhất là những người cùng khổ, vì chính Chúa đã đồng hóa mình với họ. Đức Giêsu nói: “Mỗi lần các người làm cho một người bé mọn nhất của Ta đây, là các người làm cho chính Ta” (Mt 25,40).

Người ta sẽ phải tách biệt ra, chiên hoặc là dê, người lành hay kẻ dữ, người thánh thiện hay kẻ tội lỗi. Điều đó căn cứ vào việc “Làm” hay “không làm” những nghĩa cử yêu thương cho những ai đang cần trợ giúp.

Người ta sẽ phải “ra đi chịu cực hình muôn kiếp” hay là “ra đi để hưởng sẹ sống muôn đời”, cũng chỉ dựa vào tiêu chuẩn duy nhất ấy, “làm” hay “không làm” những cử chỉ yêu thương cho những kẻ bần cùng, bất hạnh.

Nếu vua Giêsu ở trong cung vàng điện ngọc, xa rời quần chúng, thì người ta có lý dó để thoái thác không làm. Nhưng Người luôn ẩn thân trong những người nghèo hèn, khốn khổ; mà họ đông vô số kể, lúc nào cũng ở bên cạnh chúng ta, thì việc “không làm một cái gì đó” cho an hem khi họ cần đến, lại là một án phạt muôn đời cho những kẻ vô tâm, vô tình.

Nếu Vua Giêsu chỉ xét xử thần dân của Người dựa trên tình yêu, thì ai không biết động long trắc ẩn trước nỗi khổ của anh em, không dám cho đi những gì mình có để cứu giúp những kẻ khốn cùng, không dám xả thân phục vụ những con người bất hạnh, thì họ không thể nào là công dân của Nước Trời.

Chúng ta không giàu có vì những gì mình đã nhận lãnh, mà vì những gì mình đã trao ban. Cha Mark Link viết: “Khi Chúa đến, Người không cân đo trí khôn chúng ta thông minh thế nào. Nhưng Người sẽ cân đo trái tim chúng ta yêu thương ra sao”.

Nếu con tim chúng ta không đam mê tượng vàng rực rỡ, chúng ta sẽ yêu cuộc đời nhiều hơn, sẽ tha thiết sống trọn vẹn hơn cho anh em. Và cỏ cây lại xanh tươi, nắng chan hòa ấm cúng, con tim reo vui hạnh phúc.

***

Lạy Chúa,

Xin cho trái tim chúng con nồng cháy yêu thương, cho bàn tay chúng con rộng mở để trao ban, cho đôi chân chúng con đến với những người nghèo khổ. Vì chỉ có thế, chúng con mới xứng đáng là thần dân của Vua Tình Yêu, luôn mang cờ hiệu là phục vụ và yêu thương. Amen.


 

14. Suy niệm của Lm. Trầm Phúc

Lễ này đã được  Đức Giáo hoàng Pi-ô XI thiết lập vào năm 1935, không phải vì thế giới ngày nay đã từ chối vương quyền của Chúa, không nhằm tạo lại một cái gì đã mất, nhưng để giúp chúng ta là những người tin Chúa, nhớ đến một thực tại mà nhiều người đã bỏ quên: đó là vương quyền tuyệt đối của Chúa Ki-tô trên vạn vật, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người nhớ đến cùng đích của cuộc sống: tất cả phải quy về một mối là Chúa Ki-tô. Không có Ngài, thế giới này sẽ là gì? Sẽ đi về đâu? Cuộc sống con người có ý nghĩa gì? Hiến chế “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” đã nhấn mạnh đến điểm này. Chúa Ki-tô là đích điểm của mọi sự. TrongThông điệp “Đấng Cứu chuộc con người” của Đức Giáo hoàng Gioan-Phao-lô II càng nhấn mạnh hơn.

Cuộc sống con người chỉ có ý nghĩa khi nó kết thúc trong Chúa Ki-tô, trước mặt Vì Vua muôn thuở: “Ngài phải là Đầu và là Cuối cùng của mọi sự (Anpha và ô-mê-ga), là Đấng mà mọi sự có tự Ngài, là đường, là sự thật và là sự sống” của mọi người. Ngài là Đấng Cứu chuộc con người (Thông điệp Đấng cứu chuộc con người, số 17).

Thánh Mat-thêu đã trình bày Chúa Giêsu như một vị Vua, không phải như vua trần thế, mà là Vua của mọi loài, Vua tuyệt đối: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên thần theo hầu, bấy giờ Người sẽ lên ngai vinh hiển của Người”.

Chúng ta không thể nào so sánh vinh quang của một vị vua trần thế với vinh quang của Đấng đã Phục sinh.

Các vua trần thế chỉ như một ngọn đèn cháy một lúc rồi lụi tắt. Chúa Giêsu mới là Vua, vì vương quyền của Ngài không bắt đầu trong thời gian, Ngài là Vua tự muôn thuở: “Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con”. “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con”. (Tv 110).

Nhưng Vua Giêsu của chúng ta là một Thiên Chúa nhập thể, đã sống trọn kiếp người, đã chết và đã sống lại. Ngài sống lại để trở nên “Chúa của kẻ chết và của kẻ sống” (thơ gởi giáo đoàn Cô-lô-sê). Vương quyền của Ngài vượt mọi ranh giới. Thánh Gioan, trong sách Khải Huyền đã nhìn thấy Ngài đầy vẻ uy nghi, sáng chói: “Ta đã chết và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời! Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1,18). Thánh Gioan viết tiếp: “Thấy Ngài, tôi ngã vật xuống dưới chân Ngài như chết vậy”.

Bức tranh hoành tráng của Gioan diễn tả phần nào quyền uy tối thượng của Đấng đã toàn thắng sự chết. Ai có thể đọc hết sách Khải huyền mới có thể hình dung được nét oai phong thần linh của Chúa Giêsu… Đức Vua muôn thuở mà Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm.

Ngài là Thiên Chúa, là Ngôi Lời Thiên Chúa. Trước mặt Ngài, chúng ta chỉ có thể có một thái độ là tôn thờ. Và tôn thờ chính là nhìn nhận quyền tuyệt đối của Ngài trên chúng ta, quyền xét xử và thưởng phạt. Thực sự, chúng ta có nhìn nhận điều đó không? Tôn thờ chính là thi hành thánh ý của Ngài chứ không chỉ sống theo ước muốn của chúng ta. Tôn thờ chính là chỉ yêu một mình Ngài trên hết mọi sự… Đạo Công giáo không phải là một ách nô lệ, mà là một tình yêu trọn vẹn.

Dụ ngôn cũng cho chúng ta thấy: “Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Ngài”.

Vua chúa trần gian chỉ có quyền trên một số người và trong một thời gian hạn định. Vua Giêsu nắm quyền trên toàn thể muôn dân, từ người thứ nhất là A-đam đến người cuối cùng trong thế giới. Chúng ta không thể hình dung được quyền uy cao cả của Ngài, vì chúng ta quá bé nhỏ, một hạt cát…. Chúng ta sẽ đến trước mặt Ngài và Ngài sẽ xét xử mọi người, không trừ ai. Vương quyền của Ngài là tuyệt đối. Lúc bấy giờ chúng ta mới biết, chúng ta sẽ như thế nào.

“Ngài tách chiên ra khỏi dê”, tức là những người lành và những người tội lỗi không còn lẫn lộn như ở trần gian. “Lúa tốt không còn lẫn với cỏ lùng nữa”. Giờ đó không còn thay đổi. Đó là giờ quyết định.

Vua ngỏ lời với những người lành, và lời Ngài gây ngạc nhiên. Ngài nêu rõ tại sao họ được ân thưởng: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói… các ngươi đã cho ăn…”

Ngài không hỏi họ đã sáng chế ra bao nhiêu máy móc tinh vi, cũng không hỏi đã xây bao nhiêu lâu đài dinh thự, sản xuất bao nhiêu đạn hạt nhân, đã chứa bao nhiêu tỷ bạc. Ngài chỉ hỏi họ có yêu thương giúp đỡ Ngài không? Vì Ngài đói rách, bệnh hoạn, khốn khổ…

Ngạc nhiên, ngỡ ngàng! “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn…đâu!” Đúng thế, chúng ta có bao giờ thấy Chúa đâu! Chúng ta chỉ thấy người nghèo, người khổ thôi, nhưng Đức Vua sẽ trả lời: “Ta đói trong những người đói, Ta đau khổ trong những người đau khổ”.

Thánh Phao-lô đã nghe tiếng Chúa gọi trên đường Đa-mas: “Sao-lê, Sao-lê, sao ngươi bắt bớ Ta?” Sao-lê trả lời: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Và câu trả lời vọng lại: “Ta là Giêsu ngươi đang bắt bớ”. Ta là Giêsu chứ không phải là môn đệ. Ngươi đang bắt bớ Ta chứ không phải môn đệ của Ta. Bao nhiêu lần chúng ta đã đọc, đã nghe câu nói này, chúng ta có ý thức được gì không? Chúa nói với Phao-lô, hôm nay Chúa cũng nói với chúng ta như thế, nhưng… chúng ta vẫn phớt lờ như không hay biết. Chúng ta muốn đứng bên phải, trong số chiên ngoan, nhưng thực sự, chúng ta không xứng đáng, chúng ta thấy Chúa đói mà không cho ăn… Chúng ta ngại phải móc túi, ngại cho… Chúng ta lo xa, chúng ta sợ mất mát, chúng ta sợ người ta lợi dụng…Chúng ta chưa nhìn thấy Chúa trong anh em khốn khổ… Chúng ta chỉ muốn sướng một mình, vui hưởng một mình, còn anh em… “sống chết mặc bây”.

Chúng ta chọn vua nào? Vua Giêsu? Nếu chọn Vua Giêsu, Ngài đang ở giữa chúng ta, Ngài là những đứa trẻ không ai thương đến, những người neo đơn, bệnh hoạn…

Vui mừng biết bao khi chúng ta khám phá ra Chúa Giêsu trong những người anh em khốn khổ! Hãy mở rộng tâm hồn để nhìn thấy điều kỳ diệu là Vua Giêsu chúng ta đang nghèo đói trong anh em… đang cần đến sự giúp đỡ ân cần của chúng ta. Hãy nhớ rằng “trong ngày sau hết, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu” (thánh Gioan Thánh Giá). Có lẽ chúng ta không thể làm hết mọi sự, giúp đỡ hết mọi người, nhưng chúng ta có làm hết khả năng để nâng đỡ những người anh em xấu số của chúng ta không?

Chúng ta lãnh nhận nhiều hơn anh em, không phải để chúng ta vui chơi phung phí, nhưng để chia sẻ. Chúng ta chỉ là “những người quản lý những ân huệ thiên hình vạn trạng của Chúa”, chúng ta không có quyền vui hưởng một mình…

Thánh Phan-xi-cô At-xi-di là một trong những khuôn mặt quen thuộc đã nhìn thấy Chúa Giêsu trong những người cùi… đã yêu thương phục vụ họ. Mẹ Tê-rê-xa Calcutta cũng thế. Đối với Mẹ, những người khốn cùng nhất trong xã hội, những người bị bỏ rơi… là những Chúa Giêsu cần được yêu thương. Tại sao chúng ta không thể nhìn thấy Chúa trong anh em khốn khổ? Chúng ta mù quáng đến mức độ nào? Hãy xin Chúa cho chúng ta một tâm hồn nhạy cảm trước những người anh em đang khốn khổ.

Vua Giêsu của chúng ta không đến với chúng ta bằng dáng vẻ oai phong như các vua trần gian, nhưng Ngài khiêm tốn đến với chúng ta nơi bàn thờ trong hình thức hết sức nhỏ bé để chúng ta gần gũi với Ngài hơn. Sau khi lãnh nhận Ngài, chúng ta có thể nhận ra Ngài rõ rệt hơn nơi anh em, và yêu mến Ngài trong anh em chúng ta hơn.


 

15. Vì xưa Ta đói.

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Têrêsa Calcutta là người mê và sống đoạn Tin Mừng này. Bà bị cuốn hút bởi những người đau khổ. Dưới mắt bà, đó không chỉ là những người đáng thương, mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đau khổ.

Tình yêu con người và tình yêu Chúa Giêsu quyện vào nhau. Vì yêu Ngài, nên bà yêu con người mãnh liệt hơn.

"Tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người, dù họ có vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa."

Đoạn Tin Mừng này được chọn đọc vào Chúa Nhật hôm nay, vì ở đây Chúa Giêsu được mô tả như một vị Vua, có thiên sứ theo hầu, ngồi trên ngai vinh hiển. Ngài là Thẩm phán xét xử muôn dân, tách biệt kẻ lành người dữ, thưởng phạt công minh. Nhưng phán quyết của Ngài làm ai nấy kinh ngạc.

Người ta được chúc phúc hay bị nguyền rủa dựa trên những việc họ đã làm hay không làm cho Ngài, mà họ không hề hay biết.

Vua Giêsu chẳng ở đâu xa, chẳng ở cung vàng điện ngọc. Ngài ở trong những người cùng khốn.

Vua Giêsu đồng hoá mình với những người đói khát, khách lạ, trần trụi, đau yếu hay ở tù mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày.

Ngài ẩn mình hay đúng hơn Ngài tỏ mình qua con người, qua những người hèn kém đáng thương nhất. Chúa vinh quang không ngại nhận họ là anh em.

Ngài không khoác tấm áo lộng lẫy kiêu sa để dễ gần gũi với nỗi đau của người yếu thế.

Như thế chúng ta không phải tìm Chúa ở nơi xa xôi. Ngài không chỉ ở trong nhà thờ, trong bí tích. Ngài còn ở nơi những người đang cần chúng ta.

Mỗi người khốn cùng đều là một bí tích, nơi chúng ta có thể thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu.

Có những lần Chúa đi ngang qua đời ta như vị vua giả trang làm người hành khất.

Ngày phán xét, chúng ta không được giả vờ ngạc nhiên khi nghe biết mình đã để Ngài đi qua tay trắng.

"Chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên tình yêu."

Tội lớn nhất là tội thiếu sót: không làm điều phải làm.

Hôm nay Vua Giêsu vẫn ngửa tay xin ta giúp các anh em bé mọn nhất của Ngài. Những người mù chữ, những trẻ em đường phố, những người bị suy sụp tinh thần, cần được yêu thương, những người không tìm được cho đời mình một chỗ trọ, những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê, những người trần trụi vì phải sống nhờ thân xác.

Phải làm một việc gì đó cụ thể để Nước Chúa lớn lên trong thế giới này.

Phải xây dựng một điều tốt đẹp nào đó để Vua Giêsu thật sự là Vua Vũ Trụ, vũ trụ bên ngoài và vũ trụ trong lòng con người.

Gợi Ý Chia Sẻ

Thế giới hôm nay còn nhiều bất công và đau khổ do con người gây ra cho nhau. Bạn thử nghĩ, với khả năng của mình, bạn làm được điều gì để người chung quanh hạnh phúc?

Thấy Chúa Giêsu nơi những người đói nghèo, rách rưới, vô gia cư nghề nghiệp, thậm chí đã có lần phạm pháp, bạn nghĩ điều đó có khó không? Làm sao tôi có thể đối xử với họ như với Chúa?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục, nếu Chúa là vua của hơn tám trăn ngàn nữ tu, nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo, thì thế giới này sẽ đổi khác, Hội Thánh sẽ đổi khác.

Chúng con không phải là một lượng men nhỏ.

Nếu khối bột chẳng được dậy lên, thì là vì men đã mất phẩm chất.

Chúng con phải chịu trách nhiệm về sự dữ trên địa cầu: có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.

Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến, nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian.

Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ, chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa, giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ, nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa, dù Chúa đã đến trái đất này từ hơn 2000 năm.

Chúng con sợ Chúa đến làm phiền lòng chúng con, và không cho chúng con được yên ổn.

Ước gì một tỉ người công giáo chịu để Chúa chi phối đởi mình và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.

Như thế vũ trụ này trở thành vũ trụ của Thiên Chúa.


 

16. Giờ thưởng phạt

Thế giới loài người có khởi đầu và có kết thúc. Chúa Giêsu đã báo trước sẽ có ngày tận cùng thời gian, đó là lúc người lành, kẻ dữ biết rõ số phận của mình. Trong ngày cuối cùng đó, Đức Giêsu chịu đóng đinh sẽ hiện đến trong uy nghi vinh hiển, là Vua xét xử thế gian. Lúc đó, tôi sẽ đứng trong nhóm nào, bên phải hay bên trái của Chúa? Tôi phải làm sao để được Chúa Cha phúc, được Chúa Giêsu tha thứ mọi lỗi lầm dương thế và cho nhập vào hàng ngũ các thánh.

Xưa kia khi Chúa Giêsu xuống trần, Ngài không dùng quyền để xử án thế gian nhưng để tỏ lòng thương xót với những người tội lỗi và cứu độ họ (x. Ga 3,17), nhưng đến ngày phán xét, Chúa Giêsu sẽ ngự đến trong uy nghi sáng láng và thưởng phạt công minh. Hiện nay, Ngài tự đồng hoá mình với những kẻ bé mọn để chúng ta có cơ hội phụng sự Ngài nơi đồng loại. Khi chúng ta tiếp nhận những kẻ bé mọn vì danh Chúa tức là đón nhận Chúa và mai sau Ngài sẽ ban thưởng cho chúng ta. Những kẻ đáng thương là đối tượng tình thương của Chúa. Vì vậy, khi ta giúp đỡ những kẻ đáng thương là chúng ta thể hiện tình thương của Chúa đối với con người. Ngược lại, những kẻ dữ vì không thi hành việc bác ái cụ thể đối với những người đáng thương nên đã cản trở tình thương yêu của Chúa đối với con người và vì vậy là một trọng tội đáng vào lửa muôn đời.

Trong ngày phán xét, những người đã thông phần đau khổ vì Đức Giêsu, đã làm chứng cho chân lý và sống vì hạnh phúc của tha nhân sẽ được vinh thắng, được ở cùng với Vua Giêsu rất đáng mến và hưởng vinh phúc với Ngài. Những kẻ dữ, không biết xót thương ai nên phải bị trầm luân khốn khổ, phải lui ra khỏi mặt Chúa đời đời! Đó là hình phạt lớn nhất cho họ.

Hiện nay, sự dữ còn đang hoành hành trong thế giới, cỏ lùng còn lẫn lộn với lúa, người ác sống chung với người lành và còn coi thường việc thưởng phạt, nhưng đến ngày tận thế, họ sẽ biết rõ quyền năng và sự công thẳng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, đối với người lành, Chúa sẽ đối xử nhân từ và cho vào hưởng hạnh phúc đời đời.

Chúng ta biết mình sẽ có ngày ra trước toà Chúa. Vậy, chúng ta hãy lo làm tròn bổn phận của mình, làm nhiều việc lành và dâng những hy sinh hàng ngày cho Chúa để được chúa xót thương. Số phận của chúng ta không phải được quyết định vào ngày tận thế nhưng tuỳ thuộc vào thái độ sống của chúng ta ngay từ hôm nay trong cuộc đời dương thế. Xưa ta cho kẻ đói thì nay Chúa cũng cho chúng ta được no nê, xưa ta tốt bụng với anh em thì nay Chúa cũng sẽ tỏ lòng nhân hậu với chúng ta. Chúng ta đong đấu nào cho anh em thì Chúa cũng sẽ đong lại bằng đấu ấy cho chúng ta mà đong dư tràn nữa. (x. Mt 7,2)

Vào ngày phán xét, Chúa sẽ hỏi mỗi người chúng ta về đời sống đạo (x. Ga 18, 37), về lòng hối cải (x. Mt 12, 41), về việc đón tiếp các đại diện của Chúa (x. Mt 10, 41). Những việc bác ái hy sinh vì Chúa là những hoa trái của đời sống Tin Cậy Mến, là những của lễ đẹp lòng Chúa hơn hết. Do đó, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy chỉnh đốn lại cách đối xử của ta đối với tha nhân, nhất là những kẻ đang cần ta giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần, mỗi người chúng ta hãy sống thật đúng với lời Chúa dạy, lo làm các việc lành phúc đức và trung thành giữ giới răn Chúa cho đến cùng.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con yêu mến Chúa. Chúa rất muốn chúng con hạnh phúc nên đã đến cứu chuộc chúng con. Chúa đã tự đồng hoá mình với những kẻ bé mọn và muốn chúng con yêu thương Chúa qua những người nghèo hèn khốn khổ. Chúng con sẽ cố gắng lo giúp đỡ những người bé mọn, tích cực cộng tác với xã hội trong việc giúp đỡ tha nhân nhất là những người trong hoàn cảnh khổ đau, thiếu thốn để xã hội ngày càng tốt đẹp và mọi người nhận ra Chúa đang hiện diện đặc biệt nơi các môn đệ của Người.

 

home Mục lục Lưu trữ