Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 59
Tổng truy cập: 1377532
CỨ YÊU, ĐỪNG SỢ
Cứ yêu, đừng sợ – Trầm Thiên Thu
Tình yêu như một điệp khúc, luôn được Chúa Giêsu lặp đi lặp lại, có thể có người cảm thấy nhàm vì nghe hoài, nghe mãi, nghe suốt năm phụng vụ, thậm chí nghe hằng ngày. Nghe mãi, thế mà chúng ta vẫn chẳng thực hiện được bao nhiêu, dù Thánh Gioan bảo: "Các điều răn của Người có nặng nề gì đâu" (1 Ga 5:3). Quả thật, Đạo Chúa chỉ là một chữ Yêu, rất ngắn gọn và đơn giản, ấy thế mà lại nhiêu khê, nhưng dù sao tình yêu vẫn luôn vĩ đại!
Thánh Angela Merici nói: "Muốn biết một người có nên giống Chúa Giêsu không thì phải coi họ sẽ chấp nhận sự khinh mạn sỉ nhục như thế nào". Chúa Giêsu vẫn yêu cuồng si dù biết chúng ta phụ tình Ngài. Yêu là thế đó. Yêu không chỉ "chết trong lòng một ít" mà phải te tua và tơi tả, và "chết thật". Chán lắm! Nhưng vẫn có những người thích... chán. Hầu như người đời không thể hiểu chữ "yêu" kiểu này!
Đại văn hào Victor Hugo đã từng xác định: "Chết cho tình yêu là sống trong tình yêu". Kỳ lạ vô cùng. Chỉ ai đã từng yêu hết lòng thì mới khả dĩ hiểu được phần nào!
Sách Công vụ cho biết có những người từ miền Giuđê đến dạy thế này: "Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê thì anh em không thể được cứu độ" (Cv 15:1). Ông Phaolô và ông Banaba chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Banaba và một vài người khác lên Giêrusalem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục để bàn về vấn đề đang tranh luận này.
Bấy giờ các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi Antiôkhia với ông Phaolô và ông Banaba. Đó là ông Giuđa (biệt danh là Basaba) và ông Xila, những người có uy tín trong Hội Thánh. Họ trao cho phái đoàn bức thư này: "Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang. Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Banaba và ông Phaolô, những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi cử ông Giuđa và ông Xila đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh" (Cv 13:24-29).
Phải cẩn trọng vì lời nói có thể làm hại người khác: "Nhất ngôn xuất, tứ mã nan truy". Tác hại khôn lường vì cái lưỡi! Chắc hẳn chúng ta cũng đã biết điều này: "Luật vị nhân sinh, nhân sinh bất vị luật". Luật phục vụ con người chứ con người không phục vụ luật. Có con người rồi mới phát sinh luật. Luật cũng cần thiết để giúp con người hoàn thiện, nhưng theo luật phải vì yêu mến thật lòng, chứ chỉ khư khư giữ luật vì luật mà không vì yêu mến thì hóa vô ích. Thánh Augustinô đã nói: "Cứ yêu đi, rồi muốn làm gì cũng được". Người nào dám yêu thì không hề sợ bất cứ điều gì, kể cả cái chết, vì tình yêu còn mạnh hơn cả Tử Thần.
Yêu là đường của Chúa, yêu là luật của Chúa, yêu là chân lý của Chúa, yêu là niềm khao khát của Chúa, yêu là ước muốn vĩnh hằng của Chúa. Ai cũng phải không ngừng cầu xin: "Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài" (Tv 67:2-3). Đồng thời còn phải chân thành mong muốn: "Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn nước theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này. Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài" (Tv 67:5-6).
Ước vọng đó là niềm khao khát khôn nguôi của những người tin vào Thiên Chúa, và cầu chúc cho nhau điều tốt lành nhất: "Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!" (Tv 67:8).
Thánh trẻ Gioan là Tông Đồ của Tình Yêu, vì yêu mà ngài dám đứng dưới chân Thập Giá, được Chúa Giêsu trao phó Đức Mẹ. Thánh nhân kể về thị kiến: "Đang khi tôi xuất thần, thì người đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh Giêrusalem từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê. Thành có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Ítraen. Phía Đông có ba cửa, phía Bắc có ba cửa, phía Nam có ba cửa và phía Tây có ba cửa. Tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên" (Kh 21:10-21).
Thánh Gioan cho biết thêm: "Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành. Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi" (Kh 21:22-23). Thị kiến quá lạ lùng. Nhưng đó là những điều Chúa hứa ban cho những ai dám yêu Ngài hết lòng, hết sức, và hết trí khôn.
Một hôm, Tông Đồ Giuđa (gọi là Giuđa Nhiệt thành hoặc Tađêô, không phải Giuđa Ítcariốt) hỏi Đức Giêsu: "Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?" (Ga 14:22). Nghe hỏi vậy, Đức Giêsu đáp ngay: "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy" (Ga 14:23-24). Một loạt các mối liên kết của tình yêu, như một đa giác có các cạnh và các góc không thể tách rời nhau – kể cả các đường trung tuyến hoặc đường cao. Một hệ lụy tất yếu!
Chúa Giêsu căn dặn các đệ tử: "Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em" (Ga 14:25-26). Ngài hứa ban Chúa Thánh Thần, vì Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong đời sống. Đó là tặng phẩm vô giá mà Chúa Giêsu muốn dành cho mỗi chúng ta.
Chúa Giêsu hứa hẹn và động viên: "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi" (Ga 14:27). Chúa Giêsu nói thêm: "Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin" (Ga 14:28-29).
Chúa Giêsu dạy chúng ta hai điều quan trọng. Thứ nhất về tình yêu: "Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13:34; Ga 15:12), như Thánh Phaolô cũng khuyến cáo điều tương tự: "Đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái" (Rm 13:8); thứ nhì về lòng can đảm: "Đừng sợ!" (Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Lc 1:13 & 30; Lc 2:0; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Kh 1:17-18).
Hai điều này liên quan lẫn nhau: Yêu thì phải can đảm, nghĩa là không sợ, còn nếu sợ thì không thể yêu.
Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, xin cho chúng con biết can đảm để có thể sống trọn tình yêu thương như Con Chúa. Xin Tình-Yêu-Chúa-Kitô-chịu-đóng-đinh biến đổi cuộc sống của mỗi chúng con nên hoàn thiện nhờ Hồng ân của Chúa Thánh Thần, để chúng con xứng đáng là những Kitô hữu đích thực. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô Phục Sinh, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
52. Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển
CHÚA THÁNH THẦN TIẾP NỐI CON ĐƯỜNG THƯƠNG XÓT
Trình thuật Tin Mừng hôm nay tiếp nối tuần trước trong bối cảnh bữa Tiệc Ly và nó nằm trong diễn từ ly biệt giữa Đức Giêsu và các môn đệ.
Trong diễn từ này, Đức Giêsu loan báo cuộc ra đi của Ngài bằng con đường thương xót theo ý Chúa Cha qua cái chết trên thập giá cho các môn đệ. Tuy nhiên, lời loan báo này đã làm cho các ông xao xuyến, hoang mang vì mất đi điểm tựa.
Nhưng, Đức Giêsu, nhân cơ hội này, đã giúp cho các ông hiểu rõ hơn về một cuộc hiện diện khác, cuộc hiện diện thần linh, nhiệm mầu.
Để cho sự hiện diện này được khăng khít, người môn đệ phải đi trên con đường của Thầy đã đi. Phải chung nhịp đập xót thương với Thầy. Chìa khóa để đi vào sự hiệp thông trọn vẹn ấy chính là yêu mến và tuân giữ Lời của Ngài.
Đây là con đường tình yêu của Thầy và trò. Đây cũng là đường thương xót để đến với tha nhân. Chúa Thánh Thần sẽ tiếp nối con đường xót thương ấy qua việc bào chữa, an ủi và trong vai trò khai trí mở lòng, nhằm giúp các ông hiểu tường tận những Lời Đức Giêsu đã dạy, để họ cũng thi hành cùng một hành vi xót thương đến với tha nhân như chính bản thân đã cảm nghiệm.
Tuân giữ Lời và thi hành là yêu mến cách trọn vẹn
Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan đã khéo léo trình bày tâm trạng hỗn độn, hoang mang, sợ hãi của các môn đệ khi nghe tin Thầy của họ sắp sửa ra đi để chịu chết. Họ lo sợ bởi tính háo thắng, ham danh, muốn được ưu đãi, trọng thị, mong được hưởng những đặc quyền, đặc lợi theo kiểu trần gian.... những lý tưởng đó sắp bị tan thành mây khói.
Đến đây, chúng ta hiểu thêm một điều nữa, đó là: vì những lựa chọn rất tầm thường đó chỉ đạo tâm tưởng của các môn đệ, nên những điều Thầy của họ giảng cũng như những việc Ngài làm... đã không ăn nhập gì với mục đích cũng như chẳng giúp các ông nhận ra sứ vụ Thiên Sai, đầy thương xót của Đấng Cứu Thế!
Thấu hiểu tâm trạng và diễn biến tâm lý nơi các học trò, nhất là nỗi hãi vì sự liên lụy đến cái chết của mình, nên Đức Giêsu đã trấn an: “Đừng xao xuyến và buồn sầu” (Ga 14,27). Ngay sau đó, Ngài đưa ra một chỉ dẫn để giữa các ông và Ngài có một mối thông hiệp cách chặt chẽ: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy tuân giữ các giới răn của Thầy” (Ga 14,5). Việc tuân giữ và thi hành Lời của Thầy, ấy là thước đo chính xác và cụ thể nhất lòng yêu mến của các ông đối với Ngài. Đồng thời, khi tuân giữ Lời của Thầy, các ông sẽ hướng đích cuộc đời mình dưới cái nhìn sứ vụ. Như thế, giữa trăm chiều thử thách trông gai, và ngay cả cái chết, các ông vẫn vui mừng và sẵn sàng thốt lên: “Không có gì tách chúng tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô”; và:“Đối với tôi sống là sống cho Đức Kitô và chết là một mối lợi”. Hơn nữa, khi yêu mến và giữ lời của Thầy, họ sẽ được hưởng trọn vẹn lòng thương xót, đến độ không còn gì có thể so sánh bằng, bởi nơi tình yêu ấy, có sự hiện diện và xót thương của cả Ba Ngôi Thiên Chúa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Chúng Ta sẽ đến và ở lại với người ấy”(Ga 14,23).
Chúa Thánh Thần tiếp nối con đường thương xót
Để cuộc đời và sứ vụ của các môn đệ sang một trang mới, nên ngoài việc Đức Giêsu chỉ cho các ông tuân giữ Lời của Ngài, thì việc loan báo về Chúa Thánh Thần trong vai trò là Đấng An Ủi, Bào Chữa... là điều hết sức quan trọng.
Vì thế, Đức Giêsu đã nói với các ông: “Thầy ra đi thì có lợi cho các con. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với các con; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với các con”(Ga 16,7).
Khi Chúa Thánh Thần đến, Người sẽ làm cho sự hiện diện của Thầy trò trong trạng thái “cách mặt, nhưng gần lòng”, bởi vì:“Đấng Bào Chữa là Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều và sẽ làm cho các con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26).
Thật vậy, như đã nói: nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần là tiếp nối đường thương xót của Đức Giêsu trong vai trò dạy dỗ và nhắc lại những điều Đức Giêsu đã loan báo lúc tại thế. Khi nhắc cho các ông điều Đức Giêsu đã nói không phải chỉ là ôn lại, nhưng theo cách hiểu của Thánh Kinh là: khám phá ra ý nghĩa lời nói và cử chỉ của Đức Giêsu dưới ánh sáng của biến cố phục sinh. Qua việc tiên báo này, Đức Giêsu sẽ hiện diện trong Lời của Ngài cách cụ thể qua vai trò Trung Gian của Chúa Thánh Thần. Vì thế, mặc dù ra đi, nhưng lòng lại gần lòng hơn bao giờ hết, và các môn đệ không bao giờ bị cảnh mồ côi đơn chiếc, vì: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (x. Ga 14,18).
Để đảm bảo lời hứa, nhất là giúp cho các môn đệ được can đảm, trung thành đi đến cùng con đường thương xót mà Đức Giêsu muốn các ông tiếp bước trong lòng mến, nên Đức Giêsu hứa ban cho các ông sự bình an riêng của Ngài. Đây là sự bình an đặc biệt, bình an nội tâm, một sự bình an tuyệt hảo mà chỉ Thiên Chúa mới có và mới ban tặng cho chúng ta: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”(Ga 14,27).
Lời dạy và những ân ban của Đức Giêsu cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng là lời mời gọi và nhắc nhớ mỗi người chúng ta trong tư cách là người môn đệ của Đức Giêsu trong Giáo Hội của Ngài.
Sứ điệp Lời Chúa
Sống trong một xã hội đang bị đe dọa đủ thứ, nhất là sự xáo trộn về giá trị đạo đức trong mọi lãnh vực...! Ơn bình an đích thực dường như vắng bóng trong xã hội. Có lẽ con người không còn đủ niềm tin vào thực tại cuộc sống, bởi lẽ, sự “tử tế” gần như là một cái gì đó xa xỉ nếu không muốn nói là người ta không thích nhắc đến, bởi khi nhắc đến, họ sợ cái “bụng” bị đói!
Trong một môi trường “ô nhiễm” do nạn thượng tôn “ông chủ bụng” mà trà đạp lên sự “tử tế” như vậy, nhiều người muốn sống đàng hoàng cũng khó, bởi vì: “Thật thà, thẳng thắn thì thường thua thiệt”; “Gian tham lọc lừa lại lên lương”. Người ta coi: “Chân Lý và chân giò bằng nhau”; “Lương Tâm, lương thực và lương tháng cùng giá trị”!
Từ thực trạng trên, người nghèo trở thành đối tượng nhắm đến cho những nhu cầu bất chính nơi một số “Chủ nhân ông”. Từ đó gây nên sự bất an trong xã hội.
Nguyên nhân chính yếu đó là: họ đã không có lòng thương xót, đã tách Lời Chúa ra khỏi cuộc sống. Quan điểm: “Kính nhi viễn tri”; hay: “Mũ ni che tai” đối với Lời Chúa là điều mà nhiều người trong chúng ta chọn lựa.
Vì thế, họ sợ phải sống theo Lời Chúa dạy. Không dám đối diện với sự thật và lòng xót thương. Khước từ cũng như trối bỏ chân lý, nên không dám sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Luôn trung thành tuân giữ và yêu mến Lời Chúa. Đem Lời Chúa vào cuộc sống. Để Lời Chúa trở thành “khuôn vàng thước ngọc”; là “kim chỉ nam”, đem lại sự hợp nhất, yêu thương, tha thứ, biến đổi, nhất là sự bình an. Đây cũng là dấu chỉ của người đang đi trong đường lối thương xót của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến và làm cho tâm hồn chúng con nóng lên ngọn lửa yêu mến Chúa. Amen.
53. Bình an đích thực của Chúa
(Suy niệm của Lm. Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Trong cuộc sống, mỗi lần gặp nhau, chúng ta thường hay hỏi: "anh hay chị có bình an không?" Hay trước khi ra về, người ta cũng thường hay chúc nhau "về bình an nhé"... Khi lên đường khởi đầu một chuyến hành trình nào đó, ta cũng mong sao chuyến lữ hành của mình được bình an.
Ngày xưa, người Sêmít cũng có thói quen chào người sắp đi rằng: "ông; bà...hãy đi bình an" (x. 1 Sm 1,17; 20,42; 29,7). Ngày nay, người Arập cũng còn chào như vậy. Còn người Do thái thì rút gọn hơn khi nói: "Bình an" mà thôi.
Như vậy, hai chữ "bình an" là điều mà mọi người đều mong muốn. Tuy nhiên, mỗi người hiểu về bình an dưới những lăng kính khác nhau. Các tôn giáo cũng mặc cho nó một ý nghĩa riêng biệt theo giáo lý của tôn phái mình. Bình an mà hôm nay Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ không phải là thứ bình an như người đời vẫn hiểu: "Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng"(Ga 14,27).
Vậy bình an theo kiểu thế gian ban tặng là gì? Và bình an của Đức Giêsu trao ban là sao? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu:
1. Bình an theo lối hiểu của con người
Trong kinh nghiệm tự nhiên của con người, đói khát, mất quyền lực, thất bại, bất an hay sự chết là điều làm cho con người luôn sợ hãi và mất bình an. Đỉnh cao của nỗi sợ đó chính là sợ mất sự sống. Chính vì vậy, người ta đều mong muốn được an vui và hạnh phúc, tức là ơn bình an. Tuy nhiên, bình an mà Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ là một thứ bình an đặc biệt. Đặc biệt vì không phải theo kiểu người đời, mà theo thánh ý Chúa.
Hằng ngày, chúng ta vẫn thường thấy tại các công trường hay những nơi xây dựng, người ta căng những băng rôn có nội dung như: "an toàn là trên hết"; "an toàn là bạn – tai nạn là thù". Qua những biểu ngữ đó, người ta mong sao cho công việc lao động, xây dựng của họ được an toàn. Ở đây, bình an chính là không xảy ra tai nạn trong khi lao động.
Khi tham gia giao thông, chúng ta, ai ai cũng đều mong muốn không bị đụng xe, cướp giật, mong đi đến nơi về đến chốn an toàn. Ở đây, bình an là không có chuyện bất trắc xảy đến.
Rồi, trong cuộc sống, lúc còn trẻ, ai cũng mong muốn được đáp ứng những nhu cầu về tiền bạc, quần áo... khi lớn lên một chút thì mong được thi cử đỗ đạt, nghề nghệp ổn định, lấy vợ gả chồng được vừa ý. Khi đã ngoài 50 tuổi, ai chẳng muốn con cái ngoan hiền, ổn định. Và, khi đã đến tuổi xế bóng, cái tuổi chân yếu tay mềm, "thất thập cổ lai hy" thì lại mong con cái hiếu thảo, không phải tất bật lo toan những chuyện như: cơm - áo - gạo - tiền nữa. Cuối cùng, cuộc đời an nhàn thư thái là điều mà ai trong chúng ta lại không mơ về nó?.
2. Bình an của Đức Giêsu
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật lại cho chúng ta về phần cuối của cuộc diễn từ ly biệt giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Trong lúc chuẩn bị Thầy trò chia tay nhau để Ngài lên đường chịu chết, chuộc tội cho thiên hạ. Vì thế, Đức Giêsu đã để lại cho các ông một gia sản quý giá hơn hết mọi thứ, đó chính là sự bình an. Ngài không nói: "Anh em hãy ở lại bình an", mà nói: "Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy".
Bình an của Đức Giêsu trao tặng cho các môn đệ không chỉ dừng lại ở việc an toàn về mặt thể xác, mà còn đi xa hơn để đạt được thứ bình an trong sâu thẳm trong tâm hồn. Bình an này hướng người ta về mầu nhiệm cách chung, nhiệm cục cứu độ.
Đức Giêsu chính nội dung của bình an; hay nói cách khác: Ngài chính là nguồn bình an, Ngài ban cho các ông chính bình an của Ngài.
3. Sống đặc tính ơn bình an
Khi Đức Giêsu trao ban bình an cho các môn đệ, Ngài cũng muốn mời gọi mỗi người chúng ta sống đặc tính của ơn bình an. Đặc tính đó là đón nhận chính nguồn ơn cứu độ và đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa là nguồn cội của bình an.
Sống trong đặc tính ơn bình an của Chúa còn là ở lại trong sự quan phòng của Ngài: "...Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc [...] Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không?..." (Mt 6, 25-29).
Tiếp theo, đặc tính của ơn bình an mang tính siêu việt, quy hướng về Quê Trời: "Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được" (Mt 6, 19-21).
Cuối cùng, đặc tính này mời gọi chúng ta yêu thương nhau. Khi đã có Chúa là nguồn bình an. Có Chúa là tất cả, chúng ta cũng phải biết yêu thương nhau và sống đức công bằng. Hành vi này đã được Dakêu cảm nghiệm và diễn tả thật sâu sắc. Chuyện kể rằng: một hôm, Đức Giêsu vào thăm nhà một người thu thuế tên là Dakêu. Ngài ở lại đó dùng bữa chung với gia đình ông. Sự hiện diện của Ngài làm ông rất cảm động. Những cử chỉ của Đức Giêsu được kể là một sự chúc bình an cho gia đình ông. Được ơn bình an đó, ông Dakêu tự nhiên không những cảm mến Đức Giêsu, mà còn cảm thấy có trách nhiệm yêu thương đồng bào mình. Để cụ thể hoá lòng thương yêu đó, ông thưa với Đức Giêsu rằng: "Này đây, phân nửa tài sản của tôi, tôi xin phân phát cho người nghèo. Và nếu tôi đã làm hại ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19,8).
Như vậy, bình an mà Đức Giêsu ban tặng cho các môn đệ chính là bình an nội tâm. Bình an tuyệt đối. Bình an vượt xa lối hiểu của con người.
Đón nhận sự bình an của Chúa cũng chính là đón nhận chính Chúa, bởi vì Chúa là nguồn bình an (x. Ga 4,8,16; Rm 16,20).
Sống đặc tính của ơn bình an cũng chính là đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và tin tưởng phó thác vào Ngài. Và, khi đã có Chúa trong cuộc đời thì cũng phải biết đem Chúa đến cho người khác bằng những cử chỉ yêu thương, thân thiện và sống đức công bằng.
Mong sao lời chào chúc bình an trong mỗi thánh lễ: "Bình an của Chúa ở cùng anh chị em" luôn ngự trị trong tâm hồn mỗi chúng ta, để tâm hồn chúng ta luôn được bình an và được hưởng ơn cứu độ.
Lạy Chúa, Chúa là nguồn bình an, xin ban bình an của Chúa xuống trên chúng con như xưa kia Chúa đã trao ban cho các môn đệ. Xin cho con được sống ơn bình an đó một cách sâu xa, để tận sâu thẳm tâm hồn, chúng con an vui hạnh phúc vì có bình an của Chúa ở cùng. Amen.
54. Bình an
Cách đây khoảng năm, mười năm tại Manila này, hầu như mọi người lớn tuổi cũng như giới trẻ, ai ai cũng nói đến truyện phim khoa học giả tưởng có tựa đề là “Người ngoài hành tinh trái đất”. Với dung mạo kỳ dị khác mọi người trong trái đất này, nhưng lại có một tâm hồn hiền lành, tràn đầy tình yêu thương. Người ngoài hành tinh này bị đi lạc vào trái đất, và những con người mà người hành tinh được dịp tiếp xúc trên mặt đất này đều tỏ ra nghi kỵ, lo sợ, không hiểu và không chấp nhận những cử chỉ yêu thương của người hành tinh, chỉ có một em bé xem ra như đã vượt qua được sự ngăn cách, cảm thông được với người ngoài hành tinh. Nhưng sự cảm thông này cũng không đủ để giữ người ngoài hành tinh này ở lại trái đất, và người ngoài hành tinh sẽ tìm mọi cách để trở về với thế giới của mình, thế giới ở bên kia, khác với thế giới con người.
Truyện phim khoa học giả tưởng này có thể gợi ý cho chúng ta phần nào để lĩnh hội sứ điệp của Chúa Giêsu được nhắc đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu một cách nào đó có thể được so sánh như một người ngoài hành tinh, ngoài trái đất này. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, sống trong thế giới khác biệt với thế giới chúng ta, một thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi từ cõi đời đời, thế giới của tình yêu thương, của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhưng khác với người hành tinh, Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đã không bị đi lạc vào trong thế giới của chúng ta, nhưng Ngài đã cố ý đến với thế giới chúng ta, trở thành con người như chúng ta để cứu rỗi chúng ta, biến chúng ta trở thành giống Người nhiều hơn, sống sự sống của Người trong yêu thương. Trọn cả cuộc đời của Ngài trên trần gian là để dạy sứ điệp tình thương.
Người ngoài hành tinh rời trái đất trở về thế giới khác, để lại cậu bé trong niềm luyến tiếc, vì em bé này biết rằng mình vĩnh viễn sẽ không bao giờ gặp lại người bạn tốt này nữa. Chúa Giêsu thì lại khác, Ngài từ giã các tông đồ để trở về lại cùng Thiên Chúa Cha không phải để vĩnh viễn xa chúng ta luôn mãi, nhưng là để dọn chỗ cho chúng ta. Nơi Ngài đi chúng ta cũng sẽ tới, nếu chúng ta chấp nhận cuộc sống của Ngài, đó là cuộc sống yêu thương như Ngài đã dạy. Ngài biết chúng ta đã được dựng nên bằng gì? Có những yếu đuối như thế nào? Người đã không giảng dậy xuông mà còn thực hiện qua hành động cụ thể để ban cho chúng ta chính sức mạnh của Người, đó là ban Chúa Thánh Thần để hiện diện và hướng dẫn chúng ta luôn mãi. Ngài chỉ nài nỉ một điều duy nhất là hãy ở lại trong tình yêu Ngài, hãy duy trì sự hiệp nhất với Ngài.
Giữa thế giới của người ngoài hành tinh và thế giới của chúng ta không có sự liên lạc nào là hoàn toàn xa cách và người ngoài hành tinh hãy trở về lại với thế giới của mình. Thế giới của Thiên Chúa tuy khác với thế giới của mỗi người chúng ta, nhưng không hoàn toàn cách biệt, vì giữa hai thế giới này có sự liên hệ mật thiết với nhau và mỗi người chúng ta có thể bước vào trong thế giới của Chúa, nếu chúng ta chấp nhận sống giống như Chúa, sống kết hiệp với Chúa, chu toàn giới răn yêu thương của Chúa.
Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta được ơn khiêm tốn đủ để đón nhận lời dạy của Chúa và xin Ngài cũng ban cho chúng ta được ơn can đảm để sống những gì Chúa truyền dạy. Chúng ta đừng chỉ đứng nhìn trời, chỉ mơ ước Thiên Chúa làm mọi sự cho chúng ta hưởng dùng, nhưng hãy nhìn vào anh chị em xung quanh, hãy nhìn vào thế giới chúng ta đang sống với muôn vàn thử thách với tâm hồn tràn đầy xác tín, tuân phục giáo huấn của Chúa, tràn đầy tình thương và sức mạnh của Ngài để thực thi giáo huấn của Ngài.
Đây là cách hữu hiệu nhất để chúng ta bước vào trong thế giới của Thiên Chúa, bước vào Nước Chúa trong hiện tại, ngay bây giờ và trong tương lai vĩnh cửu của nước hằng sống. Xin Chúa thương ban cho mỗi người chúng ta được ơn bước vào trong thế giới của Chúa. Xin Chúa thương nâng đỡ sự dấn thân của chúng ta và nâng đỡ đức tin của chúng ta mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin Kính.
55. Bình an của Thiên Chúa ban
1. "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương" (Lc 2,14), đó là câu hát của Thiên Thần mừng ngày Chúa xuống trần. Qua đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, khi Đức Giêsu sắp trở về với Chúa Cha, Người cũng nói: "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy" (Ga 14,27). Qủa thực, Đức Giêsu đến để mãi mãi đem bình an cho loài người, nhất là những kẻ tin vào Người. Nhưng bình an của Chúa ban là gì? Làm sao chúng ta có được bình an đó?
2. Thật ra, người Do Thái khi gặp hay từ giã nhau thường chào "Shalom" (bình an). Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng hay có thói quen chúc nhau như thế. Nhưng ở đây, lời Đức Giêsu nói với các môn đệ không chỉ là một lời chúc hay là một lời từ giã thông thường, mà còn là một sự trao ban bình an thật sự: " Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không không theo kiểu thế gian". Bình an, đó là món quà vô giá mà Thiên Chúa trao ban cho con người qua Đức Kitô, nhờ Thánh Thần của Người. Bình an nầy được trao ban từ Thiên Chúa Ba Ngôi.
3. Một cách thông thường, khi nói về bình an, ta thường nghĩ đó là những điều kiện cần thiết cho cuộc sống hạnh phúc, nó có thể mang tính vật chất (nhiều tiền bạc, tiện nghi, sung túc...) hay một sự an toàn về thể lý (không có chiến tranh, chết chóc...) cũng như tâm lý (yên ổn về tinh thần...). Nhưng thứ bình an này sẽ chóng qua và con người khó mà đạt tới một sự thoả mãn thật sự vì ngay khi đi tìm bình an thì trong đó đã có sự cạnh tranh rồi, như ta vẫn nghe nói: "Muốn có hoà bình hãy chuẩn bị chiến tranh", tức phải lo phòng thủ kẻo đối phương tấn công. Hơn thế nữa vì tham vọng không giới hạn của con người làm khổ cho chính mình, người giàu thì muốn giàu thêm, đã tiện nghi thì càng muốn hơn nữa...!
Trong khi đó, sự bình an của Chúa vượt trên thứ bình an thông thường, bởi nó không hệ tại ở bình diện vật chất, thể lý hay bình diện tâm lý, mà hệ tại ởviệc nhận ra chân lý, nhận ra sự thật và sống theo chân lý, sự thật đó. Theo thánh Gioan, sự Thật là gì, thưa đó chính là Thiên Chúa, là Đức Giêsu (x.Ga 14,6) và những gì xuất phát từ Ngài (x.Ga 3,21; 4,24; 8,40...). Khi chúng ta tin nhận sự hiện diện của ThiênChúa trong cuộc đời mình, khi chúng ta luôn sống trong sự gắn bó với Chúa và thực thi thánh ý của Ngài, thì lòng chúng ta chẳng còn xao xuyến, chẳng còn lo toan dù trước những thăng trầm của cuộc sống. Cho dù không dư dả gì, cho dù cái chết có kề cận... bởi vì hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng.
4. Các môn đệ khi đã nhận được bình an của Đức Kitô Phục Sinh ban qua Thánh Thần của Người đã mạnh dạn ra đi rao giảng Tin Mừng, rao giảng sự thật, bất chấp mọi khó khăn, chống đối, tù đày. Phải chăng các ngài đã có sự bình an trong Chúa? Giữ vững truyền thống các môn đệ xưa, các thế hệ Kitô hữu nối tiếp nhau, nhờ hồng ân bình an của Chúa, không ngừng loan báo Tin Mừng, dấn thân phục vụ tha nhân cho dù thuận lợi hay không?
Câu chuyện có thật sau đây mà tôi đọc được trong một bài chia sẻ, xin ghi lại để chúng ta cùng suy nghĩ thế nào là bình an thật do Chúa ban: Tháng 7 năm 1972 sau những tháng dài bị tra tấn trong trại lính, nơi cha Vania thi hành nghĩa vụ linh mục, ngài đã gục ngã dưới làn mưa đạn. Trong lá thư cuối cùng ngài viết cho cha mẹ già có những dòng sau đây:"Cha mẹ yêu dấu! Thiên Chúa đã chỉ cho con một con đường phải theo. Con không chắc có thể còn sống được để trở về với cha mẹ nữa hay không, bởi vì những cuộc tra tấn lúc này dã man hơn trước kia rất nhiều. Thế nhưng con không lo sợ, vì có Chúa ở cùng con. Xin cha mẹ cứ an tâm, đừng lo lắng cũng đừng buồn phiền về số phận của con nữa. Lúc này con yếu và kiệt sức lắm rồi. Con xin chào thăm cha mẹ trong tình yêu Chúa Kitô và trong sự bình an của Thiên Chúa Cha. Người ta cấm cản con không được rao giảng về Chúa Kitô nữa, và con phải trải qua nhiều thử thách..."
Đời sống tốt đẹp của người Kitô hữu là một trong những biểu hiện rất rõ nét cho sự hiện diện và bình an của Chúa.
5. Nhưng làm thế nào để có được bình an đích thực nầy? Bí quyết này Đức Giêsu cũng chỉ rõ cho chúng ta ngay từ đầu bài Tin Mừng: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy ". Vậy, cách cụ thể hơn, muốn được bình an của Thiên Chúa, thì hãy sống theo lương tâm ngay lành. Hãy vâng nghe lời Chúa dạy qua Kinh thánh. Hãy tuân phục ý Chúa thể hiện qua những biến cố Chúa gởi đến trong đời ta. Cũng đừng quên nghe tiếng Chúa nói qua sự hướng dẫn của Giáo Hội, qua lời góp ý chân tình của anh chị em mình...
6. Ước vì nhờ lòng yêu mến Thiên Chúa và trung thành giữ lời Ngài, mà mỗi người chúng ta có được bình an sâu thẳm trong tâm hồn, dù đời sống Kitô hữu có thể gặp nhiều hy sinh, gian nan, thử thách. Hãy nghĩ xem, trong khi thế gian dám đánh đổi bao công sức, tiền bạc cho hạnh phúc, bình an chóng qua; thì người Kitô hữu càng có lý do hơn để hy sinh cho hạnh phúc, bình an đích thực, bền vững nơi Thiên Chúa cho chính mình và cho tha nhân.
56. Lo âu
Nếu có một người nào đó hỏi chúng ta: “Ông bà, anh chị có yêu mến Chúa không?”. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng trả lời được ngay. Không những trả lời được mà còn cho người đó hỏi một câu dư thừa, vớ vẩn. Nhưng nếu người đó hỏi thêm một câu nữa: “Làm sao ông bà, anh chị biết được mình yêu mến Chúa, hay dựa vào bằng chứng nào để tôi biết được ông bà, anh chị yêu mến Chúa?”. Câu hỏi này anh chị em trả lời được không? Dĩ nhiên là được. Nhưng có lẽ sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã trả lời thay cho chúng ta, Chúa đã chỉ dạy cho chúng ta một dấu hiệu, một bằng chứng, đó là chúng ta tuân giữ lời Chúa hay không?: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy”. Một câu Kinh Thánh đó thôi đủ định nghĩa thế nào là người yêu mến Chúa, nghĩa là dấu hiệu hay bằng chứng để chúng ta biết được hay người khác biết được chúng ta yêu mến Chúa là chúng ta tuân giữ lời Chúa. Và đây cũng là thước đo lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa nhiều hay ít, đó là chúng ta tuân giữ lời Chúa nhiều hay ít. Sau đây chúng ta hãy tìm hiểu xem: Chúa bảo chúng ta tuân giữ lời Chúa, vậy lời Chúa ở đâu? Và chúng ta phải tuân giữ Lời Chúa thế nào?
Lời Chúa ở đâu? Nếu trả lời một cách ngắn gọn, chúng ta có thể nói: Lời Chúa chứa đựng trong sách Thánh, tức là trong Kinh Thánh. Nhưng nếu hiểu rộng ra, chúng ta có thể nói: Lời Chúa còn chứa đựng trong thánh truyền, tức là một phần mạc khải được lưu lại dưới hình thức truyền khẩu và trong giáo huấn của các giáo phụ. Lời Chúa còn chứa đựng trong phụng vụ, tức là những gì Giáo Hội sống và thể hiện trong sinh hoạt phụng tự. Và Lời Chúa còn chứa đựng trong đời sống của Giáo Hội, tức là những giáo huấn của các công đồng, các Đức Giáo hoàng, các giám mục. Tóm lại, Kinh Thánh, thánh truyền, phụng vụ và giáo huấn của Giáo Hội, đó là những kho tàng chứa đựng lời Chúa. Nhưng thông thường và cụ thể, mỗi khi nói đến Lời Chúa, chúng ta thường hiểu là Kinh Thánh, nhất là Tin Mừng.
Tại sao chúng ta phải giữ lời Chúa và giữ lời Chúa thế nào? Chúng ta giữ lời Chúa để chứng tỏ lòng chúng ta yêu mến Chúa. Yêu mến ai, chúng ta muốn ở gần người đó, tâm sự trò chuyện quan hệ mật thiết với người đó, thì chúng ta đối với Chúa cũng vậy, và còn hơn thế nữa, là để chúng ta nên giống Chúa. Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Gần bạn hiền sẽ nên hiền. Và tục ngữ Tây phương cũng nói: “Anh nói cho tôi biết, anh đọc sách gì, anh bầu bạn với ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào”. Chúng ta cần tâm sự với Chúa Giêsu, chúng ta muốn nên giống Chúa, nay Chúa đã khuất mặt, thì chỉ còn một cách là đọc lời Ngài, suy gẫm cuộc đời Ngài, chúng ta sẽ học được những ý tưởng, những tâm tình của Ngài. Vì thế, ai muốn quan hệ mật thiết với Chúa, muốn nên giống Chúa, chỉ còn một cách là luôn luôn đọc lại bộ Tân ước, nhất là Tin Mừng, để thấy rõ chân tướng của Chúa Kitô mà học hỏi bắt chước.
Cũng thế, người ta thường nói: “Có đầy trong lòng mới trào ra ngoài miệng”. Do đó, muốn suy nghĩ, nói năng, hành động, phản ứng như Chúa, thì điều quan trọng là phải có đầy Chúa trong tâm hồn, phải thấm nhiễm tinh thần của Chúa, phải in sâu hình ảnh dịu hiền của Chúa, những gương sáng Chúa đã thực hiện, lời Chúa dạy dỗ, giáo huấn vào đầu óc của mình. Để được như vậy, chỉ có cách duy nhất là hằng ngày chăm chỉ đọc Lời Chúa trong Kinh Thánh và suy niệm. Nhờ đó Lời Chúa dần dần chi phối đời sống chúng ta và trở thành nguyên tắc hướng dẫn mọi hành vi, cử chỉ của chúng ta và biến đổi chúng ta nên giống Chúa.
Tuy nhiên, chúng ta đọc và suy niệm lời Chúa là rất tốt rồi, nhưng điều quan trọng hơn nữa, là chúng ta phải áp dụng, phải thực hành lời Chúa, vì đây là thước đo lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa: chúng ta sẽ là kẻ không yêu mến Chúa khi chúng ta làm không đủ tiêu chuẩn như lời Chúa dạy. Chúng ta sẽ là người ghét Chúa khi chúng ta làm sai lời Chúa dạy. Chúng ta sẽ là kẻ phản bội lời Chúa nếu chúng ta tránh né, coi thường hay lười biếng không làm những việc đáng phải làm. Nếu chúng ta nói yêu mến Chúa mà không tuân giữ lời Chúa, thì có khác gì đứa con gọi dạ bảo vâng, nhưng không chịu làm theo lời cha mẹ dạy. Đó là thứ tình yêu giả hình và là thứ tình yêu đầu môi chót lưỡi mà thôi. Tình yêu phải được thử thách, phải được chứng nghiệm bằng việc làm… Vì thế, yêu Chúa thì phải thực hành lời Chúa. Thực hành lời Chúa dù ở nhà thờ hay ở nhà mình, nơi làm việc hay ngoài đường phố, chợ búa. Nếu như mọi người đều nhiệt tình áp dụng và thực hành lời Chúa thì nhân loại này yêu thương nhau biết mấy. Nhưng đáng tiếc, lời Chúa dạy: “Các con hãy yêu thương nhau”, chúng ta chưa thực hành đến nơi đến chốn.
Yêu mến Chúa là giữ lời Chúa truyền dạy. Giữ ở đây không hiểu theo nghĩa thụ động, nghĩa là đem chôn giấu lời Chúa, nhưng phải hiểu theo nghĩa tích cực, nghĩa là có sáng kiến đem lời Chúa ra thực hành trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Nhưng lời Chúa là lời nào? Tất cả lời của Chúa gồm tóm rất gọn trong một tiếng này, đó là “yêu”. Yêu Chúa với tình yêu của một người con hiếu thảo và yêu đồng loại với tình yêu như Chúa đã yêu chúng ta.
Đàng khác, sống ở trần gian, ai cũng phải trải qua những giây phút lo âu. Lo âu về tương lai, về gia đình, về con cái, về tiền bạc, về công việc làm ăn, về sức khỏe… Lời Chúa hôm nay an ủi và khích lệ chúng ta đừng xao xuyến và sợ hãi. Chúng ta hãy dâng lên Chúa mọi lao công vất vả, mọi lo lắng buồn phiền. Chúng ta hãy phó thác cuộc đời mình cho Chúa và xin Chúa ban sự bình an. Bởi vì có Chúa thì màng nhện cũng sẽ trở nên tường thành. Còn không có Chúa thì tường thành cũng chỉ là màng nhện mà thôi.
57. Bình an
Trên những chuyến xe buýt, các bến xe… người ta thường thấy những hàng chữ “chúc quý khách thượng lộ bình an”, người tài xế Công giáo treo hình Đức Mẹ trên xe có kèm theo hàng chữ “Nữ Vương ban sự bình an”. Người tài xế Phật giáo treo hình Đức Phật, dù có hay không có hàng chữ nào, trong lòng họ vẫn cầu mong Đức Phật ban bình an.
Những vấn đề vừa nêu trên cho thấy bình an luôn luôn là nhu cầu thiết yếu của con người dù không nói ra. Có nhu cầu bình an tất nhiên cũng cần phải kiếm nơi cung cấp nhu cầu bình an.
Vấn đề được đặt ra là những ai đứng ra cung cấp nhu cầu bình an, cung cấp như thế nào và liệu có thực sự đem lại bình an cho thân chủ hay không?
Nếu chỉ dựa trên qui luật “cung cầu”, bất cứ ai cũng có thể có được bình an miễn là có tiền, chỉ cần bỏ tiền ra thuê một vài vệ sĩ ở các “công ty dịch vụ vệ sĩ” là có thể có bình an. Bình an theo cách này chẳng khác nào lời Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng “bình an thế gian ban tặng”. Bình an dựa trên qui luật cung – cầu có thực sự bình an không?
Trong tháng 1- 2001 tổng thống Kabila của cộng hòa dân chủ Công-gô, dù được bảo vệ, canh phòng rất cẩn thận, nhưng ông vẫn bị ám sát; người ám sát ông không phải ai xa lạ hay tổ chức chính trị đối lập, mà chính cận vệ thân tín của ông, người có nhiệm vụ bảo vệ ông và luôn sát cánh bên ông.
Điều này càng cho thấy sự bình an dựa trên qui luật cung cầu, quy luật mua bán trao đổi hay nói theo lời của Đức Giêsu “bình an thế gian ban tặng” xem ra chẳng có gì bảo đảm, nói không sai là rất mong manh. Rốt cuộc bình an luôn là ước mơ, nhu cầu sống còn của con người.
Vẫn biết bình an là nhu cầu sống còn của con người, nhưng cách thức ban bình an của Đức Giêsu trái ngược hoàn toàn với cách thức của con người, bình an trong những tình huống bất an.
Trong khi người đời cần phải có phương tiện bên ngoài, tỷ như có vệ sĩ bảo vệ… mới được bình an. Đức Giêsu hứa ban một thứ bình an như lời Ngài khẳng định “… không như thế gian ban”. Bình an Đức Giêsu không có gì bảo đảm bên ngoài mà chỉ dựa vào lời hứa của Đức Giêsu “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em… anh em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi”. Đây mới là sự khác biệt cơ bản giữa bình an “thế gian ban tặng” và “bình an Đức Giêsu ban tặng”.
Thật vậy, bài Tin Mừng cho thấy một bối cảnh thật xúc động, Thầy Giêsu chuẩn bị chia tay với các môn đệ. Trước đó các sách Tin Mừng và Công vụ Tông đồ thuật lại mỗi lần Đức Giêsu hiện đến đều thấy các môn đệ hội họp trong nhà, còn cửa vẫn đóng kín vì sợ người Do thái. Khi Đức Giêsu hiện diện, sự sợ hãi của các môn đệ cũng tan biến và ngược lại.
Như thế, nguyên nhân khiến các ông sợ hãi là không thấy sự hiện diện bằng thể lý của Đức Giêsu. Chính trong lúc không còn gì để bám víu, để lệ thuộc, mà chỉ tin vào lời hứa của Đức Giêsu: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em”, lúc đó các ông mới cảm nhận sự bình an Đức Giêsu ban cho. Nói như Phaolô “Bình an của Thiên Chúa là bình an không ai hiểu thấu”. Bình an Đức Giêsu ban bất chấp sự đe dọa bên ngoài. Bình an Đức Giêsu ban không có gì khoa trương bên ngoài rất âm thầm, sâu lắng nhưng rất mãnh liệt… làm cho chúng ta bình an thật sự dù có bị tối tăm vây quanh, dù có bị sóng gió cuộc đời quật ngã ta vẫn không bị tiêu diệt… cũng chính Phaolô đã nói lên kinh nghiệm xương máu của ông trong các cuộc hành trình truyền giáo “Chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã nhưng không tiêu diệt”. Đơn giản vì Phaolô luôn mang trong mình lời hứa bình an của Đức Giêsu. Bình an Đức Giêsu hứa ban không chỉ dành riêng cho các môn đệ mà còn cho tất cả những người tin vào Đức Giêsu – các Kitô hữu. Vậy làm thế nào để có được sự bình an này?
Đứng trước những thách đố, sóng gió trong đời sống gia đình, tỷ như thiếu gạo, tiền đóng học cho con, tiền điện nước… ta chỉ ngồi đó than thân trách phận, “đóng cửa” lại như các môn đệ để tìm bình an sao? Đó không phải là bình an của Đức Giêsu, bình an của Đức Giêsu là “bung ra”, làm ăn chân chính, làm hết sức mình để lo cho gia đình dù kết quả không như mong muốn, ta vẫn thấy sự bình an của Đức Giêsu hiện diện. Sự bình an của Đức Giêsu được thể hiện bằng tiếng cười, niềm vui trong gia đình, đôi khi ta không nhận ra.
Hoặc là đứng trước những chọn lựa sống, sống không ngay thẳng trong làm ăn buôn bán làm ta giàu hơn, còn sống trung thực đôi khi lại làm ta mất đi những món lợi lớn. Bình an của Đức Giêsu ở đây chính là sự thật. Ta cảm thấy bình an khi mình sống ngay thẳng, sống theo sự thật. Thiết tưởng thước đo để xét xem ta có sự bình an của Đức Giêsu hay không đã nằm sẵn trong bài Tin Mừng “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”.
Một vị ẩn sĩ già có hai môn sinh, ông hướng dẫn họ sống lời Chúa, sau một thời gian người thứ nhất cảm thấy vui tươi hạnh phúc, đường tu trì có nhiều tiến bộ, còn người thứ hai luôn buồn bực và nhăn nhó. Khi được hỏi lý do, người thứ nhất trả lời: “Con giữ lời Chúa dạy vì con yêu mến Chúa” và sự bình an của Đức Giêsu ở trong anh. Còn người thứ hai cho biết: “Con giữ lời Chúa dạy vì thầy dạy phải giữ như vậy”, thật ra anh không có lòng yêu mến. Sau một thời gian ngắn người thứ hai bỏ vị ẩn sĩ già để ra đi, vì anh không có được sự bình an trong đường tu trì.
Lời hứa ban bình an của Đức Giêsu là lời bảo đảm chắc chắn nhất cho những ai tin tưởng vào Ngài. Xin cho sự bình an của Đức Giêsu luôn ngự trị trong tâm hồn chúng ta.
58. Bình an
Trong triều của một vua nọ có hai họa sĩ rất tài ba nhưng luôn ganh ghét đố kỵ nhau. Một hôm nhà vua phán: “Ta muốn phán quyết một lần dứt khoát ai trong hai người là người giỏi nhất. Vậy hai ngươi hãy vẽ mỗi người một bức tranh theo cùng một đề tài, đó là bình an”.
Hai họa sĩ đồng ý. Một tuần sau họ trở lại, mỗi người mang theo bức vẽ của mình. Bức họa của người thứ nhất vẽ một khung cảnh thơ mộng: những ngọn đồi nhấp nhô bao quanh một cái hồ rộng với mặt nước phẳng lì không một gợn sóng. Toàn cảnh gợi lên một cảm giác thanh thản, thoải mái. Sau khi xem xong, nhà vua nói: “Bức họa này rất đẹp, nhưng nó làm ta buồn ngủ quá”. Bức họa của người thứ hai vẽ một thác nước. Hình ảnh rất sinh động đến nỗi nhìn nó người ta như nghe được tiếng nước đổ ầm ầm xuống vực thẳm. Nhà vua nói: “Đây đâu phải là một cảnh bình an”. Họa sĩ thứ hai bình tĩnh đáp: “Xin bệ hạ nhìn kỹ hơn một chút nữa xem”. Nhà vua nhìn kỹ và khám phá một chi tiết mà nãy giờ ông chưa chú ý: Trong một nhành cây nép mình sau dòng thác lũ, có một tổ chim. Trong tổ, chim mẹ đang ấp trứng, đôi mắt nửa nhắm nửa mở. Chim mẹ đang bình thản chờ các con mình nở ra. Nhà vua nói: “Ta rất thích bức tranh này. Nó đã chuyển tải được một ý tưởng độc đáo về bình an, đó là vẫn có thể sống bình an ngay giữa những xáo trộn của cuộc đời”. Và nhà vua đã đặt tác giả của nó là người họa sĩ hạng nhất của triều đình.
Chúa Giêsu đã nói: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an cho các con không theo kiểu thế gian. Lòng các con đừng xao xuyến, các con đừng sợ hãi”. Những lời này Ngài nói giữa bữa tiệc ly. Phải chăng đây là một thời điểm không thích hợp để nói về bình an, vì khi ấy hoàn cảnh bên ngoài rất là xáo trộn? Không, trái lại rất thích hợp. Bởi vì bình an là thông hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đang hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa nên Ngài vẫn có thể nói về bình an ngay cả khi kẻ thù của Ngài đã đến gần và sắp giết chết Ngài.
Bình an không phải giống như yên ổn, vì yên ổn là ở bên ngoài còn bình an thì ở bên trong. Bình an là tình trạng của một tâm hồn đang có tương quan tốt với Thiên Chúa và với tha nhân. Thành tố quan trọng của bình an là sự công chính. Bởi thế, không có bình an cho kẻ dữ.
Bình an là kết quả của lòng trông cậy vào Chúa và khi ước muốn làm đẹp lòng Chúa là điều qaun trọng bậc nhất trong đời. Đây là điều mà ta có thể có ngay giữa những xáo trộn, xung đột và những vấn đề rắc rối chưa giải quyết được.
Đó chính là thứ bình an mà thế gian không thể ban tặng được.
59. Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Đấng Phù Trợ là Thánh Thần…, sẽ nhắc nhở cho các con
Chúa nhật thứ VI Phục Sinh, Chúa chúng ta chuẩn bị về Trời (Lễ Thăng Thiên). Phụng vụ Lời Chúa gợi lên cho chúng ta nhớ lại những lời tâm sự cuối cùng của Chúa và mời gọi chúng ta không được "xuyến xao và sợ hãi" (Năm C). Nhưng, bằng lời cầu nguyện hãy phó thác cho Chúa Giêsu và nhờ Ngài mang về Trời dâng lên Đức Chúa Cha cho chúng ta. Những lời trăng trối của Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta để ý đến cách đồng truyền giáo: "Lúa chín đầy đồng", vì là lệnh truyền của Chúa Nhân Lành, nên cần phải được tôn trọng. Truyền thống phụng vụ này, được thánh Mamert đưa vào từ năm 470 tại thung lũng Rhône, và mở rộng tới tận Gaule, đúng thời điểm diễn ra Công Đồng đầu tiên tại Orléans. Theo Truyền thống, trong khoảng thời gian Chúa về Trời, các tín hữu công giáo sẽ tuân giữ việc giữ chay, (nghĩa là từ thứ Hái, Ba, Tư tuần này) họ sẽ ăn chay để chuẩn bị cử hành Lễ Chúa về Trời. Ở nông thôn, các linh mục sẽ chúc phúc cho ruộng đồng và hoa màu. Lời Ca nhập lễ: Hãy vui mừng loan báo cho mọi người được nghe. Rao truyền đi đến tận cùng cõi đất rằng: Chúa đã giải phóng dân Người. Hallêluia.
* Bài đọc Phụng vụ năm A
- Tđcv 8, 5-17: Rao giảng Tin Mừng cho dân thành Samaria
- Tv 66, 1: Toàn trái đất, hãy reo mừng Thiên Chúa
- 1 Pr 3, 15-18: Anh em hãy là những chứng nhân về niềm hy vọng của chúng ta ở giữa thế gian
- Ga 14, 15-21: Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi
* Bài đọc Phụng vụ năm B
- Tđcv 10, 25-26; 34-35; 44-48: Những người dân ngoại đầu tiên chịu Phép rửa tội
- Tv 98, 1: Chúa đã biểu dương Quyền Năng của Ngài trươc mặt chư dân
- 1 Ga 4, 7-10: Tất cả những ai yêu thương đều là con cái Thiên Chúa
- Ga 15, 9-17: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em
* Bài đọc Phụng vụ năm C
- Tđcv 15,1-2; 22-29: Giáo hội quyết định đón nhận dân ngoại
- Tv 67, 2: Thân lạy Chúa, ước gì chư dân ca tụng Ngài Dieu!
- Kh 21, 10-14; 22-23: Con Chiên là ánh sáng cho dân Chúa
- Ga 14, 23-29: Lời hứa sai Chúa Thánh Thần đến
"Đấng Phù Trợ là Thánh Thần..., sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con"
Chúa Giêsu Kitô, Đấng "phó thác Thần khí" trên cây thập giá (Ga 19, 30) đã thực hiện như lời Ngài đã hứa trước khi chịu khổ nạn. Vì Ngài là là Chiên Thiên Chúa và là Con của loài người, đã hiện đến với các môn đệ "thổi hơi” trên họ và nói với họ: "Hãy chịu lấy Thánh Thần. (Ga 20, 22 )... thế là Chúa Thánh Thần đến làm cho họ tràn ngập niềm vui, làm cho họ đang buồn sầu trở nên vui, đúng như lời Ngài nói là biến những "sự ưu phiền của các ngươi sẽ trở thành niềm vui. " (x. Ga 16:20).
Và nhất là khi loan báo diễn từ li biệt sắp xảy đến: Chúa Kitô phục sinh như khai mở một cuộc sáng tạo mới, gửi Chúa Thánh Thần đến trên các môn đệ. Khi hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại. Qua các vết thương chịu đóng đinh, Chúa Giêsu đã trao ban cho họ Thần Khí: " Ngài cho họ thấy tay chân và cạnh sườn Ngài. Các môn đồ mừng rỡ, vì được thấy Chúa. (Ga 20:20). Đó là chứng tích của những vết thương, Ngài nói với họ: "Hãy chịu lấy Thánh Thần. (c. 22).
Vì thế, có một liên kết chặt chẽ được thiết lập giữa việc sai Chúa Con và cử Chúa Thánh Thần đến. Việc cử Chúa Thánh Thần (sau nguyên tội) không thể xảy ra mà không có thập giá và sự sống lại, đúng như lời Ngài nói: "Song Ta nói thật với các ngươi: Ta ra đi, thì ích lợi hơn cho các ngươi; vì nếu Ta không ra đi, thì Đấng Bào Chữa không đến với các ngươi. Còn nếu Ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến với các ngươi. "(Ga 16, 7). Sứ mạng của Chúa Con trong một nghĩa nào đó, được thực hiện trọn vẹn trong sự cứu chuộc và sứ mạng của Chúa Thánh Thần phát xuất từ công trình cứu chuộc: "Vì thế mà Ta đã nói: Ngài lấy của Ta mà thông báo cho các ngươi". (Ga 16,15). Ơn cứu chuộc được thực hiện hoàn toàn do Chúa Con là Đấng được xức dầu đã đến trong thế gian và hoạt động bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, khi dâng mình chính thân mình làm của lễ hy sinh trên thập giá. Và sự cứu chuộc không ngừng được hoàn tất trong trái tim và trong lòng nhân loại - trong lịch sử của thế giới – nhờ Chúa Thánh Thần là "Đấng Bầu Chữa khác" (Ga 14,16).
Năm nay kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vatican II, năm mà Giáo hội nhấn mạnh đến truyền giáo. Tưởng chúng ta cũng nhớ lại Công Đồng Giêrusalem, một Công đồng quyết định cho việc truyền giáo mà sách Tông Đồ Công Vụ kể lại biến cố được gọi là "Công Đồng Giêrusalem". Tại Phòng Tiệc Ly ở Giêrusalem; nơi Công Đồng đầu tiên, công đồng mở cửa cho những anh chị em ngoài do thái giáo ( TĐCV 15, 11- 29). Cuộc họp đầu tiên đó của các Tông Đồ và những vị Trưởng Lão đã được triệu tập để giải quyết một vấn đề quan trọng. Đối với các tín hữu thuộc nhóm Pharisêu xác tín rằng những người ngoài do thái giáo trở lại kitô giáo, phải chịu phép cắt bì và tuân giữ luật Môisen, thì hai thánh Phaolô và Barnaba mạnh mẽ bênh vực lập trường rằng ơn cứu rỗi không đến từ những việc của Lề Luật, nhưng từ đức tin vào Chúa Kitô.
Nhờ những can thiệp được linh ứng của Thánh Phêrô và Thánh Giacôbê, lập trường của Thánh Phaolô và thánh Barnaba, được chấp nhận; và kể từ ngày đó, Giáo Hội "ra khơi", sẵn sàng đem Tin Mừng đến cho tất cả mọi dân tộc và mọi nền văn hóa. Sức hoạt động tông đồ do Chúa Thánh Thần soi sáng vào khởi đầu, đã không bị tàn lụn và được tiếp tục cho đến hôm nay. Ước muốn duy nhất và bổn phận của các tín hữu là ước muốn rao giảng cho tất cả mọi người biết Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc của con người.
Bước vào tháng Năm là quãng thời gian Giáo hội dành để kính Đức Trinh Nữ Maria, Bông Hoa xinh đẹp nhất trong các thụ tạo, là cánh hồng xuất hiện vào thời sung mãn, khi mà Thiên Chúa sai Con của Ngài đến trần gian thì đã ban cho nó một mùa xuân mới. Mẹ là nhân vật chính yếu, âm thần và khiêm tốn. Mẹ là trái tim thiêng liêng của Giáo hội, bởi vì sự hiện diện của Mẹ ở giữa các môn đệ là ký ức sống động của Chúa Giêsu và bảo chứng cho hồng ân của Thánh Linh. Chúng ta hãy đem hết tình con thảo mà dâng kính Mẹ, xin Mẹ đoái thương đồng hành cùng con cái nơi dương thế. Amen.
60. Suy Niệm của Lm. Trọng Hương
A. Hạt giống...
Có thể coi đoạn Tin Mừng này là một bài giáo lý về Chúa Ba Ngôi: Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu nhắc tới cả 3 ngôi Thiên Chúa: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ.... Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến... Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.
Như thế, giáo lý cơ bản về Ba Ngôi là:
- Chúa Cha là Đấng sai Chúa Con đến với loài người
- Chúa Con vâng lời Chúa Cha đến với loài người để dạy loài người những lệnh truyền
- Chúa Thánh Thần lại được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Con, để dạy loài người hiểu sâu hơn những lệnh truyền của Chúa Con.
Thái độ con người phải có đối với Ba Ngôi:
- Yêu mến Chúa Con nên tuân giữ những điều Ngài dạy.
- Chúa Thánh Thần sẽ giúp đỡ họ làm điều đó
- Kết quả: Ba Ngôi sẽ “yêu mến”, “tỏ mình ra” và “ở trong” người ấy.
B.... nẩy mầm.
1. Làm kitô hữu là được gia nhập gia đình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi Ngôi Thiên Chúa đều tận tình yêu thương và chăm sóc chúng ta. Đó là một vinh dự và một hạnh phúc to lớn. Cám ơn Chúa.
2. Thái độ đối xử đúng nhất của kitô hữu với Ba Ngôi Thiên Chúa là “nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ”, vì như thế ta tỏ ra mình yêu mến Thiên Chúa, ta được Ngài yêu mến, tỏ mình ra và ở trong ta.
3. Hai cha con thỏa thuận: ông sẽ mua cho cậu một xe hơi nếu cậu cạo râu, cắt mái tóc dài và đọc Thánh Kinh mỗi ngày. Xe mua về, cậu đọc sách nhưng không cắt tóc và cạo râu.
Khi ông đe dọa, cậu nói: “Con đang đọc về Chúa Giêsu, Ngài để tóc dài và râu”.
Ông bố nói: “Đúng, Ngài đã để râu và tóc, nhưng Ngài còn luôn thi hành ý Cha”. (Góp nhặt)
4. Trong cuốn sách The Living Stone có một câu chuyện như sau: Jonathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thầy khả kính. Ngày vị Thầy này sắp lìa trần, ông cho gọi Jonathan trở về để gặp thầy lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối cuối cùng của ông chỉ vỏn vẹn mấy chữ “Hãy hành động vì lòng yêu mến”.
Chúa Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản “Ai nghe và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giêsu không đòi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính... Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người yêu, sẵn sàng cho đi tất cả vì người yêu, chứ không dừng lại ở những rung động của thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình (“Mỗi ngày một tin vui”)
5. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”.
Mỗi lần, bạn ấy xin ba mẹ đi chơi, chúng tôi đều cười nhạo: “Lớn rồi mà còn xin với xỏ. Mình trưởng thành rồi, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm tùy ý”. Bạn ấy đã giải thích một cách đơn sơ nhưng thật hợp lý hợp tình: “Hẳn ba má không cần tôi xin, nhưng chắc chắn ba má tôi rất vui khi tôi xin phép như vậy. Tôi làm thế để được làm con và làm con thảo của ba mẹ tôi”.
Hẳn Chúa cũng rất vui khi tôi quan tâm lắng nghe và tuân giữ Lời Ngài, để Ngài có thể đưa tôi vào sự hiệp thông tình yêu của ba ngôi Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và thực hành lời Chúa để luôn được hiệp thông với Người. (Epphata)
6. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. (Ga 14,23)
Hôm chúng tôi chia tay, tôi đã khóc rất nhiều. Qua màn nước mắt, tôi thấy anh cũng vội lau những giọt lệ mà anh gọi là bụi khói. Anh vẫn cương quyết và bản lĩnh như ngày nào.
Anh nói: “Không phải Ba Mẹ không chấp nhận em, không phải anh không còn yêu em; anh sẽ đợi, nếu...
“Nhưng điều kiện của anh khó quá. Tôi ngắt lời.
“Không!” Anh nghiêm giọng, “tại vì em không muốn hy sinh thôi...”
Vâng, tôi đã không muốn hy sinh, hy sinh tự do, sở thích, thú vui phù phiếm của tôi. Vâng, tôi đã không yêu anh như tôi tưởng!
Lạy Chúa, tình yêu đòi hỏi những biểu hiện đích thực của sự hy sinh, đôi khi chỉ cần giữ lời... Chúa ơi, xin giúp con yêu Ngài, yêu tha nhân, để được phục sinh trong tình yêu của Thiên Chúa. (Hosanna)
7. “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27)
Cho tôi xin hai chữ “bình an”.
Với tôi và đa số người trẻ, bình an là: không bị ai làm phiền, muốn đi đâu và làm gì tuỳ ý, có tiền tiêu xài thỏa thích... Nhưng đó có phải là bình an đích thực không?
Bình an mà Đức Giêsu đem lại là bình an trong tâm hồn. Bình an đó chỉ có được khi tôi chiến thắng được kẻ thù khủng khiếp nhất là ích kỷ và phóng túng để vươn tới thiên đàng của công bằng và yêu thương.
Lạy Chúa, con muốn được tự do và bình an của Chúa (Hosanna)
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam