Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 33

Tổng truy cập: 1379136

ĐẤNG GÁNH TỘI TRẦN GIAN

ĐẤNG GÁNH TỘI TRẦN GIAN– Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Thánh Gioan, vị ngôn sứ cao cả bậc nhất thời cựu ước, đã từng giới thiệu cho các môn đệ của mình về Chúa Giê-su như sau: “Người mạnh thế hơn tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Lc 3, 16), “Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian, Người đến sau tôi nhưng trổi hơn tôi vì Người có trước tôi.” (Ga 1,29-30)

Thánh Gioan còn giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng sẽ cử hành một phép rửa vượt xa phép rửa của Gioan: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước. Còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Chúa Thánh Thần” (Mc 1, 7)

Thế mà Chúa Giê-su lại đến với thánh Gioan như một người tội lỗi, hòa mình với đám đông những người thu thuế, những người đàng điếm, những tên côn đồ đạo tặc và với bao nhiêu người tội lỗi khác, chăm chú nghe Gioan rao giảng và để chờ đến phiên, bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ thánh Gioan làm phép rửa cho mình.

Tại sao Chúa Giê-su lại hạ mình đến thế? Hành động nầy xem ra không xứng hợp với một Đấng thánh được Thiên Chúa sai đến, không xứng hợp với địa vị cao trọng mà ngay cả thánh Gioan cũng thú nhận là mình không xứng đáng cởi quai dép cho Người, không xứng hợp với Đấng sẽ làm phép rửa cho muôn dân trong Chúa Thánh Thần.

Chúa Giê-su hoàn toàn vô tội thì cần gì phải xin Gioan làm phép rửa cho mình? Vì như thế là không chân thực.

Phải hiểu thế nào về hành động hạ mình quá đáng nầy của Chúa Giê-su?

Chắc chắn Chúa Giê-su đến chịu phép rửa không phải vì Người có tội, nhưng vì tội lỗi của nhân loại mà Người đã mang vào thân. Cũng thế, Chúa Giê-su chịu khổ hình thập giá không phải vì tội của Người mà vì tội lỗi của thế gian mà Người đã gánh lấy. Thánh Gioan đã từng giới thiệu Chúa Giê-su là con “Chiên Thiên Chúa” (Gioan 1, 29) được sai đến trần gian để làm chiên đền tội.

Thời cựu ước, người Do-Thái làm lễ xá tội bằng cách đặt tay lên đầu con bò hay dê, trút hết tội mình cho nó, rồi sát tế nó, để nó chết thay cho người tội lỗi. (Lê-vi 8, 14-20)

Thế nhưng “máu của các con bò, con dê không thể trừ khử được tội lỗi” (Do-thái 10, 4) nên Chúa Giê-su đã hiến mình làm Chiên mới, Con Chiên của Thiên Chúa, đến mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân. Chính vì thế mà Người trở thành tội nhân, như lời thánh Phao-lô dạy: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (II Cr 5, 21)

Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, trở thành “hiện thân của tội lỗi” (II Cr 5, 21), nên Chúa Giê-su hòa mình với những tội nhân khác, xin Gioan làm phép rửa cho mình và cùng với bao tội nhân khác tỏ lòng ăn năn sám hối.

Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, trở thành “hiện thân của tội lỗi” nên Chúa Giê-su đã bị kết án chết thảm thương trên thập giá để cứu chuộc loài người tội lỗi, như lời thánh Phê-rô: “Tội lỗi của chúng ta, Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.” (1 Pr 2, 21-24)

Tuy hoàn toàn vô tội, Chúa Giê-su vẫn mang lấy tội của mỗi người chúng ta nên đã chịu thanh tẩy, chịu khổ nạn và chịu chết vì chúng ta. Còn chúng ta, dù mang nhiều tội lỗi, lại không chịu nhận lỗi và chịu trách nhiệm về tội của mình, mà lại thường đổ lỗi cho người khác, trút trách nhiệm lên đầu người khác!

Hình ảnh Chúa Giê-su vô cùng tốt lành thánh thiện mà lại hòa mình với các tội nhân bên bờ sông Gio-đan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa của Gioan là một lời mời gọi mỗi người chúng ta phải xóa bỏ cái tôi kiêu căng tự phụ của mình để biết nhận tội và thành tâm sám hối tội lỗi của mình. 

Chúa Giê-su đã mang lấy tội lỗi chúng ta, chịu thanh tẩy và chịu chết vì chúng ta. Vậy chúng ta hãy thông phần vào công cuộc cứu độ của Chúa và hợp tác với Chúa trong việc cứu chữa các tội nhân.

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

PHÉP RỬA TRONG THÁNH THẦN VÀ LỬA (*)-  Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.(Lc 3,16)

Phúc âm hôm nay nhắc tới ba dạng Phép rửa khác nhau:

Phép Rửa thứ nhất là Phép Rửa bằng nước. Đây là Phép Rửa của Gioan. Phép rửa của Gioan là Phép Rửa sám hối.

Đây là một dấu cho thấy dân chúng ăn năn tội lỗi của họ và muốn tẩy xóa nó đi.

Phép rửa này là bước đầu tiên trong một cuộc hành trình dài. Nó chỉ là một dấu hiệu, một khởi điểm.

Gioan đã làm sáng tỏ điều này khi ông nói: “Tôi làm phép rửa bằng nước để làm dấu hiệu cho thấy anh em đã ăn năn sám hối – Nhưng có một Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em bằng Thánh Linh và bằng Lửa. Ngài cao trọng hơn tôi. Tôi chẳng xứng đáng cúi xuống cởi dây dép cho Người.”(Mt 3,11)

Nói một cách khác, theo Gioan thì Phép rửa của ông chỉ là chuẩn bị cho Phép rửa bằng Thánh Linh của Đức Giêsu. Vào cuối đời Chúa đã nói với các môn đệ như thế này: “Các con hãy đi đến với mọi người trên khắp thế gian, rao giảng cho họ về Nước Trời, rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”(Mt 28,19).

Phép rửa thứ hai là phép rửa của Chúa Giêsu. Đây là Phép Rửa tái sinh. Phép rửa này ban cho người được rửa một đời sống mới. Thánh Phaolô đã giải thích về đời sống này cho những người vừa được rửa tội như sau: “Khi được rửa tội, anh em được an táng với Đức Kitô và trong phép rửa anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã từng bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô.”(Cl 2,12-13)

Như vậy qua Phép Rửa này, Chúa Giêsu chia sẻ cho những người được rửa đời sống thần linh của Ngài. Điều này dẫn chúng ta đến phép rửa thứ ba: Phép rửa thánh Gioan làm cho Chúa Giêsu.

Phúc âm hôm nay mô tả thật rõ những sự kiện xảy ra khi Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa cho Ngài: “Bầu trời mở ra, rồi Thánh Thần hiện xuống rồi sau đó một giọng nói từ trời vọng xuống: Đây là Con yêu dấu của Ta. Con đẹp lòng Ta”

Nếu phải đặt cho phép rửa này một tên thì ta có thể gọi đây là phép rửa Mặc khải. Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta qua hình ảnh bầu trời, Thánh linh và giọng nói được vang ra.

Trước hết là hình ảnh bầu trời được mở ra.

Ngày xưa người Do thái tin rằng Thiên Chúa sống ở trên một góc trời nào đó bên trên bầu trời bao bọc trái đất như một bức chắn. Nếu Thiên Chúa muốn đi vào trái dất thì Thiên Chúa phải đi qua bức chắn này. Tiên tri Isaia cũng cùng một quan niệm như thế khi ông nói: “Xin Chúa hãy xé toang bầu trời ra và xuống cứu dân của Người”(Is 64,1).

Hình ảnh bầu trời được mở ra có nghĩa là Thiên Chúa đã nghe lời cầu xin của nhà tiên tri và đã xuống thế gian. Như thế là một thời đại mới đã bắt đầu: thời đại Thiên Chúa xuống để cứu dân của Người.

Bước qua hình ảnh thứ hai: Thánh thần Chúa lượn quanh trên Đức Giêsu. Hình ảnh này thật giống với hình ảnh trong sách Sáng Thế Ký: “Thần khí Chúa bay lượn là đà trên mặt nước”(St 1,2) vào lúc Chúa khởi đầu việc tạo dựng. Tại sao lại có một sự trùng hợp như thế. Đây không phải là ngẫu nhiên. Ở đây Thiên Chúa muốn nói với chúng ta: Thời đại mới mà Ngài xây dựng trên trần gian là một cuộc tạo dựng mới. Nói cách khác đây là một cuộc tái tạo lại trần gian.

Sau hết là việc Thiên Chúa xác nhận Chúa Giêsu là Con của Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta”(Mt 3,17). Qua lời xác nhận này Thiên Chúa muốn giới thiệu với con ngươì về Chúa Giêsu như một “Adam mới”

Thánh Phaolô đã khai thác ý tưởng này rất hay như sau: “Con người đầu tiên tức Adam đã được tạo dựng nên như một vật sống. Còn Adam cuối cùng tức là Đức Giêsu là Thần ban sự sống….Adam thứ nhất đến từ đất – Adam thứ hai đến từ trời…..Như chúng ta đã mặc lấy hình ảnh người bởi đất mà ra (tức Adam thứ nhất) thế nào thì chúng ta cũng mặc lấy hình ảnh của người từ trời mà đến như thế. Người từ trời đây chính là Adam thứ 2, tức là Đức Giêsu.(1Cor 15,45-49).

Như vậy thì ý tưởng đã rõ. Phép rửa Chúa Giêsu chịu là Phép rửa Mặc khải. Nó báo cho con người biết là một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Kỷ nguyên này là một cuộc tạo dựng mới với sự có mặt của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa như một Adam mới của nhân loại.

Như vậy là chúng ta đang được sống trong một kỷ nguyên mới trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Bởi thế, thánh Phaolô nói với chúng ta: “Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. (Cl 3,1-2)

“Sống đích thực của anh em là Đức Kitô và khi Ngài hiện ra thì anh em cũng được xuât hiện với Ngài đễ được cùng chia sẻ vinh quang với Ngài.”(Cl 3,1-4).

Một hôm duyệt binh, vua Alexandre thấy một anh bộ đội có vẻ yếu ớt và mang một cây gươm dỉ sét, Ngài đứng lại và hỏi tên, hắn thưa mình là  Alexandre.

Nghe nói, vua liền nổi giận, nhìn thẳng vào con người lười biếng đó và bảo:

– Mày một là phải đổi tên, hai là phải đổi tính nết.

Alexandre là một ông vua trẻ trung, can đảm, hoạt động mà tên lính của Alexandre thì như vậy vua coi là một điều xấu hổ.

Mang danh hiệu Kitô hữu, có đạo Đức Chúa Giêsu mà cách ăn ở không có gì giống Chúa, thì chỉ làm xấu cho đạo. Nhiều khi trong đời sống người có đạo còn thua kém người bên lương: ăn gian, nói dối, lỗi đức công bình, bác ái…

Xin được kết bằng lời của thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô: “Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.(Ep 4,17.24)

(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

NGƯỜI CON YÊU DẤU- Trích Logos C

Thế là Mùa Giáng Sinh đã qua, người ta tổ chức và mừng Lễ Sinh Nhật thật long trọng và đầy vẻ thơ mộng với nhiều màu sắc lung linh. Thật ra, hình ảnh Be Lem chỉ là một Biến cố âm thầm nhỏ Bé, lặng lẽ giữa một đế quốc La Mã huy hoàng tráng lệ.

Cuộc sống ẩn dật của Chúa Giêsu cũng trôi vào dĩ vãng, chẳng mấy ai quan tâm để ý. Phải đợi đến lúc Gioan Tẩy Giả xuất hiện, người ta mới dần dần sống lại những tâm tình mà họ đã nghe tiên tri Isaia loan Báo trước đây. Cùng với Gioan, họ đang “chuẩn Bị tinh thần” Bằng những việc làm mà Gioan rao giảng, họ vội vàng xin chịu Phép Rửa, ăn năn sám hối để đón Chúa Giêsu-Đấng Cứu Độ muôn dân.

Đây là Con Ta yêu dấu

Nào có ai ngờ được rằng, Đức Giêsu, Đấng Thánh thiện cao cả, Đấng mà tiên tri Isaia loan Báo, Gioan Tẩy giả giới thiệu,   nói rằng :” Tôi không xứng đáng cởi dây dày cho Người”, giờ đây lại đến thật Bình thường, khiêm hạ, đang đứng xếp hàng trong hàng ngũ “các tội nhân“. Đấng đến làm Phép Rửa trong Thánh Thần, lại xin chịu Phép Rửa sám hối của Gioan.

Thật là ngạc nhiên và khó tin Chúa Giêsu là “Đấng từ Trời mà đến” khi Người  làm như vậy. Chúng ta tin Đức Giêsu là Đấng hoàn toàn vô tội mà. Do đó, Chúa Giêsu nhận phép Rửa, không phải để sám hối, cho Bằng để mạc khải Thiên tính và sứ mạng của Người. Đây là lúc Chúa Cha xác nhận cho nhân loại Biết Đức Giêsu là ai : “Người là Con Ta yêu dấu“, được xức dầu Thánh Thần để thi hành sứ mạng cứu độ. Sứ mạng cao cả được thực hiện trong thân phận làm người, thân phận của một “tôi tớ đau khổ” (Is 53, 4).

Khi chịu để được dìm xuống dòng sông, Người muốn xuống tận đáy vực thẳm của kiếp người đang Bị chìm sâu trong tội lỗi, hầu lôi kéo tội nhân Biết ăn năn sám hối, chuẩn Bị đón nhận Phép Rửa của Người, Phép Rửa của sự tái sinh. Khi xếp hàng Bên Bờ sông Giordan, Người muốn đứng chung với tội nhân để nâng đỡ, an ủi và giao hoà tội nhân với Chúa Cha.

Nếu không có đức tin,làm sao có thể chấp nhận được mầu nhiệm Nhập thể, một Đức Giêsu với hai Bản tính : Bản tính Thiên Chúa và Bản tính loài người. Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Chúa Giêsu đã làm người cho đến tận cùng với cái chết, chứ không chỉ trong một giai đoan, một thời gian nào đó, để chia sẻ với loài người trong kiếp sống lầm than khốn khổ. Người muốn liên đới với mọi người trong những đau thương, hèn yếu, để đem đến cho mọi người một sức sống mới, sức sống Bởi Thần khí và dồi dào ân sủng.

Là Con yêu dấu của Chúa Cha, không chỉ trong lúc cúi mình chịu Phép Rửa, mà còn trải dài trong suốt cuộc sống. Tất cả những hành vi Chúa Giêsu làm, những phép lạ : chữa lành Bệnh tật, cho kẻ câm nói được, kẻ què đi được… và kẻ chết được sống lại, Chúa Giêsu đã thực hiện không phải để tìm vinh danh cho mình, mà để thực thi Thánh ý và làm đẹp lòng Chúa Cha. Trước khi đi vào con đường khổ nạn, trên núi TaBor, Chúa Cha lại một lần nữa xác nhận : “Đây là Con yêu dấu của Ta“. Cuộc đời của Chúa Giêsu luôn là một thông điệp diễn tả về tình yêu Bao la vô Bờ Bến của Thiên Chúa đối với nhân loại nói chung, và cho mỗi người chúng ta nói riêng. Như thế, ta chẳng còn lý do gì để thoái thác trong những Bổn phận, trách nhiệm mà Chúa trao Ban cho mỗi người, chúng  ta phải cố gắng chu toàn để “sống xứng đáng là con Thiên Chúa “.

Phép Rửa, chết để được sống

Thánh Phaolô nói : “Khi được Rửa tội, là anh em được mai táng với Đức Kitô, và trong Phép Rửa tội, anh em cũng được sống lại với Đức Kitô, và nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 4). Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa tội, ta trở nên nghĩa tử của Chúa Cha, là anh em của Chúa Giêsu. Mỗi một người, trong từng thân phận, là một thể hiện của tình yêu đặc Biệt dành riêng cho từng cá nhân trong công cuộc tạo dựng. Con người là thụ tạo cao quí, chứ không phải là một sản phẩm được sản xuất hàng loạt. Cũng chính vì thế, Chúa Giêsu luôn ước mong và tìm đủ mọi cách, để mỗi người chúng ta cũng được trở nên “người con yêu dấu” là khi chúng ta “trở nên đồng hình đồng dạng” với Người.

Chúng ta hãy lắng nghe Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, trong diễn văn nhận sứ vụ ngày 24/5/2005, xác quyết : “Chỉ khi nào chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa sống động nơi Đức Kitô, thì khi đó chúng ta mới hiểu cuộc sống là gì. Chúng ta không phải là những sản phẩm tình cờ và vô nghĩa của sự tiến hoá. Mỗi một người trong chúng ta là kết quả một ý nghĩ của Thiên Chúa. Mỗi một người trong chúng ta đều được chọn, mỗi một người đều được yêu thương, mỗi một người đều là cần thiết. Không gì đẹp hơn là được ngạc nhiên Bởi Phúc Âm, Bởi sự gặp gỡ với Chúa Kitô. Không gì đẹp hơn là được Biết Ngài, và nói với người khác về tình Bạn với Ngài”.

Phép Rửa – sứ mạng “sai đi”

Sau khi chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu được Thánh Thần ngự xuống, được Chúa Cha sai đi. Sứ mạng “sai đi“ ấy Chúa Giêsu đã thi hành trọn vẹn để Ban ơn cứu độ cho nhân loại. Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta tiếp nối sứ mạng đó, noi gương Người để sống như Người giữa Biển đời này. Trong môi trường chúng ta đang sống, ở đâu và lúc nào cũng đang cần nhân chứng cho sự khiêm tốn, dấn thân và quảng đại. Trong Bất cứ hoàn cảnh nào cũng đang cần chứng nhân cho lẽ phải, cho sự thật. Liệu chúng ta có dám hy sinh để gột Bỏ những đam mê Bất chính, dám Bị “đục đẽo” đi những tính toán vụ lợi, ích kỷ, để can đảm dám sống , dám chết, liên đới với tha nhân, chia sẻ những nỗi đau với các số phận hẩm hiu, long đong đang cần mỗi người chúng ta “yêu thương và phục vụ.”

Ngày nọ, một em Bé đi thăm một nhà điêu khắc khi ông đang loay hoay đục đẽo một tảng đá cẩm thạch sần sùi. Em chẳng thấy gì ngoài tảng đá thô ráp và các mảnh đá Bắn ra tung toé. Sau mấy tháng, em trở lại thăm nhà điêu khắc. Lần này em rất đỗi ngãc nhiên, thay vì tảng đá sần sùi, Bây giờ là một con sư tử với những đường nét rất linh động, như sư tử thật. Em xúc động chạy đến nhà điêu khắc và hỏi : Thưa ông, làm thế nào ông Biết được trong tảng đá có con sư tử (để đục cho nó thoát ra) ?.

Cuộc đời Kitô hữu chúng ta có khác chi tảng đá sần sùi thô ráp trong thế gian, với Phép Rửa của Đức Kitô, nhờ tài điêu khắc của Chúa Thánh Thần, cùng với những nỗ lực từ Bỏ và hy sinh, chúng ta sẽ trở nên những Kitô hữu sống động với những đường nét tuyệt đẹp mà hồng ân Chúa Ban cho, để mỗi người chúng ta cũng trở nên “con yêu dấu của Chúa”.

home Mục lục Lưu trữ