Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 54

Tổng truy cập: 1380184

DÂNG HIẾN

Dâng hiến.

“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”.

Lời tuyên bố trên đây của Chúa Giêsu có bao gồm và đụng chạm đến những người đang sống trong các khu vực sang trọng giàu có ở Manila như Forbes Park, Corinthian Gardens và Ayala Alabang hay không? Lời tuyên bố này có đánh động những người đang làm chủ các tập đoàn thương mại khổng lồ ở Philippies hay không?

Trên thực tế, tiền bạc hay sự giàu có không phải là một sự dữ tất yếu. Ngay cả Chúa Giêsu cũng đã hưởng những thực phẩm, những bữa tiệc và cả nơi nghỉ ngơi do những người bạn giàu có của Ngài cung cấp. Cũng vậy, với tiền bạc, bạn có thể làm được nhiều việc tốt, chẳng hạn như lo việc ăn học cho con cái, mua những vật nhu yếu phẩm, làm những việc từ thiện bác ái. Nhưng với tiền bạc, bạn cũng có thể làm nhiều điều ác. Với tiền bạc, bạn có thể hối lộ, mua các lá phiếu trong các cuộc bầu cử, thuê những tên khủng bố và làm những hành động bất lương khác. Sống như vậy, con người thay vì làm chủ tiền bạc thì lại trở nên nô lệ cho nó.

Mặt khác, nghèo khó hay sống trong nghèo khó cũng không phải đương nhiên là một nhân đức. Lấy ví dụ: một người nghèo luôn miệng nguyền rủa thân phận nghèo khổ của mình. Anh ta bị ám ảnh muốn trở nên giàu có như người hàng xóm. Nhưng thực tế anh vẫn phải sống trong cảnh nghèo. Và một người nghèo khác, mặc dù nghèo khổ nhưng anh vẫn hướng về Thiên Chúa, chuyên chăm cầu nguyện và tham gia vào các hoạt động truyền giáo của Giáo hội, giúp đỡ những người khác. Lúc đó, nghèo khó trở thành một nhân đức Kitô giáo, vì giúp ta sống gắn bó với Thiên Chúa và không dính bén với của cải thế gian.

Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta sống một cuộc đời dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa đúng với căn tính của mình là Kitô hữu. Vì thế, nếu bạn là một người đã kết hôn, hãy là một người chồng hay một người vợ tốt, đừng tìm kiếm một người khác xinh đẹp hơn người phối ngẫu của mình. Nếu bạn là một người làm công, hãy làm việc chu đáo. Nếu bạn là một người chủ, hãy ở công bằng. Cuối cùng, chúng ta hãy suy nghĩ về bốn hướng dẫn quan trọng sau đây:

– Hãy nhớ rằng vào một thời điểm nào đó, bạn sẽ phải ra đi.

– Hãy tìm niềm vui trong sự trao ban hơn là khi thu góp.

– Sống gắn bó với thánh giá hơn là dính chặt vào đồng pêsô.

– Hãy nhớ rằng tiền bạc thì mau qua, và bạn chỉ có một bảo đảm chắc chắn ở nơi Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp con nhớ rằng không dính bén với của cải thế gian là một phương thế giúp sống gắn bó với Chúa.

 

42. Chúa Nhật 28 Thường Niên

“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,36)

Một câu hỏi quan trọng dành cho mọi người nhưng đặc biệt hơn đối với người kitô hữu. Mọi người đều nổ lực để có một cuộc sống tốt đẹp ở giây phút hiện tại và có những dự định tốt đẹp cho tương lai của cuộc đời mình. Nhưng cái quan trọng hơn hết đó là ngoài cuộc sống ở trần gian này còn có một cuộc sống bền vững và vĩnh cửu. Có mấy ai quan tâm đến cuộc sống vĩnh cửu này?

Mọi người vất vả chỉ mong muốn mình có một đời sống đầy đủ, sung túc và dư đầy; tất cả lo tích trữ cho mình của cải, danh vọng, các mối tương quan có lợi, uy tín…có khi con người đã đạt được những thứ đó nhưng khát vọng cuối cùng vẫn là làm sao được sự sống đời đời. Có người vì cuộc sống nghèo đói, đau khổ muốn sớm chấm dứt cuộc sống hiện tại và mơ tưởng về sự sống đời sau sẽ hạnh phúc và an toàn hơn. Có người thì cuộc sống này đang tràn đầy hạnh phúc, mãn nguyện thì mong sao cho cuộc đời này kéo dài để tận hưởng và qua cuộc sống trần gian này nó vẫn còn kéo dài đến đời sau để tận hưởng hạnh phúc đó. Có rất nhiều lí do con người trăn trở về cuộc đời của mình. Hạnh phúc có rồi đau khổ đó, vui đó rồi buồn đó, có đó rồi mất đó.

Chúa Giêsu sẽ cho mọi người thấy giá trị đích thực của kiếp người đó là gì? Hạnh phúc không phụ thuộc vào của cải, không phải có đời sống hoàn hảo không một chút tì vết nào cũng không phải sở hữu nhiều thứ mà đó chính là “sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Muốn có được sự sống này thì phải có lòng nhân từ, khiêm tốn, sống trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa và cuối cùng là tin tưởng phó thác hoàn toàn vào thánh ý của Ngài.

Mỗi người kitô hữu cũng đang sống từng ngày với những bổn phận và trách nhiệm, chu toàn bổn phận với Chúa, với mọi người cũng để có được sự sống đời đời. Đó là mục đích cuối cùng của đời người và những gì muốn thể hiện trong cuộc sống hôm nay. Điều quan trọng đối với Chúa Giêsu là biết phó thác tin tưởng hoàn vào Chúa còn những điều đằng sau đó Chúa sẽ lo liệu và điều chắc chắn khi con người hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa, con người sẽ được sự sống đời đời.

Lạy Chúa xin cho con biết sống khiêm tốn, tin tưởng vào Chúa và cho con luôn ý thức rằng không phải vì sức riêng của mình làm được mọi sự nhưng tất cả là do Chúa. Xin cho con biết sống cuộc sống ở trần gian này theo thánh ý Chúa để có được sự sống đời đời.

 

43. Suy niệm của Lm. Nguyễn Hưng Lợi.

NGƯỜI THANH NIÊN GIẦU CÓ VÀ NƯỚC TRỜI

Đọc Tin mừng của Chúa Giêsu người ta bắt gặp nhiều cảnh nửa khóc nửa cười: có những câu chuyện xem ra ứa nước mắt, có những vụ việc ngộ nghĩnh và nực cười. Chúa Giêsu luôn dạy dỗ con người bằng chính những câu chuyện, những dụ ngôn, những sự việc xẩy ra trong xã hội thực tế bao quanh con người. Đoạn Tin Mừng Giáo Hội trích đọc trong thánh lễ sáng nay: “Tiền của là một cản trở cho con người đi vào Nước Trời”. Đây là một bài học thực tế của cuộc sống con người.

CÁI TRỚ TRÊU CỦA CÂU CHUYỆN:

Người thanh niên tin vào Chúa, nên anh ta mới tới xin Chúa chỉ bảo cho anh biết anh phải làm gì để đạt được đời sống viên mãn, đời sống trường cửu. Đây là câu vấn nạn hết sức chân thành của anh, chứ không phải để bắt bẻ, để giăng bẫy Chúa Giêsu. Một câu hỏi phát xuất từ đáy tâm hồn của người thanh niên giầu có vì anh đã dùng một danh xưng chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Biết được lòng thành và thiện chí của anh, Chúa Giêsu đã đưa anh ta về các giới răn như chớ giết người, cớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thảo kính cha mẹ (Mc 10, 19). Người thanh niên giầu có qủa thực đã thực hiện những qui luật thông thường dành cho mọi người. Anh trả lời hết sức thành thật với Chúa rằng anh ta đã giữ tất cả những điều ấy ngay từ hồi anh ta còn nhỏ tuổi.Chính vì thế, sau khi anh ta trả lời với Chúa như trên, Tin Mừng thánh Marcô viết:Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và chạnh lòng thương. Anh ta quả đã nói rất thật với Chúa và nếu giả như anh ta nói dối, giả hình, giả bộ, hẳn Đức Giêsu đã không có thái độ như trên. Chúa yêu anh, thương tấm lòng thành của anh ta, nên Chúa nói với anh, khuyên anh muốn nên trọn lành, muốn đạt được nước Thiên Chúa, anh ta hãy về bán tất cả những gì anh đang có, phân phát cho người nghèo khó và rồi đi theo Đức Giêsu (Mc 10, 21). Và đây là điều duy nhất, căn bản, cốt thiết anh ta còn thiếu để được hạnh phúc đời đời. Nhưng cái trớ trêu ở đây là người thanh niên giầu có đã không làm nổi, đã không có can đảm để bán gia tài anh đang có để được sống đời đời.Tin Mừng viết một cách dí dỏm và ứa nước mắt cho những ai có lòng tin, có lòng quảng đại: “Anh ta sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi” (Mc 10, 22). Anh thanh niên đã không muốn mất gia tài, không muốn chia sẻ với người nghèo. Thánh Marcô nhấn mạnh: “Vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10, 22).

QUAN NIỆM CỦA CHÚA GIÊSU VỀ CỦA CẢI:

Qua cuộc đối thoại của Chúa với người thanh niên giầu có. Chúa Giêsu muốn chỉ ra rằng việc tuân giữ lề luật không thôi, chưa đủ đảm bảo cho ơn phần rỗi của con người. Muốn được ơn cứu rỗi phải chia sẻ với những người nghèo khó để được phần thưởng trên trời và bước theo Chúa Giêsu. Nói cách khác, đối với Chúa phải sống tin yêu, phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, yêu thương người nghèo bằng cách cho đi những gì mình có cho dù vật chất hay tinh thần. Chúa Giêsu không khuyên chúng ta coi thường của cải, nhưng Ngài khuyến cáo vật chất, của cải có thể là một cản trở trên con đường đi vào nước Thiên Chúa nếu nó không được dùng để phục vụ tha nhân. Dùng của cải không đúng, nó sẽ trở thành ích kỷ, nguồn gốc của mọi bất chính, phô trương, khoe khoang. Tiền tài, của cải có thể trở thành sự dữ khi nó khi nó làm cho con người khép kín con tim lại để hưởng thụ, hẹp hòi, thiển cận và ích kỷ. Của cải không dùng đúng cách, nó sẽ ngăn cản ta sống yêu thương và quảng đại. Chúa mời gọi người giầu có về bán của cải, chia sẻ cho người nghèo và đi theo Chúa. Đây là lời mời có tính cách mạng, biến đổi con tim, biến đổi lòng người, biến đổi nhân loại. Muốn theo Chúa Giêsu, con người phải có can đảm từ bỏ: tội lỗi, tính ích kỷ, lối sống phản Tin Mừng, sống gắn bó, phó thác vào Chúa và từ bỏ ngay chính cả mạng sống mình. “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá của mình mà theo Ta”. Khôn ngoan đích thực (bài đọc I) chính là tin Chúa và đi theo Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết từ bỏ tất cả mà sống quảng đại, tin tưởng vào Chúa và quyết tâm chọn Chúa, đi theo Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ:

  1. Bạn nghĩ sao về câu nói của người thanh niên giầu có: “Những điều ấy con đã giữ ngay từ hồi còn nhỏ?”.
  2. Bạn cảm nghiệm thế nào về câu nói của thánh Marcô: “Vì anh ta có nhiều của cải?”.

 

44. Hãy tìm kiếm Nước Trời

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

Câu chuyện chàng thanh niên giầu có mà thánh Máccô thánh sử thuật nay hôm nay thật sự đã làm cho nhiều người suy nghĩ. Đây là một dụ ngôn rất ấn tượng, làm động não nhiều người. Chàng thanh niên giầu có này cứ tưởng đã giữ moi điều luật các ngôn sứ nói và các giới răn Chúa truyền là đã hoàn thành trách nhiệm và đã đạt được Nước Thiên Chúa.Tuy nhiên, có một điều chàng thanh niên này không dám làm hay nói cách nôm na hơn, chàng ta còn bám víu lấy của cải, danh vọng, giầu sang phú quí mà không dám làm theo đề nghị của Chúa Giêsu là đi về bán hết của cải phân chia cho người nghèo khó và đi theo Chúa…

Đọc câu chuyện này, chúng ta rất thương tình đối với chàng thanh niên này, nhưng chúng ta cũng rất ngạc nhiên, xem ra khó chịu, khó hiểu vì chàng thanh niên chỉ còn có một bước nữa: thắng lòng ham muốn của mình, vượt lên cao hơn của cải chóng qua ở đời này để làm một điều là để hai bàn tay mình trong trắng, trơn tru, với con tim mở rộng để lắng nghe lời của Chúa và thực thi ý Chúa…Đúng, chàng thành niên giầu có ở đây đã làm được những điều thật đáng khen ngợi mà rất ít người đã làm được như chàng ta, nhưng có điều lòng tham tiền bạc, của cải vật chất đã bóp nghẹt con tim của chàng, bởi vì tình yêu của chàng thanh niên chưa đủ mạnh để làm được điều Chúa Giêsu đề nghị, hướng dẫn …Thực tế, chàng thanh niên giầu này chưa cảm nghiệm sâu xa lời thánh Phaolô gửi tín hữu Roma 7, 15 khi Ngài viết:” Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm “. Thánh Phaolô giải thích, đó là tội lỗi, sự dữ trong ta, thúc đẩy ta làm điều không nên làm, còn nếu ta tin tưởng phó thác vào Chúa thì chính Ngài sẽ giải thoát chúng ta…Thánh Gioan định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu thúc bách chúng ta làm điều thiện, điều tốt. Yêu Chúa sẽ khiến chúng ta yêu mến anh em và không làm ngơ trước những nhu cầu khẩn thiết của anh chị em, của đồng bào mình.

Vâng, theo Chúa là trở nên tay không, trở nên trong trắng nhưng thực tế lại trở nên giầu có vì con người biết chia sẻ, biết cảm thông với những khó khăn, thử thách của con người. Theo Chúa lại trở nên giầu có vì coi anh em là huynh đệ, là con chung một Cha, là ra khỏi sự ích kỷ, tự mãn của lòng tham con người để đi vào bốn bể là anh em. Theo Chúa là mở ra lòng trao hiến, để biết phân chia những gì mình có, những gì mình coi là của cải mong manh, chóng qua ở đời này. Theo Chúa là mở toang cánh cửa cõi lòng, con tim để đón nhận anh em, đặc biêt là đón nhận những anh chị em nghèo, để chia sẻ, giúp đỡ họ với tấm lòng quảng đại của mình. Chúa Giêsu đã nói:” Con lạc đà chui qua lỗ kim, còn dễ hơn người giầu có vào Nước Trời “. Câu nói xem ra mỉa mai, nhưng thực tế là để diễn tả việc làm rất khó khăn, đòi hỏi con người phải có sức mạnh ở trên cao như lời thánh Phaolô đã viết:” Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi “. Phải có ơn Chúa, Phaolô mới vượt thắng được những cam go thử thách đã làm Ngài hầu như không thể chịu đựng nổi. Theo Chúa để mất đi những gì thế gian coi là quí hóa như vợ con, ruộng vườn, nhà cửa, vật chất, của cải theo như thế gian đong đếm, coi trọng. Theo Chúa để được lại gấp trăm ngay từ đời này, và nhất là được sự sống đời đời.

Phaolô đã bỏ tất cả sự nghiệp cùng với danh vọng khi bị ngã ngựa ở Đamas, tuy nhiên Phaolô đã trở nên tông đồ kiên cường và nhiệt tâm cho dân ngoại, đã được Chúa cho lãnh triều thiên Nước Trời.Phêrô cũng vậy, khi Ông bỏ nghề đánh cả ở biển hô Galilê, Chúa lại cho Ông trở nên ngư phủ đánh lưới người. Khi Ông bỏ vợ, gia đình, con cái để đi theo Chúa, Chúa đã đặt Ngài làm đầu Hội Thánh,. Các Tông đồ khác cũng vậy, theo Chúa,các Ông đã được gấp trăm ở đời và được Chúa làm gia nghiệp. Do đó, theo Chúa chúng ta được lại rất nhiều và được Nước Trời, được chính Đức Giêsu (Pl 3, 8).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết vươn cao hơn để chúng con biết nhạy cảm trước nỗi đau khổ của kẻ khác và biết chia sẻ, cảm thông với những kẻ khó nghèo vv…Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

  1. Anh nhà giầu đã thưa với Chúa Giêsu thế nào?
  2. Chúa Giêsu có buồn khi anh nhà giầu không dám làm theo đề nghị của Chúa không?
  3. Theo Chúa là gì?
  4. Của cải, vật chất có tồn tại không?
  5. Theo Chúa sẽ được những gì?

 

45. Đồng tiền liền khúc ruột

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

Chúa nhật 28 thường niên, năm B trình bầy cho mọi người về một câu chuyện hết sức thực tế, một chàng thanh niên đạo đức, muốn theo Chúa nhưng lại không muốn từ bỏ. Đồng tiền làm anh hoa mắt, của cải làm anh mù tối, do đó, dù anh đã giữ mọi giới răn, xem ra con đường của anh đã rộng mở thênh thang, nhưng để bước một bước tốt đẹp hơn nữa, Chúa nói: ” Anh hãy về bán hết những gì anh có, phân chia cho người nghèo khó và đi theo Ngài “. Chàng thanh niên đâu có làm theo lời Chúa, anh tiu ngỉu, cúi xầm mặt và bỏ đi…

Tin mừng cho thấy nỗi buồn của Chúa Giêsu và chàng thanh niên con nhà giầu. Chúa Giêsu rất yêu thương người thanh niên, Ngài rất vui khi gặp anh ta và ngược lại anh ta cũng rất sung sướng vì gặp Chúa Giêsu. Bởi vì khi gặp Chúa, anh ta thưa Ngài là: “Thầy nhân lành” mà!. Chàng thanh niên nói trúng phóc điều lề luật đòi buộc: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ làm chứng gian, chớ trộm cắp, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”. Toàn là những chuyện lớn, quan trọng nhưng anh đều giữ cẩn thận từ bé. Điều đó thực đáng khen. Tuy nhiên, Chúa muốn hơn thế nữa, Chúa muốn anh phải hy sinh, từ bỏ, cắt bỏ những gì là dính bén, mới có thể thanh thản đi theo Ngài được và quả thực anh đã lúng túng, không dám từ bỏ, không dám tiến tới, anh chỉ dừng lại nơi vật chất, nơi của cải của anh mà thôi. Anh không dám ra khỏi con người, ra khỏi nô lệ tiền của. Anh muốn ước ao sự sống đời đời, nhưng thực tế, anh không dám cắt bỏ, không dám ra khỏi cái giằng co của tiền của và cái hạnh phúc đời đời. Chúa Giêsu còn nói người có của khó vào nước Thiên Chúa biết bao. Chúa nói điều ấy dù rằng vào thời của Ngài, giàu có được coi là một phúc lành của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa vẫn coi của cải là một trở ngại nguy hiểm bởi vì của cải dễ khiến con người khép kín lòng mình trước mặt Thiên Chúa và dễ dàng chà đạp lên quyền lợi của anh em, của tha nhân. Chúa Giêsu và các tông đồ, môn đệ của Ngài đã sống nghèo khó, sống như những người bơ vơ vất vưởng để dễ đặt lòng tin vào bàn tay của Thiên Chúa Cha.Theo Chúa Giêsu là chấp nhận tay trắng bấp bênh, chấp nhận đời sống khó nghèo. Nhưng chúng ta đừng quên theo Ngài cũng là để trở nên giầu có. Theo Chúa không phải để được giầu có theo sự khôn ngoan, theo sự suy nghĩ của con người, của trần gian. Theo Chúa không phải là bỏ nhà cửa, ruộng vườn, vợ con, cha mẹ, những người thân thương, ngay cả đến mạng sống của chính mình. Theo Chúa là được gấp trăm ngay cả ở đời này và nhất là đời sống vĩnh cửu sau này.Bằng chứng là các tông đồ khi họ bỏ cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp lập tức họ đạt được chính Chúa và có nhiều người làm anh em. Phêrô được đứng đầu Hội Thánh khi ông từ bỏ vợ con, gia đình bé nhỏ của mình. Theo Chúa Giêsu, điều quan trọng nhất là chúng ta có được chính Chúa Giêsu.

Vâng, cái bi kịch của người thanh niên giầu có cũng là bi kịch của chúng ta. Chúng ta luôn có ước mơ chiếm được nước Trời nhưng đồng thời chúng ta vẫn bị ghì chặt bởi những của cải vật chất và tiền tài danh vọng. Của cải vật chất, tiền tài luôn có sức hấp dẫn thu hút chúng ta. Một đàng chúng ta muốn bỏ nó để bay cao, bay xa, nhưng đàng khác nó vẫn níu kéo chúng ta lại. Lòng ham mê của cải đã thắng con người, đã thắng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Lòng tham lam đã bóp nghẹt con tim của mình đến nỗi thánh Phaolô đã nói: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7, 15). Đây là tội lỗi gây nên cho con người. Chỉ có Đức Kitô mới giải thoát chúng ta ra khỏi tội lỗi. Chúa Giêsu đã từng ngồi đồng bàn với những người giầu có, những người biệt phái, những người thu thuế. Ngài đã từng chịu ơn những người phụ nữ đạo đức giúp đỡ Ngài và các tông đồ. Chúa chỉ lến án những ai dùng tiền của như mục đích, coi của cải như chúa tể của mình mà tự đóng lòng không dám mở ra và sống quảng đại với tha nhân, với Thiên Chúa.

Mọi Kitô hữu muốn sống đúng theo Tin Mừng, thì điều quan trọng là phải biết từ bỏ. Từ bỏ không có nghĩa là khinh chê của cải, bần cùng hóa xã hội, nhưng biết hòa mình, chia sẻ, quảng đại với mọi người. Đồng thời luôn ý thức đồng tiền, vật chất không thể nào mua được nước Trời.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con luôn có con tim biết nhạy cảm để mở ra, chia sẻ và quảng đại đối với tha nhân.

 

46. Chọn tiền của hay Thiên Chúa?

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT)

Trong một thế giới vật chất, văn minh: các phương tiện kỹ thuật càng lúc càng đi đến chỗ tinh vi, kinh tế, vật chất, tiền của luôn là những vấn đề sôi bỏng, luôn là những điểm nóng trong sinh hoạt hằng ngày, liệu nói về Thiên Chúa có còn hợp thời nữa không? Bài đọc thứ I trích trong sách khôn ngoan 7, 7-11 sẽ trả lời cho mọi người, cho mỗi người vấn nạn thời sự ấy. Khôn ngoan là kho tàng vô giá, là sự giầu sang thật. Khôn ngoan vừa là đặc tính siêu việt của Thiên Chúa, vừa là hồng ân Ngài trao tặng cho nhân loại, cho con người.

Đọan sách khôn ngoan hôm nay cho ta một bài học thật quí hoá vì trước mặt Thiên Chúa: “Đức khôn ngoan hơn vương trượng, ngai vàng…của cải bằng không. So với đức khôn ngoan, vàng chân châu bảo ngọc chẳng qua là một chút cát, bạc chẳng qua như chút bùn”. Khôn ngoan là sự giầu sang, là sự hiệp thông với ân sủng của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn con người có tinh thần nghèo khó khi phải đương đầu với thế lực của Mammôn, Satan, tiền bạc. Dù rằng trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã có lúc tham dự những bữa tiệc thịnh soạn, linh đình của những gia đình giầu có, những gia đình của những người biệt phái, từng ăn uống tại gia đình của những người thu thuế lắm tiền, từng nhận lãnh những ân huệ của những người phụ nữ tốt bụng, đạo hạnh nuôi dưỡng Chúa và các tông đồ. Chúa đã từng nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10, 25). Chúa nói câu nói ấy để minh chứng: “thực hiện được như sách khôn ngoan đối với của cải vật chất là điều thật kho”. Đoạn sách khôn ngoan hôm nay muốn làm nổi bật ý nghĩa của sự từ bỏ, đừng ham hố tiền của quá sức, coi bạc vàng, châu báu, của cải là cùng đích, là thần tượng của đời mình, coi Mammôn, Satan như là cứu cánh của cuộc đời con người, mà quên đi cốt lõi của đời là bác ái, chia sẻ để đạt được Nước Trời. Chàng thanh niên trong Tin Mừng Mc 10, 17-30 là một người tỏ ra hết sức đạo đức. Chàng đã thưa với Chúa Giêsu: “Những giới răn như chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ, chàng đã giữ từ hồi còn nhỏ” (Mc 10, 20). Chúa Giêsu khi nghe chàng thanh niên giầu có trả lời như thế, Ngài đã chạnh lòng thương chàng và muốn chàng đi xa thêm một bước nữa để có thể đạt đươc Nước Thiên Chúa. Do đó, Chúa âu yếm nói với chàng: “Hãy đem bán hết gia tài ngươi có, đem bố thí cho người nghèo khó, rồi hãy đi theo Ta” (Mc 10, 21). Câu nói của Chúa Giêsu đòi hỏi chàng thanh niên từ bỏ dính bén tiền của là thứ làm cản ngăn đường tới Nước Trời. Chàng thanh niên chỉ muốn sống mức độ bình thường của đời mình mà thiếu sự cảm thông, chia sẻ, bác ái đối với người khác. Chàng thiếu thật sự sự siêu thoát về tiền của, thiếu lòng thành đi theo Chúa vì Chúa: “Không có nơi nương tựa, không đá gối đầu “. Chúa đã sống sự siêu thoát, Ngài cũng muốn các môn đệ của Ngài hãy sống siêu thoát như Ngài. Đây là sự từ bỏ, siêu thoát mà người môn của Chúa phải có để có thể nối gót bước chân của Ngài. Chàng thanh niên đã để cho lòng ham muốn của cải níu kéo và bóp chết con tim của mình. Chàng đã để cho Mammôn, Satan và tiền của đã thắng tình yêu dành cho Thiên Chúa.

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy nhiều đoạn Chúa Giêsu nói về những điều kiện để theo Ngài. “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá của mình mỗi ngày mà theo Ta” “Ai đã cầm cầy mà còn ngoái lui, không xứng đáng làm môn đệ của Ta”. Thật vậy, Chúa đòi hỏi các môn đệ của Ngài một sự dứt khoát tận căn, đến nỗi khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Ngài đã căn dặn các ông: “Đừng mang tiền, đừng mang bao bị…”. Đây là sự từ bỏ tột đỉnh mà các môn đệ phải có khi các Ngài ra đi loan báo Tin mừng. Sự siêu thoát tiền bạc, của cải sẽ giúp các môn đệ của Chúa thanh thoát trong công việc loan báo Nước Trời. Không phải Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình bần cùng hoá thế giới, hoặc sống đời sống bần cùng mà Ngài muốn các môn đệ phải có con tim nhạy cảm, lòng bác ái chân thành. Do đó, sự siêu thoát là đòi hỏi căn bản của Chúa Giêsu đối với các môn đệ. Chúa muốn các môn đệ “có tinh thần nghèo khó”. Tinh thần nghèo khó khác với tình trạng nghèo khổ. Sống tình trạng nghèo khổ, chắc không ai dám mong ước vì tinh thần nghèo khổ biến thế giới thành khốn khổ, khó nghèo. Tình trạng nghèo khó gây ra những tệ nạn xã hội, còn tinh thần nghèo khó là sự siêu thoát và từ bỏ mà Tin Mừng đề cao.

Tinh thần nghèo khó luôn giúp các môn đệ Chúa giữ được thế quân bình, siêu thoát với của cải cho dù mình dư ăn, dư của để dành nhưng họ biết dùng của cải đúng mục đích và biết liên đới, chia sẻ và bác ái với người khác. Chính vì thế có “tinh thần nghèo khó” là biết sống phó thác, cậy trông, yêu mến dù rằng mình giầu có, dư của, dư tiền, dư vật chất. Siêu thoát là tột đỉnh của từ bỏ. Nên, Chúa Giêsu đã từng nói: “Người ta sống nguyên bởi bánh mà còn bởi Lời Thiên Chúa phán ra”.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con biết sống từ bỏ mà phục vụ Chúa trong sự chia sẻ, cảm thông, bác ái với anh em chúng con. Amen.

 

47. Sự lựa chọn.

Cách đây một vài năm, Sir Kenneth Clark người Anh làm đầu chương trình trên TV “Nền Văn Hóa” nổi danh khắp thế giới. Clark theo chủ nghĩa nhân bản, không cho tôn giáo là việc quan trọng. Điều này không có nghĩa rằng ông khinh khi việc theo đạo hoặc lãnh đạm việc thờ phượng. Ngược lại, ông còn nói một vài nét đặc biệt của việc theo đạo. Một hôm, tại nhà thờ San Lorenzo ông đã lãnh nhận được một cảm nghiệm. Ông viết: “Trong một vài phút, cả người tôi như được soi sáng với một niềm vui thiên đàng mà còn hơn tất cả những cảm giác mà tôi đã từng trải qua.”

Khi nói về cảm tưởng đó, Clark đối diện với một câu hỏi: “Tôi phải làm gì với cái ơn đó?” Công khai, ông không phải là người theo đạo. Nếu ông tự nhiên trở thành một người theo đạo, thì gia đình ông và bạn bè ông sẽ nghĩ rằng ông đã dẫm vào chỗ lầm lạc. Và như thế, Clark đã lựa chọn không làm một cái gì hết với cảm tưởng mà ông đã lãnh nhận được. Ông hoàn toàn quay lưng lại trong vấn đề đó.

Câu truyện của Sir Kenneth Clark mang một ý nghĩa giống như câu truyện về người thanh niên giàu có trong bài Phúc Âm hôm nay.

Giống như người thanh niên giàu có, Kenneth là một người rất tốt, Kenneth tìm thấy một hấp dẫn ở nơi Chúa Giêsu một cách không thể ngờ được, Kenneth đã phải đương đầu với câu hỏi thật khó khăn để tìm được câu trả lời: Tôi phải làm gì?

Giống như người thanh niên giàu có, Sir Kenneth đã nghĩ đến cái giá phải trả nếu ông chọn theo Chúa Giêsu, nhưng ông đã từ chối ơn Chúa..

Sự hưởng ứng của người thanh niên giàu có và Sir Kenneth nhắc nhớ chúng ta dụ ngôn người gieo hạt giống. Đặc biệt là phần những hạt giống rơi trên vệ đường.

Chúa Giêsu đã giải thích rằng những hạt giống rơi trên vệ đường tượng trưng cho những người đón nhận lời Chúa, nhưng để cho quỉ dữ lấy đi trước khi nó đâm rễ vào cuộc đời của họ (Mc 4,15).

Hai câu truyện trên rất thích hợp với chúng ta bởi vì nó rất thực tế. Chúng diễn tả con người ngày nay cũng đang phải chiến đấu giữa những sự lựa chọn.

Người thanh niên giàu có trong Phúc Âm đã bị của cải thế gian làm cho lù mờ lời mời gọi của Chúa Giêsu. Cũng như thế, Sir Kenneth đã lựa chọn làm hài lòng gia đình và bạn bè hơn là theo Chúa. Cả hai người đều chạy theo vui thú thế gian thay vì kho tàng trên trời.

Điều này dẫn chúng ta đến con người của chúng ta. Sự ưu tiên của chúng ta là cái gì? Kho tàng thế gian quan trọng hơn hay là kho tàng đời sau?

Nếu sự ưu tiên của chúng ta là thế gian, thì chúng ta phải làm thế nào để đổi mới? Chúng ta phải làm sao để không đưa đến hậu quả giống như người thanh niên trong Phúc Âm? Vậy, chúng ta hãy cầu nguyện và nài xin ơn khôn ngoan để có thể nhìn ra những sự giả trá của thế gian mà không chạy theo chúng.

Bài đọc thứ hai nhắc nhở chúng ta rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải tính sổ về cuộc đời của chúng ta với Chúa. Thiên Chúa sẽ bắt chúng ta phải chịu trách nhiệm về những quyết định mà chúng ta làm. Ngài sẽ bắt chúng ta trả lời về những hành vi của quyết định của chúng ta.

Nói một cách khác, sự lựa chọn mà người thanh niên đã đương đầu thì chúng ta cũng vậy. Giống như họ, chúng ta phải làm một quyết định. Quyết định này sẽ giúp chúng ta định rõ không phải sự hạnh phúc thế gian mà thôi, nhưng là hạnh phúc vĩnh cửu.

 

48. Suy niệm của Lm. Bênađô Nguyễn Tiến Huân

Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó

Chúng ta chú ý đoạn đầu bài Phúc Âm hôm nay là “cái ông giàu có” tới hỏi Chúa Giêsu xem phải làm gì để được sống đời đời này, đã thực hiện cặn kẽ từ nhỏ tất cả những việc tiêu cực phải giữ như: không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không chứng gian, không quịt người khác… Nhưng về phương diện tích cực chỉ có một điều duy nhất phải làm là “bán hết của cải giúp người nghèo khó rồi tới theo Chúa” (Mc 10,21) thì người ấy đã và vẫn không muốn làm. Do đó Chúa Giêsu mới tiếc cho ông ta: “Người giàu có khó vào nước thiên đàng biết bao” (Mc 10,23). Sau đó Ngài còn nói mạnh thêm: “Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước thiên đàng” (Mc 10,25).

Vậy kể như là người giàu có thì không thể vào nước thiên đàng được. Điều đó đúng. Nhưng phải hiểu thế nào là giàu có? Giàu có là những người có nhiều của cải tài sản vật chất, đó là dĩ nhiên. Nhưng điều quan trọng Chúa Giêsu có ý nhấn mạnh là lòng ham ước của cải. Nói khác là sự ham hố say mê vật chất mà quên phụng sự Chúa, là sự nô lệ của cải, coi của cải vật chất là cùng đích là chúa tể. Chính tinh thần nô lệ và coi của cải vật chất là chúa tể này làm ta không còn tìm Chúa, không còn tìm hạnh phúc thiên đàng thì làm sao ta có thể được Chúa, được hạnh phúc thiên đàng. Không thể vào nước thiên đàng được, như vậy là tất nhiên, bởi không tìm không muốn chứ không phải tại Chúa không muốn cho họ vào.

Vì thế không phải chỉ những ai giàu có mà cả những kẻ nghèo xác xơ nhưng để tinh thần ham mê của cải vật chất làm quên Chúa, quên hạnh phúc thiên đàng thì cũng vẫn không thể vào nước thiên đàng được. Trái lại những ai tuy giàu có vật chất nhưng không để lòng ham hố của cải cản trở việc tìm Chúa, tìm hạnh phúc thiên đàng mà chỉ dùng của cải như phương tiện để làm những việc đó thì vẫn vào thiên đàng được. Đó chính là cái chìa khóa để người giàu vào thiên đàng. Đó chính là bí quyết làm cho người giàu có thành nghèo khó trước mặt Chúa. Đó cũng chính là điều mà Chúa Giêsu nói: “Điều loài người không làm được thì Thiên Chúa làm được” (c. 27): Sự giàu có mà trong đó con người làm chủ thì không thể, nhưng để Thiên Chúa làm chủ thì lại có thể được. Vì thế Chúa mới nói “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó vì nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Ở đây chúng ta cũng lại cần lưu ý: Việc từ bỏ của cải, nếu cần, luôn là một chứng minh của tinh thần nghèo khó bên trong. Đó cũng là cái trắc nghiệm mà Chúa Giêsu đã thử đối với cái ông giàu có trên kia: ông ta không muốn bỏ của cải gia tài mình, vậy ông không có tinh thần nghèo khó thực. Của cải giàu sang vật chất tự nó không xấu, không đáng trách. Cái xấu, cái đáng trách chính là tính ham mê, đến nô lệ của cải mà quên Chúa.

Lạy Chúa, con quyết dùng của cải vật chất mà, “mua lấy nước thiên đàng” (Lc 16,9) vì “Được lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì ích gì!” (Mt 16,26)

 

home Mục lục Lưu trữ