Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 41

Tổng truy cập: 1379000

ĐẤNG LÀ CON THIÊN CHÚA VÀ VUA DÂN DO THÁI

ĐẤNG LÀ CON THIÊN CHÚA VÀ VUA DÂN DO THÁI– Lm. Phêrô Lê Văn Chính

 Bước vào lễ Lá, tường thuật thương khó theo Tin mừng Marcô có nhiều tình tiết liên tục nối tiếp nhau từ khi Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà ông Simon tật phong cho đến khi người và các môn đệ lên núi cây dầu, và bị trao nộp ở đây, rồi điệu đi xét xử ở các dinh thượng tế và Philatô cho đến khi người chịu chết trên thập giá và mai táng. Biết bao là chuyện tố cáo gian ác của những người làm chứng gian, chuyện xét xử của thầy thượng tế, chuyện người phụ nữ xức dầu thơm trên đầu Chúa khi người dùng bữa ở nhà Simon tật phong, chuyện người thiết lập thánh thể, chuyện Giuđa nộp người, rồi chuyện người bị xét xử ở dinh Philatô và sau cùng bị đóng đinh trên thập giá và mai táng. .

Người phụ nữ xức thuốc thơm trên đầu Chúa để tỏ dấu yêu mến và quí trọng người đã được Chúa Giêsu biết ơn và đón nhận hành động quảng đại của bà và mặc cho hành động này ý nghĩa cao quí hướng về cái chết cứu độ của người. Thái độ của Chúa Giêsu thực khác với thái độ của các môn đệ và nhiều người khác vì người tập trung vào hiến tế cứu độ của người trên thập giá. Chính trong bữa tiệc vượt qua với các môn đệ, Chúa Giêsu thiết lập thánh thể, báo trước và trao tặng mình máu người sẽ đổ ra làm giao ước mới đem lại ơn cứu độ cho nhiều người. Cũng trong bữa tiệc vượt qua này, Chúa Giêsu báo trước một người trong nhóm đồng bàn sẽ phản bội người, trong khi đó thì Giuđa đã đi tìm những thượng tế để đề nghị nộp người, và từ đó ông tìm dịp để nộp người. Trên đường đi đến núi cây dầu, Chúa Giêsu báo trước các môn đệ sẽ bỏ người khi người bị nộp, Phêrô và các tông đồ khác đã thề sẽ không bao giờ bỏ thầy nhưng Chúa Giêsu cho Phêrô biết rằng trước khi gà gáy hai lần thì ông đã chối người ba lần.

Chúa Giêsu đem theo ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan đến vườn Giếtsêmani, và người buồn sầu và bắt đầu cầu nguyện thống thiết : «Lạy Cha, Cha có thể làm được mọi sự, xin cất chén đắng này khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con mà xin theo ý Cha ».  Chúa Giêsu mong muốn ba người môn đệ thân tín sẽ thức với người, nhưng các ông đều thiếp ngủ mê mệt. Khi đó, Giuđa đã dẫn một toán quân đến để bắt người, và hắn lấy cái hôn làm hiệu cho toán lính để nộp người. Các môn đệ bắt đầu hoảng sợ và bỏ chạy, trong số đó có một người còn trẻ mình chỉ quấn một tấm khăn, anh quá sợ hãi nên bỏ lại chiếc khăn và chạy mình trần. Ở phiên tòa thượng tế, nhiều người chứng gian tố cáo nhiều điều, có kẻ tố cáo người đã nói người sẽ phá đền thờ và trong ba ngày sẽ xây dựng lại nhưng Chúa Giêsu giữ thinh lặng trước những lời chứng gian này. Thầy thượng tế tra hỏi người có phải là Đức Kitô Con Thiên Chúa không và Chúa Giêsu nhìn nhận và tuyên xưng người là Con Thiên Chúa và sẽ ngự bên hữu Đấng toàn năng và ngự đến trên mây trời. Câu trả lời của Chúa Giêsu khiến thượng tế tức giận và cùng với mọi người trong cộng nghị ông tuyên bố Chúa Giêsu đáng phải chết. Trong khi đó, ngoài sân dinh thượng tế, Phêrô đã bắt đầu chối thầy ba lần và gà liền gáy. Phêrô và các môn đệ đã tỏ ra dũng khí thề sẽ không bỏ thầy, nhưng trước sức mạnh của những người vũ trang khí giới và quyền lực, ông đã đành tâm chối thầy vì yếu đuối.

Ở dinh Philatô, quan hỏi người có phải là vua dân do thái, Chúa Giêsu đã xác nhận người là vua, trong khi đó những thượng tế tố cáo người nhiều điều khác nữa, nhưng người vẫn giữ thinh lặng. Philatô tìm nhiều cách để tha người, nhưng dân do thái lại càng muốn đóng đinh người vào thập giá, ngay cả họ chọn lựa tha cho Baraba là tên tử tội và xin giết Chúa Giêsu khiến Philatô đành phải trao nộp Chúa Giêsu cho quân lính. Quân lính liền đánh đòn người và chế giễu người cách rất độc ác và bắt người vác thập giá lên núi sọ. Từ giờ thứ ba, chúng đã đóng đinh người trên thập giá, giữa hai tên trộm cướp, và mọi người đi qua đường chế nhạo người nhiều điều. Đến giờ thứ chín, người kêu lớn tiếng : Lạy Chúa con, sao Chúa bỏ con và tắt thở. Viên đại đội trưởng, chứng kiến mọi sự từ đầu tuyên bố Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Tại nơi đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá, có nhiều phụ nữ đứng thinh lặng, còn Giuse Arimathia thì chôn cất Chúa Giêsu. Trong những giờ cuối cùng của Chúa Giêsu, chỉ có một vài người thân tín ở bên người như các bà Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê hậu, bà Salômê và một số bà khác.

Thánh Marcô vẽ lên một bức tranh sinh động về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, từ việc dùng bữa tại nhà Simon tật phong nơi có người đàn bà tội lỗi đến để xức dầu thơm cho ngài cho tới khi Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá. Có nhiều thái độ khác nhau được phơi bày đứng trước cái chết của Chúa Giêsu, từ thái độ của các môn đệ cho đến thái độ và hành động của Giuđa. Các môn đệ không thể tỉnh thức với thầy, các ông cũng đã phản ứng theo thái độ tự nhiên là bỏ chạy thoát thân khi gặp phải nguy hiểm bắt bớ. Trong khi đó thì Giuđa vì tham tiền, đành tâm đi tìm kiếm những thượng tế để đề nghị nộp người và là người dẫn đường cho toán lính để đến bắt Chúa Giêsu với cái hôn làm hiệu. Phần Chúa Giêsu, người vẫn giữ thái độ bình thản và hoàn toàn tin tưởng vào thánh ý của Cha để đối diện trước mọi hoàn cảnh. Người vẫn bình an để dự tiệc vượt qua với các môn đệ và thiết lập thánh thể báo trước cái chết thập giá cứu độ của người. Người cầu nguyện thống thiết với Cha, và sáng suốt để xin thi hành theo thánh ý Cha để rồi chấp nhận bị bắt dẫn đi đến dinh thượng tế để bị xét xử và tuyên xưng rõ ràng người thực là Con Thiên Chúa và sẽ ngự đến trong vinh quang. Thái độ của các thượng tế càng muốn kết án Chúa Giêsu hơn vì người tuyên xưng mình là Con Thiên Chúa và họ luôn tìm kiếm những chứng cứ cũng như lôi kéo dân chúng để tố cáo người trước toà án của Philatô. Philatô xét xử Chúa Giêsu về một điểm chính trị khi hỏi người có phải là vua dân do thái không, đồng thời cũng không nhận thấy nơi Chúa Giêsu có tội gì đáng phải lên án, nhưng vì áp lực của dân chúng, ông cũng đành trao Chúa Giêsu cho quân lính đánh đòn và đưa đi đóng đinh trên thập giá. Thái độ của quân lính thực là tàn nhẫn đối với Chúa Giêsu. Chúng đã lạm dụng quyền lực để hành hạ, đánh đòn và chế giễu người cách độc ác, nhưng Chúa Giêsu vẫn giữ thái độ im lặng và tha thứ trước những xúc phạm tàn ác của họ đối với người. Tại nơi đóng đinh, quân lính đã đóng đinh người vào thập giá giữa hai tên trộm cướp như bị liệt vào số những kẻ gian ác, trong khi các thượng tế và luật sĩ vẫn tiếp tục nhạo báng người. Trình thuật được kết bằng cách mô tả từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tối tăm bao trùm mặt đất, và màn trong đền thờ xé ra làm đôi. Chứng kiến những cảnh tượng này, viên sĩ quan tuyên xưng Đức Giêsu quả thật là Con Thiên Chúa: «Quả thật, người này thực là Con Thiên Chúa ». 

Đấng được chào và bị cười nhạo như là vua ngưòi do thái, Đấng bị đóng đinh, bị chối bỏ sau cùng đã được mạc khải với căn tính sâu xa nhất của mình là Con Thiên Chúa. Sứ vụ của người đã hoàn tất, và khi máu của người đổ ra người đã ban tặng máu này như là hoa quả mới của cây nho mới, như hiến tế cứu độ mọi người mà chúng ta được chia sẻ khi chúng ta tưởng niệm người trong Thánh thể. Loài người có thể lăn tảng đá lấp ngôi mộ chôn cất người lại, nhưng không thể giam cầm căn tính và sứ vụ Đấng cứu thế của người. Loài người có thể phủ nhận, tố cáo và loại trừ người, nhưng người vẫn yêu thương và tha thứ đến cùng. Tường thuật thương khó này làm sáng tỏ công trình cứu độ đẩm máu của Đức Giêsu và mời gọi chúng ta sống trọn vẹn hơn nữa lời cam kết phép rửa của mình  để theo người và tiếp nối sứ vụ của người một cách mạnh mẽ quyết liệt hơn.

Điều thiết yếu của đời sống người môn đệ là bước đi với người trên con đường thập giá mà Chúa Giêsu đã trãi qua. Người môn đệ là người bước theo sau thầy và đi theo đường thầy đã đi. Đây không phải là điều dễ dàng. Giống như thầy Giêsu, chúng ta sống như người bằng cách vác thập giá của mình, chúng ta sẽ cảm nghiệm được điều này cách sâu xa trong đời sống của mình, đòi hỏi phải từ bỏ đến chừng nào : chúng ta sẽ cảm thấy đau khổ, chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trĩu nặng, chúng ta sẽ phải khóc lóc kêu than với Chúa xin ngài cất đi nổi đau khổ của mình, nhưng cũng như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận được sức mạnh thần linh để có thể vác thánh giá hằng ngày. Chính đời sống thần linh mà chúng ta đã lãnh nhận từ bí tích rửa tội sẽ thúc đẩy chúng ta, nâng đỡ con người yếu hèn của chúng ta, làm cho chúng ta trở nên những môn đệ trung tín để vác thập giá, những môn đệ trung tín biết bước đi theo thầy Giêsu, như là môn đệ và là thân mình của người.

CHÚA NHẬT LỄ LÁ- Năm B

VÁC THỆP GIÁ VỚI CHÚA GIÊSU-  Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Trong mùa chay và đặc biệt trong tuần thánh, Giáo hội mời gọi chúng ta thông hiệp sâu xa vào cuộc thương khó của Chúa Giê-su và cùng vác thập giá với Ngài. Việc này có ý nghĩa gì và có mang lại lợi ích gì không? Chúng ta cùng tìm hiểu qua mấy điểm sau đây:

Chúa Giê-su không vác thập giá một mình

Khi vác thập giá lên đồi Can-vê, Chúa Giê-su muốn cho ông Si-mon cùng vác thập giá với Ngài, muốn có Mẹ Ma-ri-a, thánh Gioan cùng đồng hành, cùng thông phần đau khổ với Ngài từ lúc bắt đầu cuộc thương khó cho đến lúc Ngài nhắm mắt tắt hơi.

Chúa Giê-su mời ta vác thập giá với Ngài

Và hôm nay, Ngài kêu gọi mỗi người chúng ta cùng vác thập giá với Ngài. Ngài nói: “Ai muốn theo tôi thì hãy vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).

Để thực hiện việc này, Ngài lập nên bí tích Thánh tẩy (Rửa tội) để tháp nhập chúng ta vào Thân mình Ngài, trở thành một chi thể trong Thân thể Ngài[1]. Rồi Ngài lại cho trao cho chúng ta chức linh mục (vai trò tư tế) của Ngài[2] để chúng ta cùng hiến tế với Ngài mọi lúc mọi nơi.

Thế là từ đây,

Vì đã trở nên vai của Chúa Giê-su, gánh nặng chúng ta đang mang cũng chính là thập giá mà Chúa Giê-su đang vác;

Vì đã trở nên bàn tay, bàn chân… của Chúa Giê-su, những đau thương ta chịu hôm nay cũng chính là những mũi đinh nhọn đâm thâu tay chân Ngài… và máu của các thánh tử đạo đổ ra hôm nay cũng chính là máu của Chúa đổ ra cho nhiều người được tha tội.

Như thế, Chúa Giê-su cần có chúng ta vác thập giá với Ngài, chịu khổ nạn với Ngài để đền tội cho vô vàn tội nhân đang phạm đủ mọi thứ tội lỗi khắp nơi trên thế giới.

Vác thập giá cách nào?

Vác thập giá theo Chúa Giê-su không phải là vác cây gỗ hình chữ thập đi lui đi tới, nhưng là kết hợp với Chúa Giê-su để làm những việc bổn phận hằng ngày.

Trước hết chúng ta hãy nhớ rằng hôm nay, Chúa Giê-su đang sống trong ta như lời thánh Phao-lô dạy: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là chính Chúa Giê-su đang sống trong tôi” (Galat 2, 20).

Vì có Chúa Giê-su đang sống trong ta và ta là chi thể của Ngài, nên những việc ta làm không còn là việc ta làm nữa, mà là “chính Chúa Giê-su đang làm” việc đó trong ta. 

Vậy thì khi tôi quét rác, “không còn là tôi, mà là Chúa Giê-su” đang quét trong tôi… Khi tôi vất vả cực nhọc, “không còn là tôi, mà là Chúa Giê-su” đang chịu vất vả cực nhọc trong tôi…

Như thế, nếu chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su, thì chính Chúa Giê-su đang tiếp tục cuộc thương khó của Ngài trong thân mình chúng ta, qua mỗi công việc ta làm, và khi ta làm bất cứ việc gì với Chúa, là cùng vác thập giá với Chúa.

Vác thập giá hằng ngày với Chúa

Đề nghị: Mỗi sáng, chúng ta hãy thưa với Chúa một câu: “Lạy Chúa Giê-su, xin cùng làm việc với con suốt ngày hôm nay.”

Và mỗi tối trước khi đi ngủ, cũng nhớ thưa với Chúa một câu: “Con xin dâng mọi việc con làm cho Chúa.”

Thế là có Chúa Giê-su làm việc với ta suốt ngày. Đời ta ý nghĩa biết bao!

Thế là ta đang vác thập giá với Chúa Giê-su suốt ngày. Biết bao nhiêu là công phúc!

Như vậy, những công việc ta làm hằng ngày “sẽ trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa” như lời thánh Công đồng Vatican II dạy:

“Người giáo dân, vì đã được hiến dâng cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa trái nơi họ ngày càng phong phú hơn. Thực vậy, mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần… tất cả những việc đó đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô…”[3]

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con cùng vác thập giá với Chúa mỗi ngày bằng cách kết hợp với Chúa mà làm mọi việc bổn phận của chúng con, qua đó, chúng con thi hành vai trò linh mục (tư tế) của mình, đồng thời tham gia vào công trình cứu độ của Chúa.

[1] Giáo lý HTCG số 1267

[2] Hiến Chế tín lý về Giáo hội, chương IV, số 34

[3] Hiến Chế tín lý về Giáo hội, chương IV số 34

CHÚA NHẬT LỄ LÁ- Năm B

NHỮNG CHIẾC LÀ PHẤT PHƠ- Cố Lm. Vũ Khắc Nghiêm

Tôi đang nhìn thấy những chiếc lá phất phơ trên tay những cụ già đầu tóc bạc phơ đến tay những bé thơ còn măng sữa, trên tay những mái đầu xanh cường tráng đến tay những mái tóc rủ liễu yếu đào tơ.

Những chiếc lá này bao nhiêu năm đã phất phơ, vật vờ, xơ xác, tung lên, nhào xuống, quay cuồng theo chiều gió bão táp, thật tội nghiệp !

Hôm nay, dân Do thái đã reo hò vang dậy: Hoan hô, chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa, chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua David tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời với một rừng lá giương cao phất phơ, vùng vẫy như trên đỉnh gió hú.

Cơn lốc ầm ầm đó không do khí trời mà do khí người bị dồn ép bao nhiêu năm, nay được dịp bùng lên: Dịp Đức Giêsu vào thành Giêrusalem khác thường, Ngài ngồi trên lừa con, như Salomon ngồi trên lừa của cha là David để vào thành Sion làm vua (1V. 1, 33). Dân chúng tưởng triều đại David đã vùng dậy, vinh quang của Israel đã đến rồi, không còn nô lệ, không còn khổ dịch ô nhục nữa, không còn chết nữa. Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cho dòng dõi David lên ngai vương quyền kiên vững đến muôn đời (2Sm. 12). “Thiên Chúa ban quyền xét xử cho vua, và cho hoàng tử đức công minh … Ngài thống trị từ biển này qua biển khác, từ sông cả đến mút cùng cõi đất ! … Vua chúa Tarsis, Saba sẽ đem triều cống lại chầu, vua chúa hết thảy sẽ bái lậy Ngài, tất cả muôn dân sẽ làm tôi Ngài” (Tv. 72, 1. 8. 10-11).

Nhưng than ôi, giấc mộng vàng muôn thuở chóng tan như mây khói. Họ chẳng thấy Ngài ra tay thực hiện chi cả, chỉ thấy Ngài xua đuổi con buôn đang đem lại giàu sang phú quý cho đền thánh. Ngài lại bị các thượng tế, kinh sư, thủ lãnh tra hỏi. Ngài bảo của Xêda trả cho Xêda, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa, dân còn gì sống đây ! Đế quốc đã bóc lột hết, lấy đâu mà trả Thiên Chúa. Ngài lại loan báo những điều quái gở: Đền thờ sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào. Mặt trời mặt trăng không còn chiếu sáng, tinh tú sẽ rơi xuống kinh hoàng (Mc. 11, 13). Tận thế rồi ! Họ còn mong ở Ngài gì nữa ! Họ tuyệt vọng, xa tránh Ngài, Ngài xúc phạm đến đền thờ, xúc phạm đến trời đất. Ghê gớm hơn nữa Ngài là thứ gì, đã dám cho mình là có trước Abraham và xưng mình là Thiên Chúa. Tội tầy trời ! Không thể tha thứ. Toàn quyền Philatô chỉ treo hình hoàng đế Xêda trong khuôn viên đền thờ, dân đã nổi loạn chiến đấu với quân Rôma, dù phải đóng đinh họ vẫn bất chấp, huống chi thanh niên con bác thợ mộc dám xưng mình là Thiên Chúa tại đền thờ trong tuần đại lễ của toàn dân. Ghê gớm kinh khủng ! cho nên đành tha tướng cướp Baraba giết người còn hơn tha Giêsu. Thế là họ la hét: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó đi”.

Ôi lạy Cha, xin tha cho họ vì họ lầm chẳng biết !

Họ như những chiếc lá phất phơ, vật vờ ray rứt, tung lên, nhào xuống giữa phong ba bão táp, những cơn cuồng phong dục vọng đam mê mù quáng đang bùng dậy trong lòng họ, trong lòng dân, trong lòng trần thế, xô đẩy vùi dập nhân thế xuống sâu trong lòng ham hố, giành giựt, mơ ước vinh quang bụi trần.

Ôi lạy Chúa, xin thương xót con. Đời là bể khổ, giòng đời cuồn cuộn trôi dạt, không biết trôi về đâu. Bao nhiêu thuyết … duy tâm, duy vật, duy dân, duy tân … tương đối, biến dịch, biến hóa chẳng bao giờ thấy chỗ thủy chung. Chẳng thấy cùng đích, chẳng bao giờ thấy nền tảng vững vàng, rõ ràng, luôn luôn là giả thuyết mơ hồ, mò mẫm, tối tăm, tịch diệt cuộc đời, thật khủng khiếp sống trong cảnh bể khổ trần ai như thế. Chẳng lạ gì, họ đã giải quyết, đã xử lý Ngài bằng đóng đinh thập giá, treo Ngài trên đỉnh gió hú: “Trong bóng tối bao phủ, mặt trời tối đi” (Lc. 23, 44-45) “Đất rung đá vỡ, mồ mả lật tung” (Mt. 27, 52).

Ôi lạy Ngài, ai bảo Ngài không ở lại thiên đường, nơi ánh sáng vinh quang, nơi chân lý ngàn đời, nơi hằng hữu trường tồn, nơi bất biến, bất diệt, nơi thỏa mãn mọi giấc mơ. Ai xui Ngài xuống cõi u minh trần tục, cõi tịch diệt đắng cay, mang thân phận nô lệ phàm nhân. Ai xui Ngài tự hạ sống giữa sói rừng, chúng cấu xé Ngài, bắt Ngài phải tùng phục cho đến chết, chết trên thập giá (Pl. 2, 6-11).

Lạy Ngài, xin thương xót chúng con, xin muôn vàn thương xót ! Chúng con chỉ còn trông cậy vào lòng thương xót vô lượng vô biên của Ngài. Chính vì lòng thương xót vô lượng vô biên mà Ngài đến thế gian, dầu bất cứ giá nào, dầu phải thí mạng sống Ngài cũng đến cứu sống chúng con. Cho chúng con được hằng sống, được tồn tại bền vững trong ánh sáng phục sinh vinh phúc của Ngài. Chúng con xin trọn đời cảm tạ Ngài. Amen.

CHÚA NHẬT LỄ LÁ- Năm B

CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ- Lm. Đaminh Trần Quang Hiền

Đối với các Tông Đồ, việc Đức Giêsu khải hoàn tiến vào Giêrusalem để khai mào vương quốc, vương quốc mà các ông hằng mơ tưởng, thế là mộng công hầu khanh tướng của các ông đã thành hiện thực.

Đối với Chúa Giêsu thì đàng sau cái vẻ thành công bên ngoài đó, Người đã nhìn thấy rõ tương lai, là việc Người bị chối bỏ, bị kết án. Hơn thế nữa, việc tiến vào Giêrusalem gợi nhớ đến ngày Người sẽ đến trong vinh quang, là ngày tất cả mọi người sẽ đi vào trong vương quốc Chúa Cha, ngày họ sẽ nhận Người là Vua đã đến cứu họ, và họ sẽ nhận Người làm Chúa của họ.

Nhưng cuộc rước lá còn nhắc nhở chúng ta về nghịch lý mà những người có mặt trong buổi Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem đã phạm phải. Họ cắt nghĩa sai sứ mệnh của Chúa Giêsu. Bởi tuy Người có tiến vào thành thánh như một vị vua nhưng là để khai trương Nước của Thiên Chúa Cha. Vị vua mà người Do Thái đón đợi là một Đavid mới, một vị vua làm cho họ được thống trị trên các dân tộc. Còn việc Đức Giêsu đến trần thế hoàn toàn khác với niềm mong chờ này của họ.

Cũng vì lẽ đó mà dân chúng đã thay lòng đổi dạ, họ tung hô Chúa Giêsu nhưng ít ngày sau đó chính họ lại quay lưng, kết án Ngài. Một Philatô hèn nhát, nhượng bộ đám dân náo loạn bỏ rơi Chúa Giêsu thay vì phải trả lại sự công chính cho Người. Ngay cả các tông đồ là những người thân cận với Chúa Giêsu cũng đã phản bội. Giuđa đã nộp Người bằng cái hôn thân tình. Phêrô chối Thầy 3 lần.

Chúa nhật Lễ Lá hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn lại chính bản thân mình. Tôi cũng có thể là một trong những môn đệ hay đám đông đang khước từ, kết án Chúa Giêsu trong cuộc sống của mình. Tôi cũng có thể là một Philatô vì không dám sống theo sự thật của Tin Mừng, đã bao lần tôi sống trong giả dối, chạy theo quyền lực, tiền bạc, xác thịt để khước từ Thiên Chúa, sợ theo Chúa đòi buộc tôi phải từ bỏ chính mình. Tôi cũng có thể là một Giuđa phản bội lại Thầy mình, một Phêrô chối Thầy, đánh mất giá trị của tình thầy trò, đánh mất giá trị của người môn đệ, làm rạn nứt mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu chỉ vì một chút lợi lộc của vật chất, tiền bạc, danh vọng. Với một lối sống theo chủ nghĩa hưởng thụ, duy vật chất tôi đã chối bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình. Thiên Chúa không còn là giá trị tuyệt đối, là ưu tiên trong cuộc sống của tôi nữa.

Bước vào Tuần Thánh và cao điểm là Tam Nhật Vượt Qua mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại thái độ sống là người Kitô hữu của mình, để chớ gì chúng ta biết can đảm sống theo những giá trị của Tin Mừng mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước đi, dám đặt Thiên Chúa lên trên những bậc thang giá trị trần thế khác.

Chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi mỗi người kitô hữu hãy cùng bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá. Chúng ta không chỉ theo Chúa khi gặp may mắn, thành công, bình an nhưng dám chấp nhận theo Chúa ngay cả khi bị bỏ rơi, khước từ, đau khổ, thất bại. Bước theo Chúa không phải là con đường hoàn toàn bình an, hạnh phúc, mà là một con đường chọn lựa quyết liệt giữa những quyến rũ của vật chất, đam mê, hưởng thụ, danh vọng, quyền lực để đặt Thiên Chúa chính là giá trị tuyệt đối, là hạnh phúc viên mãn của mình.

Đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá là đi ngược dòng đời, ngược lại với những trào lưu chạy theo sự dễ dãi, thoải mái, sự giả dối, ích kỉ, hận thù, bạo lực… để dám sống từ bỏ, hy sinh, trung thực, yêu thương, bao dung mà Tin Mừng của Chúa Giêsu mời gọi.

Đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá quả thật là một thách đố rất lớn trong bối cảnh ngày nay, nhưng chúng ta tin rằng chúng ta không đơn độc vì có Chúa cùng vác thập giá với chúng ta. Ngài luôn thấu hiểu, nâng đỡ, đồng hành với chúng ta, Ngài chia sẻ những khó khăn, thử thách, đau khổ với chúng ta trên bước đường đi theo Ngài. Và nếu chúng ta can đảm cùng chịu đau khổ và đóng đinh cùng Ngài, thì chúng ta sẽ được hạnh phúc và vinh quang phục sinh với Ngài.

CHÚA NHẬT LỄ LÁ- Năm B

CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA ĐẤNG MESSIA CỨU THẾ- Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Kính thưa quý OBACE, bầu khí phụng vụ của ngày lễ lá hôm nay gợi lên cho chúng ta nhiều sắc thái và tâm trạng khác nhau, vừa hân hoan, vừa trầm buồn, lúc đầu lễ, với cuộc rước lá tưởng niệm việc Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem trong tiếng reo vang của người Do Thái: Hoan hô Con Vua Đavít, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, thì liền sau đó bước vào thánh lễ, chúng ta lại được nghe thuật lại sự thương khó của Chúa Giêsu. Chính sự tương phản này cũng đã phần nào nói lên sự thay lòng đổi dạ của con người, sự tráo trở của những người Do Thái ngày ấy.

Tiếng reo mừng hoan hô của những người Do Thái ngày Chúa vào thành Giêrusalem, là tiếng reo thể hiện một sự mong đợi hoàn toàn có tính cách thế tục, họ chờ đợi không phải là một Đấng Mesia cứu thế, mà là mội vị vua trần thế, họ nghĩ rằng đã đến lúc Chúa Giêsu khởi nghĩa xưng vương quy tụ dân chúng nổi dậy chống lại đế quốc Roma. Thế nhưng Chúa Giêsu đã không làm vua trần thế, mà Ngài tiến vào Giêrusalem hình ảnh thành đô của Thiên Chúa, không phải để làm chính trị, mà để xây dựng một vương quốc tình yêu và thiết lập vương quyền của Thiên Chúa, vương quyền của sự sống trên sự chết, sức mạnh của tình yêu tha thứ trên hận thù gian ác.

Tiên tri Isaia đã báo trước về sứ mạng của đấng Mesia qua bài ca về Người Tôi Trung của Giavê Thiên Chúa trong bài đọc một; Vị Tiên tri mô tả về một người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, hoàn toàn vâng theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa, chấp nhận tất cả đau khổ roi đòn, bị phỉ nhổ bị nhạo cười chế giễu, bị người đời khinh khi hành hạ, nhưng người tôi tớ ấy vẫn một mực tín trung, chấp nhận tất cả sự nhục nhã vì tin vào Đức Chúa là Đấng làm chủ và điểu khiển mọi sự và làm chủ đời mình.

Thánh Phaolô đã nhìn thấy hình ảnh người tôi trung mà Isai tiên báo được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu Kitô: Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, Người còn hạ mình vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Tuy nhiên, người Do Thái đã không dễ dàng chấp nhận một Đấng Mesia khiêm hạ, một Thiên Chúa hạ mình đến như thế, họ tìm kiếm và chờ đợi một Thiên Chúa khác, do óc tưởng tượng của họ mang lại: một Thiên Chúa phải thẳng tay trừng trị kẻ áp bức, một Thiên Chúa luôn sẵn sàng trừng phạt kẻ có tội chứ không thể cúi xuống trên họ, một Thiên Chúa không thể đến quá gần con người, không thể để cho một người phụ nữ tội lỗi xức dầu vào chân mình, không thể đồng bàn với người thu thuế…, chính vì không được như ý họ mong muốn, nên người Do Thái đã sẵn sàng đổi trắng thay đen, những người gào thét tại sân của quan tổng trấn, đòi giết Giêsu và tha Baraba cũng chính là những người đã hoan hô con vua Đavít, là những người đã được ăn bánh no nê, được chứng kiến phép lạ, được chữa lành bệnh tật.

Nghe bài thương khó hôm nay chúng ta nhận thấy lòng dạ của những người Do Thái đầy nham hiểm, họ khó chịu khi thấy một người phụ nữ xức dầu thơm quý giá lên chân Chúa, họ lợi dụng mua chuộc một Giuda ham tiền để lập mưu bắt Chúa Giêsu, những hành động ấy phát xuất từ sự ghen tị thù hằn và họ câu kết với nhau để loại trừ Chúa Giêsu. Để đạt được mục tiêu này, họ không loại trừ một thủ đoạn nào, từ vu vạ cáo gian đến gây sức ép, các vị lãnh đạo Do Thái là những người chủ mưu trong vụ án này, họ đã dàn dựng từ một vài những vấn đề tranh luận tôn giáo để đi đến một bản án hoàn toàn chính trị bằng việc vu cáo Chúa Giêsu ngăn cản việc nộp thuế, có ý đồ chống lại hoàng đế Cesare, để rồi mượn tay người La Mã lên án tử cho Chúa.

Còn Chúa Giêsu Ngài vẫn sống đến cùng tình yêu thương và tha thứ, dù biết rằng Giuda là một trong các môn đệ sẽ phản bội, nhưng Chúa cũng không trừng phạt anh, Ngài vẫn nhân từ trao cho anh những cử chỉ yêu thương để đánh động lương tâm của anh; trong cuộc khổ nạn này Chúa Giêsu không chỉ đau đớn vì roi đòn và sự hành hạ của những tên lính, mà Ngài còn đau khổ hơn bởi sự phản bội của những người thân tín nhất của Ngài. Đó là sự phản bội của Giuda, kẻ đã đi theo Chúa nhiều năm, vậy mà chỉ vì một chút quyền lợi tiền bạc, anh đã bán đi tình nghĩa thày trò, và đau đớn hơn nữa, anh đã dùng nụ hôn là dấu chỉ biểu lộ tình yêu thương để làm dấu chỉ của sự phản bội. Cũng thế, Simon Phêrô, một trong số những môn đệ được Chúa Giêsu yêu thương tin tưởng nhất, lại là người chối Chúa đến ba lần, mà lại chối trước mặt một đứa đầy tớ gái. Sau cùng là sự bội bạc vô ơn của đám đông dân chúng, trong số họ có biết bao người đã từng chứng kiến các phép lạ, được Chúa chữa lành, vậy mà giờ đây, trước mặt một vị quan người La mã, họ đã chọn lựa Baraba thay vì chọn Thiên Chúa, họ đã nhận hoàng đế Cesare làm vua của mình mà loại trừ Thiên Chúa là vua của họ: Chúng tôi không có vua nào khác ngòai Cesa, họ đã gào thét lên như thế.

Chúa Giêsu đã đón nhận cây thập giá mà ngươi ta đặt lên vai Ngài như là cách thế mà Thiên Chúa Cha muốn Ngài chấp nhận để đem ơn cứu độ cho trần gian, Chúa Giêsu đã đi đến tận cùng của con đường cứu chuộc, và chặng cuối của con đường là cái chết giang tay trên cây thập giá, chết trong đau đớn tất tưởi. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã hoàn tất chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã chuẩn bị từ ngàn xưa, Ngài dùng chính sự độc ác của con người để đem lại ơn cứu độ cho con người, dùng sự phản bội để đem lại sự thứ tha, dùng cái chết của Ngài để đem lại sự sống đời đời.

Thưa quý OBACE, nghe lại bài thương khó Chúa không để chúng ta đổ lỗi cho những người Do Thái, song qua cuộc thương khó này chúng ta có thể thấy bóng dáng của mình trong cuộc hành hình Chúa Giêsu năm xưa, có thể chúng ta là người đã gây tổn thương cho Chúa khi chúng là những người mang danh là Kitô hữu, là mộn đệ Chúa, song chúng ta đã phản bội lại Chúa như Giuda khi chúng ta cũng vì một chút vật chất, tiền bạc mà chà đạp lên danh dự là một Kitô hữu, bán rẻ lương tâm của mình, có thể vì sợ hãi hèn nhát hoặc vì bổng lộc của thế gian mà chúng ta đã từ chối Chúa như Phêrô: Tôi không biết người ấy là ai! Và cũng có thể chúng ta là những người đã từng nhận được biết bao ơn lành của Chúa, song chúng ta cũng giống như những người Do Thái đòi tha Bararaba mà giết Giêsu, chúng ta không muốn để cho Chúa Giêsu ảnh hưởng đến cuộc đời của mình, của gia đình, khi chúng ta từ chối đọc kinh cầu nguyện, khi chúng ta không đến với Chúa qua việc thờ phượng và lãnh nhận các Bí tích. Hoặc là chúng ta sẽ thấy mình giống như các thày thượng tế và luật sĩ, mưu mô gian ác trong cuộc sống trong công việc, đối với anh em, cứng lòng trước đau khổ thập giá của Chúa Giêsu khi chúng ta quay lưng lại với Chúa hoặc chúng ta lên án Chúa và Giáo Hội của Ngài, cho mình quyền định đoạt số phận và xét đoán anh em, nhắm mắt làm ngơ trước nỗi đau khổ bất hạnh của anh em, và có khi còn nhạo cười trên đau khổ của họ và gào thét giơ tay đòi kết án họ.

Chúa Giêsu vẫn đang bị hành hình trong thời đại của chúng ta hôm nay qua những con người đang phải chịu sự bất công đàn áp, những con người bị đẩy ra bên lề xã hội, bị chính những người anh em ruột thịt của mình khinh bỉ từ chối; Chúa Giêsu cũng đang bị hành hình qua những con người cùng cực bị bóc lột khai thác, lạm dụng, bạo hành, kể cả qua những em bé, những thai nhi bị những Philatô là chính cha mẹ của mình lên án tử, đó là những Giêsu của ngày hôm nay. Thương cảm cho cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở những cảm xúc tự nhiên, mà hãy nhận thật rằng chính vì tội lỗi của tôi, của ông bà, anh chị mà Chúa chịu chết như thế, để từ nay chúng ta cố gắng sống tốt hơn, và sống ngoan thảo với Chúa hơn, đồng thời biết quan tâm đến anh em để chia sẻ với sức nặng của thập giá của anh em đó là cách chúng ta cất đi bớt sự đau khổ cho Chúa ngày hôm nay. Amen.

home Mục lục Lưu trữ