Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 185

Tổng truy cập: 1378169

ĐẾN MÀ XEM

“HÃY ĐẾN MÀ XEM”

“Họ đã đến xem chỗ Người ở

và ở lại với Người ngày hôm ấy”

 

I. Dẫn vào Phụng vụ Thánh lễ

Lễ Đức Giêsu chịu phép rửa là một bản lề vừa khép lại mùa Giáng Sinh, vừa mở sang Mùa Thường niên. Phụng vụ Thánh lễ dẫn cộng đoàn vào giai đoạn mới trong cuộc đời Chúa Giêsu, giai đoạn tỏ mình và hoạt động công khai nhằm cứu độ nhân thế. Phụng vụ gọi thời gian này là Mùa Thường niên. Mùa Thường niên không cử hành một khía cạnh nào đặc biệt về mầu nhiệm Chúa Kitô nhưng lại tôn kính chính mầu nhiệm Chúa Kitô trong toàn bộ, nhất là trong các ngày lễ Chúa Nhật. Trong ý hướng đó, phụng vụ Giáo Hội muốn dẫn tín hữu đồng hành với Đức Giêsu trong đoạn đường hoạt động của Ngài.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật II Thường niên của cả ba năm A,B,C luôn được trích từ Tin Mừng Gioan. Phải chăng vì Tin Mừng Gioan có một cái nhìn chiêm niệm sâu sắc hơn nên được phụng vụ chọn đọc vào Chúa Nhật II để định hướng cho cuộc hành trình theo Chúa mà tín hữu sẽ thực hiện suốt mùa Thường niên này?

Thực thế, đoạn Tin Mừng hôm nay hàm chứa những định hướng căn bản cho cuộc hành trình theo Đức Giêsu.

Thánh Gioan đã có ý soạn thảo chương thứ nhất Tin Mừng của ngài, như là nhằm giới thiệu Đức Giêsu:

- Buổi khởi đầu là một phái đoàn Do Thái đến chất vấn Gioan Tẩy Giả tại sông Gio-đan. (Ga 1,19)

- Ngày hôm sau, Gioan Tẩy Giả xác định Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa (Ga 1,29).

- Tiếp đến, Đức Giêsu kêu gọi hai môn đệ khác (Ga 1,35)

- Rồi “ba ngày sau”, phép lạ đầu tiên đã xảy ra tại tiệc cưới Cana, qua đó Đức Giêsu biểu lộ vinh quang của Ngài và các môn đệ tin vào Ngài.

Qua cách soạn thảo như trên, Thánh Gioan muốn báo cho chúng ta thấy một “Tin Mừng”: Đây là cuộc sáng thế mới, một cuộc tạo dựng mới được khởi sự. Từ đó, Giáo Hội trình bày cho cộng đoàn chúng ta khởi đầu đời sống công khai và sứ vụ Cứu Thế của Đức Giêsu.

II. Ý nghĩa Sứ điệp Tin Mừng (Ga 1,35-42)

Sau khi được thầy mình là Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”; hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả là Anrê và Gioan liền đi theo Chúa Giêsu. Có lẽ Đức Giêsu đã nghe thấy bước chân của họ đạp lên sỏi đá phía sau Ngài, nên Ngài quay lại hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Câu hỏi hơi lạ, vì các ông đang đi theo mà Đức Giêsu lại hỏi về “đi tìm”, câu trả lời của các ông cũng lạ nữa, vì không phải trả lời, nhưng là một câu hỏi khác “Thưa Rabbi, Thầy ở đâu?”. Đức Giêsu đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến xem và ở lại với Người. Ở đây, Tin Mừng Gioan là một bản tường thuật về hành trình ơn gọi. Ơn gọi là lời mời gọi của Thiên Chúa qua các mối tương quan nhân loại: như trường hợp Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu cho Gioan và Anrê; Anrê lại giới thiệu Chúa Giêsu cho em mình là Simon Phêrô: “Chúng tôi đã gặp được Đấng Mêsia, nghĩa là Đấng Kitô”.

Rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu, Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha, tức là Phêrô”.

Trở nên môn đệ, nghĩa là: “Thay đổi đời sống, đó là bước vào một cuộc phiêu lưu mới, trở nên một con người mới”. Đó là ý nghĩa việc đổi tên cho Simon. Theo quan niệm của người Sê-mit, việc đổi tên có nghĩa là Thiên Chúa hoàn toàn ảnh hưởng trên Simon Phêrô. Ngài đã đi bước trước mời gọi, và con người phải đáp trả để trở thành môn đệ của Người.

III. Sống và loan báo Tin Mừng

Hành trình ơn gọi được trình bày qua những bước tiến: tìm kiếm, bước theo, và ở lại là những thái độ cốt yếu của tình yêu.

“Các anh tìm gì thế? (Ga1,38) đây là lời chất vấn đầu tiên Đức Giêsu dành cho những môn đệ đầu tiên của Ngài. Đi theo Đức Giêsu, người ta phải định hướng cuộc đời mình. Nơi Đức Giêsu họ phải tìm thấy điều gì đó, nhờ đó cuộc dấn thân mới không trở nên hời hợt, vô ích.

Thật đáng ngạc nhiên! Vì sau khi nhìn thấy hai môn đệ của Gioan đi theo mình, Đức Giêsu không khẳng định hay hứa hẹn ban một điều gì đó; ngược lại, Người lại chất vấn các ông theo kiểu:

- Bạn tìm gì khi đi theo tôi?

- Đâu là ước vọng của bạn?

- Đâu là ý nghĩa bạn gán cho cuộc sống của bạn?

Có lẽ sự chất vấn này, Ngài cũng dành cho tất cả những ai đi theo làm môn đệ Ngài, xưa cũng như nay. Sự chất vấn này mở ra một cuộc đối thoại giữa Ngài với những ai đi theo Ngài. Đây là cuộc đối thoại, tìm kiếm đưa người tin ngày càng tiến sâu vào tương quan gắn bó sâu xa với Ngài. Đức tin tự bản chất là một hành trình tìm kiếm với câu hỏi khắc khoải triền miên: “Lạy Chúa, Ngài là ai?”. Tuy Chúa hằng mặc khải, bày tỏ dung nhan yêu thương của Ngài cho con người, nhưng vì Ngài là Đấng siêu việt, nhiệm mầu, nên con người vẫn luôn khiêm tốn nhìn nhận mình không bao giờ biết Thiên Chúa hoàn toàn, không bao giờ biết chương trình Ngài dành cho đời mình cách trọn vẹn. Nhờ vậy, người tin sống thái độ tín thác vào Thiên Chúa cách tuyệt đối.

“Đến mà xem” (Ga 1,39). Đức Giêsu không ngần ngại mời tất cả những ai bước theo Ngài: “Đến mà xem”. Đến với Đức Giêsu không phải là cuộc đi xem triển lãm, một lễ hội, mà là một cuộc dấn thân vào tương giao tình yêu. Sự dấn thân này được diễn tả cách mạnh mẽ qua các động từ được đặt kề nhau, theo tiến trình ngày càng mạnh mẽ hơn, đó là: “Tìm, Theo, Ở Lại”. Đây quả là một sự diễn tả bản chất của người môn đệ Đức Giêsu. Người môn đệ đích thực của Đức Kitô phải là người không ngừng tìm kiếm sự hiện diện của Ngài giữa lòng trần thế, để không ngừng bước theo Ngài, hành xử như Ngài, yêu Cha trên trời và yêu anh em nhân loại như Ngài, nghĩa là yêu đến hiến mạng sống mình. Hơn thế nữa, người môn đệ còn phải biết dành thời giờ để ở lại với Ngài, một sự kết hợp sâu xa với Ngài trong cầu nguyện, trong việc lãnh nhận các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, để đến một lúc nào đó, họ có thể nói như thánh Phaolô “Tôi sống không còn là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

Lạy Chúa, trên trái đất này, chúng con là đôi tay, là tiếng nói, là trái tim của Chúa. Xin cho chúng con trở nên những người nhiệt thành giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới hôm nay. Amen.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho

home Mục lục Lưu trữ