Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 54
Tổng truy cập: 1376907
ĐIỀU RĂN QUAN TỌNG NHẤT
Điều răn quan trọng nhất
(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB)
Điều răn trọng nhất của Cựu Ước, thế còn Tân Ước thì sao?
“Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Câu hỏi người thông luật trong nhóm Pha-ri-sêu đặt ra cho Đức Giêsu không khó trả lời, cũng như câu trả lời của Đức Giêsu chẳng có gì mới lạ, vì tất cả đã được ghi rõ trong lề luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi (Đệ Nhị Luật 6:5)… Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình… (Lê-vi 19:18)”. Đối với những ai vốn thông hiểu luật như các Pha-ri-sêu thì câu trả lời của Đức Giêsu là quá hiển nhiên và đầy đủ lắm rồi, chẳng thêm thắt gì được nữa. Thế nhưng cũng qua câu giải đáp này, Đức Giêsu lại muốn xác định thêm một điều mà các sách luật chưa nêu rõ, đó là hai điều răn quan trọng nhất ấy có quan hệ mật thiết với nhau, và “tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”. Vậy thì, trong tâm tư của Người thật sự Đức Giêsu đang muốn khảng định điều gì? Tác giả Mát-thêu khi ghi nhận các điều này, chắc hẳn phải nhận thấy một điều gì đó quan trọng và mới mẻ lắm mà ông muốn truyền đạt tới các Ki-tô hữu tiên khởi gốc Do Thái của ông.
Quả vậy, khi nhóm Pha-ri-sêu đặt vấn nạn này cho Đức Giêsu, chắc hẳn họ đã ngầm nhận thấy trong sứ điệp Người rao giảng có một điều gì đó rất xa lạ đối với nội dung truyền thống của Luật Mô-sê mà họ đang trung thành nắm giữ. Câu trả lời của Đức Giêsu tự nó chẳng giải đáp gì cho thắc mắc họ muốn biết, vì họ thấy nó hoàn toàn đúng, căn cứ theo Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ Cựu Ước mà họ đã quá quen thuộc. Thế nhưng đối với các môn đệ của Đức Giêsu thì đây lại chính là chìa khóa để hiểu ‘điều răn mới’ Người đang muốn truyền đạt.
Bất cứ người Do Thái nào cũng đều biết là phải tôn thờ và yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn; lý do là vì chính cha ông họ đã ký kết bền chặt một giao ước với Đức Chúa để được Ngài cho hưởng mọi điều họ mong muốn. Điều kiện căn bản của khế ước này là họ phải hết lòng tôn thờ và yêu mến Đức Chúa ‘hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn’,trên hết mọi sự. Lịch sử đã chứng minh rằng mọi cái cha ông họ có được đều là nhờ Đức Chúa; Ngài đã giải cứu, đã cho cha ông họ được chiến thắng kẻ thù và được ban đất hứa làm gia nghiệp…; chính vì thế mà cha ông và chính họ có bổn phận phải yêu mến tôn thờ Ngài hết lòng. Đối với Đức Chúa đã là như thế thì đối với cận thân cũng phải vậy; yêu cận thân cũng phải sòng phẳng. Yêu người thân cận như yêu chính mình có nghĩa là làm ơn để được hàm ơn lại, còn gây oán sẽ bị báo oán. ‘Răng đền răng và mắt đền mắt’ là thế, là có đi có lại, là song phẳng! Đúng là hai giới luật này liên quan chặt chẽ với nhau, và toàn bộ Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều đặt nền trên giao ước sòng phẳng này trong tương quan của Dân Riêng cả với Đức Chúa lẫn với cận thân đồng bào.
Giao Ước mới mà Đức Giêsu rao giảng vượt xa cái giới hạn của Cựu Ước, khi mà Đức Chúa Mới không chỉ ban sự sống và ân huệ mà trao ban chính mình Người cho những ai trung thành với giao ước. Giao Ước mới hệ tại ở việc Thiên Chúa trao nộp chính Con Yêu Dấu Ngài cho loài người tội lỗi bất trung; giao ước mới đó không còn đặt nền trên công bằng ‘do ut det – hòn đất ném đi hòn chì ném lại’ mà là trên lòng nhân ái xót thương, vì Ngài ban ơn cứu độ cách nhưng không. Trong Tân Ước việc yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức sẽ không được coi như một bổn phận áp đặt ‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa…’, mà như một ân huệ đón nhận trong ân tình của người con ‘Ab-ba, Cha ơi!’. Cũng vậy, yêu người thân cận sẽ đi xa hơn rất nhiều cái tính toán của ‘thương người như thể thương thân’, trong đó tính sòng phẳng của ‘răng đền răng mắt đền mắt’ ‘hàm ơn trả oán’ là điều đương nhiên. Trong Tân Ước yêu cận thân sẽ trở thành ‘Hãy thương yêu nhau như chính Thầy yêu thương anh em’, ‘Yêu và làm ơn cho cả kẻ thù…, tha thứ cho kẻ xúc phạm tới mình đến bảy mươi lần bảy…’. Nếu đúng là trong Cựu Ước, toàn bộ Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều qui về hai giới luật ‘phải yêu mến Đức Chúa hết lòng… phải yêu người thân cận như chính mình’, thì trong Tân Ước điều răn ‘mến Chúa yêu người’ mới chỉ có thể hiểu được trong nội dung Thập Giá của Đức Ki-tô Giêsu mà thôi; vì chỉ nơi Thập Giá chứ không phải qua“Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ”, mới cho thấy được cái khác lạ đích thực và tính ưu việt vượt trội của tân giới luật tình yêu. Do đó chiêm ngắm và cử hành Thập Giá trở thành quan trọng bậc nhất trong Giao Ước Mới này. Chẳng trách gì mà Phao-lô mạnh dạn tuyên bố: ông chỉ muốn biết duy nhất có một Đức Giêsu Ki-tô Thập Giá mà thôi!
Và tôi, một linh mục của Giao Ước mới, tôi cần tự vấn xem mình vẫn rao giảng ‘mến Chúa yêu người’ trong nội dung luật Mô-sê và các sách ngôn sứ, hay trong nội dung của Thập Giá Đức Ki-tô tự hiến? Việc hàng ngày cử hành hy tế Thập Giá có giúp tôi và các tín hữu lãnh hội được Điều Răn Mới cách sâu xa hơn hay không, và thường ngày đem ra sống như nét độc đáo nhất của Tin Mừng chúng tôi muốn rao giảng cho hết mọi người?
Lạy Chúa, nếu không chiêm ngắm Thập Giá, con sẽ chẳng bao giờ có thể yêu mến với tâm tình con thảo như Chúa muốn, đồng thời yêu mến tha nhân của con cũng sẽ chỉ luẩn quẩn trong tính toán hơn thua hạn hẹp. Xin dạy con để mỗi khi cử hành Thánh Lễ, bài học yêu thương như chính Chúa đã yêu thương và tự hiến như chính Chúa đã tự hiến cho các tội nhân sẽ được con học thuộc và đem ra sống, để chính con cũng dần được biến đổi nên của lễ toàn thiêu dâng tiến Chúa. Amen.
8. Tình yêu là tất cả
(Suy niệm của Barbara E. Reid OP. – Văn Hào SDB, chuyển ngữ)
“Thưa Thầy, giới răn nào trọng nhất” (Mt 22,36).
Khi tôi hướng dẫn các sinh viên làm luận văn tốt nghiệp, tôi luôn hỏi xem các em có thể tóm tắt bài luận văn bằng một câu đơn giản được không. Cũng tương tự, khi các sinh viên thuyết trình một đề tài gì, tôi luôn bắt các em phải tóm tắt đề tài đó bằng một câu ngắn. Nếu các em không làm được điều này, chứng tỏ các em chưa nắm bắt được nội dung những gì các em sẽ trình bày.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, những người Pharisiêu hỏi Đức Giêsu, trong lề luật giới răn nào quan trọng nhất. Họ muốn Đức Giêsu tóm tắt những điều luật bằng một câu giản đơn. Câu chuyện được thánh Matthêu kể lại hôm nay là giai thoại thứ ba trong bốn giai thoại được thánh ký ghi lại nơi chương 22. Những đầu mục Do Thái giáo đưa ra những cái bẫy nhằm bắt bẻ Đức Giêsu. Trình thuật này khác với những câu chuyện mà Luca hay Marcô ghi lại (xem Mc 12, 28-34; Lc 10, 25-28). Trong Luca hay Marcô, những câu hỏi đưa ra phát xuất từ sự chân thành chứ không phải mang tính gian dối hay giảo quyệt, và Chúa Giêsu đã trả lời với những huấn dụ rất khẳng quyết.
Nơi trình thuật Matthêu, câu hỏi mà những người biệt phái nêu ra để thử Đức Giêsu được diễn bày theo hai dạng thức. Dạng thức thứ nhất, các giới răn đều quan trọng và mọi người phải tuân giữ. Nếu Đức Giêsu chỉ nhấn mạnh đến một giới răn, và tỏ ra khinh suốt đối với những điều khoản khác, họ sẽ bắt bẻ Ngài. Vả lại, theo dạng thức thứ hai, những người biệt phái thử xem Chúa Giêsu có tài năng giống với những thầy dạy đương thời nổi tiếng khác hay không, bởi vì những kinh sư Do thái rất dễ tóm tắt các điều luật. Ví dụ, thầy Rabbi tên là Hillel, đã tóm tắt các giới răn như sau “Những gì bạn ghét bỏ, không muốn người ta làm cho mình, bạn cũng đừng làm cho người khác (Sabb 31a). Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cũng đưa ra một định thức tương tự để tóm kết các điều luật “Những gì anh em muốn người khác làm cho mình, anh em hãy làm cho họ, và đây là lề luật, là lời các ngôn sứ (Mt 7,12). Ở đây, Đức Giêsu cũng hé mở một khía cạnh khác của cùng một vấn đề: Đó là phải thực thi tình yêu dành trao cho Thiên Chúa.
Giới lệnh “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn, hết sức lực”, cũng đã được nói tới trong sách đệ nhị luật (Dnl 6, 4-9), tức sách Shema, mà những người Do Thái mỗi ngày vẫn phải đọc đi đọc lại hai lần. Phải yêu mến Thiên Chúa với trọn vẹn con người mình. Yêu mến với tất cả cõi lòng, tức là thể hiện những tình cảm sâu xa nhất. Yêu mến với hết linh hồn, tức là tình yêu phát nguồn từ căn rễ mọi sức sống nơi ta. Đồng thời cũng phải yêu mến với tất cả ý thức và sức lực của mỗi người. Giới lệnh yêu thương tha nhân cũng được trích dẫn từ sách Lêvi 19,18 nói về những điều luật thánh thiêng. Giới lệnh này muốn minh thị rằng cách biểu tỏ cụ thể tình yêu đối với Thiên Chúa chính là thương yêu đồng loại. Thực sự đây không phải là hai giới răn, nhưng chỉ là hai khía cạnh của một thực tại duy nhất: đó là Tình yêu.
Đoạn văn này không nói một cách minh nhiên, như nhiều đoạn văn khác trong Kinh Thánh, khi muốn nhấn mạnh rằng, tình yêu đối với Thiên Chúa luôn phải được đặt vào chỗ tối thượng nơi ta. Trước khi chúng ta có thể diễn bày tình yêu đối với Chúa, và tình yêu đối với cận nhân, thì chính Thiên Chúa đã đi bước trước, đã gợi lên sáng kiến để giúp ta am tường về tình yêu Ngài. Khi chúng ta trải lòng mình ra để đón nhận tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, sống thật sung mãn và ngập tràn tình yêu Ngài, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ biết cách đáp trả tình yêu đó, và dàn trải tình yêu như thế cho mọi người. Khi tình yêu linh thánh của Thiên Chúa chiếm ngự nơi chúng ta, chúng ta dễ dàng quy phục Ngài và chúng ta sẽ tự hỏi giống như tác giả Thánh vịnh đã diễn tả “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho?”(Tv 116,12). Câu trả lời rất giản đơn: Tình yêu. Tình yêu đáp trả tình yêu. Tình yêu đó hướng đến cả hai đối tượng bất khả phân: Thiên Chúa và tha nhân.
Ngày nay, với cảm thức sâu xa về một thế giới đại đồng rộng khắp, chúng ta xem tất cả mọi tạo vật chung quanh đều là những cận nhân cần được yêu mến. Chúng ta có thể gồm tóm ngay cả việc yêu thương chính mình vào phạm trù này, cho dù theo não trạng của thế giới Kinh thánh, điều đó khá xa lạ. Họ không hiểu yêu thương chính mình, theo cách diễn đạt ý niệm sống cá nhân chủ nghĩa, nhưng theo họ, ý niệm này trải rộng trước hết đến gia đình riêng của họ, đến một đoàn thể, hay một tổ chức tôn giáo nào đó mà họ tham gia. Họ luôn phải lệ thuộc vào người khác, trong khi vẫn luôn phải khẳng định chính mình. Chúng ta biết giới răn lớn nhất là yêu thương, nhưng trong thực tế, điều này không dễ dàng thực hiện. Thánh Augustinô đã khuyên mời chúng ta “Bạn hãy yêu mến đi, rồi bạn muốn làm gì thì làm – Ama et fac quod vis (Trích bài giảng thứ 7 về thơ thứ nhất của Thánh Gioan). Khi bị vặn hỏi về sự hiểu biết và thực hành giới răn của Thiên Chúa như thế nào, Đức Giêsu đã trả lời cho những biệt phái, để họ biết rằng giới răn đó không phải chỉ được Ngài công bố trên môi miệng một cách lý thuyết, nhưng đã được thực hiện trong suốt cuộc đời Ngài. Chúng ta cần phải sao chép lại cách thực hành đó trong cuộc sống chúng ta ngày hôm nay.
9. Lòng mến, luật trên mọi luật – Anmai
Trong mọi vấn đề của xã hội, từ tình cảm cho đến tất cả các tương quan trong cuộc sống, có thể nói ra hay không nói ra nhưng bên dưới tình cảm, tương quan nó có một khế ước nào đó. Có thể khế ước đó được nói lên chỉ bằng lời, bằng miệng thôi nhưng cũng có những khế ước được lập ra bằng văn tự hẳn hoi chứ nếu không thì người ta sẽ không lấy gì làm bằng chứng được khi một trong hai bên vi phạm cái khế ước được đưa ra.
Chúng ta thấy, từ thuở ban đầu khi tạo dựng trời đất và con người đầu tiên, ngầm bên dưới tình cảm của Thiên Chúa dành cho con người đó có một khế ước: "Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai. Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: "Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết." (Xh 1,14-17)
Cái gì cũng được ăn, được hưởng dùng cả nhưng trái của cây biết thiện ác thì không được ăn vì ăn vào thì sẽ chết! Ađam - Eva đã không giữ được cái khế ước đấy nên rồi đã bị Thiên Chúa trách phạt. Trớ trêu thay là tưởng chừng kinh nghiệm của ông bà nguyên tổ là kinh nghiệm cho con cháu nhưng chúng ta thấy sau này trong hành trình lịch sử cứu độ con người đã vi phạm không biết bao nhiêu là khế ước.
Sau đó, chúng ta thấy, qua Môsê cũng như các ngôn sứ, Chúa muốn nói cho con người quá nhiều điều, quá nhiều luật.
Khi thấy dân chúng sống trong cảnh lầm than, đô hộ, áp bức, Thiên Chúa chạnh lòng thương, đã không vô tâm vô tình để cho dân sống như vậy và Thiên Chúa qua bàn tay Môsê cứu dân. Sau khi cứu dân khỏi nô lệ thì Thiên Chúa qua Môsê đã ban giới luật cho dân như xưa với ông bà nguyên tổ vậy. Sau 3 tháng rời khỏi Ai cập, đến núi Sinai, Thiên Chúa đã gặp Môsê trên núi và báo cho ông chuẩn bị cho dân chúng để nhận khế ước giữa Thiên Chúa và dân. Không phải đón nhận một cách không không nhưng phải có một sự chuẩn bị hết sức nghiêm túc là: phải giữ cho khỏi nhiễm uế, quần áo phải giặt giũ cho sạch. Trong cuộc thần hiện trong tiếng sấm sét, tiếng tù và, ánh lửa và núi bốc khói Thiên Chúa đã ban thập điều cho dân.
Bên cạnh thập điều ấy còn có giải thích các luật về bàn thờ, về giết người, về đánh đập, gây thương tích, trộm thú vật và rồi đến luật về người ngoại kiều, về mẹ goá con côi như chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất.
Sau đó, dân chúng tiếp tục cuộc lữ hành trong sa mạc tiến về đất hứa. Tưởng chừng có người đi theo kè kè bên cạch, làm trung gian với Thiên Chúa thì dân sẽ trung tín với những giao ước mà Thiên Chúa trao cho dân nhưng ngay tại núi Khô-rếp dân đã phạm luật. Môsê đã báo cho dân chúng biết rằng từ ngày ra khỏi Ai-cập thì dân đã phản nghịch chống lại Đức Chúa. Sự phản nghịch ấy đã làm cho Đức Chúa nổi giận muốn tiêu diệt dân nhưng Đức Chúa đã không nỡ làm điều ấy. Môsê đã van xin với Đức Chúa: "Lạy Chúa là ĐỨC CHÚA, xin đừng huỷ diệt dân Ngài, cơ nghiệp Ngài đã dùng sức mạnh lớn lao của Ngài để giải thoát, và đã ra tay uy quyền đưa ra khỏi Ai-cập. Xin nhớ đến các tôi tớ Ngài là ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp, xin đừng để ý đến sự ngoan cố, sự gian ác và tội của dân này (Xh 9,26.27)
Môsê vô cùng đau đớn, vô cùng bức xúc trước những tội lỗi, những sự thất tín bất trung của dân và ông đã phải thốt lên rằng: Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, nào Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, có đòi hỏi anh em điều gì khác đâu, ngoài việc phải kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến phụng thờ Người hết lòng, hết dạ, giữ các mệnh lệnh của Đức Chúa và các thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh em hôm nay, để anh em được hạnh phúc? (Xh 10, 12.13)
Nhìn cách hành xử của dân, chúng ta thấy tội nghiệp cho cái thân già của ông Môsê. Nhiều lần và phải nói là quá nhiều lần mệt mỏi với cái dân cứng đầu cứng cổ nhưng vì ý thức vai trò và nhiệm vụ mà Thiên Chúa trao nên Môsê tiếp tục cuộc hành trình với đám dân cứng đầu cứng cổ này.
Đã hơn một lần, Môsê phải nài nỉ dân: "Những lời tôi nói đây, anh em phải ghi lòng tạc dạ, phải buộc vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu. Anh em phải dạy những lời ấy cho con cái, mà nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy. Anh em phải viết lên khung cửa nhà anh em và lên cửa thành của anh em. Như vậy, bao lâu trời còn che đất, anh em và con cái anh em còn được sống trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã thề với cha ông anh em rằng Người sẽ ban cho các ngài. Nếu anh em cẩn thận giữ tất cả mệnh lệnh tôi truyền cho anh em đem ra thực hành, mà yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo mọi đường lối của Người và gắn bó với Người, thì Đức Chúa sẽ trục xuất mọi dân tộc ấy cho khuất mắt anh em, và anh em sẽ trục xuất những dân tộc lớn và mạnh hơn anh em. Mọi nơi bàn chân anh em giẫm lên sẽ là của anh em: từ sa mạc và núi Li-băng, từ Sông Cả, là sông Êu-phơ-rát, cho đến Biển Tây, sẽ là lãnh thổ của anh em. Không ai sẽ đứng vững được trước mặt anh em; Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ làm cho tất cả miền đất anh em giẫm lên phải kinh khiếp sợ hãi anh em, như Người đã phán với anh em. Hãy xem, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc được chúc phúc hoặc bị nguyền rủa. Anh em sẽ được chúc phúc nếu vâng nghe những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà tôi truyền cho anh em hôm nay. Anh em sẽ bị nguyền rủa, nếu không vâng nghe những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, nếu anh em bỏ con đường hôm nay tôi truyền cho anh em phải đi, mà theo những thần khác anh em không biết. Khi Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã đưa anh em tới đất mà anh em đang vào chiếm hữu, anh em sẽ đặt lời chúc phúc trên núi Ga-ri-dim và lời nguyền rủa trên núi Ê-van. Những núi ấy ở bên kia sông Gio-đan, trên con đường phía tây, trong đất người Ca-na-an là người ở miền A-ra-va, đối diện với Ghin-gan, bên cạnh cụm sồi Mô-re. Thật vậy, anh em sắp sang sông Gio-đan để vào chiếm hữu đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em. Anh em sẽ chiếm hữu và ở trong đất ấy. Vậy anh em phải lo đem ra thực hành mọi thánh chỉ và quyết định mà hôm nay tôi trình bày cho anh em". (Xh 11,18-32)
Tất cả những luật qua miệng Môsê và các vị trung gian của Thiên Chúa đưa ra đều nhắm một điều là đến quyền lợi của con người, tình thương cho con người. Chắc có lẽ Môsê thương dân nên ông đã truyền lại cũng như giải thích luật quá nhiều, luật nhiều quá đã làm cho con người phải học, phải nhớ vất vả.
Đó là thời Cựu Ước. Vào thời Tân Ước, Chúa Giêsu có khi gọi là Môsê mới, đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người thì lại khác. Thời Chúa Giêsu, Chúa Giêsu thấy các biệt phái, luật sĩ giữ những luật đó quá sức tỉ mỉ nhưng chỉ giữ bề ngoài chứ tinh thần và tinh tuý của luật thì lại không. Nhiều biệt phái, pharisêu, luật sĩ xét nét Chúa từng ly từng tý. Các ông đã canh chừng Chúa còn hơn là công an theo dõi Toà Giám Mục Hà Nội. Họ canh Chúa Giêsu nào là không chịu rửa tay trước khi dùng bữa, chữa bệnh trong ngày Sabát, các môn đệ bứt gié luá ăn ngày Hưu Lễ... và họ còn bắt bẻ Chúa nhiều điều: nào là "ông ấy là ai mà dám tha tội vì chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội"... Họ không nhận ra Chúa Giêsu là đấng trung gian mới, đấng sửa lại những lầm lỗi, những đổ nát giữa tình con người và tình Chúa. Hơn một lần, Chúa đã nói cho họ biết nhưng họ dường như không nghe, Chúa nói là Chúa không hề huỷ bỏ lề luật của Môsê nhưng là kiện toàn lề luật.
Trang Tin Mừng hôm nay nhiều người biệt phái và luật sĩ đến chất vấn Chúa về lề luật và Chúa nói thẳng vào mặt họ là tất cả các giới răn mà Môsê đưa ra thì giới răn trọng nhất đó là mến Chúa và yêu người. Đúng như vậy, tất cả các giới luật mà Môsê đưa ra đều nhắm vào Thiên Chúa và con người.
Thánh Giacôbê đã nhắc nhớ chúng ta: "Yêu thương là chu toàn lề luật". Thế đấy! Bao nhiêu lề luật đưa ra không luật nào quan trọng bằng luật của lòng mến. Thánh Phaolô cũng đã nhắc chúng ta: Hiện nay cả ba đức: đức tin, đức cậy và đức mến nhưng đức mến là quan trọng hơn cả.
Hôm nay, một lần nữa, Chúa Giêsu nói thẳng cho những người Pharisêu và những người thông luật cũng chính là Chúa nói với mỗi người chúng ta. Trong đời sống thường nhật, đôi khi chúng ta quá vụ vào các khoản luật nhưng đã đánh mất đi cái cốt lõi, cái tinh tuý, cái chất của luật đó chính là lòng mến, là tình yêu.
Ngày hôm nay, đời sống gia đình, đời sống xã hội người ta dùng quá nhiều luật mà quên đi cái luật lòng mến. Ra đường, lúc nào cũng kẹt xe. Tại sao? Tại ai ai cũng muốn mình được ưu tiên, mình đi nhanh hơn người khác để rồi lấn vạch, lấn tuyến, vượt đèn đỏ... cuối cùng kẹt xe. Quan trọng là họ đã không giữ được lòng mến, lòng bác ái với nhau nên nó mới xảy ra như vậy.
Gia đình cũng vậy, cộng đoàn cũng thế, người ta đưa ra quá nhiều luật với nhau. Bất cứ cái gì người ta cũng đưa ra luật nhưng người ta không chịu đưa ra lòng mến để cư xử với nhau.
Hơn thế nữa, Thánh Phaolô qua thư thứ nhất của Ngài gửi cộng đoàn Thessalônica cũng là gửi cho mỗi người chúng ta: "Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ. Ai ngủ, thì ngủ ban đêm; ai say sưa, thì say sưa ban đêm.Nhưng chúng ta, chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ" (1 Thes 1,5-8). Thế đấy! Ngài mời gọi chúng ta mặc lấy áo giáo là đức tin và đức mến. Trong tất cả mọi giới răn, tất cả mọi lề luật chẳng có luật nào cao trọng cho bằng luật của lòng mến.
Nguyện xin Chúa Giêsu là vua của tình yêu, của lòng mến đến và ở lại với mỗi người chúng ta để Ngài thêm tình thương, lòng mến trên mỗi người chúng ta để chúng ta là ánh sáng, là chứng nhân giữa cuộc đời đầy hơn thua, hận thù, ghen ghét này.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam