Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 73

Tổng truy cập: 1377127

ĐỜI SỐNG CHẲNG NHỜ NƠI CỦA CẢI

Đời sống chẳng nhờ nơi của cải

Đoạn 12:13-21 nằm trong mạch văn của hành trình lên Giêrusalem; thuộc giai đoạn thứ nhất (9:51-13:21). Mạch văn gần là đoạn 12:1-13:9, bàn đến việc chuẩn bị cho sự phán xét sắp đến, về hành vi và thái độ đối với những chuyện ở đời nầy. Đoạn 12:13-21 nằm giữa hai đoạn đều bàn về sự sống dưới hai khía cạnh khác nhau: - Khuyến dụ đừng sợ những người chỉ giết được thân xác; do đó chỉ sợ Đấng cất luôn cả sự sống phần hồn (12:1-12); và - Khuyến dụ đừng quá lo lắng về của ăn cái mặc, mà chỉ lo tích trữ kho tàng trên trời (12:22-34). Liên hệ chặt chẽ với hai đoạn trước và sau, đoạn 12:13-21 đưa ra một dụ ngôn minh họa sự phi lý của sự tham lam và tích trữ của cải để mong bảo đảm sự sống đời nầy. Hai đoạn đối đáp giữa Chúa Giêsu với một người nào đó giữa đám đông (12:13-15) và dụ ngôn (12:16-21) có thể liên kết với nhau thành một câu chuyện và một chủ đề duy nhất.

Đoạn 12:13-15. Lời yêu cầu của một người từ giữa đám đông chuyển sự chú ý qua chủ đề về của cải: phần gia sản (c. 13), mọi thứ tham lam, sung túc, của cải riêng (c. 15). Trong câu trả lời, Chúa Giêsu trước tiên ngỏ trực tiếp đến người ấy (c. 14); sau đó, Người cho “họ”, là các môn đệ và dân chúng, một giáo huấn về thái độ đối với của cải. Một người nào đó đặt ra vấn đề chia gia tài (c.13). Ông gọi Chúa Giêsu là “Thầy”, như là người có uy quyền phán xét việc nầy (x. Ds 27:8-11; 36:7-9; Đnl 21:17). Vấn đề cụ thể về chuyện gia tài giữa hai anh em không được ghi nhận, nên có thể hiểu là nó không quan trọng. Điều đáng chú ý là lời yêu cầu về điều nầy. Từ vựng “chia phần”, merizò (c. 13), “người chia phần” meristès (c. 14) trong lời đối đáp giữa Chúa Giêsu và người ấy rất quan trọng. Người ấy muốn chia phần gia tài, nghĩa là muốn chiếm giữ riêng phần gia sản thuộc về mình. Người ấy có thể hy sinh sự bình an của gia đình bởi đòi hỏi nầy (x. 15:12).

Chúa Giêsu từ chối can thiệp (c.14). Khi gọi “Nầy ông!” Người biểu lộ sự không hài lòng đối với người ấy. Câu hỏi của Người đặt ngược lại với người ấy là có phải Người được cắt đặt để làm chuyện ấy không. Động từ kathistèmi có nghĩa là “cắt đặt”, “thiết lập”, bổ nhiệm một người để làm một việc gì: chẳng hạn chăm sóc các gia nhân (12:42), tài sản của chủ nhân (12:44). Chúa Giêsu không để người ấy nhầm lẫn về sứ mệnh Người. Người không được sai đến để giải quyết những chuyện thế trần như thế. Hơn nữa, Người không chỉ từ chối làm người chia của cải, mà còn xem đòi hỏi của người ấy như là một sự tham lam (c.15). Đối với Luca và cộng đoàn của ông, của cải không phải là một sở hữu của riêng ai. Được thừa hưởng là để phân phát và chia sẻ. Luca ghi lại cách sống lý tưởng của những tín hữu đầu tiên và nhiều mẫu gương có thái độ đúng đắn nầy trước của cải (x. Cv 4:32.34-35.37).

Chúa Giêsu kêu gọi giữ mình khỏi lòng tham lam (c.15). Luca muốn nhấn mạnh nên dùng liên tiếp hai động từ ở thể mệnh lệnh: “Hãy coi chừng!”, nghĩa đen là “hãy nhìn”; và “Hãy giữ mình!”, phylassò. Luca dùng động từ phylassò ở thể chủ động, chỉ việc thức đêm để quan sát và bảo vệ súc vật (2:8), canh giữ nhà cửa an toàn (11:21); tù ngục (Cv 12:4; 23:35). Luca dùng động từ nầy theo nghĩa bóng để chỉ việc giữ mình khỏi bị rơi vào thói xấu tham lam; tương tự như giữ mình khỏi những thức ăn đã cúng cho các ngẫu thần (x. Cv 21:25). Từ “tham lam”, pleonixia, chỉ xuất hiện một lần trong Luca, và được dùng nhiều trong các thư. Đó là ước ao cách ham hố chiếm hữu nhiều hơn, đặc biệt những điều thuộc về người khác (x. Rom 1:29; Eph 4:19; 5:3; Col 3:5; 1 Thess 2:5; 2 Phêrô 2:3); nên đây là ước muốn chiếm đoạt và thống trị.

Lý do của hai mệnh lệnh trên được biện bạch trong mệnh đề tiếp theo “bởi vì không phải người ở trong sự dư dật, sự sống của họ là bởi của cải của họ” (c.15b). Từ perisseuò không chỉ có nghĩa là sung túc, đầy đủ, mà trong Luca còn có nghĩa là dư dật, dư thừa; chẳng hạn 12 thúng bánh vụn (9:17); người giàu bỏ tiền dư thừa vào hòm cúng đền thờ (21:4). Từ hypachò chỉ “của cải” (8:3; 11:21; 12:33.44; 14:33; 16:1…). Như thế, Chúa Giêsu chỉ cho thấy người tham lam sai lầm khi nghĩ rằng sự sống được bảo đảm nơi những gì họ có; nên họ tìm cách thu góp hơn cả những gì cần thiết cho cuộc sống. Điều nầy sẽ thấy rõ hơn trong dụ ngôn người giàu ngốc. Câu nầy được dùng như vừa kết luận phần đầu và chuyển ý sang dụ ngôn tiếp theo.

Dụ ngôn người giàu có ngốc (12:16-21)

Bố cục của đoạn nầy: - Người giàu có và suy nghĩ của ông (c. 16-17); - Việc làm của ông (cc. 18-19); - Việc của Thiên Chúa (c. 20); - Kết luận (c. 21). Đặc tính của câu chuyện này là độc thoại; tương tự người con hoang đàng (15:17-19); người quản lý bất trung (16:3-4); người quan toà bất công (18:4-5); người Pharisêô và người thu thuế (18:9-14). Vấn đề Luca muốn đặt ra được trình bày qua chân dung “một người” (x. 10:30; 14:2.16; 15:11; 16:1.19; 18:2; 15:8; 7:37). Đây là một người giàu có. Sự sung túc và dư dật của ông được mô tả qua sự phong phú của từ vựng: “người giàu có”, “ ruộng nương được mùa” (c. 16), “tích trữ”, “hoa màu” (c. 17), “xây lẫm lớn”, “lúa má”, “của cải” (c. 18), nghỉ, ăn uống, hưởng (c. 19). Chòra của ông có thể hiểu là đất nước, vùng (x. 3:1; 8:26; 15:14), cũng có nghĩa là cánh đồng (2:8). Euphoreò “được mùa” “sai trái”, tương đương với từ telesphoreò trong dụ ngôn Người gieo giống (8:14-15). Đất đai sinh hoa màu dư dật cho ông là điều tích cực; tuy nhiên, điểm Luca chú tâm chính là lời từ miệng ông “hoa màu của tôi” (c. 17), “của cải của tôi” (c.18). Ông có ý định phá kho lẫm cũ để xây cái lớn hơn đủ sức chứa hoa màu và của cải của ông (c.18). Sau lời độc thoại (cc. 17-18), ông nói với linh hồn của ông, psychè. Trong Luca psychè đồng hoá với con người (1:46; 6:9; 9:24; 10:27; 14:26; 17:33; 21:19). Lời của ông bộc lộ sự gắn bó bản thân ông vào những gì ông đang có: “Mầy có bao của cải” (c.19), và bày ra chương trình cho cuộc sống của ông. Điều sai lầm là ông quên rằng của cải đời nầy gắn liền cách bền vững với sự sống của ông và việc cố giữ sự sống nầy thì sẽ mất (x. 9:24; 14:26; 17:33).

Chúa Giêsu gọi người giàu có ấy là “ngốc!” (c. 20). Chữ “ngốc” trong Luca chỉ người không có một sự phán đoán đúng đắn (x. 10:40). Họ không hiểu thực tại, biết điều đúng để làm, và nhất là không biết ý của Thiên Chúa. Lời Người nói với ông như một phán quyết. “Đêm nay” gợi lên bóng tối của sự chết, hãi hùng, và sự việc sẽ xảy ra cách nhanh chóng. “Linh hồn ngươi” chính là người giàu có. Luca thường dùng động từ “chuẩn bị” cho việc dọn đường Chúa đến cứu độ (1:17.76; 3:4; 9:52; 12:47…). Tuy nhiên ở đây, những gì người giàu có nầy chuẩn bị của cải vật chất để thụ hưởng, thì dự tính ấy không thực hiện được, của cải ấy sẽ không thuộc về ông nữa và ông còn mất luôn cả sự sống!

Câu kết luận xác quyết cách gián tiếp là người giàu có đã tích trữ của cải “không trong Thiên Chúa” (c. 21), và những ai hành động như ông thì cũng sẽ bị đối xử như ông đã chịu. Cách làm giàu trong Thiên Chúa sẽ được đề cập đến trong đoạn tiếp theo. Đó là bán của cải mình có và cho người nghèo (12:33-34). Làm như thế là tích trữ kho tàng không hư mất trong Thiên Chúa.

Sự phi lý và sai lầm của con người là tìm bảo đảm cuộc sống trong của cải, nên tìm cách chiếm hữu nhiều chừng nào có thể, và dừng lại trên nó. Cái chết đến sẽ cho thấy điều nầy là sai lầm. Chỉ Thiên Chúa mới là sự sống của con người.

 

63. Cẩn trọng khi sử dụng tiền của

(Suy niệm của Jos.Vinc. Ngọc Biển)

Đã từ lâu đời, nơi xã hội loài người, con người luôn coi trọng đồng tiền. Đồng tiền nhiều khi đóng vai trò quyết định thành công hay thất bại... chẳng thế mà người ta thường nói:

“Đồng tiền là tiên là phật

Là sức bật của con người

Là nụ cười của tuổi trẻ

Là sức khỏe của tuổi già

Là cái đà danh vọng

Là cái lọng che thân

Là cán cân công lý…!”.

Và còn có những người mạnh miệng hơn khi tuyên bố rằng: “Có tiền mua tiên cũng được”.

Tuy nhiên, phụng vụ Lời Chúa hôm nay chỉ ra sự giới hạn của đồng tiền. Đồng thời cũng dạy cho chúng ta bài học về cách sử dụng tiền của sao cho hợp lý, để nó không chỉ có ích cho cuộc sống, mà còn có lợi cho phần hồn và ơn cứu chuộc.

1. Thái độ của con người về tiền bạc

Khi diễn tả tâm lý của con người về sự quý chuộng đồng tiền, người ta đã đúc kết qua một câu nói: “Đồng tiền liền khúc ruột”.

Bởi vậy, nhiều người đã dành cả một cuộc đời cặm cụi kiếm tiền, tìm mọi cách để giữ tiền và không chịu rời bỏ đồng tiền. Khi phải sử dụng hay mất mát, họ cảm thấy như mất đi một phần cuộc sống, chẳng khác gì: “Của đau con xót”.

Thực ra, việc kiếm tiền và giữ tiền tự bản chất không xấu. Tuy nhiên, sử dụng tiền làm sao cho hợp lý mới là điều đáng lưu tâm.

Đáng buồn thay, trong thực trạng xã hội hiện thời, người ta coi trọng đồng tiền đến độ tôn thờ nó như ông chủ. Họ sẵn sàng sử dụng đồng tiền để làm cho cán cân công lý bị lệch chuẩn cũng như đổi trắng thành đen...

Thật vậy:

“Đồng tiền không phấn không hồ,

Đồng tiền khéo điểm, khéo tô mặt người”.

Chính vì lẽ đó, mà thi sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thốt lên một cách chua chát:

“Nếu không điều lợi khôn thành dại,

Đã có đồng tiền dở cũng hay”.

Nếu sử dụng đồng tiền cho tốt thì nó sẽ trở thành tên đầy tớ trung thành, còn nếu sử dụng sai, nó sẽ là ông chủ bất nhân và lẽ đương nhiên, ta trở thành nô lệ cho nó.

Kinh nghiệm cuộc sống của mỗi người đã dạy cho chúng ta bài học về đồng tiền. Thật vậy, đồng tiền nó cũng có thể trang điểm cho chúng ta vinh quang, danh dự và giúp chúng ta trở thành con người có nhân nghĩa với anh chị em đồng loại. Nhưng ngược lại, đồng tiền nó cũng nhấn chìm chúng ta xuống tận bùn đen và nó tước hết tất cả những gì là danh thơm tiếng tốt nơi mỗi người nếu đặt để chúng sai vị trí!

2. Thái độ và lời dạy của Đức Giêsu về tiền bạc

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cho thấy thái độ của Đức Giêsu về vấn đề tiền bạc và làm toát lên lời dạy của Ngài cho người đương thời biết sự giới hạn của đồng tiền.

Câu chuyện được khỏi đi từ việc có hai anh em đến nhờ Ngài phân chia tài sản, bởi lẽ, trước mắt họ, Đức Giêsu là một bậc thầy rabbi có uy tín trong dân, nên việc nhờ Ngài phân chia tài sản là điều cần thiết.

Tuy nhiên, trước lời đề nghị này, Đức Giêsu đã thẳng thắn từ chối vai trò trung gian. Ngài từ chối, không phải vì Ngài thờ ơ, lạnh lùng với thực trạng cuộc sống của hai anh em này. Nhưng qua đó, Ngài muốn khẳng định rằng: sứ vụ Thiên Sai của Ngài không phải là để làm những chuyện như thế, mà là loan báo ơn cứu độ và phần rỗi của con người. Vì thế, Ngài đã trả lời khi được đề nghị: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay chia gia tài cho các anh”?.

Nhân dịp thuận lợi này, Đức Giêsu đã dạy cho hai anh em này bài học: hãy tránh xa mọi thứ tham lam, bởi lẽ những của cải chiếm dụng được sẽ không đảm bảo cho được sống đời đời. Vì thế, đừng cậy dựa vào chúng quá lẽ.

Như một sự chứng minh, Đức Giêsu đã kể cho họ nghe dụ ngôn nhà phú hộ giàu có, nhưng đã không biết sử dụng tiền của cách chính đáng và hữu ích.

Lý do, ông phú hộ này khi có tiền của dư thừa, đã chè chén say sưa, xây dựng đền đài kho lẫm khổng lồ; ăn chơi phung phí, không hề nghĩ đến việc chia sẻ cho người nghèo và mưu cầu sự sống mai sau, tức là phần hồn. Ông ta coi những thứ đó như là một thứ đảm bảo cho cuộc sống của ông. Vì thế, ông ta đã ngủ mê trên sự giàu có, nhưng thực ra, đến ngày tận cùng, sự giàu có đó đã tố cáo ông và làm cho ông trắng tay.

Kết thúc câu chuyện, Đức Giêsu đưa ra giả thiết: “Đêm nay người ta sẽ đến đòi linh hồn ngươi” thì lúc đó: “Những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai”?.

3. Thái độ của người Kitô hữu về việc sử dụng tiền bạc

Lời cảnh tỉnh trên của Đức Giêsu đã là một sự cảnh báo cho mỗi người chúng ta hôm nay.

Vì thế, với tư cách là Kitô hữu, chúng ta phải chọn sao cho trọn. Tức là trước khi lựa chọn, chúng ta hãy xét đến sự ưu tiên.

Sách Giảng Viên trong bài đọc I đã đưa ra lời nhắc nhở: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”.

Sang bài đọc II, thánh Phaolô tiếp nối tư tưởng đó để khuyên bảo tín hữu của ngài khi đã trở nên thụ tạo mới, mặc lấy Đức Kitô và thuộc về Ngài qua Bí tích Rửa Tội, thì: “Hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.

Và, như một sự mặc khải, Đức Giêsu đã chỉ dạy thật rõ ràng: “Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”.

Nhưng oái oăm thay! Nhiều người trong chúng ta không mảy may đến những lời cảch báo trên, mà ngược lại, chúng ta đã thượng tôn đồng tiền đến độ tôn thờ chúng. Coi chúng như gia tài. Giữ chúng như kho báu. Nên đã tìm mọi thủ đoạn để chụp giật được đồng tiền, đôi khi bán rẻ cả lương tâm để có được đồng tiền. Khi có nó, chúng ta đã phung phí cách thỏa thích nơi các cuộc ăn nhậu vô bổ, hút chích cũng như những việc làm bất chính khác...!

Trước những thái độ trên, hẳn là chúng ta đã đi vào vết xe đổ của nhà phú hộ ngu ngốc trong bài Tin Mừng hôm nay.

Sứ điệp Lời Chúa dạy chúng ta rằng:

Nhiều tiền lắm bạc không phải là tội hay xấu xa, nếu đồng tiền được làm ra bởi công khó của mình. Mặt khác, giàu có mà biết sử dụng đúng mục đích thì thật là hữu ích không chỉ cho phần xác, mà còn cả phần hồn. Vì thế, giàu có trước mặt Thiên Chúa không hệ tại ở đồng tiền, mà là ở cách sử dụng đồng tiền.

Cần nhớ rằng: “Chúng ta đã chẳng mang gì vào trong thế gian, và chúng ta cũng không thể mang bất cứ cái gì ra khỏi đó” (1Tm 6,7).

Vì thế, đừng bám víu quá lẽ vào tiền bạc, mà hãy: “Sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12,33), đó là sự sẻ chia cho người nghèo.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng: chỉ có sự cho đi thì mới là gia tài của chúng con. Bởi vì khi nằm xuống, những gì chúng con đang có, cũng phải trả lại cho đời. Những gì thuộc về chúng con thì từ nay không còn nữa. Chỉ những gì đã cho đi vì lòng mến thì mới thuộc về chúng con và nó sẽ theo chúng con đến trước tòa phán xét để bênh vực chúng con mà thôi. Amen.

 

64. Hãy dùng tiền để mua lấy Nước Trời

(Suy niệm của Jos.Vinc. Ngọc Biển)

Trong cuộc sống, con người thường hay coi trọng tiền bạc, bởi vì người ta thường nói: “đồng tiền liền với khúc ruột”; hay: “có tiền mua tiên cũng được” hoặc có những câu nói mỉa mai như: “Tiền là Tiên là Phật;là sức bật của lò xo; là thước đo của lòng người; là tiếng cười của tuổi trẻ;là sức khỏe của tuổi già;là cái đà danh vọng;là cái vọng che thân;là cán cân công lý”. Chính vì thế, rất nhiều người khi đã kiếm được đồng tiền, người ta lo hưởng thụ, ăn chơi và dùng đồng tiền để làm những điều bất chính. Họ tôn vinh đồng tiền như một ông chủ trong cuộc sống của họ.

Nhưng với người Công Giáo, chúng ta có được coi đồng tiền là mục đích, là tất cả không? Và, sử dụng thế nào cho hợp theo ý Thiên Chúa muốn để được sự sống đời đời?

1.    Thái độ của Đức Giêsu về vấn đề tiền bạc

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật việc một người trong đám đông cất tiếng xin Chúa làm người phân xử và chia gia tài cho anh ta: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”, nhưng Đức Giêsu trả lời: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?”. Rồi Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”. Qua câu nói đó của Đức Giêsu, Ngài muốn xác định sứ mạng của Ngài là loan báo ơn cứu độ để cho con người được sự sống đời đời chứ không phải chuyện phân chia tài sản; đồng thời mời gọi chúng ta hãy tìm nước Thiên Chúa trước tiên, mọi sự khác Chúa sẽ lo cho sau.

Như vậy, Đức Giêsu không lên án, cũng chẳng ủng hộ việc này. Ngài cũng không thượng tôn tiền bạc cũng lại không khinh chê nó. Nhưng Ngài lại hướng cho anh ta và đám đông đang đứng quanh đó một hướng đi mới; hướng đi của ơn cứu độ. Hướng đi ấy chính là biết cách sử dụng đồng tiền sao cho hợp lý và biết cách làm giàu trước mặt Chúa để được hạnh phúc đời đời chính là Nước Trời.

Nhân cơ hội này, Đức Giêsu dạy họ phải biết tránh mọi thứ tham lam; đồng thời nhắc cho mọi người biết là của cải không thể đem lại hạnh phúc đích thực nếu không biết sử dụng nó theo ý Chúa, vì thế đừng có an tâm và cậy dựa vào nó một cách thái quá.

Đức Giêsu cũng đưa ra hình ảnh của nhà phú hộ ngu ngốc. Ông ta sẵn sàng bỏ quên Chúa, không lo cho phần hồn của mình, ngược lại, ông ta tìm mọi cách để thu tích của cải trần gian và hả hê với những gì đạt được. Nhưng, Đức Giêsu đã khiển trách ông rất nặng nề: “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai? Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy”. Qua lời cảnh cáo đó, Đức Giêsu cũng tiên báo cho những người chung quanh đó biết rằng: sự sống sự chết là ở trong tay Chúa, nên đừng như nhà phú hộ kia, nên hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa để được hưởng sự sống đời đời. Nhà phú hộ kia đã mơ tưởng hão huyền, nhưng chưa kịp hưởng thụ như trong mơ thì ông đã chết.

Quả thật, con người chúng ta có 3 người bạn luôn theo chúng ta trong cuộc đời, đó là: bà con, tiền bạc và phúc đức. Tuy nhiên, khi giờ chết đến, chỉ có ông bạn phúc đức là theo chúng ta sang thế giới bên kia và tiếp tục là bạn chung thủy của chúng ta mà thôi. Còn bà con họ hàng thì bỏ lại chúng ta ngay tại cửa mồ. Tiền bạc sẵn sàng chia tay chúng ta ngay khi chúng ta chết, nhưng nó lại sẵn sàng, hăng say tố cáo chúng ta trước tòa Phán xét. Ấy thế mà nhà phú hộ cứ ngỡ nó là người bạn tốt: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi”. Ông ta đâu biết rằng cuộc sống của mình chỉ được cộng lại bằng những hơi thở ngắn ngủi, mong manh và người bạn bạc bẽo nhất chính là đồng tiền mà ông ta đang thượng tôn nó.

2.    Người Kitô hữu và việc sử dụng tiền bạc

Bài đọc 1 cho chúng ta thấy: hư không trên các sự hư không; phù vân, quả là phù vân.Thật vậy, không có gì và không một ai trên trần gian này làm cho ta thỏa mãn với bản năng của con người, lại không thể đảm bảo cho chúng ta sự sống đời đời được. Chính vì thế, thánh Phaolô nói: “Anh em hãy hướng lòng trívề những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gìthuộc hạ giới”.Đức Giêsu thì truyền cho chúng ta một cách cụ thể hơn khi nói: “Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”. Hãy loại trừ tính tham lam. Khi tham lam là ta bất chấp mọi thủ đoạn. Làm lớn có thủ đoạn của người làm lớn, làm nhỏ cũng có những mánh khóe của người làm nhỏ. Nào là: bóc lột, tham nhũng, gian dối, lọc lừa... Nhưng thảm hại thay, dù có làm đủ mọi cách, con người chúng ta cũng không bao giờ thỏa mãn, bởi vì “tham thì thâm”. Câu ngạn ngữ của người Lamã thật chí lý: “Của cải như nước muối, bạn càng uống thì càng khát”. Người Việt Nam của chúng ta cũng thường hay nói: “lòng tham vô đáy”.

Thật vậy, hạnh phúc của chúng ta chỉ có thể đạt được nó khi ta bằng lòng với những gì mình đang có. Nó hoàn toàn xa vời khi đó chỉ là những ước ao hão huyền. Cuộc sống của chúng ta phải cố gắng, nhưng cần phải có thái độ phó thác: “hãy phó thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay”;”Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”.Được như vậy, chúng ta sẽ hạnh phúc ngay cả những cái không có nữa. Nếu không, chúng ta sẽ bất hạnh và cảm thấy rất đau khổ cũng như luôn có thái độ bất mãn…

Augierđã nói một câu làm cho chúng ta phải suy nghĩ: “Trongdự tính của Thiên Chúa, người giầu chỉ làviên thủ quỹ của người nghèo”. Thánh TômaAquinônói thêm và ngài nhấn mạnh: “Những người giầu đã đánh cắp của người nghèo khi họ tiêu xài phung phí những của cải dư thừa”.

Như vậy, trong cuộc sống, chúng ta phải nhạy bén và biết liên đới với những người sống chung quanh ta, đặc biệt là người nghèo. Vì xét cho cùng, mỗi người chúng ta đều là kẻ nghèo khó trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, đừng kiêu ngạo, tự phụ là do công sức của mình hoàn toàn rồi hả hê, an tâm với những gì mình đạt được một cách tự mãn. Thánh Công đồng Vaticanô IIđã dạy cho chúng ta biết: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô”.

Quả thật, tiền bạc không phải là xấu, nhưng nó xấu đi là vì chúng ta biến nó thành ông chủ tồi thay vì là đầy tớ tốt.

Vì thế, đừng bao giờ đặt cho mình mục đích sống chỉ để kiếm tiền, bởi vì: “người giàu cũng khóc”. Cũng đừng vì tiền mà đánh mất lương tri và trà đạp người khác để đạt được mục đích. Đồng tiền không mua được hạnh phúc thật. Sự sống đời đời cũng không thể có nếu ta bóc lột, tham nhũng, bất chính…

Sứ điệp mà Đức Giêsu muốn loan báo cho chúng ta hôm nay: hãy dùng của cải đời này mà “làm giầu trước mặt Thiên Chúa” (x. Lc 12,21). “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắpkhông bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12,33).

Như vậy, vấn đề không phải là giàu hay nghèo mà là thái độ sống trong các mối tương quan của ta với Chúa và tha nhân. Ưu tiên của tôi là cái gì: Thiên Chúa và anh em đồng loại hay tiền bạc? Xin để lại suy nghĩ cho mỗi người chúng ta!

home Mục lục Lưu trữ