Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 52

Tổng truy cập: 1379588

ĐỐI XỬ CÔNG BẰNG VỚI LINH HỒN TA

ĐỐI XỬ CÔNG BẰNG VỚI LINH HỒN TA- Lm Inhaxiô Trần Ngà

Sau khi được Chúa Giê-su ban cho một bữa ăn no nê thỏa thích qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, đám đông người Do-thái đổ xô tìm đến với Chúa mong được Ngài cho ăn tiếp. Chúa Giê-su không bằng lòng với toan tính đó nên Ngài nói thẳng với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.”

Biết rõ bận tâm của đám đông là chỉ lo tìm kiếm lương thực phần xác mà lãng quên lương thực cho tâm hồn nên Chúa Giê-su răn bảo họ: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.” (Ga 6, 27)

Khi nói như thế, Chúa Giê-su kêu gọi mỗi người hãy cố công chăm lo cho linh hồn mình được phúc đời đời chứ đừng chỉ dồn tất cả công sức chăm lo cho thân xác mau hư nát nầy. 

Một nhà kia có hai người con. Người con út được cha mẹ đem hết lòng yêu thương chăm sóc: cho ăn, cho mặc, cho học hành, cho thuốc men, cho tiêu xài thoải mái, cho tất cả những gì nó muốn và không từ chối nó bất cứ điều gì.

Trong khi đó, đứa con cả không được cha mẹ đoái hoài: không được nuôi ăn, chẳng được cấp dưỡng chút gì, bị

cha mẹ bỏ mặc như thể nó không hề có mặt trên đời, mặc dù nó không làm điều gì sai trái.

Cha mẹ phân biệt đối xử như thế là quá bất công, đáng bị lên án. Nếu chúng ta ở vào địa vị người cha người mẹ trên đây, chắc chắn không bao giờ chúng ta đối xử bất công như thế. 

Thế nhưng, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có “hai người con” trong đời mình, đó là linh hồn và thân xác. Thân xác nầy nay còn mai mất thì được nhiều người chăm sóc chiều chuộng tối đa, còn linh hồn trường sinh bất tử thì chẳng được đoái hoài.

Châm ngôn của một số đông là: Tất cả dành cho thân xác, tất cả cho cuộc sống đời nầy. Người ta không từ chối thân xác bất cứ điều gì. Dù thân xác có đòi hỏi những điều hèn hạ, vô luân, người ta cũng chiều theo nó.

24 giờ của mỗi ngày đều dành trọn cho thân xác. 168 giờ của mỗi tuần, 720 giờ của một tháng đều dành trọn để lo cho thân xác và cứ như thế hết tháng nầy qua tháng khác, hết năm nầy qua năm kia.

Trong khi linh hồn thì bị bỏ rơi, không được đoái hoài!

Đó là một bất công không thể chấp nhận được và mang lại hậu quả đau thương cho cuộc sống mai sau, vì không sớm thì muộn, cái chết cũng sẽ đến để cướp hết những gì người ta đang có và hủy hoại thân xác ra không. Cuối cùng thân xác con người chỉ là một nhúm bụi đất còn linh hồn thì phải trầm luân muôn đời muôn kiếp.

Thật phi lý khi người ta đầu tư toàn bộ vốn liếng mình có cho thân xác: dành hết tất cả thời gian, công sức, trí tuệ, tài năng, nghị lực của mình cho thân xác để rốt cuộc, chỉ “thu hoạch” được một nắm bụi tro! 

Qua sứ điệp Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su kêu gọi mọi người hãy đối xử công bằng với linh hồn mình.

Thân xác nầy nay còn mai mất thì chỉ cần chăm lo vừa đủ, còn linh hồn sống đời đời bất diệt thì đáng phải được chăm sóc chu đáo hơn.

Khi nuôi xác bằng cơm bánh được thu hoạch từ lòng đất thì cũng phải nuôi hồn bằng “Bánh từ trời xuống.”

Chính Chúa Giê-su là Bánh bởi trời được Chúa Cha ban cho nhân loại để mang lại sự sống cho thế gian. (Ga 6, 32-35)

“Ăn” Chúa Giê-su (theo nội dung đoạn Tin Mừng hôm nay, Gioan 6, 24-35) không có nghĩa là nhai, là nuốt Chúa Giê-su nhưng là đến với Chúa Giê-su và tin vào Ngài: “Chính tôi là Bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa là Bánh ban sự sống đời đời cho chúng con. Xin cho chúng con thường xuyên “ăn” Bánh này, tức là tìm đến với Chúa, học với Chúa, sống như Chúa để đào tạo bản thân mình nên người có phẩm chất cao đẹp. Nhờ đó, mỗi người chúng con trở thành hình ảnh sống động của Chúa giữa trần gian và được chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời.

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN- Năm B

CỦA KHÔNG HƯ NÁT- Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP         

Một hôm, Na-pô-lê-ông, vị hoàng đế có đôi mắt rất sáng, nói chuyện với một người bạn của ông, người này thì lại có đôi mắt rất kém. Hai người nói chuyện với nhau về sự đời, bên cạnh một của sổ. Bất chợt, Na-pô-lê-ông chỉ tay lên trời, một bầu trời đầy sao, đang phát ra những ánh sáng lập lòe, và hỏi người bạn: “Anh có thấy những ngôi sao ở trên trời kia không?”. Người bạn trả lời: “Không, mắt tôi kém lắm rồi, tôi không thấy gì cả”. Na-pô-lê-ông nói: “Đó là sự khác biệt giữa anh và tôi”. Rồi Na-pô-lê-ông nói tiếp: “Những người nhìn bầu trời đen mà không thấy gì thì mới sống được nửa cuộc đời mà thôi. Muốn sống trọn cả cuộc đời, thì phải thấy được những ngôi sao giữa bầu trời đen”. Lời nhận xét trên đây của Na-pô-lê-ông là một lời gián tiếp chê bai người bạn của ông có đôi mắt kém.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đưa ra một lời chê bai những người đã tìm đến Ngài. Ngài nói: “Các ông tìm tôi không phải vì các ông đã tìm thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Khi quả quyết điều trên đây, Chúa Giêsu phân biệt hai lý do khiến người ta tìm đến với Ngài, đó là để thấy dấu lạ và được ăn bánh nó nê. Bình thường chúng ta hiểu hai lý do đó là một, bởi vì làm sao có đủ bánh để cho hàng ngàn người ăn ở nơi vắng vẻ nếu không là một phép lạ. Nhưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nên Ngài thấy rõ tâm tư của những người tìm đến với Ngài ở đây chỉ là vì muốn được ăn bánh no nê như đã được ăn hôm trước.

Chắc có người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ cho rằng: Những người tìm đến với Chúa để được ăn bánh nữa là những người thực tế. Điều đó đúng, vấn đề cơm ăn áo mặc, vấn đề nhà ở để che nắng che mưa, đó là những vấn đề ưu tiên của con người, những vấn đề thiết thân cho cuộc sống, ở đời này ai mà không quan tâm đến những vấn đề ấy. Nhưng ở đây, khi chê bai những người tìm đến với Ngài, Chúa Giêsu muốn nói với họ rằng: ngoài sự đói khát vật chất và thể lý còn có sự đói khát thuộc tinh thần và tâm linh nữa. Vấn đề này cũng cần phải được giải quyết. Và Chúa đã đưa ra cho họ một lời khuyên: “Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”.

Vì thế, nếu về phương diện vật chất và thể lý, để thỏa mãn những nhu cầu, cần phải làm việc vất vả, thì về phương diện tinh thần và tâm linh, con người cũng phải ra công làm việc. Đúng thế, sống ở đời, chúng ta phải làm việc, và làm việc với lý do gì hay vì lý do gì chăng nữa, thì trên hết vẫn phải là lý do vì lương thực không hư nát, vì chỉ có lương thực ấy mới còn lại trong cõi vĩnh hằng, cõi hằng sống. Đó là những việc lành, việc tốt, việc bác ái yêu thương, việc thông cảm tha thứ…Chỉ có những việc ấy mới theo chúng ta về thế giới bên kia mà thôi.

Như vậy, công việc làm ăn không phải là không quan trọng. Nhưng nếu ai chỉ miệt mài làm việc mà bỏ quên nước trời, quên hạnh phúc đích thực đời sau của mình, thì Chúa bảo: họ sẽ mất tất cả. Tại Pháp, có một thương gia rất giàu, phương châm của đời ông là làm tiền, ăn nhậu và chơi bời. Nhưng chẳng bao lâu ông bị bệnh trầm trọng: thần kinh chỉ huy thanh quản bị tê liệt, làm ông bị câm. Trên giường bệnh, ông luôn thở dài chán nản. Cuối cùng, trước khi chết, ông bảo gia nhân đem bút giấy cho ông. Cầm bút, ông ghi một hàng chữ và truyền khắc nó trên bia mộ của ông: “Đây là người dại dột, đã sống mà không biết sống. Hỡi những người đang sống, chớ gì sự vô phúc của kẻ khác mở mắt các ông”.

“Vua Ngô ba mươi sáu tấn vàng. Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì”. Thánh Gióp nói: “Từ lòng mẹ tôi sinh ra trần truồng và lại trần truồng để trở về đấy”. Thánh Phaolô cũng nói: “Vào thế gian ta chẳng mang gì, thì cũng không thể mang gì khi phải ra đi”. Và lời Chúa Giêsu: “Tất cả mọi sự sẽ qua đi, chỉ có việc lành mới tồn tại”.

Chúng ta đang sống, chúng ta đừng quên mối tương quan giữa cuộc sống đời này và cuộc sống đời sau. Hơn ai hết, người Kitô hữu phải luôn nhớ mối tương quan ấy. Chúng ta cần lợi dụng từng giây phút, cần hoàn tất từng công việc, dù nhỏ mọn hay to lớn, để làm giàu cho cuộc sống, để làm cho đời mình có giá trị vĩnh cữu. Chỉ sống như thế chúng ta mới có thể đón nhận được lời diễm phúc này: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào chung hưởng niềm hoan lạc với chủ ngươi”.

 

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN- Năm B

BÁNH ĐÍCH THỰC (*)- Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Anh chị em thân mến

Bài Tin mừng hôm nay gồm hai phần:

a/ Phần I nói về việc dân đi tìm Chúa.

Vì đã được ăn bánh no nê nên dân chúng tiếp tục đi tìm Chúa Giêsu. Ngày hôm sau, họ tìm gặp Ngài ở phía bên kia biển hồ. Ngài nói với họ: “Các ngươi tìm Ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn no nê.” Rồi Ngài dạy họ tìm một thứ lương thực khác quan trọng hơn: “Các ngươi hãy ra công làm việc, không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”.

b/ Phần thứ 2

Chúa Giêsu bắt đầu giải thích cho dân về thứ “của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”là gì.

–  Đó là thứ của ăn đó vượt trội hơn Manna ngày xưa.

– Nghe thế dân chúng tưởng đó cũng là một thứ thức ăn vật chất – nhưng ăn vào thì sẽ không đói nữa, nên họ xin “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”.

CUỘC SỐNG

Vì còn mang thân xác, nên con người còn bám víu quá nhiều vào những thứ thỏa mãn các nhu cầu của thân xác. Thế nhưng chúng ta đã biết ngoài sự sống thân xác này ra còn một sự sống cao hơn, đó là sự sống thần linh. Lời Chúa Giêsu nhắc nhở dân chúng ngày xưa cũng là lời nhắc nhở cho chúng ta hôm nay: hàng ngày chúng ta thường tìm gì? Tìm những thứ thỏa mãn nhu cầu thân xác hay thỏa mãn nhu cầu tâm linh.

Nếu chúng ta chỉ đi tìm những thứ hay hư nát thì hãy coi chừng. Một lúc nào đó chúng ta sẽ trắng tay!

Đây là kinh nghiệm của một người đã đạt được những thành công vang lừng trong cuộc sống. Tên anh là J. Demsey. Anh là một võ sĩ quyền anh có đẳng cấp thế giới. Chiều hôm đó anh vừa mới đoạt được chức vô địch. Nhưng rồi đêm đến anh không sao nhắm mắt được. Mãi đến 2 giờ sáng anh mới thiu thiu ngủ được một chút. Nhưng ngủ chưa được một tiếng đồng hồ, anh bỗng giật mình thức giấc vì nằm mơ thấy mình mất chức vô địch. Rồi vì không ngủ được, anh đi ra phố mua tờ báo vừa mới xuất bản để đọc lại những lời tường thuật trận đấu, hầu trấn an là mình còn giữ chức vô địch. Demsey ghi lại cảm tưởng của mình thế này: “Sau khi đọc bài báo, tôi hiểu rằng sự thành công không có mùi vị thơm ngon như tôi hằng mơ tưởng trước đó. Sau biến cố, tôi vẫn còn cảm thấy trống rỗng” (…)

“Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh”

Vâng có những thứ rất mau hư nát nhưng bên cạnh đó cũng có những thứ trường sinh.

Thánh Gioan Kim khẩu nói: “Loài người vốn bị đóng đinh vào những việc thuộc về đời sống”. Đây là những người chẳng bao giờ có được những ước vọng cao hơn bức tường thành của thế gian để phóng tầm mắt lên đến chân trời của cõi đời đời. Sự khác biệt giữa một người chỉ biết nhìn gần và một người biết nhìn xa thật lớn lao vô cùng. Một đêm nọ, Nã Phá Luân nói chuyện với một người quen. Bấy giờ trời đã về khuya, ngoài trời tối đen như mực. Hai người đến gần bên khung cửa sổ. Trên trời có những ngôi sao thật xa, trông nhỏ bằng đầu cái kim, đang nhấp nháy sáng. Mắt của Nã phá Luân còn rất tinh, còn mắt bạn ông đã mờ. Ông chỉ lên trời và hỏi:

– Anh có thấy các ngôi sao đó không?

Người bạn đáp:

– Tôi không thấy.

Nã Phá Luân nói:

– Tôi thì thấy, đó là chỗ khác nhau giữa tôi và anh..

Người bị buộc chặt vào thế gian thì không thể thấy được những gì ở xa. Họ mới chỉ thấy được những cái thật gần mà cái gần nhất của họ như lời thánh Phaolô nói: Đó là cái bụng. Như vậy họ mới sống có phân nửa của cuộc đời. Chỉ có những ai có tầm mắt nhìn xa, nhìn thấy cả vùng trời xa xăm, thấy được các ngôi sao, họ mới là người thật sự sống.

Sau năm 60 SC, xã hội Lamã sống trong sự sa hoa chưa từng thấy. Bấy giờ người Lamã đãi tiệc bằng óc chim công và lưỡi họa mi. Người ta uống thuốc cho nôn mửa giữa hai bữa ăn, để lần sau ăn cho ngon miệng hơn. Những bữa ăn đáng giá hàng ngàn Anh kim là chuyện thường tình. Pliny kể lại, thời ấy một mệnh phụ may một chiếc áo cưới dát vàng và đính nhiều châu ngọc trị giá tương đương bốn mươi ngàn Anh kim. Họ tưởng ăn như thế, mặc như thế là cuộc sống sẽ hoàn toàn được thỏa mãn. Không! Ngàn lần không. Họ vẫn còn đói, vẫn còn khát. Sự đói khát không gì thoả mãn được. Họ tiếp tục tìm đến bất cứ điều gì khiến cuộc đời có một thêm những rung động mới, hương vị mới, nhưng chẳng có gì có thể làm cho họ được no thỏa.

Chúa Giêsu thấy quần chúng Do Thái chỉ chú ý đến sự thoả mãn về phần thể xác, nên Chúa đã cho họ ăn một bữa dư dật chẳng phải trả tiền, và họ còn muốn được ăn nữa. Tầm nhìn của những người Do thái mới chỉ dừng lại ở đó.

Thế nhưng như mọi người đều thấy. Đâu phải chỉ có cơ thể mới biết đói, mà con tim và tinh thần cũng biết. Cơm bánh không thể nào thỏa mãn cơn đói của con tim và tinh thần. Nuôi sống một người không giống như nuôi một con vật, chỉ cần cho nó ăn no. Chúng ta là người, chúng ta không chỉ có một thứ đói mà có hàng trăm thứ đói khác. Ngoài cơm bánh ra chúng ta còn đói rất nhiều thứ :

– Đói được người ta tôn trọng: không ai muốn bị coi là đồ bỏ; ai cũng muốn có người khác trọng mình, ít ra là một người.

– Đói được người ta chấp nhận: nếu không ai chấp nhận chúng ta thì chúng ta không sao thể hiện chính mình được.

– Đói những tương giao: không được tương giao với người khác thì chúng ta sẽ trở nên cô độc buồn sầu.

– Đói nguồn động viên: không có gì động viên chúng ta thì chúng ta giống như những cánh buồm không gió.

– Đói niềm tin: ai cũng cần đức tin hay ít ra là một số điều mình tin tưởng. Nếu không thì dòng đời chúng ta bị trôi dạt như những con thuyền không định hướng.

– Đói hy vọng: bao lâu con người còn hy vọng thì còn có thể làm được nhiều việc; một khi đã mất hy vọng thì mất tất cả.

– Đói tình yêu: nếu cơn đói này được thỏa mãn thì hầu hết những cơn đói khác sẽ biến mất.

Và còn một thứ đói nữa, sâu xa nhất, hàm chứa trong mọi cơn đói khác, kể cả đói tình yêu. Đó là đói sự sống đời đời, hay nói cách khác, đói Thiên Chúa. Và thứ đói này chỉ có Chúa mới có thể làm cho chúng ta được no thỏa.

Ngày 20 tháng 10 năm 1995, hơn 200 triệu người trên 100 quốc gia đã theo dõi cuộc phỏng vấn đặc biệt công nương Diana – vợ hoàng tử Charles Anh quốc do hãng thông tấn BBC thực hiện.

Diana nhìn nhận đã ngoại tình với viên sĩ quan kỵ binh James Hewitt. Lý do dẫn đến việc bất trung ấy là vì hoàng tử Charles đã dan díu với nàng Camilla Packer Bowles. Diana nói : “Tôi biết điều đó nhưng không làm gì được. Có tới ba người trong hôn nhân của chúng tôi. Và điều đó khiến nó trở nên chật chội”.

Quả thật, nếu người thứ ba trong cuộc hôn nhân của Diana và Charles không phải là Camilla mà chính là Đức Kitô, thì gia đình ấy sẽ no thỏa hạnh phúc biết bao rồi. Cha Mark Link viết: “Trái tim chúng ta có một khoảng trống mà chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy”.

Lạy Chúa, chỉ một mình Chúa mới đem lại cho chúng con sự no thỏa tâm hồn và niềm vui đích thực.

Xin cho chúng con luôn biết khao khát Chúa là Bánh ban Sự Sống, là nguồn hạnh phúc đích thực của đời chúng con. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

home Mục lục Lưu trữ