Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 57

Tổng truy cập: 1377186

ĐÓN CHỜ CHÚA ĐẾN

Đón chờ Chúa đến

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Khi màn đêm buông xuống, có những người vẫn thức. Thức vì không ngủ được. Thức để xem nốt một cuốn truyện hay một bộ phim vidéo nhiều tập… Nhưng cũng có người thức để làm việc. Họ trực ở phòng cấp cứu, ở trạm cứu hoả, ở cơ quan an ninh, ở bưu điện. Họ là những công nhân làm ca ba, những tài xế tàu hoả chạy suốt đêm đến sáng, những chuyến bay ban đêm.

Và còn có những người khác cũng thức. Thức không phải vì mất ngủ, không phải để đọc truyện hay xem phim, mà thức để cầu nguyện. Trong các đan viện, các đan sĩ nam nữ là những người không ngủ, với cái nghĩa là họ ca tụng Chúa 24 giờ một ngày luân phiên nhau. Nhiều cộng đoàn tu sĩ nam nữ chầu Mình Thánh Chúa ngày đêm, từ năm này qua năm khác. Họ tỉnh thức và cầu nguyện thay cho chúng ta, trong khi chúng ta ngủ.

Trên trái đất này, không lúc nào mà không có người thức: Đang khi chúng ta lên giường ngủ thì ở bán cầu bên kia, một nửa nhân loại đang vươn vai thức dậy, ăn uống, làm việc, vui chơi, để rồi lại ngủ khi chúng ta ở đây thức dậy.

Như thế, trên thế giới, Thánh lễ được hiến dâng liên tục ngày đêm. Nếu chỉ 2/3 trong số linh mục trên thế giới cử hành Thánh lễ mỗi ngày, thì mỗi giờ ít nhất có hai ngàn linh mục cử hành Thánh lễ, và mỗi phút, ngày cũng như đêm, đều có một số linh mục đang dâng lễ cầu nguyện cho chúng ta.

Tuy nhiên, thức đêm không phải là điều tự nhiên và dễ dàng. Ba môn đệ thân tín của Chúa Giêsu đã từng có kinh nghiệm về điều đó: Trong Vườn Cây Dầu, mặc cho Chúa Giêsu hai lần gọi: Hãy tỉnh thức! Họ vẫn ngủ li bì. Có lẽ lúc đầu, Chúa Giêsu tưởng họ sẽ thức cả đêm với mình để chia sẻ nỗi khổ đau, nhưng cuối cùng, Ngài đau lòng khi thấy họ không thức nổi được một giờ với Ngài (Mc 14,34-37).

Một trong những căn bệnh của thời đại là căn bệnh mất ngủ. Người ta phải dùng thuốc an thần để tìm một giấc ngủ không tự nhiên. Hoặc chán đời, người ta dùng thuốc ngủ quá liều lượng để tìm giấc ngủ ngàn thu!

Thế nhưng, hôm nay, Chúa Giêsu lại kêu gọi: Anh em phải canh thức, kẻo bất thần ông chủ về bắt gặp anh em đang ngủ. Phải chăng Chúa Giêsu muốn các Kitô hữu phải thức suốt đêm để chờ Ngài? Chắc là không! Vậy thì thế nào là thái độ tỉnh thức mà Chúa đòi hỏi nơi chúng ta?

Tỉnh thức không phải là không ngủ: Năm cô trinh nữ khôn ngoan cũng ngủ như năm cô khờ dại (Mt 25,1-13). Điểm khác biệt là vào lúc nửa đêm, khi chàng rể đến, các cô khôn ngoan có thể ra đón với đèn sáng trong tay, vì các cô có mang theo dầu dự trữ. Còn đèn của các cô khờ dại thì đã tắt ngúm mà lại không đem dầu theo. Lúc đó mới chạy đi mua, nên không kịp. Vậy tỉnh thức là ở trong tư thế sẵn sàng đón Chúa bất cứ lúc nào, sẵn sàng cả trong khi ngủ.

Tỉnh thức là chu toàn bổn phận: Người quản gia được giao trách nhiệm phân phát lương thực cho các gia nhân (Mt 24,45-51). Nếu chủ về mà gặp thấy anh đang làm công việc được giao, thì đúng là anh đã có thái độ tỉnh thức. Mê ngủ là bỏ bê trách nhiệm, lạm dụng quyền hành và say sưa chè chén (Mt 24,49).

Tỉnh thức là làm cho những nén vàng, nén bạc Chúa trao được sinh lợi (Mt 25,31-46). Số nén vàng có thể nhiều hay ít tùy người, và mỗi người cũng chỉ phải sinh lợi tùy theo số vốn đã nhận. Mê ngủ là đào lỗ chôn giấu nén bạc của mình, không dám đầu tư vì sợ mất vốn, nhưng cũng có thể vì lười biếng, thụ động. Người tỉnh thức là người được chủ khen là đã trung tín trong việc nhỏ, nghĩa là trung tín với ơn Chúa ban trong hiện tại.

Tỉnh thức là tỉnh táo để nhận ra Chúa bất ngờ đến với mình và nài xin mình trợ giúp. Ngài xuất hiện dưới dáng dấp của một người đói khát, rách rưới, một người yếu đau, lỡ đường, thậm chí một phạm nhân trong nhà giam (Mt 25,31-46). Mê ngủ là để cho Chúa Giêsu ngửa tay đi qua đời mình mà không nhận được chút gì làm quà tặng.

Cuối cùng, tỉnh thức là để cầu nguyện. Tỉnh thức luôn đi đôi với cầu nguyện: Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cơn cám dỗ (Mc 14,38). Chúng ta đã làm nhiều việc cho Chúa, nhưng có thể vẫn chưa phải là con người tỉnh thức và cầu nguyện. Lúc nào chúng ta cũng có nguy cơ ngủ quên trong thành công tông đồ, trong tiện nghi dễ dãi.

Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta vào bầu khí Mùa Vọng, mùa tỉnh thức để chờ đợi Chúa đến. Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta phải chờ đợi. Có sự chờ đợi làm ta sốt ruột, khó chịu, nhưng cũng có sự chờ đợi làm cho cuộc sống hiện tại trở nên đầy ý nghĩa. Dân Do Thái từ hơn 2000 năm trước đây cho đến nay vẫn sống nhờ vẫn còn chờ đợi Đấng Mêsia, Đấng Thiên Sai Cứu Thế. Sự chờ đợi như tăng thêm sức mạnh để con người can đảm sống cái hiện tại hơn. Biết sống là biết chờ đợi. Chờ đợi làm nên cuộc sống. Sống mà không còn gì để chờ đợi, kể như đã chết!

Mùa Vọng là thời gian chờ Chúa đến. Cả lịch sử của nhân loại được đánh dấu bằng những lần Chúa đến. Lần nào Ngài cũng đến bất ngờ. Ngài đã đến bất ngờ ở Bêlem, mang hình hài trẻ thơ yếu đuối. Cả cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài cũng là bất ngờ, khiến cho các môn đệ phải ngỡ ngàng. Kitô hữu là người đang chờ, chờ ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang. Đây cũng là một bất ngờ, vì không ai biết được ngày giờ Ngài trở lại. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra Ngài đến bất thần, bắt gặp anh em đang mê ngủ(Mc 13,33-37).

Chúa đã đến, sẽ đến, nhưng Ngài vẫn đang đến trong thế giới, trong đời từng người, trong đời từng tập thể. Nếu chúng ta tập lắng nghe, chúng ta sẽ nhận ra được tiếng bước chân của Ngài. Chúa đến với ta qua mọi biến cố của cuộc sống, kể cả những biến cố đau buồn. Bước vào Mùa Vọng, cùng với Giáo hội sống một Mùa Vọng mới, chúng ta hãy mở tâm hồn ra tiếp đón Chúa: Maranatha, Lạy Chúa, xin hãy đến! (Kh 22,20).


 

30. Hãy tỉnh thức – Noel Quesson

(Trích trong ‘Suy Niệm Tin Mừng’)

Ngày kia, một sinh viên Rôma tới gặp thánh Philipphê Nêri. Anh say sưa nói về kế hoạch xây dựng tương lai đời mình. Anh sẽ học luật, anh có đủ khả năng và kế hoạch đạt tiến sĩ luật.

Thánh nhân hỏi anh: - Sau đó thì sao?

Chàng trai hăng hái trả lời: - Con sẽ tham gia bào chữa những vụ kiện lớn và con sẽ thành công.

- Sau đó thì sao? Thánh nhân hỏi tiếp.

- Rồi con nổi tiếng, con sống thoải mái hạnh phúc, giàu sang.

- Rồi sao nữa? Nghe hỏi tiếp, người thanh niên hơi bối rối.

- Dĩ nhiên rồi con cũng chết như mọi người.

Thánh nhân vẫn tiếp tục câu hỏi cũ:

- Sau đó thì sao? Con sẽ là gì khi xuất hiện trước phiên tòa cuối cùng? Con sẽ là bị cáo và Thiên Chúa sẽ là thẩm phán tối cao?

Chàng trai im lặng cúi đầu. Từ đó anh suy nghĩ nhiều về ý nghĩa cuộc đời.

Cuộc sống của mỗi người đều có một sứ mệnh do Chúa trao ban. Có thể đó là một nguồn vốn, một tài năng, một nhiệm vụ. Và sẽ có lúc Chúa đòi ta tính sổ lại với Người. Điều đó chắc chắn, và cũng chắc chắn là ta không biết thời gian phải tính sổ đó là lúc nào.

Để ứng phó với vấn đề này, Chúa dạy ra luôn luôn tỉnh thức. Trong Tin Mừng, Chúa nhắc nhở nhiều lần: Hãy cẩn thận, hãy luôn tỉnh thức. Ở đây, có thể hiểu về việc tính sổ cuối cùng của cuộc đời mỗi người. Ai cũng phải sẵn sàng, bất cứ lúc nào, vì không ai biết ngày giờ Chúa tới. Chúng ta cứ ước mơ, cứ xây dựng và dự tính tương lai, nhưng đừng khi nào quên mục đích cuối cùng của cuộc đời và phải luôn tâm niệm: tất cả đều do Chúa ban và sẽ có lúc Chúa đòi ta tính sổ. Chúa như một ông chủ đi xa, Ngài trao cho các tôi tớ Ngài mỗi người một phần vốn, và một nhiệm vụ cụ thể. Mỗi người phải tự mình xoay xở làm thế nào cho vốn Chúa ký thác được sinh lời.

Cha Charles de Foucault nói: “Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay”. Đó là một lời khuyên khôn ngoan, một lời khuyên lặp lại lời nhắn nhủ của chính Chúa: “Hãy tỉnh thức, vì các con không biết giờ nào chủ sẽ về”.

Nhưng thái độ “tỉnh thức” không chỉ ứng dụng vào cái chết, chúng ta còn phải luôn luôn tỉnh thức trong cuộc sống hằng ngày, nhớ mình đang tham dự một cuộc chiến đấu gay go, trường kỳ. Phải cẩn thận đón nghe, suy niệm Lời Chúa, nếu không, ta sẽ là người nghe mà không hiểu gì (Mc 4,12); cẩn thận tránh men biệt phái và men Hêrôđê (Mc 8,15); cẩn thận đừng lầm lạc theo các ngôn sứ giả mạo có cả những kẻ mạo danh Đức Kitô mà đánh lừa chúng ta (Mc 13,5.23). Phải cầu xin Chúa trợ giúp để biết luôn tỉnh thức hầu sống một đời Kitô hữu trung tín, xứng đáng với các ân huệ Chúa trao ban.

Lạy Chúa, chúng con tin rằng Chúa đang đến và sẽ đến với chúng con bằng nhiều cách. Xin ban Thánh Thần cho chúng con, nhờ Người trợ giúp, chúng con biết tỉnh thức, kiên trì cầu nguyện, suy niệm và thực hành Lời Chúa mỗi ngày; nhờ Người, chúng con biết đón nhận những vui buồn trong cuộc sống như hồng ân Chúa ban. Chúng con xin tạ ơn Chúa.


 

31. Tỉnh thức – ĐGM. Nguyễn Sơn Lâm

(Trích dẫn từ tập sách ‘Giải Nghĩa Lời Chúa’ của Đức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

Mở đầu niên lịch Phụng vụ, ba bài đọc Thánh Kinh của Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng năm nay phác họa lại cho chúng ta một vài thái độ trong khung cảnh sống của Dân Chúa: ngay giữa đêm tối của thử thách, nghi ngờ, phấn đấu, tội lỗi, Dân Chúa đã cùng nhau tự thú những lỗi phạm của mình, cương quyết sống trung kiên mong chờ ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu Kitô trong niềm tin tưởng và thái độ tỉnh thức.

Quả vậy, bài đọc Isaia 63,16-64,7 trình bày lại bối cảnh của đoàn dân Thiên Chúa sau thời Lưu đày. Kinh nghiệm ê chề của những năm tháng sống kiếp nô dịch trên phần đất ngoại bang đã đem lại cho họ một ý thức tập thể về những lỗi phạm của mình. Họ ngước mắt nhìn về Thiên Chúa là Cha để thốt lên lời khẩn nguyện: "Ôi phải chi Người xé trời ngự xuống, thì núi non cũng sẽ tiêu tan trước Nhan Ngài". Tâm trạng hối lỗi và tha thiết khẩn nài ơn cứu độ đã giúp Dân Chúa nhận định lại ơn gọi của mình để sống trọn vai trò chứng nhân trung thành giữa muôn dân qua thân phận mỏng dòn và hèn yếu của cuộc sống con người.

Bảy thế kỷ sau, khoảng 25 năm sau ngày Đức Kitô về trời, thánh Phaolô cũng đã nhắc nhở lại ơn gọi thực sự của người Kitô hữu: không những chỉ ý thức những sai lỗi của mình, nhưng còn phải sống vươn lên mong chờ ngày Đức Kitô trở lại. Các cộng đoàn tín hữu tiên khởi đã sống trong hoàn cảnh hồi hộp, nao nức mong chờ ngày trọng đại đó. Những lời nguyện: "Maranatha, Lạy Chúa, xin hãy trở lại" (1Cr 16,22) càng đặt họ vào tâm trạng xao xuyến và đầy xúc động. Ngài ở đây! Ngài ở kia! (2Th 2,2). Và có khi vì mỏi mệt đợi chờ, họ đã không ngần ngại thốt lên: "Có lẽ Ngài đến chậm".

Tâm trạng khắc khoải đó cần bắt gặp được một cái gì vững chắc củng cố lòng tin tưởng: nếu không, thái độ tỉnh thức mong chờ của họ sẽ hão huyền, ảo vọng.

Quả vậy, mỗi lần cử hành nghi lễ bẻ bánh, cộng đoàn dân Chúa vẫn long trọng tuyên xưng lại niềm tin của mình:

"Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến".

Nỗi lòng mong chờ khắc khoải đó như được xoa dịu và soi sáng bởi lời Đức Kitô trong đoạn Tin Mừng theo thánh Marcô 13,33-37. Ngài như một chủ nhà phải ra đi, vắng xa và vắng lâu. Sau khi trao phận sự quản lý cơ nghiệp cho gia nhân, mỗi người theo chức vụ của mình, Ngài đặc biệt tín cẩn và căn dặn người canh cửa: "Hãy tỉnh thức". Phải, hãy tỉnh thức để đón chờ ngày tái ngộ. Cuộc tái ngộ có thể xảy ra một cách rất bất ưng vào một lúc nào đó trong ban đêm. Gia nhân và nhất là người canh cửa phải tỉnh thức, luôn sống trong ánh sáng ban ngày để không ngái ngủ, không thất hứa với chủ nhà trước lúc ra đi.

Đặt đoạn văn trên vào khung cảnh lịch sử cứu độ, giữa ngày về trời và ngày trở lại của Đức Kitô, chúng ta có thể nói, thái độ tỉnh thức đó chính là thái độ của Giáo hội, của toàn dân Chúa và nhất là của những người hữu trách các cộng đoàn.

Nhưng tại sao phải tỉnh thức?

Vì trước tiên, đó là ý muốn, là mệnh lệnh của chủ nhà. Để cho cửa nhà êm ấm, an toàn và trường tồn, phận sự của người canh cửa, không phải chỉ lo bảo vệ ngôi nhà, mà còn phải lưu tâm đến những người sống trong đó.

Ngoài ra, tỉnh thức còn là thái độ của một gia nhân trung thành đối với người đã tín nhiệm, ủy thác trách vụ cho mình. Và chắc chắn niềm vui của ngày tái ngộ sẽ trọn vẹn nếu chủ nhà gặp được gia nhân trong tư thế đợi chờ và sẵn sàng.

Hơn thế nữa, tỉnh thức cũng là để khỏi rơi vào giấc ngủ! Mà thường người ta chỉ ngủ lúc ban đêm, trong bóng tối! Theo nghĩa Thánh Kinh, ban đêm, bóng tối, gợi lên cho chúng ta hình ảnh một môi trường đầy nguy hiểm, đầy thử thách. Bóng đêm đối nghịch lại ánh sáng ban ngày. Đó là chiều kích thử thách của cuộc sống. Nó đưa đến tội lỗi, đau khổ, sự dữ... Nó đưa đến sa ngã, nản chí, nghi ngờ. Người canh cửa có thể bội phản người thân xa vắng, để chạy theo những quyến rũ của kẻ khác, của ngẫu tượng đồng lõa với bóng đêm.

Và tỉnh thức như thế nào?

Phải chăng là thắp đèn ngồi chờ? Là sống trong tâm trạng viễn vông! Không! Đọc lại Thánh Kinh và lịch sử dân Chúa, chúng ta thấy việc tỉnh thức đợi chờ không phải là một thái độ thụ động. Nhưng là một hành vi ý thức của người hiểu biết lý do.

Vì thế, thái độ tỉnh thức của Giáo hội và đặc biệt của những người hữu trách dân Chúa phải sống động và đầy tính chất sáng tạo. Đó là thức tỉnh hiệp thông với người bạn của mình. Đó là thái độ của một người bạn trung thành, cởi mở để luôn lắng nghe lời nói của bạn mình. Như thế, tỉnh thức đối với Giáo hội, có nghĩa là không ngừng chiến đấu để sinh tồn, để trung thành với Lời Chúa. Dầu xa vắng, nhưng hầu như tiếng nói, lời hứa và sự hiện diện của Ngài luôn xoáy động trong lòng Giáo hội và chi phối mọi sinh hoạt của dân Chúa. Với ánh đèn soi sáng và sưởi ấm đó, Giáo hội như có một nghị lực để cảm thông và tìm ra được ý muốn của Ngài qua mọi biến cố trong cuộc sống, qua mọi dấu chỉ thời đại.

Sự đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối tạo nên trong tâm hồn mỗi người và trong đời sống Giáo hội một sự giằng co căng thẳng, mà chúng ta phải dùng như một đà tiến để vươn lên, Giáo hội có phận sự rút kinh nghiệm từ các sự kiện xảy ra trong lịch sử quá khứ và hiện tại để sửa chữa lỗi lầm, tự thanh luyện mình để tiến tới sự hoàn thiện như Chúa Kitô mong muốn. Đặc biệt Giáo hội phải sẵn sàng từ bỏ địa vị ưu thế trong xã hội để chấp nhận thân phận đầy tớ phục vụ chủ nhà mình và anh em.

Để tỉnh thức chờ Chúa đến, Giáo hội phải nhẹ lòng đối với của cải trần thế và dứt khoát với những quyến rũ của các ngẫu tượng. Khi làm như thế, Giáo hội thực sự đang cầm đèn trong tay sẵn sàng đợi Đức Kitô, vì ngày trở lại của Ngài sẽ xảy tới bất chợt.

Đồng thời, nếp sống của Giáo hội sẽ là ánh sáng thức tỉnh mọi người để họ nhận ra Đức Kitô là Đấng Cứu Thế đích thực. Giáo hội đang mang trong lòng sức sống và động lực thúc đẩy chính mình và cả thế giới tiến lên gặp Đức Kitô. Thế nên, tỉnh thức là phận sự cần thiết của những con người chứng nhân cho ánh sáng. Và Giáo hội phải là kho dự trữ sức sống phong phú và sung mãn chuẩn bị cho mọi người đón nhận thời viễn lai. Vì thế, khi hướng về ngày Chúa Kitô trở lại, Giáo hội quả là niềm hy vọng cho toàn thể thế giới và vũ trụ.

BÀI GIẢNG

1. Đời sống con người, có thể nói, bao giờ cũng bao hàm một khía cạnh đau thương khổ sở. Không phải chỉ thời nay mới khổ; thời trước cũng đã khổ rồi và bao lâu còn sống ở trần gian thì con người vẫn phải chịu đựng hy sinh và đau khổ. Bài sách Isaia chúng ta đọc hôm nay, đã được viết ra sau thời dân Dothái bị lưu đày bên Babylon. Bài sách ấy cho ta thấy rằng: tuy hết bị lưu đày, nhưng dân Dothái vẫn tiếp tục gánh chịu đau khổ. Điều làm cho họ đau khổ nhất, chính là họ nhận thức ra rằng họ đã "đi lạc xa đường Chúa", đã "phạm tội" và "đã bị phó mặc cho quyền lực tội lỗi".

Tội lỗi của con người, đó chính là nguyên nhân sâu xa gây nên mọi đau khổ. Bài sách Isaia hôm nay thôi thúc ta nhìn vào khổ sở hiện tại như là tiếng gọi cảnh tỉnh ta nhận thức tội lỗi của mỗi người và của cả nhân loại để mau hoán cải trở về với Thiên Chúa. Ngài là Cha yêu thương, là Đấng cứu độ nhân từ và luôn luôn trung thành với lời Ngài đã hứa.

Những khó khăn kinh tế hiện nay cũng gây nên cho ta những khổ sở, nhưng ta nên biết rằng đó là hậu quả không thể tránh được của một nước vừa bị 30 năm chiến tranh tàn phá như nước ta. Và chúng ta, người công giáo còn phải nhìn nhận như dân Chúa thời xưa "Này Chúa thịnh nộ vì chúng tôi đã phạm tội". Với ý chí đổi đời và cải tạo, với quyết tâm từ bỏ mọi ích kỷ cá nhân, mọi tham lam và hận thù, Chúa sẽ ban cho ta nguồn nghị lực mới để xây dựng một xã hội tốt đẹp và huynh đệ hơn.

2. Trong công cuộc này, chúng ta hãy lắng nghe những lời đầy an ủi trong thư thánh Phaolô: "Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì anh em được đầy tràn mọi ơn, trong khi mong chờ Đức Kitô lại đến". Thánh Phaolô ảo tưởng, không nhìn thấy thực tế sao? Ngài không ảo tưởng. Ngài biết rõ các giáo đoàn của ngài. Họ là dân không giàu có, không thế lực. Nhưng hết thảy họ là những người được kêu mời hiệp nhất với Con Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô. Phải, chúng ta là những con người như thế. Chúng ta đừng chỉ nhìn vào đời sống vật chất của mình để thấy xót xa vì thiếu thốn, nhưng còn phải biết nhìn vào tâm hồn, vào tinh thần, vào thiên chức được làm con cái Thiên Chúa, được vinh dự phát huy tình yêu của Ngài đối với trần gian.

Chúng ta cũng hãy hãnh diện, tin vào ý kiên trì của dân tộc Việt Nam trong quá khứ, đã khắc phục được bao khó khăn để vươn lên trong tư thế độc lập tự do, thì trong tương lai cũng sẽ thành công trong việc xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, ấm no và có tình yêu thương giữa mọi người đồng bào cùng máu mủ.

3. Mùa Vọng nhắc lại cho ta cả hai chân lý ấy, một đàng dân Chúa như đang lầm than khổ sở, nhưng đàng khác cũng chính dân ấy đã được bảo đảm một tương lai tốt đẹp, trước hết theo ý nghĩa tinh thần, nhưng sau đó cũng kèm theo tất cả mọi khía cạnh được Chúa thánh hóa để làm nên hạnh phúc toàn diện cho con người. Thế nên, Đức Kitô trong bài Tin Mừng hôm nay dạy ta hãy tỉnh thức đừng mê ngủ. Những than vãn, thở dài, chỉ làm cho thân xác rũ xương và đời sống trở nên đen tối. Trái lại, nếu tỉnh táo, nhìn về tương lai với niềm tin vững mạnh, thì một chân trời mới đang dần dần mở ra trước mắt ta.

Người tín hữu cũng sống trong trần gian và phải hy sinh gian khổ như mọi người. Nhưng nhờ niềm tin như đèn sáng trong tay, chúng ta là những người đang tỉnh thức chờ Đức Kitô trở lại: Ngài là Chúa đem lại hòa bình, là Đấng cứu độ trần gian. Thế nên, lòng ta tràn đầy hy vọng và ta có phận sự chiếu tỏa niềm hy vọng phấn khởi ấy chung quanh ta.

4. Chúng ta hãy mạnh dạn tuyên xưng niềm tin của Giáo hội chúng ta, trước khi đem cuộc đời lam lũ đặt vào đĩa thánh, hiến dâng sự sống và con người của ta cho vinh quang Nước Trời mà Chúa đang dành cho các con cái của Người.


 

32. Hãy canh thức, hãy sẵn sàng

Anh chị em thân mến.

Trong những ngày này của thời đại chúng ta đang sống, mọi người hết sức lo âu trước căn bệnh của thời đại. Đó là những người bị nhiễm HIV và rơi vào căn bệnh AIDS, gọi là bệnh liệt kháng, làm cho con người mất hết sức đề kháng trong cơ thể. Rất nhiều lời cảnh báo về căn bệnh nầy qua nhiều cách: với phương tiện truyền thông hiện đại, qua TV, qua báo chí và phương tiện truyền thanh, biểu ngữ, tranh ảnh. Mọi người đều nhận được lời cảnh báo này. Nhưng theo số liệu thống kê, thì hằng ngày tại Việt Nam có khoảng thêm một trăm người rơi vào căn bệnh thời đại này. Những người này cũng nghe, cũng nhìn thấy, cũng được kêu gọi nhắc nhở rất nhiều lần, nhưng họ vẫn rơi vào điều nguy hiểm đó. Họ nghe, họ nhìn thấy, họ được nhắc nhở, nhưng tất cả những thứ đó không thức tỉnh được con người của họ, không lay chuyển được họ, không làm họ thay đỗi cuộc sống của mình được. Họ vẫn cứ ung dung tự tại sống theo những gì đã sống mà không cần phải thay đỗi. Họ cứ nhắm mắt, bịt tai lại để có thể tự do sống theo những gì mình thích, không cần biết đến hậu quả như thế nào. Những lời cảnh báo nhắc nhở, không hiệu quả với những người như thế.

Bước vào Mùa Vọng, một lần nữa lại vang lên những lời quen thuộc mà mọi người đã nghe rất nhiều. "hãy tỉnh thức, hãy chuẩn bị tâm hồn để chờ đón Chúa đến...". Những lời nầy đã vang lên rất nhiều lần và từ rất lâu, kéo dài qua mọi thời đại, mãi cho đến ngày hôm nay vẫn còn vang lên. Vậy mà cũng có nhiều người bị bất ngờ khi Chúa đến, không có chuẩn bị được gì khi hoàn cảnh cần thiết đòi hỏi họ. Những người đó cũng được nghe, được kêu mời hết sức thống thiết. Những người đó là những người thuộc hết những lời kêu mời, những lời nhắc nhở. Nhưng những gì họ nghe và biết đó không giúp gì được cho cuộc sống của họ. Họ không thi hành.

Mỗi người trong chúng ta, một lần nữa lại nghe những lời kêu mời hết sức quen thuộc: "hãy tỉnh thức và sẵn sàng...". Chúng ta bảo rằng: mình đang tỉnh thức đây, đang sẵn sàng đây, rồi có lẽ cũng như những lần nghe trước, những lời nầy rồi cũng qua đi.

Bao nhiêu mùa vọng đã đến và đi trong đời sống chúng ta? bao nhiêu lần những lời nhắc nhở đến bảo chuẩn bị, nhưng cho đến ngày hôm nay một lần nữa cũng những lời như thế. Mỗi người trong chúng ta cùng nhau để một chút suy tư, hồi tâm, nhìn lại cuộc sống đời người của chính mình.

Chúng ta tự bảo rằng: mình đang sẵn sàng, mình đang tỉnh thức, không cần phải thay đỗi hay chuẩn bị gì thêm. Những gì của hiện tại đã quá đủ, quá tốt, nên những lời mời gọi trở nên dư thừa. Những lúc đó con người của chúng ta không còn tỉnh thức đủ để lắng nghe, không biết sẵn sàng để đón nhận, vì giấc ngũ của sự tự mãn đã lấp đầy cuộc sống, làm cho con người trở nên mê muội không còn biết gì bên ngoài đưa tới nên không thể tiếp nhận được. Vì mãi mê trong giấc ngũ nên cũng không thể lắng nghe được những gì mà Thiên Chúa kêu mời để làm cho đời sống mình trở nên mới hơn.

Nếu có lúc nào đó trong cuộc sống, chúng ta chợt giậc mình khi nghe lời kêu mời: "hãy tỉnh thức, hãy sẵn sàng"; để nhìn thấy cuộc sống của mình cần thay đổi. Chúng ta chợt giậc mình vì thấy những việc làm của mình không có mục đích, không phục vụ được ai, chỉ thoả mãn những gì hết sức riêng tư của cuộc sống. Cũng chợt giật mình vì những lời nói gây đau thương cho nhiều người, có khi là những lời nói ngay ý nhưng thiếu suy nghĩ, cũng có khi là những lời cân nhắc hết sức chi li và toan tính nhiều ngày.

Nếu chúng ta lắng nghe lời mời goi và tỉnh thức thật sự, biết sẵn sàng phục vụ để những việc làm mang lại niềm vui cho nhiều người, những lời nói đem lại sức sống, đem lại sự cảm thông và an bình cho những người chung quanh. Khi đó thật hạnh phúc cho chúng ta, vì mọi sự trong tình trạng sẵn sàng như Chúa muốn và Ngài có thể đến với chúng ta bất cứ giờ phút nào, không lo sợ những gì bất ngờ xảy đến.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa soi sáng cho mỗi người biết lắng nghe lời Chúa, để biết luôn sẵn sàng trong cuộc sống hiện tại mà đón chờ Chúa đến.


 

home Mục lục Lưu trữ