Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 54
Tổng truy cập: 1379523
DỌN ĐƯỜNG ĐÓN CHÚA ĐẾN
DỌN ĐƯỜNG ĐÓN CHÚA ĐẾN– Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Có vô vàn ngăn trở khiến con người không thể đến được với nhau.
Ngăn cách vì tường cao luỹ sâu, vì đồi núi chập chùng hiểm trở đã hoá thành xưa cũ, không còn là vấn đề đối với phương tiện đi lại tân tiến hôm nay.
Ngăn cách vì đường xa thiên vạn lý đã dần dần bị thu ngắn lại; hai người ở cách nhau nửa quả địa cầu có thể gặp nhau sau một vài ngày lên máy bay.
Thậm chí ngăn cách giữa các hành tinh xa xôi diệu vợi cũng đã được bắc cầu.
Bên cạnh những ngăn cách về không gian, về đường sá thì ngăn cách về quan điểm, về ý thức hệ đáng quan ngại hơn nhiều.
Đã có thời, ngăn cách bởi ý thức hệ (cộng sản và tư bản), bởi những quan điểm và chủ trương khác nhau, đã tạo nên những chia cắt rất sâu sắc giữa cộng đồng nhân loại, tạo nên những khoảng cách tưởng chừng không bao giờ có thể vượt qua. Vậy mà hôm nay những chia cắt như thế xem ra đã được thu hẹp rất nhiều.
Rốt cuộc, chỉ còn ngăn cách vô hình trong lòng người, do lòng hận thù, do ghen tị, do hiểu lầm nhau mới là ngăn cách đáng quan ngại nhất và tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử loài người.
Những ngăn cách loại nầy đã khiến cho hai người láng giềng cách nhau một bức vách không thể đến với nhau được, khiến cho hai người bạn cùng chung sở làm không nhìn mặt nhau; thậm chí hai anh em ruột thịt, hai vợ chồng chung sống dưới một mái nhà, ngồi quanh một mâm cơm, nhưng tâm hồn xa nhau vạn dặm.
Con người đã xây dựng được nhiều nhịp cầu thật dài và kiên cố, bắc qua những dòng sông rộng mênh mông, để nối kết đôi bờ; nhưng ai có thể xây dựng những nhịp cầu thiêng liêng để kết nối những tâm hồn xa cách?
Thánh Gioan Tẩy Giả là người được sai đến để dựng xây những nhịp cầu như thế.
Theo Tin Mừng hôm nay, Ngài được sai đến làm tiền hô, làm kẻ bắc cầu, dọn đường cho Chúa đến:
“Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho
thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.”
Phải dọn đường đón tiếp Chúa thế nào đây?
Người ta thường rất sùng mộ Thiên Chúa uy linh ngự trên cõi trời cao thẳm mà lãng quên các chi thể của Ngài đang sống kề cận quanh mình. Chính những chi thể của Thiên Chúa quanh ta mới cần ta dọn đường để đón tiếp.
Chúa Giê-su luôn nhắc nhở chúng ta nhớ rằng Ngài đang hiện diện trong các anh chị em chung quanh và những gì chúng ta làm cho những người chung quanh là làm cho chính Ngài. (Mt 25, 40)
Vậy thì dọn đường Chúa đến với ta không gì khác hơn là dọn đường cho anh chị em chung quanh có thể đến được với mình.
Các chủ quán Bê-lem hôm xưa khước từ hai người lữ hành lạc lõng đi tìm chỗ trọ (thánh Giu-se và Mẹ Maria) là trực tiếp khước từ Thiên Chúa.
Hài Nhi Giê-su phải sinh trong chuồng bò vì con người đã không tiếp nhận con người. Tất cả những ai hành xử như thế với người chung quanh sẽ bị Chúa Giê-su cảnh cáo: “Ta là khách lạ mà các ngươi không tiếp rước” (Mt 25, 43)
Vậy thì đón tiếp Chúa không là gì khác ngoài việc hoà thuận tiếp nhận mọi người không trừ ai.
Dọn đường đón Chúa không là gì khác ngoài việc xoá bỏ đi những ngăn cách do chúng ta dựng lên giữa mình với tha nhân mà chúng ta giáp mặt hằng ngày.
Chỉ khi nào giữa chúng ta và mọi người chung quanh không còn phân li ngăn cách, ấy mới là lúc đường sá đã dọn xong và Chúa mới có thể đến được với mình.
SÁM HỐI- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ
Gioan con Zacaria xuất hiện rao giảng sám hối. Đây là sứ điệp tiên tri Barúc đã từng loan báo: “hãy dọn đường cho Chúa, thung lũng hãy lấp đầy, đồi núi hãy san phẳng…”. Dân Do Thái mong chờ Chúa, hàm chứa, Chúa sai vị Thiên Sai (Kitô) để giải phóng họ khỏi cảnh lưu đầy ở Babylon. Tiên tri đã loan báo phải bạt các núi đồi, san phẳng những thung lũng để dân Chúa trở về. Người ta sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa qua việc Ngài đưa dân từ nơi lưu đầy trở về quê hương. Điều này xảy ra khi vua Kyrô người Ba Tư ban hành chiếu chỉ cho dân Do Thái lưu đầy được trở về quê cha đất tổ. Dân Do Thái vui mừng. Họ nhận ra Thiên Chúa yêu thương họ. Mỗi người đều được mời gọi trở về để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa.
Sám hối để có thể sống hạnh phúc
Sám hối hàm chứa nhận ra mình chưa sống như phải sống. Thiên Chúa vẫn yêu thương và mời gọi con người sống tốt hơn, sống như Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa muốn tôi sống hạnh phúc. Tôi có hạnh phúc như Thiên Chúa muốn không? Tại sao tôi không hạnh phúc?
Phải chăng tôi đang quá bận tâm lo lắng về cơm ăn áo mặc? Phải chăng tôi muốn có nhiều tiền, tôi muốn có những gì cần thiết về của ăn áo mặc cho tôi và những người thân yêu trong khoảng thời gian an toàn? Phải chăng tôi muốn có sự an toàn của người phú hộ ”hãy ngủ nghỉ yên vì ngươi có nhiều của” (Lc.12, 13-21)? Phải chăng tôi lo lắng mọi sự và không biết rằng Thiên Chúa yêu tôi, Ngài sẽ cho tôi những thứ tôi thật sự cần (Mt.6, 25-34)?
Tôi có buồn bực vì không được người tôi yêu đáp trả? Tôi có thông cảm nỗi lòng của người tôi yêu, có thể họ cũng yêu ai đó mà cũng không được đáp trả? Tôi có muốn người khác yêu tôi, và tôi không cần biết những bận tâm và ao ước của người tôi yêu? Nếu tôi không chấp nhận con người của tôi, và nếu tôi không tôn trọng tự do của người khác, thì làm sao tôi có thể sống hạnh phúc đích thực?
Yêu thương để sống hạnh phúc
Con người tùy thuộc nhiều yếu tố để sống hạnh phúc. Có lẽ khi dân lưu đầy trở về, sẽ gặp nhiều vấn đề phát sinh: chẳng hạn vấn đề nhà cửa, cơm bánh hằng ngày, vấn đề tương giao giữa con người với nhau, vấn đề phát triển tối đa con người của mình. Chỉ cần không dung hợp hài hòa những điều trên, con người cũng không cảm thấy hạnh phúc; hoặc nữa, nếu con người muốn một điều gì “quá mức” mà không có được, họ cũng không cảm thấy hạnh phúc. Đức Phật đã đề xuất lý thuyết “diệt dục”, đừng muốn nữa, thì sẽ không khổ. Đức Yêsu dạy con người: hãy yêu thương nhau (Ga.13, 34), nghĩa là, muốn điều tốt cho người khác, vui với người vui khóc với người khóc, giúp người khác triển nở và hạnh phúc.
Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa làm tất cả vì yêu. Con người được mời gọi để trở nên giống Thiên Chúa, được mời gọi để chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa. Chính khi con người nên giống Thiên Chúa, thì con người được hạnh phúc. Con người được mời gọi để sống yêu thương như Thiên Chúa là Đấng yêu thương. Chính khi con người sống yêu thương, thì con người được hạnh phúc. Cho đi thì hạnh phúc hơn là nhận. Con người hạnh phúc khi phục vụ và giúp người khác triển nở.
Hãy lấp bằng những hố sâu ngăn cách, hãy bạt những núi đồi kiêu kỳ làm ngăn trở mình sống yêu thương như Thiên Chúa. Mỗi người được mời gọi để nhìn lại chính mình, để thấy mình chưa sống như Thiên Chúa muốn, để thấy mình chưa yêu thương như Thiên Chúa mời gọi, để trở lại với Thiên Chúa là Đấng làm tất cả vì yêu thương.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Chính khi yêu thương là đã hạnh phúc! Bạn có kinh nghiệm về điều này không?
2. Yêu là làm đẹp mình, bạn có đồng ý với câu nói này không? Xin dẫn chứng.
CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU- Trích Logos C
Vào lúc 8g45 ngày 7 tháng 11 năm 2003 vừa qua, đường hầm xuyên đèo Hải Vân đã được chính thức thông hầm kỹ thuật và khoảng 1 năm nữa thì sẽ đưa vào xử dụng.
Đây là đường hầm dài nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á do Việt Nam thiết kế và thi công:
Đường hầm dài 6247 m, rộng 11,9 m, cao 7,5 m, lớp bê tông của vỏ hầm dầy 30 cm, xuyên thẳng qua dãy núi có đường đèo rất nguy hiểm.
Đường hầm này sẽ thay thế cho đường đèo Hải Vân dài 21 cây số, ở độ cao 496 m so với mực nước biển, với những đường dốc quanh co liên tục như rắn lượn. Đường đèo Hải Vân là nỗi khiếp sợ kinh hoàng cho mọi người đi qua: khi qua đèo người ta có thể nhìn thấy mây và sương mù ngay trước mặt, bên cạnh là những vực sâu thăm thẳm.
Người ta thống kê mỗi năm trung bình có 23 người thiệt mạng và bị thương trên đường đèo nguy hiểm này : như thế thì đã có hàng ngàn người đã bị chết và bị thương trên đường đèo tử thần này.
Từ nay với đường hầm thẳng tắp, bằng phẳng rất hiện đại này, chúng ta có thể đi lại một cách an toàn.
Ngày nay, trên thế giới có nhiều con đường rất hiện đại tân tiến do những kỹ sư và những kiến trúc sư tài ba xây dựng. Thế nhưng, người ta lại không quan tâm để xây dựng những con đường tinh thần :
Những con đường của tình yêu thương liên đới nối liền từ trái tim này đến trái tim khác.
Con đường của tình huynh đệ đại đồng nối liền quốc gia này đến quốc gia khác, dân tộc này với dân tộc khác.
Những con đường của tám mối phúc thật dẫn đưa con người đến gặp gỡ Đức Kitô là Hạnh Phúc Vĩnh Cửu và Chân Thật. Đó là những con đường nên thánh của các vị thánh trong Giáo Hội đã đi qua :
Con đường tình yêu đơn sơ của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu.
Con đường khó nghèo và yêu chuộng hòa bình của thánh Phanxicô Assisi.
Con đường trinh khiết và thanh bần của Đức Maria và Thánh Cả Giuse.
Con đường trở về từ những đam mê và tội lỗi của thánh Augustinô.
Con đường đức tin trung kiên và anh dũng của các vị Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Con đường yêu thương phục vụ người nghèo khổ của Mẹ Têrêxa Calcutta.
Con đường Hy Vọng của Đức Cố Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận : con đường ấy đã được ngài xây dựng với sự gian nan và đau khổ : hơn 13 năm lao tù với bức bách và dày vò. Người Linh mục, người Giám Mục ấy đã từng chết đi sống lại nhiều lần; người Linh mục, người Giám Mục ấy đã từng dâng lễ với 3 giọt rượu, 1 giọt nước trong lòng bàn tay trong trại giam; người Linh mục, người Giám Mục ấy luôn luôn là người lữ hành cô đơn trên con đường đau khổ, nhưng lại là con đường luôn tỏa sáng niềm Hy Vọng rạng ngời.
Và đặc biệt con đường Thập giá mà Đức Kitô đã đi qua : con đường dẫn tới đỉnh đồi Calvê để chết cho mọi người chúng ta.
Tất cả những con đường ấy đều có chung một tên gọi : CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU.
Hôm nay, Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng, Phúc Âm Luca nhắc đến một Vị Kiến Trúc Sư Tinh Thần Vĩ Đại là Thánh Gioan Tẩy Giả : ngài đã kêu gọi hãy xây dựng con đường tinh thần, dọn đường cho Chúa đến bằng sự Sám Hối và Hoán Cải :
Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng
Hãy lấp mọi hố sâu, hãy bạt mọi núi đồi.
Con đường cong queo hãy sửa cho ngay
Con đường gồ ghề hãy san cho bằng … (Lc 3, 1-6)
Tiên tri Baruc trong Bài đọc 1 cũng kêu gọi dân Israel hãy xây đắp một con đường tinh thần : con đường hồi hương trở về sau những tháng ngày lưu đày thống khổ : đó là con đường vinh quang và đầy hy vọng… (Ba 5, 1-9).
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philip cũng kêu gọi xây dựng con đường của tình bác ái và sự trong sạch cho đến ngày Chúa lại đến trong vinh quang… (Pl 1, 4-6)
Đó là những con đường tinh thần phải được xây dựng nơi tâm hồn chúng ta :
Những con đường thẳng tắp không gian dối lừa lọc.
Những con đường bằng phẳng vượt qua những thung lũng của sự hận thù ghen ghét.
Những con đường xuyên suốt của tinh thần sám hối ăn năn, xuyên qua những núi đồi tội lỗi.
Đó chính là những con đường ngắn nhất để chúng ta có thể đến với nhau.
Đó cũng là con đường ngắn nhất để chúng ta đến với Chúa.
Và cũng là con đường ngắn nhất để Chúa đến với ta.
Tại sao trong Mùa Vọng này chúng ta không biết xây đắp con đường tình yêu ấy?
Khái Hưng và Nhất Linh có viết chung 1 truyện ngắn rất hay : truyện đó mang tựa đề : “Anh phải sống”.
Vợ chồng anh Thức là 1 đôi vợ chồng nghèo : hằng ngày phải đi vớt củi trên sông đem bán để mua gạo nuôi con : Anh chị có 3 người con nhỏ – đứa con trai gọi là thằng Cu, 2 đứa con gái : gọi là cái Nhớn và cái Bé.
Buổi sáng hôm ấy, 2 vợ chồng anh Thức dong Bè ra sông Hồng để vớt củi. Sau khi vớt được một bè đầy củi, anh chị định đẩy bè vào Bờ. Thì Bất ngờ, một cơn giông ập tới, bầu trời thì đen kịt, sấm sét chớp giật khắp nơi. Chỉ một lúc sau, một cơn mưa tầm tã như trút nước đổ xuống.
Hai vợ chồng anh Thức vội vã đẩy bè củi vào Bờ. Nhưng không kịp rồi ! một cơn lũ cuồn cuộn đầy hung bạo từ thượng nguồn đổ về. Dòng nước lũ đỏ ngầu như điên như cuồng cuốn phăng đi tất cả ! Chiếc bè của vợ chồng anh Thức cũng bị cuốn trôi đi. Anh chị đành bỏ bè củi để bơi vào bờ cứu lấy mạng mình.
Nhưng với một giòng nước chảy xiết như thế, chỉ có anh Thức là có đủ sức chống chọi, còn chị Thức thì phó mặc cho dòng nước cuốn đi. Anh bèn nắm lấy chị, vừa ôm vợ, vừa bơi vào bờ.
Nhưng sức con người chỉ có hạn. Được 1 lúc, thì tai anh ù đi, mắt anh hoa lên, tay chân anh rã rời kiệt quệ !
Thỉnh thoảng chị hỏi thều thào bên tai anh : anh còn đủ sức không ? Anh chỉ gật đầu. Làm sao đây ? Anh Thức nghĩ : “nếu chết thì chết cả”. Chị Thức nghĩ : “nếu anh sống thì cả 3 đứa nhỏ cũng sống !”
Thế rồi một lúc sau, anh Thức nghe văng vẳng bên tai tiếng của vợ: “Thằng Cu, cái Nhớn, cái Bé ! Không ! Anh phải sống !”
Thế là chị giật mạnh, vùng ra khỏi tay anh, buông mình theo dòng nước cuốn trôi đi !
Chị chấp nhận chết để cho anh được sống !
Chị Thức đã chết để cho chồng con được sống !
Đức Kitô đã chết cho chúng ta được sống.
Đó là cái chết cho tình yêu.
Hôm nay chúng ta không chết thay cho người thân của chúng ta, chúng ta không chết cho tình yêu. Nhưng chúng ta được mời gọi để sống cho tình yêu : sống để hy sinh cho nhau, sống để phục vụ cho nhau.
Để được gọi là con đường tình yêu, thì con đường đó phải được xây dựng bằng chất liệu của sự hy sinh quên mình.
Đó chính là con đường tình yêu đẹp nhất mà chúng ta xây đắp trong Mùa Vọng này.
Đó cũng là con đường đẹp nhất mà Chúa Thánh Thể đến với chúng ta.
Và đó cũng là con đường đẹp nhất mà chúng ta đến với Ngài hôm nay.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam