Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 30

Tổng truy cập: 1380331

ĐỨC GIÊSU

Đức Giêsu.

Đức Giêsu là ai? Đó là một câu hỏi được đặt ra không phải chỉ trong thời Đức Giêsu còn ở dưới thế, mà còn được đặt ra ngay trong thời đại chúng ta ngày nay. Câu hỏi được đặt ra không phải chỉ vì tò mò muốn biết dư luận nghĩ sao về nhân vật Giêsu, nhưng nó được đặt ra để chờ đợi một câu trả lời có ảnh hưởng quyết định trên lối sống của người trả lời.

Ngày xưa, nhiều người Do thái trả lời rằng Giêsu cũng chỉ là một người nào đó như các tiên tri, như Êlia, như Gioan hay như bất cứ một tiên tri nào khác. Mà theo họ nghĩ, tiên tri là những người tuy rao giảng một giáo thuyết hay, tuy làm được một số việc lạ lùng hơn người, nhưng nhiều khi cũng quấy rầy cuộc sống bình an của họ. Bởi thế khi không muốn bị quấy rầy nữa thì họ không ngại giết chết các tiên tri: họ đã lùng bắt Êlia, họ đã bỏ tù Giêrêmia, họ đã chém đầu Gioan tẩy giả và họ cũng đã đóng đinh Giêsu.

Riêng Phêrô thì trả lời rằng Giêsu chính là Đức Kitô, nghĩa là một người có thừa khả năng để cứu rỗi đời mình và đáng cho mình đi theo cho đến hơi thở cuối cùng. Chính vì thế mặc dù muốn theo Thầy thì phải bỏ mình vác thập giá, nhưng Phêrô đã sẵn sàng trung thành với Thầy cho đến chết.

Giêsu là ai? Câu hỏi này ngày nay cũng gặp được nhiều câu trả lời khác nhau, và mỗi câu trả lời kéo lôi theo một nếp sống khác nhau. Có hai câu trả lời tiêu biểu sau đây ở trong 2 quyển tiểu thuyết:

. Quyển “The last temptation” (Cơn cám dỗ cuối cùng) mô tả Giêsu như một chàng thanh niên khỏe mạnh, đẹp trai, nhiều khả năng. Chàng có một người yêu tên là Mađalêna. Nhưng một ngày nào đó, Giêsu bỗng bị ám ảnh rằng mình không thể sống nếp sống tầm thường mà phải sống như siêu nhân. Vì thế chàng từ bỏ tình yêu của nàng Mađalêna và lên đường rao giảng một thứ giáo thuyết siêu nhiên. Mađalêna thất tình buông trôi cuộc đời trong nếp sống trụy lạc, đĩ thõa. Còn Giêsu thì thu thập được một số đồ đệ và hăng say truyền bá lý tưởng siêu nhiên. Nhưng lý tưởng đó lại không phù hợp với những mục đích chính trị của các tư tế, biệt phái và luật sĩ. Cho nên cuối cùng, Giêsu bị họ bắt và kết án đóng đinh. Trong những giây phút hấp hối trên thập giá, Giêsu bị hôn mê, cơn hôn mê khiến Giêsu nhìn lại cuộc đời của mình. Chàng mơ thấy mình từ bỏ lý tưởng siêu nhiên, cưới Mađalêna làm vợ, sinh được một bầy con ngoan, đẹp, sống rất hạnh phúc với gia đình, nhưng bị các đồ đệ và các tín đồ nhiếc móc. Giêsu bừng tỉnh dậy lắc đầu xua đuổi cơn cám dỗ ấy. (Giêsu đã chiến thắng cơn cám dỗ cuối cùng). Nhưng sau đó gục đầu tắt thở.

Đó là một câu trả lời, rằng: Giêsu chỉ là một người phàm, tuy người phàm này theo đuổi một lý tưởng siêu nhiên và do đó cũng đáng được người khác kính trọng, nhưng cái lý tưởng đó không thể thực hiện được. Thành thử chúng ta dù kính trọng Ngài nhưng không thể sống theo Ngài được.

Có lẽ đó là câu trả lời của rất nhiều người thời nay. Họ nhìn nhận Giêsu là một vĩ nhân, họ nhìn nhận đạo Đức Giêsu là đạo tốt. Nhưng cái đạo đó chẳng giúp ích gì cho cuộc sống. Cuộc sống của họ cần có vật chất, cần có tiền bạc, cần có sự nghiệp, công danh, chứ không cần đến lý tưởng tôn giáo bao nhiêu. Vì thế họ lao mình vào cuộc sống vật chất, để sang một bên những vấn đề lý tưởng tôn giáo cho hạng đàn bà, trẻ nít, hay có cho mình thì cũng là tới khi về già, gần đất xa trời.

. Câu trả lời thứ hai chúng ta gặp trong quyển “Quovadis”: quyển truyện này lấy khung cảnh thời hoàng đế Néron của đế quốc Lamã đang thịnh trị. Tất cả các nước chư hầu đều phải gửi một con tin sang thủ đô Rôma. Đó là một cách để bảo đảm sự tùng phục của các chư hầu. Trong số các con tin ấy có một nàng con gái đẹp tuyệt vời làm cho người cháu của hoàng đế Néron si mê. Chàng này vừa có địa vị, vừa có thế lực, vừa có bạc vàng. Chàng tin chắc mình sẽ chinh phục được con tim của người đẹp. Lúc đó bạo Cháu Néron cũng đang thẳng tay bắt giết những người theo đạo Đức Giêsu. Phêrô đã phải sợ hãi bỏ thành Rôma chạy trốn. Nhưng đang khi đi trên đường thì Phêrô gặp Đức Giêsu từ ngoài thành vác thập giá đi vào. Phêrô hỏi “Quovadis”, tiếng Latinh nghĩa là “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?” Đức Giêsu trả lời: Ta vác thập giá vào Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa, vì con đã không dám chịu đóng đinh. Phêrô nghe vậy vội trở vào Rôma và cùng với các tín hữu khác chịu đựng những cuộc bắt bớ, cho đến chết. Tấm gương anh dũng của các tín hữu Đức Giêsu đã làm cho nàng con gái đang làm con tin ấy cảm phục và tìm ra được lý tưởng cho đời mình.

Đó là câu trả lời: Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống. Con xin theo Thầy cho dù phải vác thập giá và phải bỏ mình vì Thầy!

Đức Giêsu không phải chỉ là siêu nhân mà còn là Con Thiên Chúa. Và vì là Con Thiên Chúa cho nên lý tưởng Ngài đề ra cho ta không phải chỉ là một thứ lý tưởng viển vông không thể thực hiện. Là Con Thiên Chúa, Ngài thừa sức giúp chúng ta thực hiện được lý tưởng của Ngài cho dù có phải trải qua muôn ngàn gian truân khổ sợ. Mà chính cái lý tưởng ấy mới khiến chúng ta sống xứng đáng là người. Con người nếu chỉ biết mê ăn uống, có tiền bạc, có vật chất, sinh ra để ăn, ăn rồi đói, đói rồi phải kiếm ăn, cứ như vậy cho đến lúc chết thì chẳng khác gì hơn con vật. Đức Giêsu muốn giúp chúng ta sống hơn con vật, cho nên Ngài đã chọn kiếp là người, sống cho chúng ta thấy và sống theo để chúng ta sống xứng đáng là người. Chẳng những là người mà còn là Con Thiên Chúa như Ngài. Mà muốn được như Ngài, chúng ta phải đi theo Ngài, phải bỏ mình đi, phải vác thập giá… Nghĩa là phải cố gắng vươn lên, vươn lên cao hơn những nhu cầu vật chất xác thịt tầm thường. Chúa Giêsu đã tiên phong sống được như thế và Ngài sẽ giúp chúng ta sống được như thế, nếu chúng ta nhớ làm theo Lời Ngài: Ai muốn theo ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ được sống đời đời”.

Trên đây là hai câu trả lời tiêu biểu cho câu hỏi “Giêsu là ai?” Còn câu trả lời của chúng ta là gì? Nếu chúng ta trả lời như Phêrô “Thầy là Đức Kitô” thì chúng ta cũng hãy can đảm bỏ mình vác thập giá đi theo Thầy”.

24. Từ bỏ.

Wiliam Oscar Wilde kể một huyền thoại sâu sắc: “Họa mi và bông hồng đỏ”. Một sớm mùa hè, họa mi làm tổ trên cành dương đã nghe trọn lời than thở của một chàng trai bên cửa sổ: “Nếu anh không kiếm nổi bông hồng đỏ để em cài ngực áo trong buổi dạ hội đêm nay, em sẽ xa anh mãi mãi”. Họa mi dư hiểu chàng trai đã lang thang khắp các nương đồng. Nhưng tìm đâu ra một bông hồng đỏ dưới nắng cháy mùa hạ này? Trời ơi, người tình sẽ chắp cánh bay xa. Họa mi không chịu nổi dằn vặt bi thương của chàng. Họa mi phải ra tay thôi. Nàng khép cánh trước cây hoa hồng bên giếng nước nài xin:

– Chị hồng ơi, chị có vui lòng tặng em một bông hồng đỏ thắm không?

– Họa mi ơi! Em vô tâm như những chiếc gai trên thân chị. Mùa hạ nắng cháy sao em lại xin hoa hồng đỏ?

Chị hồng rung rung cành lá giận dỗi. Họa mi tiếp tục tìm kiếm. Nàng nép mình đậu trên một cành hồng ngoài xa hàng giậu.

– Chị hồng ơi có phép mầu nào nở cho em một bông hồng đỏ?

– Họa mi ơi! Đời cần hoa chi cho thương đau?

– Sao cũng được, miễn em kết chặt một mối tình.

– Được, nhưng phép mầu cần phải có mầu đỏ.

– Bằng mọi giá chị ạ.

– Bằng giá sinh mạng?

– Kể cả sinh mạng em.

– Họa mi ơi! Hãy đặt cổ em trên gai nhọn của chị, hãy hót cho chị, cho cây cỏ, cho đất trời khúc tình ca thắm thiết nhất đời em. Hãy đổ máu cho bông hồng nở. Hãy nhuộm máu cho bông hồng đỏ. Mình sẽ có một bông hồng đỏ như máu đẹp nhất trần gian.

Họa mi đã hót đến giây phút cuối cuộc đời, đã đổ đến giọt máu cuối cùng, đã chết rũ trên cành hồng cạnh đóa hồng bí nhiệm đỏ thắm.

Chàng trai mừng vui tiếng cười mở hội. Bông hồng được hái về trau chuốt trước khi có mặt trong đêm dạ hội. Điều lạ lùng nhất mà cũng phi lý nhất, phi lý như chính cuộc đời phi lý, là người tình đã khước từ đóa hồng bí nhiệm, vì trên ngực áo một bông hồng giả đang ngự trị… Sáng hôm sau, dân làng bắt gặp một đóa hồng bị nghiền nát, nằm tả tơi dưới vết bánh xe bò.

Câu chuyện trên đây là một huyền thoại, nhưng huyền thoại chuyên chở một nội dung rất thực: Đó là nét thực của tình yêu, của tự do, của hy sinh. Tình yêu phải được nuôi dưỡng bằng hy sinh, bằng máu, bằng cả sinh mạng. “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình”. Đây là một lời mời gọi hoàn toàn tự do. Con người có toàn quyền lựa chọn. Chúa không bắt buộc nhưng mời gọi. Người mời gọi chúng ta từ bỏ mình, nghĩa là từ bỏ mọi sự, kể cả mạng sống.

Nói đến từ bỏ là đụng đến hy sinh, nói đến hy sinh là phải thiệt thòi mất mát. Cũng như nói đến tình yêu là đụng đến tự do, và đụng đến tự do là phải dấn thân mạo hiểm. Có thể được chấp nhận hay bị từ khước. Có thể “được cả” mà cũng có thể “ngã về không”. Chính cái bấp bênh trong tình yêu, trong chọn lựa, mới làm bừng sáng nét cao đẹp của hy sinh, từ bỏ.

Hy sinh bao giờ cũng có hương thơm của hạnh phúc. Từ bỏ bao giờ cũng cho tâm hồn nét thanh cao. Hy sinh và từ bỏ là chuẩn bị luống cày cho hạt giống mọc lên.

Nhưng “Từ bỏ chính mình” không phải là quyết định một lần để thay cho suốt cả đời mà là thái độ luôn sẵn sàng từ bỏ trong mọi giây phút của cuộc sống.

“Ai liều mạng sống vì Ta sẽ được sống”. Quả thật, bỏ mình vì Chúa, chúng ta chẳng lỗ lã chút nào. Chúng ta chối từ cái tương đối để được Đấng tuyệt đối, khước từ cái mau qua để đón nhận cái vĩnh hằng, từ bỏ cuộc sống hay chết để được sự sống đời đời, vì “Ai biết chết thì sẽ biết sống”.

25. Từ bỏ và vác thập giá

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

Chúa Giêsu tuyển chọn môn đệ với đòi hỏi hết sức lạ lùng: “từ bỏ và vác thập giá”. Những ai đáp ứng được yêu cầu ấy thì mới ” xứng đáng làm môn đệ Thầy”.

Tại Xêdarê Philipphê, Chúa hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”. Từ từ Chúa dẫn đưa các ông đến câu hỏi quan trọng nhất, xác tín nhất: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “.

Chúa Giêsu có thể tự giới thiệu về mình, tự nói lên căn tính của mình. Nhưng Người đã không làm thế. Chúa muốn người môn đệ phải tự khám phá ra Thầy của mình là ai. Chúa muốn lời tuyên xưng của người môn đệ phải phát xuất từ nỗ lực tìm hiểu và cảm nghiệm chân thực trong cuộc sống sinh hoạt với Người.

Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Chúa Giêsu hài lòng về lời tuyên xưng ấy. Tuy nhiên khi tuyên xưng, Phêrô vẫn chưa thật sự hiểu Đấng Kitô có nghĩa là gì. Có lẽ ông còn chịu ảnh hưởng của đám đông nghĩ đến một Đấng Kitô oai nghi, vinh quang và quyền lực. Vì thế, Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu biết con đường của Người. Con đường thực sự mà Đấng Kitô phải đi là con đường đau khổ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy”. Đó là con đường tủi nhục. Con đường khổ nạn. Con đường chết chóc. Nhưng sau tủi nhục sẽ đến vinh quang. Sau khổ nạn sẽ là hạnh phúc. Sau chết chóc là phục sinh. Đó không phải là con đường vinh quang trần thế, nhưng là con đường nhỏ hẹp thiêng liêng. Đó chính là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực. Chúa không lừa mị, không hứa hẹn những gì dễ dãi, chóng qua. Chúa chỉ đường ngay nẻo chính và muốn những ai theo Người phải dũng mạnh, can đảm, quyết liệt. Vì thế, Chúa nói thẳng thắn với các môn đệ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.

Muốn theo Chúa, các môn đệ phải “từ bỏ và vác thập giá”.

  1. Từ bỏ

Chúa đòi buộc người theo Chúa phải từ bỏ, phải đặt tất cả dưới Người, phải yêu Người trên mọi sự. Đưa ra đòi hỏi này và biết đó là một chọn lựa khó khăn nên Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ cần biết tính toán cẩn thận rồi mới chọn lựa dứt khoát. Muốn xây tháp cần tính toán có đủ tiền bạc không. Muốn thắng trận cần có lính Tráng. Muốn theo Chúa phải từ bỏ. Từ bỏ ý riêng, từ bỏ sự tự do, từ bỏ những điều mình ưa thích khi những điều ấy đi ngược lại với lời dạy của Chúa hay làm cho bản thân xa cách Người.

Từ bỏ là quy luật của cuộc sống và sự phát triển.Thai nhi không thể ở mãi trong lòng mẹ cho dẫu nơi đó an toàn, êm ấm nhất. Đứa trẻ phải từ giã lòng mẹ để sinh ra làm người. Đứa trẻ không thể nào trưởng thành nếu nó cứ sống mãi bằng sữa mẹ, nó phải thôi bú, ăn cơm bánh mới lớn lên.

Cuộc sống đặt con người trước những sự lựa chọn. Chọn lựa là giới hạn. Chọn điều này phải bỏ điều kia. Sống là chấp nhận từ bỏ. Chọn những điều tốt loại bỏ những điều xấu. Có những điều xấu cần từ bỏ như cờ bạc, rược chè, ma tuý, truỵ lạc, trộm cắp, gian dối… Cũng có những điều tốt phải từ bỏ để chọn điều tốt hơn. Chẳng hạn, khi chọn trường học, chọn nghề nghiệp, chọn nơi ở, chọn bậc sống, chọn bạn bè, chọn vợ chồng. Thanh niên nam nữ khi tìm hiểu nhau thì có nhiều người nhưng khi chọn vợ chồng, chỉ chọn một mà thôi.

Từ bỏ đòi hỏi nhiều hy sinh. Mỗi sáng thức dậy đi lễ, bỏ lại chiếc giường êm ấm. Mỗi tối gia đình tắt tivi để cùng quy tụ đọc giờ kinh hạt. Giữ ngày Chúa nhật, bỏ công việc làm ăn có nhiều lợi nhuận. Bỏ đi một tật xấu để tập một nhân đức. Cao cả hơn, bỏ đời sống hôn nhân để sống đời tận hiến cho Chúa…

Sự từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu. Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả. Khi yêu người ta cảm thấy nhẹ nhàng. Sự từ bỏ vì tình yêu là một niềm hạnh phúc. Cha mẹ tần tảo dãi dầu mưa nắng lo cho con cái ăn học. Học sinh, sinh viên thức khuya dậy sớm miệt mài học tập. Sự từ bỏ như thế thật đáng trân trọng. Ai cũng ngại từ bỏ, nhất là từ bỏ những gì gắn liền với mình nhất, cam go hơn cả là chính con người mình.

Từ bỏ giống như cuộc leo núi. Leo núi là một cuộc mạo hiểm. Đó không phải là một cuộc dạo chơi nhàn hạ. Nó đòi hỏi sức khoẻ, sức chịu đựng dẻo dai, tài khéo léo, lòng can đảm. Càng lên cao, người leo núi càng hưởng nhiều niềm vui, càng tắm mình trong ánh sáng chan hoà và được chiêm ngưỡng cảnh trời đất bao la hùng vĩ.

  1. Vác thập giá

Theo Chúa giống như đi leo núi. Thập giá giống như cây gậy của người leo n&uuacute;i. Không có gậy để dò đường và để chống đỡ thì ta sẽ mỏi chân, sẽ không đi nổi, có khi té ngã hay bỏ cuộc.

Thập giá đi liền với tình yêu. Phải nhìn thập giá Đức Kitô như một sự tốt lành thượng đẳng. Nếu không chẳng thể chấp nhận nổi thập giá. Thập giá phát xuất từ tình yêu của Đấng Cứu Độ.

Thập giá được tạo nên do hai thanh gỗ, một nằm và một đứng. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Hai thanh bắc ngang nhau tượng trưng cho sự tương phản giữa sự sống và sự chết, giữa vui buồn và cười khóc, giữa khoái lạc và đau khổ, giữa ý muốn con người và ý muốn Thiên Chúa. Đặt thanh vui mừng trên thanh đau khổ là cách duy nhất để làm nên một thập giá.Ý mụốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Ngay khi đối kháng hai ý muốn này tức là đã tạo nên một thập giá. Do đó thập giá là biểu tượng của đau khổ.

Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Đấng là tình yêu đã cho thấy rằng tình yêu có thể biến đau khổ thành niềm vui, để những ai gieo trong nước mắt có thể gặt giữa tiếng cười, những ai khóc lóc có thể được an ủi, những ai đau khổ có thể đồng hiển trị với Người.

Tình yêu như là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống trong một xác quyết: mọi sự sống đều ngang qua sự chết. Đau khổ là hy sinh không tình yêu đang khi hy sinh là đau khổ kèm theo tình yêu. Tình yêu biến đau khổ thành hy sinh dâng hiến với niềm vui. Thiếu tình yêu, hy sinh chỉ còn là đau khổ gánh nặng và buồn chán. Chúa Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại.

Hôm nay, nơi nào có bóng thập giá là nới ấy có dấu chân người Kitô hữu. Ba cây thập giá dựng lên chiều thứ sáu tử nạn, Đức Kitô ở giữa hai tội nhân. Trong ba cây thập giá ấy chỉ có cây ở giữa là Thánh Giá. Khi Đức Kitô tắt thở trên cây thập giá, Người đi vào đời sống mới thì cây thập giá khốn khổ ấy trở thành cây cứu rỗi và trở nên thánh thiêng. Sự thánh thiêng ấy là tình yêu, là đau khổ, là sự chết và là vinh quang. Không có tình yêu thì thập giá không là Thánh Giá.

Mỗi ngày người Kitô hữu theo Chúa phải cố gắng từ bỏ rất nhiều và vác thập giá mỗi ngày. Có tình yêu của Chúa trong mỗi hành vi từ bỏ, người môn đệ có thêm sức mạnh ơn thánh, để mọi thập giá trong đời trở thành Thánh Giá. Từ bỏ để có thêm. Thêm lòng mến Chúa, thêm thánh thiện, thêm niềm vui phục vụ tha nhân.

home Mục lục Lưu trữ