Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 48

Tổng truy cập: 1378519

ĐỨC TIN LÀ MỘT SỰ TĂNG TƯỞNG

ĐỨC TIN LÀ MỘT SỰ TĂNG TƯỞNG (*)-  Lm. Giuse Đinh Tất Quý

“Ðức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”(Ga 20,29)

Kính anh chị em.

Năm nào cũng vậy cứ đến Chúa nhật thứ hai Mùa Phục Sinh là Giáo Hội lại cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng có liên quan đến Tôma. Trong ít phút suy niệm này tôi xin được nói một đôi nét về vị tông đồ “nổi tiếng về sự nghi ngờ” này để qua đó chúng ta có thể thấy được sự tài tình của Chúa khi Chúa biến một con người như thế làm tông đồ cho Ngài và cũng để nhờ đó mà chúng ta tin Ngài mạnh hơn.

Sự kiện.

Chẳng nói anh chị em cũng thừa biết Tôma là một trong nhóm 12 được Chúa gọi rồi chọn làm tông đồ. Con đường Tông Đồ của ông lúc đầu chưa có gì rõ nét cho lắm. Nhưng sau khi gặp được Chúa từ cõi chết sống lại… thì phải nói là rất đẹp.

Chúng ta gặp ông lần đầu tiên trong Tin Mừng lúc người ta báo tin cho Chúa là Lazarô bạn của Chúa mới qua đời. Lúc đó Chúa đang ở ngoài lãnh địa Giudêa. Sở dĩ ngài muốn lánh mặt như thế là vì Ngài mới tranh luận với những người Do Thái và nói những lời mà họ cho là phạm thượng tại Giêrusalem thủ đô của miền Giudêa. Hai lần họ muốn ném đá và bắt Ngài. Nhưng Ngài đã lẩn đi và bỏ qua miền bên kia sông Giordan. (Ga 10,29-40).

Nhưng vừa khi nghe tin Lazarô chết thì Chúa lại muốn trở lại Giudêa. Tôma thấy việc đó là nguy hiểm nhưng ông không tìm cách ngăn cản. Ông thừa biết Chúa can đảm và dám đối diện với tất cả. Theo ông nghĩ thì rất có thể là Ngài sẽ chấp nhận cái chết như đã có lần Ngài công khai tuyên bố (Mc 10,33). Chính vì vậy mà ông nói với các tông đồ: “Cả chúng ta nữa. Hãy qua đó để cùng chết với Ngài”.

Không biết có nên coi đây là một câu nói tận hiến hay chỉ là một lời phát ngôn đượm chất u sầu, buồn thảm của một con người lúc nào cũng nhìn đời bằng một cặp kính mầu xám xịt. Cách ông nói làm cho chúng ta có cảm tưởng rằng ông không còn một chút hy vọng nào nữa, thế là hết tất cả. Kể như tất cả những hy vọng ông đặt ở nơi Chúa sẽ phải tiêu tan. Đó là lấn thứ nhất

Lần thứ hai chúng ta gặp thấy ông ở bên bàn tiệc ly. Khi Chúa Giêsu nhắn nhủ các tông đồ: “Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở nếu không Thầy đã nói với anh em rồi. Thầy đi để dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi để dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy – để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó. Thầy đi đâu thì anh em đã biết đường rồi” (Ga 14,1-4). Khi Chúa nói như thế thì Các tông đồ khác yên lặng ngồi nghe. Còn Tôma thì xem chừng như không chịu nổi. Vấn đề có vẻ lạ quá. Thầy đã nói đến sự chết và ông dã sẵn sàng đi để cùng chết với Thầy. Bây giờ Thầy lại nói đến chỗ ở, đến nhà cửa, đến sự sống. Hơn nữa Chúa lại nói đến cả con đường. Tôma không thể hiểu nổi. Ông không thể im lặng được nữa. Ông đứng dậy hỏi Ngài:

– Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được con đường

Và Chúa Giêsu trả lời:

– Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.

Tôma được trả lời nhiều hơn ông hỏi nhưng con người luôn bi quan như thế thì làm sao mà hiểu được những gì Chúa muốn  nói và ông vẫn tiếp tục sống trong thất vọng. Đó là lần thứ hai.

 Và lần thứ ba ngày hôm nay. Sau khi Chúa từ cõi chết sống lại, Chúa đã hiện ra với Maria Madanena, với 10 tông đồ khác. Những người này đã báo tin vui cho ông nhưng ông nhất định không tin. Họ muốn chia sẻ với ông niềm vui đó nhưng ông nhất định khăng khăng phản đối: “Nếu mắt tôi không thấy những dấu đinh nơi tay của Thầy. Nếu tay tôi không được thọc vào lỗ đinh nơi tay và cạnh sườn của Thầy thì tôi không tin” (Ga 20,25).

Ông đóng cửa, bịt tai, cứng lòng. Câu nói của ông quả thực là một thách thức và có thể coi là những lời xúc phạm đối với Chúa. Tuy nhiên ở đây chúng ta thấy ông còn dành cho Chúa một điều kiện. Chữ “nếu” của ông thật dứt khoát và rõ ràng, không có cách nào giải thích khác được.

Và như bài Tin Mừng hôm nay thuật lại, Chúa đã lại hiện ra và Ngài cho Tôma được trực diện với Ngài: “Tôma, hãy đặt ngón tay con vào đây. Hãy nhìn xem tay Thầy đây. Hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin” (Ga 20,27).

Phải nói đây thật là một điều quá sức tưởng tượng đối với Tôma. Chúng ta phải cám ơn Chúa vì Chúa đã thương ông. Và chỉ trong một khoảnh khắc ông đã trở thành một con người hoàn toàn mới.

Hơn nữa chúng ta thấy, ông còn qua mặt tất cả các tông đồ khác khi ông tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi” (Ga 20,28). Đây mới là lời tuyên xưng đầy đủ nhất và đúng nhất về Đức Kitô.

Ông không dám thi hành điều ông đòi hỏi.

Ông không cần phải thọc ngón tay vào lỗ đinh, không cần thọc cả bàn tay vào cạnh sườn.

Sự có mặt của Chúa cũng như ánh mắt của người đã quá đủ đối với ông.

Từ vùng tăm tối của hoài nghi, ông đã được đưa ra vùng ánh sáng. Ánh sáng của đức tin.

Truyền thống cho thấy sau khi Chúa về trời ông đã cất bước lên đường đi về một miền thật xa…ông sang đến tận Ấn độ để loan báo cho người ta biết về việc Chúa đã từ cõi chết sống lại. Và cũng như các tông đồ khác ông đã bỏ mạng sống tại chính nơi ông rao giảng để làm chứng cho Thầy chí thánh là Đức Chúa và cũng và Thiên Chúa của ông.

Bây giờ đến chúng ta.

Có lẽ khi đọc lại bài Tin Mừng này không ai trong chúng ta mà không nhớ đến câu nói cuối cùng Chúa nói với Tôma: “Bởi con thấy Thầy nên con mới tin. Nhưng phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29) Thế nhưng kính thưa anh chị em. Nói gì thì nói việc tin vào sự Phục sinh của Chúa lúc nào cũng là một việc rất khó khăn   Tuy khó nhưng không có nghĩa là không thể. Không chỉ có các tông đồ mà trong suốt lịch sử của Hội Thánh vẫn có không biết bao nhiêu con người đã mạnh mẽ tuyên xưng cũng như dám hiến dâng cả mạng sống làm chứng cho niềm tin ấy.

Chúng ta hãy đọc lại những lời  quả quyết sau đây của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hưũ Do Thái: “Tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng, là cách nhận thức những thực tại mà người ta không thấy. Không tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa. Ai đến gần Thiên Chúa thì phải tin là Người có và Người sẽ thưởng công cho những ai tìm kiếm Người” (Dt 11,1-6)

Chúa đã sống lại. Ngài đã hiện ra cho các Tông Đồ, Ngài đã hiện ra cho Tôma, Ngài cũng đã hiện ra cho một số những người khác. Đó là sự kiện các tông đồ đã làm chứng. Và đức tin công giáo của chúng ta đã không sợ sệt khi đặt nền tảng trên những sự thật này.

Như vậy dù chúng ta tin hay không tin thì Ngài cũng vẫn là như thế: Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài đã chết và đã sống lại. Ngài luôn ở giữa chúng ta. Thánh Gioan đã có lần nói:”Ở giữa các ông có một Người mà các ông không biết” (Ga 1,26).

Vâng kính thưa anh chị em. Chúng ta hãy tin vào Ngài.

Sau thế chiến thứ hai ít lâu, trong khi dọn dẹp những ngôi nhà bị chiến tranh tàn phá người ta còn thấy được những lời rất cảm động này được ghi trên một bức tường của một ngôi nhà thờ đã đổ nát. Những lời đó như sau:

Tôi tin vào mặt trời ngay cả khi nó không còn chiếu sáng.

Tôi tin vào tình yêu ngay cả lúc tôi không cảm thấy sự hiện diện của nó.

Tôi tin vào Thiên Chúa ngay cả lúc Người hoàn toàn thinh lặng.

Hãy tin vào Ngài và để cho Ngài dìu dắt chúng ta đi trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

Hãy tin vào Chúa. Ngài không bao giờ lừa dối chúng ta.

Hãy để Ngài cùng đồng hành với chúng ta để Ngài dạy cho chúng ta biết phải sống như thế nào cho xứng đáng với danh nghĩa là con của Thiên Chúa

Hãy tin vào tình thương của Ngài. Hãy phó thác đời ta cho Ngài. Làm được như thế chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ thành công, “Phúc cho những ai không thấy mà tin” Amen.

(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- NĂM C

LÒNG TỪ BI – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Truyện kể: Một võ sĩ đã trở lại đạo. Ngày kia, người bạn của anh gặp mặt và hỏi: Tôi nghe anh mới tòng giáo, thật tức cười. Võ sĩ nói: Sao lại tức cười, đó là điều tốt mà anh. Người bạn nói thêm: Nếu vậy, liệu anh xoá nổi chân tướng du côn cao bồi trước chăng? Những vết sẹo trên mặt anh sẽ tố cáo tung tích của anh. Võ sĩ trả lời: Tôi không ngại chi về điều đó. Những vết sẹo kia, nay trở thành cửa sổ cho ơn Chúa chảy vào hồn tôi. Cũng vậy, những tội của chúng ta đã được tha, tuy còn dấu vết, nhưng là dấu vết của tình thương Chúa vậy.

Đôi khi chúng ta tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu còn giữ những vết sẹo trên lòng bàn tay, bàn chân và cạnh sườn từ khi bị đóng đinh thập giá? Vì khi Chúa Phục Sinh, Chúa có thể chọn bất cứ hình hài và thân xác hoàn hảo như các thiên thần. Khi xuất hiện, Chúa đã giữ nguyên những vết sẹo để các môn đệ có thể thấy và có thể sờ chạm. Tông đồ Tôma tỏ ra nghi ngờ, đã được Chúa mở lòng: Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20,27). Sự kiện Chúa Kitô Phục Sinh sẽ không hoàn toàn thuyết phục, nếu không có những vết sẹo trên tay, chân và cạnh sườn của Chúa. Chúng ta biết khi con người mơ ước, ai trong chúng ta cũng ước mong có khuôn mặt tươi tắn, hàm răng đẹp, làn da mịn màng và thân hình thon đẹp. Chúng ta mong ước một thân xác hoàn hảo không vết nhăn. Nhưng Chúa Kitô Phục Sinh đã xuất hiện một cách ngoại thường, trên thân mình vẫn mang những vết sẹo hằn sâu để nhắc nhớ chúng ta sự hy sinh đau khổ để cứu chuộc nhân loại.

Chúng ta đặt niềm hy vọng vào những vết sẹo nơi thân xác Chúa Kitô. Trong các nhà thờ Công giáo, nơi gian cực thánh, treo hình tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá với mạo gai trên đầu, chân tay và mình mẩy đầy thương tích loang máu đào. Vết sẹo nơi cạnh sườn như còn rướm máu. Giáo Hội không lùi bước chỉ nhìn vào đau khổ và chết chóc, nhưng Giáo Hội muốn mọi tín hữu cùng chia sẻ, cảm thông và lãnh nhận ân sủng cứu độ qua giá máu châu báu của Chúa. Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Kitô đã trao ban sứ mệnh cho các Tông đồ: Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21). Các Tông đồ là những nhân chứng sống động và chân thành. Với ơn trợ giúp và quyền năng của Chúa Thánh Thần, các ngài đã can đảm ra đi truyền rao ơn cứu độ. Ra đi với hai bàn tay trắng, các tông đồ không có tiền bạc, địa vị, học vị hay cơ sở vật chất. Các ngài đã lãnh nhận nhưng không và giờ đây cũng đem Tin Mừng biếu không: Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông đồ (Cv 5,12).

Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện với các Tông đồ qua quyền năng của Ngài. Chúa trao cho các ngài uy quyền chữa lành tất cả các bệnh hoạn tật nguyền và xua trừ ma quỷ. Rất nhiều người đã tuôn đến xin ơn lạ và lãnh nhận ơn cải đổi tâm hồn: Nhiều người từ các thành chung quanh Giêrusalem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành (Cv 5,16). Hạt giống đức tin được gieo vào lòng người. Từng tâm hồn hối cải trở về với Chúa. Họ đã được lãnh nhận ơn sủng chữa lành phần xác và tô điểm tâm hồn. Họ là những tín hữu nồng cốt xây dựng Hội Thánh sơ khai trên trần thế. Giáo Hội bắt đầu nẩy mầm và phát triển sinh hoa kết trái: Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông (Cv 5,14).

Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia. Điều vô cùng quan trọng là Chúa Giêsu trao ban quyền tháo cởi và cầm giữ cho các tông đồ. Các tông đồ nhận lãnh ơn chữa lành và thực hành các phép lạ để đặt nền móng cho Giáo Hội sơ khai. Nhưng chìa khoá của sự tháo cởi và cầm buộc tinh thần được lưu truyền qua ngàn muôn thế hệ. Thánh Gioan diễn tả rằng Chúa Giêsu trực tiếp ban ơn: Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20,22-23). Chúa Giêsu thấu tỏ sự ương ngạnh cứng cỏi cũng như sự yếu đuối thấp hèn và tội lỗi của con người. Chúa đã lập Bí tích Hoà Giải để mọi người có cơ hội hối lỗi trở về với lòng nhân từ của Chúa. Chúa tin tưởng vào quyền tài phán của các tông đồ và những người kế vị. Chúa đã trao quyền cho Giáo Hội qua biểu tượng của chiếc chìa khoá Thánh Phêrô. Biết rằng trao chìa khoá cho ai là đặt niềm tin tưởng nơi người đó.

Trong Sách Khải Huyền, Gioan đã được thị kiến sự lạ lùng vượt trên lòng trí, Chúa Kitô đã mạc khải: Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ (Kh 1,18). Sau khi phục sinh từ cõi chết, Chúa Kitô là chủ của sự sống và không còn chết nữa. Chúa đã chiến thắng tử thần và tội lỗi. Ngài về trời ngự bên hữu Chúa Cha và mọi đầu gối sẽ quỳ phục dưới chân Ngài. Chúa Kitô có uy quyền trên hết mọi loài, mọi vật, sự sống và sự chết. Niềm tin vào Chúa Kitô sống lại là niềm hy vọng vào sự sống viên mãn đời đời. Thánh Gioan được linh hứng để viết sách Khải Huyền: Vậy ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này (Kh 1,19). Khải Huyền là cuốn sách cuối cùng của bộ Tân Ước. Có rất nhiều chi tiết cao siêu như trên các tầng trời, chúng ta chẳng thể hiếu thấu. Chúng ta chỉ có thể nhận diện được phần nào những điều đã qua hoặc đang diễn ra trong cuộc sống mà thôi. Tương lai ngày mai phó thác trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu nhắc nhở các Tông đồ: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Các Tông đồ đã được diễm phúc nhìn thấy Chúa Phục Sinh nhãn tiền. Các ngài được gặp gỡ, ngồi chung bàn bẻ bánh, đàm thoại, ăn uống và được Chúa ban bình an chúc lành. Các Tông đồ sẵn sàng ra đi làm nhân chứng. Làm nhân chứng là phải đối diện với sự sống sự chết. Tất cả mười một vị Tông đồ đã đổ máu đào chứng minh niềm tin sắt son vào Chúa Kitô Phục Sinh. Thánh Gioan là nhân chứng sống động cho tình yêu Chúa. Mọi lời rao giảng dạy dỗ của Thánh Gioan đều quy về tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Các Tông đồ đã can đảm sống cho tình yêu và chết cho tình yêu.

Chúa Giêsu chúc phúc cho những ai không thấy mà tin. Mỗi ngày chúng ta tuyên xưng Chúa Kitô qua việc ghi dấu thánh giá trên mình. Chúng ta tuyên xưng Chúa là Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, là Thầy và là Chúa. Tin vào Chúa là lắng nghe và thực hành lời Chúa. Chúa đã mở cửa rộng rãi đón nhận và chúc phúc cho mọi người: Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (Lc 8,21). Nước Chúa rộng mở đón nhận mọi thành phần, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần tin tưởng vào tình yêu của Chúa và tuân giữ lời Ngài. Vì đức tin không có thực hành thì đức tin chỉ là những triết thuyết viển vông và trống rỗng.

Mỗi lần tham dự Thánh lễ, chúng ta cử hành mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa Kitô. Chúng ta sẽ loan truyền ơn cứu độ cho tới khi Chúa lại đến. Lạy Chúa, những vết sẹo nơi thân mình đã nhắc nhở chúng con về lòng thương xót vô bờ của Chúa. Xin nguồn bình an và ân sủng của Chúa Kitô Phục Sinh tràn đổ trên tâm hồn mỗi người chúng con. Amen..

home Mục lục Lưu trữ