Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 62

Tổng truy cập: 1380025

ĐỪNG BAO GIỜ LÀ CỚ VẤP PHẠM

ĐỪNG BAO GIỜ LÀ CỚ VẤP PHẠM-  Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Sau khi Chúa Giêsu loan báo cuộc Khổ nạn lần thứ nhất (x. Mc 8, 31-33) rồi lần thứ hai (x. Mc 9, 30-32), là bài học về tư cách của người đứng đầu Chúa dành cho các môn đệ (x. Mc 9, 35-37). Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn các ông về cách sử dụng danh Chúa trong cộng đoàn tín hữu dù là môn đệ hay không (x. Mc 9, 38-40); phần thưởng dành cho những ai sống xứng với danh Kitô hữu của mình (x. Mc 9,41); và đương nhiên kẻ làm cớ vấp phạm cho người khác, nhất là trẻ em sẽ bị trừng phạt thích đáng (9,42); đồng thời Chúa nhấn mạnh đến sự cần phải khước từ những gì gây lên tội lỗi khiến chúng ta mất chỗ trên Nước Trời (x. Mc 9, 43-48).

Chớ ghen ghét

Ghen ghét được coi là một trong 7 mối tội đầu. Lần giở lại những trang đầu Kinh Thánh, chúng ta khám phá ra thói ghen ghét. Vì không bằng lòng với những gì mình có, muốn bằng và thậm trí hơn Thiên Chúa nữa, nên Adong và Evà ghen tuông với Thiên Chúa hái trái cấm để ăn. Thế nhưng, ăn xong rồi thì mọi sự được sáng tỏ. Con người mãi mãi là thụ tạo trong lòng bàn tay của Thiên Chúa là Đấng  Tạo Hóa.

Ghen ghét nảy sinh khi so sánh mình với người khác. Sở dĩ có ghen ghét vì người ta người khác hơn mình, mình bị nép vế, bị mất ảnh hưởng, Giôsuê là một bằng chứng. Khi ông Môsê được thần khí của Thiên Chúa ngự xuống nói chuyện, thì ông dùng một phần thần khí ngự trên ông mà đặt trên 72 kì mục trong lều trại. Còn hai kì mục nữa là ông Enđát và ông Mêđát không có mặt ở trong lều trại mà cũng nhận được thần khí nói tiên tri (x. Ds 11,27). Ðiều đó làm ông Giôsuê thắc mắc. Ông Môsê khuyên ông Giôsuê đừng quan tâm, vì càng nhiều người nói tiên tri, thì Thiên Chúa càng được vinh danh.

Thánh Giacôbê có kinh nghiệm xương máu về tôi ghen ghét, ngài viết : Vậy “ở đâu có ghanh tị và cãi vã, ơ đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoa… Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ” (x. Gc 3, 16-4,3).

Thánh Gioan tông đồ cũng không nằm ngoài cái thường tình ấy. Ông quan ngại về việc Ðức Giêsu ban quyền năng cho người nghe. Ông ghen tị vì có người không cùng nhóm các tông đồ đã dùng danh Chúa mà trừ quỉ (x. Mc 9,38). Ông nghĩ rằng họ không được phép vì họ không thuộc nhóm các tông đồ mà lại hành động theo thần trí của Thiên Chúa. Chúa bảo ông : “Không ai lấy danh nghĩa Thày mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó có thể nói xấu về Thày” (Mc 9,39).

Quảng đại, hy sinh vì Nước Trời

Người đời thường có óc bè phái, ích kỷ, bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phương châm của thế gian là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”. Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn người khác bằng cặp mắt đố kỵ, nhưng hợp tác với những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các con” (x. Mc 9, 40 ).

Nước Trời và sự sống đời đời là mục tiêu tối hậu. Chúng ta thấy đó đây có người tháo chân, móc mắt, cắt ruột để kéo dài sự sống tạm bợ, xem ra nhẹ nhàng. Để có được sự sống đời đời, chúng ta phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ khác, từ bỏ hy sinh những gì cản trở sống đời đời của chúng ta.

Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường, tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ cho ta vấp phạm, sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời. Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn. Bị què tay, què chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai muốn. Nhưng Chúa Giêsu mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu, can đảm cắt bỏ với những thụ tạo đang làm hư hỏng ta chẳng những đời này mà cả đời sau nữa. Chúng ta phải can đảm, quảng đại sống cho giá trị của Tin Mừng, dẫu cho có thiệt thòi, mất mát những vinh hoa trần thế, nhưng có được chỗ đứng trong vương quốc của Thiên Chúa.

Đừng là cớ vấp phạm

Sống yêu thương, quảng đại, hy sinh vì Nước Trời, nên ngay ở đời này chúng ta phải sống tốt, sống gương mẫu, đừng làm cớ vấp phạm cho ai. Nhấn mạnh đến điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô giảng trong thánh lễ sáng thứ năm 27 tháng 2 năm 2014 tại Nhà nguyện Mácta, ngài nói : “Người Kitô hữu bất nhất sẽ làm cớ vấp phạm, và cớ vấp phạm thì giết hại người khác”

Mang danh là Kitô hữu, thì cần phải sống như Kitô hữu, suy nghĩ như Kitô hữu, cảm nhận như Kitô hữu và hành động như Kitô hữu. Đó là sự thống nhất trong đời sống của một Kitô hữu, nếu thiếu một trong những điều này, thì chúng ta không còn là Kitô hữu nữa. Cần phải sống trước sau như một, sống bất nhất sẽ gây rất nhiều tai hại cho người khác.

Thánh Giacôbê đã nặng lời khiển trách những người Kitô hữu sống bất nhất huênh hoang, Ngài viết : “Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi”. Trong cộng đoàn có người sống bất nhất như thế thì rất tai hại, trở nên cớ vấp phạm cho người khác”.

Chúa Giêsu lên án người làm cớ vấp phạm : “Kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”.

Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết sống yêu thương, sống quảng đại mưu tìm kiếm nước Trời, và đừng là cớ vấp phạm cho người khác, nhất là trẻ em. Amen.

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN- Năm B

GƯƠNG XẤU DỊP TỘI-  Lm Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Phụng vụ lời Chúa hôm nay tóm lại hai điều Chúa dạy: Thứ nhất, đừng làm cớ cho người khác vấp phạm. Thứ hai, phải loại bỏ những nguyên nhân làm cho mình phạm tội.

Thế giới chúng ta đang sống văn minh tiến bộ hơn, thành công trong nhiều lãnh vực hơn, nhưng vấn đề luân lý lại xuống cấp trầm trọng, vì những gương mù gương xấu. Gương xấu lan nhanh như con virút, do các phương tiện truyền thông. Gương xấu làn tràn trong môi trường không lành mạnh. Gương xấu ví như bầu khí bị ô nhiễm. Như thế, không những làm cho mình phạm tội mà còn làm ảnh hưởng đến đời sống người khác nữa.

Ngay trong đại gia đình Hội Thánh, cũng có những hình thức gương mù gương xấu, làm cho một số tín hữu bất mãn bỏ nhà thờ. Cha mẹ sống bê tha không đạo đức, làm cho con cái bất hiếu sống sa đọa. Một số tu sĩ ảnh hưởng xã hội, bị tình tiền tài lôi cuốn, thiếu gương sáng cho giáo dân. Nơi học đường, thầy cô giáo dạy học chạy theo thành tích, làm cho học trò thiếu tín nhiệm. Nhiều gia đình trẻ gây đổ vỡ ly thân, ly dị, khiến cho giới trẻ nghi ngờ tình yêu…

Chúa Giêsu tỏ ra rất nặng lời với những ai làm gương xấu: “Thà buộc cối đá vào cổ ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42). Và Chúa còn cho biết: “Những ai làm phúc cho người khác dù chỉ là một ly nước lã thôi, nhưng vì lòng yêu mến Chúa, thì Ngài sẽ ghi công thưởng phúc ở đời sau” (Mc 9,41). Ngược lại, nếu người nào làm gương mù gương xấu, nên cớ vấp phạm cho người khác, thì Chúa sẽ tính tội người ấy nặng hơn.

Tiếp đến, Chúa Giêsu dạy phải dứt bỏ mọi nguyên nhân đưa đến phạm tội, vì tội lỗi sẽ làm cho mình mất hạnh phúc Nước Trời mai sau. Để dễ hiểu hơn Chúa Giêsu đưa ra một dẫn chứng cụ thể: mỗi chi thể của con người đều quan trọng. Chẳng hạn như: tay, chân, tai, mắt, nhưng đành mất một tay, một chân, một mắt mà còn được vào Nước trời, còn hơn đầy đủ bộ phận mà phải sa hỏa ngục.

 Ví như một phần nào của thân thể bị đau bệnh, không hy vọng chữa khỏi, chẳng hạn như bị ung thư: gây nguy hiểm cho thân thể và đe dọa đến sinh mạng, thì bác sĩ phải giải phẫu, cắt bỏ phần chi thể đó đi. Làm như thế sẽ bảo đảm được mạng sống, đó là chuyện bình thường trong y tế và đời sống.

Đời tâm linh cũng thế, nếu tay chân, tai mắt… nên cớ cho mình phạm tội, có nguy cơ đánh mất phần rỗi linh hồn, thì hãy nên đánh đổi. Nói rõ hơn, khi Chúa nói chặt tay, chặt chân hay móc mắt, không có nghĩa là chặt tay, chặt chân, móc mắt thể lý, nhưng là hãy lánh xa dịp tội.

 Mắt có thể hiểu là cha mẹ, hay những người lớn tuổi. Tay có thể hiểu là những người có liên hệ, bạn bè thân hữu. Nhưng nếu cha mẹ hay ai đó nên dịp tội cho nhưng người trẻ, làm cớ cho chúng ta phạm tội, thì bằng mọi giá, chúng ta phải tránh xa những người đó, cho dù có bị mất lòng. Vì thà được lòng Thiên Chúa còn hơn được lòng người thế gian.

Hay khi chúng ta làm bạn với ai đó, lần nào đi chơi với người ấy, cũng dễ phạm tội làm mất lòng Chúa, làm những điều trái với lương tâm, thì chúng ta phải cắt đứt ngay tình bạn đó, cho dù tổn thương tình nghĩa với nhau. Vì thà chịu đau khổ một thời gian trên chốn dương gian này, còn hơn phải chịu khổ hình dài lâu nơi chốn luyện tội.

Giáo lý Công giáo ngay từ câu đầu tiên có viết:  Mục đích ta sống ở đời này để nhận biết, thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời là cha chúng ta, và thương yêu mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, cho ngày sau được hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Xây dựng một xã hội tốt đẹp có nghĩa là chúng ta ăn ngay ở lành, làm những điều hữu ích cho xã hội, đặc biệt làm gương sáng cho thế hệ con cháu chúng ta. Đồng thời, đối với bản thân, chúng ta nên lánh xa những dịp tội, lánh xa những cơ hội làm chúng ta dễ phạm tội lỗi giới răn Chúa.

Vì thế, tất cả những gì chúng ta đang có như: địa vị chức quyền, bạn bè thân hữu, nghề nghiệp của cải… là những nhu cầu thết yếu cần phải có trong đời sống. Nhưng nếu những nhu cầu ấy nên duyên cớ đưa đẩy chúng ta dễ phạm tội, làm mất lòng Chúa, thì chúng ta hãy cương quyết từ bỏ, cho dù có phải thiệt thòi đến đâu đi nữa, vì như lời Chúa nói: ” Nếu lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?” (Mt, 16, 26).

Là những người con Chúa, chúng ta cố gắng mỗi ngày sống làm vinh danh Chúa, thánh hóa bản thân và mưu ích cho các linh hồn. Vì thế, chúng ta cần sống gắn bó với Chúa và sống tình liên đới với nhau, góp phần xây dựng xã hội này ngày nên tốt đẹp hơn, như lòng Chúa mong ước. Amen.

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN- Năm B

HÃY BIẾT CHỌN LỰA CAN ĐẢM VÌ ĐỜI VĨNH CỬU  –  Lm. Phêrô Lê Văn Chính

Chọn lựa can đảm và biết hy sinh trong đời sống hiện tại nhằm hướng tới đời sống vĩnh cửu mai sau là viễn tượng của người Kitô hữu theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu huấn luyện các môn đệ để các ngài biết cách sống của người môn đệ cũng như biết chọn lựa can đảm trong hành động hằng ngày để hướng về tương lai của đời vĩnh cửu. Ngay từ bài đọc thứ nhất từ sách Dân số, chính Môisen là người phải sửa dạy thái độ của Giôsuê là người phục vụ lâu năm của mình. Khi Thiên Chúa ban phát Thánh Thần cho Môisen thì người cũng lấy một phần Thánh Thần ban cho Môisen để ban cho bảy mươi kỳ mục khác khiến cho họ cũng nói tiên tri. Lúc bấy giờ có hai người không ở cùng với nhóm bảy mươi trong lều, nhưng vốn có ở trong danh sách với bảy mươi kỳ mục và hiện đang ở trong trại, thì Thánh Thần cũng được ban cho họ, và họ cũng nói tiên tri khiến cho Giôsuê sinh lòng ghen tức và báo cáo sự việc cho Môisen khiến ông phải nhắc nhở Giôsuê không được ghen tức với người khác vì việc ban Thánh Thần là tùy thuộc quyền của Thiên Chúa để mời gọi những người khác nhau cùng tham dự vào công việc theo thánh ý Thiên Chúa.

Trong câu chuyện Tin mừng theo thánh Marcô, hoàn cảnh xảy ra cũng khá tương tự. Gioan là một môn đệ của Chúa Giêsu, theo tâm lý bình thường, ông báo cáo với thầy có kẻ không thuộc nhóm nhưng lại làm phép lạ nhân danh thầy, Gioan muốn xin phép thầy để đi ngăn cản không cho người này làm phép lạ. Chúa Giêsu đã ngăn không cho Gioan ứng xử hẹp hòi như vậy: “Đừng ngăn cản anh ta, không có ai làm phép lạ nhân danh thầy mà lại nói xấu thầy được. Ai không chống lại chúng ta là cùng thuận với chúng ta”. Tinh thần phe nhóm hẹp hòi vốn là tinh thần mà người ta tìm cách bảo vệ. Trong hoàn cảnh một Giáo hội đang phải chịu nhiều bách hại, thì các kitô hữu càng dễ  co cụm hơn nữa. Lời Chúa Giêsu có một tầm quan trong đặc biệt, thúc đẩy các môn đệ có một tinh thần cởi mở nhiều hơn để có thể gặp gỡ với những người, dù họ thuộc nhóm người nào đi nữa. Tiêu chuẩn để đánh giá đó là những việc làm tốt mà những người khác làm được nhân danh Chúa Giêsu. Có thể nói có hai dạng môn đệ của Chúa Giêsu. Những người tuy không thuộc nhóm các môn đệ của người cách rõ rệt, nhưng lại làm được những phép lạ nhân danh người, và những người thuộc cùng nhóm những môn đệ của Chúa Giêsu. Vì thế, thách đố của các môn đệ của thầy Giêsu là họ càng phải hành động như chính thầy của mình hơn nữa, họ cũng phải sống những giá trị như thầy của họ đã sống và làm những điều tốt đẹp cho người khác như thầy của họ đã làm.  Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ hiểu được giá trị lớn lao của một việc làm bác ái nhỏ bé của bất kỳ người nào làm cho các môn đệ của người, dù là một ly nước lả, thì họ cũng không mất phần thưởng trong ngày phán xét. Trong một thế giới có nhiều thù hận, một việc làm bác ái nhỏ bé của bất kỳ ai cho một người môn đệ của Chúa Giêsu thì được chính người đón nhận và vì thế người môn đệ của thầy Giêsu phải biết vượt qua những hạn hẹp phe nhóm của mình để sống chính tinh thần của thầy.

Chúa Giêsu còn cảnh giác nguy cơ của việc làm gương xấu, nhất là làm gương xấu cho các môn đệ Chúa Giêsu là những người đức tin còn yếu ớt, mới bắt đầu tin vào người:”Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đâyphải sa ngã, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” . Vì thế mỗi người, khi sống với những người khác, cần phải cẩn thận cân nhắc những việc làm của mình, xem việc làm của mình có gây ảnh hưởng hay tác hại gì đến những anh em chung quanh không. Đồng thời cũng phải cảnh giác xem những việc làm nào của mình là nguyên cớ cho chính mình bị hư mất không. Cần phải can đảm loại bỏ những nguyên cớ của việc làm xấu này với bất cứ giá nào, ngay cả khi phải hy sinh chính một phần thân thể của mình : “ Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã thì chặt nó đi, thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục; nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi, thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn có đủ hai chân mà phải bị ném vào hỏa ngục; nếu mắt anh làm cớ cho anh vấp ngã, thì móc nó đi, thà chột một mắt mà được vào cõi sống còn hơn có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt”. Hỏa ngục là dịch từ “Gêhenna” là một địa danh nằm phía nam của ngọn đồi Giêrusalem. Vào thời Chúa Giêsu, ngọn đồi này được dùng làm nơi đổ rác của thành Giêrusalem. Nơi đây tập trung mọi thứ rác thải, kể cả xác loài động vật và các loại hoa màu để rồi các loài giòi bọ tha hồ rúc rỉa. Nơi đây người ta thường phải đốt để thiêu hủy và vào thời xảy ra nạn dịch thì còn chứa cả những xác người.

Những lời cảnh giác này thật là nghiêm trọng. Mắt, tay, chân đều là những phần cơ thể quan trọng và cần thiết cho mọi hoạt động của con người. Vì thế nói đến mắt, tay, chân cũng là nói đến con người toàn vẹn. Phải có can đảm loại bỏ những nguyên nhân gây cớ phạm tội để cứu được cuộc sống đời đời của mình. Đây là những lời lẽ rất cứng rắn, nghiêm trọng cảnh giác về cái chết của tội nhân với sự hư nát đời đời, bị giòi bọ đục khoét và lửa thiêu đốt đời đời, nhằm thúc đẩy người môn đệ Chúa Giêsu biết mạnh mẽ quả quyết xa lánh tội lỗi và nguyên nhân tội lỗi để bảo vệ cho mình được hạnh phúc sự sống muôn đời. Đây chính là thành công hay thất bại của đời người. Nếu người ta có tất cả : hai tay, hai chân hay hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục thì cũng bằng không. Cuộc sống hạnh phúc đời đời đổi lại với sự đau khổ tủi nhục muôn đời quả là điều đáng cho chúng ta phải chọn lựa cương quyết và hy sinh biết chừng nào. Làm môn đệ của Chúa Giêsu không phải chỉ là việc mình thuộc về nhóm này hay nhóm khác, mà chính là sống và hành động như Chúa Giêsu đã làm. Người đã dùng những lời nói rất mạnh mẽ như cụt tay, cụt chân, mất một mắt để cảnh giác chúng ta phải biết loại bỏ những gì không phù hợp với những đòi hỏi của hạnh phúc vĩnh cửu. Bất kỳ hành động nào, nguyên nhân nào gây cho mình hay gây cho người khác phạm tội thì đều cần phải loại bỏ. Mỗi người được mời gọi can đảm loại trừ những nguyên nhân của tội lỗi nơi chính mình và nơi người khác để được hưởng sự sống đời đời. Đó là một sự chọn lựa quyết định không chút khoan nhượng vì hạnh phúc đời đời vô cùng lớn lao.

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN- Năm B

LÒNG GHEN TỊ DẬP TẮT THÁNH LINH-  Trích Logos B

Trong kho tàng truyện cổ Trung Hoa có câu truyện Vợ Bành Tổ Khóc Chồng như sau :

Ngày kia, Ngãi Tử ra khỏi nhà thấy một bà lão tóc bạc phơ đang khóc bên đường. Ngãi Tử hỏi:

– Tại sao bà khóc thương tâm như thế ?

– Tôi khóc vì chồng tôi mới qua đời. Bà lão trả lời.

– Tôi hỏi khí không phải: chồng bà là ai vậy ? Ngãi Tử hỏi.

– Chồng tôi là Bành Tổ !

– Này bà, chồng bà là Bành Tổ thọ 800 tuổi mới qua đời. 800 tuổi chẳng phải là thọ lắm sao ? Cớ gì bà phải tiếc nuối như thế ?

Bà cụ trả lời:

– Tôi khóc không vì tiếc nuối. Tôi khóc vì phiền muộn bởi thế gian này còn có người sống tới 900 năm ! Như thế an tâm sao được !

Vợ Bành Tổ khóc vì có người thọ hơn chồng mình. Đó là thói ghen tỵ, bệnh phổ cập nơi con cái Adam Evà. Lòng ghen tỵ ấy là hậu quả của tội Adam Evà nó dẫn đến biết bao tội ác : tội ác Cain giết em của mình là Aben ; tội con cái Giacóp bán em ruột là Giuse… lòng ghen tỵ đó đầu độc lòng dạ Esau ghét bỏ em mình là Giacóp ; nó biến vua Saulê trở nên kẻ vô ơn và mê muội rắp tâm giết hại Đavít là ân nhân của dân tộc và là người được Thiên Chúa xức dầu.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay dạy ta : lòng ghen tỵ dập tắt Thánh Linh.

Câu chuyện Cựu ước

Bài đọc I nhắc lại chuyện thời ông Môsê (khoảng năm 1250 trước công nguyên). Khi đó, dân Do Thái đang trên đường về Đất Hứa, họ thèm thịt và kêu trách Môsê. Môsê khổ tâm quá bèn kêu lên Chúa vì ông thấy trách nhiệm như gánh quá nặng đè trên ông. Chúa thương Môsê và giảm gánh nặng cho ông bằng cách dạy ông triệu tập 70 kỳ mục trong dân đến trước lều Hội Ngộ để Chúa ban Thần Khí cho họ. Những người này sẽ chia sẻ quyền lãnh đạo đỡ gánh nặng cho Môsê.

Đúng giờ đúng hẹn, Thần Khí Chúa ngự xuống trên họ và họ được ơn nói tiếng lạ. Tuy thế, có hai người không trong nhóm đó là ông Endat và ông Mêdat đang ở trong trại cũng nói được tiếng lạ. Ông Giôsuê  là trợ tá của Môsê khó chịu và đề nghị Môsê ngăn cấm họ: “Xin thầy ngăn cản họ !” Thay vì ngăn cản, Môsê đã nói : “Anh ghen giùm tôi à ? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ !” (x. Ds 11, 24 – 30).

Giôsuê ghen và muốn độc quyền. Thế là vô tình ông đã chống lại Thiên Chúa. Bởi lẽ mọi ơn lành đều bởi Chúa mà ra và đều do ý Chúa muốn. Ghen tỵ làm cho người ta trở nên kẻ chống lại Thiên Chúa.

Chuyện Tin Mừng

Chuyện ghen tỵ là chuyện thường tình nơi lịch sử con người. Đến thời Đức Giêsu, chuyện ghen tỵ ấy xuất hiện ngay trong nhóm Mười Hai. Bài tin mừng hôm nay thuật lại sự kiện có ai đó không trong Nhóm Mười Hai mà lại trừ được quỷ. Khi thấy Đức Giêsu trừ được quỷ, các tông đồ nhân danh Đức Giêsu cũng trừ được quỷ, người đó làm theo và cũng trừ được quỷ ! Các Tông đồ khó chịu. Họ khó chịu vì người đó không thuộc nhóm của Chúa Giêsu mà lại dám lấy danh Chúa Giêsu để trừ quỷ. Đúng là bất công ! Các ông ra sức ngăn cản tựa như người ta bảo vệ “bản quyền”. Các Tông Đồ phản ánh với Chúa sự kiện bất công này. Họ tưởng bẩm báo như thế thì được Chúa tán thành cho rằng họ biết bảo vệ quyền lợi, danh dự và uy tín: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố gắng ngăn cấm vì người ấy không theo chúng ta”. Trái lại, Đức Giêsu mở lòng các ông để các ông không đóng khung “chúng ta” trong nhóm Mười Hai. Người thuộc về Chúa là những người biết cùng với Chúa mà đẩy lui sự dữ. Ân huệ Thiên Chúa ban cách hào phóng đến độ tràn làn trên mọi chư dân. Chúa mời mọi người cộng tác vào công trình cứu độ với Chúa. Ơn cứu độ không chỉ ban cho một nhóm người, cũng không chỉ ban cho một dân tộc. Không ai được độc quyền ơn cứu độ. Nhóm Mười Hai là khởi điểm lãnh nhận ơn cứu độ nhưng là quá nhỏ để lãnh trọn ơn cứu độ. “Chúng ta” của Đức Giêsu trải dài đến mọi người, mọi dân tộc, khắp năm châu. Như thế mới thoả lòng Đức Giêsu.

Chuyện đời thường

Sau tội Ađam – Evà, như một lẽ tự nhiên, người ta dễ buồn khi thấy người khác trổi vượt hơn. Đó là thói ghen tỵ.

Có người buồn khi thấy giáo xứ người trổi vượt hơn giáo xứ mình ; có người bực dọc khi thấy người khác giỏi hơn, được tín nhiệm hơn mình. Đôi lúc chúng ta ăn không ngon, ngủ không yên khi thấy nhà bên cạnh to hơn, đẹp hơn, cao hơn nhà chúng ta… Tất cả là phản ứng của thói ghen tỵ nguy hiểm.

Nguy hiểm vì nó dễ dẫn chúng ta đến thái độ bất công với tha nhân: nói hành nói xấu, cắt nghĩa xấu làm giảm giá trị người khác. Các biệt phái xưa cũng vì ghen tỵ mà xuyên tạc về Chúa : cho rằng Chúa nhờ quỷ lớn để trừ quỷ con ; Chúa lộng ngôn phạm thượng ; lại còn đàm đúm với phường tội lỗi ; cho rằng Chúa bất xứng kỳ đức khi để một phụ nữ tội lỗi đụng đến mình… Cũng thế, chúng ta có thể cắt nghĩa sự thành công của anh em là “hay không bằng hên” ; đánh giá người quảng đại là “hạng đạo đức giả” v.v…

Ghen tỵ làm cho người ta mất nghĩa với Chúa, mất sự bình an trong tâm hồn và dễ dẫn đến tội ác. Đó là tự huỷ diệt mình.

Ngày kia có một con ễnh ương nhìn thấy con bò to lớn. Nó khó chịu vì sự to lớn của con bò. Nó quyết to lớn bằng con bò cho thoả lòng. Thế là nó nín hơi phình bụng. Một hơi, hai hơi, nhiều hơi… Mỗi lần nín hơi là ễnh ương lại to thêm, bụng căng hơn. Người ta bảo rằng: lúc ấy ễnh ương phấn khởi lắm, nó nghĩ chẳng chóng thì chầy nó sẽ to bằng con bò. Thế rồi nó nín hơi thêm nữa, thêm nữa. Bỗng người ta nghe thấy tiếng nổ “bụp”. Bụng ễnh ương vỡ nát ! Đáng đời thói ghen tỵ !

Thái độ của con cái Chúa phải là :

Chân thành mừng vui trước thành công của tha nhân,  cùng với anh em mà tạ ơn Chúa. Thế mới là “vui với người vui, khóc với người khóc” đầy tình bác ái.

Khi chưa được bằng người, ta hãy xét mình để chỉnh đốn mà tự thăng tiến. Đó là ganh đua cầu tiến đẹp lòng Chúa.

Ta hãy nhớ : dấu chỉ để nhận ra bàn tay của  Thánh Thần thúc đẩy là sự hiệp nhất, yêu thương và xây dựng. Phá đổ, nói xấu, dèm pha, ngăn cản điều tốt là do ma quỷ. Việc của ma quỷ đôi khi đội lốt đạo đức, đó là khi người ta lấy danh Chúa mà cản trở việc tốt của anh em.

home Mục lục Lưu trữ