Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Tổng truy cập: 1377178

ĐỪNG SỢ, HỠI ĐÀN CHIÊN BÉ NHỎ

Đừng sợ, hỡi đàn chiên nhỏ bé! – Charles E. Miller

(Trích dẫn từ ‘Giảng Lễ Chúa Nhật’)

Qua suốt cuộc sống của mình, Chúa Giêsu đã theo hình thức thăm hỏi của người Do Thái mà thói quen thời đó vẫn dùng: “Bình an cho các con”, đó là một cách để nói: “Chào anh, anh có khỏe không?”. Sau cái chết và sự Phục Sinh của Người, Chúa Giêsu đã chuyển đạt lời chào này thành một đặc ân an toàn giữa những bấp bênh của đời sống này. Khi Chúa Giêsu chào đón các môn đệ của Ngài sau cái chết và sự Phục Sinh, Ngài nói: “Bình an cho các con”, những lời của Ngài đã trở thành sự bảo đảm cho mọi sự nên tốt. Chúa Giêsu đã hiến tặng sự bình an bởi vì Ngài đã chiến thắng trên cả hai kẻ thù của chúng ta đó là tội lỗi và sự chết.

Chúa Giêsu đã hiến tặng cho chúng ta cùng một sự bảo đảm như cho các môn đệ của Ngài. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta trong bài Phúc Âm ngày hôm nay: “Hỡi đàn chiên nhỏ, đừng sống trong sợ hãi”. Sợ hãi là một phần của đời sống. Tổng thống Franklin Delano Roosevelt trong bài diễn văn của mình vào ngày 4-3-1933 đã nói với dân chúng Mỹ rằng: “… điều duy nhất chúng ta phải sợ hãi chính là cơn sợ. Nước Mỹ thời gian đó đang chìm trong khủng hoảng kinh tế trầm trọng mà chúng ta chưa hề thấy trước đó bao giờ, những doanh nhân giàu có đã đi bán những đồng xu bên đường phố, những người đàn bà đã phải đi tìm chỗ ở bởi vì không có chỗ để sống. Một hệ thống kinh tế điên rồ trong quá khứ đã đem lại một hiện tại khủng khiếp và hứa hẹn một tương lai bấp bênh. Mặc dù có sự bảo đảm của tổng thống, nhiều người Mỹ vẫn sợ hãi.

Còn đối với chúng ta thì sao? Đức tin của chúng ta vào lời của Chúa Giêsu có làm cho những cơn sợ hãi của chúng ta nên bình an, không phải về kinh tế nhưng là nguồn mạch lớn lao về sự sống và sự chết không? Thư Do Thái trong Thánh Lễ ngày Chúa Nhật hôm nay đã nói với chúng ta rằng;”Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng là bằng chứng cho những gì chúng ta không thấy”. Đức tin của chúng ta trong tương lai đặt nền tảng trên những điều gì? Và nguồn mạch bằng chứng của chúng ta là gì? Đó là quá khứ.

Vào năm 1933, quá khứ đã phát sinh sợ hãi trong lòng người dân Mỹ. Đối với chúng ta quá khứ sẽ làm mạnh cho đức tin của chúng ta ngày hôm nay. Hãy suy nghĩ về những tổ phụ lớn lao của đức tin như: Abraham và Sara, Isaac và Giacop và tất cả những người sốt sắng trong Cựu Ước. Họ đã đi tìm quê hương của mình. Họ đã tìm thấy nó không phải trên mặt đất này nhưng là trên thiên đàng. Cuối cùng họ khám phá ra rằng không có gì phải sợ hãi. Số phận của họ sẽ làm cho tâm hồn chúng ta tràn đầy tin tưởng.

Khi chúng ta nhìn về kỷ nguyên mà Chúa Giêsu đang còn trên mặt đất này, chúng ta sẽ thấy gì? Bằng cái chết Ngài đã phá hủy sự chết của chúng ta và bằng sự sống lại của Ngài, Ngài đã phục hồi sự sống lại cho chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy bởi thánh giá và sự Phục Sinh Ngài đã giải thoát chúng ta, Ngài là Đấng cứu độ thế giới.

Sau “kinh Lạy Cha”, chúng ta cầu xin ơn bình an: “Lạy Chúa xin giải thoát chúng con khỏi mọi sự dữ, xin ban bình an cho ngày sống của chúng con”. Và trước khi hiệp lễ, vì linh mục cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các tông đồ rằng Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, xin đừng nhìn tội lỗi chúng con nhưng hãy nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa, xin ban cho chúng con sự bình an và hiệp nhất của Nước Chúa”. Khi chúng ta đã chúc bình an cho nhau, chúng ta thông dự vào việc hiến tặng bình an mà Đức Kitô đã ban cho các môn đệ của Ngài.

Đức tin của chúng ta được đặt nền tảng trên thực tại của tất cả những gì Thiên Chúa đã làm, đầu tiên là những biến cố trong Cựu Ước và đặc biệt là trong sự chết và sự Phục Sinh của Con Người. Điều độc nhất mà chúng ta phải sợ hãi, không phải là chính cái sợ nhưng là sự thiếu đức tin.

 

17. Thức tỉnh – Như Hạ, OP

Làm sao con người có thể tránh hấp lực vật chất? Của cải đã chi phối sâu xa cuộc sống con người. Không tiền bạc không thể làm được việc gì có giá trị. Vật chất đã trở thành tiêu chuẩn đánh giá mọi thực tại và tương quan. Bởi thế, làm sao người ta có thể tưởng tượng có một thứ tiêu chuẩn nào khác ngoài vật chất? Thế nhưng, Ðức Giêsu muốn đưa ra một thực tại siêu việt, ngược với vật chất. Thực tại đó là Nước Trời, một thách đố lớn lao đối với những ai chỉ tin vào vật chất.

TIN ÐỨC KITÔ: MỘT LỰA CHỌN

Trước thực tại siêu nhiên, của cải vật chất vẫn có một chỗ đứng. Ðức Giêsu không hề phủ nhận những giá trị vật chất. Nhưng Người đã vạch ra một chiều hướng lớn lao cho những thực tại trần thế. Quả thực, Ðức Giêsu gọi người phú hộ là "đồ ngốc" vì chỉ "biết thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa." (Lc 12:21) Khác với người phú hộ chỉ lo "tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình," (Lc 12:18) người môn đệ Chúa Kitô phải "bán tài sản của mình đi mà bố thí" và "sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời." (Lc 12:33) Bỏ qua những thực tại trần thế để đuổi theo những thực tại "trên trời", phải chăng đó là thái độ khôn ngoan?

Chúa Giêsu quả quyết đó là thái độ khôn ngoan. Tại sao? Cái nhìn của Chúa về của cải rất chính xác. Người không bi quan về của cải. Nhưng Người đề nghị cách dùng của cải sao cho ích lợi nhất. Muốn thế, phải tìm được một hướng đi và ý thức rõ ràng về vị trí của mình trên những thực tại trần gian. Con người có thể tạo ra của cải. Của cải tạo ra cảm tưởng an toàn cho con người. Nhưng thực tế, của cải bị đủ thứ đe dọa: cũ rách, hao hụt trộm cướp, mối mọt, bão lụt, chiến tranh v.v. Con người cứ tưởng mình có thể làm chủ tất cả những gì mình có và làm tất cả những gì mình muốn. Nhưng của cải trần thế không đủ sức giúp con người làm chủ thời gian. Chính thời gian sẽ là câu trả lời cho con người biết vị trị của mình trước những thực tại trần thế đó. Khi người phú hộ tưởng có thể ăn chơi "nhiều năm", thì Thiên Chúa lại cảnh cáo: "Nội đêm nay." (Lc 12:19.20) Chính thời gian sẽ bắt buộc con người phải buông tất cả. Hơn nữa, có ai biết được giờ phút từ giã cuộc đời. Bởi vậy, Ðức Giêsu cảnh giác: "Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến." (Lc 12: 40) Cuộc đời rất vắn vỏi và kết thúc bất ngờ. Vì không thể làm chủ thời gian, vai trò làm chủ của cải của con người trở thành tương đối. Chỉ một mình Thiên Chúa mới là chủ tuyệt đối trên mọi tài sản. Sống trên trần gian, con người giống như người đầy tớ "đợi chủ đi ăn cưới về." (Lc 12:35) Hay như người quản gia, con người phải khéo léo vận dụng tất cả tài năng quản trị và phải báo cáo với chủ về tất cả những tài sản và công việc mình làm.

Nếu thế, vấn đề không phải là có bao nhiêu tài sản, nhưng là làm cách nào quản trị những tài sản đó. Người quản gia phải hai thái độ: chuẩn bị sẵn sàng và làm theo ý chủ. Thái độ sẵn sàng đòi hỏi người đầy tớ hay quản gia phải "tỉnh thức" (Lc 12:37) Nếu không, họ sẽ đánh mất phần thưởng dễ dàng. Phần thưởng chắc chắn sẽ có, nhưng chẳng biết bao nhiêu. Ông chủ chắc chắn sẽ trở về, nhưng không biết lúc nào. Bổn phận người quản gia là "cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc" (Lc 12:42) đúng người và đúng nơi. Nếu phung phí tiền của vào những nơi đàng điếm, "chè chén say sưa" (Lc 12:45) người quản gia sẽ "phải chung số phận với những tên thất tín." (Lc 12:46) Ðó là thái độ của một quản gia vô ý thức, cứ tưởng "còn lâu chủ ta mới về." (Lc 12:45) Chính sự lầm tưởng ấy đã dẫn anh đến thái độ hống hách, "đánh đập tôi trai tớ gái" (Lc 12:45) y như một ông chủ hách dịch.

Nếu lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi chủ về, các người đầy tớ sẽ chứng kiến một cảnh ngược đời. "Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ." (Lc 12:37) Chưa thấy một ông chủ nào lạ lùng như vậy! Ông đã quên hẳn địa vị để phục vụ người đầy tớ. Ðó phải chăng là cách diễn tả "vai trò phục vụ của Ðức Giêsu, xuyên suốt trong toàn thể sứ vụ và giáo huấn của Người, giờ đây được trình bày trong một khung cảnh cánh chung." (Fahey 1994:535) Chính Ðức Giêsu đã hé mở thái độ như thế khi sống giữa các môn đệ: "Thày sống giữa anh em như một người phục vụ." (Lc 22:27) Thật là một vinh dự và phần thưởng lớn lao! Chẳng cần đợi tới ngày cánh chung, nhưng ngay khi sống giữa các môn đệ, Ðức Giêsu đã cho các ngài nếm trước tình yêu êm dịu nơi thái độ phục vụ đó. Bởi vậy, các môn đệ là những người có phúc và được khen tặng là những "người quản gia trung tín, khôn ngoan," (Lc 12:42) bởi vì các ông đặt tất cả niềm tin và hi vọng nơi Ðức Giêsu. Tất cả ý nghĩa cuộc đời đều hệ tại thái độ chờ "đợi chủ đi ăn cưới về." (Lc 12:36)

Niềm hi vọng đó cũng là nét đặc trưng của toàn thể dân Chúa thời xa xưa. "Dân Chúa đã trông đợi đêm cứu thoát người chính trực và tiêu diệt kẻ địch thù," (Kn 18:7) sau bao nhiêu thế hệ mong Chúa thực hiện lời hứa. Vì "Chúa là niềm hi vọng của con." (Tv 71:5) Nhưng làm sao hi vọng được, nếu không tin? Quả thực "đức tin là bảo đảm cho những điều ta hi vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy." (Dt 11:1) Chính "những điều không thấy" có giá trị gấp ngàn lần "những điều trông thấy mà đau đớn lòng." (Truyện Kiều) " Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." (Lc 12:15) Càng nhiều của cải vật chất càng đâm lo. Bao nhiêu đe dọa và hiểm nguy vây bọc chung quanh. Có thể tiêu tan và mất mát bất cứ lúc nào. Giữa những hoang mang lo lắng đó, Ðức Giêsu khích lệ các môn đệ: "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em." (Lc 12:32) Nước Người tràn ngập bình an.

Chỉ có Nước Chúa mới là nơi an toàn tuyệt đối. Vào được Nước Trời sẽ thấy Chúa khoản đãi một bữa tiệc thịnh soạn và chăm sóc tận tình. Con người sẽ hoàn toàn hạnh phúc, vì "Thiên Chúa của tôi sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Ðức Kitô Giêsu." (Pl 4:19) Ðó là lý do tại sao nhiều người "bán tài sản của mình đi mà bố thí." (Lc 12:33) Không những bán tài sản, nhưng họ còn liều mạng vì Nước Chúa nữa. Chính tổ phụ Abraham đã đi tiên phong trong niềm tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa. "Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ lãnh nhận làm gia nghiệp. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Ðất Hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng," (Dt 11:8.9.10) tức là Nước Chúa, nơi tràn ngập "sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần," (Rm 14:17) vì Ðức Giêsu Phục sinh sẽ là "Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh," (Kh 7:27) chan hòa niềm vui.

Niềm vui ấy chính ông Abraham đã nếm trước. Quả thực, "dù đã nhận lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một" (Dt 11:17) là Isaac. Vì "ông Abraham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng" (Dt 11:19) cho Ðức Giêsu Phục Sinh. Sau khi phục sinh, Ðức Giêsu đã trở thành "Chúa các chúa, Vua các vua." (Kh 17:14) Người đích thực là ông chủ sẽ trở về vào lúc bất ngờ để đem lại niềm vui bùng vỡ cho các đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Niềm vui lớn nhất là họ sẽ được Chúa "đặt lên coi sóc tất cả tài sản của mình." (Lc 12:44) Làm sao những tài sản trần gian có thể so sánh với tài sản muôn đời đó? Cuộc trao đổi thật lạ lùng! Cho đi cái tương đối để lấy cái tuyệt đối. Hi sinh cái hữu hạn để đổi lấy cái vô hạn. Làm sao hi sinh nếu không tin? Nhưng nếu Ðức Giêsu không phục sinh, làm sao củng cố niềm tin đó? Ðức tin sẽ cho ta thấy phải làm gì "để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay." (Lc 12:36) Chính đức tin sẽ giúp ta tỉnh thức. Nhưng "đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết."(Gc 2:17)

Chỉ có "bố thí" mới đánh thức nổi đức tin. Vì chính khi giúp đỡ những anh em nghèo khó, chúng ta sống hết lòng với Chúa, như Chúa đã nói: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." (Mt 25:40) Thực tế, càng bố thí càng thanh thoát, vì "kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó," (Lc 12:34) vì chính Ðức Giêsu đã giải thoát nhân loại khỏi mọi nô lệ và tội lỗi. Ðức Giêsu chính là kho tàng Thiên Chúa đặt giữa trần gian. Người đã tự đồng hóa với người nghèo. Bởi vậy, người nghèo chính là kho tàng cho mọi người ký thác tài sản.

TỈNH THỨC TRONG ÐỜI SỐNG HÔM NAY.

Nhờ đức tin, nhiều người khôn ngoan đã ký thác tiền của vào những kho tàng đó. Họ có thể là tỷ phú hay triệu phú một mình xây dựng học đường, bệnh viện, viện dưỡng lão, cô nhi, phong cùi v.v. Họ cũng có thể là nhiều công nhân hay nông dân nghèo phải gom tiền mới tài trợ nổi những người di cư và các nạn nhân chiến tranh, bão lụt v.v. Họ hành động như một thái độ tỉnh thức mong chờ Chúa đến. Họ không giống người phú hộ ngốc nghếch, chỉ biết thu tích của cải cho mình. Họ là những "quản gia trung tín, khôn ngoan" biết chia sẻ với những người nghèo và bất hạnh.

Trong khi đó, biết bao người đầy quyền lực, tiền của và tri thức đang lâm vào tình trạng u mê của tên phú hộ ngốc nghếch. Làm cách nào chống lại những người đang nhân danh quyền làm người để giết chết con người? Họ đang đổ tiền của vào việc nghiên cứu tế bào gốc để tìm cách chữa trị những bệnh như Parkinson. Dưới cái nhìn của họ, tế bào gốc không phải là bào thai, nên có quyền thí nghiệm hay hủy diệt tự do. Thực tế, "theo tiến sĩ Dianne Irving, hiện là một nhà luân lý sinh học lừng danh thế giới, cái gọi là?tế bào gốc của bào thai? thực sự là chính bào thai." (CWNews 10/8/2001) Như thế, hủy diệt tế bào gốc là giết người. Không luân lý nào cho phép giết người để cứu người cả. Nhiều người còn dùng quyền lực và tiền bạc áp đặt những biện pháp phá thai, tạo sinh vô tính. Chẳng hạn "chính phủ Trung Cộng đã ra lệnh cho một tỉnh nghèo nàn và hẻo lánh phải thực hiện 20,000 vụ phá thai vào cuối năm sau khi biết chính sách mỗi gia đình một con bị dân chúng coi thường." (CWNews 10/8/2001) Làm sao chống cưỡng được một lệnh giết trẻ em vô tội tàn bạo như thế? Nhiều nhà khoa học đang gầm thét đòi quyền tự do theo đuổi những chủ trương tạo sinh vô tính. Tiến sĩ Severino Antinori chủ trương "quyền làm người cho phép ông nghiên cứu việc tạo sinh vô tính." (CWNews 10/8/2001) "Ông gọi ÐGH Gioan Phaolô II và Tổng thống Mỹ George W. Bush là tội phạm? vì chống lại việc tạo sinh vô tính." (CWNews 10/8/2001)

Tất cả những thái độ chống lại con người như thế phải chăng phát xuất từ những con người đầy ý thức? Ngày nay con người không phải chỉ muốn làm chủ của cải, nhưng cả vận mệnh mình nữa? Thực ra, con người chỉ là đầy tớ hay quản gia trên mặt đất thôi. Muốn đạt tới hạnh phúc đích thực và sâu xa, con người cần phải tìm hiểu cho "biết ý chủ" và "làm theo ý chủ" (Lc 12:47) Người Chủ duy nhất đó chính là Thiên Chúa, Ðấng Tạo thành vũ trụ và là Cha đầy lòng yêu thương chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô.

 

18. Sẵn sàng chờ đợi Chúa đến

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Kho truyện cổ Tây Phương có kể tích truyện một anh hề ở cung điện vua, được vua trao cho phủ việt, biểu tượng của vương quyền, để làm cho nhà vua giải phiền.

Nhà vua gọi anh hề lại và nói:

- “Ngươi hãy giữ lấy phủ việt nầy cho đến khi ngươi tìm được một người nào ngây ngô và khờ dại hơn ngươi thì ngươi trao lại cho nó”.

Từ đó, mỗi khi có thết đãi triều, anh hề đến với phủ việt trong tay, dáng điệu vênh váo, ngông nghênh, cốt chọc cười mua vui cho nhà vua. Mấy năm sau, nhà vua lâm bệnh nặng. Biết mình sắp chết, nhà vua cho gọi anh hề lại. Vua buồn bã nói:

- “Ta sắp sửa đi du lịch ở một nơi xa lắm”.

- “Nhà vua đi tận đâu lận?”, anh hề hỏi.

- “Ta chẳng biết nữa”.

- “Nhà vua đi có lâu không?”.

- “Đi hoài và không trở về đây nữa”.

- “Nhà vua đã chuẩn bị hành trang chưa?”

- “Chưa hề”.

Anh hề liền cười hóm hỉnh và lễ phép tâu:

- “Vậy xin Hoàng Thượng cầm lấy phủ việt nầy. Hạ thần xin trao lại cho Hoàng Thượng, bởi vì nay hạ thần đã tìm được một người ngây ngô và khờ dại hơn hạ thần rồi”.

Anh chị em thân mến.

“Hãy sẵn sàng, vì lúc anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”. Cuộc sống của mỗi người là một cuộc hành trình tiến về đích điểm xa vời, một chân trời xa lạ. Nhưng có mấy ai đã chuẩn bị cho cuộc hành trình không bao giờ trở lại ấy? Một cuộc hành trình đơn độc, chẳng ai đi cùng. Cuộc hành trình có một không hai của mỗi người chúng ta.

Chết là đi về sự sống vĩnh cửu, là về với Chúa, Đấng yêu thương chúng ta. Thế mà sao chúng ta vẫn lo âu? Phải chăng nỗi lo âu là dấu hiệu nói rắng chúng ta sợ có thể không gặp được Chúa? Chúa luôn mong mỏi chờ đợi chúng ta. Phải chăng lo âu sợ hãi là dấu hiệu nói rằng chúng ta chưa chuẩn bị đủ, chưa sẵn sàng khi Chúa đến, là tâm hồn chúng ta còn ngổn ngang, còn tội lỗi và những đam mê, quyến luyến…

Triết gia Platon nói rất đúng: “Ai không bao giờ nghĩ đến sự chết thì không thể biết cách sống”. Điều nầy càng đúng với đời sống của người Kitô hữu. Làm sao một Kitô hữu có thể sống trong thái độ sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa đến, nếu những chân lý về đời sống vĩnh cửu, về ngày Chúa trở lại… chỉ là những điều xa xôi, mờ ảo, phi thực trước những cơn sốt của cuộc sống thực tiễn mỗi ngày. Đức tin chỉ cho người tín hữu thấy mình phải đi tới đâu và không cho phép người tín hữu hy sinh vận mạng vĩnh cửu vì những lợi ích ngắn hạn. Người Kitô hữu phải thấy được tất cả chiều dài con đường mình phải đi.

Vì vậy, người Kitô hữu phải luôn thức tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi ngày giờ Chúa đến. Thái độ tỉnh thức sẵn sàng nầy đòi hỏi chúng ta đừng để lòng mình bám chặt vào những của cải vật chất trần gian, mà phải có tâm hồn siêu thoát, luôn hướng về ngày Chúa trở lại. Ai trông chờ Chúa đến thì tự nhiên thấy cần phải sống siêu thoát. Và sống siêu thoát là một cách chuẩn bị đón Chúa. Bởi vì, “kho tàng anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó. Hãy sắm lấy kho tàng ở trên trời, kho tàng không bị hư hao, không bị mối mọt, không bị trộm cắp”.

Trông chờ Chúa đến là điều kiện để sống một cuộc đời Kitô hữu đích thực. “Lạy Chúa, xin Chúa mau đến!” đó là lời cầu nguyện khẩn thiết và niềm tin mạnh mẽ của các tín hữu buổi đầu. Chính vì thế mà Giáo Hội sơ khai đã là một Giáo Hội sốt mến, luôn cầu nguyện và bẻ bánh, sống trong tình huynh đệ, để của chung, chia sẻ của cải với anh em nghèo túng.

Còn chúng ta ngày nay thì sao? Thưa anh chị em,

Ưu tư hàng đầu của đông đảo tín hữu hôm nay là gì? Có còn là lòng khao khát Chúa đến nữa không? Chính tâm tình khao khát đợi chờ nầy sẽ chi phối tất cả cách sống của chúng ta. Chúa Giêsu thúc giục chúng ta hãy tỉnh thức, chờ đợi, thắt lưng, cầm đèn sáng trong tay. Đó là thái độ của người khao khát đợi chờ Chúa đến. Những lời khuyến cáo nầy chẳng những ám chỉ những việc cụ thể người Kitô hữu phải làm để chuẩn bị đón Chúa, mà còn chỉ cho thấy ý nghĩa bao quát, đích thực của đời Kitô hữu. Tất cả đời Kitô hữu là một cuộc chuẩn bị và một sự chờ đợi kiên trì. Nó hướng tới sự hoàn tất cánh chung, tới sự thực hiện chung cuộc các Lời Hứa. Vì thế, tất cả đời Kitô hữu cũng như toàn thể lịch sử loài người là một Mùa Vọng kéo dài, một Mùa Vọng trường kỳ, trong đó tâm tình tiêu biểunhât1 là lòng khao khát Thiên Chúa và niềm hy vọng vui tươi sẽ gặp được Ngài.

Tuy nhiên, niềm hy vọng cánh chung – đợi chờ ngày Chúa đến – không làm giảm giá trị cuộc đời trần thế hiện tại. Cuộc đời của người Kitô hữu luôn có một cuộc dằn co, căng thẳng giữa hai chiều kích, giữa niềm hy vọng cánh chung và việc dấn thân vào đời. Có căng thẳng, dằn co, chứ không có mâu thuẫn. Căng thẳng vì mỗi chiều kích có những đòi hỏi riêng của nó, và người Kitô hữu phải đáp ứng cả hai. Không được chọn bên nầy mà bỏ bên kia: không được dấn thân vào đời mà quên đích điểm là ngày Chúa đến; cũng không vì đợi chờ ngày Chúa đến mà xao lãng bổn phận dấn thân vào đời để xây dựng trần thế nầy. Có dằn có, căng thẳng giữa hai chiều kích, nhưng không mâu thuẫn, vì cả hai đều nhằm thực hiện ơn gọi cuối cùng và toàn diện của con người.

Anh chị em thân mến,

Hy vọng cánh chung chẳng những không miễn trừ các trách nhiệm trần thế mà còn là một động lực thúc đẩy chúng ta chu toàn các trách nhiệm đó một cách tận tụy và chu đáo như người quản gia khôn ngoan và trung tín, biết quản lý và phân phát của cải cho các gia nhân, tôi tớ. “Ai được giao cho nhiều thì phải phân phát nhiều”. “Phúc cho người quản gia nào khi chủ trở về mà gặp thấy đang làm như vậy”. Chu toàn nhiệm vụ được giao phó cũng là một cách tỉnh thức và sẵn sàng chờ đón Chúa. Vì mọi công trình tốt đẹp thực hiện trong cuộc đời hiện tại sẽ được giữ lại làm chất liệu kiến tạo Nước Trời mai sau.

Mỗi lần cử hành Thánh lễ là chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu – Ngài đã chết và đã sống lại – đồng thời trông đợi Ngài lại đến. Xin cho niềm khát khao Chúa đến sẽ làm chúng ta luôn tỉnh thức sẵn sàng, nhờ đó ta sẽ đón nhận Chúa cách trọn vẹn trong mọi thời điểm bất ngờ nhất của cuộc đời.

 

19. Những đầy tớ tỉnh thức - McCarthy

Suy Niệm 1. NGƯỜI ĐẦY TỚ TRUNG TÍN

Cái chết là biến cố to lớn nhất của đời sống, tuy nhiên nhiều người bị nó tóm lấy mà không hay biết. Đối với một số người nó đến như kẻ trộm vào ban đêm. Tuy nhiên sự bất ngờ ấy có thể là một ân sủng –nó theo sát chúng ta trong gang tấc. Nó buộc chúng ta chuẩn bị trong mọi lúc.

Được chuẩn bị không có nghĩa là hoàn thành hết mọi việc mà người ta muốn hoàn thành. Nó có nghĩa là phải sống trung thực với trách nhiệm của mình trong giây phút hiện tại. Một ngày nọ, một tu sĩ đang quét sàn nhà trong tu viện thì có người hỏi ông, ông sẽ làm gì nếu ông sẽ chết trong vòng một giờ nữa. “Tôi sẽ tiếp tục công việc quét nhà”, ông đáp. Nói cách khác, ông muốn tiếp tục đi theo bổn phận của mình trong lúc đó.

Nhiều người tin rằng hạnh phúc gắn liền với việc không có sự gì để cam kết, không có người nào để đáp lại và không bao giờ để cho nhu cầu hoặc những vấn đề của người khác trói buộc mình. Nhưng không phải thế. Thật ra, trái lại mới đúng. Hạnh phúc và sự viên mãn của một con người không nằm trong tự do, nhưng trong sự chấp nhận của bổn phận. Người ta chấp nhận bổn phận này không phải một cách khắc nghiệt nhưng với lòng yêu thương.

Bất cứ ai chỉ làm tròn bổn phận của mình, thì không làm hết bổn phận ấy. Chúng ta càng hiến dâng tình yêu cho nhiệm vụ khó khăn hơn, thì nó cũng làm cho chúng ta cao quý hơn. Ân sủng cao cả nhất, tự do cao cả nhất trong đời sống là khi điều chúng ta phải làm cũng chính là điều chúng ta thích làm. “Tôi nằm ngủ và mơ thấy đời sống là một niềm vui. Tôi thức dậy và thấy đời sống là bổn phận. Tôi hành động và thấy bổn phận là niềm vui”. (Tagore).

Khi ông Dag Hammarskjold bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của chức vụ Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, ông đã đọc một bài diễn văn cảm tạ. Trong bài diễn văn ấy, ông trích dẫn câu thơ của một thi sĩ Thuỵ Điển: “Phải chăng sẽ đến ngày mà niềm vui sẽ lớn và nỗi buồn phiền sẽ nhỏ?”. Và ông nói thêm câu trả lời của riêng ông: “Đến ngày mà chúng ta cảm thấy mình sống với bổn phận đã hoàn thành và đáng làm, ngày ấy là niềm vui sẽ lớn và chúng ta có thể coi sự buồn phiền là chuyện nhỏ”.

Đẹp biết bao nếu cái chết đến khi chúng ta đã làm xong mọi việc, hoàn thành mọi nhiệm vụ đâu vào đó như một bó lúa đã được cột lại. Nhưng chúng ta không thể chắc chắn đó có phải là trường hợp của mình không bởi vì giờ chết được giấu kín đối với chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta nhớ điều này: vấn đề không phải là chúng ta chết lúc nào và như thế nào mà là chúng ta sống như thế nào. Chúng ta phải cố gắng sống viên mãn và nhiệt tình và không chờ khi bệnh tật hoặc tai hoạ mới nhận ra bản chất bấp bênh của đời sống con người.

Mấy năm trước đây ở Mỹ, có một tu sĩ dòng Phanxicô hoạt động giúp đỡ các trẻ em mồ côi, ông tham gia vào một cuộc chạy đua xe đạp để gây quỹ bảo trợ. Trong lúc chạy ông đã bị một xe hơi đâm vào và kết quả là ông đã chết. Đúng là một cái chết không đẹp. Tuy nhiên từ một quan điểm Kitô giáo đó là một cái chết rất đẹp. Ông chết trong lúc làm việc cho Chúa. Ông giống như người đầy tớ trung tín mà Đức Giêsu nói đến trong Tin Mừng.

Đời sống rất quý giá, nhưng chúng ta không vui hưởng thế gian này mãi mãi. Phúc cho những người có ý thức về bổn phận. Sự cao cả của họ gắn liền với ý thức trách nhiệm. Mẹ Têrêxa nói: “Chúng ta không được kêu gọi để thành công, nhưng chỉ để sống trung thành”.

Suy Niệm 2. HÀNH TRÌNH TRONG ĐỨC TIN

Trong một bài viết cho tạp chí The Tablet (tháng 4-2000) Mục sư Ignotos nói rằng có hai cách tiếp cận đời sống: cách tiếp cận của một người đặt kế hoạch và của một người hành hương. Người đặt kế hoạch thích làm chủ toàn bộ đời sống mình và có thể đặt kế hoạch cho mỗi giai đoạn tuỳ theo những mục tiêu đã định trước. Người đặt kế hoạch theo sự gợi ý của xã hội về những điều mà xã hội cho là thành công, và dành phần lớn thời gian để sống phù hợp với phong cách sống và các giá trị của những người khác. Họ thất vọng đắng cay nếu thất bại trong việc hoàn thành những mục tiêu ấy.

Trái lại, người hành hương là người chấp nhận đời sống như một gói quà mà người ấy mở ra khi sống đời sống đó, vì dù có cố gắng đến đâu, chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn làm chủ sự viẹc xảy ra. Người ấy không để cho thất bại và chán nản làm nhụt chí, nhưng xem chúng như cơ hội cho sự trưởng thành tâm linh. Không giống như người đặt kế hoạch, người hành hương không bao giờ cảm tháy hoàn toàn thoải mái, dễ chịu vớinhưng4 giá trị của xã hội.

Người đặt kế hoạch từ chối sống với đức tin. Trái lại, người hành hương sống bằng đức tin. Dù biết rằng đời sống đầy nguy hiểm, người hành hương vẫn khẳng định nó. Dù ý thức sự bấp bênh hoàn toàn của thân phận con người, người ấy vẫn hoan hỉ. Đó là cốt lõi của đức tin. Người ấy đặt chính mình vào đôi tay của Thiên Chúa, và do đó mở rộng tâm hồn mình cho Ơn Chúa chở che. Người ấy cử hành giây phút hiện tại và do đó có thể sống cuộc đời đến mức cao nhất.

Ápraham là một gương mẫu cao cả của đức tin trong Cựu Ước (Bài đọc 2). Ông là một người hành hương tinh tuyền. Theo lời của Thiên Chúa ông tự làm mình mất gốc, rời bỏ gia đình và dân tộc của ông, và bắt đầu lên đường đến một vùng đất mà Thiên Chúa đã hứa sẽ chỉ cho ông; ở đó ông sẽ trở thành tổ phụ của một dân tộc to lớn. Đó là một cuộc hành trình đi vào một xứ sở chưa biết. La bàn duy nhất mà ông có chính là đức tin vào Thiên Chúa.

Chúng ta là những con cháu tinh thần của Ápraham. Chúng ta chứng tỏ mình là những con cháu chân chính của Ápraham bằng việc bắt chước đức tin của ông. Đời sống thì đầy dẫy những điều bấp bênh. Giống như Ápraham, chúng ta hành trình vài nơi không biết. Nói cho cùng chúng ta không biết điều gì nằm sau khúc quanh kế tiếp trên đường đời. Tuy nhiên, bất chấp nhưng đế chế và thất bại, chúng ta vẫn tiếp tục hành trình như là những người hành hương nhớ nhung quê nhà nơi mà những hy vọng của chúng ta được thực hiện và đời sống thật của chúng ta sẽ bắt đầu.

Với trọn vẹn đức tin, Ápraham đã chết mà không nhìn thấy lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện. Là những Kitô hữu chúng ta dành cả cuộc đời của mình để hành trình về vùng đất hứa trên trời. Nhưng khi chúng ta chết vẫn chưa đạt được. Cũng giống như Ápraham, chúng ta lữ hành trong đức tin và chết trong hy vọng.

Đặc biệt trong lúc chết, chúng ta được mời gọi noi gương đức tin của Ápraham. Lúc chết chúng ta phải để mọi sự lại đằng sau, và bắt đầu ra đi đến một vùng đất xa lạ. Nhưng nếu chúng ta đã sống bởi đức tin thì bước cuối cùng trong cuộc hành trình ấy sẽ không khó khăn hơn bất cứ những bước nào trước đó.

Là những Kitô hữu, chúng ta phải ý thức rằng chúng ta không lẻ loi trong cuộc hành hương của đời sống. Chúng ta thực hiện cuộc hành hương ấy như là những thành viên của một cộng đoàn sống đức tin. Đức tin của cộng đoàn sẽ nâng đỡ khi đức tin của chúng ta còn non yếu.

Đồng thời, giống như người đầy tớ mà Đức Giêsu nói đến, chúng ta phải cố gắng trung tín với Thiên Chúa và trung tín với nhau. Một trắc nghiệm thật sự về lòng trung tín là luôn luôn trung tín cho dù gặp cản trở và thất bại, cả khi chỉ là sự trung tín trong những điều nhỏ bé và tin rằng đời sống chúng ta mới thật sự quan trọng và chúng ta có thể làm ra cái khác. Chúng ta nên tìm thấy lòng can đảm và hy vọng trong những lời của Mẹ Têrêxa: “Chúng ta không được kêu gọi để thành công nhưng chỉ để sống trung thành.”

 

20. Những người có trách vụ siêu nhiên

(Trích dẫn từ ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest)

Kho tàng làm nảy sinh trong tâm trí một cực thu hút. Tất cả những khuynh hướng nội tâm là ý nghĩ, ước vọng, hoạt-động-tính, tự nhiên đều xoay vào điều gì lợi nhất cho mình. Đức Kitô phán: Chớ đặt quyền lợi các ngươi trong những sự gì thuộc về thế gian chóng hư nát, mà phải đặt trong những thực tại siêu nhiên lâu bền. Có những quyền lợi vật chất thật sự xấu, gây bất công, hoặc làm cho tâm hồn sa đọa, chúng không tránh được sự trừng phạt của Thiên Chúa. Một số quyền lợi vất chất khác thật sự tốt, là cơm ăn, áo mặc, nhà ở. Chúng được chúng ta nêu trong kinh nguyện: Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày. Tuy nhiên không được vì lo lắng những quyền lợi vật chất chính đáng nhất mà sao lãng mối quan tâm trước tiên về định mệnh siêu nhiên của mình. Ở điểm này, Phúc Âm nêu ra cả một tập hợp những câu hỏi không thể giải đáp ngoài phạm vi những viễn ảnh đức tin sống động. Muốn có giải đáp theo chủ trương Đức Kitô, phải thật sự dốc lòng tin vào Đức Kitô. Chúng ta có thể áp dụng Lời Chúa cho xã hội, cho chính chúng ta.

1) Xã hội không tin mấy vào Đức Kitô, vậy mà Chúa nói với chính xã hội, với bất cứ cá nhân nào. Chúng ta quan sát cái xã hội mệnh danh là xã hội tiêu thụ. Người ta rất quan tâm đến của cải vật chất, lợi nhuận, đầu tư, đến những kho tàng, theo Lời Chúa, dễ bị trộm cắp lai vãng, dễ bị tiêu tan. Người ta chú tâm nhiều vào việc khéo xoay sở để khỏi phải nhịn mua sắm mà vẫn thăng bằng được ngân sách gia đình hàng tháng. Kho tàng ở đâu, lòng người ở đó - ở chiếc xe hơi lộng lẫy, ở thời trang tối tân, v.v… Trong cái xã hội hưởng thụ ấy, Kitô hữu phải có thái độ nào? Kitô hữu sử dụng của cải thế gian mà không tham lam vô độ, biết đặt lên trên hết những giá trị nhân bản và siêu nhiên là sự công bằng, sự thờ phụng Thiên Chúa, tình liên kết với anh em vì yêu mến Thiên Chúa, quyền tự do tín ngưỡng và tự do tình cảm.

2) Lời Đức Kitô áp dụng cho Kitô hữu như cho kẻ tôi tớ, sống giữa thế gian mà luôn thức tỉnh về phạm vi siêu nhiên. Trong cộng đồng nhân loại, Kitô hữu được Thầy cắt cử làm ‘quản lý’, có nghĩa vụ sinh lợi những thực tại siêu nhiên. Kitô hữu nào ngủ mệt, nghĩa là đua đòi mọi người chạy theo vật chất, mải mê lo việc đời này, kẻ ấy lúc tỉnh dậy dễ gặp nguy hiểm khủng khiếp. Kẻ tôi tớ nào ham mê ăn uống say sưa, ông chủ sẽ tới vào ngày giờ kẻ ấy không ngờ, ông chủ nghiêm trị, đuổi đi. Trái lại, kẻ tôi tới tỉnh thức sẽ được khen thưởng. Kitô hữu nhận được nhiều do ân huệ đức tin, cho nên sẽ bị đòi nhiều. Lại có giời Kitô hữu nhận được nhiều hơn nữa vì được ơn gọi sống làm chứng cho Phúc âm bằng thiên chức mình. Giới được ưu đãi này sẽ bị đòi nhiều hơn nữa. Dẫu sao, bất cứ Kitô hữu nào cũng phải cảnh giác để trả lời một câu hỏi hai vế: Trong đời sống nghề nghiệp chức vụ, tức là trong phạm vi sản xuất – trong đời sống bình thường, tức là trong phạm vi tiêu thụ, mình có triệt để thực thi san sẻ bắt buộc phải làm vì đức công bằng, vì lòng mến Chúa không?

home Mục lục Lưu trữ