Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 38
Tổng truy cập: 1379068
ĐƯỢC CHÚC PHÚC
Được chúc phúc
Hiện nay, có những chiến sĩ đang đấu tranh cho hòa bình, cho tự do, cho chân lý, cho công bình, cho hạnh phúc của người khác. Lời Chúa trong Phúc Âm hôm nay xem ra có vẻ trái ngược với những ước mong của người đời. Để sống hạnh phúc, con người phải giàu có, phải đoàn kết yêu thương nhau. Đang khi đó, lời chúc phúc của Chúa Giêsu xem ra có vè lạc lõng, không hợp thời: Phúc cho các ngơi là những người nghèo khó! Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát! PHúc cho các ngươi là kẻ bây giờ khóc lóc! Phúc cho các ngươi là những kẻ bị bách hại vì tin vào Chúa…!
Nhưng suy nghĩ kỹ hơn, tôi thấy lời giảng dạy của Chúa hôm nay có một ý nghĩa rất sâu xa. Trước hết, những lời giảng dạy này chỉ cho ta con đường hy vọng và hạnh phúc chân thật. Vì như chúng ta biết sau những biến cố đau thương trong lịch sử, toàn dân Do Thái khát vọng một đấng cứu thế tới, giải thoát dân khỏi ách thống trị ngoại bang, dẫn dân tới thịnh vượng và vinh quang. Chúa Giêsu, đấng cứu thế đã đến; nhưng chương trình cứu chuộc của Ngài hoàn toàn khác biệt với những điều dân Do Thái mong đợi. Do đó, nếu những lời dạy trong Phúc Âm hôm nay có khó nghe đối với cử tọa, thì nó cũng đạt được mục đích lỗi kéo chúng ta khỏi những hy vọng hão huyền!
Lời Chúa luôn là ánh sáng. Là chân lý. Ai có tâm hồn nghèo khó, ắt sẽ không làm nô lệ tiền của. – Có tâm hồn đói khát cự công chính, chịu đau khổ, hiểu lầm vì muốn sống theo đức tin; bị bách hại và xỉ nhục vì danh Chúa…Đó là những con đường hẹp, những chặng đường thánh giá dẫn ta tới vinh quang Nước Trời. Đó là những chông gai, sỏi đá trên con đườnh dẫn tới vui mừng và hy vọng. Thật vậy, chỉ có hạnh phúc thật sự sau khi đã trải qua khó khăn đau khổ. Trước khi Chúa sống lại vinh quang, Chúa đã phải trải qua chặng đường thập giá đau thương.
Chuyện kể rằng có một nông dân nước Anh, đã vượt đồi băng đèo lội suối tới niềm đất xa xôi tìm kim cương. Người ta ta bảo những hạt kim cương thường lẫn trong những viên đá cuội nơi dòng suối. Người nông dân ngày nào cũng bới đào, tìm kiếm. Số viên đá cuội ông loại ra đã tới viên thứ 999.999. Chỉ còn 1 viên nữa tròn một triệu. Nhưng ông nản chí không nhặt nữa, vì nghĩ rằng: dầu có nhặt cũng vô ích. Người bạn đồng hành vói ông khuyên ông nên cố gắp một lần nữa, trước khi về nhà. Ông tìm bới dưới dòng suối được viên đá cuội. Viên đá này rất nặng. Càng lau chùi, viên đá càng trong sáng. Và ông đã khám phá ra đó là một khối kim cương. Ông đem bán khối kim cương ấy cho một tiệm kim hoàn ở Luân Đôn với giá 2.000.000 mỹ kim. Ông đã trở nên tỉ phú.
Người đời thường bảo “Không vào hang hàm sao bắt được cọp?” Không theo Chúa Giêsu trên con đường khổ giá làm sao có sống lại lại vinh quang.
Các thánh tông đồ, Thánh Phanxicô thành Assise, thánh Vincent de Paul, cha thánh Damien và Maximilien de Kolbe…Các ngài được Giáo Hội tôn kính và các ngài đã dám hy sinh mạng sống cho những kẻ ngèo khổ, xấu số.
21. Hạnh phúc
Quốc vương Thổ nhĩ kỳ là Abdurahman III cai trị một vương quốc giàu có nhất thế giới trong suốt 49 năm vào khoảng thế kỷ 10. Lợi tức của nhà vua lên tới 336 triệu mỹ kim. Nhà vua có 6321 bà vợ được tuyển chọn trong số những thiếu nữ sinh đẹp nhất của vương quốc và sinh được 618 đứa con. Tài sản của nhà vua trị giá khoàng 3 tỷ mỹ kim. Ấy thế mà sau khi chết người ta đọc thấy trong cuốn nhật ký của nhà vua một đoạn như sau: “Trong suốt cuộc đời dài và đầy danh vọng này, tôi đã đếm được những người tôi hoàn toàn hạnh phúc chỉ vỏn vẹn có 14 ngày mà thôi”.
Qua câu chuyện này, chúng ta tự hỏi: Hạnh phúc là gì? Trước khi giải đáp vấn nạn này, chúng ta phải công nhận rằng: nói đến hạnh phúc là đề cập đến một vấn đề sống còn của con người vì đã là người đúng nghĩa thì không thể sống mà không tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Vì thế, cho dù có sử dụng phương tiện khác nhau bao nhiêu đi nữa thì mọi người đều nhắm tới cái đích duy nhất ấy, cho dù bất cứ cử động nhỏ nhặt nào của con người cũng không ngoài mục tiêu hướng tới cái đối tượng ấy. Vậy đã rõ hạnh phúc là động cơ thúc đẩy cong người hành động, là hy vọng quyến rũ con người cố gắng phấn đấu.
Thế những từ ngàn xưa cho đến ngày nay, đã có biết bao nhiêu thánh nhân, quân tử, hiền triết, bác học cố công tìm cách giải đáp cách thức để nhận ra đâu là hạnh phúc và làm thế nào để chiếm đoạt được nó. Nhưng rồi kết quả chẳng đến đâu vì không đáp ứng nỗi khát vọng thâm sâu của con người. Trước tình trạng nan giải đó, người thời nay, nhất là giới trẻ, muốn đả phá và chng đối lại tất cả với mục đích thoát khoải những ràng buộc của xã hội, những luật lệ tôn giáo để sống cho riêng mình. Và họ vẫn vô vọng.
Như thế, phải chăng hạnh phúc không có? Và phải chăng những thứ như tiền tài, danh vọng, lạc thú mà con người mơ ước theo đuổi chỉ là một thứ bọt trong bể khổ, một thứ bèo trong bến mê, một thứ ảo ảnh lừa dối? Vậy trước nỗi khát vọng vô bờ và sự bất lực của con người khi tìm kiếm hạnh phúc có ý nghĩa gì.
Điều đó chứng tỏ rằng từ xa xưa con người đã được hưởng một niềm hạnh phúc thực sự, nhưng vì lầm lỗi đã đánh mất nên bây giờ chỉ còn lại cái bóng mờ, trống rống của nó trong tâm hồn. Do đó, con người ngày nay ra sức lấp đầy cái lỗ hổng này bằng tất cả những gì họ tưởng tượng ra, nhưng vẫn thảm bại.
May mắn thay có một Đấng vừa là con người để kinh nghiệm, nhận thức được nỗi khát khao tìm kiếm hạnh phúc của con người, vừa là Thiên Chúa có đủ khả năng và giải phát giúp con người đạt được hạnh phúc đích thực. Đó là Đức Giêsu Kitô mà trong bài phúc âm hôm nay để long trọng công bố những nguyên tắc căn bản để giúp con người tìm ra hạnh phúc.
Nhưng qua những nguyên tắc mà Chúa công bố, nếu đặt dưới lăng kính của những quan niệm xưa nay của nhân loại, hình như chúng đảo ngược mọi giá trị, đánh đổ mọi pháo đài mà con người cố gắng xây dựng cho đời mình và là bản án cáo chung của mọi lý tưởng, thần tượng mà bấy lâu nay con người tin tưởng. Và cũng đừng lầm tưởng rằng tình trạng hạnh phúc mà Chúa công bố là khổ sở, nghèo đói, khờ khạo, nhu nhược…trái lại Chúa coi chúng ta như là những nguyên nhân làm cho con người thoái hóa, cần phải loại bỏ.
Vậy, theo lời Chúa dạy, thì hạnh phúc chính là tình trạng của con người dù biết mình nghèo, thiếu thốn, khổ đau mà vẫn cố gắng làm việc vui vẻ, trong sáng, chăm chỉ vì luôn tín thác vào sụ quan phóng nhân ái của Chúa; là tình trạng của người dù có gặp gian nan thử thách vẫn kiên trung luôn ý thức mình là cn Chúa. Nói khác đi, điều làm cho con người dễ dàng đón nhận hạnh phúc Thiên đàng, chính là sự tự do của người nghèo khó: nghĩa là khi chịu đựng các thăng trầm bấp bênh đầy va chạm của cuộc sống, nghèo khó ý thức rằng chỉ có cuộc sống đời sau mới thỏa mãn mọi thiếu thốn và khát vọng hạnh phúc của tâm hồn con người. Và cả nhu ai sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ vì tình yêu Chúa thì Ngài sẽ đền bù cho họ niềm hoan lạc đích thực đời này lẫn đời sau.
Tóm lại, hạnh phúc không gì khác là luôn có Chúa ở cùng vì chỉ có Ngài mới đáp ứng được nỗi khát vọng sâu xa của con người. Và khi cảm nhận được tình yêu lớn lao của Ngài đổ tràn trong tâm hồn thì mọi sự khác đêu trở nên vô nghĩa.
22. Mối phúc thật
Nhiều người cho rằng tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng, là những sức mạnh chống lại sự tiến bộ và phát triển của nhân loại. Lời cáo buộc này xem ra được củng cố hơn khi người ta đọc những lời chúc phúc của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay.
Thật thế, trong quan niệm thông thường của con người, dù ở đâu và ở bất cứ thời đại nào: có tiền của là có tất cả. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại tuyên bố: Phúc cho những kẻ đang nghèo khó, phúc cho những kẻ đang đói khát, phúc cho những kẻ đang khóc lóc kêu van, phúc cho những kẻ đang bị oán ghét. Phải chăng Chúa Giêsu không là kẻ lừa bịp đang cười cợt trên những đau khổ của nhân loại? Phải chăng đó không là sứ điệp cổ võ sự bần cùng, đói khổ, lạc hậu, đi ngược với tiến bộ và phát triển của nhân loại?
Chúa Giêsu quả thực đã sống như một người nghèo giữa những người nghèo. Đã tuyên bố: Phúc cho những kẻ đang nghèo đói, phúc cho những kẻ đang khóc lóc, phúc cho những kẻ đang bị bách hại, Chúa Giêsu hẳn phải là người hạnh phúc nhất, vì Ngài đã đi đến tận cùng sự nghèo đói, bách hại ấy. Chúa Giêsu đã không làm phép lạ cho trái đất luôn chảy sữa và mật, Ngài đã không đem lại một giải pháp chính trị kinh tế, xã hội cụ thể nào; thế nhưng, cuộc sống, lời nói và cái chết của Ngài lại là chìa khóa giúp giải quyết các vấn đề của con người. Quả vậy, vấn đề cơ bản của con người là gì, nếu không phải là được sống hạnh phúc; tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của mọi thời chính là nghĩ rằng càng có nhiều tiền của, quyền bính, danh vọng thì càng được hạnh phúc.
Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó” Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất là phương tiện cần thiết để cho con người được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người để nó thống trị và hưởng dụng mọi sự trong vũ trụ. Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó” Chúa Giêsu nhắc nhở cho con người bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống. Của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh của cuộc sống. Người nghèo khó như Chúa Giêsu đã từng sống là người sống theo bậc thang giá trị ấy. Người sống nghèo khó như Chúa Giêsu là người biết sống cho những giá trị vĩnh cửu, là yêu thương, quảng đại, liên đới, tình người.
Được lời Chúa soi sáng hướng dẫn, người Kitô hữu chúng ta phải là người luôn tìm kiếm và sống cho những giá trị vĩnh cửu. Giữa những vất vả vì chén cơm manh áo từng ngày, xin cho chúng ta luôn tìm kiếm Nước Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ là người hạnh phúc nhất, vì chúng ta biết mình sống để làm gì và sẽ đi về đâu.
23. Mối phúc thật
Có một nhóm học giả Nhật Bản thường gặp nhau để trao đổi về đủ mọi vấn đề. Trong những lần gặp gỡ đó, họ thường đem những món trà quí giá và đắt tiền nhất ra để thưởng thức. Khi đến lượt chuẩn bị cuộc gặp gỡ, người cao niên nhất trong nhóm đã biến tuần trà thành những nghi thức vô cùng trang trọng: ông sử dụng bình trà cổ xưa và quí giá nhất của gia đình, ông lựa lọc và nâng niu từng cọng trà trước khi cho vào bình. Mọi người khen lấy khen để mùi vị thơm ngon của thứ trà mà họ cho từng được thưởng thức. Ai cũng hỏi cho biết cách ướp và nghệ thuật của ông, người cao niên mỉm cười nói như sau:
– Trà mà quí vị cho là hảo hạng đây thật ra chỉ là thứ mà người làm công trong nông trại của tôi uống mỗi ngày. Những điều tuyệt diệu trong cuộc sống không đắt đỏ cũng không khó tìm.
Nỗi khao khát vô biên về hạnh phúc là một thách đố triền miên cho con người, hoặc là con người bằng lòng với hiện tại và tìm thấy hạnh phúc đích thực trong cái mình đang có, hoặc con người sẽ mải mê chạy theo ảo ảnh về của cải, danh vọng, quyền thế. Chúa Giêsu đến để đặt lại tất cả đúng bậc thang giá trị của chúng. Ngài nói rằng quyền bính không phải là để được phục vụ, nhưng là để phục vụ. Ngài nói rằng tiền của không phải là cứu cánh của cuộc đời, nhưng là phương tiện giúp con người sống xứng đáng với nhân phẩm của mình.
Chúa Giêsu không đến để bần cùng hóa nhân loại. Sự giải phóng Ngài mang lại là sự giải phóng toàn diện. Con người được no cơm ấm áo, đó cũng chính là thể hiện của chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Tiền của, quyền bính chỉ là phương tiện giúp con người sống ơn gọi làm người và tìm được hạnh phúc ngay từ cuộc sống này.
Cùng đích của cuộc đời, gia nghiệp duy nhất mà con người phải tìm kiếm là chính Thiên Chúa. Đó là tất cả những gì Chúa Giêsu muốn nói với con người khi chọn cuộc sống khó nghèo. Ngài quả thực là mẫu mực của con người hạnh phúc đích thực. Sống nghèo khó, Chúa Giêsu hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa; sống nghèo khó, Ngài cũng hoàn toàn thuộc về tha nhân. Kết hiệp với Thiên Chúa và sống trọn cho tha nhân, đó là bí quyết Chúa Giêsu đã sống và Ngài muốn truyền lại cho con người. Bí quyết đó cũng là đón nhận và sống một cách sung mãn từng giây phút hiện tại. Bí quyết đó cũng là chấp nhận mọi bất trắc, thất bại, khổ đau với niềm tín thác và tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Có như thế, con người sẽ không còn nhọc công để tìm theo những ảo ảnh của hạnh phúc, nhưng sẽ hưởng nếm được hạnh phúc ngay trong từng biến cố và sinh hoạt của cuộc sống hằng ngày. Những điều tuyệt diệu trong đời sống quả thật không đắt tiền cũng không khó tìm là như thế đó.
24. Ai là người hạnh phúc?
(Suy niệm của T.s. Trần Quang Huy Khanh)
Thiên Chúa dựng nên con người và muốn cho con người được hạnh phúc. Không những hạnh phúc ở đời này mà con hạnh phúc đời sau nữa. Đó là mục đích sự xuất hiện của con người trên cõi trần này. Chúng ta dám khẳng định điều này, vì Chúa chính là người cha nhân lành. Ngài dậy chúng ta kêu cầu với Ngài: “Lậy Cha chúng con ở trên trời”. Và điều này làm cho chúng ta an tâm. Chúng ta không thể gọi Ngài là cha được, nếu như Ngài không nhân lành. Quỷ thần – cha của gian đối, khốn nạn, và bất hạnh – chỉ được chúng ta nhắc đến như một thụ tạo ghê sợ và khốn nạn: “Đồ quỷ sứ!” Không ai gọi quỷ thần là cha mình bao giờ.
Như vậy hành trình con người là một cuộc sống có yếu tố và hoàn cảnh hạnh phúc. Và cuộc đời con người cũng là những chuỗi ngày vừa tìm cầu, vừa sống trong hạnh phúc. Nhưng rồi tại sao phần đông nhân loại vẫn không có hạnh phúc và hạnh phúc vẫn là một cái gì hoang tưởng, vượt khỏi tầm tay của nhiều người?! Thưa vì quan niệm về hạnh phúc của con người khác với quan niệm về hạnh phúc của Thượng Đế. Hạnh phúc của ngài là: nghèo khó, đói khát, khóc lóc, bị bắt bớ, trù dập, và chối bỏ. Ngài nói:
“Phúc cho các ngươi là những người nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi sẽ hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời”(Luc 6: 20-23).
Còn hạnh phúc đối với con người thì sao? Giầu có dư giả, ăn nhậu phủ phê, cười nói thoải mái, và được người đời trọng dụng, ca tụng. Nhưng khổ nỗi, những cái đó lại là những cái xem như Chúa không mấy ưa thích:
“Khốn cho các ngươi là những người giầu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là những kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu, khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả” (Lc 6:24-26).
Như vậy có nghĩa là gì? Tại sao Thiên Chúa cứ làm ngược lại những gì con người ưa thích và tìm kiếm? Tại sao nghèo mà là hạnh phúc và giầu thì bất hạnh. Tại thiếu ăn, thiếu mặc là hạnh phúc, mà dư ăn, dư mặc lại là bất hạnh. Tại sao khóc lóc, buồn rầu là hạnh phúc, mà vui vẻ thoải mái là bất hạnh. Và tại sao bị người khác chê bai, chà đạp là hạnh phúc, còn được người đời trọng vọng, sùng bái lại là bất hạnh???
Câu trả lời là vì Chúa muốn con người được hạnh phúc thật sự và hạnh phúc đời đời. Còn con người lại muốn hạnh phúc giả tạo, hạnh phúc nhất thời. Đó là lý do cha con bất đồng. Và đó là lý do cha con không hòa thuận được với nhau. Cũng như người cha trần thế muốn con mình tìm hạnh phúc qua việc học hỏi, trau dồi kiến thức và nghề nghiệp. Vì đấy là con đường mở ra cho tương lai con cái. Và đấy là một thứ đầu tư tốt nhất vào tương lai. Ngược lại, đa số con cái lại muốn tìm hạnh phúc bằng rong chơi, lãng phí tuổi trẻ, và bằng những giây phút thỏai mái hiện tại. Sự khác biệt và bất đồng là ở đó.
Ngoài ra, nếu để ý và suy ngắm cẩn thận chúng ta không thấy Thiên Chúa vô lý và khắt khe khi lên án những cái mà con người cho là hạnh phúc mà lại chúc phúc cho những cái mà con người cho là bất hạnh. Thiên Chúa biết rõ, nếu không có những thử thách đó, con người sẽ không bao giờ nghĩ đến đời đời, và nghĩ đến hạnh phúc bất diệt trên quê trời. Ngược lại, con người sẽ bị chôn bám vào thế gian này, bị ràng buộc với những cái mau qua, chóng hết, để rồi lãng phí thời giờ và cơ hội để tạo cho mình một đời sống hạnh phúc thật.
Thật vậy, Thiên Chúa đâu có ngớ ngẩn đến nỗi cho rằng nghèo hèn, đói khát, khóc than, và bị chê ghét là những hạnh phúc bao giờ. Và ngài cũng đâu khờ khạo đến độ coi nghèo khổ, đói rách, đau thương và bị trù dập là những niềm hạnh phúc đâu! Phải đi sâu vào cái ý nghĩa thâm thúy của lời ngài, và cái tâm tình của ngài mới khám phá ra được ý nghĩa và những niềm vui hạnh phúc cũng như bất hạnh ấy.
Ngài khẳng định người nghèo sẽ được hạnh phúc và kẻ giầu sẽ bất hạnh. Trước hết, cái nghèo ở đây không hẳn là nghèo tiền của vật chất, mà là một tâm hồn khiêm tốn, đơn sở và bình dị. Một tâm hồn luôn luôn sẵn sàng như một biển sâu để tình yêu của ngài đổ tràn đầy. Sự nghèo nàn này hiển nhiên đem con người lại gần đến Chúa là nguồn mạch hạnh phúc. Ngược lại, sự giầu có mà ngài đề cập đến lại chính là sự giầu có của trần gian, một thứ giầu có làm mê mẩn và chôn bám lòng người vào vật chất. Nó là sự giầu có khiến con người quên mất Thiên Chúa là suối nguồn hạnh phúc thật. Những cuộc tranh chấp, chộp giật táng tận lương tâm đưa đến chém giết, thủ tiêu nhau của những kẻ tham nhũng, lường gạt, tham lam mới thấy rằng sự nghèo, sự đói khát chưa hẳn là một bất hạnh. Họ đã trở thành những kẻ thiếu thốn tình yêu và thiếu thốn lòng nhân ái. Giầu như vậy chưa phải là hạnh phúc.
Ngài nói người đói khát hạnh phúc và người no thỏa bất hạnh. Đây cũng là một lối so sánh giữa cái đói khát công chính, đói khát thánh thiện, với cái no thỏa phủ phê của cơm bánh, của dục vọng và đam mê. Một bên đem lại cho lòng người sự nhẹ nhàng, thanh thoát và bay bổng, một bên kéo ghì con người xuống vũng bùn nhơ nhớp của bản năng và của thế giới mau qua. Đói chân lý, đói điều thiện hảo, đói công bằng, đói tình thương là cái đói hạnh phúc. No cơm bánh, no rượu chè, no dục vọng là thứ no làm mờ lòa con mắt tâm linh. No như vậy không hẳn là cái no đem con người đến hạnh phúc.
Ngài chúc phúc cho những người đang phải khóc thương, và nguyền rủa những kẻ giờ đây đang cười nói vui vẻ. Khóc than, thống hối về tội lỗi của riêng mình và của nhân loại là sự khóc thương đem đến nguồn an ủi thiêng liêng. Khóc thương cho số phận con người lạc xa chân thiện mỹ là một sự khóc thương mở rộng chân trời hạnh phúc. Ngược lại, cười nói, sung sướng trên sự đau khổ của anh chị em mình là những nụ cười man rợ, những thái độ đáng nguyền rủa không những trước mặt Thiên Chúa mà còn ngay cả với con người. Làm sao ta có thể vui vẻ, hạnh phúc, và vui cười khi hành khổ, xúc phạm, và chà đạp nhân phẩm và thể xác anh chị em mình được! Làm sao một người mẹ, một người cha lại có thể vui cười hả hê khi đang tâm giết chết một đứa con trong bụng mình! Làm sao một người y sỹ lại có thể cười vui hả hê nhận đồng tiền thù lao vì đã phá thai cho một người! Làm sao một người lại có thể vui sướng, cười nói khi thu về những đồng tiền do việc cung cấp ma túy, hoặc cướp giật của người khác! Đấy chẳng phải là những nụ cười, những tiếng cười vô phúc và đáng nguyền rủa lắm sao.
Và sau cùng, phúc cho những ai bị bắt bớ, bị chà đạp, và bị trù dập. Sao Chúa lại cho những cái khốn nạn mà ai cũng sợ hãi này là hạnh phúc. Và sao ngài lại từ chối và coi rẻ sự vinh quang phú quý và danh vọng đời này vậy? Hẳn là ngài có lý do. Để được coi là có công lênh và đáng thưởng, nhất là phần thưởng của Nước Trời, đương nhiên phải có chiến đấu, phải có cơ hội lập công. Và đây là những dịp mà ngài mở ra để con người có thể chiếm hữu được phần thưởng ấy. Ngược lại, những kẻ ngày đêm tìm kiếm vinh quang trần thế, họ cũng phải đau khổ, và vất vả lắm thế nên đâu còn giờ mà nghĩ đến hạnh phúc vĩnh cửu. Mà có nghĩ tới, chưa chắc họ dám đánh đổi cái mà họ đang có với cái mà Thiên Chúa hứa sẽ ban cho họ. Những kẻ đang nắm quyền chà đạp tự do, chà đạp nhân phẩm và chà đạp nhân quyền tại Việt Nam và một số quốc gia độc tài khác trên thế giới cũng vất vả và gian truân lắm, nhưng đó là cái giá mà họ mua lấy sự giầu sang, quyền lực trần thế. Sẵn lòng mất Thiên Đàng, mất phúc được làm con Chúa, mất đời đời vì một chút vinh quang chóng qua như vậy có phải là một bất hạnh lớn lao không?!!!
“Phúc cho các ngươi là những người nghèo khó. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương” (x. Luc 6: 20-23). Nếu vậy, bạn và tôi quả thật là những người hạnh phúc nhất đời. Chúng ta có đủ những lý do để được hạnh phúc. Chúng ta đang sống trong môi trường hạnh phúc. Bởi vì chúng ta là những người nghèo, những kẻ giờ đây đang sống trong cảnh đói, khát, lầm than. Hãy vui mừng và ngẩn đầu lên, vì Chúa đã chúc phúc cho chúng ta rồi. Chính ngài cũng đã sống và chấp nhận như vậy từ hang Bêlêm đến nhà Nagiaréth và trên thập giá ở núi Sọ.
25. Con đường dẫn tới hạnh phúc
Có thể vì quen thuộc quá nên chúng ta không nhận ra tính chất cách mạng của những lời giảng dạy này. Đó là một loạt những trái bom, mỗi câu là một lời thách thức. Các lời đó có tác dụng như điện lực, nó không phải chỉ là những ngôi sao im lặng, nhưng là những tia sáng chớp loè theo sau bằng những tiếng sấm bỡ ngỡ và kinh ngạc! Đúng ra đây là những tiêu chuẩn thông thường bị đảo ngược. Những người mà Chúa Giêsu kể là có phúc thì thế gian cho là vô phúc, và những người Chúa Giêsu coi là vô phúc thì thế gian lại coi là có phúc. Thử tưởng tượng rằng gặp một người nghèo túng mà lại bảo họ rằng: bạn có phúc quá! Và gặp một người giàu có lại bảo họ rằng: khổ cho bạn quá! Nói như thế chẳng khác nào tuyên bố rằng giá trị của trần gian đã cáo chung, chẳng còn gì nữa.
Vậy đâu là chìa khoá của việc đó, chìa khoá năm trong câu 24. tại đây Chúa Giêsu phán: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có vì các ngươi đã được phần thưởng của mình rồi!” Chúa Giêsu dùng từ “được” ở đây là chữ thường dùng khi nhận đủ số tiền trả cho một món hàng. Chúa Giêsu có ý nói rằng: “Nếu các ngươi đặt cả tâm hồn và nghị lực để tìm kiếm điều thế gian yêu chuộng, các ngươi sẽ được những điều đó, nhưng đó là tất cả những gì các ngươi sẽ được. Theo cách nói mạnh mẽ ngày nay thì quả các bạn đã thành đạt rồi đó.
Câu chuyện ông nhà giàu với Ladarô nghèo khó minh hoạ ý tưởng này. Bước sang ngưỡng cửa đời sau, bị đau khổ, nhà phú hộ xin được giúp đỡ thì nhận được câu trả lời của cụ tổ Áp-ra-ham: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi!” Phần phước ấy là: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.” (Lc16,25.19). Chỉ lưu tâm đến trần gian này, đầu tư tất cả vào đó, thì thật phải lẽ phần phúc cũng sẽ chấm dứt tại đây. Câu chuyện này cũng được hoạ lại qua câu chuyện phú nông “Người giàu kia trúng mùa, thu hoạch hoa lợi dư dật, kho lúa quá đầy, không còn chỗ chứa thêm, ông phải suy tính mãi. Cuối cùng ông quyết định: “Được rồi, ta sẽ phá nhà kho cũ, xây kho mới lớn hơn, như thế sẽ có đủ chỗ chứa tất cả của cải, hoa lợi. Xong xuôi, ta sẽ tự nhủ: của cải này có thể tiêu dùng trong hàng chục năm. Thôi, ta hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi!” Nhưng Thiên Chúa bảo: “Ngươi thật dại dột! Tối nay ngươi qua đời, của cải dành dụm đó để cho ai?”
Và Chúa Giêsu kết luận: “Người nào lo làm giàu dưới trần gian nhưng nghèo nàn trên Nước Trời cũng dại dột như thế.”
Nhưng trên một phương diện khác, nếu các bạn dùng hết tâm hồn và nghị lực để sống trung thành với Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu, các bạn sẽ gặp đủ thứ rầy rà, rắc rối. Đối với các tiêu chuẩn trần gian thì bạn vô phúc, nhưng thành quả của bạn đang đến, và khi nó đến, bạn sẽ có được vui mừng đời đời. “Nếu thế ghen ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian yêu thích cái gì thuộc về nó, nhưng vì anh em không thuộc về thế gian nên thế gian ghét anh em! Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (Ga 15,18-20) “Nếu ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,27).
Tại đây chúng ta phải đối diện với một sự lựa chọn đời đời, đó là một sự lựa chọn quyết liệt và liên tục mãi cho đến khi chấm dứt cuộc đời. Chúng ta muốn chọn con đường dễ dãi, con đường đưa đến thú vui và lợi lộc ngay trước mắt? Hay chúng ta chọn con đường khó khăn, chỉ thấy đơn đau trước mắt? Chúng ta có bám víu lấy lạc thú và lợi lộc hiện tại? Hay chúng ta muốn dấn thân và hy sinh những điều đó vì những của quý báu hơn? Chúng ta chú tâm vào những phần thưởng của thế gian này hay chú tâm vào Chúa Cứu Thế. Nếu chúng ta chấp nhận đường lối của thế gian thì phải lìa bỏ những giá trị của Chúa Cứu Thế, ngược lại nếu chọn Chúa Giêsu thì bạn không thể không khước từ giá trị của trần gian.
Chúa Giêsu biết chắc chắn con đường nào dẫn tới hạnh phúc. Có người đã nhận xét: “Chúa Giêsu đã hứa cho các môn đệ ba điều: Ho sẽ hoàn toàn không khiếp sợ, hạnh phúc cách vô lý và luôn luôn gặp khó khăn.” Chính Chúa Giêsu dạy rằng sự vui thoả thiên thượng sẽ thường bù gấp bội cho những đau khổ trần gian. Thánh Phaolô cũng nói: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4,17). Lời thách thức của các phúc lành ấy là: chúng ta muốn hạnh phúc theo đường lối của Thiên Chúa hay đường lối của thế gian? Và chắc chắn chọn gì được nấy!
26. Chú giải của William Barclay
CHẤM DỨT MỌI GIÁ TRỊ TRẦN GIAN (6,20-26)
Bài giảng nơi hoang địa trong Luca và Bài giảng trên núi ở Matthêu 5-7 rất giống nhau. Cả hai cùng bắt đầu một loạt các mối phúc. Tuy có những khác biệt giữa hai bản văn của Luca và Matthêu, nhưng điều rõ ràng là: đó là một loạt những trái bom. Có thể chúng ta đã quen thuộc đến nỗi không nhận ra nó có tính cách mạng. Nó thật không giống những luật mà triết gia hay nhà thông thái có thể đặt ra. Mỗi câu là một lời thách thức.
Deissmann đã nói: “các lời đó có tác dụng như điện lực, nó không phải là những ngôi sao im lặng, nhưng là những tia chớp sáng loè theo sau bằng những tiếng sấm của bỡ ngỡ và kinh ngạc! Đúng ra, đây là những tiêu chuẩn thông thường đã bị đảo ngược. Những người mà Chúa Giêsu kể là có phúc thì thế gian cho là vô phúc, và những người mà Chúa Giêsu gọi là vô phúc, thì thế gian lại coi là có phúc. Thử tưởng tượng một người nào đó bảo rằng “phúc cho kẻ nghèo và khốn cho ai giàu có”. Nói như thế chẳng khác nào tuyên bố rằng giá trị của trần gian đã cáo chung, chẳng còn gì nữa.
Vậy đâu là chìa khoá? Chìa khoá nằm trong câu 24. Tại đây Chúa Giêsu phán: “khốn cho các ngươi là người giàu có, vì đã được sự yên ủi rồi”. Chúa Giêsu dùng từ “được” ở đây thường dùng khi nhận trọn số tiến trả cho một món hàng. Chúa Giêsu có ý nói rằng: “Nếu các ngươi đặt cả tâm hồn và nghị lực để tìm kiếm những điều thế gian yêu chuộng, các ngươi sẽ được những điều đó, nhưng đó là tất cả những gì các ngươi sẽ được”. Theo cách nói mạnh mẽ ngày nay thì “quả các bạn đã thành đạt rồi đó”. Nhưng trên một phương diện khác, nếu các bạn dùng hết tâm hồn và nghị lực để sống trung thành với Chúa và thành thực với Chúa, các bạn sẽ gặp đủ mọi thứ rầy rà, rắc rối. Đối với các tiêu chuẩn trần gian thì bạn vô phúc, nhưng tiền công của các bạn đang đến, và khi nó đến, bạn sẽ có được vui mừng đời đời.
Tại đây chúng ta phải đối diện với lựa chọn đời đời, đó là một lựa chọn từ lúc nhỏ tuổi và liên tục mãi cho đến khi chấm dứt cuộc đời. Các bạn muốn chọn con đường dễ dài, con đường đưa tới thú vui và lợi lộc ngay trước mắt? Hay các bạn sẽ chọn con đường đưa tới khó khăn, chỉ đem đến khổ nhọc, và đôi khi chỉ thấy đau đớn trước mắt? Bạn có bám víu lấy lạc thú và lợi lộc hiện tại? Hay bạn muốn dấn thân và hy sinh những điều đó vì những của quý báu hơn? Bạn có chú tâm vào những phần thưởng của thế gian này chăng, hay chú tâm vào Chúa Giêsu Kitô? Nếu bạn chấp nhận đường lối của thế gian thì bạn lìa bỏ những giá trị của Chúa Cứu Thế, ngược lại nếu chọn Chúa Cứu Thế thì bạn không thể không khước từ những giá trị của trần gian.
Chúa Giêsu biết chắc chắn con đường nào mang lại hạnh phúc, F.R.Maltby đã nói: “Chúa Giêsu đã hứa cho các môn đệ ba điều: họ sẽ hoàn toàn không khiếp sợ, hạnh phúc cách vô lý và luôn luôn gặp khó khăn”. Chesterton là người luôn luôn phải khổ sở vì các nguyên tắc của chính mình, đã nói “tôi thích dìm mình trong nước nóng, nước nóng làm cho bạn sạch sẽ”. Chính giáo lý của Chúa Giêsu dạy niềm vui trên trời là phần thưởng, bù gấp bội cho đau khổ trần gian. Phaolô cũng nói “vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta đem cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên” (2Cr 4,17). Lời thách thức của các mối phúc là “bạn muốn hạnh phúc theo đường lối thế gian hay theo đường lối Chúa?”.
27. Chú giải mục vụ của Hugues Cousin
Để dễ đọc, tôi trình bày riêng rẽ bản văn nổi tiếng này vì nó là phần mở đầu của Bài giảng trên cánh đồng. Một sự kiện đáng chú ý: Luca đặt hai nhóm người và hai mẫu tình huống tương phản một cách có hệ thống “các mối phúc” và “các mối hoạ”. Tôi dùng từ “hoạ” bởi vì ở đây không phải là lời nguyền rủa mà là những lời thở than ái ngại; Chúa Giêsu than tiếc cho những kẻ lao mình vào thảm hoạ: “Khốn cho các người?”. Ngài đối lập họ với những người được Chúa ưu đãi, những mối hoạ là những mối phúc bị đảo ngược:
Phúc cho những kẻ nghèo Phúc cho những kẻ bây giờ đang đói Phúc cho những kẻ bây giờ đang khóc lóc Phúc cho anh em, khi người ta xoá tên anh em như đồ xấu xa |
Nhưng khốn cho các người, những kẻ giàu Khốn cho các người bây giờ đang no nê Khốn cho các người bây giờ đang vui cười Khốn cho các người được được mọi người ca tụng |
Cũng thế, đối lập nhau:
Nước Thiên Chúa đến và sự an ủi hiện tại
Sự no thoả tương lai và cái đói tương lai
Sự vui cười tương lai và sự xấu hổ tương lai
Phần thưởng trên trời và [tương lai vô vọng]
Ba cặp hoạ-phúc đầu tiên được cấu thành một cách đối xứng và những kẻ nghèo khổ, đói khát và khóc than ám chỉ cùng những con người như nhau; những kẻ giàu có, no nê và vui cười cũng vậy. Sáu từ thực tiễn chỉ hai loại người trong xã hội. Cặp thứ tư cũng là cặp cuối cùng có một cấu trúc hoàn toàn khác; nó được khai triển thành ba phần. Trước hết là thử thách phải chịu trong tương lai, một cách như ở các mối phúc trước đó: bị oán ghét, khai trừ khỏi hội đường và sỉ vả (c.22). Rồi lời mời gọi hãy hân hoan vui mừng. Điều này không phải là trong tương lai nhưng bắt đầu đồng thời với sự bách hại; được đảm bảo phần thưởng cuối cùng –ơn cứu độ và sự sống- gây ra niềm vui cánh chung, cuối cùng ngay giữa lúc bị thử thách (c. 23a-b). Sau hết, các người bị bách hại được đồng hoá với các ngôn sứ thời Cựu Ước. Sự kiện đáng lưu ý: nếu người giàu đối lập với người nghèo, thì không phải những người bách hại đối lại với những người bị bách hại, mà là những kẻ được ca tụng; họ được đồng hoá với các ngôn sứ giả.
Bản song đôi của Luca công bố một sự đảo ngược cánh chung, cuối cùng, của các trạng huống hiện thời; thực ra thời kỳ sau hết đã bắt đầu rồi. Trong câu 21, bây giờ và tương lai đối kháng nhau rõ ràng. Ngược lại trong mối phúc thứ nhất điều kiện của việc đảo ngược đã được thực hiện: “Nước Thiên Chúa là của anh em!”. Cũng giống như vậy ở mối phúc cuối cùng. Một sự đảo ngược như vậy giữa các tình huống là một đề tài được Luca ưa thích; chúng ta đã gặp cấu trúc này trong kinh Magnificat (1,51-53) và chúng ta sẽ còn gặp trong một bản văn khác cũng riêng của Luca: dụ ngôn người nghèo Ladarô (16,19-31).
Ở đây trên môi miệng Đức Giêsu thành Nagiaret, từ ngữ những kẻ nghèo phải được ưu tiên hiểu theo nghĩa kinh tế và xã hội; nó chỉ những người không được bảo vệ và không quyền lợi, bị khinh dể và là những kẻ chỉ trông chờ được cứu độ nơi một mình Thiên Chúa. Chính Ngài tự lãnh bổn phận bênh vực quyền lợi của họ và vì vậy, Ngài phải đến nắm quyền bình (“xin cho triều đại Cha mau đến!” 11,2). Thái độ giải phóng của Chúa Giêsu đã là dấu chỉ hữu hiệu rằng Thiên Chúa ra tay hành động; nơi Chúa Giêsu và nơi công trình của Thiên Chúa, “triều đại” của Người. Vì vậy dường như Luca không thoải mái hơn chúng ta trước những mối phúc của Chúa! Nếu vấn đề của cải được nêu rõ trong Luca và Công vụ, chính vì giữa lòng Giáo Hội vào thời Luca có những người túng thiếu và những người giàu có. Như vậy đâu là tính thời sự của Tin Mừng? Luca hiểu thế nào điều mà Chúa Giêsu đã nói về người nghèo?
Nếu người ta tách rời những mối phúc và hoạ khỏi tác phẩm của Luca, người ta sẽ sai lầm lớn trong công việc diễn giải. Trong trường hợp đó, sự đối kháng rõ rệt và được lặp đi lặp lại giữa bây giờ và thời tương lai sẽ đề xuất việc đảo lộn các giá trị về sau này; người nghèo sẽ được khuyến khích tự an ủi về sự khốn khó hiện tại khi nghĩ đến một tương lai huy hoàng… Và trong lúc đó, người giàu có thể tiếp tục chè chén say sưa mà không sợ người nghèo Ladarô tìm cách lật đổ cái hiện tại (x. 16,17-31). Như vậy, Luca sẽ chuốc lấy lời chỉ trích của Karl Marx liên quan đến tôn giáo, thuốc phiện ru ngủ nhân dân!
Các mối phúc ấy đòi hỏi phải được đọc dưới ánh sáng của phần còn lại của Luca và Công vụ. Nếu Luca có thể nhắc lại các mối phúc chính vì ông tô vẽ Giáo Hội lý tưởng như cộng đoàn nơi mà “không một tín hữu nào coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ mọi sự là của chung… Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, bởi vì người ta phân phát một phần tiền bạc để làm của chung cho mỗi anh em tuỳ theo nhu cầu” (Cv 4,32-35). Những bản văn sẽ cho chúng ta thấy việc chia sẻ với người nghèo –tuy khiêm tốn hơn- phải được thực hành ngay ngày hôm nay, trong cộng đoàn Giáo Hội. Nếu không cộng đoàn sẽ không có khả năng để loan báo các mối phúc và biểu lộ thực tại của ơn cứu độ đã bắt đầu.
28. Chú giải của Noel Quesson
Ngày hôm nay chúng ta suy niệm về “các mối phúc thật theo thánh Luca”: Chúng ta biết nhiều hơn về các mối phúc thật của thánh Matthêu, vẫn được hát trong ngày lễ Các Thánh. Nhung vì chúng ta có một Lời Chúa được truyền lại bởi hai truyền thống khác nhau, chúng ta hãy thử lắng nghe bản văn hoàn toàn đặc biệt của Luca. Ở đấy, có một thứ liệu quả của kỹ thuật âm thanh lập thể bởi hai cái loa khác nhau.
Các mối phúc thật theo Thánh Matthêu (5,1):
Bài giảng trên Núi…
Bao gồm chín “mối phúc thật…”
Nhấn mạnh đến sự “nghèo khó tâm linh”, sự đói khát công lý sự đau khổ nội tâm…
Các mối phúc thật của Thánh Luca (6,20):
Bài giảng ở chỗ đất bằng.
Bao gồm “bốn” mối phúc thật và bốn mối hoạ.
Nói về những người nghèo đói thật, bụng đói thật sự và khóc chảy nước mắt.
Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn
Như Môsê (Xh 19,21), Đức Giêsu xuống từ một ngọn núi nơi Người đã gặp Thiên Chúa. Vâng, trước khi nói với chúng ta điều Người sẽ nói, Đức Giêsu đã “qua một đêm cầu nguyện Thiên Chúa” (Lc 6,12). Thiên Chúa không nhìn sự vật như chúng ta. Đức Giêsu đã dùng cái nhìn của Thiên Chúa trong Thiên Chúa… trong một sự cầu nguyện kéo dài! Đối với chúng ta, hạnh phúc là một vấn đề của may mắn, sức khoẻ, tiền bạc, sự thành công. Chúng ta sắp nghe từ miệng của Đức Giêsu rằng, đối với Thiên Chúa, hạnh phúc là một vấn đề chọn lựa: Người ta quyết định mình được hạnh phúc! Phúc cho những người khốn khổ, Đức Giêsu sẽ nói như thế. Bạn có thể hạnh phúc, dù nghèo, dù đói, dù bị lăng nhục. Nghịch lý chăng: ảo tưởng phi thực chăng? Chúng ta hãy lắng nghe Đức Giêsu.
Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”
Ở đây trong tiếng Hy Lạp có từ: “makarioi” dịch từ một tiếng Do Thái thường gặp trong Kinh Thánh, đó là từ đầu tiên của Thánh Vịnh đầu tiên “asheri”… Đó là một từ ở số nhiều muốn diễn tả một niềm vui tràn đầy, mà ông Chouraqui vốn nhạy cảm với ngôn ngữ của mình, đã dịch bằng chữ “hoan hỉ”!
Khi loan báo niềm hạnh phúc, hoan hỉ cho những người khốn khó ở trần gian này, Đức Giêsu đáp lại sự chờ đợi lớn lao của họ.
Những người có mặt ngày hôm đó, trước mặt Người quả thật là những người’ “làm nghề mọn”, những “người bệnh tật” những người nghèo bị các thần ô uế “quấy nhiễu” (Lc 6,18). Sinh vật kỳ quặc! Con người đó không bao giờ thoả mãn với những khoái cảm xác thịt, cũng không bao giờ chịu được những đau khổ thân xác! Tại sao con vật ấy, khác với những sinh vật khác, biết mình giới hạn, tương đối và hữu hạn… vẫn giữ trong lòng mình khát vọng vô cùng về tuyệt đối? Tại sao lại muốn được hạnh phúc? Tại sao có khát vọng thánh thiêng ấy?
Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó… Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói… Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang khóc…
Matthêu đã tâm linh hoá khi diễn tả: “phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó!”
Còn Luca thì nói về những người nghèo thật sự, đói khát thật sự, đau khổ thực sự trong thân xác. Trạng ngữ “bây giờ” mà Luca xác định rất có ý nghĩa. Luca gợi ý rằng sẽ có một sự đảo lộn tình thế: anh em bây giờ đang khóc, anh em sẽ cười!
Người ta sẽ còn bàn cãi lâu dài để biết đích xác Đức Giêsu đã nói điều gì… và để biết trong hai bản văn của: Matthêu và của Luca bản văn nào là chính thức hơn. Thật ra, tại sao Đức Giêsu đã không nói cả hai điều đó… ngày hôm đó… hay trong nhiều lần khác?
Nếu người ta đọc toàn bộ Tin Mừng, thì dẫu sao chính cách giải thích của Luca xem ra gần với tư tưởng sâu xa của Đức Kitô hơn.. Đức Giêsu là Đấng “Mêsia của người nghèo”. Chính Người đã sống khó nghèo; nhiều lần Người đã cho thấy Người thích hướng về phía nào”. Dĩ nhiên, Người đã hiệp thông trong thân xác và trong cảm thức con người với điều kiện khắc nghiệt của những ai thiếu thốn. Khi chia sẻ thân phận của họ từ lúc nằm trong máng cỏ cho đến lúc bị đóng đinh, “không có một viên đá để kê đầu!”, Người đã cảm thấy một trái tim huynh đệ đang đập vì họ. Là Đấng Mêsia của người nghèo bị Do Thái giáo của giới trí thức Giêrusalem khinh bỉ, Đức Giêsu đã đau khổ như những “người phận nhỏ” và “cùng với họ” bị những “người có của” lăng nhục, khinh khi. Oi! sự khinh miệt đáng sợ ấy thường là vô thức đối với sự nghèo khó. Từ phía những kẻ no nê và cười ngạo nghễ. Vậy Đức Giêsu hứa hẹn gì với những người nghèo ấy?
Nước Thiên Chúa là của anh em… Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng… anh em sẽ được vui cười.
Vậy thì, những kẻ khốn khổ có thể được “hạnh phúc” như thế nào?
Bởi vì, Đức Giêsu đã nói: “Nước Thiên Chúa là của họ”. Sự khẳng định này là truyền thống, trong toàn bộ Kinh Thánh. Tương tự như thế, Giêrêmia (17,5-8) trong bài đọc mà chúng ta nghe hôm nay nói với chúng ta cùng một chân lý: “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa… Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân “.
Nguy cơ to lớn của sự giàu sang chính là tạo ra sự thoả thích hoang tưởng. Người nào tự mãn với của cải trần thế dần dà sẽ nghĩ rằng mình có thể bỏ qua Thiên Chúa…Trái lại, người nghèo vốn không: có chỗ nương tựa nơi con người, vì thế được mời gọi hướng về Thiên Chúa. Chính sự giàu có đặt người giàu vào sự nguy hiểm, khi cất đi khối người ấy mọi “sự đói khát Thiên Chúa”, người ấy bị giam hãm trong “căn phòng đóng kín” của những hạnh phúc nhỏ bé phàm tục của mình. Bất hạnh của những người giàu chính là họ đặt cuộc quá thấp và quên rằng chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy khát vọng hạnh phúc vô cùng trong mỗi con người. Ngườí giàu có tự mãn bị tiền bạc của mình đánh lừa. Đức Giêsu sẽ nói về “tiền bạc, đánh. lừa” (Lc 16,9). Chúng ta sẽ nói gì về một người’ đánh cá ba con ngựa, lại dứt khoát đặt cuộc cho một con ngựa chắc chắn không bao giờ vượt qua mức đến? Vả lại, điều chắc chắn là trương mục trong ngân hàng sẽ không vượt qua “mức” vĩnh cửu. Sự giàu sang hứa hẹn hạnh phúc là một “điều dối trá”. Hạnh phúc duy nhất, chung cuộc quyết định, tuyệt đối, chính là Tình Yêu, chính là Thiên Chúa! Đó là Nước Thiên Chúa.
Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.
Vậy thì, ai là nhân vật chủ chốt? Con Người… mà người nghèo sẽ có thể thiết lập tương quan? Thiên Chúa táo bạo biết bao trong Đức Giêu Nadarét ấy, trong người nghèo ấy vốn còn là một bí ẩn.
Câu này, cũng như nhiều câu khác trong Tin Mừng, cho thấy rằng nghèo khó hoặc khốn khổ không đủ đề có được “hạnh phúc của Thiên Chúa”. ‘Trái lại, cũng có khi sự đau khổ làm người ta chai cứng và chống lại Thiên Chúa. Giữa cơn thử thách, để đạt đến hành phúc mà: Đức Giêsu đã hứa, phải hiểu biết là đón nhận thử thách ấy trong chính ánh sáng của Đức Giêsu, Còn Người sư hiệp thông với Đức Giêsu là suối nguồn của mềm hân hoan. Lạy Chúa, xin hãy biến đổi những “thử thách” của con thành sự hân hoan” với Chúa.
Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.
Đức Giêu không giải thích vấn đề sự ác, Đức Giêsu không biện minh cho sự đau khổ. Trong toàn bộ Tin Mừng, Người luôn chiến đấu chống lại đau khổ, Người chữa lành, an ủi, tha thứ. Nhưng ở đây, Người khẳng định, với sự bình thản và mạnh mẽ rằng đau khổ có thể trở thành nơi xuất hiện một niềm vui mầu nhiệm. Một sự “nhảy múa vui mừng”. Ai có tai để nghe phải hiểu. Vả lại, chúng ta hãy nhận ra sự tinh tế của tư tưởng ấy: Niềm vui được hứa chỉ khai mở trọn vẹn trong nước Trời… tuy nhiên nó đã được bắt đầu từ cái ngày người ta đau khổ.’Đức Tin là một sự tham dự trước vào Thiên Đàng, vào đời sống vĩnh cửu.
Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi!
Khác với Matthêu, Luca đặt vào trong miệng của Đức Giêsu bốn câu hoàn toàn đối lại…bốn mối phúc thật. Ở trên là đôi khi người ta gọi là các mối hoạ. Tuy nhiên người ta khó mà tưởng tượng các mối hoạ trong lòng của Đấng đã đến, để cứu chữa chứ không phải để chuộc tội. Trong bản văn tiếng Hy Lạp, không có các mối hoạ (Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!”)… cũng không có sự lên án (Hỡi những kẻ giàu có? Một bất hạnh sẽ đến với các người!”)… nhưng chỉ là một thứ xác nhận một lời than thở: “A, giàu có khốn khổ biết bao!” Từ ngữ mà chúng ta dịch là khốn cho… “‘ không phải là một tính từ nhưng là một từ thán diễn tả sự đau xót: than ôi! các ngươi là những người giàu có!” ‘Vâng, Đức Giêsu trong một tiếng kêu đau đớn, than thở cho những kẻ giàu có: Tai hại cho họ biết bao nếu họ nhắm mắt trước những giá trị chân chính, những giá trị “vượt qua lằn mức”! Đáng buồn biết bao khi một Người đặt niềm tin của mình vào cái nay còn mai mất!
Hãy coi chừng! Hãy coi chừng! Lời cảnh báo ấy không phải chỉ dành cho những người khác. Tôi là kẻ giàu có ấy thường xuyên có nguy cơ quên đi điều chủ yếu.
Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói! Khốn cho các người, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than!
Đức Giêsu thật sự loan báo một sự lật ngược tình thế: Hình ảnh trong bản văn Hy Lạp còn mạnh hơn nhiều: ôi khốn khổ cho các người là những kẻ no nê! Than ôi! các ngươi là những kẻ no căng bụng!
Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.
Từ tưởng của Đức Giêsu, cũng như mọi tư tưởng Kinh Thánh và Do Thái là một tư tưởng tuyệt đối, bằng song luận: “hoặc là… hoặc là…” Qua các phản đề đối chiếu này. Có một sự đối lập không thể thoả hiệp được giữa Nước Thiên Chúa và tiền bạc. Người ta không thể cùng lúc phục vụ Thiên Chúa và Mam-mon! (Lc 16,13). Đức Maria đã hát trong bài ca Ngợi Khen (Magnificat): “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng”.
Chúng ta có tiếp tục để mình bị ảo ảnh đánh lừa không? Chúng ta hãy bước theo Đức Giêsu. “Người vốn giàu sang phú quý, như đã tự ý trở nên nghèo khó” (2 Cr 8,9). Lạy Chúa Giêsu, Ngài là Đấng Nghèo Khó, Vinh quang đời đời của Thiên Chúa trong Ngài.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam