Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 30

Tổng truy cập: 1379094

ĐƯỢC GỌI ĐỂ GỌI NGƯỜI KHÁC

Được gọi để gọi người khác

– “Thưa ông bà muốn gặp ai ạ?”

Chị Céline đã nói câu ấy lần đầu tiên cách đây 40 năm. Từ đó ngôi nhà khách với chùm chìa khóa, cái chổi, chiếc ghế đã trở thành giang sơn của chị.

Bổn phận của chị giữ nhà khách là gọi người khác. Trong suốt 40 năm trường, chị Céline chỉ làm ngần ấy công việc. Câu hỏi trên kia chị phải lặp đi lặp lại đến hơn 10 lần mỗi ngày. Với thời gian, phương thế có đôi phần thay đổi: từ cái kẻng đến chuông điện, rồi điện thoại, sau đó lại trở về chuông kéo, kẻng sắt… nhưng công việc luôn luôn vẫn là gọi người khác.

Ôi chao! Biết bao khuôn mặt đã xuất hiện tại nhà khách, bao giọng nói đã vang rền trong điện thoại. Nhưng có một điều chị Céline hằng đoán chắc: người ta đang gọi, đang xin gặp một người nào đó… trừ ra chị. Vì thế chị thường nói đùa: “Tôi chỉ được Chúa gọi một lần duy nhất và từ dạo ấy, tôi đã luôn luôn gọi người khác: tôi được gọi để gọi”.

Một ngày của chị bị cắt vụn thành từng miếng, công việc của chị bị chẻ thành từng mảnh, luôn luôn là gián đoạn. Khi cầm chuỗi lần hạt, chị biết mình sẽ không đọc được quá 10 kinh, khi xem sách chị đoán sẽ thưởng thức không quá 10 dòng; trong nhà nguyện, chị quỳ ở ghế cuối cùng, gần cửa ra vào, luôn thấp thỏm đợi chờ chuông reo… luôn bị gián đoạn, nhưng chỉ với “sự gián đoạn” này của mình, chỉ mới có thể tạo nên “sự liên hệ” của người khác. Chị bao giờ cũng nhanh nhẹn đối với một khách sang cũng như một bà lão nhà quê. Tất cả mọi người đều ăn cắp giờ của chị. Không ai cần gặp chị… Với thời gian, da mặt chị nhợt nhạt hơn, người chị tiều tụy hơn, nhưng nụ cười vẫn tươi nở như thuở nào, lời kinh dâng Chúa mỗi ngày lại càng thêm sốt sắng hơn.

Và rồi một hôm, trong lúc vội vã đi gọi người khác, chị Céline đã ngã quỵ trong hành lang nhà dòng, thổ huyết! Chị bập bẹ: “Chúa đến gọi tôi lần hai” (và cũng là lần cuối). Đôi tay chị run run ôm lấy lồng ngực khiến chùm chìa khóa rơi trên nền gạch hoa. Đàng kia, chiếc ghế vẫn vô tình không biết từ nay mình sẽ là vô chủ

Chị Céline đã suốt đời trung thành với tiếng gọi của Chúa và với công việc bổn phận hằng ngày của chị: được gọi để gọi người khác. Giá trị và sự cao cả của chị không phải là ở chỗ đó sao?

Chúa Nhật hôm nay nhắc lại cho chúng ta ban ơn gọi: ơn gọi của Isaia trong đền thánh Giêrusalem (Bđ. 1), ơn gọi của Phaolô trên đường đi Đamas (Bđ. 2) và ơn gọi của Simon Phêrô bên bờ hồ Giênêzaret (bài Tin Mừng). Nhưng chắc chắn có chủ ý dạy chúng ta lắng nghe tiếng gọi của Chúa và làm theo ý Chúa, ra đi gọi những người khác đến với Chúa: được gọi để gọi người khác.

Isaia tự thuật về chính ơn gọi làm ngôn sứ của ông. Chúa đã gọi ông. Ông đã can đảm, sẵn sàng đáp lại: “Tôi đây, hãy sai tôi đi”. Thái độ của Isaia chính là thái độ của Đức Giêsu sau nầy khi Ngài đi vào thế gian: “Này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,9).

Thánh Phaolô cũng khéo léo tế nhị nhắc lại ơn gọi của mình và cách mình đáp lại ơn gọi đó. Phaolô cho biết khi Chúa hiện ra với ông trên đường đi Đamas và chọn ông làm tông đồ cho dân ngoại, ông khiêm tốn cho mình là một tông đồ hèn mọn nhất, chẳng đáng gọi là tông đồ vì đã bắt bớ Giáo Hội. Ông coi đây là một ân huệ Chúa ban và không dám uổng phí, trái lại ông nhờ ơn Chúa mà hết lòng hết sức và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi bằng cả cuộc sống.

Còn Simon Phêrô đã được Chúa gọi một cách rõ ràng và công khai sau mẻ cá thật nhiều đến nỗi gần rách lưới, Chúa Giêsu nói với ông: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ đi lưới người như lưới cá”. Điều này sẽ xảy ra sau đó? Tin Mừng cho thấy không phải chỉ có Phêrô, người được gọi đích danh, đã theo Chúa, mà cả những người khác nữa cũng đã vội vã theo Chúa: “Ho đưa thuyền vào bờ và bỏ mọi sự mà theo Chúa”. Đến đây chúng ta mới rõ “mẻ cá lạ” Chúa làm là có dụng ý hay có mục đích “mở đường” cho ơn gọi của Phêrô và đồng bạn. Nghề nghiệp đánh cá của các ông thật đã giúp ích cho các ông hiểu một cách dễ dàng sứ vụ mới là làm “những kẻ chài lưới người” (Mt 4,19), nhưng mẻ cá lạ mới giúp các ông quyết định lại ơn gọi một cách mau chóng, vì biết rằng có Chúa giúp khi thi hành sứ vụ của mình.

Anh chị em thân mến,

Chính Thiên Chúa, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, đã chọn gọi những người làm việc cho Ngài, làm cộng tác viên của Ngài trong công trình cứu chuộc nhân loại. Ngài đã gọi các tiên tri, các tông đồ, đã gọi bao nhiêu người khác, đã gọi chính chúng ta. Những ai được Chúa gọi phải mau mắn đáp lại ơn huệ của Chúa – Chúa kêu gọi đó là một ân huệ Ngài ban – một cách khiêm tốn và biết ơn vì ta chẳng đáng được vinh dự lớn lao như thế, và tự sức ta, ta cũng chẳng làm nổi việc gì.

Phải làm trọn ơn gọi của mình, khi đã chấp nhận thì không ngoái cổ lại đàng sau và hãy bắt tay vào việc một cách cần mẫn, hết lòng trông cậy vào ơn phù trợ của Ngài, vâng lời Ngài, tin tưởng phó thác và để Ngài tùy ý hoàn tất công việc lúc nào theo như Ngài muốn.

Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp cách đặc biệt cho những người Chúa đã chọn, đã và đang khiêm tốn chịu khó làm việc Chúa trên khắp mọi cánh đồng và vườn nho của Chúa, nhất là cho Đức Thánh Cha, cho các vị Giám mục và các linh mục, cùng tất cả những người cộng tác chặt chẽ với các ngài.

Chúng ta cũng tha thiết xin Chúa kêu gọi thêm những người đang ước muốn vào làm việc tông đồ của Hội Thánh, đặc biệt trong những nơi đang xảy ra tình trạng “lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít”.

Chính chúng ta cũng hãy xin ơn biết lắng nghe tiếng Chúa chỉ bảo ra làm việc nầy hay việc khác trong hoàn cảnh Giáo Hội hiện nay trên quê hương đất nước chúng ta. Trước hết là giữ vững niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Đó chính là ơn gọi đưa chúng ta vào Nước Trời bây giờ và sau nầy. Đó cũng là ơn gọi làm tông đồ giáo dân bằng chính cuộc sống đức tin của mình trong môi trường xã hội.

Nếu tình yêu đòi biểu lộ, và có khi biểu lộ bằng những cách “kỳ lạ”, thì Thiên Chúa vì quá yêu nhân loại, nêu đã biểu lộ bằng nhiều cách thế, trong đó có cách thế cho con người được tham dự vào việc truyền bá Tin Mừng, được đọc và được giảng Lời của Thiên Chúa. Lạ lùng lắm thay! Miệng lưỡi con người mà được nói Lời của Đấng siêu việt. Tình yêu Thiên Chúa vẫn gửi tới mỗi người tín hữu để họ đem Lời Thiên Chúa nói cho những người xung quanh, những người thân thuộc và cả những người đi theo Chúa, dùng chính nghề nghiệp khả năng của mình để thành nghề lôi kéo người khác về cho Chúa. Và Đấng là Tình Yêu đang luôn chờ đợi lời đáp trả của từng người chúng ta.

Và nhất là giờ đây, chúng ta kính nhớ Đức Kitô chịu chết và tuyên xưng Ngài sống lại vì chúng ta qua cử hành Thánh Thể, chúng ta hãy hết lòng tạ ơn Chúa đã gọi chúng ta đến tham dự vào mầu nhiệm cứu rỗi nầy. Nhờ nghe Lời Chúa và ăn uống Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta sống ơn gọi một cách tốt đẹp để đời sống chúng ta cũng là một lời mời gọi nhiều người khác đến với Chúa.

 

14. Đào tạo môn đệ

Hồ nước lớn danh tiếng tại Galilê được gọi bằng ba tên: biển Galilê, biển Ti-bê-ri-át và hồ Ghen-nê-xa-rét, hồ này dài 20,8km, rộng 12,8km. hồ ở vào chỗ trũng của mặt đất, nơi sâu nhất là 225m dưới mặt biển, vì thế nó có khí hậu giống như khí hậu nhiệt đới. Ngày nay cư dân không đông lắm, nhưng vào thời Chúa Giêsu, có chính thị trấn chung quanh bờ hồ, không thị trấn nào dưới mười lăm ngàn dân. Ghen-nê-xa-rét thực ra là tên của một cánh đồng xinh đẹp nằm ở phía tây bờ hồ, đó là vùng đất phì nhiêu nhất.

Tại đây chúng ta đối diện với một khúc quanh trong chức vụ Chúa Giêsu. Lần trước Chúa giảng trong nhà hội nữa, bây giờ Ngài ở tại bờ hồ. Rồi Ngài sẽ còn trở lại nhà hội nữa, nhưng sẽ đến một ngày, cửa nhà hội đóng lại trước mặt Ngài, thì Hội Thánh của Ngài sẽ ở nơi bờ hồ, sẽ ở ngoài đường cái, và tòa giảng của Ngài sẽ là chiếc thuyền. Ngài sẽ đi tới bất cứ nơi nào người ta muốn nghe Ngài giảng. Khi nhà hội đóng cửa thì Chúa Giêsu giảng ngoài đường, bên bờ hồ. Vào dịp này Ngài mượn một chiếc thuyền của một người bạn dùng làm tòa giảng để giảng cho quần chúng. Khi giảng xong, Ngài ban cho bốn người sắp được kêu gọi một bài học cụ thể về tính cách của công tác và sự thành công vĩ đại sẽ đến với chức vụ của họ, nếu họ bằng lòng từ bỏ tất cả để đi theo Ngài. Ngài đã làm một phép lạ vô cùng kích động, và chúng ta có thể liệt kê các điều kiện để một phép lạ xảy ra:

  1. Có mắt biết nhìn xem:

Chúng ta không cần nghĩ rằng Chúa Giêsu đã dựng nên bầy cá lớn đó trong trường hợp này. Biển Galilê có nhiều bầy cá đông đảo đến nỗi có thể che đặc cả mặt biển trong một khu rộng lớn. Có lẽ con mắt thấu suốt của Chúa Giêsu đã nhìn thấy bầy cá lớn đó mà các ngư phủ không thấy. Chúng ta cần đôi mắt biết nhìn thấy. Nhiều người đã nhìn nước sôi làm bật cái nắp vung nhưng chỉ một mình James Watt đã nhìn thấy và sáng chế ra máy hơi nước. Nhiều người đã nhìn thấy táo rơi, nhưng chỉ một mình Isaac Newton đã nhìn thấy và đã tìm ra luật hấp lực của trái đất. Nhìn lên bầu trời các nhà thiên văn học tìm thấy nhiều điều hơn là một người thường. Nhìn vào một hàng rào cây cỏ, các nhà thảo mộc khám phá ra nhiều điều kỳ diệu mà một người nông dân thường không nhận ra được.

“Đức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ Người nói với các môn đệ: lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9,36-38).

Sau cuộc tiếp xúc với người phụ nữ xứ Samari ở bờ giếng Gia-cóp, Chúa nói với các môn đệ viễn tượng tốt đẹp của mùa gặt Tin Mừng: “Nào anh em chẳng nói: còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt. Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái!” Và thánh Gioan ghi tiếp: “Có nhiều người Samari trong thành đó tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng. Khi gặp Người họ xin Người ở lại với họ, Người ở lại hai ngày. Số người tin còn đông hơn nữa.” (Ga 4,35.39.40) Thế giới đầy dẫy những phép lạ cho những ai biết nhìn xem.

  1. Có tinh thần biết cố gắng nhẫn nại:

Khi Chúa Giêsu nói thế, dù rất mệt nhọc, Phêrô cũng sẵn lòng thả lưới một lần nữa. Nhiều người đành chịu thảm bại trong cuộc đời vì họ ngã lòng quá sớm. Trong cuốn hồi ký “Cuộc đời những thành tựu của tôi”, nhà tỷ phú Mỹ Henri Ford với biệt danh vua ô tô, đã ghi lại biết quyết thành công của ông: “Những người đầu hàng thường đông hơn những người chiến thắng, không phải họ thiếu tiền của, sự hiểu biết, trí thông minh, lòng ham muốn… cái họ thiếu là lòng kiên nhẫn.” Và ông gọi đó là “nữ hoàng không vương miện của ý chí.” Ray Knoe, một thiên tài của công ty sản xuất thực phẩm “mì ăn liền” Mc Donald, cũng có cùng một quan điểm khi xếp lòng kiên trì vào hàng đầu các năng lực của con người, ông viết: “Không có gì trên thế gian có thể thay thế lòng kiên trì. Tài năng ư? Cứ xem có biết bao người đầy tài năng mà vẫn cứ thất bại! Thiên tài ư? Thiếu gì thiên tài đã không được tán thưởng. Giáo dục ư? Thế gian đầy dẫy những kẻ vô dụng cho dù có học thức. Vậy chỉ có lòng kiên trì và cương quyết là vạn năng. Nếu thêm vào đó năng lực của lời cầu nguyện thì không có gì có thể địch nổi.”

  1. Có tinh thần cố gắng trong trường hợp hầu như tuyệt vọng:

Đêm đã qua rồi, đêm mới thuận tiện cho cuộc đánh bắt cá, tất cả hoàn cảnh đều không thuận tiện, nhưng Phêrô nói: “Trong hoàn cảnh như vậy, nhưng nếu Thày bảo thì chúng con xin vâng.”

Chúng ta thường chờ đợi vì thời cơ chưa thuận lợi, nếu cứ chờ đợi cho đến lúc mọi sự đều thuận lợi thì chắc sẽ không bao giờ chúng ta bắt đầu được. Nếu chúng ta theo đúng lời Chúa Giêsu truyền dạy khi Ngài bảo chúng ta làm một việc không thể thực hiện thì phép lạ sẽ xảy ra.

Rõ ràng đó là do một quyền phép siêu nhiên khiến Phêrô cảm thấy mình đang đứng trước sự hiện diện của Đấng Thần linh và tỏ vẻ sợ hãi như cảm giác của một người đối diện với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã phán những lời chẳng những đánh tan sự kinh hãi của Phêrô, nhưng cũng đem lại can đảm cho ông và đồng bạn trong những năm tới: “Đừng sợ, từ nay ngươi sẽ là kẻ chinh phục người ta.”

Ngay nay Chúa cũng đang kêu gọi chúng ta làm môn đệ Ngài. Vâng phục có thể bao hàm sự hy sinh, nhưng chắc chắn sẽ đem lại kết quả là cứu rỗi các linh hồn.

Để kết thúc, chúng ta nên suy gẫm lời của chân phước Eserive, sáng lập Opus Dei: “Nếu bạn bị cám dỗ để tự hỏi: Ai bảo tôi xía vô chuyện ấy? Tôi phải trả lời ngay cho bạn: Chính Đức Kitô ra lệnh cho bạn đó. Ngài bảo bạn phải xin “vì lúa chín đầy đồng mà thợ gặt ít quá, hãy cầu xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa!” Đừng có ươn lười: Việc ấy, tôi, tôi làm sao được? Tôi có nhiều việc phải làm. Những công việc như vậy không phải để cho tôi! Không, không có ai khác. Nếu bạn nói được như vậy, nhiều người cũng sẽ nói như thế. Lời mời của Chúa là dành cho tất cả và mỗi người Kitô hữu. Không có ai được miễn trừ, dầu là tuổi tác, dầu là sức khỏe, dầu nghề nghiệp. Không có một miễn trừ nào, một là chúng ta mang lại kết quả cho việc tông đồ hoặc đức tin ta kiệt quệ.” (Escriva amis de Dieu).

 

15. Người trẻ mau thoái chí và an phận

. Câu chuyện Tin mừng

Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy dân chúng.

Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

. Dẫn giải

Nếu năm bạn trẻ chúng ta làm quen hôm qua phấn khởi và hào hứng thế nào thì anh bạn Phê-rô và có lẽ cả các bạn bè của anh hôm nay lại “ỉu xìu” và tầm thường tới mức đáng thất vọng.

Sáng hôm ấy, tại bờ hồ Ghen-nê-xa-rét ở Ga-li-lê, mặt trời đã lên cao, dân chúng đang chen lấn nhau rất đông. Tưởng là họ tụ tập để đón các thuyền đánh cá xa bờ trở về. Nhưng kì thực không phải. Hay nếu có thì đó chỉ là lí do ban đầu. Sau khi biết các thuyền trở về với khoang trống, người ta đã lập tức đổ dồn sang một hướng khác. Lần đầu tiên, làng chài hèn kèm của họ được một vị ngôn sứ nổi tiếng đến thăm và giảng đạo. Các tay chài đã thất vọng vì đánh cá hụt, càng thất vọng hơn trước nhân tình thế thái: thường ngày khi thuyền họ chở đầy cá về thì hết người nịnh nọt tới kẻ chiều chuộng để mua cho được cá; còn hôm nay khi họ tay trắng trở về, không có lấy một người nào hỏi han để an ủi và động viên họ. Họ cũng đâm ra bực lây cả vị ngôn sứ nổi tiếng kia. Si-môn và các bạn nhanh tay neo thuyền vào bến, giặt lưới, rồi vội vàng quay về: lúc này vào giường ngủ là thượng sách!

Nào ngờ, Đức Giê-su lại chọn ngay thuyền của Si-môn, xin ông cho mượn để ngồi giảng đạo và xin ông chèo ra xa một chút để dễ nói với dân chúng. Miệng lẩm bẩm: “Thế là lại mất một buổi sáng và … mất luôn cả giấc ngủ!”. Si-môn vừa ngáp dài vừa ngồi bó gối ở cuối thuyền chờ Đức Giê-su giảng xong. Ông hí hửng định chèo thuyền vào bờ khi thấy Đức Giêsu kết thúc bài giảng. Nhưng lại một lần nữa, Ngài đề nghị ông chèo thuyền ra xa hơn không phải để giảng mà là để ….đánh cá. Thế này thì thật quá đáng! Trước mặt bàn dân thiên hạ mà Ngài chẳng nể nang ông: gián tiếp nhắc lại vết thương lòng của ông là đã đánh cá thất bại cả đêm qua, trực tiếp dạy khôn ông về việc săn bắt cá – một người làm nông cả đời bám chặt đất liền lại dám chỉ vẽ chuyện sông nước cho tay chài chuyên nghiệp!

Nhưng vừa nể Ngài đang được dân chúng ái mộ, vừa muốn chứng tỏ sự thất bại của mình là có lí nếu lần này ông cũng chẳng bắt được gì, Si-môn chèo ra chỗ nước sâu. Có ngờ đâu, chỉ trong nháy mắt, tay ông đã buông thõng xuống vì cá vào lưới quá nhiều. Ông vội vàng hô to gọi các bạn chài ở thuyền khác đến tiếp sức. Cả đám thanh niên vạm vỡ mới kéo nổi lưới lên thuyền: không phải vài con cá lòng tong, mà cả hai thuyền đầy những con cá to bằng bàn chân người và còn lớn hơn thế nữa.

Đến lúc này, Si-môn mới thấy xấu hổ vì đã có những cử chỉ, lời nói và ý nghĩ không tốt về Đức Giê-su. Không riêng gì ông, mà cả đám bạn như Gia-cô-bê và Gio-an cũng lặng người đi vì ngạc nhiên: Giê-su chẳng những không phải là tay mơ về sông nước, mà hình như còn là chủ nhân của sông nước nữa! Bây giờ, cả đám không còn dám huênh hoang to tiếng nữa, mà chỉ biết lặng lẽ làm những gì Ngài nói. Họ đưa thuyền vào bờ và đi theo Ngài.

Thật ra, sự chán nản tới mức chỉ muốn bỏ việc và quay về nhà ngủ nghỉ – sự an phận thủ thường của Si-môn và bạn bè ông rất dễ hiểu và rất dễ thông cảm. Có ai không buồn bã thất vọng khi đã chuẩn bị tất cả, từ lương thực cho người tới mồi cho cá, từ thuyền bè tới lưới cá, từ sự hồ hởi phấn chấn trong tâm hồn tới sự khoẻ khoắn chắc chắn trong thân xác, mà rốt cuộc chẳng làm được gì, ngoài khoang thuyền trống hoác!

Rồi khi đã có cá, nhiều nữa là khác, đủ hái ra tiền tiêu cả mấy tháng, ai dại gì ra khơi một lần nữa. Cám ơn Đức Giê-su rối rít, xin lỗi Ngài tới tấp, nếu cần đãi Ngài mấy bữa ăn liền, là đủ. Nếu sáng nay cả bọn chỉ muốn yên thân trong giấc điệp là vì hoàn cảnh bắt phải chịu vậy, thì bây giờ cả đám sẵn sàng an phận vì đã được toại nguyện. Dù có là thanh niên trai tráng, ai cũng muốn có lúc dừng tay chèo, dừng chân bước để hưởng thụ, để nghỉ ngơi.

Chỉ tiếc đó cũng chính là sai lầm của ông và các bạn ông. Câu nói của Đức Giê-su: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” không chỉ là một lời mách nước cho người đánh cá, mà là bí quyết cho mọi thành công trong cuộc đời. Si-môn thất bại trong lần đánh cá đêm qua, có thể không phải vì chưa ra khơi tính theo cây số biển, mà là chưa ra khơi tính theo thước đo của sự quyết tâm trong lòng: tuy đã ra khơi, nhưng mới thử vài keo đã bỏ cuộc. Sau khi đánh được mẻ cá lớn chưa từng thấy, ông lại tính tới chuyện không “ra khơi” nữa. Ông chỉ nghĩ tới việc loay hoay trong xó nhà hay cùng lắm, hì hục trên sông nước, kiếm cá, mua bán, sắm sửa và…chơi. Một lần nữa, Đức Giê-su cho biết Ngài giúp ông bắt được cá không phải chỉ để như thế thôi, mà để ông nghĩ đến một số phận mới, một chân trời mới và một kiếp sống khác: đó chính là không chỉ nghĩ cho mình và gia đình mình, mà còn phải nghĩ tới những người khác, không chỉ nghĩ đến chuyện mưu sinh, mà còn phải nghĩ đến chuyện hạnh phúc đời đời… Vẫn biết mỗi lần “ra khơi” như thế là mỗi lần phải đương đầu với những thử thách và bất ngờ, nhưng tục ngữ Việt Nam có câu: “Không vào hang, làm sao bắt được cọp!”. Nhất là nếu những lần “ra khơi” ấy là những lần ra khơi do Chúa đề nghị và có Chúa đi cùng – những lần ra khơi cao đẹp và ý nghĩa!

Tuổi trẻ hiếu kì tọc mạch, tuổi trẻ hăng hái xông pha. Nhưng tuổi trẻ cũng rất mau nản chí, mau thất vọng và sớm hưởng thụ, cầu an. Thử hỏi nếu Đức Giê-su không đến khuấy động cuộc đời Si-môn và bạn bè ông, thì cuộc đời họ và cuộc đời nhiều người đã ra sao? Thử hỏi nếu các ông không chấp nhận cùng với Đức Giê-su ra khơi, thì cuộc đời họ và cuộc đời nhiều người đã thế nào?

. Gợi ý để suy nghĩ thêm

Hiện nay, tôi thấy mình đang ở trong tình trạng nào: chán nản thất vọng? buông xuôi để mặc? ích kỉ và lười biếng thụ hưởng? lao đầu vào những việc không đâu? phấn đấu để thực hiện những điều tốt?

Có bao giờ tôi dám tiến lên thực hiện những điều tốt không: chẳng bao giờ, vì sợ bị thiệt hại? chỉ một đôi lần, chứ không dám hơn? chỉ khi nào nắm vững mọi sự trong tay? sẵn sàng nếu thấy Chúa ra hiệu, dù có thể bị thương tích hay thậm chí bị ngã?

 

home Mục lục Lưu trữ