Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 49

Tổng truy cập: 1377001

ĐƯỜNG DỄ ĐI LÀ NGÕ CỤT

Đường dễ đi là ngõ cụt.

Chúng ta thường gặp thấy người khác và cả chính chúng ta vẫn thường tìm cách để làm việc sao cho dễ dàng. Ở tại thành phố Honolulu, ở tiểu bang Hawaii, nếu các bạn đi xa lộ Pali, và đi cho đến đèo Pali, và rẽ vào con đường Park, đi thêm một chút nữa, các bạn sẽ gặp con đường với cái tên là Easy Street. Thế nhưng, nếu bạn đi thêm một tí nữa sẽ là ngõ cụt.

Trong bài Phúc Âm hôm nay cũng như ở nhiều chỗ khác, Chúa Giêsu cảnh cáo với chúng ta rằng nếu chúng ta đi tìm con đường dễ dàng để theo Ngài thì chúng ta sẽ bắt gặp ngõ cụt. Nếu chúng ta muốn theo Ngài, chúng ta phải vác thánh giá mình hằng ngày. Nếu chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, Chúa Giêsu nói rằng chúng ta phải biết trước cái giá phải trả (Lc 14:27-28).

Khi một người thanh niên và thiếu nữ đứng trước bàn thờ để tuyên lời thề hứa hôn nhân, họ đồng ý là sẽ chung sống yêu thương nhau suốt đời. Họ thề hứa là sẽ yêu nhau cho đến chết. Nếu đó là một cuộc hôn nhân tốt thì cả hai sẽ nên một và mối tình của họ sẽ khắng khít với nhau mãi. Tuy nhiên, thường xảy ra là sau những tuần trăng mật, thì là những chuỗi ngày buồn chán. Cả hai bắt đầu nhận ra rằng sống chết với nhau phải trả một cái giá rất đắt.

Một đứa bé đi nhà thờ với mẹ của nó. Hôm đó, vị giảng thuyết hùng hồn nhắc đi nhắc lại một đề tài đó là "Thế nào là một người Kitô hữu?" Mỗi lần nhắc đến câu này là tay ông vung lên và đập xuống giảng đài. Thằng bé thấy vậy run run thì thầm hỏi mẹ nó, "Mẹ ơi, mẹ có biết câu trả lời không?" Mẹ nói trả lời, "Biết chứ, nhưng giữ thinh lặng đi con." Sau đó một vài phút, vị giảng thuyết lại hùng hồn cất tiếng và vung tay lên và đập xuống giảng đài, thằng bé sợ quá, liền la lên, "Nói cho ổng biết đi mẹ ơi, nói cho ổng biết đi!"

Thế nào là một người Kitô hữu? Chúng ta có thể trả lời là một người đã được rửa tội trong đức tin; người tin một Chúa tạo dựng nên trời đất; người tin rằng Thiên Chúa yêu thương con người quá đỗi và đã ban Con Một Mình để cứu chuộc; Kitô hữu là một phần tử của cộng đoàn dân Chúa tụ họp để cầu nguyện nhân danh Chúa Kitô để ngợi khen, cảm tạ, chúc tụng, cầu xin Chúa; Kitô hữu là một người tin rằng qua sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa ban cho dân Ngài quyền năng và sức mạnh và giáo huấn để họ có thể nhận biết Ngài.

Đó là một danh sách không diễn tả hết nổi câu hỏi thế nào là một Kitô hữu, nhưng ít ra nó cũng cho chúng ta nhận ra mối liên hệ giữa ta với Chúa Kitô theo nghĩa của tuần trăng mật. Tiếp theo sau đó, người Kitô hữu phải biết rằng họ phải trả một cái giá rất cao để vâng lời của Chúa Giêsu truyền dạy, "Yêu thương kẻ thù!" (Gn 15:12).

Chúa Nhật này đến Chúa Nhật khác, chúng ta tụ họp lại nơi đây để trả lời cho câu hỏi, "Thế nào là một Kitô hữu?" Chúa Nhật này đến Chúa Nhật khác, nhiều người chúng ta đến đây để liếc nhìn Sự Sống mới của Chúa Kitô, mà không mấy tích cực đi sâu vào. Thật là một điều đáng tiếc cho chúng ta khi nhìn thấy những cái tuyệt hảo như thế mà lại không biết đón nhận và làm cho cuộc sống của mình thêm phong phú.

Chúa Giêsu đã phán rằng nếu chúng ta muốn Sự Sống Mới thì chúng ta phải biết yêu thương nhau. Điều đó chẳng hệ chi nếu chúng ta yêu thương những kẻ đáng yêu. Tuy nhiên, khi chúng ta phải đối diện với những áp lực nặng nề là yêu thương kẻ không đáng yêu, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình, tha thứ cho kẻ thù mình, thì chính là lúc mà tuần trăng mật đã chấm dứt. Đó chính là lúc mà chúng ta phải trả cái giá vác thánh giá và từ bỏ chính mình để theo Chúa Giêsu.

Có lẽ các bạn mong muốn nhìn lại cuộc đời mình trong quá khứ, hoặc nhìn về tương lai để xem mình đang đi đâu. Tuy nhiên, nếu các bạn còn chưa nhìn vào giây phút hiện tại, nếu các bạn thấy mình còn chưa có vác thánh giá và yêu thương kẻ thù mình, thì các bạn chưa bắt đầu sống sống đời Kitô hữu.

Nếu các bạn thật sự muốn cho mối liên hệ của mình với Chúa Kitô được mật thiết, sâu xa hơn, thì các bạn hãy nghĩ đến một người nào đó mà các bạn không ưa thích và làm một điều gì tốt cho người đó. Tuần tới khi các bạn đến đây, các bạn hãy báo cáo cho Chúa Giêsu biết kết quả. Khi kể lại bản báo cáo đó, bạn hãy chia sẻ với Ngài niềm vui được thoát khỏi con đường ngõ cụt.

 

57. Vác thập giá mình mà đi theo Đức Giêsu- JKN.

Câu hỏi gợi ý:

1. Muốn làm môn đệ Chúa, phải từ bỏ tất cả (kể cả cha mẹ, và những người thân yêu nhất). Từ bỏ như thế thì làm sao sống được trên đời? Làm sao tránh được tiếng bất hiếu, vô tình vô nghĩa? Cần phải hiểu hai chữ “từ bỏ” theo nghĩa nào?

2. Tại sao Đức Giêsu lại yêu cầu những người theo Ngài phải lượng sức mình: có từ bỏ tất cả mọi sự được thì hãy theo, không thì thôi?

3. Không lượng sức mình mà cứ theo Chúa, thì đã sao? Có tai hại gì đâu? Khối người theo Chúa có phải từ bỏ gì đâu, họ còn được thêm là đằng khác?

Suy tư gợi ý:

1. Muốn làm môn đệ Chúa, phải từ bỏ tất cả

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói lên một cách quả quyết, rõ ràng và dứt khoát là: muốn theo Ngài, muốn làm môn đệ Ngài, phải sẵn sàng từ bỏ tất cả: người, vật, ý riêng, thậm chí những người thân yêu nhất như cha mẹ, vợ con, và ngay cả bản thân hay mạng sống mình nữa. Sự rõ ràng và dứt khoát ấy trở nên rất rõ nét nhờ hai dụ ngôn về một người muốn xây nhà và một ông vua muốn chiến đấu. Muốn xây nhà thì phải dự tính xem có đủ tiền không, kẻo đang xây dở dang mà hết tiền, thì sẽ không có nhà ở! Hai dụ ngôn này nhấn mạnh rằng nếu có ý định theo Chúa, thì cần phải lượng sức mình trước, xem mình có thể từ bỏ được như Chúa đòi hỏi không. Nếu không được, thì hãy từ bỏ ý định theo Chúa, kẻo sau đó bị dở dang “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”, lỡ việc, lỡ cả cuộc đời, và có thể lỡ cả đời sau.

2. Cần phải hiểu “từ bỏ” theo hai nghĩa

Khi Đức Giêsu đòi hỏi những người theo Ngài phải từ bỏ, điều ấy không có nghĩa là những kẻ theo Ngài luôn luôn phải rời xa cha mẹ, vợ con, và sống như người không có gì. Hiểu theo nghĩa đen như thế không hẳn là sai, nhưng chỉ đúng với ơn gọi của một số ít người. Từ bỏ ở đây nên hiểu theo nghĩa tinh thần nhiều hơn. Nghĩa là người theo Chúa cần phải có tinh thần từ bỏ. Có tinh thần từ bỏ là luôn luôn coi Chúa và những việc của Chúa là quan trọng hơn tất cả mọi sự khác, nên sẵn sàng hy sinh những cái không quan trọng cho cái quan trọng khi thực tế đòi buộc như vậy. Từ bỏ không phải là không quí những điều mình từ bỏ, mà là không quí bằng một cái khác quí hơn, nên sẵn sàng hy sinh cái quí nhỏ cho cái quí to. Mạng sống, cha mẹ, vợ con, anh em, nhà cửa, ruộng vườn… đều là những thứ mà người theo Chúa phải quí trọng, thậm chí rất quí, nhưng đối với người theo Chúa, thì phải coi tất cả những thứ đáng quí ấy không quí bằng việc thực hiện Nước Thiên Chúa.

Và khi đã có tinh thần từ bỏ, thì tinh thần ấy sẽ được thể hiện thành hay hành động từ bỏ. Nếu những hành động từ bỏ không phát xuất từ tinh thần từ bỏ thì không có giá trị lắm. Tuy nhiên, nếu tinh thần từ bỏ mà không được thể hiện thành những hành động từ bỏ cụ thể, thì chắc chắn đó không phải là tinh thần từ bỏ đích thực.

3. Phải lượng sức mình khi theo Chúa

Có thể Chúa không đòi hỏi tất cả mọi người phải có tinh thần từ bỏ như thế. Nhưng Ngài đòi hỏi những ai theo Ngài phải có tinh thần ấy. Vì thế, trong hai dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa yêu cầu những ai theo Ngài phải lượng sức mình xem mình có thể có được tinh thần từ bỏ như vậy không. Nếu không có, thì đừng theo Ngài, Ngài không trách phạt những người bình thường nếu họ không có tinh thần ấy. Nhưng Ngài sẽ trách phạt những ai theo Ngài mà lại không có tinh thần từ bỏ ấy. Chính vì thế, mà cần phải lượng sức mình kẻo có hại cho sự phát triển hay vinh quang của Nước Chúa, đồng thời cho chính bản thân mình.

Rất tiếc là tinh thần từ bỏ này chưa được đặt nặng đúng mức nơi những người mang danh là theo Chúa. Trong nhiều Giáo Hội địa phương, những người mang danh theo Chúa lại được nhiều đặc quyền đặc lợi hơn những người bình thường (được hết sức kính trọng vì danh nghĩa là người theo Chúa chứ không vì tài đức bản thân, dễ dàng có quyền hành, địa vị, chức tước, tiền bạc hơn người bình thường…) Vì thế, có biết bao người theo Chúa vì những động lực trần tục ấy. Theo Chúa, thay vì từ bỏ hay mất đi nhiều thứ mình đang có, thì lại có thêm hay chiếm hữu được nhiều thứ mình chưa có. Do đó, với tinh thần chiếm hữu thay vì từ bỏ, những người mang danh theo Chúa ấy không thể thực hiện được những bổn phận hay trách nhiệm mà những người theo Chúa phải gánh vác trong những hoàn cảnh cụ thể mà Nước Chúa đòi buộc (chẳng hạn phải tranh đấu cho người nghèo, cho người bị áp bức, chống lại sự ác, bất công…) Họ không dám từ bỏ, không dám dấn thân, không dám hy sinh trong những việc đòi hỏi họ phải chấp nhận nguy hiểm đến mạng sống, đến sự an toàn bản thân, đến danh dự, đến quyền lợi… Đương nhiên họ vẫn có thể hy sinh trong những việc nhỏ, miễn sự hy sinh ấy đừng lớn hơn cái lợi trần gian họ đạt được. Cũng như một người đi buôn sẵn sàng hy sinh tiền bạc, công sức để thu vào một cái lợi lớn hơn.

Những người theo Chúa kiểu ấy sẽ rất bỡ ngỡ vào ngày sau hết, khi Chúa bảo họ: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” (Lc 13,27). Và lúc ấy họ sẽ lên tiếng thắc mắc: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi” (Lc 13,26). Hoặc “Nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” (Mt 7,22). Chính vì thấy trước viễn tượng ấy, mà Đức Giêsu đã yêu cầu những ai muốn theo Chúa phải lượng sức mình. Nếu không thể từ bỏ mọi sự được như thế (nên hiểu theo nghĩa tinh thần), thì nên rút lui sớm kẻo vừa hại cho Nước Chúa vừa hại cho phần rỗi của mình.

4. Một đề nghị

Trong các Giáo Hội Á châu, việc Giáo Hội khuyến khích giáo dân tôn kính và dành nhiều đặc quyền đặc lợi cho những người theo Chúa có rất nhiều điều hay, nên làm, nhưng thiết tưởng cũng nên ý thức và quan tâm tới mặt trái của nó để hành xử cho khôn ngoan. Sự tôn trọng của giáo dân và những đặc quyền đặc lợi mà Giáo Hội dành cho những người theo Chúa có thể khiến cho những Ki-tô hữu không có tinh thần siêu nhiên, sẽ theo Chúa không phải vì Chúa, vì Giáo Hội hay các linh hồn, mà vì một động lực trần tục.

Thật vậy, nếu những ai mang danh theo Chúa mà lại được tôn kính, trọng vọng một cách mặc nhiên bất chấp họ có xứng đáng hay không; nếu những điều kiện sinh sống của họ cũng mặc nhiên trở nên dễ dàng gấp bội so với những giáo dân bình thường chỉ vì họ mang danh hiệu đó mà thôi, thì việc mang danh theo Chúa sẽ trở nên rất hấp dẫn đối với những ai thiếu tài đức nhưng lại ham muốn trèo cao và muốn có điều kiện sống dễ dàng hơn mọi người mà đỡ vất vả. Nếu những điều kiện để được mang danh là theo Chúa lại dễ dàng hơn những điều kiện để mang những danh hiệu khác ngoài đời, thì số người “muốn theo Chúa” với động lực trần tục sẽ đông lên gấp bội. Điều ấy sẽ ảnh hưởng rất xấu đến chất lượng của những người mang danh theo Chúa. Nếu những người theo Chúa vì động lực trần tục chiếm đa số, thì thật là tai hại cho Giáo Hội. Họ sẽ không thể dấn thân thật sự cho Giáo Hội khi Giáo Hội cần đến sự dấn thân ấy. Giáo Hội sẽ đầy gương xấu đến từ giới được coi là ưu tú nhất, và bị đình trệ không phát triển được. Và những người muốn theo Chúa thật sự (chiếm thiểu số) sẽ nản lòng và sẽ chẳng hoạt động hữu hiệu được, thậm chí sẽ không muốn vào, mà lại muốn ra khỏi hàng ngũ ấy để … khỏi bị thiên hạ đánh giá kiểu “cá mè một lứa”!

Vì thế, những người hữu trách trong Giáo Hội nên tìm cách tránh cho Giáo Hội tình trạng đồ giả lan tràn như ngoài đời. Làm đồ giả vừa thực hiện dễ dàng lại vừa kiếm được nhiều lợi nhuận hơn làm đồ thật, nên thị trường tràn lan đồ giả. Đồ giả càng tinh vi thì bên ngoài càng giống đồ thật, thậm chí nhiều loại đồ giả còn “có vẻ thật” hơn cả đồ thật. Đương nhiên chất lượng của đồ giả thì luôn luôn kém cỏi. Nếu không có biện pháp xử lý khôn ngoan, thì trong Giáo Hội cũng có thể lan tràn những người có vẻ theo Chúa, nghĩa là theo Chúa một cách “hữu danh vô thực”, không có tinh thần “từ bỏ” làm bảo chứng.

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin ban cho Giáo Hội ngày càng tăng số người muốn theo Cha thật sự, nghĩa là những người sẵn sàng chấp nhận tinh thần từ bỏ mà Cha đòi hỏi và mong muốn. Xin cho chúng con dù là giáo dân hay giáo sỹ, cũng có tinh thần từ bỏ đích thực để xây dựng Nước Thiên Chúa tại trần gian, đặc biệt trên quê hương con. Amen.

 

58. Ai xứng đáng làm môn đệ Chúa Giêsu?

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)

"Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ của tôi... Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14,27-33). Những điều kiện Chúa Kitô đặt ra trên đây là cho hết mọi người chứ không riêng gì một ai. Tin Mừng Luca ghi rõ là khi ấy có rất đông người cùng đi đường với Chúa Giêsu và Người đã nói những lời ấy với tất cảm đám đông. Kitô hữu chúng ta có lẽ quá quen với hình ảnh thập giá và cả sự từ bỏ nhờ các cử hành Phụng Vụ, đặc biệt trong mùa Chay thánh. Phải chăng vì quen quá nên hóa nhàm? Và hệ quả kéo theo là không nắm được, đúng hơn là không hiểu đúng, chưa hiểu hết nội hàm của thập giá cũng như sự từ bỏ.

Nếu hiểu được thập giá và sự từ bỏ đúng như sự tự hủy và như thập giá của Chúa Kitô, đó là chịu án bất công, là chẳng còn hình tượng người ta nữa, là nên như người bị phỉ nhổ, như người bị Thiên Chúa đoán phạt... thì có lẽ khó có ai dám trả lời cách hiên ngang là con muốn theo Chúa, con muốn làm môn đệ của Chúa. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn tiên liệu nhiều khó khăn mà những ai muốn theo Người, muốn làm môn đệ Người phải chịu, nên đã căn dặn rằng cần khôn ngoan suy xét cẩn thận. Đừng để chuyện "xôi hỏng, bỏng tay" xảy ra vì thiếu khôn ngoan cân nhắc sự tình cũng như định lượng sức mình. Đừng mạo hiểm khởi công xây tháp mà không hoàn thành nổi để rồi bị người ta chê cười! Đừng mạo hiểm đem quân lính đánh nước người khi không đủ sức để rồi mang lấy thất bại thảm hại! Ai? Ai trong chúng ta, từ người hèn kém tội lỗi đến người tài cao, đức đầy dám nói mình đủ sức làm môn đệ của Chúa Kitô? Ai có thể tự nhận mình đủ đức, đủ tài, đủ khả năng để đi theo Chúa Kitô trên con đường thập giá?

Vậy thử hỏi phải làm sao đây? Bản thân kẻ hèn này xin tự thú nhận mình thật bất tài và bất xứng. Với sức riêng mình, tôi không thể nào làm môn đệ Chúa Kitô được. Với khả năng và cả đạo hạnh riêng mình, tôi không thể nào vác được thập giá mình, cũng không thể nào từ bỏ hết những gì mình có để theo Chúa Kitô. Thế thì phải làm sao đây? Không lẽ rút lui hoặc giơ tay xin hàng?

Với Thiên Chúa thì không có sự gì là không thể được. Ngay đêm Tiệc Ly, Chúa Kitô đã mở cho chúng ta con đường thoát khỏi cảnh bế tắc này. Chính Người đã tự nguyện rủ bỏ vị thế là Thầy và là Chúa để cúi xuống với từng người trong các môn đệ (x.Ga 13). "Thầy không còn gọi các con là tôi tớ mà là bạn hữu" (Ga 15,15).

Hãy biết khôn ngoan làm bạn của Chúa Giêsu. Đỉnh cao của mạc khải là ở đây. Thiên Chúa không muốn con người làm tôi tớ hay làm môn đệ mà là bạn hữu của Người. Cái hình ảnh Giavê Thiên Chúa ngày ngày đi dạo với tổ tiên Ađam- Evà gợi mở thực tại tốt đẹp này. Có được người bạn là Giêsu Kitô thì chuyện thập giá mình sẽ không còn là vấn đề. Vì chính người bạn Giêsu luôn sẵn sàng nâng đỡ, đồng hành và có khi vác thay thập giá cho ta. Bài thơ "vết chân trên cát" của thi hào Tagor là một cảm nghiệm về một chân lý trong tình bạn. Con ơi, những lúc bão cát nổi lên, con chỉ còn thấy một dấu chân, đó là dấu chân của Ta, vì những lúc ấy là lúc Ta đang cõng con trên vai Ta.

Khi đã là bạn hữu thì không có gì là khoảng cách, là bí mật. "Tất cả những gì Thầy đã nghe biết bởi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết." (Ga15,15). Khi ta biết mở cõi lòng, biết bày tỏ mọi bí ẩn tâm can cho Giêsu, từ chuyện tốt đến chuyện xấu, từ những việc lành đã làm đến những sự dữ xấu xa đã phạm thì ta đang trao dâng hết những gì ta có, cho người bạn Giêsu. Và đây chính là lúc ta thực sự bỏ hết những gì mình có (Avoir - To have). Chính khi ta mở tâm trí đón nhận chân lý Chúa Kitô tỏ bày và sống theo chân lý ấy thì chúng ta đã thực sự từ bỏ những gì chúng ta là (Être - To be).

Ý định của Chúa nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Người chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi Thần khí thánh" (Kn 9,17). Nếu Chúa Kitô không tự nguyện cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, nếu Người không minh nhiên tỏ bày rằng Người không còn gọi các môn đệ là tôi tớ mà là bạn hữu, chắc hẳn con đường về trời, con đường theo chân Chúa Kitô quả là vượt quá tầm tay, vượt quá khả năng loài người chúng ta.

Vấn đề đặt ra là khi nào và làm sao chúng ta có được sự chắc chắn, dù tương đối, rằng chúng ta đang là bạn hữu của Chúa Giêsu? Một trong những cách thế hữu hiệu để làm bạn Chúa Giêsu đó là hãy làm như Người đã làm (x.Ga 13,15). Đó là nhận nhau như người anh em thân thuộc, như là bằng hữu nghĩa thiết. Đây là nội dung chính những dòng thư của Thánh Phaolô gửi đến ông Philêmon. Ngài xin Philêmon đón nhận lại Ônêsimô, không phải như một người nô lệ mà như một người anh em rất thân mến, dù cho Ônêsimô đáng phải chết vì là nô lệ mà đã bỏ trốn khỏi nhà của chủ. (Bài đọc 2). Đón nhận nhau như là anh em, như là bằng hữu thì không chỉ loại bỏ những hành vi đàn áp, bất công, quan liêu kẻ cả... mà còn phải thực tâm chia sẻ những gì mình đã có được, đã nghe biết, đã hưởng nhận... cho nhau.

Giả như đang còn đó những sự việc, những sự thật đáng nói, cần chia sẻ mà các vị bề trên còn giữ kín với người bề dưới thì người bề dưới vẫn chỉ mãi là những nô lệ hay tôi tớ mà thôi. Một thực tế khó chối cãi đó là khi sự giữ kẻ, sự giữ bí mật xuất hiện trong đời sống vợ chồng thì người giữ kẻ, giữ bí mật cách nào đó không còn xem người phối ngẫu là bạn trăm năm, là bạn đời, chưa kể có trường hợp chỉ xem nhau như người tôi tớ.

Chưa nhận nhau làm bạn trong cách sống, trong cung cách đối xử, thì chắc chắn chúng ta chưa thật sự là bằng hữu của Chúa Kitô. Và cũng khá chắc chắn rằng quá trình vác thập giá mình, quá trình từ bỏ chính mình của chúng ta đang trong cảnh tình "đơn thương, độc mã". Độc mã, đơn thương để chiếm được Nước Trời, để có được hạnh phúc thật quả là một sự liều lĩnh thiếu khôn ngoan và không lượng sức.

Biết sống, biết hành xử với nhau như là bạn hữu thì chúng ta luôn là bạn hữu của Chúa Kitô. Có người bạn Giêsu đồng hành thì chuyện vác thập giá, chuyện từ bỏ chính mình cho dù vẫn là khó nhưng luôn là có thể được. "Giàu vì bạn, sang vì vợ". Có người bạn có thể làm được mọi sự luôn ở bên ta, đồng hành với ta thì không có gì là không thể.

Đôi bạn trẻ đã đính hôn xem ra khá hạnh phúc chỉ một nổi vóc dáng bên ngoài như đôi đũa lệch. Chàng ta "ngắn tầm" hơn cô nàng gần 20 phân (20 cm). Sau buổi học giáo lý hôn nhân, được sự đồng ý của cô nàng, anh chàng bèn trao nụ hôn đầu đời cách say đắm trong cái thế phải đứng trên viên đá chẻ của công trình đang xây dựng, để cho vừa tầm cao. Sau đó anh chị bên nhau đi về. Cô nàng thoáng thấy người yêu dáng đi hơi nặng nhọc mà chưa hiểu nguyên do. Có lẽ vì trời tối. Đi được một quãng anh chàng thỏ thẻ xin lặp lại "việc yêu" như ban nãy. Gật đầu chấp thuận thì cô nàng chợt thấy người yêu dừng lại, đặt viên đã lớn đã giấu sau lưng, mang theo nãy giờ, rồi đứng lên trên bày tỏ tình yêu. Được yêu nhưng xem chừng quá vất vả. Không biết kiên trì được bao lâu. Bỗng khi tay trong tay, anh chàng nghe cô nàng thầm thĩ: "Anh ơi, đừng cố vất vả quá! Em cúi xuống một chút là ổn thôi".

Làm bạn của Giêsu thì hơn làm môn đệ của Người. Một kiểu khôn ngoan mà rất nhiều vị thánh như Gioan Thánh Giá, Têrêxa Avila, Têrêxa Hài Đồng Giêsu... đã chọn lựa.

 

59. Môn đệ Đức Kitô- Lm. Bùi Quang Tuấn.

Lin Chi là bậc thiền sư nổi tiếng về đức độ. Rất nhiều người nhận ông làm sư phụ. Một hôm có bậc vị vọng trong nước ghé thăm tu viện và kinh ngạc khi nghe biết có khoảng 10 ngàn người đang tu học ở đó. Vì muốn biết đích xác con số nên vị khách đã lên tiếng hỏi Lin Chi: “Ngài có tất cả bao nhiêu môn đệ?” Lin Chi trả lời: “Chừng 4 hay 5.”

Lạ thật! Với hàng chục ngàn người theo học mà chỉ có 4,5 người là môn đệ chính tông. Không biết đó là chuyện đáng vui hay đáng buồn.

Nếu hôm nay có người hỏi Chúa: Ngài có chính xác bao nhiêu môn đệ? Không biết Chúa sẽ trả lời ra sao. Phải chăng Ngài cũng phải xác nhận rằng nhiều người “có tiếng mà không có miếng.”

Nhưng tại sao lại như thế? Phải chăng tiêu chuẩn Ngài đưa ra quá cao? Có lẽ không ít người trách Chúa chẳng chịu ‘nhẹ tay’ đôi chút. Ít nữa là hứa hẹn những gì hấp dẫn, kích thích thị hiếu con người. Đàng này những điều Ngài nói lại chẳng lôi cuốn lắm: “Ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làmôn đệ Ta” (Lc 14:26). Thật là chói tai!

Nhưng đó lại là chân lý. Và khi trình bày chân lý, Đức Giêsu đã không bôi dầu trét mật hoặc mài dũa cho bớt góc cạnh hầu dễ nuốt. Trái lại, Ngài rao giảng đầy đủ, trọn vẹn, và rõ ràng. “Những Điều Kiên Làm Môn Đệ Đức Kitô” được ghi nhận trong Tin Mừng của Thánh Luca là một ví dụ cụ thể.

Bước theo Đức Giêsu là phải từ bỏ nhiều thứ, từ của cải vật chất cho đến ý riêng, từ quan hệ gia đình cho đến mạng sống. Đồng thời phải chấp nhận xung vào cuộc chiến, trực diện với kẻ thù có khi còn mạnh và đông gấp đôi mình. Gian nan cam go vô cùng. Thế nên rất cần một sự cân nhắc kỹ càng, không thể cứ làm tùy hứng, kẻo “khởi sự xây cất mà lại không hoàn thành nổi,” hoặc xung trận mà lại nắm chắc phần... thua trong tay thì không xứng hợp với Nước Thiên Chúa tí nào.

Thế nhưng mới nhìn thoáng qua, có người đã cảm nhận thiệt thòi quá nhiều. Chưa thấy lợi đâu, trước mắt đã phải đương đầu với từ bỏ, mất mát, khó khăn. Phải chăng vì thế mà nhiều người sợ theo Chúa. Hoặc có theo, thì chỉ theo xa xa, theo kiểu “hữu danh vô thực,” vừa gặp gian nan là bỏ Chúa chạy trốn tức thì.

Có lẽ vì nhìn thoáng qua nên người ta chỉ thấy được bề mặt của từ bỏ mà không nhận ra chiều sâu của sự sống. Không cuộc sống nào phong phú và ý nghĩa nếu không có xây dựng và chiếu đấu. Hai dụ ngôn “Người Xây Tháp” và “Vua Ra Trận” đã khẳng định điều đó. Dù là ơn gọi tu sĩ hay gia đình, dù là dấn thân hoạt động hay ẩn mình tại gia, tất cả đều phải mang tinh thần dựng xây và chiến đấu mới mong đem lại giá trị cao quí và bền lâu cho cuộc đời.

Xây tháp thì cần thời gian. Ra trận là phải chấp nhận đổ máu. Cả hai điều đó đã làm nên những thách đố trường kỳ, khiến bao tâm hồn phải lao đao, bao bước chân phải rã rời. Thời gian có thể xao dịu và hàn gắn thương tích, nhưng cũng là yếu tố làm nản lòng bao nhiệt tình, nồng thắm của phút giây ban đầu. Thế nên vẫn cần luôn một tấm lòng quả cảm và một tinh thần kiên trung.

Xây là xây đến xong. Đánh là đánh cho đến cùng. Nhưng để được như thế lại phải ngồi xuống suy tính. Cả hai dụ ngôn đều nhắc đến thái độ cần thiết đó: “Ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? “ và “Vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ, xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng?”

“Ngồi suy nghĩ” hay “ngồi tính toán” đều diễn tả chung một hình ảnh: ngồi cầu nguyện. Thế ra, cầu nguyện chính là bí quyết đưa đến đời sống vững chắc và kiện toàn. Qua cầu nguyện tôi có được sức mạnh bên trong, làm nền cho bao hành động “chiến đấu” và “xây dựng” bên ngoài.

Phải chăng những biến cố nhảy rào, những thất bại đau thương, những dang dở chua xót... trong các thứ ơn gọi, tu sĩ hay gia đình, phần lớn là do người ta không biết “ngồi suy tính”, hầu có được một chọn lựa đúng đắn và đón nhận sức mạnh đỡ nâng từ Thiên Chúa.

Bất cứ chọn lựa đúng đắn nào cũng đòi hỏi một lòng kiên trung thi hành. Người ta không thể lấy nhau một thời gian rồi thôi hoặc khấn hứa vài ba năm rồi bỏ. Thế nên, cần phải “ngồi xuống” cầu xin để có được sự bền đỗ trong ơn gọi. Bởi vì, như Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận có nói, “Một người thánh mà không cầu nguyện là thánh giả. Con đợi xem, họ sẽ sụp đổ không mấy hồi”. (Đường Hy Vọng 131).

Nếu tôi không muốn làm thánh giả, nếu tôi không muốn hành trình xây tháp bị dở dang, nếu tôi không muốn “giữa đường phải đứt gánh”, nhưng muốn trở thành môn đệ chân chính của Đức Kitô, tôi cần phải “ngồi xuống” thường xuyên để xét lại đời mình trong tin yêu và cầu nguyện. Chắc chắn nhờ đó, ánh sáng Tin mừng sẽ soi chiếu bước chân và tăng sức tâm hồn, giúp tôi vượt qua chông gai thử thách và cập bến bình an.

 

60. Con đường theo Chúa

(Suy niệm của Lm Anphong Trần Đức Phương)

Các Bài Đọc Sách Thánh hôm nay mời gọi chúng ta hãy từ bỏ mọi sự để có thể theo Chúa trong cuộc hành trình gian khổ trần gian tiến về quê hương thật Nước Trời.

Bài đọc I (Sách Khôn Ngoan 9:13-19): Con người luôn phải mang tính xác thịt nặng nề, hướng về tội lỗi mất lòng Chúa và xúc phạm đến tha nhân; vì thế phải nhờ sự khôn ngoan do Thánh Thần Chúa hướng dẫn và sửa đổi, chúng ta mới có thể đạt tới ơn cứu độ. Bài Đọc II (Thư Philêmon 9-10,12-17): Khi chúng ta giúp đỡ anh em, chúng ta hãy tự nguyện làm với cả tấm lòng yêu thương, vui vẻ, làm vì Chúa. Bài Phúc Âm (Luca 14:25-33): Muốn trung thành theo Chúa, chúng ta phải hy sinh từ bỏ tất cả những gì đi ngược lại giới răn Chúa, và nhiều khi phải hy sinh cả mạng sống mình như các Thánh Tử Đạo; đó là tình yêu trọn vẹn. Chính Thiên Chúa, vì yêu thương chúng ta, đã xuống thế làm người và hy sinh chết trên Thánh Giá để cứu chuộc tội lỗi chúng ta.

Vậy muốn theo Chúa, tức là muốn sống theo Tin Mừng Chúa Giêsu đã giảng dạy, chúng ta phải quyết tâm từ bỏ mọi sự. Nhưng "từ bỏ mọi sự" là từ bỏ những gì?

Nói chung, đó là từ bỏ tất cả những gì đi ngược lại với giáo lý Chúa Giêsu đã giảng dạy và các Thánh Tông đồ cũng như Giáo Hội, tiếp nối các thánh Tông Đồ, hướng dẫn chỉ bảo chúng ta.

Trước hết là từ bỏ những đòi hỏi bất chính của con người chúng ta do lòng ham danh, ham lợi, và ham lạc thú. Lòng ham danh, ham địa vị đưa đến tranh chấp, gây nên hận thù, bất hòa, chia rẽ. Lòng ham lợi đưa đến gian tham, biển lận, lừa dối, bóc lột người khác; chính vì lòng ham lợi mà xẩy ra những tranh chấp đưa đến bao cuộc chiến tranh từ trước đến nay. Chiều theo lạc thú xác thịt đưa đến những đam mê tội lỗi, làm cho chúng ta say đắm các thú vui thể xác và làm hạ phẩm giá con người mà Chúa đã dựng nên theo hình ảnh Chúa. Vì thế, sách Khôn Ngoan, trong Bài Đọc I hôm nay, đã nhắc nhở chúng ta "tính xác thịt nặng nề làm tâm hồn hư đốn và lý trí tối tăm" không thể nhận ra "đường ngay, nẻo chính," nên dễ đi đến chỗ sai lạc và đi vào con đường đưa đến diệt vong.

Theo Chúa nhiều khi cũng đòi hỏi chúng ta dám đi ngược lại với những ý muốn trái ngược với đường lối Chúa, dù những ý muốn đó là của chính cha mẹ, của vợ, của chồng, hay anh chị em ruột thịt trong gia đình chúng ta. Đây là ý nghĩa lời Chúa nói "ai muốn theo ta phải từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em..." Tất nhiên Chúa không bảo chúng ta phải ly tán gia đình, hay chống lại cha mẹ mới có thể theo Chúa.

Theo Chúa cũng có ý nghĩa là phụng sự Chúa và sẵn lòng giúp đỡ tha nhân lâm cảnh khốn khó, và vì thế Thánh Phaolô trong Bài Đọc II hôm nay nhắn nhủ Philêmon cũng như mọi người chúng ta " hãy làm việc thiện với lòng tự nguyện chứ không làm vì bị ép buộc."

Nhiều khi vì muốn trung thành với Chúa mà chúng ta phải hy sinh cả địa vị, cả nghề nghiệp như trong bài viết trước đây, chúng tôi đã nêu ra trường hợp Giáo Sư Kenneth Howell, nhiều bác sĩ, y tá... bị đe dọa mất địa vị, mất công việc vì muốn đi theo con đường của Chúa do Giáo Hội chỉ dẫn.

Hơn nữa, khi chúng ta được ơn đặc biệt Chúa gọi, chúng ta cũng phải "sẵn sàng từ bỏ mọi sự" để hiến thân phụng sự Chúa qua đời sống chuyên môn làm tông đồ cho Chúa, như các linh mục, tu sĩ, và nhiều giáo dân đang dấn thân trên cánh đồng truyền giáo ở khắp nơi trên thế giới hiện nay. Cuộc sống tận hiến này cũng đòi hỏi phải luôn ý thức "từ bỏ mọi sự" để dâng hiến toàn thời giờ phụng sự Chúa, rao giảng Phúc Âm tình thương của Chúa cho mọi người, làm các công việc xã hội, mở mang văn hóa ở các nơi cần sự hiện diện của chúng ta.

Đặc biệt hơn nữa, từ thời Giáo Hội sơ khai đến giờ đã có biết bao những vị dám hy sinh chính mạng sống mình để trung Thành với Chúa, như trường hợp các Thánh tử đạo mọi thời và mọi nơi. Ở ngay trên quê hương Việt Nam chúng ta thời xưa và thời nay, cũng vẫn có bao người dám hy sinh mạng sống mình để bảo vệ sự thật, công lý, và đức tin tinh tuyền.

Xin cùng hiệp lời cầu nguyện chung cho nhau, xin Chúa nhờ lời Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu, giúp chúng ta luôn biết sẵn sàng từ bỏ mọi sự để theo Chúa là "Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống" và yêu thương phục vụ mọi người, nhất là những người lâm cảnh khó khăn, thiếu thốn.

 

61. Điều kiện làm môn đệ Chúa Kitô.

(Suy niệm của Lm. Vũ Thái Hoà)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, tuy ngắn, nhưng có một câu được lập lại ba lần: “thì không thể làm môn đệ tôi được”. Lời tuyên bố trên của Đức Giêsu hướng dẫn bài suy niệm của chúng ta hôm nay về những điều kiện phải có để trở thành môn đệ của Người.

“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa... Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

Đây là một trong những đoạn Tin Mừng khó hiểu và khó nghe: làm thế nào để dung hòa được tình yêu bao la của Thiên Chúa với sự tàn nhẫn của đoạn văn vừa nghe mà chúng ta phải loan báo như một Tin Mừng? Làm thế nào để dung hòa được lòng nhân hậu của Đức Giêsu với những lời tuyên bố làm cho chúng ta liên tưởng đến một số đầu óc bè phái phải từ bỏ ý muốn riêng để nghe theo một cách mù quáng thủ lãnh của mình?

Để dung hòa những điều trên có vẻ mâu thuẫn, chúng ta cần phải hiểu thế nào là đi theo Đức Giêsu, để trở nên môn đệ Người. Câu tuyên bố của Đức Giêsu, chúng ta không nên hiểu theo nghĩa đen, nhưng theo nghĩa bóng. Chúa không bảo chúng ta ích kỷ, coi thường cha mẹ, vợ, chồng, con cái, anh chị em mình và bao điều tốt đẹp khác! Chúa cũng không muốn chúng ta chểnh mảnh bổn phận đối với gia đình và xã hội. Chính Đức Giêsu đã nhắc lại điều răn thứ bốn Thiên Chúa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ” (Mt 15:4).

Từ bỏ mọi sự để theo Chúa không có nghĩa là từ bỏ hạnh phúc của mình. Chúa muốn những ai theo Người phải biết đặt bậc thang giá trị trong tình yêu: yêu Chúa trước nhất, rồi sau đó mới đến các tình yêu khác; tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa phải là nguồn mạch các liên hệ tình cảm khác. Một khi đã gắn bó mật thiết với Chúa Kitô thì hẳn nhiên chúng ta sẽ có một thái độ khác đối với các liên hệ gia đình, bạn bè và xã hội, đối với của cải vật chất và đối với chính mạnh sống của mình.

Hai dụ ngôn “xây cây tháp” và “cuộc giao chiến” cho chúng ta biết thế nào là dấn thân theo Chúa Kitô. Không ai khởi sự xây nhà nếu biết mình không đủ vật liệu để hoàn tất. Một ông vua không nên đi giao chiến nếu biết quân địch đông và mạnh gấp đôi quân của mình. Đời sống Kitô hữu giống như một cuộc xây dựng phải hoàn thành, và đồng thời giống như một cuộc giao chiến trường kỳ. Hai công việc khó khăn nhưng rất quan trọng nầy đòi hỏi sự suy nghĩ chín chắn và kiên trì.

Chúng ta thường làm tổng kết cuối năm, biết tính toán và dự kiến cho những công việc loài người, nhưng chúng ta có biết thỉnh thoảng ngồi lại một mình hoặc với người khác, để suy nghĩ, kiểm điểm đời sống đạo đức, để phân định được những hành động của mình có đúng với giáo huấn của Chúa Kitô hay không? Đó là mục đích của các cuộc tỉnh tâm (Linh thao, Cursillo, v...v...).

Tùy theo ơn gọi riêng của mỗi người, tất cả chúng ta đều được kêu mời bước theo Chúa Kitô để làm môn đệ Người, vì chỉ có Người mới có thể đem lại niềm vuui, bình an và hạnh phúc thật sự.

 

home Mục lục Lưu trữ