Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 37

Tổng truy cập: 1379142

GẮN KẾT VỚI CHÚA

GẮN KẾT VỚI CHÚA-  Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa quí ông bà và anh chị em,

Thời Cựu Ước, hình ảnh cây nho tượng trưng cho dân Israel. Dân này được Thiên Chúa tuyển chọn, vun trồng, che chở bao bọc như chủ vườn chăm sóc cây nho, thế nhưng dân Israel đã làm Thiên Chúa thất vọng vì họ không trung thành với lời Giao ước.

Vì thế qua miệng các ngôn sứ, Chúa khiển trách họ. Chẳng hạn như: Ngôn sứ Giêrêmia nói: “Ta trồng ngươi như cây nho quí, được tuyển chọn giống tốt. Sao ngươi lại trở thành cây nho dại, sinh trái chua lòm” (Gr 2, 21).

Đến thời Chúa Giêsu đi rao giảng Tin mừng, Ngài lại dùng hình ảnh cây nho, để nói lên mối tương quan gắn kết giữa chúng ta với Chúa: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga.15,5). Chúa Giêsu Phục sinh là cây nho đích thực, còn chúng ta là cành. Cây và cành có chung một dòng nhựa sống. Cành càng gắn kết với cây, thì càng sinh nhiều hoa trái.

Nhưng để sinh hoa kết trái, thì cành cần được cắt tỉa. Cũng như Chúa Giêsu trên cây thập giá, khi bị người đời cắt tỉa như một thân nho trơ trụi, thì từ cạnh sườn của Ngài bị đâm thâu lại phát sinh ra các Bí tích.

Đời sống thiêng liêng của chúng ta sẽ lớn lên và sinh hoa kết trái nếu chúng ta biết can đảm loại bỏ, cắt tỉa những gai góc, những chướng ngại làm cản trở sự gắn kết với Chúa.

Hơn nữa bài Tin mừng hôm nay rất ngắn, nhưng có ít nhất năm lần Chúa Giêsu nhấn mạnh là “Hãy ở lại trong Thầy” vì “Nếu không có Thầy các con không thể làm gì được” (Ga.1,5). Vậy thế nào là ở lại trong Thầy?

 “Ở lại trong Thầy” là ý thức hơn trong việc tham dự thánh lễ và siêng năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.

 “Ở lại trong Thầy” là chuyên chăm học hỏi và sống Lời Chúa. Chúng ta hãy đọc cho biết những lời Chúa nói và những việc Chúa làm. Vì không biết Thánh kinh là không biết Đức Kitô.

 “Ở lại trong Thầy” là siêng năng cầu nguyện gắn kết với Chúa. Cành nho sinh hoa kết trái được là nhờ liên kết với thân nho, hút nhựa sống từ thân nho. Tương tự như thế, tự thân chúng ta không thể nào nên thánh được, nếu chúng ta không gắn kết với Chúa trong đời sống cầu nguyện.

 “Ở lại trong Thầy” còn là sống tình liên đới với tha nhân. Chúng ta trao ban niềm vui, đồng hành chia sẻ với những người kém may mắn, và cảm thông tha thứ cho nhau… vì những gì chúng ta làm cho tha nhân là làm cho chính Chúa.

Quí ông bà và anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu là thân nho ngập tràn nhựa sống Thần linh. Nhựa sống Thần linh ấy chính là Mình và Máu Ngài hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta là những cành nho cần được tiếp nhận nhựa sống Thần linh ấy để sinh nhiều hoa trái.

Muốn vậy, chúng ta hãy năng đến với Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể để kín múc nhựa sống Thần linh ấy; đồng thời hãy để cho Lời Chúa “cắt tỉa” và “rửa sạch” những gì là sum xuê, là tươi tốt của những cành nho không sinh lợi, đó là những đam mê, những dục vọng thấp hèn, những đố kỵ ghen tương… Cắt tỉa và rửa sạch những cành nho ấy, để rồi chúng ta sẽ nhẹ nhàng và thanh thoát hơn. Được như thế tâm hồn chúng ta dễ dàng gắn kết mật thiết với Chúa trong tình yêu.

Dưới ánh sáng Lời Chúa hôm nay, chúng ta cần xem lại cuộc sống đạo của mình. Là những cành nho đã được liên kết với Chúa Giêsu qua bí tích thánh tẩy, nhưng chúng ta đã hết lòng gắn kết với Chúa, và hiệp thông với Giáo hội một cách chặt chẽ không? Hay vẫn còn đó những cách sống đạo hình thức. Đi lễ đọc kinh cho qua lần chiếu lệ.

Chỉ khi nào chúng ta thật sự ở lại trong Chúa Kitô, là biết sống hết tình với Chúa và hết mình yêu thương nhau một cách chân tình, vô vị lợi, thì khi ấy, nhựa sống thần linh của Chúa Kitô sẽ chuyển thông và biến chúng ta thành những cành nho sinh hoa kết quả, như Đức Kitô cây nho của Thiên Chúa.  Amen.

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH- Năm B

THẦY LÀ CÂY NHO-  Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. (Ga 15,4)

Anh chị em thân mến.

Chúng ta vừa đọc lại một trong những đoạn Tin Mừng hay nhất trong đó Chúa muốn nói đến sự liên hệ giữa Chúa và những ai theo Người.

“Thầy là cây nho” và Chúa còn cẩn thận xác nhận thêm “cây nho thật”

Tại sao lại phải xác định như thế ?. Không phải vô tình mà Chúa nói như vậy. Đã có thật thì phải có giả. Vậy thì thật giả ở đây phải được hiểu như thế nào?

* Chắc chắn khi nói tới đặc tính thật của cây nho, Chúa không muốn nói đến một cây nho theo nghĩa khoa học. Ở đây Chúa muốn nhắm tới một ý nghĩa khác. Chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa ấy nếu chúng ta nhìn lại Lịch sử dân Do thái.

Như anh chị em đã biết: Dân Do thái là một dân tộc đặc biệt. Đây là dân được chính Chúa thiết lập. Người dành cho dân tộc này nhiều ưu ái khác thường. Và để diễn tả sự ưu ái của Chúa đối với dân tộc mình thì người Do thái hay thường hay ví công việc của Chúa làm cho họ giống như công việc của một người chủ vườn nho làm cho những cây nho trong vườn nho của mình. Ý tưởng này xuất hiện đầu tiên trong Thi thiên đoạn 80. Và sau đó cũng được các tiên tri sử dụng…đặc biệt trong tiên tri Isaia, Gêrêmia và Êzêkiel.

Sau thời các tiên tri thì hình ảnh về cây nho đối với người Do thái còn mang thêm nhiều ý nghĩa quan trọng hơn nữa. Hình ảnh về cây nho đã trở thành biểu tượng có tính cách pháp lý, tượng trưng cho cả một dân tộc… Cho đến khi người Do thái đúc một cây nho bằng vàng và gắn ngay ở phía trên cửa chính của đền thờ thì lúc đó hình ảnh về cây nho không những đã là biểu tượng công khai tượng trưng cho cả dân tộc mà nó còn trở thành quốc hiệu đòi hỏi mọi người phải quí mến và tôn trọng. Nhiều lần người La mã đã muốn hạ cái biểu tượng này xuống nhưng đã bị người Do thái chống lại một cách quyết liệt cho nên cuối cùng chính những người La mã cũng không dám đụng tới. Người Do thái rất hãnh diện với hình ảnh này

Khi tuyên bố mình là cây nho thì Chúa đứng ngay ở dưới cái biểu tượng cây nho đẹp đẽ và đáng tự hào này của người Do thái. Và khi xác định thêm Ngài là cây nho thật thì chắc chắn là Chúa cũng muốn cho người ta hiểu rằng dân Do thái không còn là dân riêng của Chúa nữa. Một số nhà chú giải cho rằng: Qua lời tuyên bố này Chúa muốn bảo với những người Do thái rằng Ngài không còn coi họ là cây nho của Chúa nữa mà chính Ngài, Ngài mới là cây nho đích thực của Thiên Chúa  để rồi từ cây nho đích thực này, Ngài sẽ xây dựng nên một cây nho hoàn toàn mới. Cây nho ấy như thế nào thì các nhà chú giải KT đều nhất trí cho rằng: Đó là Giáo Hội mà Chúa sẽ khai sinh từ cạnh sườn của Người trên cây Thập giá. Sau này Thánh Phêrô đã hãnh diện nói với tất cả những ai tin Chúa như thế này: “Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là dân riêng của Chúa”

Và Chúa nói thêm:”Chúng con là cành nho”

Chúng ta phải hiểu lời này của Chúa như thế nào?

Quan sát một cây nho Tiến sĩ G.Campell Morgan giải nghĩa: Chúa không bảo Ngài là thân cây nho và chúng ta là cành của cây. Chúa bảo: “Ta là cây nho. Một cây nho chúng ta thấy có nhiều thành phần: Rễ, gốc, thân, cành, lá, tua, trái. Và khi  Chúa nói :Ta là cây nho thì Chúa cũng muốn bảo ta là tất cả.

+ Vậy thì khi ví chúng ta như là những cành nho thì Chúa muốn nói điều gì? – Chúa muốn đề cập đến sự liên kết giữa chúng ta với Người. Sự liên kết mà Chúa nói với chúng ta ở đây là sự liên kết có tính cách bản chất, rất đặc biệt, chứ không phải chỉ là sự liên kết có tính cách hình thức, có tính cách kế cận hay chủng loại. Sự liên kết này làm cho hai chủ thể, hai nhân vị có chung một nguồn sống, có chung một sinh hoạt và đem lại một  kết quả chung.

Kinh thánh cho chúng ta nhiều soi sáng về vấn đề này: Khi hỏi Saulô trên con đường ông đi tìm bắt những người tin theo Chúa thì Chúa đã nói: “Tại sao ngươi tìm bắt Ta?” Chúa đã không nói: Sao ngươi đi tìm bắt những người tin kính Ta – Mà Chúa nói: Sao người tìm bắt Ta? Chính từ sự liên kết đặc biệt này mà sau này Thánh Phaolo đã dám nói “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Ktô sống trong tôi – Sự sống của tôi chính là Đức Kitô.”

Trong Tin Mừng Matthêô chương 25 khi Chúa nói về ngày phán xét, Chúa đã khẳng định: “Những gì các ngươi đã làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta”. Rất rõ rệt và cũng rất dứt khoát. Chúa Giêsu và những người tin Chúa đã trở thành một một sự sống – Một hành động – một kết quả.

Vấn đề còn lại là: Khi đã được kết hợp đặc biệt với Chúa như thế thì cuộc sống của người tin Chúa phải là cuộc sống như thế nào?

Dứt khoát là phải sinh hoa kết trái nếu không thì sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa.

Nói tới đây tôi nhớ tới nhà văn hào Voltaire.

Năm 1778, ông bị thổ huyết. Quá lo sợ trước cái chết, ông cho người nhà đi mời Linh Mục cho ông. Và để cho Linh Mục tin là ông thật lòng trở lại, ông đã viết sẵn một bản tuyên ngôn nội dung như sau: “Tôi ký tên dưới đây hiện đang mắc bệnh thổ huyết nặng. Trước đây 4 hôm tôi đã xưng tội với Linh Mục Gauthier. Nếu Chúa gọi tôi về trong tuổi 81 này, tôi muốn chết trong Giáo Hội Công giáo là nơi tôi đã chào đời. Tôi hy vọng Thiên Chúa nhân từ sẽ tha hết các tội cho tôi và nếu tôi đã làm gương mù gương xấu thì nay tôi tha thiết xin Chúa bỏ qua cho tôi” Ký tên vào bản văn đó xong, Voltaire còn thêm mấy dòng nữa như sau: Cha Gauthier bảo cho tôi biết là một số người quả quyết với Ngài là hễ tôi khỏi bệnh, tôi sẽ lại chối phắt những công việc mà tôi đã làm trong cơn nguy tử. Tôi phản đối và quả quyết là sẽ không có chuyện như thế nữa. Đó là chuyện bịa đặt mà người ta đã từng gán bậy cho nhiều nhà thông thái  và sáng suốt hơn tôi”.

Và quả như người ta đã linh cảm trước. Voltaire lại thoát chết. Phái tự do tư tưởng và những đồ đệ của ông lại công kênh ông tới ráp hát. Và rồi tại nơi đây ông lại nuốt lời mà ông đã hứa.

Một lần nữa ông lại bị thổ huyết. Lần này ông cũng cho mời Linh Mục tới nhưng bạn bè của ông bao vây không cho Linh Mục tới gần. Ông tức giận nguyền rủa mọi người. Bạn bè nâng đỡ ông, ông cắn cả tay họ. Thống chế Richelieu chứng kiến những sự việc này cảm thấy rùng mình ghê sợ vừa bỏ ra ngoài vừa nói: “Thật là thảm bại”

Ngày 30/5/1778 ông chết một cách khốn nạn sau những cơn quằn quại trong đau đớn và tuyệt vọng. Tổng Giám mục Paris đã từ chối không cho ông được an táng theo nghi lễ công giáo. Đó là một cây nho không sinh trái.

Hãy sinh hoa trái.

Đây là lời kinh do đức Hồng Y Newman biên soạn, được các nữ tu thừa sai bác ái cầu nguyện mỗi ngày.

Lạy chúa Giêsu, xin giúp con toả lan hương thơm của Chúa nơi con sống.

Xin đong đầy lòng con, với thần khí và sức sống của Chúa.

Xin hãy thâm nhập bản thân con và gìn giữ con, để đời con phát toả sức sống của chính Chúa.

Xin ánh sáng Chúa dọi sáng qua con và ở lại nơi con, để mọi tâm hồn con tiếp xúc sẽ nhận ra Chúa đang hiện diện nơi con.

Xin cho mọi người không thấy con, nhưng thấy Chúa nơi con.

Xin ở lại trong con, để con dọi sáng với ánh sáng của Chúa và mọi người được soi dọi bằng ánh sáng của con.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là nguồn mọi ánh sáng. Chẳng một tia sáng nhỏ bé nào là của riêng con. Xin Chúa soi dọi mọi người qua con.

Xin đặt lên môi miệng con lời ngợi ca sốt sắng nhất là dọi sáng những người quanh con.

Con mong rao giảng Chúa bằng hành động hơn bằng lời nói, bằng mẫu gương hành động của con và ánh sáng hữu hình của tình thương phát xuất từ Chúa thấm nhập vào lòng con. Amen.

home Mục lục Lưu trữ