Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 58

Tổng truy cập: 1379602

GẶP GỠ CHÚA

Gặp gỡ Chúa

Trong đêm khuya, người đàn ông đứng một mình trên đỉnh đồi heo hút. Đó là một đêm tuyệt đẹp. Bầu trời đầy sao. Tâm hồn ông thật thanh thản và bình an. Ông cảm nhận được rằng cuộc đời là một ơn huệ. Và ông đã cho biết: Chính trong đêm hôm ấy trên đỉnh đồi cao, ông đã bắt đầu tin vào Thiên Chúa. Các nhà tâm lý học thường gọi cảm nghiệm trên đây là “khoảng khắc cao điểm”. Đó là lúc mà chỉ trong thoáng chốc, chúng ta nhận ra một thế giới mới vô cùng to lớn và xinh đẹp. Từ đó, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay.

Thực vậy, Phúc Âm đã ghi lại: Vừa nghe lời Maria chào, thì hài nhi trong bụng bà Isave liền nhảy mừng. Một đứa bé đạp trong bụng mẹ là điều rất bình thường. Thế nhưng, khi kẻ lại chi tiết này, hẳn thánh Luca muốn coi đó như là một cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu, cũng như một chào đón mà Gioan muốn dành cho Ngài.

Trong Phúc Âm, chúng ta cũng ghi nhận được những khoảng khắc cao điểm như thế. Chẳng hạn như sau mẻ lưới lạ lùng, Phêrô đã quỳ xuống và thưa lên cùng Chúa: Lạy thầy xin hãy tránh xa con, vì con chỉ là một kẻ tội lỗi. Nói cách khác, Phêrô đã cảm nghiệm được sự tốt lành thánh thiện của Chúa. Lần khác, sau khi Chúa Giêsu biến hình trên đỉnh Tabôrê, thì từ đám mây có tiếng phán: Này là Con ta yêu dấu, đẹp long Ta mọi đàng. Các con hãy vâng theo lời Ngài. Khi nghe thế, ba môn đệ thân tín liền sấp mặt xuống đất, lòng vô cùng sợ hãi. Hay nói cách khác, trong phút giây ngắn ngủi ấy, các ông đã cảm nghiệm được chiều kích thẳm sâu của Chúa Giêsu.

Ngày nay, nhiều người vẫn được Chúa ban cho những khoảng khắc cao điểm như thế. Chẳng hạn như Paul Nagai. Ông đã cảm nghiệm được sự sống vĩnh cửu qua cái nhìn của người mẹ trong cơn hấp hối. Chẳng hạn như Paul Claudel đã cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa qua tiếng hát trong buổi kinh chiều của ngày lễ Giáng sinh. Chẳng hạn như Phanxicô Xaviê đã cảm nghiệm được giá trị của linh hồn qua lời nhắc bảo của Ignatio: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, thì nào có ích lợi chi?

Cảm nghiệm về Đức Kitô thì không máy móc nào có thể chế tạo được. Không chiếc vi tính nào có thể lập trình, cũng không thể cứ muốn là được. Vì đây là một quà tặng Ngài trao ban. Chúng ta cần phải mở rộng cõi lòng để lãnh nhận.

Và Mùa Vọng chính là thời gian thuận tiện để chúng ta thự hiện việc làm này. Đây là lúc chúng ta phải tự chấn chỉnh lấy mình, để chào đón Đức Kitô trong cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta biết mở rộng cõi lòng cho Ngài, thì ngày diễm phúc ấy sẽ đến và lúc đó chúng ta sẽ thực sự cảm nghiệm được niềm hạnh phúc, sự bình an và tình yêu thương mà Ngài sẽ đem đến khi viếng thăm chúng ta.

 

2. Maria dám tin – Thiên Phúc

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Một doanh nhân giàu có ở Mỹ có sáng kiến ngộ nghĩnh để thử lòng người: ông cho in rất nhiều bích chương và dán khắp nơi trong thành phố nơi ông đang ở. Ðại khái nội dung của bích chương loan báo: Bất cứ ai mắc nợ, nếu đến văn phòng của ông ngày đó, tháng đó từ 9g đến 12g đều được ông giúp đỡ để trả nợ. Dĩ nhiên, mọi người đều bàn tán về lời mời gọi này, nhưng đa số đã xem đây là một trò đùa.

Ðúng ngày hẹn, doanh nhân ngồi trong văn phòng của mình. Hai giờ trôi qua mà không thấy người nào đến. Mãi tới 11 giờ mới có một người đàn ông rụt rè đến… Doanh nhân ký cho ông một ngân phiếu để trả hết nợ. Gần 12 giờ một vài người nữa cũng đến. Và dĩ nhiên họ cũng được giúp đỡ tận tình. Còn tất cả những người khác khi hiểu được lời mời gọi của doanh nhân thì đã muộn.

***

Lời hứa của doanh nhân trong câu chuyện trên đây quá lớn, nên đa số đã không tin. Chính vì không tin nên họ đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng. Ðức Maria, trái lại, Mẹ đã dám tin vào lời Chúa hứa nên Mẹ đã được tràn đầy ân phúc. Bà Êlisabét nói: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,4 5).

Tin là để cho Chúa thay đổi hướng đi của cuộc đời mình.

Tin là để cho chương trình cứu độ của Người đảo lộn chương trình sống của chúng ta.

Tin là chấp nhận lên đường, làm một cuộc hành trình mạo hiểm với Chúa.

Trước khi thưa lời “Xin Vâng”, Ðức Maria đã có chương trình của Mẹ là sẽ sống đời đôi bạn với thánh Giuse (Lc 1,27). Và qua lời “Xin Vâng” Mẹ đã chấp nhận hoàn toàn để cho Thiên Chúa thay đổi hướng đi cuộc đời mình, để cho Người đảo lộn chương trình sống, và cùng Người bước vào một cuộc mạo hiểm với trọn niềm tin yêu phó thác.

Mẹ ra đi mà không biết mình đi đâu, chỉ biết ra đi theo sự hướng dẫn của Chúa.

Mẹ đã đi từ bước phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác: Từ việc hạ sinh Con Thiên Chúa cách đơn nghèo, cho đến khi lạc mất con trong đền thánh; từ những lời cứng cỏi của con ở Cana và Caphanaum cho đến khi gặp con dưới chân thập giá.

Mẹ đã “Suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19) vì những kỷ niệm ấy quả là khó hiểu dưới con mắt loài người.

Mẹ xứng đáng là Mẹ Ðấng Cứu thế vì mẹ đã dám tin vào lời Chúa và để Chúa thay đổi cuộc đời mình theo chương trình cứu độ của Người.

Mẹ thật diễm phúc vì Mẹ đã chấp nhận lên đường làm một cuộc phiêu lưu với Chúa trong tin yêu và phó thác: “Xin Chúa làm cho tôi như lời Ngài nói” (Lc 1,38).

Chính vì Mẹ diễm phúc mà lòng Mẹ đã là mái ấm đầu tiên, là Ðền Thánh cho Con Thiên Chúa ngự trước khi bước vào cuộc đời.

Chính vì Mẹ là Ðền Thánh nên đấng Thánh trong lòng Mẹ đã thánh hoá Gioan trong cuộc hạnh ngộ đầy linh thánh.

Chính vì cuộc hạnh ngộ đầy linh thánh giữa Mẹ và bà chị họ, mà Thánh Thần đã linh ứng cho bà nhận ra điều mắt thường không thể thấy, đó là chuyện cô em Maria thụ thai Ðấng Cứu Thế.

Chính vì niềm hứng khởi và những lời chúc mừng của Êlisabét đã khiến Mẹ cảm nhận thật sâu xa hồng ân cao cả, và lời ngợi ca Thiên Chúa đã vỡ oà trên bờ môi hạnh phúc trong lời kinh Magnificat (x. Lc 1,46-54).

Vâng, chính cuộc sống tin yêu và phó thác của Mẹ đã tuôn chảy dòng sông của ân phúc, cuộc sống ấy đang toả hương thơm cửa thiên đàng.

***

Lạy Chúa, Chúa đã đoái thương tuyển chọn Ðức Ma ria và bà Êlisabét, đã cho các ngài mang thai cách diệu kỳ, để hạ sinh Ðấng Cứu Thế và vị Tiền Hô của Người.

Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ: Tin vào lời Chúa và chương trình cứu độ của Người. Xin cho chúng con biết ngoan ngoãn để Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng con với trọn niềm tin tưởng mến yêu. Amen.

 

3. Con lòng Bà

Trong một buổi chia sẻ Lời Chúa giữa các bà mẹ, sau khi nghe đọc đoạn Tin Mừng chiều hôm nay, thì một bà đã đặt câu hỏi: Khi mang thai, có chị nào biết rõ con mình sẽ ra sao hay không? Dĩ nhiên không phải chỉ biết nó là trai hay gái, mà còn phải biết khi khôn lớn, nó sẽ như thế nào? Tất cả đều mỉm cười và lắc đầu không thể nào biết rõ được tương lai của đứa bé. Họ chỉ cầu mong cho nó được khoẻ mạnh và nên người.

Thực vậy, không một bà mẹ nào lại biết chắc con mình ngày mai sẽ ra sao ngoại trừ Đức Maria. Chỉ còn một vài ngày nữa là Người Con của Mẹ sẽ được sinh ra và cùng với Mẹ chúng ta đi thăm người chị họ là bà Elisabeth. Chính bà chị họ này cũng biết người con ấy như thế nào, khi bà nói cùng Mẹ: Bởi đâu tôi được diễm phúc là Mẹ cua Chúa tôi đến viếng thăm. Và ngày cả Gioan trong lòng bà Elisabeth cũng hay biết vì Gioan đã nhảy mừng hớn hở.

Chúng ta hẳn còn nhớ câu chuyện truyền tin được đọc trong ngày lễ Vô Nhiễm. Thiên thần nói với Đức Maria rằng Ngài sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Và Con của Mẹ là Đấng cao trọng. Người sẽ là Con Thiên Chúa, sẽ là một vị vua và nước của Ngài sẽ trường tồn. Và như thế, hẳn Mẹ đã biết được Người Con của Mẹ sẽ như thế nào? Vậy tại sao Giáo Hội lại đặt bài Tin Mừng này vào Chúa nhật thứ IV, Chúa nhật cuối cùng của mùa Vọng, gần kề với lễ Giáng Sinh?

Lý do thật tự nhiên và đơn giản. Bởi vì đã gần tới giờ của Mẹ và chúng ta, những người con của Mẹ, cùng chia sẻ niềm vui mừng và hy vọng với Mẹ. Mẹ đã biết Người Con của Mẹ sẽ ra sao.

Chúng ta cũng thế, nhờ đức tin, chúng ta cũng biết Ngài là ai và Ngài sẽ đến viếng thăm chúng ta một cách đặc biệt trong đêm giáng sinh. Chúng ta biết Ngài là Thiên Chúa, mặc dầu Ngài chỉ là một hài nhi bé nhỏ và yếu đuối. Chúng ta biết Ngài là Đấng thánh thiện tuyệt vời, mặc dầu bên ngoài Ngài giống như chúng ta mọi đàng. Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật. Cùng với Mẹ Maria chúng ta biết Ngài là Đấng cao trọng. Cao trọng trong tình yêu, cao trọng trong hành động cũng như trong lời nói. Ngài như một bông sen trổi vượt trên đám bùn nhơ. Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộccứu chuộc của chúng ta. Mẹ Maria biết Người Con của Mẹ là ai và chúng ta cũng biết như thế.

Sự hiểu biết này sẽ giúp chúng ta hân hoan chia sẻ niềm vui mừng và hy vọng với Mẹ. Bởi vì ngày sinh nhật của Đức Kitô sẽ đem lại cho chúng ta sự an bình và hạnh phúc.

 

4. Tâm tình thăm viếng – ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

Vừa được tin bà chị họ Êlisabét, hiếm hoi già cả sắp được Chúa ban cho một cậu ấm, Đức Maria sẵn có đức thương người, đã không quản ngại đường xa dặm thẳm, vội vã lên đường đi thăm giúp đỡ gia đình bà chị neo đơn ở một thành phố trên miền núi Giuda. Suốt cuộc hành trình lội bộ hơn 150 cây số, gian nan, nguy hiểm, vất vả, cực nhọc, Đức Maria vẫn không ngớt ca tụng, cảm tạ Chúa đã thương đoái đến mình và bà chị son sẻ. Đức Maria vừa thăm viếng, vừa giúp đỡ,vừa đem niềm vui ơn phúc vô cùng của Đấng Cứu thế đến cho gia đình.

Thoạt nghe lời Đức Maria chào, bà Êlisabét đã nhận ra ngay những ơn lạ lùng đổ xuống trên bà và con bà. Bà đã được đầy ơn Thánh thần nhận ra Maria là mẹ Thiên Chúa. Bà đã lớn tiếng ca ngợi Maria: “Em là người có phúc nhất trong giới phụ nữ và người con em cưu mang cũng thật có phúc. Bởi đâu tôi được mẹ Thiên Chúa viếng thăm tôi… Em thật diễm phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói cho em biết”.

Mẹ được đầy Thánh thần, con được nhảy mừng trong lòng Mẹ vì được phúc gặp Đấng Cứu thế trong lòng Maria. Bởi đâu gia đình bà Êlisabét được đầy ơn phúc? Thưa bởi đức tin mạnh mẽ và đức ái nhiệt thành của Đức Maria như lời bà Êlisabét nói: “Vì em đã tin lời Chúa”.

Đức Maria là gương mẫu đức tin mạnh mẽ: Không bao giờ Maria dám mơ tưởng mình là Mẹ Đấng Cứu thế vì Ngài thấy rõ thân phận mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn, đã đính hôn với một bác thợ mộc lao động cực khổ ở một làng quê mùa vô danh. Thế mà: “Phận nữ tỳ hèn mọn lại được Thiên Chúa đoái thương tới” (Lc. 1,48). Khi biết đó là ý Thiên Chúa, Đức Maria đã tin và dám xin: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin vâng như lời sứ thần nói”. Lời xin vâng thật khiêm tốn, luôn luôn chỉ coi mình là nữ tỳ, là tôi tớ, không dám nhận là Mẹ Đấng cao cả. Vâng ý Chúa không dễ dàng gì làm Mẹ Thiên Chúa, không như các thanh nữ Do Thái mơ tưởng được địa vị cao sang làm hoàng thái hậu muôn nước. Maria biết rõ Đấng Cứu thế, mà các tiên tri đã loan báo, là người tôi tớ đau khổ, là con chiên bị sát tế, như Bài đọc II nói: Đức Giêsu Kitô đã dâng mình làm lễ tế. Một lễ tế hy sinh vô cùng đau đớn. Với đức tin mạnh mẽ, Đức Maria đã sẵn sàng hiệp thông sát tế đó và sẵn sàng chờ đợi những lưỡi gươm sắc đâm thâu qua trái tim Mẹ như đâm thâu qua Trái tim Con để tỏ lòng thương yêu nhân loại vô bờ.

Đức Maria là gương mẫu đức ái nhiệt thành:

“Maria vội vã lên đường” nói lên sự nhiệt tình của Đức Maria đi thăm viếng, chia vui sẻ buồn, giúp đỡ gia đình bà chị đang bối rối vì mang nặng đẻ đau. Dù phải đi bộ bốn, năm ngày đường xa xôi hiểm trở cũng không ngăn cản nổi gót liễu yếu đào tơ đầy lòng thương mến của Đức Mẹ. Thánh Luca còn viết: “Maria đã lưu lại ba tháng rồi trở về nhà mình”, chứng tỏ Maria giúp đỡ gia đình như một tôi tớ, không quản ngại bất cứ một công việc nặng nhọc hèn hạ nào. Mẹ của Đấng Cứu Thế đã thi hành phận sự một tôi tớ của Thiên Chúa và loài người trong mọi nơi mọi lúc, một tôi tớ đem nguồn vui vô biên của Thánh Thần đến cho gia đình ; một tôi tớ mang Đấng Cứu Thế xuống cho con trẻ được khỏi tội và nhảy mừng trong lòng mẹ, để cậu sinh ra “càng lớn lên, tinh thần càng vững mạnh … để chuẩn bị đến ngày ra mắt dân Israel” (Lc. 1, 80).

Thánh Luca nói lên lòng bác ái nhiệt thành và đức tin mạnh mẽ của Đức Mẹ để làm gương cho các tín hữu thời Giáo hội sơ khai mà lo truyền giáo: Họ phải sống đức tin mạnh mẽ và thi hành bác ái nhiệt thành để đem Đấng Cứu thế đến cho muôn dân được đầy niềm vui của Thánh Thần và được nhảy mừng trong ơn cứu độ. Cuộc thăm viếng của Đức Mẹ tiên báo cuộc thăm viếng của Ngôi Hai xuống thế làm người để viếng thăm nhân loại, vừa là gương mẫu cho mọi cuộc thăm viếng của những người con Đức Mẹ.

Noi gương Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng Gioan 23, lần đầu tiên, một vị Giáo Hoàng rời khỏi Rôma, đến thăm Giáo Chủ Anathagoras của Giáo hội Đông phương, một Giáo hội đã ly khai Giáo hội Công giáo từ lâu đời. Cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng đã biểu lộ tình bạn chí thiết với Đức Giáo Chủ và nhìn nhận Giáo hội Đông phương cùng một chi thể của Đức Kitô, hợp nhất trong Chúa Thánh Thần. Từ hai ngàn năm nay, noi gương cuộc viếng thăm của Đức Mẹ và Chúa Giáng sinh, bao nhiêu cuộc viếng thăm hồng phúc như thế đã loan truyền Tin mừng đi khắp năm châu bốn bể.

Lạy Mẹ Maria, xin cho mỗi người chúng con biết nối tiếp những cuộc viếng thăm hồng phúc chan chứa ơn cứu độ đó, để đem nguồn vui Thánh Thần và ơn bình an của Chúa Giáng Sinh đến cho mọi gia đình trên quê hương thân yêu của chúng con. Amen.

 

5. Sống đức tin như Mẹ Maria

Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần thăm viếng người khác. Và cũng được người khác viếng thăm. Mỗi lần thăm viếng là một dịp để chúng ta chia sẻ với nhau về niềm vui hay nỗi buồn của cuộc sống. Như thế, trong từng cuộc thăm viếng, chúng ta muốn thể hiện tình yêu và sự quan tâm dành cho nhau.

Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người qua sự gặp gỡ hữu hình giữa Chúa Giêsu trong lòng Đức Trinh Nữ Maria và Gioan Tẩy Giả trong lòng bà Elisabeth. Thật vậy, nhận được tin người chị họ là Elizabeth, tuy đã già và mang tiếng là son sẻ, nhưng đã cưu mang được 6 tháng, Mẹ quyết định đi thăm gia đình người chị họ. Mẹ Maria đã vội vã lên đường. Mẹ sẵn sàng cho cuộc thăm viếng. Mẹ đã lên đường để chia sẻ niềm vui với gia đình bà chị họ, Mẹ chia sẻ niềm vui vì có Chúa ngự trong lòng mình. Đồng thời Mẹ cũng muốn san sẻ sự vất vả của người lớn tuổi đang cưu mang. Vì thế, sau khi được truyền tin, Mẹ vội vã lên đường thực hiện một cuộc hành trình dài theo các chuyên gia chú giải nói nó có thể lên đến 150 cây số. Một đoạn đường không mấy ít ỏi và đây không là chuyến đi dễ dàng! Làm sao tránh khỏi những nguy hiểm, vất vả và mệt nhọc. Nhưng chính tình yêu đã thúc bách Mẹ lên đường. Tình yêu làm cho Mẹ quên mình, quên những hiểm nguy vất vả để chỉ quan tâm đến người khác. Sau đó, Mẹ đã ở lại nhà bà Elizabeth trong một thời gian ba tháng. Như thế, Mẹ Maria đã thể hiện một tình yêu cao độ: dâng hiến chính mình để Thiên Chúa tự do thực hiện chương trình cứu chuộc của Ngài: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hãy làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1, 38) và Mẹ đã viếng thăm gia đình người chị họ bằng trái tim đầy tình yêu thương bác ái, ra đi cách vội vã, nhanh chóng, không do dự, không tính toán so đo, cứ ra đi trong phó thác. Do đó, Mẹ Maria luôn sẵn sàng đối với Chúa, Mẹ cũng luôn sẵn sàng đối với tha nhân. Mẹ đã ra đi để phục vụ bà chị họ của mình vì Mẹ thấy ý Chúa trong đó. Hơn nữa, Mẹ thấy đó là nhiệm vụ của mình. Là Mẹ Chúa Cứu Thế, Mẹ có nhiệm vụ phải đem Chúa cho kẻ khác. Lại nữa, Mẹ cảm nghiệm rằng, lòng mình khi được mang Chúa thì hạnh phúc biết bao, bình an biết mấy và phấn khởi dường nào. Mẹ đến, Mẹ đã làm cho cả gia đình Bà Elizabeth sung sướng. Bà Elizabeth phải thốt lên: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi. Vì này, tai tôi vừa nhge lời em chào, Hài Nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi” (Lc 1, 43 – 44). Đó chính là niềm vui và sự bình an đích thực mà Mẹ đã đem đến.

Tình yêu thể hiện qua cuộc thăm viếng bất ngờ hôm nay không chỉ dành riêng cho Đức Mẹ mà dành cho hết thảy mọi người. Qua Đức Maria, Thiên Chúa Tình Yêu đi vào trần gian, đem ơn cứu độ cho con người mà cuộc viếng thăm của Đức Maria dành cho bà Elizabeth là bước khởi đầu. Mẹ Maria thăm gia đình bà chị để chia sẻ niềm vui mà Thiên Chúa dành cho bà Elizabeth và gia đình Dacaria. Mẹ đến với bà chị họ cũng để chia sẻ ân huệ tình yêu lớn lao mà mình vừa nhận được và để thể hiện tình yêu của Mẹ dành cho gia đình bà chị họ.

Tình yêu đích thực đòi hỏi cần được biểu lộ ra bên ngoài chứ không giữ kín cho riêng mình. Cách thể hiện tình yêu đẹp nhất làm cho tình yêu sinh động là: quan tâm, chăm sóc, tìm cách gặp gỡ để tạo nên niềm vui, góp phần xây dựng hạnh phúc cho mình và cho tha nhân. Chúng ta hãy bắt chước Mẹ, bắt chước tâm tình này của Mẹ, không đợi người khác yêu cầu mà hãy biết khiêm nhường quên mình để nhận ra nhu cầu và sẵn sàng đến với tha nhân.

Bên cạnh đó, thăm viếng không chỉ là cách biểu lộ tình người, tình thương, nói lên sự quan tâm mà còn là dịp chúng ta đem Chúa đến với tha nhân. Mang Chúa đến cho tha nhân không có nghĩa chúng ta nói thật nhiều, nói thật hay về Chúa cho họ nghe. Chính sự hiện diện của Mẹ là một lời chứng hoàn hảo về sự hiện diện của Chúa vì chính Mẹ mang chúa trong lòng mình. Tương tự như vậy, để có thể đem Chúa đến với người khác chúng ta cần có Chúa trong mình. Muốn Chúa luôn hiện diện trong ta đòi hỏi chúng ta phải có một đời sống thân tình với Chúa. Qua kinh nguyện, Thánh lễ, hiệp lễ và qua cuộc sống thì sự hiện diện của chúng ta mới có thể giúp người khác nhận ra sự hiện diện của Chúa. Nên khi nhận ra Chúa, gặp được Chúa, tha nhân sẽ dễ dàng mở lòng để Chúa Thánh Thần thánh hoá và biến đổi họ nên tốt lành thánh thiện hơn.

Chúng ta hãy bắt chước Mẹ Maria. Trước hết chúng ta hãy thể hiện tình người với nhau bằng việc thăm viếng, quan tâm đến nhu cầu của tha nhân nhất là những người đang cần đến chúng ta. Hãy bắt chước Mẹ Maria quên mình và khiêm nhường phục vụ tha nhân. Hy sinh thời gian, đôi khi là vật chất để làm cho cuộc sống này thêm niềm vui, niềm hạnh phúc.

Hãy cưu mang Đức Giêsu trong tâm hồn để như Mẹ ta có thể mang một tâm hồn tràn ngập Chúa đến với tha nhân. Hơn nữa, chúng ta hãy cố gắng dàn xếp tất cả những gì làm mình phiền muộn, khó chịu để có tâm hồn vui tươi, an bình mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Ngoài ra chúng ta sẽ cố gắng là niềm vui của tất cả mọi người nhất là niềm vui sâu xa nơi tâm hồn, chúng ta cố gắng chia sẻ thời giờ, sức lực với người khác, nhất là phục vụ người khác. Cố gắng chia sẻ nụ cười với người khác và cố gắng ủi an, nâng đỡ người khác.

Lạy Mẹ Maria, cám ơn Mẹ đã để lại cho chúng con một mẫu gương tuyệt vời về sự vâng phục thánh ý Chúa và một tinh thần bác ái quên mình vì tha nhân. Chính tình yêu đã thúc đẩy Mẹ làm được những việc cao cả đó, Xin Mẹ đoái thương giúp chúng con bắt chước Mẹ, sống đức tin là vâng theo thánh ý Chúa và sống đượm tình bác ái với tha nhân, quan tâm giúp đỡ họ, giúp họ thêm niềm vui, tìm gặp sự bình an và nhất là gặp gỡ được chính Chúa tình thương. Amen.

 

6. Trở nên những Em-ma-nu-en mới

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Khi đang lâm bệnh ngặt nghèo, thập tử nhất sinh hay đang cơn hấp hối mà có người thân yêu ở kề bên chia sẻ cảm thông thì đó là niềm an ủi lớn lao không gì sánh được. Khi gặp cô đơn sầu não không kẻ đoái hoài mà có một người bạn chân tình hiện diện bên cạnh thì không gì quý báu hơn. Trong những trường hợp đó, người ta mới cảm nhận được nhu cầu có người thân sống-với mình hay hiện-diện-bên-cạnh mình cần thiết xiết bao!

Vì thế, Đức Cha Gaillot, một giám mục Pháp, đã nhận định rất xác đáng rằng:

“Sống quảng đại thì tốt, nhưng sống-với tốt hơn;

việc từ thiện là cần thiết, nhưng hiện-diện-bên-cạnh cần thiết hơn.”

Như thế, chấp nhận sống-với tha nhân, hiện-diện-bên-cạnh tha nhân thì tốt hơn mọi hình thức trao ban giúp đỡ khác.

Thiên Chúa là Người Cha nhân lành rất yêu thương nhân loại nên Người muốn sống với, muốn hiện diện bên cạnh nhân loại mãi mãi không cùng. Chính vì thế, Thiên Chúa tự xưng mình là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa hằng ở cùng chúng ta. (Is 7, 14. Mt 1, 23)

Vì muốn ở cùng nhân loại nên Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua khoảng cách vô tận giữa trời và đất để đến ở với loài người.

Vì muốn ở cùng nhân loại nên Chúa Giêsu đã sống kiếp phàm nhân suốt ba mươi ba năm để chia sẻ mọi vui, buồn, sướng, khổ của phận người.

Vì muốn ở cùng nhân loại nên dù đã sống lại và lên trời vinh hiển, Chúa Giêsu vẫn không rời xa các môn đệ. Người nói với họ:

“Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

“Thầy đi để dọn chỗ cho các con… Thầy sẽ trở lại để đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng sẽ ở đó.” (Mt 14,3)

Vì mong muốn ở lại mãi với các môn đệ, nên Chúa Giêsu khấn nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Mt 17,24)

Thế rồi Chúa Giêsu lập nên Bí Tích Thánh Thể để không những ở với, ở cùng, hiện diện bên cạnh mà còn ở trong chúng ta và nên một với chúng ta.

Vì biết rằng nhu cầu được thăm viếng, được sống với, được hiện diện bên cạnh là rất cần thiết nên khi hay tin người chị họ cao niên của mình được Chúa đoái thương cho cưu mang quý tử, Đức Maria đã không quản ngại thân gái dặm trường, sẵn sàng băng rừng vượt núi tiến lên miền sơn cước để chúc mừng, để phục vụ và nhất là để sống với, để hiện diện bên cạnh người chị họ cao niên suốt cả ba tháng trời.

Về sau nầy, khi tâm hồn các môn đệ hoang mang xao xuyến sau biến cố Chúa Giêsu về trời, Mẹ Maria tiếp tục hiện diện bên các môn đệ, củng cố niềm tin đang chao đảo của các ngài.

Và rồi trong suốt dòng lịch sử Hội Thánh, Giáo Hội phải nhiều phen trải qua gian lao sóng gió, Mẹ Maria luôn có mặt trong những thời điểm khó khăn đen tối, để hiện diện và đồng hành với đoàn con cái trong lúc gian nan, để ủi an khích lệ họ trong cảnh u sầu.

“Sống quảng đại thì tốt, nhưng sống-với tốt hơn.

Việc từ thiện là cần thiết, hiện-diện-bên-cạnh, cần thiết hơn.”

Hôm nay, noi gương Chúa Giêsu là Emmanuen, Đấng luôn ở với loài người để cùng chia sẻ ngọt bùi, noi gương Mẹ Maria là Đấng luôn ở cùng nhân loại để che chở ủi an họ trong những lúc gian truân khốn khó, chúng ta hãy trở nên những Emmanuen khác, để viếng thăm, an ủi, để sống-với, để hiện-diện-bên-cạnh những người đang gặp hoàn cảnh đau thương.

home Mục lục Lưu trữ