Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 51

Tổng truy cập: 1376763

GHEN TỊ

Ghen tị

Câu chuyện dụ ngôn thuê mướn thợ làm vườn nho hình như có vấn đề gây thắc mắc: làm sao ông chủ có thể trả công đồng đều cho tất cả những người thợ làm việc ở các thời điểm khác nhau? Ông chủ có công bằng chăng khi đối xử với những người chỉ làm một giờ ngang bằng với những người làm vất vả cả ngày?

Thật ra ông chủ đã đối xử sòng phẳng với những người làm việc từ sáng sớm. Ông ta đã trả mỗi người một đồng đúng như đã thoả thuận. Ông ta không bóc lột sức lao động của ai cả: có làm có trả lương tương xứng, nếu ông ta không gọi thêm thợ thì mọi chuyện bình thường, chẳng có vấn đề gì, nhưng vì có nhóm thợ làm ít giờ hơn cũng được trả lương bằng mình, nên có việc ganh tị, và nhất là đánh giá tiêu cực về ông chủ.

Câu chuyện này chúng ta thấy nổi bật hai vấn đề: Cách đối xử của ông chủ và phản ứng của những người thợ. Ông chủ vườn nho đây là hình ảnh Thiên Chúa, Ngài tốt lành vô cùng, lòng nhân từ của Ngài vượt lên trên tất cả những thứ trả công mà người đời sử dụng với nhau trong cuộc sống, Ngài rất công bằng và thương yêu vô tận. Vì vậy, ngoài sự công bằng, Ngài còn yêu thương chúng ta theo tự do và tình yêu của Ngài. Trước lời phàn nàn của những người thợ làm từ sáng sớm mà cũng lãnh công như những người làm sau, Ngài đã khẳng định quan điểm của Ngài, Ngài hoàn toàn tự do làm theo ý định của mình, Ngài muốn làm cách nào, lúc nào, chọn ai đều tuỳ ý Ngài mà không phải lệ thuộc ai cả. Tuy có quyền tự do của mình, nhưng Thiên Chúa không dùng tự do đó mà làm thiệt hại cho người khác: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn”. Thiên Chúa luôn công bằng, chỉ có con người mới đối xử bất công với nhau vì thiếu lòng nhân từ, vì cách nhìn ghen tị của mình.

Quả thật, ông chủ vườn nho được tự do dùng tiền của mình, thì tại sao Thiên Chúa lại không được tự do trong việc yêu thương? Ông chủ trả lương rộng rãi với nhóm người này mà vẫn giữ công bằng với nhóm kia, thì Thiên Chúa trải rộng tình thương của Ngài đến mọi người mà không cần theo tính toán của người đời. Cách xử sự của Thiên Chúa khác xa với cách xử sự của mọi người. Có lẽ khó gặp được chuyện này trong cuộc sống hằng ngày, nhưng lại xảy ra hằng ngày trong đời sống thiêng liêng: Thiên Chúa ban ơn nhiều hơn lòng mong đợi của con người.

Thiên Chúa rất nhân từ và tốt lành, Ngài ban ơn cho mỗi người và mọi người mà không tính toán thời điểm, tuổi tác. Chỉ có con người là hẹp hòi, ích kỷ đối với nhau qua hình ảnh những người thợ làm vườn nho. Những người làm từ đầu, làm nhiều giờ hơn, không vui mừng khi thấy ông chủ trả lương cho những người vào làm sau, làm ít giờ hơn cũng bằng họ, họ đã ghen tị đến đấu tranh với ông chủ, đó là tâm trạng chung của con người chúng ta: hay so đo, tính toán, thắc mắc, phân bì, ghen tị, ganh ghét.

Chúng ta hãy nhớ: ghen tị là một trong bảy mối tội đầu, là tội nặng. Kẻ ghen tị là người không muốn ai hơn mình, mà nếu có ai hơn mình thì tỏ ra khó chịu, buồn sầu, tức bực và oán ghét với những thành công của người khác. Người ta ghen tị về đủ mặt: của cải, tài ba, nhan sắc, thành công, nhân đức. Người ta ghen tị nhau vì không lượng đúng giá trị những gì mình có, không thoả mãn với hiện trạng của mình, không nhận ra vị thế của mình, lúc nào cũng thấy núi khác cao hơn. Người ta ghen tị nhau vì kiêu ngạo, vì ích kỷ, không muốn ai thành công hơn mình, đạo đức hơn mình, phục vụ hơn mình. Càng liên hệ thân thiết với nhau người ta càng ghen tị nhau. Thường thường những người ở trong cùng hoàn cảnh, cùng gia tộc, cùng một tình thân như bạn bè mới ghen tị nhau, chẳng hạn chị em ghen tị nhau, nhà giáo, nghệ sĩ, hàng thịt, hàng cá… ghen tị nhau.

Chúng ta có thể cười người khác khi thấy họ ghen tị và chúng ta cho đó là thái độ trẻ con, nhưng chính chúng ta cũng nên phản tỉnh lại xem: chúng ta có hơn trẻ con không? Khi thấy người khác đau khổ, chúng ta dễ chạnh lòng thương, an ủi, giúp đỡ họ. Cho nên, thường chúng ta hay đi chia buồn hơn là đi chia vui. Có ai vui một cách thành thực khi anh em mình được may mắn, thành công chăng? Hay là chúng ta tủi thân, rồi mỉa mai, bôi bác họ?

Chúng ta hãy nhớ: ghen tị sinh ra nhiều tai hại: ghen tị sinh ra ghen ghét, ghen ghét sinh ra oán thù. Ghen tị thường đi đến chỗ nói xấu, nói hành, dèm pha, bôi nhọ, xét đoán bừa bãi. Ghen tị làm mất tình bác ái và gây nên bao gương mù gương xấu. Vì thế, chúng ta phải tốp ngay, phải ngưng ngay cái tật xấu ghen tị này. Chúng ta phải biết đánh giá trị đúng của anh em mà vui cùng kẻ vui. Chúng ta phải tránh sự ghen tị như tránh rắn độc.

Tóm lại. Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta hai điều: Thứ nhất, chúng ta phải luôn khiêm nhường nhìn nhận mình không là gì cả, lúc nào cũng phải nương nhờ vào ơn Chúa, vì tất cả những gì chúng ta đã có, đang có hay sẽ có đều là do Chúa ban, Chúa là Đấng tốt lành vô cùng. Thứ hai, mỗi người hãy bằng lòng với hiện trạng của mình, bằng lòng với những gì mình đang có, đừng nhìn vào người khác mà phân bì ghen tị. Ghen tị làm mất tình yêu thương và gây nên những gương mù gương xấu. Xin Chúa cho chúng ta biết đánh giá trị đúng về mình và về anh em, để chúng ta không phân bì, kể công với ai và cũng không phân bì, ghen tương ai.

 

34. Ganh tị

Có lẽ bài học đầu tiên chúng ta biết về lẽ công bình đã xảy ra ở trên bàn ăn khi người mẹ phân chia những miếng bánh cho các con mình. Con mắt ganh tị của chúng ta đã phân biệt từng chi tiết nhỏ xem miếng nào lớn hơn, ngon hơn, và đáng giành hơn, rồi than phiền: “Mẹ, mẹ cho em miếng bánh lớn hơn miếng của con!” Chúng ta đã không biết nhiều về lẽ công bình, nhưng chỉ biết đến nó khi nhận phần bánh nhỏ hơn. Nếu khôn ngoan, người mẹ có thể giải thích: “Con ơi, sớm muộn gì con cũng sẽ phải học để biết rằng cuộc đời không luôn luôn công bằng đâu!” Điều này trẻ con chưa thể hiểu được, nhưng sau này lớn lên chúng sẽ hiểu.

Đúng như vậy! Cuộc đời không luôn luôn công bằng. Và nhận ra được điều này cũng không phải là dễ, Có lẽ phải mất một thời gian khá lâu trước khi chúng ta biết được rằng người mẹ hay Thiên Chúa có những lý do chính đáng để hành động, và những lý do này thường căn cứ trên tình yêu, lòng nhân từ và quảng đại.

Trước hết, người mẹ đã làm ra chiếc bánh và có thể cho theo ý người mẹ muốn. Thứ đến, nếu người em của tôi có vẻ bệnh – đây là điều khi còn bé tôi không bao giờ nghĩ đến – người mẹ có thể cho nó thêm một tí nữa để có sức khoẻ, mau khỏi bệnh. Nhưng chắc chắn một điều là người mẹ hay Thiên Chúa, Đấng đã làm nên mọi sự, không bắt buộc phải cắt nghĩa cho chúng ta biết lý do. Khi chúng ta lớn lên, chúng ta sẽ nhận ra rằng người mẹ và Thiên Chúa thường có những lý do riêng dựa trên tình yêu. Các ngài nhìn thấy điều chúng ta cần.

Điều này được diễn tả trong bài Phúc âm hôm nay, dụ ngôn thợ làm vườn nho. Đối với công đoàn lao động, việc người chủ vườn trả tiền mướn cho các nhân công làm việc chỉ một giờ hay vài giờ cùng số tiền lương trả cho những người làm việc suốt ngày từ sáng đến tối là điều bất công. Nhưng trước khi chúng ta nói người chủ hay Thiên Chúa bất công, xin hãy đọc kỹ những lời người chủ nói với những người than phiền trong Phúc âm: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?”

Tại sao người chủ đã trả cho những người đến sau cùng số lương bằng với những người làm việc suốt ngày? Thưa vì tình thương! Tất cả các công nhân đều có gia đình, cần tiền để nuôi vợ con. Thứ đến, người chủ biết những người đến vào giờ phút cuối đã đi tìm việc làm suốt ngày mà không có. Đối với người chủ cả hai lý do đều tốt lành để hành động và không ai có lý do gì để phê bình ông cả. Nhưng không may, những con mắt ganh tị do lòng ích kỷ đã làm họ trở nên bất mãn.

Cuốn phim “Amadeus” kể về cuộc đời của thiên tài âm nhạc, Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791). Câu chuyện diễn tả Mozart như một con người khá kỳ dị, gần như bị bệnh loạn thần kinh, nhưng lại là một nhạc sĩ dương cầm và sáng tác rất tài ba.

Một trong những nhân vật đáng chú ý nhất trong cuốn phim, bên cạnh Mozart, là nhạc sĩ Solieri. Solieri là nhạc sĩ của hoàng cung đã nổi giận với Mozart vì ông tự cho mình là xứng đáng và giỏi hơn Mozart. Solieri đã khinh ghét và coi Mozart chỉ là một tên trẻ con, suồng sã, kiêu căng và khả ố. Tại sao Mozart lại có thể là một nhạc sĩ dương cầm và sáng tác tài ba như vậy được trong khi tư cách của Mozart không xứng đáng? Trái lại, Solieri là đầy tớ của Thiên Chúa, vâng phục Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế. Chính ông mới là con người tốt hơn và xứng đáng hơn, vậy tại sao Thiên Chúa đã không ban cho ông món quà tài năng này mà lại ban cho Mozart?

Ngoài tính nết trẻ con, Mozart còn quá lố hơn nữa, dám vượt ra ngoài những giới hạn cổ truyền có thể chấp nhận được. Tuy vậy, vua Joseph II Ao Quốc vẫn thích Mozart. Mozart xin phép vua được sáng tác một vở nhạc kịch bằng tiếng Đức. Vào lúc đó, chưa có ai được phép sáng tác nhạc kịch bằng tiếng Đức cả. Tất cả nhạc kịch đã được sáng tác và trình diễn đều bằng tiếng Ý. Solieri, một người Ý, vừa bị sỉ nhục về tài năng, vừa bị đe doạ về chức nghiệp vì vở nhạc kịch bằng tiếng Đức của Mozart.

Solieri rất ganh tị và buồn bực vì bản nhạc kịch của Mozart đã thành công rực rỡ. Khắp nơi đều vang lên những lời ca ngợi về nhạc của Mozart cho đến nỗi chính Solieri cũng phải yêu thích nó. Tuy nhiên, ông lại muốn là chính ông đã sáng tác ra nó. Solieri biết rằng Thiên Chúa đã ban cho Mozart một thiên tài âm nhạc mà chính ông mới xứng đáng chứ không phải Mozart. Trong giây phút phẫn uất và tuyệt vọng, Solieri cảm thấy Thiên Chúa đã bỏ rơi ông, ông gỡ ảnh thánh giá treo trên tường xuống, đem đi đốt. Ông muốn không có sự thiên vị và đòi hỏi sự công bằng. Ông muốn được Thiên Chúa ban cho tài năng để làm việc phục vụ Ngài. Tuy nhiên như chúng ta thấy trong bài Phúc âm hôm nay, tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa rất khác với những nguyên tắc của con người về lẽ công bằng!

Pascal đã nói: “Con tim có lý lẽ riêng của nó”. Khi yêu ai người ta dám hy sinh tất cả mọi sự, ngay cả mạng sống mình cho người mình yêu. Sự kiện Thiên Chúa yêu thương con người đến nỗi đã ban Con Một Người xuống trần gian, chịu chết trên thập giá vẫn là một mầu nhiệm khó hiểu của tình yêu Thiên Chúa.

 

35. Ganh tị

Trong cuốn tiểu thuyết được soạn thành nhạc kịch “Những Kẻ Khốn Cùng” (Les Miserables), của Victor Hugo, nhân vật chính là Jean Valjean, đã được thả ra sau 19 năm chịu khổ sai trong tù. Anh bị tù vì tội ăn cắp một ổ bánh mì cho những người con của bà chị ăn qua cơn đói. Sau khi được tự do, anh bước đi lang thang cả ngày để tìm thức ăn và chỗ ngủ qua đêm, không một ai trong làng dám chứa chấp một người đã có án tù ở trong nhà. Sau cùng, một vị giám mục tốt lành đã mở cửa đón tiếp Valjean với một bữa ăn tối và chỗ ngủ qua đêm. Tại bữa ăn tối, bà giúp việc cực lực phản đối giám mục đã ra lệnh cho bà phải dọn bàn ăn với bộ muỗng dĩa bằng bạc mà toà giám mục thường dùng để tiếp khách. Đêm hôm đó, valjean đã ăn cắp toàn bộ muỗng dĩa bằng bạc, rồi trốn ra khỏi nhà.

Ngày hôm sau trên đường tẩu thoát, anh nói dối với cảnh sát rằng Đức giám mục đã ban cho anh những món đồ quý giá làm kỷ niệm. Nghi ngờ, cảnh sát đem anh trở lại toà giám mục với những món đồ đã bị ăn cắp. Khi họ vừa đến toà giám mục, Đức giám mục đã nói ngay rằng ngài rất vui mừng gặp lại Valjean, vì ngài muốn tặng thêm cho anh những cái chân đèn bằng bạc nữa. hành động tha thứ và nhân từ đáng kính phục này đã gây ảnh hưởng lớn lao trên cuộc đời của Valjean tới nỗi anh đã thay đổi hoàn toàn, và trở thành một con người mới. Sau cùng anh đã dâng hiến cuộc đời còn lại để phục vụ tha nhân với lòng nhân từ hơn là lẽ công bằng.

Người chủ vườn nho đã cư xử với các công nhân theo định luật của tình yêu và lòng nhân từ, không phải luật lệ của kinh tế hay toán học nhắm vào tư lợi.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo ZENIT ngày 3/12/2000, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận đã diễn tả những kinh nghiệm của ngài về 13 năm tù tội. Với những bạn tù không Công giáo, tọc mạch muốn biết làm cách nào ngài có thể giữ vững niềm hy vọng của ngài, ngài trả lời: “Tôi đã bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu, bởi vì tôi yêu những khuyết điểm của Chúa Giêsu”. Tồng giám mục, lúc đó nói: “Trong lúc hấp hối trên thánh giá, người trộm cướp xin Chúa nhớ đến hắn khi Chúa vào Vương Quốc của Người. Nếu là tôi, tôi sẽ trả lời: “Tôi sẽ không quên anh, nhưng anh phải đền các tội ác của anh trong luyện ngục”. Nhưng Chúa Giêsu trả lời: “Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi”. Chúa đã quên tội lỗi của người này. Cũng một sự việc đã xảy ra với bà Mary Magdalene, và với người con trai phung phí. Chúa Giêsu không nhớ tí nào, Người tha thứ cho toàn thế giới”.

“Chúa Giêsu không biết toán học”, ngài nói thêm: “Điều này được thấy rõ trong dụ ngôn người mục tử tốt lành. Người có 100 con chiên, một con bị thất lạc và không ngần ngại Người đi kiếm nó, để 99 con khác trong chuồng, đối với Chúa Giêsu, một con giá trị bằng 99 con, hay là có khi hơn nữa.

Dụ ngôn người thợ làm vườn nho được bắt đầu bằng chữ “Nước Trời”. Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa và luật lệ của Nước Trời. Trong cuốn “The Divine Trap”, Richard Hoefler nói rằng: “Trước hết Thiên Chúa là người chủ tuyệt đối. Theo như dụ ngôn nói với chúng ta, Người làm điều mà Người muốn làm với cái gì thuộc về Người. Vương Quốc Thiên Chúa không phải là một nền dân chủ nơi mà chúng ta quyết định cái cách thức những sự việc sẽ được làm bởi một đa số phiếu bầu cử”.

Chúa Giêsu đã nói dụ ngôn này không những với các môn đệ của Ngài, mà còn cho các người Biệt phái, là những người đã có quan niệm rằng Vương Quốc Thiên Chúa thuộc quyền sở hữu chủ của họ. Richard Hoeffer đã nhận xét:

“Những người Biệt phái đã quên điều này. Vương Quốc Thiên Chúa thuộc về Thiên Chúa. Chúa Giêsu đối chất với họ rằng các ông đã khoe mình là những người đạo đức, có phải vậy không? Mọi người đều biết và kính trọng các ông vì điều này. Đó là tiền công các ông đã được trả. Đó là điều Thiên Chúa thưởng cho các ông. Còn đối với những người khác, những người tội lỗi và nghèo khó, họ có sự liên hệ độc đáo của họ với Thiên Chúa. Ngài sẽ cư xử với họ theo như Ngài muốn, vì tất cả đều chỉ là những công nhân trong vườn nho của Ngài. Trong vườn nho này, Thiên Chúa là chủ. Ngài có quyền tuyệt đối phân phát tiền lương và phần thưởng tuỳ theo ý của Ngài và chỉ có thánh ý Ngài mà thôi”.

Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Isaia đã viết: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các người, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy”.

Hãy cảm tạ Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta đến làm việc trong vườn nho của Ngài. Hãy bằng lòng với những ơn lành của Ngài thay vì đòi hỏi và ganh tị. Hãy dâng lên Thiên Chúa tâm tình phó thác như lời cầu nguyện của Đức Hồng Y John Henry Newmann:

“Chúa đã ủy thác cho tôi vài công việc mà Ngài không ủy thác cho kẻ khác. Tôi có sứ mệnh của tôi. Có thể tôi không bao giờ biết được nó trong cuộc sống này nhưng trong cuộc sống mai hậu ắt tôi sẽ rõ. Vì thế, tôi tin vào Ngài. Ngài không làm điều gì vô ích. Ngài có thể kéo dài hay rút ngắn cuộc sống của tôi; Ngài biết rõ điều Ngài định làm. Ôi lạy Chúa, con xin hiến dâng trọn vẹn toàn xác hồn con trong tay Ngài”.

 

36. Dụ ngôn ‘Những người làm vườn nho’

Thường thích nói cầu xin Chúa ban ơn. Để Chúa ban ơn phải sám hối và được Chúa tha tội để có ơn thánh hoá. Hôm nay nói rõ thêm: Phải làm việc "làm vườn nho Chúa" mới được trả công xứng đáng. Là củng cố cho khẳng định "ngoài Giáo Hội không có cứu độ".

Vườn nho là Nước Trời. Ông Chủ là Thiên Chúa. Thuê người làm là Thiên Chúa mời gọi. Gặp ai Người cũng đều mời gọi. Có làm vườn nho, có công mới có thưởng. Thiên Chúa thưởng công cho mỗi người tuỳ theo sự đáp lại lời Người mời gọi và tuỳ theo việc làm của mỗi người (theo sự đánh giá của Ngưòi). Thiên Chúa biết việc Người làm (chúng ta làm sao biết!). Phải hiểu bài Phúc âm theo những áp dụng trên.

CHÚ GIẢI

- Thuê người làm vườn nho: Thiên Chúa mời gọi mọi người mà Người gặp gỡ đi làm vườn nho là gia nhập và làm việc trong nước của Người là Giáo Hội.

- Thoả thuận với họ là mỗi ngày một đồng: hợp đồng "Làm việc" để được Nước Trời. Được hay không được. Không có ít hay nhiều.

- Ông sai họ đi làm vườn nho: Đức Giêsu, các tông đồ, Giáo Hội rao giảng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ai tin, chịu phép rửa, gia nhập Giáo Hội, làm việc "những điều Đức Giêsu dạy....."

- Giờ thứ ba, ông trở ra chợ thấy có những người ở không, ông bảo "hãy đi làm vườn nho Ta, Ta sẽ trả công xứng đáng: Gặp là gọi và hứa "trả công xứng đáng (tuỳ theo việc họ làm, không hợp đồng cụ thể). Không gặp thì không gọi được. Phải cho Chúa gặp.

- Giờ thứ sáu, giờ thứ chín, giờ thứ mười một..: Sao các anh "không làm gì hết", hãy đi làm vườn nho cho Ta: Không có giờ thứ 12 hay 13. Làm việc một giờ cũng là có làm. Giờ 12 thì có làm gì để đánh giá và thưởng. Chờ giờ 12, mới gặp (không gọi). Có người tính toán "để gần chết hãy xin rửa tội được lên thiên đàng ngay"? Không biết ai bày chuyện nầy?

- Chiều đến, trả công.. bắt đầu từ người đến sau hết: Nếu bắt đầu từ người trước hết cho họ về trước thì không có cãi cọ. Câu chuyện được sắp đặt (chứ không tự nhiên) để nói vế những người được mời gọi trước hết là Israel (nhất là biệt phái và luật sỉ) cằn nhằn, trở nên sau hết, bị loại trừ (như đã xảy ra mà không cằn nhằn được!). Muôn dân được mời gọi sau là do ý định của Thiên Chúa sắp xếp và rõ ràng họ "làm việc" tốt hơn người Do thái. Họ xứng đáng ơn cúư độ. Và chúng ta thấy không có vấn đề "cằn nhằn" vì Thiên Chúa trả công cho mọi người "xứng với việc họ làm" (theo đánh giá của Thiên Chúa).

- Những kẻ trước hết thì trở nên sau hết....: bị loại hết thì những kẻ sau hết tự nhiên được đôn lên trước hết. Do thái bị loại hết thì còn dân ngoại thôi. Sau trở thành trước.

- Được gọi thì nhiều mà được chọn thì ít: Có điều kiện như qui định thì mới chọn. Không có "nhưng không". Không đủ điều kiện thì bị loại là lẽ đương nhiên. Những kẻ được gọi phải "cho" điều kiện để được chọn. Không thể xấu tốt gì cũng chọn.

Thiên Chúa nhân hậu và công bình. Là sự công bình của con tim (chứ không phải của lý trí vô cảm). Thiên Chúa phải như vậy mới là Thiên Chúa toàn thiện, vừa công bình mà cũng vừa nhân hậu. Cằn nhằn vì không hiểu cách hành xử của Thiên Chúa.

Thiên Chúa gặp ai cũng gọi. Gặp trước gặp sau là do ý định của Người trừ khi người ta trốn tránh Thiên Chúa, cố tình từ chối Thiên Chúa, không chịu đi làm vườn nho.

Có công mới có thưởng. Vô công bất thụ lộc. Người chân chính không có công không nhận lộc. Con người thường xin Chúa ban "nhưng không". Làm vườn nho Chúa thì mới có công. Không chịu giữ đạo Chúa mà muốn lên thiên đàng hoặc đợi gần chết mới chịu phép rửa hoặc chịu phép rửa mà không giữ đạo đợi giờ chết nhờ người ta rước cha xức dầu. Muốn vào thiên đàng vào giờ thứ 25. Không làm vườn nho Chúa, Chúa đâu phải trả công "Nước Trời".

Thiên Chúa rất nhân từ nhưng cũng công bình vô cùng. Nhân từ có lý do. Nhưng lý do của Thiên Chúa chúng ta không biết nổi vì chúng ta hẹp hòi, ích kỷ. "Ta tốt bụng còn bạn thì hẹp hòi" cằn nhằn.Thiên Chúa không hề hà, hệt hạt, tuỳ tiện. Thiên Chúa thấy tường tận, chí lý khi hành động còn chúng ta chỉ thẩy phiến diện vì chúng ta bị giới hạn "thụ tạo".

Hãy nhân từ như Cha trên trời là Đấng nhân từ. Ngưòi muốn lòng nhân từ hơn của lễ.

home Mục lục Lưu trữ