Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 55

Tổng truy cập: 1377564

GIA ĐÌNH YÊU THƯƠNG LÀ HÌNH ẢNH GIA ĐÌNH BA NGÔI

Gia đình yêu thương là hình ảnh gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa

Trong đoạn Tông thư Thánh phaolô có lời cầu chúc: "Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng ta và tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em" là một lời mạc khải xác quyết của Ngài về gia đình đầy ân sủng của Chúa Ba Ngôi, trong đó có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Mầu nhiệm về Thiên Chúa duy nhất đồng một bản thể nhưng có Ba Ngôi riêng biệt và hành động khác nhau đã được các thánh Tông Đồ tuyên tín ngay trong thời khơi dựng Giáo Hội qua kinh Tin kính. "Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng dựng nên trời đất muôn vật. Tôi tin kính Chúa Giêsu Kitô Con một Đức Chúa Cha, xuống thế làm người, chịu chết chuộc tội cho thiên hạ Tôi tin kính Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng ban sự sồng...". Chúng ta cũng tin như thế vì thế giá của chính Chúa Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa đã nói cho chúng ta biết về Chúa Ba ngôi. Chúng ta cũng tin như thế vì thế giá của các thánh Tổ phụ và các thánh khác đã được Chúa mạc khải cho. Thánh Augustinô dạy: "Màu nhiệm Chúa Ba ngôi chỉ có thể hiểu được khi chúng ta được hợp nhất với Chúa trên thiên đng"

Thánh Augustinô là vị đại thánh Tiến sỹ của Giáo hội, ngài đã suy nghĩ và tìm hiểu để dạy cho mọi người biết về Chúa Ba ngôi thế nào khi ngài đi bách bộ trên bờ biển. Chúa đã sai một thiên thần nhỏ đến nơi ngài đang suy niệm, lấy con sò múc nước biển đổ vào lỗ con dã tràng đào trên cát. Augustinô thấy em làm việc các thích thú, nhưng có về kỳ ngộ đối với ngài, nên ngài đến hỏi em:

- Em làm việc gì mà ngộ thế?

Em trả lời:

- Cháu có ước vọng tát cạn nước biển khơi bằng cách múc nước đổ vào lỗ con dã tràng này.

- Không được đâu em, biển thì rộng bao la, nước biển thì dạt dào mà lỗ dã tràng thì nhỏ bé, làm sao tát cạn được biển.

Thiên thần nhỏ trả lời:

- Cháu nghĩ cháu có thể làm được việc này và tát cạn được nước biển cách dễ dàng hơn điều ngài đang suy luận trong lòng về Thiên Chúa Ba ngôi nữa.

Nói rồi Thiên thần biến đi và lời đó đánh thức ngài về với thực tại con người. "Tát cạn nước biển còn dễ hơn việc suy về Chúa Ba ngôi" và ngài đã kết luận "Thiên Chúa Ba Ngôi là một màu nhiệm chỉ có thể hiểu đủ khi ta được về trời". Tuy nhiên ngài cũng dùng nhiểu thí dụ cụ thể để giải đáp những thắc mắc theo trí óc loài người. Ngài diễn tả sự DUY NHẤT của Thiên Chúa Ba Ngôi như một hình tam giác đều với đầy đủ mọi đặc tính như nhau và bằng nhau của toán học.

Ngài cũng dùng ngọn đèn cầy để diễn tả TÁC ĐỘNG RIÊNG của mỗi Ngôi: Ngọn lửa nguồn chính, là Chúa Cha phát sinh ra ánh sáng là Chúa Con để cứu người ta khỏi ngồi trong bóng tối tội lỗi. Ngọn lửa cũng đem hơi ấm là Thánh Thần để thánh hóa, sưởi ấm mọi cõi lỏng cô lạnh. Cả ba hành động khác nhau nhưng cũng do một nguồn là ngọn lữa.

Ta cũng có thể diễn tả sự NHẤT TRÍ và HÒA HỢP của Chúa Ba ngôi trong tư tưởng và hành động như người chơi dương cầm: Cây đàn là Chúa Cha hợp với năng khiếu, tài khéo của đôi tay là Chúa Con để dệt lên những cung điệu nhịp nhàng thánh thót là sự sống động của Chúa Thánh thần, làm thỏa lòng người nghe. Tuy ba hành động khác nhau nhưng cả ba đều hợp nhất trong hành động, đều hòa hợp trong việc làm. Chính sự hợp nhất vả hòa đồng ấy mà Thiên Chúa Ba Ngôi cảm thấy mình hạnh phúc không chi sánh bằng, một hạnh phúc bất tận và miên trường trong sự trường cửu của Ngài.

Thánh Phaolô đã cảm khoái được sự hợp nhất yêu thương này nơi Thiên Chúa nên ngài khuyên chúng ta: "Anh chị em hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, hãy hòa thuận với nhau thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an hạnh phúc sẽ ở với anh chị em" (2 Cor 13:12). Gia đình Chúa Ba Ngôi là một gương mẫu yêu thương, hòa thuận và nhất trí. Chúng ta cũng hãy gắng tạo cho gia đình chúng ta nên một gia đình nhất trí trong yêu thương và trong che chờ đùm bọc như vậy.

Một trong những năn trở dễ phá vỡ hạnh phúc gia đình, tôi muốn lưu ý anh chị em là sự khó chịu buồn bực do bạn bè, do chủ hãng, do sở làm, do nhà trường, do hoàn cảnh giao tế xã hội... tạo nên cho mình rồi khi về nhà không gạt bỏ, không để nó ở ngoài cửa, mà đem về trút đổ trên con cái, trên vợ chồng... gây khó khăn cho nhau, làm mất đi bầu khí hạnh phúc gia đình. Chớ gì khi về nhà chúng ta chỉ sống cái bầu khí của gia đình: yêu thương, chia sẻ, nâng đỡ, an ủi nhau.... Đó là hình ảng của gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, duy nhất, thánh thiện, nhất trí và yêu thương.

Nguyện xin Chúa Ba ngôi soi dẫn trí lòng mỗi người trong gia đình chúng con, biết sống đúng địa vị trong nhà, biết hợp lòng nhất trí với nhau trong tư tưởng và hành động để chúng con trở nên một gia đình hạnh phúc, nên hiện thân của Gia đình Ba ngôi Thiên Chúa giữa trần gian. Amen.

 

42. Ba bộ mặt

Khi quảng diễn về năng lực mặt trời, Denis Hayes, một nhà môi trường học, nhận xét rằng mặt trời đang chiếu sáng trái đất chúng ta. Nó cũng sưởi ấm cho trái đất chúng ta. Giờ đây nó sẵn sàng và đang chờ đợi để năng lực hóa những hoạt động của trái đất chúng ta.

Chúng ta có thể nghĩ rằng mặt trời như là một người bạn vĩ đại, quảng đại trên bầu trời, có gồm ba bộ mặt. Mỗi bộ mặt mỉm cười trên chúng ta theo mỗi phương thức khác nhau. Và mỗi nụ cười là kết quả đem lại những điều lành mạnh cho chúng ta.

Bộ mặt đầu tiên mỉm cười, và nụ cười đó đưa ra những ánh sáng chiếu rọi trái đất chúng ta. Bộ mặt thứ hai mỉm cười, và nụ cười đó đưa ra những tia sức nóng để sưởi ấm trái đất chúng ta. Bộ mặt thứ ba mỉm cười, và nụ cười đó đưa ra những tia sức mạnh để năng lực hóa trái đất chúng ta.

Chỉ có một người bạn duy nhất trên bầu trời, thế nhưng người bạn duy nhất này có ba bộ mặt khác nhau. Và khi mỗi bộ mặt mỉm cười, nó chúc phúc cho chúng ta theo một phương thức đặc biệt.

Những nhận định của Hayes về mặt trời đưa ra một cuộc giới thiệu hiệu nghiệm cho ngày Lễ mà chúng ta mừng kính hôm nay: Lễ Chúa Ba Ngôi.

Đơn giản hóa, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nghĩa là trong Thiên Chúa có ba ngôi vị khác nhau. Thiên Chúa Cha là Thiên Chúa. Thiên Chúa Con là Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Thế nhưng, không phải là ba Thiên Chúa, nhưng một Thiên Chúa duy nhất.

Chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa theo phương thức mà chúng ta nghĩ về mặt trời: như là có ba bộ mặt.

Trước tiên, bộ mặt của Thiên Chúa như là Thiên Chúa Cha. Khi bộ mặt Thiên Chúa là Cha mỉm cười, nó đưa đến nguồn gốc của chúng ta và nguồn gốc của tất cả mọi sự: từ hàng vạn ngôi sao lấp lánh trên bầu trời đến những con chim trời hót líu lo, rồi đến muôn vàn thứ cá trong biển cả.

Thứ đến, bộ mặt Thiên Chúa như là Thiên Chúa Con. Khi bộ mặt Thiên Chúa như là Con mỉm cười, thì xảy ra là Thiên Chúa từ trời xuống thế làm người, chia sẻ bản tính nhân loại của chúng ta, đi với chúng ta, và chỉ tỏ cho chúng ta phải sống và yêu thương như thế nào.

Sau cùng, bộ mặt Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần. Khi bộ mặt Thiên Chúa như là Thánh Thần mỉm cười, thì điều đó đưa Thiên Chúa vào nội tâm chúng ta, cư ngụ trong đó, làm cho chúng ta trở nên những đền thờ của Đấng Tối Cao - dùng hình ảnh của Thánh Phaolô: "Anh chị em không biết rằng thân thể anh chị em là đền thờ của Chúa Thánh Thần trong anh chị em hay sao?"

Và như thế, chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa giống y như là chúng ta nghĩ về mặt trời: như là người bạn vĩ đại yêu mến có ba bộ mặt. Bộ mặt Thiên Chúa là Cha, là Thiên Chúa tạo dựng. Bộ mặt Thiên Chúa là Con là Thiên Chúa làm người. Bộ mặt Thiên Chúa là Thánh Thần, là Thiên Chúa thánh hóa, cho chúng ta chia sẻ Thiên tính của Thiên Chúa.

Chúng ta cùng nhau làm Dấu Thánh Giá tuyên xưng đức tin: Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.

 

43. Suy niệm của JKN

Câu hỏi gợi ý:

1. Có phải tất cả những gì có thể nói về Thiên Chúa đều đã được mạc khải qua Đức Giêsu Kitô, và không còn gì để nói về Thiên Chúa ngoài những mạc khải ấy?

2. Theo Đức Kitô, “khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. Thần Khí sự thật đã đến chưa, và Ngài đã mạc khải sự thật về Thiên Chúa như thế nào?

3. Có thể có nhiều cách nhìn khác nhau nhau về Thiên Chúa không? Các cách nhìn ấy có thể mỗi cách đều có giá trị riêng của nó không? Tại sao?

4. Ba Ngôi Thiên Chúa có khác biệt nhau không? Sự khác biệt ấy làm cho Ba Ngôi hợp nhất hay chia rẽ? Sự khác biệt giữa mọi loài, mọi vật, mọi tôn giáo trên thế giới, có nằm trong ý muốn của Thiên Chúa không?

Suy tư gợi ý

1. Còn nhiều điều phải nói về Thiên Chúa hơn những điều đã nói ra.

Đức Giêsu đến thế gian để mạc khải cho con người biết về Thiên Chúa, nhưng đời Ngài quá ngắn ngủi (33 năm), mà trong đó Ngài chỉ dành một phần thời gian rất nhỏ (3 năm) để giảng dạy. Làm sao Ngài có thể nói hết về Thiên Chúa, Đấng vô cùng vô tận? Thế giới này là hữu hạn, thế mà con người nghiên cứu hết đời này đến đời khác, thế kỷ này đến thế kỷ khác, và đã có hàng tỷ cuốn sách viết ra về thế giới, thế mà vẫn không hết. Con người lúc nào, thời nào cũng vẫn khám phá ra cái mới về thế giới, vũ trụ. Thế giới hữu hạn mà còn vậy, Thiên Chúa là Đấng vô hạn, lẽ nào Đức Giêsu lại chỉ cần nói trong 3 năm mà hết được? Giả như Đức Giêsu có dành ra 100 hay 1000 năm để nói về Thiên Chúa, thì cũng không nói hết được, vì Ngài là Đấng vô biên và phong phú khôn lường! Vì thế, trước khi từ giã các môn đệ để về cùng Chúa Cha, Ngài nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”. Nghĩa là về Thiên Chúa thì còn nhiều điều phải nói lắm, nhưng có nói thêm thì các tông đồ lúc ấy chẳng lãnh hội được!

“Không có sức chịu nổi”, vì chân lý về Thiên Chúa thì quá cao siêu, mà khả năng hiểu biết của con người thì quá hạn hẹp, nông cạn, làm sao trong một thời gian quá ngắn con người hiểu biết được. Những môn học dành cho cấp 3, thì học sinh cấp 2 không thể lãnh hội được. Cũng vậy, Đức Giêsu không thể nói cho các môn đệ những điều về Thiên Chúa vượt quá khả năng lãnh hội của họ lúc đó được, vì nói mà họ không hiểu thì vô ích. Ngài chỉ nói trong khả năng lãnh hội hạn hẹp của họ mà thôi. Phải chờ trình độ hiểu biết, suy tư và tâm linh của họ cao hơn, thì mới có thể nói những điều cao siêu, khó hiểu hơn.

Vì thế, chúng ta đừng quá ảo tưởng về những điều đã được mạc khải qua Đức Giêsu, cho đó là trọn vẹn, là gồm đầy đủ tất cả những gì có thể nói về Thiên Chúa. Chẳng lẽ Thiên Chúa của chúng ta lại quá hữu hạn như thế sao?

2. Thần Khí sự thật sẽ tiếp tục mạc khải

Con người có nhu cầu hiểu biết về Thiên Chúa. Vì thế, việc mạc khải về Thiên Chúa vẫn được tiếp tục mạc khải qua lịch sử con người bởi Thánh Thần, như Đức Giêsu đã hứa: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. Thánh Thần đã hiện xuống trên các tông đồ ngày lễ Ngũ Tuần, nhưng Ngài không nói gì cả. Và chắc chắn trong suốt chiều dài lịch sử con người, Ngài còn xuống trên rất nhiều người khác nữa, thuộc tất cả mọi thời đại. Cách mạc khải của Thánh Thần không phải theo kiểu của Đức Giêsu: nhập thể thành một người để nói với một số người. Mà theo kiểu ngôn sứ Giôen đã báo trước: “Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta, cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ” (Cv 2,17-18; xem Ge 3,1-2).

Nếu tất cả những gì Đức Giêsu nói không phải là tất cả những gì có thể nói được về Thiên Chúa vô hạn, thì chắc chắn còn nhiều điều được mạc khải về Thiên Chúa là do Thánh Thần của Ngài, ngoài những gì Đức Giêsu đã nói. Theo ngôn sứ Giô-en được Phê-rô nhắc lại trong sách Công vụ tông đồ, thì trong lịch sử con người, Thần Khí đã được đổ xuống trên rất nhiều người, để họ nói lên những chân lý về Thiên Chúa, và đó chính là mạc khải của Thánh Thần. Những mạc khải ấy ở đâu? là gì? Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ, và rất có thể nhờ đó, ta thấy được chỗ đứng của các tôn giáo trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.

Vì khi Ngài là chủ tể điều khiển lịch sử, thì việc xuất hiện các tôn giáo lớn trên thế giới không thể là ngoài thánh ý của Ngài. Nhất là khi Ngài lại để cho các tôn giáo ấy xuất hiện và phát triển trước Kitô giáo. Chẳng hạn tại châu Á, đang khi các tôn gio khác xuất hiện từ những thế kỷ đầu công nguyên, thì mãi đến thế kỷ 15, Thiên Chúa mới cho Kitô giáo được truyền bá một cách có qui mô tại châu Á. Tại sao Thiên Chúa lại để Kitô giáo đến trễ như vậy? Ngài có muốn Kitô giáo cạnh tranh với các tôn giáo khác không? – Chúng ta phải nhận ra ý muốn của Ngài qua việc Ngài đã làm trong lịch sử, chứ không phải là đoán ý của Ngài qua sự mong muốn của chúng ta! Trời cao hơn đất bao nhiêu thì thánh ý Ngài cao hơn ý chúng ta như vậy! (xem Is 55,8-9)

3. Muôn loài vạn vật đều đa dạng và đa diện

Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật đa hình đa dạng, và vật nào cũng đều đa diện. Vật nào cũng đều có thể có nhiều cách nhìn khác nhau, do nhiều người khác nhau nhìn từ nhiều vị trí khác nhau. Cùng một vấn đề, nhưng người nhìn thấy thế này, kẻ nhìn thế khác: một bác sĩ khó có thể có cùng một cách nhìn với một kỹ sư, và lại càng khác xa cách nhìn của một bác nông dân. Chẳng ai dám kết luận là cách nhìn này đúng, cách nhìn này sai, mà chỉ có thể kết luận rằng chúng khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Thiên Chúa vẫn luôn luôn thích có sự đa dạng trong vũ trụ. Chẳng hạn đối với loài hoa, Ngài đã dựng nên hàng vạn loại khác nhau, trong đó mỗi loại đẹp mỗi vẻ. Chắc chắn Ngài và bất kỳ ai trong chúng ta, chẳng ai muốn dẹp đi mọi loại hoa, chỉ để tồn tại một loài mà ta nghĩ là đẹp nhất mà thôi. Như thế thế giới này sẽ bớt phong phú, sẽ trở nên buồn tẻ hơn. Cũng thế, chắc hẳn Ngài cũng không thích trên thế giới này chỉ tồn tại một cách nhìn duy nhất về Ngài, một cách thờ phượng duy nhất dành cho Ngài theo kiểu một tôn giáo nào đó, vì như thế, thế giới sẽ trở nên đơn điệu, buồn tẻ. Chính vì thế, Ngài đã cho lập nên nhiều tôn giáo, nhiều ý thức hệ khác nhau, không phải để nhân loại chia rẽ nhau, mâu thuẫn nhau, mà để bổ túc cho nhau.

Thiên Chúa muốn người ta hợp tác với nhau, yêu thương nhau, chấp nhận sự khác biệt của nhau, hơn cả sự hoàn hảo cá nhân của họ. Chính vì thế, Ngài đã không dựng nên những con người hoàn hảo, có khả năng tự độc lập. Mà Ngài đã dựng nên những con người không hoàn hảo: người được mặt này mất mặt kia, kẻ được mặt kia nhưng lại mất mặt này, để con người cần lẫn nhau, nương nhau mà tồn tại, hầu nhờ đó họ cộng tác với nhau, yêu thương nhau. Cũng như người nam và người nữ nhờ khác nhau, nhờ không hoàn hảo (người được mặt này kẻ được mặt kia), mà họ yêu thương và kết hợp với nhau thành vợ chồng.

4. Hãy bắt chước Ba Ngôi Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi khác biệt nhau, mỗi Ngôi một vẻ. Nhờ vậy, Ba Ngôi yêu thương nhau, hợp với nhau thành một Thiên Chúa duy nhất. Ba Ngôi tuy khác biệt nhau, nhưng lại chấp nhận nhau, cần lẫn nhau, hợp tác với nhau, yêu thương nhau, sống chung hòa bình với nhau. Ba Ngôi không bao giờ muốn tiêu diệt nhau để chỉ còn một Ngôi tồn tại. Ba Ngôi đều bằng nhau, tôn trọng nhau, tôn trọng cả sự bình đẳng giữa nhau, không Ngôi nào muốn vượt trội hơn để thống trị Hai Ngôi kia.

Mọi người, mọi gia đình, mọi tập thể, mọi tôn giáo, cần bắt chước Ba Ngôi trong những khía cạnh ấy. Đừng ai mong mình vượt trội hơn những người khác, muốn thống trị những người khác, muốn chiếm địa vị độc tôn, độc quyền. Ba Ngôi của chúng ta là một Ba Ngôi hợp nhất, nhưng hợp nhất ở đây là thứ hợp nhất trong đa dạng, chứ không phải hợp nhất trong đồng nhất. Mọi tập thể, mọi gia đình, mọi tôn giáo, cần phải chống lại cơn cám dỗ muốn hợp nhất bằng cách làm mọi sự thành đồng nhất: muốn mọi người chỉ còn một cách nhìn, một cách suy nghĩ duy nhất là cách của mình. Trái lại, cần phải tôn trọng sự khác biệt và bình đẳng, thì nhân loại mới có nhiều khả năng yêu thương nhau, và sống chung hòa bình với nhau được.

Mọi chia rẽ, chiến tranh trong gia đình, trong tập thể đều phát xuất từ ý của một người nào đó muốn áp đặt ý của mình lên người khác, muốn thống trị, muốn trổi vượt, muốn độc tôn. Và cái ý ngông nghênh ấy cuối cùng chỉ là những hình thức thể hiện tính kiêu ngạo, ích kỷ, muốn tự đề cao mình.

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin cho mọi người, mọi tập thể trên trần gian, trong đó có Giáo Hội của chúng con, biết bắt chước tinh thần yêu thương hợp tác của Ba Ngôi: biết yêu thương nhau, biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, không áp đặt lẫn nhau, ép người khác trở nên giống mình, nghĩ như mình, nhưng muốn cho nhau cùng tồn tại, để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, yêu thương và hợp nhất với nhau. Đó cũng chính là Nước Trời mà Đức Giêsu muốn xây dựng cho trần gian.

 

44. Suy niệm của GP. Vĩnh Long

Anh chị em thân mến.

Giờ phút này đây, chúng ta đang bắt đầu một ngày mới. Ánh bình minh đã từ từ ló dạng.

Đó là một việc rất bình thường cho con người. Có khi nào lúc màn đêm buông xuống, khi lên giường chợp mắt, chúng ta chợt giật mình suy nghĩ: nếu ngày mai không có ánh mặt trời, và mãi mãi mặt trời sẽ biến mất, chúng ta không biết mình sẽ ra sao. Nhưng rất may đều đó đã không xảy ra. Sau một đêm dài nghỉ ngơi dưỡng sức, chúng ta lại được chào đón ánh bình minh tươi đẹp, với vầng mặt trời từ từ hiện đến, mang những tia nắng ấm áp cùng với ánh sáng chan hòa bao phủ trần gian. Mỗi ngày mặt trời vẫn trung thành xuất hiện, vẫn tỏa sáng và mang hơi ấm đến cho con người. Nếu người nào biết tận hưởng, thì đây là điều rất hữu ích. Còn nếu ai quá lạm dụng, thì cho dù có tầng ozone bao bọc, họ cũng không tránh khỏi hậu quả tai hại do sự lạm dụng quá đáng.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta vừa nghe lại những Lời quý báu Chúa Giêsu nói:

"Khi Thần Chân Lý đến Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật" Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con "Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy".

Chúa Giêsu muốn tỏ cho loài người biết về mối tương quan của Ngài với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi cùng hợp nhất không bao giờ chia rẽ, cho đến nỗi Ba Ngôi mà chỉ có một.

Mầu nhiệm cao cả nầy, chúng ta biết từ rất lâu, nhưng hiểu không được bao nhiêu. Như một đứa trẻ, nó biết cha mẹ yêu thương, nhưng không biết được tình yêu thương đó như thế nào. Nhưng chúng ta thử lấy tâm tình của một trẻ thơ mà tìm hiểu Chúa Ba Ngôi theo những gì mình hiểu biết.

Chúng ta thử ví Thiên Chúa Cha như vầng mặt trời,

Chúa Giêsu như ánh sáng được chiếu tỏa từ mặt trời,

Chúa Thánh Thần là sức nóng từ vầng mặt trời có ánh sáng phát ra.

Mặt trời vẫn trung thành với trái đất như thế nào, Thiên Chúa cũng trung thành với loài người như thế, và còn hơn thế nữa, vì mặt trời thì dường như vô tri, còn Thiên Chúa, Ngài yêu thương loài người, tất cả những gì Ngài thực hiện đều phát xuất từ lòng yêu thương. Không thể có một khối mặt trời mà không có ánh sáng và sức nóng. Cũng thế Thiên Chúa hiện hữu trong một bản tính duy nhất nhưng Ba Ngôi Vị riêng biệt.

Thiên Chúa Ba Ngôi còn hiện hữu qua con người của chúng ta. Con người chúng ta được mang hình ảnh của Thiên Chúa. Đó là công trình tạo dựng của Thiên chúa Cha. Con người được cứu chuộc để được tỏa sáng, được trong sạch. Đó là công trình cứu chuộc của Ngôi Hai. Con người được ban cho sức mạnh để những việc làm đạt kết quả tốt đẹp. Đó là sức nóng của Chúa Thánh Thần nung đốt

Mỗi người chúng ta nhìn lại chính mình, nhìn lại hình ảnh của Chúa Ba Ngôi, một hình ảnh đã bị biến dạng. Chúng ta đã dùng những chất bẩn của tiền bạc, của lợi lộc cá nhân, những chất bẩn của sự ích kỷ, của sự tranh chấp, lừa lọc để bôi nhọ hình ảnh tuyệt vời của Thiên Chúa Ba Ngôi nơi mỗi người. Vì sự bôi nhọ đó mà ngay cả chính mình không nhận ra, thì làm sao người khác có thể nhận ra được Thiên Chúa Ba Ngôi nơi chúng ta được.

Chúng ta biết chờ đón ánh bình minh trong đêm tối. Thế mà trong những lúc thất vọng, chúng ta đã quên mất Thiên Chúa của mình. Chúng ta không còn biết có một Thiên Chúa vẫn trung thành và yêu thương luôn chờ đón mình. Vậy mỗi người đã xử dụng mặt trời như thế nào? - Chúng ta chỉ biết phiền trách vì ánh nắng chói chan, vì cơn nóng gay gắt. Hay chúng ta biết tận dụng được những gì từ ánh mặt trời ban cho.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng biết nhìn thấy được hình ảnh Chúa Ba Ngôi trong đời sống, để biết sống cho xứng đáng.

 

45. Sự thật toàn vẹn - Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn ta đến sự thật toàn vẹn. Sự thật toàn vẹn là gì? Đó chính là điều Chúa Giêsu ngụ ý trong câu đầu bài Tin Mừng hôm nay "Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con, nhưng bây giờ chúng con không có sức chịu nổi". Trong khoảng thời gian Chúa Giêsu sống cạnh các môn đệ, có nhiều điều Chúa Giêsu vừa mới nói hé một chút thì các môn đệ đã không chịu nổi nên Chúa Giêsu thôi không nói nữa. Thí dụ khi hai người con của bà Giêbêđê đến xin Chúa cho họ được ngồi hai bên tả hữu Ngài, Chúa Giêsu hỏi lại "Nhưng chúng con có uống nổi chén đắng của Thầy không?" Hai ông tuy đáp liều là nổi nhưng sau đó không dám xin nữa và Chúa Giêsu cũng không nói thêm gì nữa. Trong câu chuyện ấy, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa nói rõ chính là chén đắng.

Một lần khác Chúa Giêsu vừa mở miệng báo tin Ngài sẽ bị bắt bị hành hạ và bị giết chết, thì Phêrô cũng không chịu nổi nên vội lên tiếng can ngăn. Trong chuyện này, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa thể nói rõ chính là mầu nhiệm đau khổ của Thập giá.

Trong đêm thứ năm trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu quỳ trước các môn đệ và rửa chân cho họ, Phêrô lại một lần nữa không chịu nổi nên cự nự "Không đời nào con để Thầy rửa chân cho con". Ở đây sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu cũng chưa tiện nói hết là sự hạ mình của Ngài và của các môn đệ.

Tóm lại sự thật toàn vẹn là các môn đệ phải chấp nhận số phận của Thầy mình, phải tự khiêm tự hạ, phải chịu đau khổ chịu bắt bớ và có thể chịu chết giống như Thầy. Nhưng trong tất cả những lần kể trên Chúa Giêsu không nói hết ý nghĩ của mình được vì các môn đệ đã không chịu nổi.

Về sau khi Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời, Chúa Thánh Thần đã dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn ấy, và khi đó, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, các ông đã chịu nổi, chẳng những chịu nổi mà còn vui lòng chịu: một lần kia vì đã rao giảng về Chúa Giêsu, các tông đồ bị bắt giam trong tù hết một đêm, sau đó bị điệu ra Thượng Hội đồng, bị đánh đòn một trận rồi mới được thả ra. Sách Công vụ viết khi ấy các ông lòng đầy hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng thế, sau biết bao gian truân nguy hiểm vì loan báo Tin Mừng, ngài nói "Tôi sung sướng vì được thông phần cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô trong thân xác tôi". Ngài còn nói "Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô", cái thập giá mà những người trí thức hy lạp coi là điên rồ và những người Do Thái sùng đạo coi là cớ vấp phạm.

home Mục lục Lưu trữ