Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 41

Tổng truy cập: 1378296

GIÁO HỘI NHỎ

Giáo hội nhỏ

Hôm nay Giáo Hội muốn chúng ta chiêm ngưỡng Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse, một gia đình kiểu mẫu cho mọi gia đình. Vậy theo gương Thánh Gia, mỗi gia đình Công giáo phải thế nào?

Tình yêu không phải là một xa xỉ phẩm, nó là một thứ tối cần để nâng đỡ và xây dựng cuộc sống. Tình yêu làm nên hạnh phúc. Vì thế, đi tìm và đón nhận tình yêu không phải là việc không quan trọng. Nhưng trước khi đi tìm tình yêu ở nơi khác, hãy tìm và hun đúc tình yêu nơi chính gia đình mình.

Tình yêu gia đình là tình yêu tự nhiên nhất, sớm sủa nhất và lành mạnh nhất. Gia đình phải là một tổ ấm tình yêu, để rồi lại trở thành nền tảng cho mọi thứ tình yêu khác. Tuy nhiên, tình yêu nào mà lại chẳng có hy sinh. Tình yêu thiếu hy sinh là tình yêu dỏm. Hy sinh thiếu tình yêu là hy sinh thừa. Tình yêu trong tổ ấm gia đình không phải là một luật trừ, cho dù gia đình gồm toàn những người rất thánh, cũng khó tránh khỏi những chuyện làm buồn lòng nhau. Vì thế, điều quan trọng không phải là tránh được hết mọi chuyện không vui, nhưng là biết lợi dụng tất cả những vui buồn để dắt nhau về cõi phúc. Nếu biết hiểu như thế, nhất là nếu biết thực hiện như thế, thì gia đình sẽ vừa là tổ ấm tình yêu, vừa là nơi đặt nền cho mọi tình thương, và cũng là lò luyện hy sinh.

Mỗi gia đình là một Giáo Hội, một Giáo Hội rút gọn. Đã là một Giáo Hội rút gọn thì mỗi gia đình phải lập lại hình ảnh Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi hiệp nhất, yêu dấu và chia sẻ mọi sự với nhau thế nào, thì mỗi gia đình cũng phải đoàn kết trong tình yêu thương lẫn nhau giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái như vậy. Mỗi người không còn ích kỷ, tìm lợi riêng cho mình, nhưng quên mình để làm sao cho những người khác trong gia đình được nâng đỡ, được hạnh phúc vui tươi trong bầu khí yêu thương đó.

Nếu mọi người trong gia đình biết sống như thế thì gia đình thật là một Giáo Hội nhỏ, sống trong tình thương, và dâng lên Thiên Chúa những của lễ thiêng liêng là những hoạt động hằng ngày của gia đình. Như thế, dù chúng ta ở đâu, gần nhà thờ hay xa nhà thờ, gia đình chúng ta vẫn là một đền thờ tốt đẹp quí báu.

Một gia đình sống theo những điều trên đây sẽ là một trường rất tốt để dạy đức tin cho con cái. Có nhiều người trong gia đình chỉ lo làm ăn và nuôi dưỡng phần tự nhiên cho con cái. Điều đó tốt thôi, nhưng nếu xao lãng không quan tâm một chút nào đến việc dạy dỗ đức tin cho con cái thì là một thiếu sót lớn. Đàng khác, có nhiều gia đình cũng quan tâm đến việc ấy nhưng lại ỷ vào người khác như các cha, các tu sĩ, các giáo lý viên, các hội đoàn. Như vậy cũng không được. Đã đến lúc những người làm cha mẹ phải ý thức: công việc đó trước tiên là công việc của mình và chính mình phải chịu trách nhiệm về đức tin của con cái trước mặt Thiên Chúa sau này, như trong Hiến Chế về Giáo Hội, Công Đồng Vaticanô II đã nói: “Những người đầu tiên phải lấy lời nói và gương sáng mà dạy dỗ đức tin cho con cái chính là cha mẹ”.

Thực vậy, gia đình là trường dạy đức tin cho con cái tốt nhất, vì không phải chỉ dạy một tuần một hai giờ mà dạy hằng ngày, luôn luôn. Ước chi các bậc cha mẹ đều bắt chước thánh Giuse và Đức Mẹ như Tin Mừng nói: “Các ngài luôn vâng giữ lời Chúa và siêng năng dự các lễ nghi như luật dạy”. Nếu các người làm cha mẹ có lòng tin vững chắc, biết truyền lại cho con cái niềm tin của mình, bằng lời dạy dỗ, bằng gương sáng trong cách ăn ở hằng ngày, thì con cái chắc chắn sẽ theo đường lối ấy. Ước chi mỗi gia đình Công giáo đều hiểu và sống như vậy.

 

34. Vai trò của gia đình

Nếu chúng ta trồng cây nơi đất trống, thì cây đó sẽ rất dễ bị lay động, vì đành phải phó mặc cho cơn gió thổi. Nếu còn sống sót, nó sẽ bị cong queo, trơ trụi, có thể trở thành một mẫu vật nghèo nàn. Nếu muốn trồng một cây để nó được phát triển với đầy đủ tiềm năng của nó, thì bạn phải trồng nó ở một nơi mà nó có thể được che chở nhiều hơn. Bạn đừng trồng cây đó ở riêng một chỗ, mà phải trồng nó cùng với một số cây khác.

Điều quan trọng sống còn là cần phải có một khoảng cách thích hợp giữa các cây. Chúng phải gần nhau đủ, để có khả năng cung cấp chỗ trú ẩn và bảo vệ cho nhau. Tuy nhiên, chúng không được quá gần gũi nhau, đến nỗi có thể hiếp đáp nhau. Chúng phải được trồng xa nhau vừa đủ, đảm bảo sao cho mỗi cây đều có một khoảng cách thích hợp, để phát triển với đầy đủ tiềm năng của nó.

Trồng cây một mình một chỗ là không tốt. Cũng vậy, nếu chúng ta ở một mình thì cũng không tốt. Vì tính cách toàn diện, và vì sức khỏe tinh thần của mình, chúng ta cần ràng buộc tình yêu và tình bạn với người khác. Thiên Chúa không dựng nên chúng ta để ở một mình, nhưng là để sống cộng đồng. Bản thân con người chúng ta không đủ để đáp ứng cho chính mình. Chúng ta cần có người khác nữa, để trở nên những gì Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta.

Đây cũng là trường hợp được ứng dụng cho các gia đình. Cây cối được trồng trong cái hố nhỏ là hình ảnh tốt về gia đình. Trong một gia đình lý tưởng, phải có sự gần gũi, đồng thời cũng phải có một khoảng cách nhất định. Cần có sự gần gũi để các phần tử có thể giúp đỡ nhau. Cần có khoảng cách để đảm bảo rằng họ không xâm phạm vào sự riêng tư của mỗi người. Mỗi phần tử cần có một giới hạn, một sự thân mật và ấm cúng mà mỗi người cần có. Tuy nhiên, cũng cần phải có một khoảng không gian, để mỗi người phát triển đúng tiềm năng của mình. Đây là một thách đố lớn: Đó là phải làm thế nào để đạt được sự gần gũi, mà không xâm phạm hoặc thống trị nhau.

Trong gia đình, chúng ta học hỏi để hình thành những mối tương quan với những người khác, một điều gì đó là quan trọng sống động đối với chúng ta. Khi không có khả năng quan hệ, đó là sự cản trở và buồn phiền lớn. Nếu không có quan hệ gần gũi, chúng ta đành phải phó mặc cho cơn gió lạnh của nỗi buồn phiền và cô đơn.

Trong cộng đồng nhỏ bé của gia đình, chúng ta học hỏi để liên đới với người khác. Ở đây, chúng ta tạo ra một căn phòng cho người khác trong đời sống của chúng ta. Ở đây, chúng ta học hỏi cách thức chia sẻ và sống có trách nhiệm với người khác.

Trong xã hội, gia đình bị đặt dưới nhiều sức ép. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không coi trọng giá trị của gia đình. Đó là vì chúng ta không được chuẩn bị các nguyên tắc để giữ được bầu khí êm thấm trong gia đình. Gia đình được xây dựng dựa trên những cam kết của lời hứa, sự trung thành và tự hiến. Bằng cách sống trong cộng đồng nhỏ bé của tình yêu với Đức Mẹ, thánh Giuse ở Nagiarét, Đức Giêsu có thể lớn lên trong sự khôn ngoan và nhân đức, trong lòng yêu mến của Thiên Chúa và loài người.

Trong cộng đồng nhỏ bé của gia đình, chúng ta có một nơi chốn, chúng ta có những ràng buộc, chúng ta có một căn tính, chúng ta có gốc rễ. Mặc dù gia đình nào cũng đều có khó khăn, nhưng đây không hẳn là điều xấu. Khó khăn có thể là một ân huệ. Những cây nào bị trồng trong đất xấu, thì cần phải có một bộ rễ vững chắc. Vì vậy, cần phải co sự đoàn kết với nhau hơn, để chống trả lại với những bão táp không thể tránh khỏi của cuộc đời.

 

35. Cha mẹ và con cái

Bài đọc 1 tường thuật về giới răn thứ bốn “Hãy thảo kính cha mẹ”. Thật đáng tiếc, người ta lại hay nhìn vào giới răn này theo nghĩa hẹp. Có ba yếu tố chính trong giới răn này:

Trước hết, bổn phận đầu tiên của cha mẹ là phải yêu thương và săn sóc con cái. Chúng ta nhận thấy tấm gương tốt đẹp nhất về phương diện này trong bài Tin Mừng hôm nay. Trong Tin Mừng, chúng ta nhận thấy những điều mà Đức Mẹ và thánh Giuse đã làm để bảo vệ sự an toàn cho con trẻ Giêsu. Ngay khi các ngài biết rằng đời sống con trẻ bị nguy hiểm, các ngài đã ra đi sống tha phương. Và khi cơn hiểm nguy qua đi, các ngài lại quay trở về quê hương của mình, và đã định cư ở Nagiarét. Trong nhà của mình tại Nagiarét, các ngài đã tạo ra được một môi trường mà trong đó, theo Tin Mừng thuật lại, Đức Giêsu có thể lớn lên trong sự khôn ngoan, có tầm cỡ, và trong lòng yêu mến đối với Thiên Chúa và mọi người.

Thứ đến, con cái bắt buộc phải vâng lời cha mẹ. Ở Nagiarét, Đức Giêsu là nhân vật chính đối với Đức Mẹ và thánh Giuse. Đức Mẹ là người phụ nữ của lòng tin, ngài đã yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn. Còn thánh Giuse đã được Tin Mừng mô tả là một người công chính, nghĩa là một người luôn sống và làm việc theo luật của Thiên Chúa. Các ngài đã nuôi dưỡng, dạy dỗ và uốn nắn con trẻ Giêsu nên người.

Tại Nagiarét, Đức Giêsu có thể âm thầm lớn lên trong sự che chở của cha mẹ Người. 30 năm đầu đời của Đức Giêsu rất quan trọng đối với Người. Trong suốt 30 năm ấy, Người đã lớn lên, trưởng thành và đã chín mùi. Trong suốt những yếu tố ảnh hưởng trên chúng ta, gia đình là yếu tố gây ảnh hưởng nhiều nhất. Những ảnh hưởng của gia đình tồn tại nơi chúng ta suốt đời.

Thứ ba, những người con đã trưởng thành bắt buộc phải đảm bảo cho cha mẹ khi về già, có thể được sống thoải mái, xứng đáng với nhân phẩm. Đây là trọng tâm của bài đọc 1.

Điều này liên quan đặc biệt đến thời đại chúng ta, khi những người lớn tuổi có khuynh hướng hay bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Với sức mạnh của mình, chúng ta dễ dàng quên rằng họ là những người yếu đuối, và có lẽ hơi bị lão suy rồi. Có một câu tục ngữ “Một mẹ có thể nuôi được 10 con, nhưng 10 con không thể nuôi được một mẹ”. Dưới nhan Thiên Chúa, chúng ta mắc nợ cha mẹ chúng ta đủ thứ. Tác giả sách Giảng Viên đã quả quyết rằng lòng tận tụy của con cái đối với cha mẹ đặc biệt làm hài lòng Thiên Chúa, Người đón nhận tấm lòng đó như là một hành động chuộc lại lỗi lầm.

Gia đình Thánh Gia là mẫu mực. Khi Đức Giêsu sắp trút hơi thở cuối cùng trên thánh giá. Người đã nghĩ đến Mẹ Người, và đã trao phó Mẹ Người cho môn đệ Gioan chăm sóc. (Theo truyền thống, lúc đó thánh Giuse qua đời rồi).

Ngoài ra, việc quan tâm chăm sóc người thân trong họ hàng cũng không phải là điều dễ. Khi hoàn cảnh bắt buộc chúng ta phải nuôi dưỡng những người đó, thì quả thật là khó khăn. Nhất là đối với những người vốn có tính hay yêu sách. Mặc dù thế, khi chúng ta cư xử với họ bằng lòng từ tâm, là chúng ta đã làm một công việc thánh thiện nhất. Cũng như khi nhân danh Thiên Chúa, chúng ta cho người anh em một ly nước, đó là chúng ta đã phục vụ chính Thiên Chúa vậy.

 

36. Gia đình tôn thờ Thiên Chúa

Một bà mẹ trẻ ngồi ôm cậu con trai 4 tuổi trong lòng, bà nói với con là nó sắp có em bé. Bà mẹ giải thích cho con mình rằng nó có thể giúp săn sóc cho em bằng cách cầm chai sữa, đi lấy tã cho em khi cần, và đẩy xe cho em... Sau khi nghe mẹ nói một hơi, chú bé tuột xuống khỏi lòng mẹ, đứng nhìn vào mẹ và nói một cách nghiêm nghị:

- Vậy là bao nhiêu việc con phải làm hết, còn mommy không phải làm gì sao?

Gia đình là cộng đoàn tình yêu trong đó mỗi phần tử đều có vai trò phải chu toàn, đóng góp. Vợ chồng phải biết kính trọng yêu thương nhau. Cha mẹ có trách nhiệm dưỡng nuôi và dạy dỗ con cái nên người tốt, giúp ích cho xã hội. Con cái phải vâng lời, thảo kính cha mẹ. Đó là trật tự Thiên Chúa đã xếp đặt để mỗi người được sinh ra và lớn lên trong một bầu khí tràn đầy tình thương. Tuy nhiên trật tự đó đã bị con người ngày nay làm hư hại nặng nề vì cuộc sống buông thả theo tính dục. Con cái sinh ra không có gia đình yêu thương bao bọc, để rồi lớn lên trong sự hờ hững, hất hủi, đưa đến kết quả mang tâm trạng nổi loạn, bất cần đời, hận thù, giết hại người khác.

Gia đình là viên gạch xây dựng xã hội. Khi viên gạch bị hư hỏng, mục nát thì xã hội cũng bị xụp đổ, điêu tàn. Muốn gây dựng lại xã hội, người ta phải gầy dựng lại gia đình. Muốn tái lập gia đình, con người phải đặt Thiên Chúa vào địa vị tối cao nơi gia đình. Đó là bài học con người ngày nay cần học nơi Thánh Gia.

Bài Phúc Âm hôm nay diễn tả một hình ảnh đẹp của gia đình: Thánh Giuse và Đức Mẹ bế Chúa Giêsu hài nhi vào Đền thờ để dâng của lễ, phụng thờ Thiên Chúa. Tại Đền Thờ, Đức Maria đã được mạc khải rằng tương lai và sứ mạng của Mẹ gắn liền với Chúa Kitô trong những khổ đau đem lại ơn cứu chuộc cho nhân loại. Thánh gia đã đến thờ phượng Thiên Chúa như một gia đình. Từ đó Thiên Chúa đã mạc khải cho mỗi người nhận ra vai trò của mình nơi gia đình và trong xã hội. Muốn cho gia đình được đời sống êm ấm, hạnh phúc, chúng ta phải đặt tinh thần thờ phượng Thiên Chúa lên trên hết. Tinh thần đó thể hiện qua việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Gia đình cùng đi dự lễ, cùng ngồi với nhau. Cha mẹ dùng dịp này để giáo dục cho con cái về ý nghĩa việc dự lễ, ý nghĩa các bài đọc, lời linh mục giảng. Đứa trẻ nào cũng có vài cảm nghĩ nào đó mỗi khi dự lễ, về nhà thờ, về ca đoàn, về linh mục, về những nghi thức phụng vụ... Dò hỏi các em về những cảm nghĩ đó để hiểu biết tâm tư các em, lợi dụng cơ hội đó để dạy cho các em biết tham dự thánh lễ cách có ý nghĩa hơn. Ngoài ra gia đình nên có giờ đọc kinh tối mỗi ngày sao cho thích hợp với tuổi trẻ: một vài chục kinh Mân Côi, một đoạn Kinh Thánh với vài lời suy niệm, một lời nguyện tự phát dâng lên Chúa... Điều đó đem lại nhiều lợi ích cho người trẻ hơn những tràng kinh vô cùng, không Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ