Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 44

Tổng truy cập: 1378869

GIAO ƯỚC

Giao ước

Có sự khác biệt lớn giữa giao ước và hợp đồng. Giao ước thì dựa trên tình yêu thương và sự thân thiện, trái lại, hợp đồng là một sự sắp xếp công việc kinh doanh một cách chặt chẽ. Xã hội của chúng ta không còn có nhiều giao ước nữa, nhưng hầu hết mọi việc thường được xúc tiến bằng hợp đồng. Hợp đồng bị vi phạm, và mất đi sức mạnh ràng buộc của nó, khi một trong hai bên đối tác không thực hiện được phần việc của mình, theo như đã thương lượng với nhau. Thiên Chúa không ký kết hợp đồng với con người; nhưng Người đã thực hiện một giao ước với chúng ta.

Thiên Chúa là một Thiên Chúa của sức mạnh. Nhưng Người cũng là Thiên Chúa của tình yêu và lòng thương xót. Trong cách cư xử với chúng ta, Thiên Chúa chọn lựa đi theo con đường của tình yêu, hơn là con đường của sức mạnh. Thiên Chúa muốn được chúng ta yêu mến, chứ không phải là sợ hãi. Nếu bạn yêu mến một người nào đó, bạn nhường chỗ cho người đó, và tạo cho họ có quyền được là chính bản thân họ. Nếu bạn muốn có quyền lực trên người nào, thì bạn cứ cố gắng kiểm soát người đó, và buộc họ phải làm theo ý thích của bạn, mặc dù họ muốn hoặc không muốn. Nhưng bạn không thể đồng thời vừa yêu thương vừa sử dụng quyền lực, hai yếu tố này xung khắc với nhau.

Để yêu và được yêu, Thiên Chúa phải ban cho chúng ta phạm vi để chọn lựa. Người không thể giành lấy tất cả mọi quyền lực, và không để lại chút gì cho chúng ta. Giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại phải có gì nhiều hơn là chủ đề về một Thiên Chúa toàn năng ban bố lề luật. Đây phải là sự thoả thuận một cách tự do giữa hai bên đối tác tự do.

Nếu chúng ta vâng phục Thiên Chúa, bởi vì chúng ta e sợ Người, bởi vì quá bị quyền lực của Người áp đảo, đến nỗi chúng ta không dám phản kháng, thì Người chỉ có sự vâng phục của chúng ta, chứ không có được tình yêu của chúng ta.

Bài đọc 1 nói về giao ước long trọng mà Thiên Chúa đã thực hiện với Abraham. Sau câu chuyện cuộc sáng tạo, đây là giây phút chủ yếu trong Cựu ước. Có thể nói rằng câu chuyện cứu độ của chúng ta được bắt đầu ở đây. Thiên Chúa không từ bỏ dân tộc đã bị sa ngã của Người, nhưng thông qua Abraham, Người đã đi vào một tương quan đặc biệt với họ. Mối tương quan này không giống như tương quan tồn tại giữa các bên đối tác trong kinh doanh, mà tương tự như mối tương quan tồn tại giữa vợ chồng. Có thể tóm tắt mối tương quan này trong một công thức, đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Cựu ước: “Các ngươi sẽ là dân của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi”.

Không phải Abraham, mà là chính Thiên Chúa, đã đi bước đầu trong mối tương quan này. Thiên Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi đông đúc và nguyên vẹn. Người cũng hứa rằng dòng dõi của ông sẽ có một vùng đất riêng của họ, và nói rằng thông qua ông, tất cả các dân tộc trên trái đất sẽ được chúc phúc, bởi vì Đấng Mêsia sẽ đến từ dòng dõi của ông.

Mặc dù con người đã vi phạm giao ước của Thiên Chúa, nhưng Người vẫn không từ bỏ họ. Thay vào đó, thông qua Con của Người, Đức Giêsu Kitô, Người đã tự ràng buộc mình vào gia đình nhân loại một cách gần gũi hơn, bằng một sự ràng buộc không bao giờ có thể bẻ gãy được.

Lời hứa của Thiên Chúa với Abraham đã được nên trọn nơi Đức Giêsu. Chính thông qua Người, mà tất cả các dân tộc trên trái đất đều được chúc phúc. Đức Giêsu đã hàn gắn lại giao ước bằng chính máu của Người. Thông qua Người, chúng ta được gần gũi hơn bao giờ hết với Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ là dân Thiên Chúa, mà còn là những người con trai và con gái của Người, chúng ta thuộc về gia đình của Người.

Đức Giêsu là người đứng đầu trong dân tộc mới của Thiên Chúa. Vùng đất mà Người đang đưa dẫn chúng ta hướng tới không phải là vùng đất nào đó ở trên trái đất, nhưng là vùng đất của sự sống đời đời.

 

59. Ơn gọi

Ơn gọi của Abraham là bỏ xứ Ur thuộc Mesopotamie tiến vào Canaan. Người không đức tin sẽ cho Abraham là kẻ lắm tham vọng và tin hão huyền: bỏ cái đang có, đi tìm cái viển vông. Abraham bỏ ruộng vườn, nhà cửa theo ơn gọi, tìm sự vất vả, sống thiếu thốn và khó khăn. Ông lùa đàn vật và dẫn gia nhân vào chốn vô định. Trước mặt ông là giải sa mạc mênh mông, nắng cháy da diết, cỏ cây úa vàng, giọt nước quí hơn kim cương. Vì tín trung với ơn gọi, Abraham đã thành công, trở thành anh hùng lập quốc, được chúc phúc và biến hình.

Ơn gọi của Phaolô là quên đi dĩ vãng, diệt cái kiêu căng và cuồng tín Biệt phái. Từ thái cực là một kẻ hung hăng bắt đạo, Phaolô đã mềm nhũn và ngoan hiền dưới ánh sáng kỳ diệu với lời trách nhẹ nhàng: “Saulê, sao người bắt bớ Ta?”. Phaolô làm bạn với nhóm 12 và trở thành tông đồ dân ngoại. Phaolô vui nhận thử thách, không ngừng thuyết giảng, và trung thành đến giọt máu cuối cùng. Phaolô đã được lột xác và biến hình.

Lịch sử Giáo hội ghi nhận nhiều cuộc biến hình khác. Từ say rượu đến say Chúa; từ gái giang hồ thành thánh nhân; từ trai tứ chiếng nên đấng lập dòng; từ kẻ khô khan đến người sốt mến; từ người tham lam, hà khắc trở thành kẻ rộng lượng và khoan nhân… Đó là những cuộc canh tân và biến hình đã, đang và còn tiếp tục xảy ra trong Giáo hội. Đồng thời chứng minh rằng ơn Chúa dư đủ cho mọi người và Chúa đang thắng ma quỉ, xác thịt và thế gian nơi cung lòng mỗi cá nhân.

Phúc âm hôm nay hé lộ một chút vinh quang và sự cả sáng của cứu Chúa khi Ngài đàm đạo với hai nhân vật lịch sử nổi tiếng và kính yêu là Elia và Môisen. Tại sao thế, vì sứ mệnh cứu độ, Chúa Giêsu che giấu tất cả uy quyền và dũng lực của Ngôi Lời, để sống đời hèn mọn, bất lực và tầm thường của một thế nhân. Ngài cần ăn uống, nghỉ ngơi. Ngài phải đau buồn, bị chê bai và chỉ trích. Ngài lo lắng, và bồn chồn về cuộc thảm tử sắp đến. Nhưng điều khác biệt là Ngài vui đón ý Chúa Cha. Bởi vậy, một lần nữa, Chúa Cha đã khen thưởng “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Ngài”. trong phút giây ngút ngàn thân thương ấy, Ngài bước ra khỏi cuộc đời lam lũ và ô trọc để vui hưởng phút vinh quang ngây ngất và tuyệt vời của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Không phải chỉ có Abraham, Môisen, Elia, tông đồ mới có ơn gọi và được biến hình. Trái lại, ơn gọi phổ quát “Hãy nên hoàn thiện như Cha các con ở trên trời” đã được trao tặng và mời gọi mỗi cá nhân. Thực thi ơn gọi ấy một cách hoàn hảo và trọn vẹn thì chúng ta ắt sẽ được biến hình.

Giám mục John Quinn trong lễ thêm sức cho 50 em tại Sacramento năm 1983 đã mô tả ơn gọi và sứ mạng của người Việt Nam tại Mỹ như sau: “Cha rất hài lòng khi thấy các con họp nhau tôn thờ và ca tụng Chúa bằng tiếng mẹ đẻ. Các con hãy duy trì nền văn hoá và truyền thống cổ truyền, đừng để nó mai một đi. Cha vui mừng vì hình thức đạo đức bên ngoài biểu lộ đức tin anh hùng và sâu xa chúng con thừa hưởng do công quả của các đấng tử đạo Việt Nam. Cha cảm động vì sự hiện diện của chúng con ở đây nên ánh sáng và muối đất cho những người khác”.

Tin đạo, thực hành đạo là ơn gọi của chúng ta. Sống đạo và mang đạo vào đời là phương thế trong lành, thánh thiện và vĩ đại chúng ta phải thực hiện để “Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến và ý Cha thể hiện”. Đừng để phú quí tạo tâm kiêu và bất cẩn Chúa. Đừng để ghen tương đốt cháy và tiêu huỷ thiện chí. Đừng để tị hiềm gây bất mãn, đố kỵ và tranh chấp. Đừng để ích kỷ huỷ hoại tình đồng hương và khoá cửa lòng. Hãy nhận diện ra ai là đồng chí để cùng nắm tay, dìu nhau bước tới và biến hình và ai là kẻ thù đang khai trừ và bắt bớ Đức Kitô trong Giáo hội để cẩn trọng, đề phòng và cảm hoá. Và nhất là hãy can đảm cùng Chúa Kitô “vạn lý trường chinh” trong âm thầm, chịu đựng, tự huỷ, hy sinh, khiêm tốn, tin tưởng và phó thác. Chúng ta không bao giờ lầm đường khi bước trên những dấu chân của Đức Kitô. Đó là con đường biến hình duy nhất của ông bà, anh chị em và của tôi.

 

60. Hai ngọn núi

Hãy so sánh cảnh hôm nay với cảnh trên núi Cây Dầu: – Cùng xảy ra trên một ngọn núi: núi biến hình (Tabor?) và núi Cây dầu.

– Ở hai nơi Chúa Giêsu đều biến hình: ở núi biến hình, Chúa Giêsu từ hình dáng loài người biến thành hình dáng Thiên Chúa; ở núi cây dầu, từ hình dáng Thiên Chúa biến ra hình dáng con người yếu đuối.

– Cả hai sự biến hình đều diễn ra trước ba nhân chứng: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Và hai điểm phụ: hai lần ấy, họ đều ngủ, còn Chúa Giêsu đều thức và cầu nguyện.

Nhưng hai cuộc biến hình này bổ túc ý nghĩa cho nhau: Trên núi biến hình, các môn đệ thấy được thiên tính của Chúa Giêsu vinh quang hơn bao giờ hết, khiến họ ngất ngây sung sướng, muốn ở mãi trong tâm trạng ngất ngây đó; trên núi cây dầu, họ thấy Thầy trong nhân tính yếu đuối hơn bao giờ hết. Con người thật của Chúa Giêsu vừa có thiên tính vừa có nhân tính. Hai biến cố bổ túc nhau giúp ta hiểu được con người thật của Ngài.

* Suy gẫm hai biến cố này, ta cũng thấy được con người thật của ta: trong ta có một phần là Ađam con của xác thịt, một phần là con của Chúa.

– Cũng như Chúa Giêsu xưa trên núi biến hình, có nhiều lúc chúng ta cảm thấy ngất ngây sung sướng; thấy mình sốt sắng quá, gần Chúa quá, yêu thương anh chị em quá, sẵn sàng làm những điều tốt cho anh chị em, sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình…

– Nhưng cũng như Chúa Giêsu trên núi cây dầu, lại có những lúc chúng ta suy sụp trầm trọng; phần Ađam nổi lên lấn át phần Con của Chúa. Khi đó ta thấy đời thật buồn nản, thấy không ai thương mình, không ai hiểu mình, Chúa hình như cũng xa mình… Từ đó ta nguội lạnh với Chúa, ích kỷ với anh chị em, khe khắt với những kẻ làm khổ mình.

+ Nhưng có một điều rất quan trọng ta hãy nhớ: Chúa Giêsu luôn cầu nguyện khi biến hình vinh quang trên núi biến hình cũng như khi biến hình thảm não trên núi cây dầu. Cầu nguyện giúp thống nhất con người chúng ta đúng theo kế hoạch Thiên Chúa. Đặc biệt nhớ cầu nguyện trong lúc suy sụp.

+ Và nếu ta biết cầu nguyện để thống nhất hoá con người mình như thế thì ta sẽ cũng như Chúa Giêsu được Chúa Cha âu yếm nói “Đây là con yêu dấu của Ta” (trên núi biến hình), và được thiên thần Chúa an ủi (trên núi cây dầu).

 

61. Nét mặt

Nét mặt con người rất quan trọng. Nhớ ai là nhớ mặt người đó. Khi ta không nhớ mặt người nào thì kể như người đó đã trở thành một chiếc bóng.

Những sắc thái của nét mặt diễn tả được rất nhiều đến độ đáng ngạc nhiên, bởi đó nét mặt là đối tượng nghiên cứu rất thú vị. Nét mặt luôn biểu lộ cho biết ta là ai và cuộc sống của ta như thế nào. Điều này giải thích lý do người ta hay dùng tiếng “mặt” để nói về người khác. Chẳng hạn: “Từ lâu rồi tôi không thấy mặt nó”. Nhìn nét mặt một người, ta có thể đoán được cảm giác bên trong của người ấy: họ đang vui hay buồn, hay thờ ơ…Chúng ta cũng thường nói “mất mặt”. Trong trường hợp này, “mặt” chính là danh dự của con người. Khi ta nói người nào đó có “hai mặt” thì có nghĩa đó là một con người dối trá…

Mỗi người chúng ta có nhiều nét mặt, được biểu lộ trong nhiều tình huống khác nhau: khi thì hạnh phúc, khi thì buồn rầu, khi thì bạo dạn, khi thì nhút nhát, khi thì bình thản, khi thì sợ sệt, khi thì đau đớn, khi thì vui mừng, khi thì thân thiện, khi thì giận dữ… Điều này chẳng có gì đáng xấu hổ cả, vì đó là một phần của thân phận làm người của chúng ta. Điều duy nhất đáng xấu hổ là nét mặt giả tạo, vì tất cả những nét mặt được kể trước đó đều nói lên sự thật, còn nét mặt giả tạo nói lên sự dối trá. Tại sao người ta ngại cho kẻ khác thấy nét mặt thật của mình? Tại sao người ta hay mang mặt nạ? Phải chăng vì người ta sợ người khác biết sự thật yếu kém của mình? Có lẽ chính vì thế mà nhiều khi người ta cố làm một nét mặt tươi cười đang khi trong lòng thì muốn khóc.Bài Tin Mừng hôm nay nói khi Chúa Giêsu ở trên núi thì mặt Ngài trở nên sáng chói như mặt trời. Thật lầm khi nghĩ rằng đó chính là nét mặt thật của Chúa. Thực ra, điều mà các môn đệ đã thấy là thật, nó tỏ lộ vinh quang bên trong của Ngài. Sự vinh quang mà thường khi Ngài che dấu. Nhưng nói rằng nét mặt vinh quang trên núi hôm ấy là nét mặt thật thì khiến người ta tưởng rằng những nét mặt khác là không thật, là giả. Nét mặt mà Chúa Giêsu tỏ lộ trên núi là một nét mặt đặc biệt nhưng không phải là nét mặt duy nhất của Ngài. Ngài có tất cả những nét mặt như chúng ta đã có, chỉ trừ những nét mặt giả tạo. Chúng ta đã thấy có khi Ngài mệt, có khi Ngài giận, có khi Ngài buồn, có khi Ngài vui, có khi Ngài trìu mến, có khi Ngài cảm thông… Tất cả những nét mặt ấy đều thật, vì đàng sau những nét mặt ấy là bản chất thật của Ngài: vừa là người hoàn toàn giống chúng ta (chỉ trừ tội lỗi), vừa là Thiên Chúa vinh quang, như tiếng từ trời phán “Đây là Con yêu quí của Ta”. Mặc dù người ta nói nét mặt là cửa sổ của tâm hồn, nhưng mỗi nét mặt che giấu nhiều hơn là biểu lộ. Điều cốt lõi của con người vẫn còn vô hình không thấy được. Mỗi người là một huyền nhiệm. Cũng như Abraham, chúng ta phải sống bằng đức tin, đức tin dạy rằng đàng sau những nét mặt bình thường của một người là thân phận của một người con của Chúa, một người anh chị em của Chúa Giêsu, hướng tới một vinh quang đời đời.

 

62. Vinh quang

Trên núi Tabor, ánh vinh quang của Thiên Chúa đã toả chiếu từ thân xác Chúa Giêsu, và Ngài được biến hình. Các môn đệ đã ngây ngất trước vẻ đẹp và sự sáng ngời ấy. Đó không phải chỉ là vẻ bề ngoài, mà là vinh quang thật từ bên trong thoáng tỏ lộ ra. Nói tắt một lời: Đó là chính Thiên Chúa ở trong Chúa Giêsu. Chúng ta cũng có vinh quang thần linh ở trong chúng ta, bởi vì chúng ta đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cũng có những thoáng biến hình. Van Gogh nói: “Một người tiều phu hay một người thợ mỏ nghèo nhất cũng có thể có những thoáng cảm hứng khiến anh ta cảm thấy gần như đang ở thiên đàng”.Một người nghèo sống trong khu nhà dành cho những kẻ vô gia cư đã kể câu chuyện sau đây. Một hôm ông đi dạo trên phố và tình cờ vào một ngôi nhà thờ lúc nào không hay. Ông không nhớ là lúc đó ông có cầu nguyện không, nhưng ông nhớ là cảm thấy tâm hồn mình chìm ngập trong ánh sáng. Mọi buồn chán đều tan biến hết, chỉ có bình an. Ông cảm thấy mình rất gần Chúa và được Chúa yêu thương. Cảm nghiệm này rất sâu đậm mặc dù chỉ thoáng qua trong phút chốc. Ông nói rằng ông sẵn sàng đánh đổi cả đời để có được một thoáng cảm nghiệm ấy. Khi ông rời nhà thờ, cảm nghiệm ấy tan loãng dần. Về sau, ông trở lại nhà thờ nhiều lần để mong có lại cảm nghiệm tuyệt vời ấy, nhưng không được. Điều sai lầm của người vô gia cư trên là muốn bám cứng vào một cảm nghiệm thoáng qua. Nói cách khác, ông muốn đi lùi chứ không đi tới. Nói rõ hơn nữa: lẽ ra ông phải biết dùng cái cảm nghiệm thoáng qua ấy để soi sáng cuộc đời tăm tối của mình, và nhờ đó mà can đảm tiến bước trong hy vọng.

Phêrô cũng sai lầm như thế. Ông muốn ở lại mãi trên núi. Ông muốn bám cứng vào cảm nghiệm vinh quang hạnh phúc. Ông không muốn xuống núi tiếp tục cuộc sống thường ngày. Nhưng Chúa Giêsu đã giục ông xuống núi để đối diện với tương lai. Ngài không muốn cảm nghiệm trên núi ấy trở thành chỗ cho Phêrô ẩn trốn khỏi cuộc chiến đấu đang đợi chờ phía trước. Một thoáng ánh sáng Ngài ban cho ông là để giúp ông trực diện với giờ tăm tối sắp đến. Nghe lời Chúa, Phêrô đã xuống núi. Nhưng lạ thay, cảm nghiệm thoáng qua hôm ấy vẫn còn sáng mãi trong lòng ông. Nhiều năm sau ông còn viết: “Chúng ta đã được chứng kiến vinh quang của Ngài trên núi… Khi ấy có tiếng phán từ trời rằng: Đây là Con yêu quí của Ta. Ta hài lòng về Ngài. Chúng ta cũng những thoáng cảm nghiệm được ánh sáng và niềm vui. Những thoáng cảm nghiệm ấy cho ta thấy được đất hứa mà chúng ta phải tiến đến trong đức tin. Nhưng nên biết rằng Chúa ban những thoáng biến hình ấy là để thêm sức cho chúng ta sống những nhiệm vụ hàng ngày.

Tín ngưỡng và sự cầu nguyện không phải là những chỗ ẩn trốn, mà là những trợ lực giúp chúng ta đương đầu với gian lao thử thách.

 

63. Người vẫn đồng hành – Thiên Phúc

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Truyện ngụ ngôn kể về một nhà thiên văn có thói quen mỗi buổi tối lại nhìn lên các ngôi sao, nghiên cứu các vì tinh tú đang xoay vần, chuyển đổi trong vũ trụ bao la.

Một lần kia, đang đi dạo mát quanh vùng, mải mê suy nghĩ những chuyện trên trời, ông ta vô ý ngã xuống giếng cạn. Tiếng kêu cứu thất thanh, khiến một người đi ngang qua đó nghe được. Ông vội vàng chạy đến miệng giếng, liền đoán được việc gì đã xảy ra, bèn nói với nhà thiên văn::Này ông, ông cứ muốn biết những việc xảy ra trên trời, còn những việc sờ sờ dưới đất sao ông không thấy?”

Đêm hôm ấy, Chúa Giêsu cùng với ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện.

Trong lúc Người thân mật cầu nguyện với Chúa Cha thì các ông lại mê mệt trong giấc ngủ say. Nhưng khi tỉnh dậy, thấy Chúa Giêsu vinh quang chói loà, cả hai ông Môsê và Elia đàm đạo với Người cũng rạng ngời vinh hiển, thì Phêrô mau mắn thưa::Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay quá!”. Các ông thích ở chốn vinh quang sáng láng, nhưng lại không tỉnh thức cầu nguyện. Các ông muốn cắm lều trên núi cao, nhưng lại chìm sâu trong cơn ngủ mê. Sau này trong vườn cây dầu, cũng chính ba môn đệ này vẫn còn mê ngủ, cho đến khi kẻ thù đến bắt mất thầy. Đó là thân phận yếu hèn của mỗi người chúng ta…

Chính vì biết các môn đệ yếu đuối mà Chúa Giêsu đã cho các ông được chiêm ngắm vinh quang của Người, dù chỉ trong chốc lát, để củng cố niềm tin của các ông trong cuộc khổ nạn mà Ngài sắp thực hiện tại Giêrusalem. Đồng thời để các ông có bằng chứng loan báo về việc Người phục sinh sau này.

Việc biến hình sáng láng hôm nay cũng là để chứng thực cho lời tuyên xưng của Phêrô ở Xêdarê cách đây tám ngày: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Nếu cuộc biến hình vinh quang của Chúa Giêsu là sự đáp trả của Chúa Cha qua việc Người chấp nhận cuộc khổ nạn, thì sự vâng theo ý Chúa hôm nay, xem ra vất vả nặng nề, cũng sẽ trở nên nguồn vui bất diệt cho chúng ta ngày mai.

Nếu đang khi cầu nguyện, dung mạo Người bỗng biến đổi, thì việc gặp gỡ, kết hiệp với Chúa trong suy niệm và cầu nguyện sẽ biến đổi tâm hồn, cuộc sống và cả con người chúng ta mỗi ngày để nên giống Chúa hơn.

Nếu sau cuộc biến hình, Chúa Giêsu trở lại với khuôn mặt bình thường, Thầy trò lại tiếp tục cuộc sống thường nhật, thì sau những niềm vui khôn tả Chúa ban trong cầu nguyện, chay tịnh và bác ái, Người vẫn tiếp tục đồng hành với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biến hình sáng láng trên núi Tabo và đã hấp hối bi thảm trên núi Cây Dầu. Nhưng trong hai lần ấy, Chúa đều cầu nguyện mật thiết với Chúa Cha. Xin cho chúng con biết cầu nguyện, lúc hạnh phúc cũng như khi đau khổ, khi an vui cũng như lúc gặp thử thách, để chúng con luôn kết hiệp với Chúa và để Chúa nâng đỡ chở che. Amen.

 

64. Hành trình đức tin – Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Sau biến cố Gioan Tẩy Giả bị chém đầu (Mt 14,1-12; Mc 6,14-29), Chúa Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn sắp tới, Người sẽ lên Giêrusalem để chịu thương khó và chịu chết. Một đám mây đen che phủ các môn đệ.

Họ chao đảo niềm tin. Phêrô đại diện anh em phản đối kịch liệt. Phêrô không chấp nhận thập giá khổ nhục. Để khai quang đám mây đen đó và để cũng cố niềm tin cho các môn đệ, Chúa Giêsu đưa họ lên núi Tabor. Người biến hình, cho họ thấy một thoáng Phục sinh trước Phục sinh, cho họ hưởng nếm một chút Thiên đàng trước Thiên đàng. Nhờ đó các môn đệ thêm niềm tin, thêm mạnh mẽ, thêm xác tín.

Chúa đưa ba môn đệ lên núi cao. Các ông được đi vào một thế giới vừa kỳ diệu vừa lạ lùng, làm biến đổi ý nghĩa cuộc đời.

Các ông thấy: “Dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (Mc 9,3); “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2); “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa” (Lc 9,29). Khi biến đổi hình dạng nên sáng láng, Chúa Giêsu cho các tông đồ thoáng nhận ra vinh hiển tương lai của Người.

Suy niệm biến cố Biến Hình, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết: “Chính nơi đây nổi bật sự liên hệ và sự khác biệt với gương mặt ông Môisen: “Khi ông Môisen từ trên núi Sinai xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước, khi xuống núi, ông Môisen không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa” (Xh 34,29-35). Qua việc đàm đạo với Thiên Chúa, ánh sáng của Thiên Chúa chiếu sáng trên ông và làm cho ông sáng chói. Như thế, ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào ông làm cho ông sáng chói. Đức Giêsu chói sáng tự bên trong, không những Người đón nhận ánh sáng mà chính Người là ánh sáng bởi ánh sáng”. (x.Đức Giêsu thành Nazareth, Lm Aug Nguyễn Văn Trinh biên dịch, trang 268).

Cuộc kết hiệp đã đưa Chúa Giêsu đi vào thiên giới. Cảnh vật chung quanh cũng biến đổi theo cuộc kết hiệp vĩ đại đó: “Y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa”. Cuộc kết hiệp thần kỳ đã mở ra tất cả bí mật của thế giới Thiên Chúa. Rõ nét nhất là tương quan phụ tử: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn” (Lc 9,35). Tiếng Chúa Cha phán ra từ đám mây bao phủ các ông. Đám mây thiên linh, là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Đám mây ngự trên Lều Hội Ngộ cho thấy sự hiện diện của Đức Chúa. Đức Giêsu là Lều Thánh, đám mây của sự hiện diện Thiên Chúa đậu trên Người và từ đó cũng sẽ “bao phủ” mọi người. Sự kiện thánh tẩy Đức Giêsu được tái hiện, nơi đó Chúa Cha từ đám mây công bố Đức Giêsu là Con: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). (sđd, trang 172).

Các môn đệ còn thấy: “Có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia”. Đây là hai nhân vật quan trọng nhất trong Cựu ước, đại diện cho hai thực tại quan trọng nhất của Do Thái giáo. Môisen đại diện cho luật pháp. Êlia đại diện cho các ngôn sứ. Hai ông là biểu tượng tiên báo sự ra đời của Đức Giêsu. “Lề luật và ngôn sứ đàm đạo với Đức Giêsu và nói về Người. Trong một chú thích ngắn ngũi, thánh Luca trình thuật cho chúng ta về điều hai chứng nhân của Thiên Chúa nói với Đức Giêsu: “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9,31). Đề tài đàm đạo của các ngài là thập giá, nhưng hiều ngầm là cả cuộc “Xuất hành của Đức Giêsu” phải diễn ra tại Giêrusalem. Thập giá Đức Giêsu là cuộc xuất hành, một việc bước ra khỏi cuộc sống này, vượt qua Biển Đỏ của cuộc khổ nạn và tiến đến vinh quang, dù vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn” (sđd trang 268).

Ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê có những trải nghiệm tuyệt vời về Thầy của mình. Cũng vẫn là Đức Giêsu bằng xương bằng thịt mà các ông vẫn thường gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày, nhưng lần này, các ông được nhìn thấy Người dưới một dung mạo mới: thật sáng ngời, thật hấp dẫn và đầy uy nghi. Các ông vững lòng tin tưởng.

Trên núi cao, Chúa Giêsu gặp gỡ thân mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Các môn đệ ngất ngây trong niềm hạnh phúc tuyệt vời. Các ông muốn ở lại trên núi để sống niềm hạnh phúc ngập tràn ấy. Các ông muốn níu kéo khoảnh khắc thần tiên ấy lại nên Phêrô thay mặt anh em thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môisen, và một cho ông Êlia”. Phêrô muốn dừng lại để định cư với những túp lều lý tưởng trên núi cao.

Các môn đệ muốn đăng ký thường trú trên núi Tabor, muốn đắm mình trong hào quang rực rỡ. Họ bỏ lại dưới chân núi các bạn đồng môn, các cuộc truyền giáo của Thầy. Họ muốn xa rời dân chúng đang khao khát Lời Chúa. Nhưng Chúa Giêsu đưa các môn đệ trở xuống. Người chỉ lên đỉnh Tabor trong chốc lát rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá lên núi Golgotha. Xuống núi để chu toàn nhiệm vụ trần gian. Chúa Giêsu phải chịu khổ nạn, chịu chết rồi mới Phục Sinh mở lối vào thiên đàng. “Cảm nghiệm sự kiện Hiển Dung đã giúp cho thánh Phêrô nhận thức trong lúc ngất trí, những thực tại được biểu trưng trong các nghi thức của ngày lễ đã được hoàn tất, biến cố Hiển Dung loan báo thời đại Messia đã bắt đầu. Mãi khi xuống núi, thánh Phêrô lại phải học hỏi một lần nữa, thời đại Messia trước tiên là thời đại của thập giá và việc Hiển Dung, Chúa biến dạng thành ánh sáng, sẽ bao trùm chúng ta trong ánh sáng của cuộc khổ nạn.” (sđd trang 269).

Chứng kiến Chúa Hiển Dung, thấy rõ tất cả sự thật về Thầy, các môn đệ vững tin hơn. Từ nay, các ông tin tưởng tuyệt đối “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21).

Sự kiện Chúa Giêsu biến hình cùng với sự xuất hiện của hai chứng nhân Cựu Ước, Môisen và Êlia, thêm một lần nữa, khẳng định sứ mệnh của Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Và còn hơn thế nữa, lời Chúa Cha giới thiệu: “Này là con Ta, người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”. Mọi người, mọi thời phải nghe Lời Chúa Giêsu, vì đây là Lời Chúa Cha, vì chỉ một mình Chúa Giêsu là Thầy mà thôi. Những chứng cứ về Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế thật quá rõ ràng. Con người muốn được sống và hưởng vinh quang Thiên Chúa, điều kiện cần và đủ, là tin vào Chúa Giêsu Kitô.

“Vâng nghe lời Người” là tất cả những gì cần thiết để con người đi đến bến bờ vinh quang của Thiên Chúa. Đó là cuộc hành trình của Đức Tin: “Con người trên đường lữ hành về với Đấng Tuyệt Đối. Đời sống con người trên trái đất là một cuộc lữ hành. Đức Tin lữ hành của con người hướng con người về Thiên Chúa, giúp con người chọn lựa những gì sẽ làm cho mình đạt tới sự sống vĩnh hằng. Do vậy, mỗi giây phút trong cuộc lữ hành trên trái đất đều quan trọng, quan trọng với những thách đố và chọn lựa của nó” (x.Tiến về ngàn năm thứ ba, ĐGH Gioan Phaolô II).

Tin vào Đức Kitô là đi con đường Thập Giá cùng với Người. Muốn ở lại trong vinh quang của Đức Kitô, phải vác thập giá với Người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).Vác thập giá hằng ngày là chấp nhận những khổ đau theo thánh ý Chúa, là đối diện với những thách đố của cuộc đời với lòng thanh thản trong sự phó thác vào tình yêu Thiên Chúa, là biết từ bỏ và chọn lựa những gì cần thiết để nuôi dưỡng niềm tin vào Thiên Chúa. Cuộc lữ hành Đức Tin đầy hiểm nguy sóng gió. Satan “như sư tử gầm thét, ngày đêm rình mò chờ chực cắn xé” (1 Pr 5,8).Satan luôn rình rập chung quanh chúng ta, nó “chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13) thuận tiện và khai thác tất cả mọi thứ trong cuộc sống để làm lung lay niềm tin của chúng ta,

Nếu chúng ta”có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này ‘rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17,20-21). Sức mạnh đức tin thật lớn lao!

Bài đọc 1 kể về đức tin của Abraham. Nhờ “tin Đức Chúa” (St 15, 6), Abraham được “Đức Chúa lập giao ước” (St 15,18). Không những thế, ông còn trở thành tổ phụ của dòng dõi đông như sao trên trời (x. St 15,5). Nhưng trên hết, nhờ lòng tin, ông được “Đức Chúa kể ông là người công chính” (St 15,6). Lòng tin đã thực hiện một cuộc biến hình ngoạn mục trong đời Abraham. Đức tin đã khiến Abraham vượt núi băng rừng đến miền đất hứa.

Đất hứa đó, ngày nay không đóng khung trong ranh giới Do thái, vì miêu duệ Abraham là Giáo hội đã trải rộng khắp mặt đất. Mặc dù niềm tin đó đã gặp nhiều thử thách, nhưng Giáo hội vẫn sống mạnh mẽ với niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó, Giáo hội đã biến hình và luôn phản ánh vinh quang Thiên Chúa giữa muôn dân.

Cuộc biến hình hôm nay còn ngoạn mục hơn Abraham nhiều. Chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu sẽ biến Kitô hữu thành người công chính, thành bạn hữu của Người để có thể đi vào cuộc hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa.

Trong bài suy niệm “Việc ĐGH Bênêđictô XVI từ nhiệm là một sứ điệp của Năm Đức Tin”, Đức Cha Bùi Tuần viết: “…Tin Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm đã và đang gây xôn xao trong mọi tầng lớp xã hội và Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng từ nhiệm, đó là biến cố rất bất ngờ. Bất ngờ đó gây ra trong tôi một nỗi bàng hoàng choáng váng.Lấy lại sự bừng tỉnh nhờ cầu nguyện, tôi cúi đầu lắng nghe Chúa dạy bảo. Chợt tôi nhớ lại một chi tiết nhỏ riêng tư, lần tôi được gặp Đức Giáo Hoàng lúc Ngài còn là Hồng Y Bộ trưởng Bộ Đức Tin. Trong trao đổi, tôi thấy Ngài chú ý đặc biệt đến sự gặp gỡ Đức Kitô. Như thế căn cốt của đức tin là gặp gỡ riêng tư và thân mật với Đức Kitô, để bước theo Đức Kitô… Nên trong thinh lặng nội tâm lúc này, Chúa dạy tôi hãy dùng chi tiết đó như một ánh sáng để hiểu sự từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng. Nhờ ơn Chúa giúp, tôi dần dần nhận ra rằng: Sự từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô chứng tỏ Ngài đã và đang gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô… Theo Ngài, tin là gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô trong sự từ bỏ quyền lợi riêng, và bước xuống thân phận con người hèn yếu, vì yêu thương con người và để cứu chuộc loài người…”. (x.gplongxuyen.net).

Đức Thánh Cha đã đi trọn hành trình theo Đức Kitô,đã trở nên giống Chúa Kitô. Đức Thánh Cha từ nhiệm vào đầu Mùa Chay để sống tinh thần Mùa Chay: sám hối, chay tịnh, cầu nguyện cho Giáo Hội, thể hiện một tình yêu vô biên đối với Giáo Hội.

Gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô là một hành trình đức tin đi đến sự sống mới.Thánh Phaolô đã đi trọn hành trình ấy và ngài đúc kết kinh nghiệm về cuộc sống biến đổi trở nên giống Chúa Kitô. Tư tưởng “trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (Pl 3,10) bàng bạc trong các bức thư của ngài và đã trở thành nguyên lý căn bản đưa chúng ta đến ơn cứu rỗi. Cuộc biến đổi để trở nên giống Chúa Kitô mỗi ngày một hơn là một tiến trình kéo dài cả đời người. Mỗi ngày một chút, rũ bỏ con người cũ, loại dần lối sống tội lỗi để làm con người mới với lối sống mới theo Thánh Thần, chúng ta sẽ gắn bó và thuộc về Chúa Kitô, và Người sẽ “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Bài đọc 2).

Thiên Chúa yêu thương con người là một tình yêu không “môn đăng hộ đối”, hoàn toàn do sáng kiến và lòng xót thương của Ngài. Thiên Chúa đã đi bước đầu trong mối tương quan và thiết lập giao ước với Apraham.Thiên Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi đông đúc và nguyên vẹn. Thiên Chúa cũng hứa thông qua ông, tất cả các dân tộc trên trái đất sẽ được chúc phúc, bởi vì Đấng Messia sẽ đến từ dòng dõi của ông. Lời hứa ấy đã được nên trọn vẹn nơi Chúa Giêsu. Biến cố biến hình chính là một mạc khải về tình thương lạ lùng đó. Thiên Chúa hiến mình cho con người: Cha hiến ban Con và Con hiến ban chính bản thân mình chịu chết để vào Phục Sinh khai mở con đường dẫn tới sự sống. Tin vào tình thương Thiên Chúa, nên chúng ta học theo lối sống của Chúa Giêsu bằng cách đọc và suy gẫm Tin Mừng, đem Lời Chúa vào cuộc sống, để cho Lời Chúa thay đổi cách suy nghĩ, nói năng và hành động của chúng ta được trở nên giống với cung cách của Chúa Giêsu. Đó là được biến hình trong Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Chúa như Thánh Phaolô đã từng cảm nghiệm: ‘Tôi sống nhưng không phải tôi sống, chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2,10).

“Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong người đó…sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mỗi ngày nên giống Chúa trong lời nói việc làm, xin cho đời sống chúng con nên dấu chỉ yêu thương của Chúa giữa cuộc đời hôm nay. Amen.

 

65. Suy niệm của JKN

THẦN TÍNH NƠI ĐỨC GIÊSU VÀ NƠI MỖI NGƯỜI CHÚNG TA

Câu hỏi gợi ý:

  1. Sự hiển dung của Đức Giêsu mặc khải điều gì? Dung mạo Ngài thay đổi, y phục chói loà, sự hiện diện của Môsê và Êlia có ý nghĩa gì?
  2. Đức Giêsu có thần tính, vì Ngài là Con Một Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta có thần tính và có là con cái của Thiên Chúa không? Thần tính của Ngài và của ta khác nhau chỗ nào?
  3. Ý thức về thần tính của mình quan trọng thế nào trong sự phát triển tâm linh? Bj không ý thức về nó, ta có sử dụng được nó không?

Suy tư gợi ý:

  1. Thiên Chúa mặc khải thần tính của Đức Giêsu

Bài Tin Mừng nói về việc Thiên Chúa mặc khải cho các tông đồ biết Đức Giêsu có thần tính và là Đấng mà Môsê và các ngôn sứ loan báo mấy trăm năm trước. Trong đời sống thường ngày ở bên cạnh Đức Giêsu, các tông đồ chỉ thấy được nhân tính của Ngài. Vì Ngài sống không khác bất kỳ một người bình thường nào: cũng ăn, uống, cũng vất vả, mệt nhọc, cũng vui buồn, tức giận… y hệt mọi người. Nếu có gì khác thì chỉ là Ngài làm được những phép lạ phi thường. Điều này chỉ gợi ý cho các ông nghĩ rằng Ngài là một người phi thường tương tự các ngôn sứ xưa mà thôi, vì các ngôn sứ ngày xưa cũng lắm khi làm được những phép lạ.

Nhưng hôm nay Thiên Chúa tỏ cho các ông thấy Đức Giêsu không chỉ có nhân tính, mà còn có thần tính, nghĩa là Ngài là thần linh. Tuy nhiên, tất cả những gì các ông thấy hôm nay chỉ là những biểu tượng thần bí nói lên bản tính thần linh nơi con người Đức Giêsu mà các ông không thể thấy được bằng trí tuệ hay con mắt xác thịt của các ông.

– Trước hết các ông thấy: “Dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà”. Tin Mừng Matthêu nói: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời” (Mt 17,2). Và có tiếng phán từ trong đám mây “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”. Đó là những biểu tượng cho các ông thấy Đức Giêsu có thần tính: Ngài là Con Thiên Chúa, có bản tính Thiên Chúa.

– Các ông còn thấy “có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia”. Đây là hai nhân vật quan trọng nhất trong Cựu ước, đại diện cho hai thực tại quan trọng nhất của Do Thái giáo. Môsê đại diện cho luật pháp, vì ông là người lập ra luật pháp, nền tảng thành văn của Do Thái giáo. Êlia, ngôn sứ vĩ đại nhất, đại diện cho các ngôn sứ là những tiếng nói của Thiên Chúa giữa con người. Hai ông là biểu tượng tiên báo sự ra đời của Đức Giêsu. Trong sách Đệ Nhị Luật, Môsê viết: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18,15). Còn Êlia được ngôn sứ Malakia tiên báo là sẽ trở lại trước khi Đức Giêsu đến: “Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng” (Ml 3,23). Đức Giêsu cũng xác nhận Êlia phải trở lại trước khi Ngài đến (x. Mt 17,10-12; Mc 9,12-13).

  1. Thần tính của chúng ta, những người Kitô hữu

Đức Giêsu có thần tính, nghĩa là Ngài là thần linh, cũng là Thiên Chúa. Thế còn chúng ta, những con người được Thiên Chúa tạo dựng thì sao? Kinh Thánh mặc khải cho ta biết con người là “hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,26-27; 9,6), được tạo dựng “giống như Thiên Chúa” (St 1,26b). Hình ảnh của một người không phải là người ấy nhưng giống hệt như người ấy, khiến ai nhìn vào hình ảnh ấy có thể phần nào thấy được chính người ấy. Hai vật hay hai người đã gọi là giống nhau, nhất là khi nói người này là hình ảnh của người kia, ắt phải giống rất nhiều điểm, hay rất giống ở những điểm cốt yếu. Người và chó đều có thân xác vật chất (cũng có đầu, mình, tứ chi, mắt mũi, v.v…), nhưng không ai nói người và chó giống nhau. Vậy, con người “giống như Thiên Chúa” ở chỗ nào? Thánh Phêrô hé mở cho chúng ta biết: “Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1,4). Như vậy, điều khiến con người giống Thiên Chúa chính là bản tính thần linh mà Thiên Chúa thông ban cho chúng ta. Bản tính thần linh chúng ta có được là do Ngài thông ban cho khi tạo dựng nên ta, khác với bản tính thần linh ở nơi Ngài là do tự bản chất vốn có của Ngài.

Nếu không có bản tính thần linh này trong chúng ta, chúng ta không bao giờ có thể nên thánh như Thiên Chúa đúng như Đức Giêsu đã mời gọi ta được: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Cũng như con chó không có bản tính người nên không thể có những đặc tính như con người (suy nghĩ, nói năng, yêu thương, hướng thượng, tự do…). Thiên Chúa tự bản chất là tình thương và là thánh, con người vì giống Thiên Chúa từ bản chất nên cũng có khả năng yêu thương và nên thánh. Vua Đavít đã được thần hứng để nhận ra và nói lên chân lý này: “Ta đã phán: Hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao” (Tv 82,6; x. Ga 10,34-35). Nếu chúng ta không có bản tính thần linh, chúng ta không thể là con cái Thiên Chúa đúng nghĩa như Kinh Thánh vẫn nói: chúng ta “là con cái Thiên Chúa” (Lc 20,36; Rm 8,14.16; Gl 3,26; 4,6). Chính vì chúng ta có thần tính mà Đức Giêsu dám quả quyết: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17,20). Điều quan trọng để thần tính ấy hoạt động là đức tin.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, biểu tượng nói lên bản tính thần linh của các tông đồ là: “có một đám mây bao phủ các ông”. Tiếng của Thiên Chúa phán ra từ đám mây, vì thế đám mây tượng trưng cho thần tính. Và trong bài đọc II, thánh Phaolô cho ta thấy nguồn gốc hay “quê hương của chúng ta là ở trên trời” (Pl 3,20; x. Dt 11,16). Đó cũng là một biểu trưng cho thần tính của chúng ta.

  1. Ý thức bản tính thần linh của mình và sống với bản tính ấy là cốt tuỷ của đời sống tâm linh Kitô hữu

Cuộc hiển dung của Đức Giêsu cho thấy bản tính thần linh của Ngài. Chỉ những ai được Thiên Chúa mặc khải mới biết bản tính ẩn dấu này ở nơi Ngài. Thần tính của Đức Giêsu là thần tính thường hằng, không thay đổi. Còn thần tính của chúng ta là thần tính cần phải vun trồng mới phát triển. Có thể minh hoạ điều này bằng sự phát triển của một cái cây. Thần tính được Thiên Chúa thông phần và ươm sẵn trong chúng ta tương tự như một cái hạt có thể nảy mầm và phát triển thành cây tuỳ theo sự vun trồng, chăm sóc của mỗi người. Nếu không có sự quan tâm, chăm sóc, vun trồng, thì cái hạt tâm linh của ta vẫn mãi mãi là một cái hạt, hoặc nếu có nẩy mầm thì sẽ thành một cái cây èo ọt, không sinh hoa kết trái. Trái lại, nếu được vun trồng và chăm sóc cẩn thận, nó sẽ phát triển thành một cây lớn với cành lá xum xuê và sinh nhiều hoa trái. Dụ ngôn hạt cải của Đức Giêsu (x. Mt 13,31-32; Mc 4,30-32; Lc 13,18-19) có thể áp dụng cho thần tính hay Nước Trời, được ươm giống trong bản thân mỗi người chúng ta.

Điều quan trọng nhất để hạt giống thần linh hay mầm thần tính ấy phát triển là phải tin vào thần tính ấy, thường xuyên ý thức về nó, và sống phù hợp với thần tính ấy. Nếu không có thần tính, chúng ta không thể có sự sống siêu nhiên hay đời sống tâm linh. Nếu không ý thức về thần tính ấy, sự sống siêu nhiên hay đời sống tâm linh của ta không phát triển được. Thật vậy, làm sao sự sống siêu nhiên hay đời sống tâm linh có thể phát triển khi ta không hề ý thức mình có nó hay không hề cảm nghiệm được nó nơi bản thân? Càng ý thức về nó, càng sống phù hợp với ý thức đó thì tâm linh càng phát triển cùng với sức mạnh và quyền năng của nó. Người có đời sống tâm linh phát triển – tức người ý thức mạnh mẽ và thường xuyên về thần tính của mình – sẽ luôn luôn cảm thấy bình an, hạnh phúc, đầy tự tin vào sức mạnh của Thần Khí Thiên Chúa nơi mình. Thánh Phaolô kể ra những hoa trái của đời sống tâm linh hay sự sống bằng Thần Khí ấy: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23). Ý thức thường xuyên về thần tính của mình là một hình thức cầu nguyện và kết hiệp với Chúa một cách thâm sâu. Nó sẽ đem lại một sự thay đổi sâu xa trong đời sống tâm linh của ta.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha đã thông ban thần tính hay sự sống siêu nhiên của Cha cho con người ngay từ khi tạo dựng nên con người. Con người sẽ hạnh phúc biết bao khi biết và ý thức được điều ấy, nhất là khi hưởng được hoa trái của thần tính ấy trong đời sống hằng ngày của mình. Xin cho con ý thức được ân huệ cao quý ấy mà Cha đã ban cho con. Đừng để con giống như người có một kho tàng vô cùng lớn lao nhưng không hề biết đến nên không hưởng được một ích lợi nào từ nó cả. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ