Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 59

Tổng truy cập: 1379468

GIAO ƯỚC TÌNH YÊU

Giao Ước Tình Yêu

(Suy niệm của Huệ Minh)

Nhớ lại trong lịch sử cứu độ, thì các lễ hy sinh đền tội là việc sát tế, hiến tế và lễ toàn thiêu được dân dâng lên Thiên Chúa. Tất cả các lễ dân dâng lên Thiên Chúa bằng máu chiên bò chỉ là lễ phẩm chứ không thể nào xóa hết tội lỗi của dân được.

Duy nhất chỉ có sự hiến tế chính Con Một của Thiên Chúa mới thật sự là lễ đẹp lòng Thiên Chúa.

Ta vẫn biết máu chính là nguồn của sự sống. Nếu cơ thể của ta thiếu máu hay máu của ta bị lỗi thì sự sống trong ta sẽ yếu ớt hay sẽ không còn nữa.

Máu của Đức Kitô hiến dâng trên thập giá dù chỉ một lần là đủ cho tất cả công trình cứu độ. Thư gởi tín hữu Do thái viết đã xác tín điều này: Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta (Dt 9,12).

Ta còn nhớ của lễ hy sinh mà Thiên Chúa đòi hỏi tổ phụ Abraham là hiến dâng mạng sống chính con một của mình. Của lễ hiến dâng này không phải để đền tội, nhưng để tỏ lòng tin tưởng, lòng tín thác vào Thiên Chúa duy nhất mà ông tin nhận.

Đáp lại lòng tin vào Thiên Chúa, ông Abraham đã tuyệt đối vâng lời và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ông Abraham lấy củi dùng để đốt lễ toàn thiêu đặt lên vai Ixaác, con ông. Ông cầm lửa và dao trong tay, rồi cả hai cùng đi (St 22, 6).

Có lẽ, lòng tin của Abraham là một lòng tin hết sức đặc biệt. Đến ngày giờ đã được chỉ định, ông và con trai lên đường dâng tiến lễ hy sinh cho Thiên Chúa. Của lễ dâng chính là đứa con trai duy nhất. Ông đã không từ khước đứa con thừa tự yêu quí. Abraham đã dám hy sinh sát tế con của mình. Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Abraham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Ixaác con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Abraham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình (St 22, 9-10).

Không còn gì để thử thách lòng tin quá chân thành của ông, Thiên Chúa đã tha chết cho đứa con yêu. Đứng trước lòng tin như vậy, Thiên Chúa đã chọn ông làm tổ phụ của tất cả những kẻ tin.

Nhìn lại những lễ nghi của người Do-thái, các Thượng Tế và Thầy Cả đại diện dân giết các con vật làm lễ hiến dâng để đền tội. Vì giá máu là giá của mạng sống. Mạng sống của các con vật được dùng để thế mạng sống cho con người. Sách Lêvi đã dậy rằng: Vì mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi, trên bàn thờ, để cử hành lễ xá tội cho mạng sống các ngươi. Thật vậy, máu xá tội được vì nó là mạng sống (Lv 17, 11).

Thật thế, ta thấy máu là của lễ hiến tế tinh tuyền, nên sách Đệ Nhị Luật dạy rằng không nên ăn tiết cùng với thịt con vật: Tuy nhiên, anh em phải nhất quyết không ăn tiết, vì máu là mạng sống, và anh em không được ăn mạng sống cùng với thịt (Đnl 12, 23).

Và rồi, ta thấy máu là biểu tượng của sự cứu độ và hy sinh.

Trong ngày Lễ Vượt Qua, Thiên Chúa đã cứu dân Do-thái khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập. Môisen đã ra lệnh cho mỗi gia đình chuẩn bị một con chiên tinh tuyền để sát tế. Máu của chiên sẽ được bôi lên cửa để làm dấu. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên (Xh 12,6-7).

Dấu chỉ của sự cứu thoát chính là máu được bôi trên các khung cửa. Khung cửa nhà nào có dấu vết máu, thiên thần của Chúa sẽ vượt qua và không sát hại con trai đầu lòng. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng họa trên đất Ai Cập (Xh 12, 13). Máu vượt qua là giao ước Chúa đã lập để đánh dấu sự giải thoát.

Ta nhớ lại hành trình trong hoang địa cũng như khi đã về miền Đất hứa, dân Do Thái tiếp tục tưởng nhớ ngày Thiên Chúa đã đoái thương cứu họ khỏi thân phận nô lệ.

Để ghi nhớ ngày được giải thoát, dân đã cử hành nghi thức giết chiên và lấy máu rẩy trên dân chúng để thanh tẩy được truyền lại từ đời này tới đời kia:Bấy giờ, ông Môsê lấy máu rảy lên dân và nói: "Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này."(Xh 24, 8).

Và rồi đến thời Chúa Giêsu, các thầy thượng tế vẫn tiếp tục nghi thức giết chiên bò làm hy lễ đền tội. Họ buôn bán chiên bò, đổi chác tiền bạc ngay nơi tiền đình. Họ đã lạm dụng đánh đổi giá cả và làm ô uế nơi cầu nguyện: Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ (Ga 2, 15).

Ta vẫn thấy tiếp nối truyền thống của dân Do-thái, Chúa Giêsu đã lập giao ước mới qua chính máu của Ngài. Chúa không dùng máu chiên bò để hiến tế mà dùng máu thịt của chính mình làm của ăn, của uống và là lễ hy tế đền tội cho nhân loại: Đức Giêsu nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình (Ga 6,53).

Và, Chúa Giêsu còn hứa ban cho những ai ăn và uống Máu của Ngài sẽ có sự sống đời đời: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống (Ga. 6,54-55).

Làm thế nào Chúa Giêsu có thể lấy thịt máu mình mà nuôi dưỡng mọi người. Chúa Giêsu đã chọn cách thế tuyệt hảo nhất là dùng bánh và rượu hiến dâng và thánh hiến trở thành Máu và Thịt của Ngài.

Ắt hẳn chúng ta không thể nào quên được rằng Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa nhập thể.

Trong bữa cuối cùng với các môn đệ, chính Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ hãy làm việc này mà nhớ đến Chúa: Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội (Mt 26,27-28).

Máu Châu Báu của Chúa không chỉ nuôi dưỡng linh hồn và thần trí của chúng ta, mà còn có hiệu lực tha tội và ban ơn cứu độ. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô đã viết: Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người (Ep 1,7).

Trong giây phút cầu nguyện trước khi chịu nạn, Chúa Giêsu đã van xin cùng Chúa Cha rằng nếu Cha muốn thì Cha có quyền và có thể cất chén này. Nhưng Chúa Giêsu hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa Cha. Ngài đã lãnh chịu tất cả hình khổ để đi trọn con đường cứu rỗi. Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: "Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha."(Mt 26, 42).

Tuyệt đỉnh của lễ đền tội là Chúa Giêsu đã hiến chính mạng sống mình trên thánh giá. Chúa đã đổ đến giọt máu cuối cùng để hòan tất hy lễ hiến dâng.

Chúa Giêsu hiến mình chịu chết giang tay trên thập giá để đền tội cho nhân loại. Chúa đã hòa giải và nối kết giữa trời và đất. Chúng ta biết tội nguyên tổ đã đánh mất nguồn ân sủng siêu nhiên và biến mọi người thành tội nhân. Chính nhờ máu Châu Báu của Chúa giao hòa giúp chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính (Rm 5, 19).

Sự hòa giải này phải trả bằng giá máu.

Ta thấy, không ai có thể thay thế của lễ hy sinh đền tội này. Duy chỉ có Con Thiên Chúa nhập thể đền thay tội lỗi của nhân loại.Cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời (Cl 1, 20).

Thư gửi Do Thái đã so sánh rằng máu dê bò rẩy trên mình có thể thánh hóa con người nên trong sạch: Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch (Dt 9,13).

Vậy Máu Thánh của Chúa Giêsu đã đổ ra trên thập giá có hiệu lực tuyệt đối, sẽ xóa sạch mọi lỗi lầm và ban cho chúng ta có sự sống đời đời: Thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống (Dt 9, 14).

Thư gửi tín hữu Do-thái đã tóm tắt tất cả hiệu qủa của lễ toàn thiêu và hiến tế, duy chỉ có hy lễ của Chúa Kitô đem lại ơn cứu độ muôn đời: Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con (Dt 10, 4-7).

Một giao ước tình yêu, một giao ước cứu độ được chính Chúa Giêsu thiết lập để cứu độ con người, để đem con người hư mất về cho Thiên Chúa.

Từ ngày ta lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, ta được ghi dấu ấn của tình yêu Ba Ngôi trên cuộc đời ta và đặc biệt khi ta được đón nhận Mình và Máu của Chúa vào trong đời ta qua bí tích Thánh Thể. Ước gì dòng máu của Chúa Giêsu - dòng máu của yêu thương đi vào trong cuộc đời ta để ta ngày mỗi ngày kết hiệp mật thiết với Chúa hơn và sống trọn vẹn giao ước tình yêu với Chúa và với anh chị em đồng loại hơn.


 

53. Lời mời gọi chân tình

(Suy niệm của G. Nguyễn Cao Luật, OP)

Ăn uống hay là hiệp thông

Có những sự việc diễn ra quá bình thường đến nỗi người ta chẳng còn để ý đến. Chẳng hạn như: ngủ nghỉ, đi lại, nói năng, thở hít... Chỉ khi nào bị tước mất hay không có, người ta mới ý thức được giá trị vô giá của chúng. Khi bị mất ngủ, người ta hiểu được tầm quan trọng của giấc ngủ. Về việc ăn uống cũng thế.

Theo Kinh Thánh, con người ở thời đầu đã dùng sữa của đoàn vật để nuôi thân, như cách thức ông A-ben đã làm. Thế nhưng, sau lụt đại hồng thuỷ, họ bắt đầu giết các con vật để ăn. Điều này được Thiên Chúa cho phép với điều kiện phải làm cho máu chảy hết ra khỏi thịt trước khi ăn. Bởi vì máu chính là sự sống và không ai có quyền trên sự sống. Máu hay sự sống thuộc về Thiên Chúa. Chỉ Người mới có quyền.

Từ ý nghĩa này, con người có bỗn phận phải tôn trọng thụ tạo trong khi ăn uống. Tại một số bộ lạc ở Châu Phi, người thợ săn xin con thú mình sắp giết để nuôi thân tha lỗi cho. Trong một cuốn sách, nhà văn Soljénitsgne đã diễn tả cách tuyệt vời về thái độ này khi nhớ lại bữa ăn duy nhất trong ngày của các tù nhân: "Anh còn nhớ thứ cháo lúa mạch lỏng bỏng, hay thứ xúp chẳng một chút chất béo đó không? Anh có thể gọi đó là ăn không? Hoàn toàn không, anh đang hiệp thông, anh dùng món cháo đó như một thứ bí tích... Anh nhấm nháp chầm chậm đến tận cuối cái thìa gỗ; anh nuốt món cháo đó, nuốt trọn và nghĩ đến hành động ăn... Và hương vị của nó lan ra khắp cơ thể".

Làm sao con người ngày nay có thể hiệp thông theo cách thức như thế. Từ sau khi ra khỏi Vườn Địa Đàng, con người không còn những của ăn đích thực, họ luôn cảm thấy đói khát, và nếu có cảm thấy no nê, cũng chỉ là giả tạo. Toàn bộ cuộc sống và con người của họ đều khao khát lại được dưỡng nuôi nhờ những của ăn đích thực. Do đó Đức Giêsu nhấn mạnh: Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.

Ngoài ra, Đức Giêsu cũng dạy con người hãy cầu xin Chúa Cha ban cho bánh ăn mỗi ngày, trong khi chờ tới ngày Thiên Chúa sẽ tái tạo con người như vẻ đẹp nguyên thuỷ: Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày. Như vậy, Đức Giêsu cũng cho thấy rằng, các tạo vật, thay vì giết hại lẫn nhau để tự nuôi thân, phải được nuôi dưỡng do chính vị sáng tạo nên mình.

Điều này chẳng có gì lạ. Để có thể nuôi mình nhờ hoa màu ruộng đất, trước hết đứa trẻ cần được nuôi dưỡng 9 tháng nhờ thân thể và máu của người mẹ. Cũng vậy, đối với nhân loại, để vươn tới những lương thực do Thiên Chúa dọn sẵn cho họ từ khởi đầu, trước hết, họ phải chấp nhận được nuôi nhờ thịt và máu Thiên Chúa của mình. Thánh Thể -được chiêm ngưỡng và lãnh nhận- chính là cuống nhau tái tạo nhân loại, làm cho con người cũ thành con người mới. Nhờ Thánh Thể, con người được trả lại đời sống vĩnh cửu.

Tấm bánh hay là một con người

Đức Giêsu vừa mới làm phép lạ hoá bánh ra nhiều tại một nơi khô cằn, tức là tại nơi sự chết đang rình rập. Đức Giêsu đã khơi dậy sự sống, và như vậy Người đã nhắc lại hoạt động xưa kia của Thiên Chúa đã làm cho dân Do-thái thoát khỏi cái đói trong sa mạc. Quả là một sự kiện lạ lùng. Vậy mà những người chứng kiến lại dựa trên phép lạ này để hành động theo cách của mình. Họ định tôn Người làm vua, nhưng Đức Giêsu đã từ chối. Người đưa ra cho họ một cách hiểu mới về sự việc vừa xảy ra. Người tuyên bố: Tôi là bánh trường sinh từ trời xuống.

Thực là một mặc khải mới mẻ, lạ lùng. Lương thực để nuôi sống nhân loại, làm cho nhân loại được sống thực sự và sống vĩnh viễn không còn là những thứ bánh thông thường, nhưng chính là thân thể, là máu của một ngôi vị sống động. Tất cả những thứ bánh của trần gian, kể cả man-na thời sa mạc, chẳng có giá trị gì so với bánh do Đức Giêsu ban. Con người đó chính là con người Đức Giêsu trong mầu nhiệm nhập thể -Ngôi Lời đã làm người-, một con người thực sự với những điều kiện của thân phận làm người.

Tuy vậy, con người này không phải là một hữu thể như bất cứ ai khác, trái lại, đó là Con Người với tất cả ý nghĩa cao cả của nó. Đây là Con Người luôn hiệp thông với trời cao, là Con Người đã đi xuống, sẽ đi xuống tận cùng để được nâng lên (3,14). Đây là Con Người từ trời xuống.

Và hơn thế nữa, Con Người từ trời xuống còn có mục đích rõ ràng và cụ thể là hiến mạng sống mình, nói cách khác là sẽ chịu chết. Điều này có nghĩa là chỉ trong Đức Kitô chịu hiến tế, nhân loại mới có thể hiểu được toàn bộ ý nghĩa vinh quang của Tấm Bánh. Tấm Bánh đó chính là Đức Giêsu, Đấng trở thành lương thực nuôi dưỡng tâm hồn con người và dẫn đưa họ về sự sống vĩnh cửu.

Do đó, ăn thịt và uống máu không phải là hành vi thể lý, nhưng là thái độ chấp nhận cách vô điều kiện về con người đã tự nộp mình, đã đón nhận cái chết để đem ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Đó là đón nhận trong lòng tin mầu nhiệm sự chết được Đức Giêsu nói đến như một hổng ân, bởi vì Đức Giêsu sẽ tự hiến mình chịu chết và sẽ phục sinh.

Như vậy, việc ăn và uống chính là chấp nhận mối tương quan nối kết với Chúa Cha qua Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu là trung tâm của mối tương giao này. Chính Người là trung gian, hay nói đúng hơn, chính nơi Người, mối tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại được thể hiện chặt chẽ, và đó là sự sống.

Đức Giêsu có thể công bố điều lạ lùng này vì Người là Con Thiên Chúa. Nhờ lãnh nhận Mình và Máu Người, nhân loại trở thành con Thiên Chúa. Nhờ Người Con duy nhất, nhân loại được ở gần Thiên Chúa, được quy hướng về Thiên Chúa, và được sống, được sống đích thực.

Với diễn từ về Bánh Trường Sinh, Đức Giêsu trình bày rõ ràng về giao ước mà Thiên Chúa đã hứa. Giao ước này sẽ được thực hiện rõ ràng và trọn vẹn trong cái chết của Đức Giêsu.

Sự thách thức hay là lời mời gọi

Nghe những lời nói của Đức Giêsu, người Do-thái coi đó là một sự thách thức. Họ đã không chấp nhận mầu nhiệm nhập thể. Trước mắt họ, Đức Giêsu chỉ là một con người bình thường như tất cả mọi người, chẳng phải là Đấng từ trời xuống. Họ không hiểu về thái độ dâng hiến của Đức Giêsu nên cũng chẳng nhận cái chết của Đức Giêsu sẽ là nguồn mạch đem lại sự sống. Đó là cớ vấp ngã do Thập giá.

Thành ra, những lời tuyên bố đầy thiết tha của Đức Giêsu, thay vì loan báo sự sống, lại trở thành những lời thách thức. Thế nhưng, ngay khi họ muốn tiêu diệt Đức Giêsu, ngay khi họ giết Người, họ lại đụng phải một thực tại không ngờ từ trời xuống: Người này là Con Thiên Chúa!

Đối với chúng ta, lãnh nhận Mình và Máu Đức Giêsu là chấp nhận để cuộc đời mình tan biến trong Đức Giêsu, trong cái chết của Người. Khi lãnh nhận Mình và Máu Đức Giêsu, chúng ta được tan biến trong Người chứ không phải Người tan biến trong chúng ta. Chính chúng ta được đưa vào trong tiến trình sự sống của Đấng đang được ta đón nhận, và nhờ đó, chúng ta đạt tới tầm nhìn về một sự sống mới. Đây không còn là vấn đề giết lấy mà ăn, nhưng là chia sẻ, là trao đỗi. Điều cốt yếu không phải là thực tại thể lý, nhưng là cử chỉ trao tặng, đón nhận, là tiến trình tạ ơn.

Đó là thực tại đích thực, thực tại duy nhất có thể làm cho con người được sống sâu xa. Thực tại này mở ra một lãnh vực mới không còn dấu vết của thời gian, của sự chết. Thực tại ấy là ân huệ Thánh Thần. Và chúng ta hiểu đây là lời mời gọi chân tình.


 

54. Kỷ vật tình yêu

(Suy niệm của Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP)

Chúng ta có thể quả quyết: Mỗi thánh lễ đều là lễ “Mình Máu Thánh Chúa”. Nhưng ngày lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa được Giáo Hội ấn định hằng năm vào ngày Chúa Nhật liền sau Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi, phải có lý do. Đúng, đây là cơ hội đặc biệt để chúng ta tìm hiểu và suy niệm cách sâu xa hơn về mầu nhiệm này: một mầu nhiệm đức tin và cũng là mầu nhiệm tình yêu.

Có một đôi vợ chồng trẻ kia mới lấy nhau được hơn hai năm. Trong thời gian đó, họ đã sống với nhau thật hòa hợp hạnh phúc. Mỗi ngày vào buổi sáng trước khi rời nhà đi làm, và chiều tối khi trở về ngôi nhà thân thương, anh chồng không khi nào quên trao cho vợ một cử chỉ âu yếm và một lời nói yêu thương. Nhờ đó tình yêu giữa hai vợ chồng ngày một thêm thắm thiết, hạnh phúc. Nhưng rồi hạnh phúc của đôi vợ chồng đã bị đe dọa. Một hôm, người chồng bị trúng mưa trên đường đi làm về. Sau đó anh bị cảm nặng liệt giường và được người vợ chăm sóc chu đáo. Anh được mang đến bệnh viện khám và điều trị. Bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm cuống phổi. Dù được tận tình chữa trị và được chăm sóc chu đáo, nhưng bệnh tình ngày một thêm trầm trọng. Cuối cùng bác sĩ xác định anh bị ung thư màng phổi ác tính vào thời kỳ thứ ba. Khi sắp chết, anh gọi vợ lại gần trăn trối. Anh thều thào nói: “Em yêu quý, có lẽ sắp tới giờ Chúa gọi anh về. Anh đã chuẩn bị tâm hồn và sẵn sàng vâng theo ý Chúa. Anh chỉ tiếc một điều là không được tiếp tục sống bên em nữa. Anh cám ơn em đã đem lại cho anh những ngày chung sống hạnh phúc. Trước khi đi xa, để chứng tỏ tình yêu vĩnh cửu của anh, anh không có gì trối lại cho em ngoài chiếc nhẫn mà hai vợ chồng mình đã trao cho nhau, khi cầm tay kết ước trước bàn thờ Chúa cách đây hơn hai năm. Bây giờ anh xin tặng chiếc nhẫn kỷ vật này cho em, để mỗi lần nhìn chiếc nhẫn này, em biết rằng anh vẫn luôn ở bên em và hằng cầu mong cho em được an vui hạnh phúc”.

Nói xong, anh tháo chiếc nhẫn đang đeo và âu yếm xỏ vào tay vợ, như hai người đã làm cho nhau trong ngày cưới. Sau khi chết, anh được an táng trong một nghĩa trang ở gần nhà. Sau đó, hằng ngày người ta thấy một phụ nữ trẻ, đầu đội khăn tang, tay cầm bó hoa, đi vào nghĩa trang. Chị đứng trước một ngôi mộ cỏ mọc chưa xanh và cầu nguyện cho người chồng quá cố. Trên tay chị ta đeo hai chiếc nhẫn cưới: một chiếc của ngày thành hôn và chiếc kia là kỷ vật của người chồng quá cố để lại cho chị.

Câu chuyện trên có thể giúp chúng ta hình dung một việc làm chứng tỏ tình yêu vô hạn của Thiên Chúa, đó là việc Chúa lập phép Thánh Thể, để lưu lại cho chúng ta một bằng chứng tình yêu vĩ đại. Thực vậy, trước giờ biệt ly, trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ thân yêu, Chúa đã muốn để lại cho con người một kỷ vật, một vật kỷ niệm. Ngài không để lại vàng bạc, vì Ngài biết rằng tiền bạc không nói lên được tình yêu, tiền bạc hay phản lại tình yêu. Ngài không để lại một bức thư từ biệt, vì thư bất tận ngôn, hay một lời nói, vì lời nói như hơi gió, có đó và hay mất đó. Ngài không để lại bất cứ một cái gì, bởi vì đối với Chúa, tất cả mọi thứ ở trần gian này đều tầm thường quá, hời hợt quá, không đủ nói lên tấm lòng yêu thương quá nồng nàn của Ngài đối với nhân loại. Ngài muốn để lại một cái mà thường tình người ta yêu thương hơn cả, kỷ vật Ngài muốn lưu lại cho loài người phải hết sức đặc biệt, đó là chính bản thân Ngài, chính mình Ngài.

Nhưng cái bản thân bằng xương bằng thịt của Chúa lại sắp bị bắt và bị giết chết. Do đó, Chúa phải thực hiện ý muốn trên bằng một thể thức vô cùng linh diệu, là lưu lại bản thân Chúa dưới hình thức nhiệm mầu: Chúa lấy bánh và rượu để biến đổi thành Mình và Máu Chúa, rồi phân phát cho các tông đồ như của ăn của uống thiêng liêng nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Đây là một sự việc hàm chứa rất nhiều ý nghĩa yêu thương nhưng cũng mang đầy tính chất đức tin.

Quả thực, đây là mầu nhiệm đức tin. Bởi vì trí khôn chúng ta không hiểu được, giác quan chúng ta không cảm nhận được, chỉ có đức tin dạy cho chúng ta biết: Chúa hiện diện thât sự trong bí tích Thánh Thể. Rước lễ là chúng ta ăn Mình Chúa và uống Máu Chúa, đây là lương thực vừa giúp chúng ta sống khỏe, sống mạnh, sống tốt đẹp ở đời này vừa bảo đảm cho sự sống lại và cuộc sống vĩnh cửu, như Chúa đã quả quyết: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì tôi sống trong người ấy, và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết và được sống đời đời”. Như vậy, người ăn Mình Chúa và uống Máu Chúa sẽ thuộc về Chúa ngay từ đời này, và mai ngày sẽ thuộc về Ngài mãi mãi. Thánh Thể là dấu chỉ cho đời sống vĩnh cửu đã khởi sự, và là bảo chứng cho sự sống lại ngày sau hết. Đó là ý nghĩa mầu nhiệm Thánh Thể chúng ta long trọng mừng kính hôm nay.

Chúng ta hãy ghi nhớ và thực hành hai điều sau: Thứ nhất, chúng ta hãy siêng năng rước lễ. Mỗi khi tham dự thánh lễ là chúng ta đi dự tiệc, có ai đi dự tiệc mà lại không ăn uống chăng? Thế mà có khá đông người tham dự thánh lễ mà không ăn và uống Mình Máu Chúa. Phải chăng thánh lễ chỉ còn là một nghi thức và bổn phận phải làm, chứ không còn là sự sống được trao ban? Hay phải chăng vì thấy việc rước lễ xem ra không có hiệu quả trong đời sống, nên chúng ta thất vọng và không muốn rước lễ nữa? Những mối bận tâm như thế không đủ để chúng ta khước từ nguồn ơn cứu độ là chính Đức Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể.

Thứ hai, tất cả chúng ta đều tin rằng khi chúng ta rước lễ là chúng ta được kết hiệp với Chúa Kitô. Nhưng sự kết hiệp đó phải đưa chúng ta đến sự hiệp thông với nhau, tức là yêu thương nhau. Đúng ra phải như thế, nhưng thực tế có được như vậy không? Có lẽ nhiều người Kitô hữu quên mất điều này: hiệp thông với Chúa Kitô phải đưa đến sự hiệp thông với nhau. Đàng khác, thánh lễ là diễn lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, cho nên bằng chính những hy sinh lớn nhỏ vì yêu thương phục vụ tha nhân, chúng ta làm trọn cử chỉ Thánh Thể thực hiện trong thánh lễ, bởi vì đời ta là một thánh lễ nối dài. Xin Chúa cho chúng ta luôn sống được như thế.


 

55. Hiện Diện - Hiệp Nhất - Chia Sẻ

(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.)

Trong ý nghĩa yêu thương, trước giờ biệt ly, Chúa Giêsu muốn để lại cho loài người một vật kỷ niệm. Người đời trước khi đi xa, thường lưu lại cho người thân thích một món đồ nào đó để ghi nhớ: một cuốn sách, một khăn tay, một tấm hình, một cái áo, một chiếc nhẫn V.v...Đối với Chúa Giêsu, những vật đó hay bất cứ vật nào cũng đều tầm thường quá, hời hợt quá, không đủ nói lên tấm lòng yêu thương nồng nhiệt của Chúa đối với nhân loại. Kỷ vật Chúa muốn lưu lại cho loài người phải hết sức đặc biệt, đó là chính bản thân Chúa.

Nhưng bản thân bằng xương bằng thịt của Chúa lại sắp sửa bị bắt và bị giết chết. Do đó, Chúa đã thực hiện ý muốn trên bằng một thể thức vô cùng linh diệu, là lưu lại bản thân Chúa dưới hình thức nhiệm mầu. Chúa lấy bánh và rượu biến đổi thành Mình và Máu Ngài: "Này là Mình Thầy", "Này là chén Máu Thầy". Với những lời ấy, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể. Rồi Chúa còn truyền cho các môn đệ: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy", tức là Chúa ban quyền cho các môn đệ được làm việc cao quý này để tưởng niệm đến Ngài.

Như thế, trong bữa tiệc ly và cũng là thánh lễ đầu tiên do Chúa Giêsu cử hành, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và ban quyền chức linh mục cho các tông đồ. Từ đó trở đi, cho tới ngày nay, và cho tới tận thế, trong thánh lễ, khi linh mục trịnh trọng lặp lại những lời của Chúa Giêsu: "Này là Mình Thầy", "Nầy là chén Máu Thầy', tức thì bánh không còn là bánh, rượu không còn là rượu nữa, nhưng là Mình và Máu Chúa Kitô. Đây là một chân lý cao siêu vượt quá sự hiểu biết của trí khôn loài người.

Bởi vì trước và sau khi linh mục đọc lời truyền phép, chúng ta có nhìn xem, đụng chạm tới hay nếm bánh và rượu chưa truyền phép và đã truyền phép, chúng ta chẳng thấy có gì khác nhau. Nhưng theo đức tin thì lại khác xa nhau một trời một vực: một đàng là Mình Máu Thánh Chúa Kitô, một đàng là một tấm bánh nhỏ bé, một chút rượu tầm thường. Vì thế, chúng ta gọi đây là một bí tích và là một mầu nhiệm đức tin.

Như vậy, trong tình yêu và vì tình yêu, Chúa Giêsu đã tìm ra một phương thế để ở lại với các môn đệ; và qua mọi thời gian, ở lại với tất cả những ai tin vào Ngài. Vì thế, Thánh Thể được gọi là bí tích của sự hiện diện. Dưới hình bánh và hình rượu, Chúa Giêsu hiện diện luôn mãi với loài người nơi trần gian.

Thánh Thể còn là bí tích của sự hiệp nhất. Trước hết, Thánh Thể làm cho chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, bởi vì Ngài đến với chúng ta dưới hình bánh hình rượu, làm cho chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài. Đồng thời, khi kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, thì Thánh thể cũng kết hiệp chúng ta với nhau: được qui tụ chung quanh một bàn ăn, chúng ta cùng uống một chén, chia sẻ cùng một của ăn, chúng ta sống bằng chính mầu nhiệm của tình thương, chúng ta càng hiệp nhất với nhau còn hơn là con cái của một gia đình.

Thánh Thể còn là bí tích của sự chia sẻ: bí tích Thánh Thể đã được Chúa Giêsu thiết lập trong bầu khí thân tình của một bữa ăn từ giã. Tấm bánh Chúa Giêsu đã cầm và phân chia cho các môn đệ cũng như chén rượu Ngài đã trao cho các môn đệ là để họ cùng ăn cùng uống trong tình huynh đệ; và chính việc chia sẻ này đã được Chúa dùng như dấu chỉ cho các môn đệ làm để nhớ đến Ngài. Cũng vậy, ý thức chia sẻ đòi buộc mỗi người không được đóng khung những buổi cử hành Thánh Thể bên trong nhà thờ, nhưng phải sống mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm yêu thương ngay trong cuộc sống mỗi ngày. Chúng ta cũng không thể cử hành Thánh Thể một cách trung thực nếu chúng ta sống dửng dưng, ích kỷ, không quan tâm đến những anh chị em chung quanh. Nếu chúng ta nghèo của cải vật chất, chúng ta hãy chia sẻ, hãy cho tình thương, sự thông cảm, vị tha, bác ái dưới mọi hình thức với hết mọi người.

Tóm lại, về Phép Thánh Thể, chúng ta hãy nhớ: Thánh Thể là một bí tích. Trong Thánh Thể, có Chúa Giêsu thật sự. Vì thế, sau khi truyền phép, không còn bánh và rượu trên bàn thờ nữa. Chúng ta hãy siêng năng tham dự thánh lễ. Mỗi lần dâng thánh lễ là chúng ta cử hành việc Chúa lập phép Thánh Thể. Đàng khác, chúng ta hãy cố gắng rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ, bởi vì rước lễ làm cho chúng ta kết hiệp với Chúa Kitô và hiệp nhất với nhau; tăng thêm sức mạnh cũng như nghị lực cho chúng ta trên đường lữ thứ trần gian; và bảo đảm sự sống đời đời của chúng ta. Như thế, bàn tiệc Thánh Thể trở nên điểm hẹn diệu kỳ, nơi đó, chúng ta được nối kết với Chúa Kitô và nối kết với nhau, để cùng nhau xây dựng một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn.

 

home Mục lục Lưu trữ