Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 56
Tổng truy cập: 1378204
Giao ước và những ràng buộc
Giao ước và những ràng buộc
(Suy niệm của Peter Feldmeier - Lm. GB. Văn Hào SDB, chuyển ngữ)
“Ai phụng sự ta phải theo ta” (Ga 12,26)
Giao ước khác với hợp đồng. Khi ký hợp đồng, bản ký kết mang tính pháp lý, trói buộc đôi bên vào những nghĩa vụ và quyền lợi. Nếu hợp đồng xuôi thuận, cả hai bên đều có lợi. Nhưng sự cam kết này không mang tính cá nhân riêng lẻ, vì đã được luật pháp công khai bảo hộ. Tôi đã từng ký hợp đồng vay tiền mua xe mà không hề gặp mặt trực tiếp nhân viên ngân hàng. Tôi cũng ký nhiều hợp đồng khác để thuê nhà, nhưng chưa hề giáp mặt với ông chủ của những ngôi nhà đó. Người ta không cần có mặt để ký hợp đồng, vì đã có luật lệ ràng buộc. Nhưng ký giao ước thì hoàn toàn khác, chuyện đó rất riêng tư. Nó chỉ dựa trên sự quen biết hay mối tương giao thân hữu mà thôi.
Khi Đức Chúa Giavê ký giao ước với dân Israel trên núi Sinai, dường như có vẻ rất riêng tư và thân tình. Môise đã lấy máu con vật sát tế để rảy trên dân chúng như một động thái của việc ký kết giao ước, và máu đó thanh tẩy dân chúng. Nhiều người trong dân đã hiểu việc đó, và lề luật được ban bố sẽ gắn kết đời sống họ với Đức Chúa Giavê (Tv 119).
Nhưng khi đọc lại sách các vua quyển thứ nhất và quyển thứ hai, chúng ta thấy các thế hệ về sau, nhiều người trong Israel và cả các lãnh đạo tôn giáo đã dần quên giao ước ngày xưa và họ cũng chẳng bao giờ nhắc đến. Giao ước trên núi Sinai đã không còn hiệu lực để trói cột họ với Thiên Chúa nữa.
Đó là nội dung bài đọc thứ nhất trong phụng vụ hôm nay. Giêrêmia loan báo trước về một giao ước mới, hoàn toàn mới,sẽ được ký kết giữa Thiên Chúa và dân Ngài, thay cho giao ước cũ. “Không giống như giao ước Ta đã ký kết với cha ông các ngươi, khi Ta cầm tay đưa dẫn họ thoát khỏi đất Ai Cập. Vì cha ông các ngươi đã xé bỏ giao ước, mặc dầu Ta là Chúa tể của họ”. Đức Chúa phán như thế. Còn giao ước mới thì khác. Thiên Chúa công bố “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của ta. Vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta”.
Giao ước mới này đi vào nội tâm một cách sâu xa hơn. Thiên Chúa khắc ghi giao ước vào tâm hồn, vào con tim của họ, và dân chúng sẽ nhận biết Chúa. Ezekiel và Isaia (Ez 16,59; 36,25; Is 55,3; 59,21; 61,8) cũng nói về giao ước mới, một giao ước diễn bày sự thông hiệp với Chúa, và Thần khí Chúa sẽ khơi dậy nguồn sáng mới trong tâm tư của dân Ngài.
Thánh Phaolô (xem 2Cor 3.5) và tác giả thơ Do Thái (xem 8,8) đều quy chiếu vào Đức Giêsu như là Đấng hiện thực tròn đầy lời hứa của giao ước mới này. Bài giảng trên núi của Đức Giêsu phản ánh lời mời gọi biến đổi nội tâm cách sâu xa, khác với giao ước cũ thời xưa. Khi Đức Giêsu công bố một cách chính thức bản giao ước mới trong bữa tiệc ly, chúng ta sẽ thấy rõ hơn chiều sâu và tính cách nội tâm hóa của giao ước mới. Lời tiên báo năm xưa về giao ước mới, phải rất lâu về sau mới trở thành hiện thực, xuyên qua Đức Giêsu, và cách thái thể hiện giao ước sẽ ngập tràn vinh quang ngời sáng vượt sức tưởng tượng của chúng ta.
Đối với các Kitô hữu, giao ước mới này vừa khai sáng vừa gợi mở ra những thách đố. Đức Giêsu và giao ước mới biểu thị cho lời công bố chung cuộc của Thiên Chúa và ơn cứu độ trường cửu. Sự thách đố này được gợi lên trong tâm khảm và cõi lòng chúng ta, vì giao ước được viết bằng chính máu cứu độ của Đấng Cứu thế. Tôi nhớ lại trong cuốn phim “Người chết đi lang thang” (The Dead Walking), có một mẩu đối thoại rất hay giữa hai nhân vật chính: Nữ tu Helen Prejean và tên tử tội Matthew Poncelet. Poncelet là một con người ngạo mạn, cố chấp không chịu sám hối và luôn tỏ ra hung tợn. Anh ta cũng biết mình là một tín hữu, đã gây nên tội ác, nhưng hắn đã nói với nữ tu Helene là hắn không sợ chết. Anh ta nói: “Giữa tôi và Thiên Chúa không có gì phải ầm ĩ. Tôi biết ông Giêsu đã chết trên Thập giá cho chúng tôi, và nếu tôi có phải ra trước tòa phán xét, thì ông Giêsu cũng sẽ ở đó để cứu tôi. Tôi chẳng cần sám hối làm gì.” Nữ tu Helene trả lời: “Anh Mattheu, không phải thế đâu. Ơn cứu độ không phải là một tấm vé phát không, tặng ban cho cả những ai không muốn đón nhận. Không phải vậy, Đức Giêsu đã phải trả giá rất đắt để đem ơn cứu độ cho chúng ta. Anh phải cộng tác, phải mở lòng ra để cộng tác và đón nhận, thì ơn cứu độ mới phát sinh hiệu quả cho anh. Đó là việc anh phải làm.”
Câu trả lời đó hướng chúng ta đến ý nghĩa của bài Tin mừng hôm nay. Khi gợi nhắc về mầu nhiệm Thập giá và chân tính đích thực của người môn đệ, Đức Giêsu nói với chúng ta “Qủa thật, nếu hạt lúa mỳ rơi xuống đất không chết đi, nó sẽ vẫn chỉ là hạt lúa. Nhưng nếu nó chết đi, nó thối đi, nó sẽ sinh nhiều hạt khác. Ai yêu sự sống mình sẽ mất nó. Ai phụng sự ta phải theo ta”.
Bản giao ước mới này phải đi vào cuộc sống chúng ta, trở nên một phần trong ta và biến đổi tâm hồn của ta. Đối với các Kitô hữu, chúng ta phải tiếp bước dấu chân của Đức Giêsu trên con đường Thập giá, để có thể bội thu trong mùa gặt, ngay trong cuộc sống hôm nay và cả trong cuộc sống mai sau. Ở đây, chúng ta thấy có một nghịch lý tương phản và đối xứng nhau: Bản giao ước mới là một quà tặng vô giá được trao ban một cách nhưng không, nhưng nó cũng đòi hỏi chúng ta phải trả giá, bằng việc chúng ta phải trao dâng tất cả, từ bỏ tất cả, như hạt giống mục thối trong lòng đất, để có thể chiếm hữu được món quà cao quý này.
22. Hạt lúa mì mục nát trổ sinh hoa trái
(Suy niệm của Lm Trần Bình Trọng)
"Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất, không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác "(Ga 12:24). Thoạt nghe, ta có thể cho rằng đó là lời phát biểu tầm thường, vì ai quan sát cũng đều thấy và biết như vậy. Tuy nhiên Chúa Giêsu không chỉ nói đến cái tiến trình biến đổi của thực vật, như cỏ cây hoa lá mà thôi. Cái luật đó còn được áp dụng cho cả loài người về đời sống thể lý, tinh thần và thiêng liêng nữa.
Phúc âm hôm nay ghi lại, Chúa cầu nguyện với tâm hồn xao xuyến, xin cho được thoát khỏi chén đắng nghĩa là được thoát khỏi án tử hình. Tuy nhiên Người cũng cầu nguyện xin cho được vâng theo thánh ý Chúa Cha, tức là chấp nhận cái chết trên thập giá để làm giá cứu chuộc loài người. Qua miệng tiên tri Isaia, Thiên Chúa đã hứa với dân Người một giao ước mới và vĩnh cửu, để thay thế cái giao ước cũ trên núi Si-nai, cái giao ước mà dân Chúa đã không tuân giữ. Giao ước mới này không được viết trên bia đá, cũng không phải bằng máu chiên cừu, mà Môi-sen đã dùng để phê chuẩn giao ước cũ, nhưng được phê chuẩn bằng máu con Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của lời truyền phép mà linh mục chủ tế đọc trong thánh lễ: "Đây là máu tân ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội". Theo thơ gửi tín hữu Do Thái, ta được biết vâng lời và chấp nhận khổ giá là một phần của cái giao ước mới. Cái sứ điệp mà Đức Kitô đến để công bố trong giao ước mới đưa tới sự chết. Vì vâng lời, nên Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại. Chúa Giêsu với tư cách là Thiên Chúa, không thể chịu đau khổ vá chịu chết. Chúa chỉ chịu đau khổ và chịu chết trong cái thân xác loài người của Người mà thôi. Vì thế khi sống lại, Chúa cũng sống lại trong cái thân xác loài người của Ngưòi. Còn xét về bản tính Thiên Chúa, thì trước sau, Ngôi Hai Thiên Chúa vẫn là một, không hơn không kém, không thêm, không bớt, không thể chết đi, cũng không thể sống lại.
Để chia sẻ sự sống mới với Chúa Kitô, ta phải sẵn sàng chết đi với Người. Đó là trường hợp các vị tử đạo đã làm, nghĩa là chấp nhận cái chết vì đức tin vào Chúa để được hưởng sự sống mới. Ta cũng có thể hiểu cái chết ở đây theo nghĩa bóng. Có những văn sĩ cũng đã dùng quan niệm chết đi theo nghĩa bóng như "chia ly là chết cho mình một nửa".
Theo nghĩa bóng của cái chết thì người tín hữu phải sẵn sàng chết đi cho tội lỗi, chết đi cho tính mê nết xấu, chết đi cho tính tham lam ích kỷ, chết đi cho tính thù hằn giận ghét, chết đi cho tính kiêu căng tự phụ, chết đi cho thái độ sống chết mặc bay để có thể được tham dự vào đời sống mới với Đức Kitô. Sẵn sàng chịu chê cười nhạo báng và chịu bách hại vì tin yêu Chúa là chết đi một phần. Sẵn sàng trả cái giá trong cách sống, cách nói năng và hành động để làm môn đệ Chúa cũng là chết đi cho mình một phần. Sẵn sàng chịu mất mát, mất bạn bè, mất việc làm, mất địa vị xã hội, nếu những sự việc trên làm cản trở cho bước đường làm môn đệ, làm sứt mẻ mối liên hệ vơi Chúa, cũng là chet đi cho mình một phần. Nói tóm lại chỉ khi nào người ta tham dự vào cuộc hi sinh khổ hình của Chúa, người ta mới có thể chia sẻ cuộc phục sinh vinh hiển với Người (2 Tim 2:11).
Theo cái định luật đào thải của bộ máy tiêu hoá, thì cái gì vào, nó phải ra. Nếu không sẽ bị ứ đọng. Theo cái định luật cung cầu của kinh tế, thì có nhập cảng, phải có xuất cảng. Nếu không, quốc gia sẽ không có ngoại tệ. Về đời sống tâm lý và đời sống thiêng liêng cũng có định luật. Khi người ta chỉ sống cho mình, không cho đi, thì cái liên hệ với người khác sẽ bị cằn cỗi, và đời sống liêng liêng sẽ không được vươn lên. Tất cả những định luật đó: định luật tự nhiên, định luật tâm lý, định luât kinh tế, nguyên tắc làm giàu cho đới sống tinh thần và đời sống thiêng liêng đã được Thiên Chúa đặt để trong vũ trụ và trong tâm khảm loài người.
23. Hạt lúa mục nát đi mới trổ sinh bông trái
(Suy niệm của Lm. Trần Bình Trọng)
Danh tiếng Đức Giêsu lúc này đã phải vang dội như sóng bạc đầu, nhất là việc Người vừa làm cho ông Ladarô đã chết bốn ngày sống lại ở Bêtania cách Giêrusalem có hai dậm. Vì thế mà một số người hành huơng Hy lạp xin ông Phi-líp-phê, có tên Hy-lạp cho yết kiến Đức Giêsu, có lẽ với hi vọng được sự thông cảm của người cũng có tên Hy lạp. Ông Phi-líp-phê lại hỏi ý kiến ông An-rê cũng mang tên Hy-lạp. Nhóm người Hy lạp đây không phải là người Do thái nói tiếng Hy lạp, nhưng là người Hy lạp sống ở Do thái, đã phải nghe đồn thổi về việc Ladarô được Đức Giêsu cho sống lại (Ga 12,17). Trước khi đế quốc La mã thống trị Do thái, thì đế quốc Hy lạp đã đặt chân ở đây. Người Hy lạp được tiếng là chuộng triết học, kiến trúc và nghệ thuật. Có lẽ vì những lí do đó mà họ đến viếng thăm Đền thờ Giêrusalem với kiến trúc đồ sộ nguy nga và xin được gặp Đức Giêsu.
Dịp này các thượng tế và nhóm người Pharisêu đang tìm cách hạ sát Đức Giêsu vì họ sợ ảnh hưởng của Người. Phúc âm ghi lại, họ sợ thiên hạ theo ông ấy hết (Ga 12,19). Còn Đức Giêsu thì gián tiếp trả lời nhóm người Hy lạp khi bảo các môn đệ rằng: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12,24). Thoạt nghe, người ta cho rằng đó là lời phát biểu có tính cách tầm thường, vì ai quan sát cũng đều thấy và biết như vậy. Tuy nhiên Đức Giêsu không chỉ nói đến tiến trình biến đổi của thực vật, như cỏ cây hoa lá mà thôi. Luật đó còn được áp dụng cho cả loài người về đời sống thể lý, tinh thần và thiêng liêng nữa.
Phúc âm còn ghi lại, Đức Giêsu cầu nguyện với tâm hồn xao xuyến: Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha (Ga 12,27-28). Khi Giuđa phản đối việc bà Maria xức dầu thơm cam tùng hảo hạng lên chân Đức Giêsu, Người cũng đã ám chỉ về cái chết của Người khi bảo cứ để bà yên, hầu giữ lại dầu thơm cho ngày mai táng Người (Ga 12,7). Đức Giêsu còn ám chỉ Người sẽ phải chết cách bị treo lên khỏi mặt đất (Ga 12,32), nghĩa là trên thánh giá.
Qua miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã hứa với dân Người một giao ước mới và vĩnh cửu, để thay thế giao ước cũ trên núi Sinai, giao ước mà dân Chúa đã không tuân giữ. Giao ước mới này không được viết trên bia đá và không phải bằng máu chiên cừu, mà Môsê đã dùng để phê chuẩn giao ước cũ, nhưng được phê chuẩn bằng máu con Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của lời truyền phép mà linh mục chủ tế tuyên xưng trong thánh lễ: Đây là máu Tân Ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội. Theo thư gửi tín hữu Do thái, ta được biết vâng lời và chấp nhận khổ giá là một phần của giao ước mới (Dt 5,8-9).
Sứ điệp mà Đức Giêsu đến để công bố trong giao ước mới đưa tới sự chết. Và vì vâng lời, nên Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết. Xét theo bản tính Thiên Chúa, Đức Giêsu không thể chịu đau khổ và chịu chết. Người chỉ chịu đau khổ và chịu chết trong thân xác loài người của Người mà thôi. Vì thế khi sống lại, Đức Giêsu cũng sống lại trong thân xác loài người của Người. Còn xét về bản tính Thiên Chúa, thì trước sau, Ngôi Hai Thiên Chúa vẫn là một, không hơn không kém, không thêm, không bớt, không thể chết đi, cũng không thể sống lại.
Theo định luật đào thải của bộ máy tiêu hoá, thì cái gì vào, nó phải ra. Nếu không sẽ bị ứ đọng. Còn theo định luật cung cầu của kinh tế, thì có nhập cảng, phải có xuất cảng. Nếu không, quốc gia sẽ không có ngoại tệ. Về đời sống tâm lý và đời sống thiêng liêng cũng có định luật. Khi người ta chỉ sống cho mình, không cho đi, thì mối liên hệ với người khác sẽ bị cằn cỗi, và đời sống liêng liêng sẽ không được vươn lên. Tất cả những định luật đó: định luật tự nhiên, định luật tâm lý, định luật kinh tế, nguyên tắc làm giàu cho đới sống tinh thần và đời sống thiêng liêng đã được Thiên Chúa đặt để trong vũ trụ và trong tâm khảm loài người.
Để chia sẻ sự sống mới với Đức Kitô, ta phải đi theo tiến trình của kiếp sống con người: sinh lão bệnh tử. Trường hợp các vị tử đạo đã làm, là chấp nhận cái chết vì đức tin vào Chúa để được hưởng sự sống mới. Tuy nhiên rất ít người được phúc tử vì đạo. Đa số loài người trải qua cái chết tự nhiên. Ta cũng có thể hiểu cái chết ở đây theo nghĩa bóng. Có những văn sĩ cũng đã dùng quan niệm chết đi theo nghĩa bóng như "chia ly là chết cho mình một nửa" để nói lên sự mất mát về tình cảm và tinh thần.
Như vậy theo nghĩa bóng của cái chết thì người tín hữu phải sẵn sàng chết đi cho tội lỗi, chết đi cho tính mê nết xấu, chết đi cho tính tham lam ích kỷ, chết đi cho tính thù hằn giận ghét, chết đi cho tính kiêu căng tự phụ, chết đi cho thái độ sống chết mặc bay để có thể được tham dự vào đời sống mới với Đức Kitô. Sẵn sàng chịu chê cười nhạo báng và chịu bách hại vì tin yêu Chúa là chết đi một phần. Sẵn sàng trả giá trong cách sống, cách nói năng và hành động để làm môn đệ Chúa, cũng là chết đi cho mình một phần. Sẵn sàng chịu mất mát, mất bạn bè, mất việc làm, mất địa vị xã hội, nếu những sự việc trên làm cản trở cho bước đường làm môn đệ, làm sứt mẻ mối liên hệ với Chúa, cũng là chết đi cho mình một phần. Nói tóm lại chỉ khi nào người ta tham dự vào cuộc hi sinh khổ hình của Chúa, ta mới có thể chia sẻ cuộc phục sinh vinh hiển với Người (2 Tim 2,11).
Lời cầu nguyện xin cho được chết đi cho tội lỗi:
Lậy Chúa Giêsu! Chúng xin cảm tạ Chúa
đã đến thế gian, chấp nhận hi sinh thánh giá
để cứu chuộc tội lỗi loài người, gồm tội riêng con.
Xin cho con được sẵn sàng chết đi cho tội lỗi
và các thứ tính mê nết xấu
để con được sống lại trong ơn nghĩa với Chúa. Amen.
24. Chúa Nhật 5 Mùa Chay B
Chúa nhật hôm nay được coi như là Chúa nhật cuối cùng của thời gian chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Phục Sinh. Bước qua tuần tới là chúng ta bước vào Tuần Thánh, tuần lễ quan trọng nhất đối với chúng ta là những người sống niềm tin Kitô giáo. Và để giúp mỗi người chúng ta bước vào Tuần Thánh một cách vừa sốt sắng vừa ích lợi, Phụng vụ Lời Chúa trong ngày Chúa nhật cuối cùng này sẽ cho chúng ta thấy được ý nghĩa và giá trị của cuộc khổ nạn mà mà Đức Giêsu sẽ thực hiện trước mặt mọi người.
Nơi bài đọc thứ nhất, Lời Chúa qua miệng tiên tri Giêrêmia phán rằng: "Đã tới ngày Ta ký kết giao ước mới với dân Israel. Giao ước này không giống như giao ước mà Ta đã ký kết với tổ phụ chúng trong ngày Ta dẫn dắt chúng ra khỏi Ai cập, mà chúng đã nhiều lần phản nghịch. Giao ước mới này sẽ không còn ghi trên bia đá, nhưng là ghi vào tận đáy lòng của chúng. Cốt lõi của giao ước này chính là tình thương và sự tha thứ, nhờ đó mà mọi người từ lớn tới nhỏ đều nhận biết Ta. Và Ta, Ta sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng nữa." Vậy thì thử hỏi rằng: Bao giờ thì Thiên Chúa sẽ thực hiện việc ký kết mà Người vừa tiên báo? Thưa đó chính là ngày hôm nay, bằng chính cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
Tác giả bức thư gửi tín hữu Do thái, nơi bài đọc thứ hai khẳng định là: "Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu chính là một biến cố đem lại ơn cứu rỗi cho tất cả mọi kẻ tùng phục Người." Còn nơi bài Phúc âm, Thánh Gioan như muốn diễn tả nỗi thao thức của Chúa Giêsu về cái chết mà Người sắp phải chịu: "Khi nào Ta được đưa lên khỏi mặt đất, Ta sẽ lôi kéo mọi người lên cùng Ta." Và để cho mọi người có thể hiểu được điều mà Người mới vừa tuyên bố, Đức Giêsu đã dùng một hình ảnh quen thuộc, hình ảnh một hạt lúa được gieo trồng xuống đất, để nói về giá trị của cuộc khổ nạn mà Người sắp phải chịu: "Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình.
Nhưng nếu nó chết đi, thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt." Vâng! Đúng là như vậy; Nếu hạt lúa được gieo xuống mà không chấp nhận chết đi, thì nó vẫn mãi mãi là một hạt lúa khô cằn đơn độc. Trái lại, nếu nó chấp nhận chết đi, chấp nhận từ bỏ sự sống hạt lúa của nó, thì nó sẽ đem lại ích lợi cho mọi người. Bởi vì nó sẽ trở thành một cây lúa tươi tốt và trổ sinh nhiều bông hạt khác. Cho nên sự sống được từ bỏ kia không những là không mất đi cách vô ích, mà ngược lại nó sẽ tồn tại mãi mãi. Như thế thì Chúa Giêsu hoàn toàn có lý khi tuyên bố rằng: "Nếu nó chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được nó cho sự sống đời đời." Hạt lúa mà Đức Giêsu muốn nói đến ở đây, không ai khác hơn là chính Người. Từ Thiên cung ngự xuống, Người đã chấp nhận chết đi nơi mình những gì "là Chúa" và "của Chúa", để trổ sinh những hoa trái của ơn cứu chuộc, đó là đem lại cho mọi người sự sống đời đời.
Quả thật, nếu nhìn lại cuộc đời của Đức Giêsu nơi các tác giả Phúc âm, chúng ta đều thấy rằng: Người chính là Thiên Chúa quyền năng từ trời xuống thế làm người, chấp nhận một kiếp sống nhạt nhẻo tầm thường tại làng quê Nagiarét. Đến lúc khởi sự công việc rao giảng Nước Trời, Người lại chọn một cách thức cũng nghèo nàn: không tiền bạc, không phương tiện, không thế lực, cũng không có đến một lời giới thiệu hay sự bảo trợ nào của những người có uy tín trong xã hội. Và rồi trong suốt ba năm giảng dạy, Người đã nếm trải qua mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, mọi tâm trạng của một con người thấp cổ bé miệng: bị hiểu lầm chống đối, bị khước từ đánh đập và bị xử tử bằng một bản án dành cho những tội phạm nguy hiểm nhất. Và cuối cùng trên thánh giá, Đức Giêsu gục đầu như một kẻ thất bại hoàn toàn.
Thế nhưng đó chính là lúc Người chiến thắng, đó chính là lúc thế gian bị xét xử khai trừ, vì đó chính là lúc mà như Người đã báo trước: "Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến". Rồi gần với chúng ta hơn nữa là nếu hạt lúa chấp nhận bị nghiền nát để trở nên cơm bánh nuôi sống con người, thì Đức Giêsu cũng vậy, Người chấp nhận bị chôn vùi, bị nghiền nát trong cuộc khổ nạn, để trở thành tấm bánh trên bàn thờ nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta. Như thế, hạt lúa mà Đức Chúa Cha gieo vào trần thế này đã chết; Đức Giêsu đã chết.
Thế nhưng cái chết đó không phải là vĩnh viễn, mà cái chết đó đã được phục sinh và tồn tại mãi mãi để đem lại sự sống vĩnh cữu cho con người. Ngày hôm nay chúng ta sống trong một bối cảnh hoàn toàn khác với những người Do thái thời xưa. Chúa đã chết rồi và Chúa cũng đã phục sinh rồi. Chúng ta đã biết; chúng ta đã tin điều đó, và chính vì đã tin điều đó mà bây giờ chúng ta mới có mặt trong ngôi nhà thờ này. Vậy thì xin hỏi rằng: Việc tìm hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu có còn cần thiết nữa không? Thưa cần! ngày hôm nay Giáo hội cho chúng ta đọc lại câu chuyện này, trước khi mừng kỷ niệm cuộc khổ nạn của Chúa, chính là để nhắc cho chúng ta nhớ lại căn nguyên, nguồn gốc ơn cứu rỗi của mình.
Đồng thời cũng là để cho chúng ta nhìn vào đó mà suy nghĩ, chọn lựa một nếp sống mang lại ích lợi cho phần rỗi linh hồn của mình và cho những người chung quanh. Hạt lúa mà không chấp nhận chết đi cuộc sống riêng tư của nó, thì nó sẽ nên trơ trọi lẽ loi. Đời sống gia đình mà không chấp nhận chôn vùi những ý riêng, những sở thích cá nhân, thì những thành viên sống trong đó vẫn mãi mãi là mhững hòn đá nằm cạnh nhau mà thôi. Đời sống đức tin mà không chấp nhận nghiền nát những cái gọi là tính toán, hẹp hòi, ích kỷ, thì cuộc sống sẽ đơn điệu nhàm chán, và dần dần việc sống đạo sẽ trở một gánh nặng cho mình.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho nhau, để mỗi người chúng ta sớm nhận ra những điều mà mình cần phải để cho nó chết đi, để nhường chổ cho những điều tốt đẹp được tỏ hiện. Bởi vì con người tội lỗi có chết dần đi, thì con người vốn được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa mới dần dần được sống lại; Đó cũng chính là cách tốt nhất để chúng ta chuẩn bị bước vào Tuần Thánh sắp tới đây.
25. Thuốc bất tử – Lm. Trịnh Ngọc Danh
Thời Chiến quốc, có một người đem dâng cho vua nước Sở một vị thuốc bất tử. Người ấy bưng vị thuốc vào, đi ngang qua một viên quan canh cửa. Viên quan này hỏi:
- Vị thuốc này có ăn được không?
Người kia đáp:
- Ăn được.
Tức thì, viên quan giật lấy vị thuốc mà ăn. Chuyện đến tai vua. Vua truyền bắt viên quan đem giết.
Viên quan kêu:
- Thần đã hỏi người đem dâng thuốc là có ăn được không. Người ấy bảo: “ăn được”, nên thần mới dám ăn. Như thế là thần vô tội mà lỗi là ở người dâng thuốc. Hơn nữa, người đem dâng thuốc nói là thuốc “ bất tử”, nghĩa là thuốc ăn vào thì không chết nữa. Thế mà thần mới vừa ăn xong, lại sắp phải chết; vậy là thuốc “tử” chứ đâu phải thuốc “bất tử”? Nhà vua giết thần, thực là oan uổng cho một người vô tội; điều đó có nghĩa là thiên hạ dối lừa nhà vua mà nhà vua vẫn tin.
Nghe nói có lý, nhà vua bèn tha chết cho viên quan.
Một khát vọng
Chẳng ai muốn chết, và ai cũng muốn sống lâu, sống trường thọ; nhưng oái ăm thay! chết lại là số kiếp của con người, ai cũng phải một lần đi qua kết cuộc ấy.
Sống được trên trăm tuổi đã là tuổi hiếm thấy trên thế gian; vì thế người ta mới ghi vào sổ kỷ lục những ai sống trên trăm tuổi: cụ già sống được 110 tuổi một tháng, đạt kỷ lục trường thọ hơn cụ già sống 110 tuổi 20 ngày! Càng về cuối đời, người ta không tính sống được bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng nhưng tính hơn nhau từng ngày. Sống lâu trường thọ đến thế là một điều khâm phục, một niềm tự hào. Thọ là một trong ba nguyện ước con người thường cầu chúc cho nhau: Phúc- Lộc- Thọ.
Những mỹ phẩm mà người ta rao bán: làm trẻ mãi không già, thực ra chỉ có thể che lấp đi được những nếp nhăn nheo cằn cỗi trên thân xác, nhưng không thể níu kéo hay xoá đi tuổi già của thời gian. Và giả như ai đó phát minh ra được một thứ thuốc kéo dài tuổi thọ đến 100 hay 200 năm, chắc chắn người ấy sẽ trở thành nhà tỷ tỷ phú, và nếu chế được một thứ thuốc trường sinh bất tử thì chắc người ấy sẽ là người giàu nhất thế giới.
Thế mới biết: làm sao cho được “trẻ mãi không già”, được “sống lâu, bất tử” là khát vọng, nhưng đồng thời cũng là tuyệt vọng của con người.
Muốn sống, phải chết
Người đời bảo: chết là hết; thế mà có một người dám quả quyết: muốn sống, phải chết đi để được sống mà không phải sống trường thọ 2,3 trăm năm mà sống bất tử, sống đời đời: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”. Người ấy là Chúa Giêsu.
Nhưng chết bằng cách nào? Là tự tử? Là hủy hại thân thể? Không. Chết là “thối đi”, là “ghét sự sống ở đời này”; đó là cái chết cho những tiêu cực nơi tâm hồn.
Như thế, chết là hãm mình trước những cám dỗ của dục vọng, của ý riêng, là vượt thắng 7 mối tội đầu, là hy sinh vì 10 điều răn Chúa dạy, là từ bỏ những gì không thuộc ý muốn của Thiên Chúa; vì “Tính xác thịt thì ước muốn những điều trái nghịch với Thần Khí; còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái nghịch với xác thịt… Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ; đó là dâm bôn, ô uế, phóng đảng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những việc khác giống như vậy… Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”. ( Gl 5, 17.19-20.22-23)
Chết là canh tân đổi mới, là cải thiện tâm hồn, là thay đổi não trạng, thay đổi cách suy nghĩ sao cho hợp với thánh ý của Thiên Chúa: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng các đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” ( Rm. 12,2)
Chết là chấp nhận hy sinh, chịu “thối đi” nơi con người thể xác để cho hạt giống đức tin và Tin Mừng có điều kiện nẩy sinh và mang lại nhiều hoa trái cho người và cho đời.
Người không chịu “thối đi”, không dám “ghét sự sống của mình ờ đời này”, là người gạt bỏ sự siêu nhiên ra khỏi cuộc đời của người Kitô hữu, không còn tìm thánh ý Chúa, không còn hành động cho sáng danh Chúa; là cho rằng hy sinh, khiêm nhường, nhịn nhục là dại dột, chỉ vâng phục khi nào mình thấy hợp lý, có lợi cho bản thân.
Người không chịu “thối đi”, không dám “ghét sự sống của mình ở đời này” là người chỉ xem hạnh phúc trần thế là cứu cánh của cuộc sống; là người vẫn dự lễ, đọc kinh tối sáng, vẫn làm những công việc bác ái, nhưng cuộc sống của họ lại xa lạ với Tin Mừng. Trọng tâm của cuộc đời của họ là quyền hành, lạc thú, tiền của. Bạn hữu của họ là những người giàu sang quyền thế, ngay cả những kẻ bóc lột, tham nhũng… Họ không nghĩ đến đời sau, bình thản như thể họ sẽ sống muôn đời trên cõi đời này và thiên đàng đối với họ là trần gian.
Đó là những hạt giống không chịu “thối đi”, không chịu mục nát, những hạt giống “sống trơ trọi một mình”, nên không “sinh nhiều bông trái” cho đời, cho người, không manh ích lợi gì cho ai và như thế, cuộc sống của họ “sẽ mất”.
Thuốc bất tử
Phương thuốc bất tử mà Chúa Giêsu muốn mang đến cho con người là: sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15).
Trước tiên, phải sám hối, chịu “thối đi”, chịu “mất mạng sống mình” mới chỉ là những thứ chúng ta phải kiêng khem, phải hy sinh, phải hãm mình như người mắc bệnh tiểu đường phải kiêng ăn ngọt, người cao máu phải kiêng ăn mặn.
Kế tiếp, là tin vào Tin Mừng như lời Chúa đã phán: “Ai nghe lời Ta và tin Đấng đã sai Ta, thì được từ cõi chết mà qua cõi sống”. (Ga. 5,24); hay “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì có sự sống đời đời”. (Ga. 6,55)
Tóm lại, bài thuốc bất tử mà Chúa muốn ban cho chúng ta là Thập gía. Chúa Giêsu đã chấp nhận chết đi để trở thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại được nhìn lên Ngài và được sống.
Hạt lúa phải chịu nghiền nát để trở thành cơm bánh nuôi sống con người, thì Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài chấp nhận bị nghiền nát trong cuộc tư nạn đau thương để trở thành bánh thánh dâng lên Chúa Cha trên bàn thờ, đồng thời trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.
Thập giá đã trở thành ngai Chúa ngự để phán xét và ban sự sống. Ngài chết để đi vào vinh quang của Chúa Cha và trở thành Đấng ban sự sống đời đời cho chúng ta.
Cách thức để đi đến chiến thắng vinh quang lại là cách thức đau thương nhất, khốn cực nhất của trần gian.
Đáp lời kêu gọi của Thầy Chí Thánh: “Hãy đến mà xem”, “Hãy theo Ta”, chúng ta đã “đến mà xem”, đã “theo Thầy”, nhưng còn một điều kiện nữa để được sống bất tử là “vác thánh gía mình mà theo Thầy”, không biết chúng ta đã thực hiện điều kiện ấy chưa! đã chịu “thối đi”, đã “ghét mạng sống mình” được bao nhiêu!
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam