Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 43

Tổng truy cập: 1380080

GƯƠNG MÙ

Gương mù.

Bài Tin Mừng hôm nay có bốn lời khuyên của Chúa Giêsu được thánh Marcô ráp lại với nhau: Thứ nhất, hãy loại bỏ thái độ thống trị, ngay cả với người ngoài cộng đồng Giáo hội. Thứ hai, giá trị của mỗi người môn đệ là do liên đới với Đức Kitô. Thứ ba, đừng làm cớ cho người khác vấp ngã, dù là người nhỏ bé nhất. Thứ tư, hãy loại bỏ mọi nguyên nhân làm cho mình vấp ngã, vì giá trị tuyệt đối của nước trời. Sau đây chúng ta chỉ tìm hiểu hai điều sau thôi, tức là gương mù gương xấu.

Chúng ta biết: điều răn của Chúa đặt cơ sở trong cõi lòng, trong tư tưởng, trong lương tâm, một khi con người có tư tưởng thế nào thì hành động ắt sẽ xảy ra như vậy. Nhưng có một điều trớ trêu là từ tư tưởng tốt đến hành động tốt có vẻ hơi xa, ngược lại, từ tư tưởng xấu đến hành động xấu thì rất gần. Những hành động xấu lại là dịp tội, là gương mù gương xấu kéo theo bao nhiêu thứ tội khác và kéo theo bao nhiêu người khác nữa sa ngã: “Mù dắt mù cả hai ngã xuống hố”. Một ngọn đèn hết sáng thì bóng tối ùa vào, bao nhiêu ngọn đèn khác cần được thắp sáng nhờ ngọn lửa của ngọn đèn đó thì nay không còn. Một ngọn đèn tắt đi là không những tối cho mình mà nhiều người khác dễ vấp ngã.

Gương mù gương xấu là lời nói hay việc làm gây nên sự thiệt hại cho linh hồn người ta. Gương mù gương xấu ví như hòn đá đặt giữa lối đi làm cho người ta vấp ngã, nên dịp cho người ta phạm tội. Tai hại như vậy nên Chúa Giêsu gắt gao lên án hết mọi kẻ làm gương mù gương xấu. Chúa lên án gắt gao vì họ là kẻ giết người vô tội, tiêu hủy đức tin. Làm tăng thêm số người tội lỗi và khô khan, nói chung là làm hại các linh hồn. Kinh Thánh cho biết bà Dê-da-ben ăn ở lẳng lơ làm gương mù gương xấu cho dân, số người bắt chước đời sống xấu xa của bà trong mấy năm thôi đã trở nên gấp mười lần số người các ngôn sứ đã khuyên được sau bao nhiêu năm khó nhọc vất vả. Tai hại và nguy hiểm như vậy nên Chúa Giêsu nói: họ đáng buộc thớt đá cối xay vào cổ và quăng xuống biển, vì họ phải chịu trách nhiệm về những tội họ làm cho người ta phạm và những tội chính họ phạm nữa. Chúng ta cũng nên biết thêm một chút về câu nói trên đây của Chúa Giêsu. Ở Do Thái có hai loại thớt cối đá: một loại thớt cối xay bột do các bà làm bánh quay tay, một loại rất nặng do đôi bò kéo để chà ngũ cốc. Ở Palestine có hai hình phạt nặng nhất cho tử tội là thập giá và buộc thớt cối đá ném xuống biển. Loại hình phạt thứ hai do người Rôma mang vào Do Thái, và rất kính sợ vì chết chìm nghỉm, mất xác, làm mồi cho hà bá. Chúa Giêsu dùng hình ảnh này để nói lên một chân lý đáng sợ của Ngài là nếu gây gương mù dịp tội thì đáng lãnh án phạt nặng nề kinh khiếp không phải là ở trần gian mà là trong hỏa ngục của đời sau. Thật vậy, một người phạm tội một mình đã là tội rồi, lại còn lôi cuốn người khác phạm tội nữa, thì tội đó còn nặng hơn là tội giết người, vì giết người là cất một sự sống trăm năm, còn gương mù làm mất sự sống vĩnh cửu. Và chúng ta nên nhớ: tội gương mù không phải là hễ nhiều người thấy mới là gương mù, mà chỉ một người thấy thôi cũng đủ là gương mù rồi.

Vì thế, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải hết sức tránh dịp tội, Chúa bảo phải “móc mắt, chặt tay, chặt chân”, không phải là móc mắt, chặt tay, chặt chân thật mà Chúa chỉ muốn so sánh việc mất mắt, mất tay, mất chân với việc cả toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Chúa bảo chúng ta phải lựa chọn một trong hai điều: hoặc là phải hy sinh một vài điều có thể gọi là quý báu tạm thời trên đời đổi lấy sự sống vĩnh cửu, hoặc là cứ khư khư giữ lấy cái quý giá tạm bợ kia để rồi lãnh án phạt đời đời. Vậy móc mắt, chặt tay, chặt chân là Chúa muốn chúng ta đặt ra một kỷ luật nghiêm minh cho chính mình. Chẳng hạn nếu hình ảnh nào làm cho chúng ta phạm tội, chúng ta phải can đảm ngoảnh mặt đi, cũng như không thể để gói thuốc nổ gần lửa rồi mong rằng không có tai nạn xảy ra. Cũng tương tự như thế cho những ai trong dịp tội, đừng có liều mình. Các thánh nhân đã kinh nghiệm dạy: “thà phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “đào vi thượng sách”. Trong kinh Lạy Cha, chúng ta đọc “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, mà một đàng mình cứ quanh quẩn ở trong dịp tội, cứ đứng ở chỗ trơn trượt thì sao đây? Cuộc đời có thể có những cái nếu chúng ta không làm thì bị anh em cười chê, nhưng nhớ rằng: bị Chúa cười chê đời đời mới đáng sợ và phải sợ, chứ còn trần gian cười ba tháng là tối đa. Chúa muốn chúng ta nghĩ tới hình khổ hỏa ngục trầm luân mà giữ mình cẩn thận.

Vậy chúng ta phải tránh xa dịp tội, gương mù gương xấu để chính mình khỏi vấp ngã, và chúng ta cũng đừng bao giờ làm dịp tội hay gương mù gương xấu cho người khác. Cả hai đều đáng khinh đáng ghét ở đời này và lãnh án phạt nặng nề đời sau.

 

39. Một ly nước lã – Lm. John Nguyễn Tươi

Một cậu bé nghèo làm nghề bán hàng rong để kiếm tiền ăn học. Một ngày nọ, cậu bé chỉ còn một hào trong túi, mà bụng thì đang đói, cậu ta đi đến nhà bên cạnh để xin ăn. Một phụ nữ trẻ đẹp ra mở cửa, nhìn thấy cậu bé. Cô ta đoán là cậu đang đói bèn mang cho cậu một ly sữa lớn. Cậu chầm chậm nhấp từng ngụm sữa rồi hỏi: Cháu phải trả cô bao nhiêu ạ? Người phụ nữ trả lời: Cháu không nợ cô cái gì cả. Mẹ cô đã dạy không bao giờ nhận tiền trả cho lòng tốt. Cậu bé cảm kích đáp: Cháu sẽ biết ơn cô từ sâu thẳm trái tim cháu. Khi ra đi, cậu cảm thấy khỏe khoắn hơn và niềm tin của cậu vào con người càng mãnh liệt hơn. Trước đó, cậu như muốn đầu hàng với số phận.

Nhiều năm sau, người phụ nữ bị ốm nặng. Các bác sĩ địa phương không chữa khỏi. Họ chuyển bà đến thành phố lớn để các chuyên gia nghiên cứu căn bệnh lạ lùng này. Tiến sĩ Howard Kelly được mời đến tham vấn. Ngay lập tức, ông khoác áo choàng và đi đến phòng bệnh của người phụ nữ nọ. Ông nhận ra ngay người ân nhân của mình năm xưa. Quay về phòng hội chuẩn, ông quyết định sẽ dốc hết sức lực để cứu sống bệnh nhân này.

Sau đó, tiến sĩ Howard Kelly đề nghị phòng y vụ chuyển cho ông hóa đơn viện phí của ân nhân để xem lại. Ông viết vài chữ và chuyển nó đến người phụ nữ. Bà nhìn tờ hóa đơn thầm nghĩ rằng, bà phải thanh toán nó cho đến hết đời cũng chưa xong. Bỗng nhiên, có gì đó khác thường khi bà nhìn thấy ngay dòng chữ: “ Trị giá hóa đơn = một ly sữa”. (Trích câu chuyện tiến sỹ Howard Kelly).

Khi đọc câu chuyện này, chúng ta nhận ra được giá trị của việc làm phúc đức, bác ái dù nó là một ly sữa thôi, nhưng đã cứu cả mạng sống của một con người. Việc làm đó được ghi rõ trong Tin mừng của thánh Mác-cô: “ Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Một chỗ khác Chúa Giê-su bảo: “Khi Ta đói các người không cho ăn. Ta khát các người không cho uống…” Rõ ràng, điều kiện tiên quyết để được vào Nước Trời là thể hiện lòng bác ái, yêu thương tha nhân.

Thế nhưng, nhìn xung quanh ta, còn có biết bao người đang sống cảnh lầm than, đói khát, kiếm từng hạt cơm qua ngày. Người bán hàng rong, kẻ làm thuê, trẻ em đi bán vé xố… Sau một ngày vất vả, họ lại trở về trú ẩn trong mái nhà dột nát, khi gặp trời mưa, bão tố thì không có chỗ để che thân. Trong khi đó, có những kẻ thì dư thừa phung phí, họ vẫn dửng dưng trước những con người đang từng ngày từng giờ đi tìm miếng ăn dư thừa của kẻ giàu sang.

“Nếu anh em làm cớ cho kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển. Nếu tay anh em làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn có hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt”.

Khi nghe những lời răn đè này, chúng ta có suy nghĩ gì về số phận của con người?. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì chắc hẳn con người trên thế gian này toàn là những người khuyết tật, bị cụt tay, què chân, mù mắt. Khi con người ta đang chạy theo sự văn minh của nhân loại, nhu cầu đời sống hưởng thụ càng ngày càng cao, thì con người ta lại đang mất dần niềm tin, họ không cần đến Chúa. Ngay cả những bậc làm cha mẹ cũng quên nhiệm vụ truyền đức tin cho con cái mình. Họ không còn thời gian để đến nhà thờ, đọc kinh dự lễ. Phải chăng đó là cái cớ cho kẻ khác vấp phạm! Có thể chúng ta không mù về thể lý, nhưng một cách nào đó chúng ta cũng đang bị mù tâm linh mới là điều đáng sợ nhất. Khi làm điều gian ác, nhưng người ta vẫn không cảm thấy là tội. Khi thấy người ta gặp tai nạn, nhưng ta vẫn đứng cười một cách vô tư. Một thái độ, một trái tim vô cảm thật là đáng sợ.

Nếu nói cái tay, cái chân, cái miệng và con mắt làm nên dịp tội, thì tội đó được xuất phát từ bên trong con người chúng ta. Theo lời của thánh Gia-cô-bê nói rất rõ: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi khoái lạc của anh em đang gây ra trong con người anh em đó sao?. Thật vây, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết và ganh ghét; anh em xin mà không được vì anh em xin với tà ý”. Cho nên, chúng ta chỉ có thể chữa lành vết thương tâm hồn khi chúng ta ý thức được mình là kẻ có tội, cần được Chúa thứ tha với thật lòng ăn năn và sám hối thì mới có thể làm những việc lành và là tấm gương sáng cho người khác. Người ta không thể cho những cái mình không có. Chúng ta có thể rút lấy kinh nghiệm của thánh Augustino, ngài nói: “ Lòng con khuâng buâng khắc khoải đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa”. Chính kinh nghiệm quá khứ tội lỗi của Augustino đã dạy cho ngài bài học quý giá của sự sám hối và trở về với Chúa. Vì Chúa cần chúng ta biết quay trở về cùng Chúa sau những lần lầm lỡ, nhờ đó, chúng ta biết cảm thông và chia sẻ nỗi khổ đau và bất hạnh của anh chị em đang cần lòng quảng đại của chúng ta.

Một ly sữa đã đổi lấy mạng sống một con người, thì ly nước lã dù cho người anh em uống thì cũng chẳng mất đâu. Đó là hứa của Chúa Giêsu cho những ai đặt niềm tin vào sự sống mai sau.

Lạy Chúa, đã biết bao lần tay con không biết nắm lấy một cụ già cần con dắt qua đường; đã biết bao lần chân con đi lạc bước vào những nơi tội lỗi xấu xa, và làm điều gian ác hại đến tha nhân; đã bao lần đôi mắt con thấy người ăn xin ven đường, nhưng chẳng biết xót thương. Thế là Chúa vẫn nói với con rằng: “ Chỉ một ly nước lã thôi!”.

 

40. Suy niệm của JKN.

CÁM DỖ CỦA ÓC BÈ PHÁI VÀ ĐỘC QUYỀN TRONG TÔN GIÁO

Câu hỏi gợi ý:

  1. Khi thấy có người ngoài nhóm mình nhân danh Thầy mình để trừ quỉ, các tông đồ khó chịu và muốn ngăn cản. Thái độ ấy có đúng không? Nó nói lên não trạng gì? Não trạng ấy có hiện hữu trong các Kitô hữu hiện nay không?
  2. Các giáo phái Kitô giáo hiện nay có đoàn kết, yêu thương nhau không? Đức Giêsu sẽ vui hay buồn khi thấy các giáo phái tuy đều nhận mình là Chúa là Thầy nhưng lại nhân danh đức tin để nói xấu, kết án và loại trừ nhau?
  3. Đức tin có thể gây chia rẽ, nhưng đức ái chỉ tạo nên đoàn kết. Giữa hai nhân đức quan trọng ấy, đức nào mới thật sự là điều kiện để vào Nước Trời?

CHIA SẺ

  1. Khuynh hướng bè phái và muốn độc quyền của các tông đồ

Một trong những khuynh hướng rất thông thường nơi con người, đó là óc bè phái và ham muốn độc quyền. Khuynh hướng này được biểu lộ nơi các môn đệ Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Trên con đường loan báo Tin Mừng, các môn đệ Ngài thấy có những người không thuộc nhóm của mình lại nhân danh Ngài mà làm được những phép lạ như trừ quỉ, chữa bệnh… Theo quan niệm của các ông, chỉ những ai ở trong nhóm 12 như mình mới có quyền nhân danh Thầy mình để làm phép lạ, trừ quỉ, chữa bệnh… Nếu có ai khác làm điều ấy được, lập tức các ông nhận thấy độc quyền của mình bị xâm phạm. Có lẽ các ông cảm thấy bực bội vì điều ấy nên đã cố ra tay ngăn cản họ. Đức Giêsu đã tỏ ra không tán thành khuynh hướng bè phái muốn độc quyền ấy của các ông.

  1. Cám dỗ mang tính bè phái và độc quyền nơi người Kitô hữu

Trong đời sống Kitô hữu, nhiều khi chính chúng ta cũng bị cám dỗ bởi não trạng bè phái và ham muốn độc quyền như các môn đệ Đức Giêsu. Chẳng hạn những người cùng tin vào Đức Giêsu và cùng nhận Ngài là Cứu Chúa, theo thời gian, bị phân thành nhiều giáo phái khác nhau. Việc bị phân hóa như thế là một việc hết sức tự nhiên nếu không muốn nói là tất yếu, vì tất cả mọi tôn giáo, mọi trường phái tư tưởng, nghệ thuật, v. v… đều bị phân hóa theo thời gian theo định luật đa dạng hóa của tự nhiên. Theo tôi, nếu không bị phân hóa như thế thì đó mới chính là điều lạ thường. Đương nhiên, giáo phái nào cũng tự cho mình là đúng đắn nhất, là gần với chân lý nhất. Tiếp xúc với các tín đồ của nhiều giáo phái khác nhau, tôi không hề thấy một giáo phái nào lại cho rằng có một giáo phái khác đúng hơn mình. Điều này cũng chẳng làm tôi ngạc nhiên hay bất mãn chút nào!

Dù khác nhau – chủ yếu là trong tiểu tiết – các giáo phái vẫn hết sức giống nhau trong đại thể. Giáo phái nào cũng đều tin và tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Giáo phái nào cũng chủ trương phải sẵn sàng dấn thân theo Ngài với tất cả tình yêu, lòng nhiệt thành của mình. Giáo phái nào cũng đều tuyên xưng: «Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ» (Rm 10,9). Giáo phái nào cũng chủ trương: «Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa thì sẽ được cứu thoát» (Rm 10,13).

  1. Thật là một gương xấu vĩ đại

Nhưng thật là một điều trớ trêu và là một gương xấu vĩ đại trước những người ngoài Kitô giáo, khi mà:

– một đằng Đức Giêsu – Đấng mà mọi giáo phái Kitô giáo đều tôn thờ, đều nhận là Chúa, là Thày – đã tuyên bố: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,35).

– đằng khác, các giáo phái Kitô giáo lại coi nhau như là ngoại đạo! Các giáo phái nói xấu lẫn nhau, mạt sát lẫn nhau, kết án lẫn nhau, một vài trường hợp khủng bố lẫn nhau! Nhiều giáo phái Kitô giáo phủ nhận khả năng được cứu rỗi của những người thuộc giáo phái khác, cho dù tất cả đều tin và tuyên xưng những điều căn bản y hệt như nhau! Dường như giáo phái nào cũng muốn hạn chế hoặc chỉ dành riêng sự cứu rỗi cho những ai theo giáo phái của mình! Đó là điều tôi lấy làm lạ, làm ngạc nhiên hết sức, và không thể chấp nhận được!

Đây quả là một gương xấu vĩ đại, một điều mỉa mai cho Đức Giêsu và cho tất cả các giáo phái Kitô giáo, vì gương xấu này là một phản chứng nặng nề đối với những người ngoài Kitô giáo, khiến họ không thể chấp nhận được một tôn giáo như thế! Ước gì các giáo phái Kitô giáo đều đọc và suy nghĩ câu Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: «Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn».

  1. Coi chừng chính kẻ kết án lại là kẻ độc ác, thiếu tình thương

Khi nghe một người Kitô hữu thuộc một giáo phái nào đó quả quyết chắc chắn rằng những Kitô hữu trong những giáo phái khác với họ đều không được cứu rỗi, thì tôi hỏi người ấy: «Vậy anh có muốn điều anh quả quyết như thế là đúng không?» Nếu anh ta trả lời rằng muốn, thì tôi nói: «Vậy thì anh quả là độc ác! Một đằng Thiên Chúa muốn tất cả mọi người đều được cứu rỗi (x.1Tm 2,4), Còn anh lại muốn chỉ những ai trong giáo phái của anh mới được cứu rỗi. Anh sẵn sàng chấp nhận những người khác giáo phái của anh không được cứu rỗi, tức sa hỏa ngục. Vậy thì anh mới chính là người đáng sa hỏa ngục đầu tiên, vì nơi anh không có tình thương! Vì tình thương mới là điều quan trọng nhất phải có để vào thiên đàng, để hợp nhất với Đấng mà bản chất là tình thương».

Nếu anh ta mong rằng điều anh ta nghĩ là sai, thì tôi bảo: «Như vậy là anh rất nhân từ, có tình thương! Tốt lắm! Phần tôi, tôi chắc chắn rằng Thiên Chúa còn nhân từ và nhiều tình thương hơn anh gấp tỷ lần. Ngài có đủ quyền năng và đủ cách để giải quyết cho những Kitô hữu khác giáo phái với anh được cứu rỗi. Vì thế, anh hãy phó mặc số phận của những người theo giáo phái khác trong tay Chúa và hãy an tâm! Anh hãy lo cho chính bản thân anh thì tốt hơn, vì nếu anh không có tình yêu, anh không thể vào thiên đàng được đâu! Điều Chúa muốn nơi anh chính là anh hãy coi các Kitô hữu khác giáo phái với anh là đồng đạo, và coi cả những người khác tôn giáo với anh nữa là anh em. Anh hãy yêu thương họ và hãy mong ước những điều tốt lành nhất cho họ!»

  1. Điều quan trọng nhất để vào được thiên đàng là tình yêu

Điều quan trọng để vào được thiên đàng là đức tin. Nhưng điều còn quan trọng hơn nữa là tình yêu. Thánh Phaolô viết: «Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến» (1Cr 13,13). Khi lên thiên đàng, đức tin, đức cậy không còn vì không cần thiết nữa, chỉ riêng «đức mến không bao giờ mất được» (1Cr 13,8). Thiên đàng được định nghĩa là nơi hạnh phúc, trong đó mọi người hoàn toàn đối xử với nhau bằng tình thương. Nếu có ai còn ích kỷ hay thiếu tình thương mà lọt vào đó ắt người đó sẽ làm ô nhiễm ngay bầu khí hạnh phúc của thiên đàng. Chính vì thế, theo tinh thần đoạn Tin Mừng Mt 25,31-46, khi phán xét, Thiên Chúa chỉ phán xét về cách cư xử của ta có tình thương hay không mà thôi. Cứ nhìn vào đời sống thực tế thì biết, chúng ta dễ hạnh phúc ở bên những người biết yêu thương hơn là bên những người có niềm tin. Thực ra, niềm tin đích thực tất yếu phải dẫn tới tình yêu. Thế giới này đã từng điêu đứng khổ sở vì những cuộc chiến tranh tôn giáo, thậm chí ngày nay vẫn còn. Những cuộc chiến tranh ấy nổ ra không phải do con người thiếu đức tin cho bằng thiếu tình thương. Có thể nói: đức tin cộng với lòng ích kỷ (tức thiếu tình thương) sẽ thành óc bè phái. Óc bè phái chính là nguyên nhân của chiến tranh. Vì thế, đức tin phải đi đôi với đức mến hay dẫn tới đức mến mới là đức tin đích thật. Niềm tin không dẫn tới tình yêu, thật ra, chỉ là niềm tin giả tạo, tương tự như «đức tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2,17.26). Như vậy, một Kitô hữu có đầu óc bè phái, muốn độc quyền được cứu rỗi, nghĩa là muốn loại trừ những Kitô hữu khác giáo phái mình, không muốn họ hưởng hạnh phúc đời đời, thì Kitô hữu ấy rõ ràng là thiếu tình thương. Mà thiếu tình thương thì làm sao vào thiên đàng được?

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin cho con một đức tin đích thực nơi Cha và nơi Đức Giêsu. Đức tin đích thực tự bản chất phải bao hàm tình yêu ở bên trong. Không bao hàm tình yêu, đức tin đó chỉ là đức tin giả tạo, là nguồn phát sinh óc bè phái, óc độc quyền, cũng là nguồn phát sinh nên bao cuộc chiến tranh tôn giáo trên thế giới. Xin ban cho con tình yêu đối với mọi người chung quanh con, đặc biệt đối với tất cả những ai tin theo Đức Giêsu, như dấu chỉ đặc trưng cho người môn đệ đích thực của Ngài.

 

41. Bắt ông ấy chịu trách nhiệm.

William Porter một nhà văn nổi tiếng, bút hiệu là O. Henry, viết về một em bé gái mồ côi mẹ từ hồi còn bé. Bé gái này thường hay ở nhà và ngóng chờ ông bố đi làm về để có thể ngồi lên trên đùi bố để hưởng chút tình cha con.

Nhưng thương thay, mỗi buổi tối sau khi người cha làm các công việc ông vẫn thường làm là ăn, rồi đọc báo, hút xì gà, rồi đi ngủ.

Khi người con gái nhỏ của ông đến gần thì ông thường bảo: “Con không thấy cha mệt sao? Con hãy ra ngoài tìm bạn mà chơi.”

Người con gái thấy cha bảo vậy thì cũng ra ngoài đường để tìm bạn chơi và nó cố gắng nhí nhảnh bao nhiêu có thể.

Chuyện không may đã xảy ra. Sau khi đứa con gái đó lớn lên, cô bắt đầu đi tìm những mối tình cảm từ bất cứ ai trao tặng. Cô đã trở thành một con đĩ.

Một ngày nọ, cô gái đĩ đó chết đi và tiến về cửa thiên đàng. Thánh Phêrô thấy vậy liền nói với Chúa Giêsu: “Nó là một đứa tội lỗi, Chúa ơi. Nó là một con đĩ. Nó chỉ có thể đến một nơi thôi!”

Tiếp đến là khúc cuối của câu truyện gây cho khán giả ngạc nhiên. Chúa Giêsu quay sang bảo Thánh Phêrô rằng: “Con hãy mở cửa thiên đàng cho cô ấy vào. Khi người cha của cô ấy đến đây, con hãy bắt ông ấy chịu trách nhiệm.”

Thiên Chúa rất nhân từ đối với những kẻ lầm lạc mà không do lỗi của họ. Nhưng Thiên Chúa sẽ yêu cầu những kẻ nào làm cho người khác bị lầm lạc phải chịu trách nhiệm.

Chúng ta có thể thêm vào rằng cách chúng ta làm cho kẻ khác lầm lạc thường không phải là chúng ta đã làm gì nhưng thường là chúng ta đã không làm điều gì cho họ.

Cách đây vài năm, trong cuốn ‘Reader’s Digest’ có đăng tải một bài báo của Jane Lindstrom. Bài báo này có tên là “Làm Sao Bạn Biết Nếu Tôi Không Nói?”: “Các trẻ em thèm muốn sự yêu thương từ nơi cha mẹ. Nếu tình yêu bị khóa lại trong trái tim chúng ta, nó không thể tới các em được. Nó cũng giống như là một lá thư đã viết mà không đem đi gởi. Nhưng nếu những đứa trẻ được tình yêu bảo đảm, chúng sẽ nghe được những lời nói của chúng ta: con ngoan của mẹ cha. Mẹ cha rất lấy làm hãnh diện với con. Cha mẹ hết sức lấy làm vinh dự có một người con như con.”

Nếu chúng ta từ chối không bày tỏ tình thương, chúng ta có thể làm cho người mình thương đi vào con đường lầm lạc. Và Thiên Chúa sẽ bắt chúng ta phải chịu trách nhiệm như trong trường hợp câu truyện của O. Henry.

Bài Phúc Âm hôm nay kêu gọi chúng ta tự vấn mình câu hỏi quan trọng. Chúng ta có làm gì, hoặc không làm gì, để có thể gây cho người khác đi vào con đường lầm lạc? Hoặc là chúng ta đã quá lo lắng cho những sự đau thương và lo nghĩ riêng mà bỏ đi những cách biểu lộ tình yêu với những người chúng ta quí mến?

 

42. Ghen tức.

Qua phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta ghi nhận hai nhân vật, đó là Giôsuê và Gioan. Cả hai nhân vật này đều có chung một thái độ, đáng cho chúng ta suy nghĩ, đó là lòng ghen tức.

Nhân vật thứ nhất là Giôsuê. Ông đã được Maisen tuyển chọn, đặt đứng đầu quân đội, để dẫn đưa dân Do Thái băng qua sa mạc cát nóng, cũng như vượt qua sông Giócđan, tiến vào miền đất hứa, chiếm lại phần lãnh thổ của cha ông ngày trước. Thế nhưng, Giôsuê đã ghen tức vì hai ông Eđát và Mêđát được ơn nói tiên tri. Bởi đó, Giôsuê đã xin Maisen ngăn cản, nhưng Maisen đã không làm theo lời Giôsuê nài xin.yêu cầu.

Nhân vật thứ hai là Gioan. Ông là vị tông đồ trẻ tuổi và được Chúa Giêsu yêu mến. Thế nhưng, khi nhìn thấy những người khác nhân danh Chúa Giêsu, Thày mình, mà trừ quỉ, có lẽ Gioan cũng đã có một chút ghen tức và đã ngăn cấm họ, hầu bản thân mình và phe nhóm của mình được độc quyền. Và như chúng ta đã thấy: Chúa Giêsu đã không chấp nhân quan niệm ấy

Từ thái độ của Giôsuê và của Gioan, chúng ta chúng ta có thể rút ra một định nghĩa: ghen tức là thái độ buồn sầu khi người khác được may mắn và vui mừng khi họ gặp phải rủi ro hay tai ương hoạn nạn. Nếu xét mình, chúng ta sẽ thấy đó chính là phản ứng thường tình của mỗi người chúng ta. Một người bạn thành công, chúng ta cảm thấy bực bội, rồi từ đó chúng ta đi nói hành nói xấu người bạn ấy. Thôi thì đủ mọi chuyện, thượng vàng hạ cám. Chúng ta ghen tức, nhưng chúng ta đâu có ngờ tới những hậu quả tai hại của nó.

Thực vậy, người có tính ghen tức không bao giờ được hạnh phúc cả. Tôm hồn luôn buồn bực vì thua kém bè bạn vì những sự không đâu. Người bạn có bộ quần áo mới cũng làm cho chúng ta buồn. Người bạn được thiên hạ khen cũng làm cho chúng ta bực. Và nhiều khi thái độ ghen tức của chúng ta sẽ trở thành đề tài cho người khác chê cười. Chẳng hạn có hai ông mù đi ăn xin. Ông này nghe người ta bảo ông kia hát hay thì bực bội lắm. Vào một buổi sáng, ông này nghe thấy tiếng hát của ông kia, liền mon men lại gần rồi cũng gân cổ lên để mà hát. Ông nào cũng hát thật to để cho người đi đường biết rằng mình hát hay. Thế nhưng, ai đi qua cũng đều lắc đầu ngao ngán và nói: rõ thật đồ điên.

Thái độ ghen tức còn có thể dẫn đến những tội lỗi nặng nề khác nữa, chẳng hạn như nói hành nói xấu, bỏ vạ cáo gian, thậm chí đến cả tội giết người. Vì thế, ghen tức đã được liệt vào trong bảy mối tội đầu, là như những căn nguyên sinh ra mọi tội lỗi khác.

Như chúng ta đã biết: Giuse được Giacóp yêu thương khiến cho các người anh ghen tức, nhất là khi Giuse kể lại những giấc mơ của mình. Nào là những bó lúa của các anh vây quanh và sụp lạy bó lúa của Giuse. Nào là mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao sụp lạy Giuse…Từ thài độ ghen tức ấy, những người đã anh tìm cách giết hại Giuse như bỏ Giuse xuống giếng cạn và sau cùng đã bán Giuse cho phường lái buôn Ismaen đang trên đường đi xuống Ai cập. Rồi lấy áo choàng của Giuse nhúng vào máu chiên mà đem về báo cho Giacóp biết là Giuse đã bị thú dữ ăn thịt.

Những người biệt phái cũng đã ghen tức với Chúa Giêsu, nên họ đã cáo gian Chúa trước tòa án Philatô và đã đóng danh Ngài vào thập giál

Để dứt bỏ thái độ ghen tức, chúng ta hãy hòa mình vào nếp sống của người khác: vui niềm vui của họ, buồn nỗi buồn của họ. Hãy bắt chước thánh Gioan Tiền Ho, đã không ghen tức khi thấy ảnh hưởng của mình bị giảm sút, trong khi uy tín của Chúa Giêsu mỗi ngày một gia tăng. Trái lại, ông đã nói:

– Tôi phải nhỏ đi, còn Ngài phải lớn lên. Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Ngài.

Hãy để cho Chúa được lớn lên trong chúng ta. Hãy trở nên như đày tớ phục vụ người khác. Hãy thực thi lời thánh Phaolô trong cuộc sống thường ngày, đó là hãy vui cùng người vui và hãy buồn với người buồn.

 

43. Phe này cánh nọ – Anmai

Con người, tự lâu lắm rồi, đã mang trong mình cái đầu óc bè phái. Thấy người khác, nhóm khác thành công hơn mình, làm được việc hơn mình thì không chịu cố gắng, nỗ lực để được như người khác, nhóm khác. Hành động của những người ấy hết sức buồn cười là họ dèm pha, chỉ trích, nói hành, nói xấu.

Một kinh nghiệm hết sức thực tế ngay ở dân tộc Do Thái. Thuở xa xưa, khi đưa dân Do Thái ra khỏi nô lệ của Ai Cập thì Thiên Chúa đã nhờ đến bàn tay của Môsê. Ông quá vất vả với đám đông ô hợp. Mệt mỏi quá nên ông than thân trách phận với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nghe lời than vãn ấy, Thiên Chúa sợ ông phải cán đáng công việc một mình mệt nhọc nên Thiên Chúa đã gọi Môsê và truyền cho Môsê quy tụ 70 kỳ mục lại để cộng tác với Môsê.

Khi Thần Khí của Thiên Chúa xuống trên 70 người thì có 2 người trong nhóm họ tên là En-đát, một người tên là Mê-đát. Các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến Lều như sách Dân Số vừa thuật lại. Vì lý do nào đó không đến lều nhưng Thần Khí của Thiên Chúa vẫn đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại. Thấy sự kiện như vậy, Ông Giô-suê con ông Nun, từng theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Mô-sê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!” Nhưng ông Mô-sê trả lời: “Anh ghen dùm tôi à?”

Thế đấy, ông Giô-suê đã ghen tương khi thấy Thần Khí đậu trên 2 người kia khi họ còn ở trong trại và xin Mosê ngăn cản 2 người ấy. Với Môsê thì khác, Môsê đã mắng rằng họ đã ghen tuông với 2 người ấy.

Trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe thánh Máccô thuật lại hình như cũng mang âm hưởng của sự ghen tuông. Các môn đệ đã ghen tuông khi những người không thuộc nhóm với Chúa Giêsu, không thuộc nhóm các môn đệ mà trừ được quỷ.

Nếu để ý trình thuật trước trình thuật này bối cảnh là “ở nhà”, nơi đó Chúa Giêsu “ngồi” giảng dạy cho các môn đệ. Thánh ký Máccô tiếp nối khung cảnh bằng cách chuyển mạch từ câu hỏi của môn đệ Gioan nhằm trình bày những giáo huấn mới của Chúa Giêsu.

Phải chăng việc gợi nhắc Gioan ở đây nằm trong dụng ý của thánh ký liên hệ đến một vấn nạn dù nhiệt tình song cũng không ít phần cục bộ: “lấy danh Thầy mà trừ quỉ, nhưng hắn lại không theo chúng tôi, và chúng tôi đã cố ngăn cản vì hắn không theo chúng tôi”. Vì chưng, trong một truyền thống khác chỉ có trong Tin Mừng Luca (Lc 9,54), chính Gioan và anh mình là Giacôbê đã đòi khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt dân Samaria không đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ.

Trong thời đại của Chúa Giêsu việc chữa bệnh bằng cách trừ quỉ cũng được một số người Do Thái thực hành. Sử gia Flaviô Giôsêphê (Antiquités VIII, 46t) có kể lại trường hợp một người Do Thái tên là Elêazar chuyên chữa bệnh bằng một việc trừ quỉ rất mê tín và phù phép nhân danh vua Salômon.

Ở đây, thánh ký đề cập tới việc trừ quỉ nhân danh Chúa Giêsu, gợi nhắc đến bối cảnh thời Giáo hội sơ khai, ở đó việc trừ quỉ được coi là khá thịnh hành.

Sách công vụ tông đồ 8,19-24 có kể lại trường hợp Simon phù thủy muốn mua ở Phêrô quyền làm các phép lạ. Sách Cv 19,13t cũng trình thuật câu chuyện một số người Do Thái trừ quỉ nhân danh Chúa Giêsu: “Có ít người trừ tà rong đường, gốc Do Thái, cũng đã thử kêu danh Chúa Giêsu trên những người có quỉ ám” (Cv 19,13).

Cách miêu tả: không theo chúng tôi là một chi tiết biên soạn đậm nét thời Giáo hội sơ khai ở đó công đoàn các Kitô hữu tiếp tục quanh quẩn bên nhóm môn đệ, những kẻ đã từng theo Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nói: “chớ ngăn cản người ấy, vì không có ai nhân danh Ta làm phép lạ, rồi lại có thể vội nói xấu Ta. Vì ai không chống cự chúng ta là ủng hộ chúng ta, Kẻ nào cho các ngươi uống một bát nước, vì danh nghĩa các ngươi thuộc về Đức Kitô… nó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Câu 39-41).

Sự kiện các môn đệ muốn ngăn cản những kẻ không theo họ, gợi nhắc tinh thần hẹp hòi của họ sánh với cái nhìn của Thầy họ. Từ đó, Chúa Giêsu đã dựa vào suy tư của các môn đệ để đưa ra những lời dạy nhằm khơi mở tâm hồn họ. Trong bối cảnh Chúa Giêsu đang tiến về cuộc khổ nạn cũng như đang đối diện với phe Biệt phái ký lục tìm cách hãm hại Người, câu trả lời của Chúa Giêsu (câu 39) có thể được hiểu như sau: một kẻ nại đến Ta, nhân danh Ta, dựa vào sức mạnh của Ta để làm phép lạ, thử hỏi Người đó có thuộc về phe Biệt phái ký lục không? Thử hỏi kẻ ấy có chủ ý tìm cách hãm hại Ta không?

Cách miêu tả: vội nói xấu ta Gợi nhắc rằng việc làm các phép lạ và trừ quỉ… chưa hẳn diễn tả được một cách dứt khoát đức tin bền vững vào Chúa Giêsu.

Dầu sao, trong nhãn quan thần học của Maccô, câu trả lời trên của Chúa Giêsu nói lên chủ đích của Người muốn các môn đệ hiểu thái độ thiếu nền tảng của họ. Vì chưng, “ai không chống đối chúng ta, là ủng hộ chúng ta” (câu 40).

Làm sao dung hợp được kiểu này và câu nói được trình bày ở Tin Mừng Matthêu cũng như ở Luca: Bản Mt 12,30 viết: “Ai không đi với Ta, tức là chống lại Ta. Kẻ không cùng Ta thu họp tức là làm tan nát” (x. Lc 11,23). Phải chăng đây là bằng chứng của các truyền thống mâu thuẫn nhau?

Một lần nữa, độc giả Tin Mừng được mời gọi để hiểu những lời của Chúa Giêsu trong mạch văn biên soạn tùy theo nhãn quan thần học của thánh ký.

Như vậy, mạch văn ở đây của Máccô là gì? Đó là sự mời gọi của Chúa Giêsu ngỏ cho các môn đệ biết theo chân Người làm tôi tớ mọi người (câu 35c), nhất là những ai thấp hèn hơn. Nếu Người đã từng nặng lời kết án phe Biệt phái ký lục và Hêrôđê như những kẻ mù quáng đối nghịch lại với Người, thì ngược lại, Người cũng luôn tỏ bày khuôn mặt của Đấng Thiên sai mang ơn cứu độ cho hết mọi người, Do Thái hay dân ngoại. Thế nên, chỉ có những kẻ chủ ý chống lại Người, phủ nhận quyền năng của Người, sẽ phải hụt mất cơ may cứu độ. Còn bất cứ ai không chống lại quyền năng của Người, cũng như muốn làm những sự thiện nào đó, đều được mời gọi để tin theo Người…

Lồng kết vào trong bối cảnh thời Giáo hội sơ khai ở đó Tin Mừng Maccô được biên soạn, kiểu này ngỏ cho các môn đệ và qua đó cho cộng đoàn Kitô hữu của sơ thời cũng như của mọi thời, như là lời mời gọi họ biết vượt qua tinh thần ích kỷ hẹp hòi phe phái. Vì chưng những ai theo Chúa không được phép trở thành những nhóm đóng kín, kẻo có nguy cơ sống trái ngược với tinh thần của Thầy họ. Ai tự cho mình là môn đệ đích thực của Đức Kitô và ai dám kết án người khác không phải là môn đệ của Người? Ai dám xác quyết rằng quyền lực cứu độ của Người chỉ tỏ bày cho họ chứ không cho kẻ khác? Ai có thể biết được quyền lực đó hoạt động như thế nào nơi người khác không?

Đang khi đó về bản văn của Matthêu và Luca: Nếu các Tin Mừng này trình bày một kiểu với ý nghĩa đối chọi, chính vì mạch văn đổi khác. Nơi Matthêu chẳng hạn, mạch văn nói về ý nghĩa vẫn đục của nhiều kẻ gán quyền lực trừ quỉ của Chúa Giêsu như xuất phát từ Satan. Hơn nữa trong bối cảnh của cộng đoàn mà Tin Mừng Mathêu được biên soạn, mối bận tâm nằm ở tầm vóc nội bộ cộng đoàn: “không phải mọi kẻ nói với Ta, Lạy Chúa, là sẽ vào được nước Trời” (Mt 7,21).

Trở lại với mạch văn Máccô người môn đệ của Chúa Giêsu được kêu mời ý thức sâu sắc về tâm nhìn cứu độ phổ quát của Người. Họ cần biết vượt thoát tinh thần phe nhóm để thấy được nơi mỗi sự thiện, mỗi sự góp phần tích cực nào đó như là khởi điểm cho ơn cứu độ, cho sự đón nhận Tin Mừng. Vì chưng, như đã được gợi nhắc ở trước trong Tin Mừng, sự thiện thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã nhìn thấy mọi sự Ngài sáng tạo đều tốt lành quá đỗi.

Nhìn vào cuộc sống của chúng ta, cái máu phe nhóm, cái máu cục bộ nó len lỏi vào trong đầu của con người chúng ta lúc nào không hay.

Tâm trạng phe nhóm rất dễ thấy nơi các công sở, xí nghiệp và ngay cả trong gia đình. Chẳng hiểu vì sao và lúc nào mà tinh thần cục bộ, phe nhóm, bè phái nó đã len vào trong gia đình, trong công sở, trong xí nghiệp. Nhìn ở góc độ nào đi chăng nữa thì tinh thần cục bộ, óc bè phái và phe nhóm vẫn mang yếu tố tiêu cực hơn là tích cực dẫu rằng có chuyện thi đua để cho mọi sự nên tốt. Con người vẫn mang trong mình những giới hạn để rồi nhóm này thành công thì nhóm kia sẽ thất bại và rồi hai bên cứ kình địch nhau mãi. Tốt hơn hết là ta nên dung hoà và ta nên cùng làm việc chung với nhau chứ đừng vì hư danh mà ganh tỵ.

Anh em vẫn dùng cơm chung với nhau, thi thoảng Cha Sở đã nhắc nhở anh em nên sống công bằng, sống cư xử mọi người như nhau chứ đừng tạo phe nhóm, đừng tạo nên não trạng cục bộ. Chắc có lẽ kinh nghiệm với biết bao nhiêu năm sống cộng đoàn, giúp mục vụ nên Cha Sở đã thấy được những tổn thương, những thiệt hại của tinh thần bè phái, phe nhóm và cục bộ.

Mỗi thành viên góp phần cho sự phát triển của gia đình và cộng đoàn. Nếu từng thành viên ấy chung tay góp sức lại thì gia đình, cộng đoàn ấy vững mạnh và hạnh phúc. Nếu như gia đình, cộng đoàn nào gặp phải tình trạng phe nhóm thì buồn thật vì khi ấy, căn nhà, cộng đoàn ấy cứ mãi bị khập khiễng do sự ganh ghét, hơn thua của phe này nhóm nọ.

Thiệt hại về phe này cánh nọ chúng ta thấy hết sức bi đát. Dẫu bên ngoài họ có che lấp bằng những vẻ đẹp hào nhoáng đi chăng nữa nhưng bên trong nội bộ vẫn là sự bất an. Bất an là vì một bên thì cố gắng hết sức thủ cho mình hết chiêu này đến thức nọ để bảo vệ cho phe của họ còn phe kia thì cứ rình rập xem phe kia có sơ hở gì không và nếu có sơ hở là họ bắt đầu chỉ trích, bắt đầu lên án, bắt đầu dèm pha như các môn đệ hôm nay trong Tin mừng.

Nguyện xin Chúa Giêsu, Vua của Bình An, Vua của Hiệp Nhất đến và ở lại với mỗi người chúng ta để chúng ta dẹp bớt đi cái tôi của mình, dẹp bớt đi cái não trạng bè cánh để cộng đoàn, gia đình chúng ta được bình an và hạnh phúc hơn.

 

home Mục lục Lưu trữ