Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 41

Tổng truy cập: 1379550

HAI CĂN NHÀ

HAI CĂN NHÀ- Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

Từ căn nhà chia rẽ chống lại chính mình

Trên núi, Đức Giêsu thiết lập nhóm “mười hai để họ ở với Người và để sai họ đi rao giảng với quyền xua đuổi ma quỷ”. Giờ đây Người “vào một ngôi nhà nơi đám đông tụ tập. Họ khao khát nghe lời Người đến nỗi Người không có thời giờ ăn uống? Chính trong khung cảnh ấy Máccô tường thuật lại hai cuộc chống đối Đức Giêsu. Sự chống đối của gia đình người”. Thân nhân của Người nói: “Người đã mất trí” và họ đến “bắt Người về” (kiểu nói “bắt” được nhắc lại 4 lần trong bài Thương khó để chỉ việc bắt giam Đức Giêsu). Sự chống đối của các “Luật sĩ đến từ Giêrusalem” uy quyền tôn giáo ở Israel: Họ tố cáo Người bị quỷ “Bê-en-dê-bun ám” và Người xua đuổi ma quỉ vì Người là “tướng quỷ” Đức Giêsu đã trả lời họ tức khắc bằng hai dụ ngôn ngắn:

– Dụ ngôn thứ nhất về “vương quốc” hoặc về “gia đình” chia rẽ. Đức Giêsu viện dẫn lương tri: làm sao Satan có thể xua đuổi Satan (hoặc quân quốc của Satan?). Đó là dấu hiệu “hắn tự chống lại mình”, “tự chia rẽ”, như thế đâu thể đứng vững; quả hắn đã đến ngày tàn”.

– Dụ ngôn thứ hai về “người mạnh” khi xua tuổi ma quỉ, Đức Giêsu chứng tỏ Người mạnh hơn Satan, có thể “trói gô” hắn lại. Đối với các Luật sĩ những kẻ hiểm ác đến độ qui về Satan cả những hoạt động của Thánh Linh, Đức Gtêsu tràn đầy Thánh Thần Thiên Chúa đã cho họ biết rằng Người đến truất phế Satan khỏi vương quốc của hắn và Người sẽ trị vì thay hắn.

2… đến căn nhà qui tụ các anh em Đức Giêsu

Thân nhân của Đức Giêsu tới để “bắt Người”. Họ, những kẻ “đòi hỏi Người” hiện nay đang “ở ngoài” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; ở bên ngoài căn nhà, họ đụng phải dòng người vây quanh Thầy để lắng nghe.

Đức Giêsu đảo mắt nhìn những người tự tập quanh Người (theo Máccô, cái nhìn chăm chú ấy luôn mang một ý nghĩa quan trọng) và đưa ra một lời tuyên bố long trọng: gia đình thực sự của Người không phải là gia đình theo xác thịt, nhưng là những người lắng nghe lời Người và thực hành thánh ý Thiên Chúa: “Ai thi hành thánh ý Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta”.

Hervieux giải thích: “Đối với Máccô, đó là một cách diễn tả Giáo Hội vừa rõ ràng vừa đơn sơ cho các Kitô hữu thời ấy. Cơn bách hại của người rôm đã đẩy bao gia đình vào thảm cảnh chia lìa đớn đau. Những người trở lại đảo luôn bị bắt buộc phải lựa chọn hoặc dây liên hệ gia đình, hoặc gắn bó với cộng đoàn Kitô hữu. Tác giả Tin Mừng chỉ cho họ thấy rõ chính Đức Giêsu cũng đã bị bắt buộc phải cắt đứt hoàn toàn mối dây liên hệ với thân nhân” (“Tin Mừng Marco”, Centurion, trang 63).

BÀI ĐỌC THÊM

Một gia đình khác, mạnh hơn gia đình thuộc huyết tộc, đang thành hình (G. Bessière: trong “Thiên Chúa rất gần. Năm B”, DDB, trang 107-108).

Dư luận xì xầm. Làng xóm bàn tán. Gia đình mở cuộc họp. Đó là mối nhục của gia tộc. Và ta không thể gả chồng cho các cô gái nữa. Chỉ cần thốt ra tên một người, tức khắc mọi người sẽ tránh xa. Hội đồng gia tộc đã quyết định: “Người ta bảo ông ta khùng rồi”trong khi đám đông vây xúm xít quanh Đức Giêsu, “gia đình Người tới để bắt người, vì họ cho rằng: Người đã “mất trí”. Những ông cậu, những ông anh bà con lực lưỡng cũng biết rằng một uỷ ban luật pháp – các luật sĩ – đã được phái tới từ Giêrusalem để điều tra. Kết luận của họ nguy hiểm cho Người và cho danh giá của cả gia tộc: “Người bị tướng quỷ Bê-en-dê-bun ám; Chính nhờ uy quyền của tướng quỷ người mới trừ được lũ quỷ con”. Tốt hơn nên nói rằng: Người đã “mất trí” .

Người đã làm gì để đến nỗi bị coi là điên khùng hay một người ủng hộ Satan? Người loan báo rằng Thiên Chúa đã đến gần, giải thoát những người bị quỷ ám, chữa lành các bệnh nhân, gần gũi những người cùi, thậm chí còn dám đựng chạm để chữa lành họ, Người còn đi đến mức tha thứ cho người tội lỗi, ăn uống tại nhà những người tội lỗi công khai. Người tự do trong việc giữ luật ngày Sabát. Người có lập trường riêng chẳng hề dựa trên truyền thống. Người nói phải chứa rượu mới trong bầu da mới! Tóm lại là đảo lộn tất cả, và còn tự xưng là… Thiên Chúa!.

Chẳng có cách nào băng qua những vòng người ngồi chung quanh để tóm lấy người. Gia đình người đành ở lại bên ngoài và cho đòi Người. người ta nhắn vào: “Mẹ Thầy và anh em Thầy ở ngoài kia tìm Thầy”. Nhưng người trả lời: “Ai là mẹ Ta? ai là anh em Ta? Rồi đưa mắt nhìn mọi người đang ngồi thành vòng tròn chung quanh, Người bảo: “Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Ai thực hành thánh ý Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em, và mẹ Ta”.

Ở một thời buổi và giữa một dân tộc coi gia đình là thánh thiêng, Đức Giêsu đã có một thái độ thoát ly tán bạo. Một gia đình khác chào đời, mạnh hơn gia đình theo huyết tộc, mở rộng đón nhận cả nhân loại, gia đình của Cha Đấng ngự trên trời. Ai đo lường được mức độ mới mẻ gây tranh cãi mà đứa con lạc loài của Nadarét mang lại?

Cuộc hành hương đức tin của Maria (G.Garde trong “Các cộng đoàn của Chúa” số 41 , trang 51).

Máccô buộc ta phải hiểu đức tin của Đức Maria là một đức tin lớn mạnh tiệm tiến. Chẳng phải ngay lúc nhập thể, Đức Maria đã hiểu biết con trai mình là Thiên Chúa. Luca không nói khác, vì theo ông, Mẹ không hiểu câu trả lời của Đức Giêsu ở Đền Thờ năm Người lên 12 tuổi (Lc 2,50). Cũng vậy, hôm nay Mẹ tin rằng phải dùng quyền làm mẹ, để đưa Đức Giêsu trở lại cuộc sống đơn sơ ở Nazareth, nhất là khi giáo quyền của đạo Do Thái xem ra chống lại con Mẹ. Dần dà, nhờ “lắng nghe Lời Chúa” và nhờ thực hành thánh ý mà Đức Maria đã lớn lên trong đức tin, một đức tin càng ngày càng sáng tỏ. Quyền làm mẹ đã tìm thấy một chiều kích mới, để trở nên Mẹ Giáo Hội.

CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN- Năm B

CHÚA GIÊSU VÀ SATAN- Chú giải mục vụ của Jacques Hervieur

Giữa hai lần can thiệp đầy thù địch của những người bà con với Ngài (3, 20-21 và 31-35) Maccô nói đến cuộc đấu khẩu giữa Chúa Giêsu và đám luật sĩ kẻ thù “ra mặt” của Ngài (c. 22a). Cuộc tấn công này quả là nghiêm trọng. Các thủ lĩnh nhóm biệt phái đến từ Giêrusalem, thành trì giáo quyền của Israel. Lời cáo buộc của họ cũng thật nặng nề. Chúa Giêsu không chỉ là một người bị bà con mình cho là đồ điên (3,21); Ngài còn là tác nhân của ma quỷ! Bêeldêbun là một trong những tên gọi của Satan, tên gọi này được gán cho một thần linh của dân ngoại là “Ông Hoàng Baal”. Chắc chắn các “nhà thông thái” này không phủ nhận sự kiện Chúa Giêsu thực hiện các cuộc trừ quỷ. Trong thế giới Do Thái thời Chúa Giêsu, việc trừ quỷ khá phổ biến và được mọi người chấp nhận (Cv 19,13). Tuy nhiên, các nhà thông thái này lại tố cáo Chúa Giêsu đã hành động như thế dựa trên một năng lực siêu nhiên của chính Satan, chứ không phải phát xuất từ Thiên Chúa (c. 22c).

Nghe lời vu khống này, Chúa Giêsu không thể nào để yên. Đây là lần đầu tiên Ngài sử dụng dụ ngôn như một hình thái văn chương: Ngài dùng cách “so sánh” từ những hình ảnh thường nhật để buộc họ suy nghĩ. Ngài nêu ra hình ảnh thường nhật để buộc họ suy nghĩ. Ngài nêu ra hình ảnh một gia đình chia rẻ lẫn nhau: gia đình này chỉ có nước tàn lụi (c. 24-25). Luận lý của Chúa Giêsu rất vững vàng: Nếu Satan tự chống lại chính nó thì chắc chắn nó sẽ tự tiêu diệt (c. 26). Từ đó Chúa Giêsu khéo léo đưa ra thêm một dụ ngôn thứ hai rất ngắn gọn (c. 27). Ngài chẳng cần phải dài dòng giải thích câu đố được nêu ra. Chỉ cần Ngài mô tả bằng hình ảnh là người nghe đã xác nhận được, Đấng Mêsia đang cướp bóc ngôi nhà của Satan, gã “lực sĩ”. Muốn chiến thắng “nhân vật” tượng trưng cho Thần Dữ này thì trước tiên Ngài phải cột được hắn lại. Ngược với những đánh giá của đám luật sĩ, nơi Chúa Giêsu, Đấng Mêsia hiện đang tận diệt “vương quốc của Satan”. Hãy nhớ lại tiếng kêu la của lũ quỷ dữ vừa bị Chúa Giêsu, Đấng Mêsia hiện đang tận diệt “vương quốc của Satan”. Hãy nhớ lại tiếng kêu la của lũ quỷ dữ vừa bị Chúa Giêsu trục xuất ra khỏi các nạn nhân của chúng: “Hỡi ông Giêsu Nadaret, ông muốn gì ở chúng tôi? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?” (1,24). Rõ ràng Chúa Giêsu không phải là người hỗ trợ mà chính là Đấng nắm chủ quyền trên Satan.

Cuộc khẩu chiến kết thúc bằng lời Chúa Giêsu cảnh cáo nghiêm khắc các đối thủ Ngài: mọi tội lỗi của loài người đều có thể được Thiên Chúa thứ tha ngoại trừ một thứ tội. Điều này rất đáng cho chúng ta suy nghĩ (c. 28-29). Lời tuyên bố long trọng và khá mạnh bạo này của Chúa Giêsu khiến cho mọi độc giả thuộc mọi thời đại đều phải suy nghĩ. Người ta đã bình phẩm nhiều về tội “phỉ báng Thánh Thần”, thứ tội không thể nào được tha thứ này. Đúng ra là thứ tội gì? Người ta liệt kê ra những tội mà họ cho là “đáng chết”. Tuy nhiên người ta vẫn không tìm ra những tội nào thực sự được gọi là không thể tha thứ. Muốn hiểu được ý Chúa Giêsu thì không nên tách lời Ngài nói ra khỏi mạch văn, vì chính mạch văn mang lại ý nghĩa cho lới ấy: “Chúa Giêsu nói thế bởi vì bọn họ bảo rằng: “Ông ta đã bị quỷ ô uế ám” (c. 30). Đám luật sĩ đã dám gán cho Satan công việc do cần thiết thực hiện. Maccô rất cẩnt hận chứng tỏ rằng ngay từ lúc khở đầu sứ vụ, Chúa Giêsu đã được Thánh Thần Thiên Chúa tấn phong. Chính Giêsu chịu phép rửa và giúp Ngài hành động để giải phóng loài người khỏi sự dữ (1,9-12). Cho rằng lúc trừ quỷ Chúa Giêsu dựa vào năng của ma quỷ tức là cố ý khép kín tâm hồn không thèm đón nhận ơn tha thứ mà Chúa ban cho tất cả mọi Người. Chỉ riêng tội nghịch cần thiết này là không thể nào tha thứ được.

Vào lúc Maccô ghi chép lại Tin Mừng này, các Kitô hữu đang phải là bia hứng chịu bao lời cáo sai lạc của đám dân Do Thái thù nghịch, đám người này không chịu nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêsia chiến thắng lũ thần Dữ. Dầu sao, mọi người đều phải chọn lựa hoặc theo Chúa Giêsu hoặc theo Satan.

Gia đình đích thực của Chúa Giêsu (3,31-35)

Cảnh này là đoạn cuối của tiến trình khởi đầu từ 3,20-21. Bà con Chúa Giêsu toan tiến tới giữ lấy Ngài. Lý do là vì Ngài bị đám đông tràn ngập: “Ông ấy mất trí rồi!” (c. 21b). Quả là cuộc xung đột không kết quả. Giờ đây lại một cuộc xung đột nữa (c. 31). Cũng vẫn như lần trước, Chúa Giêsu đang giảng dạy (c. 32a). Người ta loan báo cho Chúa Giệsu mẹ và anh em Ngài đột xuất ghé thăm (c. 32b). Maccô nhấn mạnh tới hai lần: thân quyến Chúa Giêsu chờ “Ở ngoài”. Điều này đối ngược với vòng người đang vây quanh nghe Chúa giảng. Nếu ra khỏi nhà để gặphọ là đồng nghĩa với sự tách lìa sứ vụ. Chắc chắn đó là lý do tại sao Chúa Giêsu thốt ra câu nói cứng cỏi như thế với mẹ ruột Ngài (c. 33). Điều này hẳn làm chúng ta ngạc nhiê. Tuy vậy Maccô thường hẳn chú tâm đến cái rắc rối về mặt tâm lý. Người ta cũng thắc mắc các “anh em” của Chúa Giêsu là ai, bởi vì theo truyền thống thì Ngài là người con trai độc nhất. Thực ra trong bối cảnh vùng Sêmit, từ ngữ “anh em” còn dùng để chỉ bà con gần. Điều mà Maccô nhấn mạnh ở đây chính là Chúa Giêsu không hề đặt nặng quan hệ về huyết thống. Trọng điểm của trình thuật sẽ xác nhận rõ điều này. Ngài đảo mắt nhìn tất cả những kẻ đang vây quanh (c. 34a). Đối với Maccô, cái nhìn chăm chú này luôn báo hiệu một thời khắc quan trọng sắp diễn ra (x. 3.5; 10,23; 11,11). Quả thế, Chúa Giêsu sắp đưa ra một tuyên bố hệ trọng (c. 34b). Ngài không định vị gia đình đích thực của Ngài trong tương giao huyết nhục mà theo tiêu chuẩn kẻ nào biết nghe theo lời Ngài. Ngài thẳng thắn xác định điều đó: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người đó là anh chị em tôi là mẹ tôi” (c. 35).

Đây là một cách thức vừa rõ ràng vừa đơn giản mà Maccô muốn trình bày cho các Kitô hữu đương thời về Giáo Hội. Cuộc bách hại của người La Mã đã đẩy nhiều gia đình đến những cuộc phân ly đâu đớn. Những kẻ trở lại đạo thường bị bó buộc phải chọn lựa hoặc là thân quyến hoặc là cộng đoàn Kitô hữu. Maccô chứng tỏ cho họ thấy ngay chính Chúa Giêsu cũng từng bị bó buộc phải đoạn tuyệt trọn vẹn với thân quyến Ngài: Vì thế các Kitô hữu cũng không thể đòi cho mình được đặc quyền hơn Ngài. Như thế trên con đường rao giảng của Chúa Giêsu, Maccô đưa ra hai loại tương giao giữa Chúa Giêsu và những kẻ đương thời của Ngài: một số từ khước và một số đón nhận Ngài.

Trước hết là những kẻ đối nghịch với Chúa Giêsu, trong số này đám biệt phái và luật sĩ là những người cay cú nhất. Họ căm ghét Ngài đến mức dám phỉ báng cả Chúa Thánh Linh khi rêu rao rằng Chúa Giêsu bị quỷ ám (c. 30). Tuy nhiên đám bà con Chúa Giêsu cũng phạm phải tội lỗi giống họ khi tuyên bố rằng Chúa Giêsu bị mất trí rồi (c. 21). Người ta tự hỏi Maccô có ý gì khi lồng sự can thiệp dữ dằn của bà con thân thuộc Chúa Giêsu (c. 20-21 và 31-35) vào trước và sau cuộc tranh luận của Chúa về Bêeldêbun (c. 22-30)? Hai cuộc can thiệp của bà con Ngài tuy khác nhau nhưng dầu sao cũng có nhiều điểm trùng hợp, đó là họ tỏ ra thù nghịch với sứ vụ của Chúa Giêu. Đối với Maccô, thân tộc Chúa Giêsu đã hành động như một “gia đình tự phân rẽ” mà Ngài từng nói đến trong cuộc xung đột với đám luật sĩ (3,25). Như thế sự ráp nối hai đoạn văn này lại sẽ cho chúng ta nhiều ý nghĩa.

Đối ngược với loại người trên là các môn đệ của Chúa Giêsu. Trước hết là nhóm Mười Hai (3, 13-19), và rộng hơn là đám quần chúng sẵn sàng đón nhận Tin Mừng từ miệng Ngài rao giảng. Vào lúc đầu đám đông chỉ “tụ lại” quanh Chúa Giêsu và theo Ngài về nhà (c. 21). Còn vào lúc cuối thì xem ra họ “nghiêm chỉnh” hơn bởi vì đã biết “ngồi quanh” nghe Ngài giảng (c. 32a và 34a). Đối đầu với những kẻ “bên ngoài’, cộng đoàn các môn đệ ngày càng gia tăng. Và Chúa Giêsu cho biết kẻ thuộc về Ngài chính là kẻ thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Về sau, khi cùng tham dự vào Lễ Hiện Xuống, các Kitô hữu sẽ thực sự được gọi là “anh chị em” của Chúa Giêsu, bởi vì họ đã thiết lập nên một dòng dõi thiêng liêng, tức gia đình đích thực của Chúa Giêsu trong cộng đoàn có tên là “Giáo Hội” (x. Plm 1-2).

CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN- Năm B

SATAN, TÊN PHÁ HOẠI – Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

– Bài đọc I (St 3,9-15) : Satan cám dỗ nguyên tổ phạm tội

– Đáp ca (Tv 129) : Lời cầu nguyện của kẻ lỡ phạm tội.

– Tin Mừng (Mc 3,20-35) : Đức Giêsu và quỷ vương Bêendêbun

DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Có một thực tại vô hình nhưng rất năng động trong cuộc sống, đó là sự phá hoại của Satan. Thánh Phêrô đã khuyến cáo các tín hữu của ngài rằng “Ma quỷ như sư tử luôn rảo quanh tìm mồi”.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa dạy cho biết Satan luôn phá hoại chúng ta thế nào, và bằng cách nào chúng ta có thể thoát khỏi sự phá hoại ấy.

GỢI Ý SÁM HỐI

– Vì coi thường sự phá hoại của ma quỷ nên nhiều lần chúng ta sa ngã vì cám dỗ của chúng.

 – Nhiều khi chúng ta nghe theo lời xúi dục của ma quỷ mà không nghe lời Chúa.

– Xin Chúa thương xót thân phận yếu đuối tội lỗi của chúng con.

III. LỜI CHÚA

Bài đọc I (St 3,9-15)

Bài tường thuật này xử dụng một câu chuyện (có thể chỉ là hư cấu) để diễn tả những điểm giáo lý quan trọng :

– Đầu mối của tội lỗi là Satan : Khi bị Thiên Chúa hạch hỏi về tội đã phạm, ban đầu Adam đổ cho Evà, nhưng sau cùng Evà đã thú nhận là do Satan xúi dục.

– Sự phá hoại của Satan vẫn còn tiếp tục : Thiên Chúa phán với con rắn “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ của mi và miêu duệ người nữ”

Đáp ca (Tv 129)

Lời cầu nguyện của kẻ lỡ phạm tội : “Từ vực sâu con kêu lên Chúa… Nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi thì nào ai đứng vững được… bởi vì Chúa rộng lượng từ bi và Chúa rất giàu ơn cứu độ”

Tin Mừng (Mc 3,20-35)

Sự phá hoại của Satan mà Thiên Chúa đã nói trong sách Sáng thế được tiếp tục nơi Đức Giêsu. Satan phá hoại Ngài bằng nhiều cách :

– Xúi giục các luật sĩ xuyên tạc phép lạ Đức Giêsu làm, rằng Ngài đã dùng sức quỷ vương mà trị quỷ nhỏ.

– Xúi giục những người phạm tội “phạm đến Chúa Thánh Thần”, nghĩa là không chịu sám hối để được tha thứ.

– Xúi giục chính những người thân của Đức Giêsu khiến họ nói rằng Ngài đã “mất trí” và “đi bắt” Ngài về không cho tiếp tục việc rao giảng Tin Mừng.

Nhưng cũng như Thiên Chúa đã tiên báo trong sách Sáng thế “Miêu duệ người nữ sẽ đạp nát đầu mi”, Đức Giêsu cũng khẳng định rằng nước của Satan sẽ sụp đổ.

Bài đọc II (2 Cr 4,13–5,1) (Chủ đề phụ)

Trong trích đoạn tuần trước, Thánh Phaolô đã khiêm tốn nhìn nhận thân phận yếu đuối của người tông đồ (như chiếc bình sành dễ vỡ), đồng thời khẳng định sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chúa.

Trong trích đoạn hôm nay, Thánh Phaolô tuyên xưng niềm tin của mình vào sức sống mới do Đức Giêsu ban :

– Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô sống lại thì cũng làm cho chúng ta sống lại

– Mặc dù con người bên ngoài của chúng ta bị tiêu huỷ đi nhưng con người bên trong của chúng ta ngày càng được canh tân

– Gian truân hiện nay chỉ là nhất thời và nhẹ nhàng so với vinh quang đời đời sẽ được ban cho chúng ta.

– Nếu căn nhà chúng ta cư ngụ ở trần gian này bị phá huỷ đi thì chúng ta có một nơi định cư vĩnh viễn ở trên trời

GỢI Ý GIẢNG

* 1. Đổ lỗi cho người khác

Có lỗi thì nhận lỗi. Đó là điều hợp lý và phải làm. Có như thế thì mới sửa lỗi được và mới đáng được tha.

Một trong những cách phá hoại của Satan là xúi người ta chối lỗi và đổ cho người khác. Cách phá hoại này được Satan xử dụng rất thường từ xưa đến nay :

– Ngày xưa nó xúi Adam đổ lỗi cho Evà, xúi Eva đổ lỗi cho con rắn

– Ngày nay nó xúi từ trẻ con đến người lớn dù phạm tội nhưng luôn đổ lỗi cho người khác : trẻ con làm gì sai quấy bị cha mẹ rầy luôn đổ cho người khác ; người lớn cũng thế : tại người này, do nguyên nhân nọ… ít khi nào dám nhận là tại mình và do mình.

Khi chúng ta làm theo sự xúi dục của Satan mà đổ lỗi cho người khác, chúng ta không sửa lỗi được và không được tha thứ. Đây cũng là một hình thức “phạm đến Chúa Thánh Thần” mà Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng.

* 2. Ganh ghét và xuyên tạc

Một cách phá hoại khác của Satan là khơi lên lòng ganh ghét để người ganh ghét xuyên tạc việc làm của kẻ khác. Thâm độc của cách phá hoại này là khiến cho người ganh ghét bị mù quáng không nhận ra sự thật, và làm cho điều tốt bị hiểu lầm là điều xấu.

Trong bài Tin Mừng, các luật sĩ đâu phải là những người ít học và không có tinh thần đạo đức. Nhưng Satan đã làm mù những kiến thức và lòng đạo đức của họ bằng tính ganh ghét. Và kết quả là khi họ đã bị mù quáng rồi, họ xuyên tạc việc Đức Giêsu chữa bệnh là “dùng sức quỷ cả để trị quỷ con”.

Việc các luật sĩ mà cũng bị rơi vào bẫy của Satan khuyến cáo chúng ta đừng nghĩ mình là kitô hữu, là cán bộ tông đồ, là tu sĩ hay giáo sĩ mà có thể tránh khỏi lòng ganh ghét dẫn đến việc xuyên tạc người khác.

* 3. Khôn ngoan và “mất trí”

Một cách phá hoại nữa của Satan là xúi người ta đánh giá việc của Chúa bằng sự khôn ngoan của loài người.

Những người thân của Đức Giêsu đã rơi vào cái bẫy này : Ngài đang làm công việc của một Đấng Cứu Thế, xả thân không ngơi nghỉ để giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng. Nhưng họ đã suy nghĩ theo sự khôn ngoan của loài người nên nói Ngài “mất trí” và muốn bắt Ngài về nhà.

* 4. Tội phạm đến Thánh Thần

Trên một chiếc tàu vượt đại dương, có một kỹ sư tàu biển tên là Egbert. Công việc của ông là ngồi trong phòng máy và tuân theo lệnh của Đô đốc ở trên cầu tàu truyền xuống.

Một hôm, Egbert suy nghĩ rồi tự nhủ : Ta là nhân vật quan trọng nhưng đâu có ai quý trọng ta. Còn vị Đô đốc chỉ ngồi trên cầu tàu ra lệnh, chẳng để ý đến ta ở dưới buồng máy không được ngắm trời mây non nước.

Càng nghĩ ông thấy mình càng quan trọng. Lúc đó, chuông rung và có lệnh : “Hãy quay trở lại”. Egbert lầm bầm : “Tôi là kỹ sư đã 30 năm, từng vượt biển cả 100 lần. Đây là lần đầu tiên có người bảo tôi phải quay trở lại giữa đại dương. Ông Đô đốc này chỉ biết ra lệnh thôi !”

Nói xong, thay vì trở lui, Egbert cứ cho tàu lao tới phía trước, mà còn tăng tốc nhanh gấp đôi. Con tàu đâm xầm vào một chiếc tàu khác, vỡ nát tan tành.

*

Tâm trạng anh kỹ sư tàu biển trên đây không khác gì các luật sĩ Do thái thời Đức Giêsu. Họ kiêu căng mà không nhận mình kiêu căng. Họ cho mình là tài giỏi, xứng đáng hơn người. Họ xuyên tạc chê bai việc lành của người khác. Họ giữ đạo mà không có tinh thần đạo đức. Họ làm việc thiện cốt để khoe khoang.

Với tâm trạng ấy, hôm nay họ tỏ rõ thái độ kiêu căng bất mãn. Thấy dân Do thái đổ xô đến chung quanh Đức Giêsu, họ ganh tị và khó chịu. Thấy phép lạ Người làm nhãn tiền, họ lại bảo Người bị quỉ ám. Thấy Người trừ quỉ, họ lại cho là do quyền lực quỉ vương. Thấy Người chữa bệnh cho kẻ phong cùi, họ lại kết án Người phạm luật ngày hưu lễ. Thấy Người viếng thăm kẻ tội lỗi, họ lại cho Người là bạn bè với bọn thu thuế và gái điếm. Nếu người ta đầy lòng kiêu ngạo, sẽ chẳng còn chỗ cho sự khôn ngoan. Hãy sống nhỏ bé trước mặt Chúa cả khi người ta là vua Đavít.

Thánh Giacôbê viết : “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gc.4,6).

Đứng trước thái độ kiêu căng cố chấp ấy, Đức Giêsu chất vấn họ : “Satan lại trừ Satan được sao ?” (Mc.3,26-27). Người cảnh cáo họ : “Mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào phạm thượng đến Chúa Thánh Thần, muôn đời sẽ không được tha” (Mc.3,28-30). Tội phạm đến Thánh Thần là chối bỏ sự hiện diện của Thần Khí trong Đức Giêsu là gán cho ma quỉ những gì thuộc về Thánh Thần.

Quả thực, Đức Giêsu xua trừ ma quỉ là “Bởi Thánh Thần Thiên Chúa” (Mt.12,28). Thánh Basiliô Xêdarê viết : “Khi gặp Đức Giêsu, ma quỉ đã bị mất hết quyền lực của mình trước sự hiện diện của Thánh Thần”. Vậy ai dám nói quyền lực của Đức Giêsu do Satan mà có là họ đã nói lộng ngôn phạm đến Thánh Thần.

Tội phạm đến Chúa Thánh Thần chính là “tội cố tình, từ chối quyền năng của Chúa Thánh Thần, nguồn ơn tha thứ”, Chúa luôn sẵn sàng tha thứ, nhưng Người không cưỡng ép chúng ta điều gì kể cả sự thứ tha. Một khi đã từ chối ơn tha thứ thì cũng có nghĩa là từ chối hạnh phúc Nước Trời. Nếu một người nghẹt mũi không ngửi thấy hương của hoa hồng, thì đó không phải là lỗi ở bông hoa, mà do bản thân người ấy.

Thomas Caryle có viết : “Không nhận ra lỗi lầm là lỗi lớn nhất trong một lầm lỗi”.

*

Lạy Chúa, xin dạy chúng con đừng bao giờ kiêu căng tự đắc, đừng bao giờ cho mình là tài giỏi đạo đức hơn người, đừng bao giờ cố chấp ở lì trong tội.

Xin cho chúng con biết theo Thánh Thần, để nhờ Người, chúng con được lãnh ơn Cứu độ của Chúa. Amen (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

Câu chuyện minh họa

Mỗi người đều mang hai túi  : một ở trước ngực và một ở sau lưng, và cả hai nhét đầy lầm lỗi.

Tuy nhiên, túi trước đựng lỗi của người hàng xóm và túi sau đựng lỗi của mình. Vì thế, người ta thường mù quáng với khuyết điểm của mình và luôn sáng mắt với khuyết điểm của anh em.

“Ađam, ngươi ở đâu ?”

Khi Chúa ban cho Ađam và Eva được tự do là Ngài ban cho họ được chọn làm điều gì là tốt. Nhưng họ đã chọn làm điều xấu. Mà chọn điều xấu là lạm dụng quyền tự do. Và giống như trẻ con đã làm sai, họ đã đi trốn chứ không dám đối diện với hậu quả tội họ gây ra. Nhưng Chúa đã tìm họ và gọi : “Ađam, ngươi ở đâu ?”

Ở đây có một thắc mắc nẩy sinh : Nếu Chúa biết mọi sự, thế thì tại sao Ngài còn hỏi “Ađam, ngươi ở đâu ?” Thực ra Chúa hỏi thế không phải vì Ngài không biết Ađam đang ở đâu, mà chính vì Ađam không biết mình đang ở đâu. Ngài hỏi thế là để nhắc Ađam.

Câu hỏi “Ngươi đang ở đâu ?” thật là một câu hỏi gây bối rối. Và câu này Chúa không chỉ hỏi Ađam, mà còn hỏi mọi người đang có tội : Ngươi đang ở đâu trong tương quan với Ta, với người khác và với chính bản thân ngươi ?

Ađam đi trốn để khỏi trả lời câu hỏi ấy, để tránh trách nhiệm về việc mình đã gây ra. Chúng ta cũng tránh né vì cùng một lý do đó. Khi chúng ta sai lỗi, chúng ta sợ và trốn tránh trách nhiệm. Nhưng khi chúng ta trốn Chúa – là điều không thể – thì cũng là trốn tránh chính mình.

Thế nhưng có một Cái Gì đó vẫn đi tìm chúng ta, đó là tiếng Chúa hỏi trong lương tâm chúng ta “Ngươi đang ở đâu ?” Thiên Chúa không thờ ơ, Ngài đi tìm chúng ta dù chúng ta muốn trốn tránh Ngài. Ngài đi tìm không phải để phạt, mà để giúp chúng ta đối diện với việc mình làm. Ngài thừa yêu thương để tha thứ cho chúng ta, nhưng Ngài muốn chúng ta gánh lấy trách nhiệm về tội đã phạm và cố gắng đền bù. Đối diện là dấu hiệu của yêu thương.

Ađam và Eva run sợ khi nghe tiếng Chúa. Họ xấu hổ về điều họ đã làm, và cũng xấu hổ về chính bản thân. Chúng ta cũng run sợ khi nghe hỏi “Ngươi đang ở đâu ?” Nhưng câu hỏi này không phải là một sự tra khảo, mà là một sự giúp đỡ. Đó là tiếng của Đấng quan tâm đến chúng ta.

Ađam và Eva cảm thấy mình có tội. Ngày nay, từ “tội” hầu như chỉ mang nghĩa xấu. Thực ra tội cũng có giá trị xây dựng. Cảm thấy có tội là dấu chỉ một lương tâm còn lành mạnh : ai có lương tâm còn lành mạnh thì sau khi sai lỗi đều cảm thấy có tội. Tội cũng là dấu chỉ mình là con người thật sự : chỉ có người rối loạn tâm thần  mới cảm thấy mình không có tội, bởi vì người đó đã bị chai lì về mặt luân lý. Đó không phải là người bình thường, không phải là một con người trọn vẹn.

Cũng như cơn đau là tiếng chuông báo động có cái gì trục trặc về thể lý, thì ý thức có tội là dấu chỉ cho biết có trục trặc về luân lý. Sự cắn rứt lương tâm kêu gọi ta phải thay đổi, phải tìm sự thật, phải sửa chữa lỗi lầm và phải xin ơn tha thứ. Tất cả đều có tác động tích cực.

Tội sinh ra hậu quả. Trước khi Ađam và Eva phạm tội, họ sống vui vẻ trong tình thân với Chúa. Sách Thánh mô tả chiều chiều họ cùng dạo chơi với Chúa trong làn gió hiu hiu. Sau khi phạm tội, họ trốn tránh Chúa và đổ lỗi cho nhau. Trước đó là hoà thuận và hợp nhất, sau đó là sợ hãi và chia rẽ.

Nhưng cảnh buồn bã của câu chuyện đã kết thúc bằng lời hứa cứu độ. Thiên Chúa thương xót Ađam Eva nên hứa ban Đấng cứu độ. Tin Mừng cho thấy lời hứa này đã được thực hiện nơi Đức Giêsu. Đức Giêsu đã chiến thắng Satan và thiết lập Nước Thiên Chúa. Đối với những ai tin vào Ngài và làm theo ý Thiên Chúa thì một tình thân mới được thành lập. Họ không chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa mà còn là con cái trong gia đình Ngài và là anh em với những người khác. (Viết theo Flor McCarthy)

LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Sau khi đã nghe lời giáo huấn của Chúa, giờ đây chúng ta hãy dâng lên Ngài những lời cầu nguyện sốt sắng của chúng ta :

  1. Hội Thánh là một đại gia đình có Thiên Chúa là Cha, và các tín hữu là anh chị em của Đức Giêsu. Chúng ta hãy cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn lắng nghe và thực thi ý Thiên Chúa để xứng đáng là gia đình của Chúa.
  2. Trên thế giới, ma quỷ vẫn tích cực gieo những mầm mống xấu để phá hoại chương trình của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho sự thiện chiến thắng sự dữ trong thế giới ngày nay.
  3. Khi con người không dám nhận lỗi của mình mà lại đổ lỗi cho người khác thì con người không cải thiện được và không đáng được tha thứ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp những kẻ lỡ sa ngã phạm tội biết khiêm tốn nhận tội để hoán cải đời sống và được Chúa thứ tha.
  4. Đức Giêsu đã dạy : “Ai làm theo ý Thiên Chúa thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”. Chúng ta hãy cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết chuyên cần làm theo ý Chúa.

CT : Lạy Đức Giêsu, Chúa đã bỏ ăn bỏ ngủ để giảng dạy chúng con biết con đường hạnh phúc và chữa trị những bệnh tật của loài người chúng con. Chúng con vô cùng cảm kích vì tấm lòng của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con đáp lại tấm lòng Chúa bằng một cuộc sống luôn cố gắng thi hành ý Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha : Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu đã nói “Ai làm theo ý Thiên Chúa thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”. Trong kinh Lạy Cha sắp đọc, chúng ta hãy đặc biệt xin cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”

– Sau kinh Lạy Cha : “Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin giúp chúng con thoát khỏi mọi hình thức phá hoại của Satan, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…”

VII. GIẢI TÁN

Chúng ta đã biết những hình thức phá hoại tinh vi của ma quỷ. Trở về với cuộc sống thường ngày, chúng ta hãy tỉnh táo đừng nghe theo sự xúi dục của ma quỷ, nhưng cố gắng thi hành thánh ý Thiên Chúa.

home Mục lục Lưu trữ