Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 35

Tổng truy cập: 1379385

HẠNH PHÚC THẬT Ở ĐÂU

HẠNH PHÚC THẬT Ở ĐÂU- Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Trong cuộc sống, không ai là người lại không muốn cho mình được hạnh phúc! Người thì cho rằng: vợ đẹp con khôn là hạnh phúc; người khác lại nghĩ có được nhà lầu xe hơi mới là hạnh phúc; lại có người nghĩ mình phải phấn đấu để được giữ chức nọ việc kia thì sẽ hạnh phúc, nhưng có người lại chỉ hy vọng rất đơn giản là làm sao có cơm ba bữa, quần áo mặc cả ngày cũng là hạnh phúc lắm rồi!

Như vậy, mỗi người đều mong cho mình được hạnh phúc, tuy nhiên quan niệm về hạnh phúc thì lại khác nhau.

Hôm nay, Đức Giêsu cho chúng ta thấy: hạnh phúc của người Tín hữu Kitô chính là việc được đón nhận hồng ân đức tin. Có được đức tin là chúng ta được sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Đây là những người hạnh phúc đích thực.

Vì thế, Đức Giêsu rất quan tâm đến mối liên hệ trong đức tin hơn là sự liên hệ tình cảm thuần túy.

Vì thế, khi thấy được những điều kỳ diệu Đức Giêsu làm và những lời giảng dạy tuyệt vời của Ngài, một người đã thốt lên lời khen ngợi, hay nói đúng hơn là lời chúc mừng Đức Maria là người đã sinh ra và nuôi dưỡng Ngài: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!”. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại nói: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”.

Khi nói như thế, Ngài không có ý hạ thấp vai trò của Đức Maria, nhưng một cách gián tiếp, Ngài đang đề cao Mẹ Maria hơn bao giờ hết, bởi vì trong số những người lắng nghe lời Thiên Chúa, hẳn Mẹ là người trung thành và trọn vẹn nhất. Vì thế, Đức Giêsu muốn đưa Đức Maria ra làm mẫu gương về việc lắng nghe Lời Chúa.

Lời Chúa hôm nay gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người chúng ta, vì: ngày nay, trong cuộc sống có quá nhiều sự bon chen, con người phải chạy đua với chúng như trò chơi đuổi nhau của bọn trẻ. Họ phỏng chiếu hạnh phúc qua lăng kính của tiền, tài, tình, quyền…. Còn đứng trước lời mời gọi của Chúa qua chính Lời Ngài thì hẳn chúng ta không muốn nghe, nói gì đến việc tuân giữ!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người: hãy xin Chúa ban đức tin cho ta, từ đức tin đó, chúng ta cộng tác với ơn Chúa để làm cho đức tin ngày càng lớn mạnh. Dấu hiệu của người có một đức tin trưởng thành là yêu mến và tuân giữ Lời Chúa, suy đi nghĩ lại và đem ra thực hành. Được như thế, chúng ta sẽ là những người hạnh phúc.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con được yêu mến và tuân giữ Lời Chúa cách trung thành như Mẹ Maria khi xưa. Amen.

CHÚA NHẬT THƯỜNG NIÊN- Năm B

HỌ HÀNG VỚI CHÚA- Trích Logos B

Cách nay ít năm, tại bệnh viện Milwankee, có một bé sơ sinh mù và còn bị chuẩn đoán là đần độn bẩm sinh do bại liệt não. Sau khi sanh ít ngày, người mẹ đã nhẫn tâm bỏ đứa con sơ sinh tật nguyền. May mắn cho em, một chị y tá tên là May Lempke, thấu hiểu tình trạng bé sơ sinh bị bỏ rơi đồng nghĩa với cái chết, đã nhận em về nuôi.

Chị May cùng chồng đặt tên cho đứa con nuôi đặc biệt của mình là Leslie. Họ thay nhau xoa bóp cho Leslie hằng đêm, cầu nguyện cho Leslie hằng ngày. Chị May khóc suốt vì Leslie đau đớn. Leslie càng lớn, sự chăm sóc Leslie càng nhiêu khê : chị May phải khéo léo cột Leslie vào chiếc ghế để em khỏi té nếu chị muốn rời em.

Một ngày nọ, May thấy dường như Leslie có những biểu hiện khác thường khi nghe những bản nhạc. Thế là, vợ chồng chị mua một cây đàn piano cũ và tranh thủ đánh đàn cho Leslie nghe; mua nhiều băng đĩa hoà tấu hy vọng Leslie được vui.

Bỗng vào một đêm đông năm 1971, vợ chồng May nghe thấy ai đó đang chơi bản hoà tấu dương cầm số 1 của Tchaikovsky. Họ thức dậy để xem tiếng đàn lạ từ đâu. Họ sửng sốt thấy Leslie đang vẹo mình trước đàn và chơi nhuần nhuyễn bản nhạc. Từ đó, các bản nhạc Leslie đã nghe như đã tồn trữ trong óc và nay đang tuôn ra trên đôi tay của cậu. Leslie giờ đây đã 28 tuổi, đi lại vẫn khó khăn, nói năng vẫn ngọng ngịu, nhưng là một tài năng âm nhạc. Các bác sĩ giải thích : Leslie bị chậm phát triển về trí tuệ do não bị tổn thất nhưng lại cực kỳ tài năng. Tài năng đó được duy trì và bộc phát nhờ tình yêu đặc biệt của cha mẹ nuôi là vợ chồng chị May Lempke (theo Reader’s Digest).

Đứng trước nghịch cảnh Leslie, liên hê do máu huyết đã chào thua liên hệ do đức ái. Hôm nay trong Tin Mừng, Đức Giêsu đang giới thiệu mối liên hệ đức ái đó. Một cách nào đó, Đức Giêsu đã gọi mối liên hệ này là họ hàng của Ngài.

Thiết lập họ hàng thiêng liêng

Trong xã hội có nhiều mối liên hệ. Rộng nhất là mối liên hệ đồng loại, rồi đến chủng tộc màu da. Hẹp hơn là mối liên hệ đồng bào. Nhỏ hơn là mối liên hệ đồng hương liên kết những người chung nơi chôn nhau cắt rốn. Cuối cùng là mối liên hệ họ hàng huyết tộc nảy sinh do sự đồng một dòng máu di truyền. Ngoài ra còn có mối liên hệ đồng môn, đồng nghiệp, đồng chí, đồng cảnh ngộ và bạn kết nghĩa…

Trong các mối liên hệ ấy, mối liên hệ họ hàng huyết tộc là phổ biến nhất, cụ thể nhất và xét trong lãnh vực tự nhiên thường là bền chặt nhất. Thế mà, khi đề cập đến mối liên hệ này, Đức Giêsu đã đặt vấn đề: “Ai là mẹ, là anh em ta ?”. Mẹ và anh em theo nghĩa thường thì một em bé còn bế ngửa cũng biết và cảm nhận được ! Sao Chúa lại hỏi vậy ? Ở đây, Đức Giêsu đang mạc khải một mối liên hệ, đối với Ngài, mật thiết nhất và bền vững vĩnh cửu mà mối liên hệ máu huyết đứng bên sẽ trở nên quá nhỏ bé. Đó là mối liên hệ họ hàng thiêng liêng phát sinh do đức Tin, phát triển nhờ đức Ái và kiên trì nhờ đức Cậy trông. Chất lượng của mối dây liên kết họ hàng thiêng liêng này hệ tại mức độ của sự thực hành lời Chúa. Một người con càng thương cha mẹ thì càng dễ vâng lời và càng vâng lời thì tình nghĩa con cái với cha mẹ càng thêm chất lượng. Cũng vậy, một người chỉ thực sự là con cái Chúa khi biết đón nhận thánh ý Chúa và càng thực thi thánh ý Chúa thì tình nghĩa với Chúa càng thêm chất lượng. Đức Giêsu gọi người đó là mẹ và là anh em của Ngài.

Khi Đức Giêsu đưa tiêu chuẩn xác định họ hàng dựa trên việc biết nghe và thực hành lời Chúa thì đồng thời Ngài cũng mặc nhiên cảnh báo có những trường hợp ngỡ là gần Chúa mà thật ra lại xa Ngài vời vợi. Quả thế, những người có họ hàng máu huyết với Chúa, biết rõ về Chúa, gặp gỡ Chúa thường xuyên nhưng không bước theo Chúa bằng việc thực thi đường lối Chúa chỉ dạy vẫn mãi mãi là kẻ xa lạ với Chúa.

Cuộc đời Đức Giêsu diễn tả cho ta thấy một Thiên Chúa mê say con người: Ngài quên ăn quên nghỉ vì phần rỗi anh em (x. Ga 4, 5-34); Ngài nỗ lực đẩy lui Satan, không để cho ma quỷ tác oai tác quái nơi thế giới con người như kẻ “múa gậy vườn hoang”. Ai không đồng cảm với Chúa, không cùng Ngài trên một chiến tuyến chống lại Satan bằng việc nói không với Satan và nói có với Ngài trong đời sống… người đó luôn là kẻ xa lạ, thậm chí chống lại Ngài dù bề ngoài xem ra họ rất gần Ngài. Kết cục, có lắm người phải ngã ngửa khi nghe Ngài kết luận: “Ta không hề biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác !”. Trong số đó có người là đồng hương, quá gần gũi với Chúa và có cả những kinh sư, luật sĩ, những người vẫn mang danh là chuyên viên trong đạo.

Phá vỡ họ hàng thiêng liêng

Nếu vâng nghe lời Chúa giúp ta nên họ hàng nghĩa thiết với Chúa thì ngược lại, bất tuân lệnh là biến mình thành kẻ xa lạ với Ngài. Sự bất tuân khởi đi bằng sự thiếu tín nhiệm. Adam – Evà trước khi giơ tay hái quả cấm thì trong lòng đã dấy lên sự không tin Chúa tốt lành (x St 3, 1-6). Anh em họ hàng của Chúa trước khi đi bắt Chúa thì lòng họ đã không tin việc Chúa làm là bình thường, là khôn ngoan. Chỉ có lòng tín nhiệm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa mới giữ con người sống trong đạo lý Chúa. Mất tín nhiệm đồng nghĩa với khởi sự phản bội. Không trung thành với đường lối Chúa biến người ta đang là kẻ nghĩa thiết họ hàng với Chúa thành kẻ xa lạ và hơn nữa thành kẻ thù của Tình Yêu. Adam – Evà sau khi trái lệnh Chúa, đã đánh mất tình thân với Chúa, chẳng còn cảnh ngày ngày gặp Chúa đàm đạo thân tình nữa (x. St 3, 8-10).

Thiếu lòng tin vững chắc vào sự sống đời sau dễ làm cho ta trái ý Chúa ở đời này. Đúng vậy, mọi lỗi phạm thường do ta thiển cận, chỉ thấy cái được trước mắt mà không thấy cái mất lớn lao đằng sau. Người ta sẵn sàng chịu thương chịu khó để hy vọng được mùa lúa bội thu; người ta chấp nhận khổ luyện để hy vọng chiến thắng. Cũng vậy, khi đã xác tín vào phần thưởng phục sinh vinh quang vô tận Chúa dành cho kẻ nghĩa thiết với Chúa thì bằng mọi giá ta sẽ duy trì mối liên hệ họ hàng với Chúa. Mọi sự từ bỏ ở đời này để vâng ý Chúa sẽ là chuyện nhỏ khi ta đã thấy được vinh quang lớn lao mai sau.

Howard kelly là một nhà sinh vật học nổi tiếng kiêm bác sĩ. Lần kia, sau một ngày nghiên cứu, ông đến một nhà nghèo xin nước uống. Một bé gái xuất hiện và ân cần biếu ông một ly sữa tươi mát. Ông cám ơn và mong có dịp đền ơn bé. Ít lâu sau, mẹ bé đau nặng, người ta chuyển mẹ bé tới một bệnh viện trên thành phố. Cuối cùng bà khỏi bệnh nhưng không biết lấy tiền đâu để trả viện phí. Như một phép lạ, bác sĩ chữa bệnh xuất hiện trên tay cầm phong bì bên trong viết : Viện phí đã được thanh toán để trả ơn một ly sữa. Ký tên – Bác sĩ Kelly.    

Hy sinh cả đời thì có đáng gì so với vinh hạnh được là họ hàng của Chúa.

CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN- Năm B

MẸ VÀ ANH EM TÔI- Lm. Giuse Đinh Tất Quý

“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc 3.35)

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe hơi dài, mang nhiều sự kiện rời rạc nhưng nếu chịu khó suy nghĩ, chúng sẽ giúp cho sự hiểu biết của chúng ta về Chúa Giêsu phong phú và toàn diện hơn.

  1. Chúa Giêsu là Người bị mất trí (Mc 3,21)

Đây không phải là cảm nghĩ của những người xa lạ, nhưng là của những người thân nhân với Chúa. “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.” (Mc 3,21)

Đọc trong toàn bộ Tin Mừng ai cũng phải nhận Đức Giêsu là người rất quân bình, vậy mà người ta còn cho Ngài là người bị mất trí, khi thấy Ngài xả thân để lo cho đám người đông đảo. Rồi Ngài còn bị coi là bất bình thường, khi Ngài và các môn đệ bận bịu, lo phục vụ đến nỗi không có cả thời giờ nghỉ ngơi và ăn uống.

Đúng là họ chẳng hiểu gì về Chúa Giêsu, dù họ tưởng mình đã biết rất rõ về Ngài.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta có một cái nhìn khách quan và trong sáng về mọi người cũng như những việc xảy ra chung quanh cuộc sống của chúng ta, để cuộc sống của chúng ta có nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn..

Ngôi sao điện ảnh Lloyd lái xe đến trạm sửa chữa. Cô thợ máy ân cần đón tiếp anh. Ngay lập tức anh đã bị cuốn hút bởi đôi tay khéo léo và điêu luyện của cô.

Cả Paris đều biết đến anh, Thế nhưng cô gái này lại tỏ vẻ rất bình thản, xem ra không mấy vui sướng cũng như ngưỡng mộ con người nổi tiếng này.

– Cô có thích xem phim không? Anh ta hỏi.

– Đương nhiên là thích rồi, tôi là một “fan” điện ảnh mà.

Tay cô rất nhanh, chẳng bao lâu có đã sửa xong xe:

– Ông có thể lái xe đi rồi, thưa ông.

Anh ta vẫn tiếp tục:

– Thưa cô, tôi có thể đưa cô đi dạo được không?.

– Không! Tôi còn có công việc.

– Đây cũng giống như là công việc của cô. Cô sửa xe cho tôi, tốt nhất là tự mình lái thử kiểm tra xem sao.

– Được, vậy tôi lái hay ông lái đây?.

– Tôi lái, tôi mời cô mà!.

– Xe chay rất tốt, cô gái hỏi:

– Xem ra không có vấn đề gì, vậy xin ông vui lòng cho tôi xuống được không?.

– Sao cơ? Cô không muốn tôi đưa đi sao? Tôi chỉ muốn hỏi lại cô một việc, cô có thích xem phim không?.

– Tôi rất thích, tôi đã trả lời với ông rồi mà, hơn nữa tôi còn là một “fan” điện ảnh nữa.

– Vậy cô không nhận ra tôi sao?.

– Sao tôi không nhận ra chứ! Từ đầu tôi đã nhận ra ông là diễn viên điện ảnh Lloyd nổi tiếng hiện nay mà.

– Biết thế, sao cô vẫn lãnh đạm vậy?

– Không! Ông lầm rồi, tôi không hề lãnh đạm. Nhưng tôi không cuồng nhiệt như các cô gái khác. Ông có thành tựu của ông. Tôi có công việc của tôi. Ông đến đây để sửa xe. Ông là khách hàng. Nếu ông không phải là ngôi sao nổi tiếng, khi ông đến sửa xe thì tôi cũng tiếp đãi như vậy. Giữa người với người không phải như thế sao?.

Anh ta im lặng. Đối diện với cô gái bình thường này anh cảm thấy mình tầm thường và thật ngông nghênh.

– Cảm ơn cô! Cô đã khiến cho tôi phải tự cảnh tỉnh về giá trị bản thân. Được, bây giờ tôi đưa cô về.

  1. Đức Giêsu là người của quỷ, cậy dựa vào sức mạnh của Quỉ Lớn mà trừ quỉ nhỏ.

Khi các kinh sư từ Jêrusalem xuống để điều tra về Đức Giêsu. Họ không thể phủ nhận được chuyện Ngài có khả năng trừ quỷ, nhưng họ lại giải thích với cái nhìn đầy ác ý. Tin Mừng ghi: “Các kinh các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỵ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỵ vương mà trừ quỵ. (Mc 3,21)

Thật là “tội nghiệp” cho Chúa! Đấng mà thần ô uế đã phải sấp mình xuống dưới chân mà tuyên xưng: “Ông là Con Thiên Chúa” (Mc 3,11); Đấng đã khiến quỉ phải kêu la khi xuất ra. Vậy mà các kinh sư lại nói về Chúa như thế. Đúng miệng lưỡi của “thế gian”.

Chúng ta hãy tập cho mình có một lương tâm ngay thằng và trung thực đừng để những tà ý làm hỏng cái tính bàn thiện Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Một buổi chiều thứ bảy đầy nắng ở thành phố Oklanama, tôi cùng một người bạn và hai đứa con của anh đến vui chơi tại một câu lạc bộ. Bạn tôi tiến đến quầy vé và hỏi:

– Vé vào cửa là bao nhiêu? Bán cho tôi bốn vé. Người bán vé trả lời:

– 3 đô la một vé. Chúng tôi đặc biệt miễn phí cho trẻ em dưới sáu tuổi. Các cậu bé này bao nhiêu tuổi?

– Đứa lớn bảy tuổi và đứa nhỏ thì lên bốn. – Bạn tôi trả lời.

– Như vậy tôi phải trả cho ông 9 đô la tất cả.

Người đàn ông ngước lên với cặp mắt ngạc nhiên:

– Sao ông không nói rằng đứa lớn chỉ mới sáu tuổi? Như thế có phải là tiết kiệm được 3 dollars không?

Bạn tôi nhìn người bán vé rồi chậm rãi nói:

– Dĩ nhiên, tôi có thể nói như vậy và ông ta cũng sẽ không nhận ra. Nhưng bọn trẻ thì biết đấy. Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của những đứa con và lòng trung thực của mình chỉ với 3 dollars. (Hồng Diễm)

  1. Mẹ và anh em của Chúa Giêsu.

Tin Mừng ghi lại: “Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”

Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”

Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc 3,32-35)

Khi nói như thế Chúa Giêsu không có ý phủ nhận mối giây liên kết máu mủ gia đình với Chúa. Ngược lại nhiều nhà chú giải còn bảo là Chúa muốn đề cao Đức Mẹ.Ví Đức Mẹ làm Mẹ Chúa Giêsu đến hai lần!

Phải nhận rằng việc thì hành thánh ý Chúa không phải là chuyện dễ làm. Abraham ngày xưa là một thí dụ.

Phải can đảm lắm mới có thể thi hành thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống làm người của mình.

Ngày 30-01-1938 chuyến xe lửa khởi hành từ Quito Galio dến Colombia bất ngờ bị trật đường rầy. Tai nạn làm cho nhiều người chết và bị thương, trong số hành khách đang quằn quại vì những vết thương đau đớn, người ta thấy có một linh mục tên là Felix Louis dòng thánh Don Bosco. Cha bị gẫy chân, và một phần ruột lòi ra khỏi bụng. Nhận ra Ngài, các y tá đã chạy đến giúp đỡ Ngài. Nhưng cha ra hiệu cho các y tá phải lo săn sóc các hành khách khác. Nói xong cha lấy hết sức mình, nhét ruột vào bụng, lấy khăn băng lại, và xin người ta dìu tới những nạn nhân bị thương nặng, đang hấp hối, để giải tội cho những ai muốn xưng tội.

Làm xong công tác mục vụ, linh mục nói với các y tá: tôi cám ơn Chúa đã cho tôi thi hành chức vụ linh mục của tôi cho tới giây phút cuối cùng. Giờ đây các cô có thể đưa xác tôi đi.

Người ta vội đưa Ngài đến bệnh viện Hedini. Nhưng chỉ vài giờ sau, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng khi chưa tròn 36 tuổi (Góp nhặt 217).

Lạy Chúa xin cho mỗi người chúng con biết can đảm làm cho thánh ý của Chúa được hoàn thành trọn vẹn từng giây từng phút trong cuộc đời của chúng con. Amen.

home Mục lục Lưu trữ