Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 49
Tổng truy cập: 1380000
HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN- ĐTGM. Jos. Ngô Quang Kiệt
Đức tin là một con đường: con đường dẫn ta tới Chúa. Đây là một con đường dài. Vì ta sẽ phải đi suốt cuộc đời mới hết. Đường đức tin có những quãng đầy hoa thơm cỏ lạ và tiếng chim hót véo von. Đó là những khi niềm tin dâng đầy. Ta cảm thấy phấn khởi vì được gặp gỡ Chúa, được Chúa an ủi, mọi sự diễn ra êm xuôi tốt đẹp. Nhưng đức tin sẽ phải trải qua những quãng đường gian nan đầy chông gai sỏi đá. Ta gặp khó khăn thử thách. Ta gặp đau khổ thất bại. Ta không tìm đâu ra lối thoát. Ta như chìm trong đêm tối mênh mông chẳng có ánh sáng nào soi đường dẫn lối. Đó là khi niềm tin bị thử thách, bị nghiêng ngả chao đảo. Ta cảm thấy mệt mỏi chán chường. Ta muốn bỏ cuộc, rẽ sang đường khác. Ta bị cám dỗ tìm con đường dễ dàng hơn, rộng rãi hơn, thoải mái hơn.
Đó là trường hợp của những người Do Thái và một số môn đệ hôm nay.
Khi Đức Giêsu hoá bánh và cá ra nhiều nuôi năm nghìn người, niềm tin của đám đông dâng lên cao vời vợi. Họ phấn khởi mừng vui. Họ tin tuyệt đối rằng Người chính là Đấng Cứu Thế đến cứu dân tộc Do Thái. Niềm tin của họ mạnh mẽ đến nỗi khi Đức Giêsu trốn đi, họ vẫn đuổi theo sát nút với ý định tôn Người lên làm vua cai trị họ.
Thế mà hôm nay, khi Đức Giêsu tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”, đám đông đã bỏ Chúa. Một số môn đệ cũng bỏ Chúa mà đi. Đức tin bồng bột tưởng chừng như không gì dập tắt nổi của những ngày hôm trước nay đã tan tành như mây khói. Sự gắn bó tưởng chừng như không gì chia cắt nổi bỗng trở nên nhạt nhẽo lạnh lùng. Đức tin gặp thử thách và họ đã không đủ mạnh tin để vượt qua thử thách. Họ đã thất vọng bỏ cuộc. Nhưng Đức Giêsu vẫn bình tĩnh chấp nhận sự quay lưng trở gót của những người thân tín. Người không vì thế mà nói những lời nhẹ nhàng hơn. Đức tin phải trải qua thử thách. Lửa thử vàng, gian nan thử lòng trung tín. Chỉ có những người bạn trung thành qua những khó khăn mới là những người bạn đích thực. Chỉ có niềm tin kiên vững bất chấp mọi thử thách mới là niềm tin đúng nghĩa.
Giữa cơn khủng hoảng ấy, thánh Phêrô đã đại diện nhóm 12 tuyên xưng niềm tin sắt đá vào Đức Kitô. Dù chưa hiểu những điều Đức Giêsu nói, nhưng các ông vẫn đặt trọn niềm tin vào Người. Thế mới gọi là tin. Vì chưa thấy nên mới cần tin. Đã thấy rõ, đã biết rõ thì đâu cần tin nữa. Tuy nhiên niềm tin không phải là cái gì vô lý. Sau khi thấy Đức Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều và sau khi chứng kiến Người đi trên mặt nuớc, các ông hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin nơi Người. Đó là hai khía cạnh trái ngược của niềm tin. Tin là một ngọn đèn soi cho ta bước đi trong đêm tối. Ngọn đèn chỉ sáng đủ cho ta bước đi từng bước nhỏ trong niềm tin. Nhưng màn đêm vẫn tăm tối đủ cho ta nghi ngại. Chính vì thế mà niềm tin mới có giá trị và cần thiết.
Lời tuyên xưng của thánh Phêrô lại càng có giá trị trong lúc mọi người gặp khủng hoảng và bỏ Chúa. Tin tưởng khi thời cơ thuận lợi thì thật dễ dàng. Nhưng vẫn tin tưởng gắn bó với Chúa trong những lúc gặp khó khăn thử thách đó mới thật sự là niềm tin chân chính.
Hành trình đức tin của chúng ta chắc chắn sẽ không khác hành trình đức tin của các Tông đồ. Có những thời gian thuận lợi, ta thấy niềm tin dâng cao mãnh liệt. Khi ấy Lời Chúa là những lời êm ái ngọt ngào làm phấn chấn lòng ta. Lời Chúa mang đến cho ta niềm vui, niềm bình an, niềm hy vọng. Lời Chúa đem đến cả thành công và may mắn nữa.
Nhưng rồi tới những ngày u ám tăm tối, ta cảm thấy niềm tin lung lay chao đảo. Đó là khi ta gặp khó khăn thử thách. Lúc ấy Lời Chúa làm cho cuộc đời ta mất bình an. Lời Chúa gõ vào tính tự ái, tự cao, tự đại của ta. Lời Chúa gõ vào sức khoẻ ta. Lời Chúa gõ vào gia sản ta. Lời Chúa như lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn ta, tạo ra những vết thương sâu thẳm không bao giờ ngưng rỉ máu. Những lúc ấy, ta dễ bị cám dỗ từ bỏ Chúa như những người Do Thái trong bài Tin Mừng hôm nay.
Trong những giờ phút gặp gian nan thử thách như thế, ta hãy nhớ đên những lời tuyên xưng của thánh Phêrô. Niềm tin tuyên xưng trong đau đớn thử thách mới là niềm tin đúng nghĩa. Sự trung tín vượt qua được những cơn khủng hoảng mới minh chứng một tình yêu chân thực.
Trong những giờ phút tăm tối nhất, hãy mạnh dạn thưa với Chúa như thánh Phêrô: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai. Chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống đời đời”. Amen.
1- Đã có khi nào bạn cảm thấy niềm tin chao đảo, lung lay? Bạn đã làm gì để vượt qua những giờ phút khó khăn đó?
2- Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Bạn có xác tín điều đó không?
3- Sau khi những khó khăn qua đi, bạn nhìn thấy tất cả đều là ơn Chúa. Bạn có kinh nghiệm đó không?
CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN- Năm B
SỐNG LÀ LỰA CHỌN- Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC
Thưa anh chị em,
Trong suốt 5 tuần lễ qua, từ Chúa Nhật 17 cho đến Chúa nhật hôm nay, chúng ta đã lần lượt nghe trong Tin mừng thánh Gioan chương 6, nói về diễn từ “Bánh hằng sống”. Chúa Giêsu xưng mình: “Thịt ta thật là của ăn; máu ta thật là của uống” (Ga 6,55).
Khi nói đến ăn thịt và máu, khiến người Do Thái cảm thấy khó chịu và chướng tai. Họ nghĩ rằng Chúa Giêsu mời họ ăn thịt người. Đối với Người Do Thái, máu là sự sống, thuộc chủ quyền của Thiên Chúa, không ai được phép uống máu, ai đụng chạm đến máu là bị ô uế theo luật Môisê.
Và người Do Thái chỉ được phép ăn thịt một số con vật có vẩy mà thôi. Vì thế, khi nghe Đức Giêsu khẳng định “Bánh tôi sẽ ban chính là thịt tôi, để cho thế gian được sống”, làm cho người Do Thái không thể nào tin một người lại lấy thịt máu mình làm của ăn cho người khác được. Cho nên họ lẩm bẩm: “Lời này chói tai quá! Ai mà nghe được? “(Ga 6,60). Và vì không thể chấp nhận được, nên có nhiều người rút lui.
Đứng trước tình huấn đó, Đức Giêsu đặt vấn đề với nhóm mười hai: “Cả chúng con nữa, chúng con cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67). Với câu hỏi này, Chúa muốn các môn đệ của mình phải có một chọn lựa dứt khoát. Và sự chọn lựa căn bản này, là một điều hết sức quan trọng trong đời sống đức tin của người môn đệ Đức Kitô.
Nếu chúng ta có một chọn lựa đứng về phía Chúa, thì cho dù cuộc sống đời này có vất vả, nhưng tâm hồn sẽ bình an và hạnh phúc ở đời sau. Nhưng nếu chúng ta chọn theo ý riêng mình, nghĩa là không phù hợp với thánh ý Chúa, thì e rằng sẽ đưa đến hậu quả khôn lường.
Chẳng hạn như: Bà Evà đã nghi ngờ tình thương Chúa, nghe theo lời ma quỉ xúi giục, giơ tay hái trái cấm, hậu quả đánh mất ơn làm con Chúa, làm cho cửa thiên đàng đóng lại, lại còn gây ảnh hưởng đến con cháu ngàn đời.
Trong khi đó, Mẹ Maria muốn giữ mình đồng trinh, để thuộc trọn về Chúa, nhưng khi Chúa ngỏ lời cưu mang và sinh Con, thì Mẹ Maria liền bỏ ý riêng, thưa lời xin vâng cộng tác vào chương trình cứu độ, đưa nhân loại đến sự sống, cửa thiên đàng được mở ra.
Sau khi tiến vào Đất Hứa, vì ảnh hưởng các hình thức thờ tự của dân ngoại, dân Do thái đã không có chọn lựa dứt khoát đứng về phía Thiên Chúa, từ đó cuộc sống của họ ngày càng bất trung với lời giao ước của Thiên Chúa.
Trong bối cảnh ấy, thủ lãnh Giôsuê đã triệu tập toàn dân lại. Tại đây, ông nhắc lại cho dân chúng tất cả những gì Thiên Chúa đã yêu thương đồng hành với họ trong suốt hành trình 40 năm qua, và mời gọi họ chọn lựa dứt khoát: “Một là tôn thờ Thiên Chúa, hai là tôn thờ các thần tượng khác…” (Gs 24, 15), chứ không được làm tôi hai chủ, không được bắt cá hai tay.
Nhân cơ hội này, Giôsuê cũng nói cho dân chúng biết về sự chọn lựa của ông và gia đình ông: “Phần tôi và gia đình tôi sẽ tôn thờ Thiên Chúa” (Gs 24, 15). Dân Do thái, sau khi bình tâm nhớ lại tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho họ, họ đã đồng thanh trả lời với Giôsuê: “Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại khác” (Gs 24, 16). Họ đã quyết tâm đứng về phía Thiên Chúa. Chọn Chúa làm gia nghiệp, làm lẽ sống, là Thiên Chúa độc nhất họ tôn thờ.
Đây cũng là chọn lựa của các tông đồ mà thánh Phêrô đại diện cho nhóm 12 thưa lên cùng Chúa: “Thưa Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,69).
Và một khi đã chọn lựa, thì phải trung thành sống với sự chọn lựa ấy. Như lời thánh Phaolô trong bài đọc II, đã khuyên các đôi vợ chồng: một khi đã chọn nhau làm bạn đời, thì suốt đời phải trung thành với sự lựa chọn đó, nghĩa là thuỷ chung, tùng phục nhau, và hoà thuận thương yêu nhau.
Anh chị em thân mến,
Ngày lãnh bí tích Rửa tội, và mỗi năm trong dịp lễ vọng Phục Sinh, Hội thánh nhắc nhở con cái mình việc chọn lựa căn bản đó, là lặp lại lời tuyên xưng đức tin, và tuyên bố từ bỏ ma quỷ và các việc làm của nó.
Thế nhưng, việc chọn lựa của chúng ta không phải chỉ thể hiện một lần là xong, mà cần phải lặp đi lặp lại trong từng giây phút của cuộc sống.
Lắng nghe lời Chúa hôm nay, xin cho chúng ta xác tín hơn về chọn lựa theo Chúa của mình. Chớ gì, trước mỗi công việc, mỗi lời nói, chúng ta luôn suy nghĩ việc làm này, lời nói này có phù hợp với thánh ý Chúa không. Hành động này Chúa có hài lòng không?.
Ước gì lời tuyên xưng của thánh Phêrô năm xưa, cũng là lời tuyên xưng đức tin của chúng ta trong giây phút này. Vì thế kính mời anh chị em đứng lên cùng tuyên xưng đức tin. Amen.
CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN- Năm B
BỎ THẦY CON SẼ THEO AI– Lm. Trần Bình Trọng
Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã ban cho loài người được tự do lựa chọn: hoặc chấp nhận hay khước từ ơn Chúa. Sau khi chu toàn sứ mệnh Môsê trao phó để đưa dân Chúa chọn vào miền đất hứa, ông Giôsuê đã triệu tập các vị đại diện dân chúng tại Si-khem để khẳng định lại niềm tin vào Chúa. Ông nói với họ rằng: Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Thiên Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ… Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Thiên Chúa (Gs 24:15). Dân Ít-ra-en cũng đã lựa chọn. Họ quyết định phụng thờ Thiên Chúa vì Người đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Ai cập, đã làm những việc kỳ diệu và dẫn đưa họ vào miền đất hứa.
Tuy nhiên khi gặp khó khăn và thử thách trong sa mạc, họ lại bất trung, phản nghịch cùng Chúa. Và mỗi lần họ ăn năn sám hối thì Chúa lại giang tay đón nhận họ trở về với lòng bao dung tha thứ. Trong Phúc âm tuần trước, Đức Giêsu dạy họ về việc ăn bánh hằng sống là thịt và uống máu Người thì mới có sự sống muôn đời. Người Do thái liền tranh luận hỏi nhau: làm sao ông này có thể cho họ ăn thịt Người được (Ga 6:52)?
Lớp thính giả thứ hai trong Phúc âm hôm nay là các môn đệ khi nghe Đức Giêsu giảng dạy về việc ăn thịt và uống máu Người để được sống muôn đời, cũng lẩm bẩm cho rằng lời nói thật là chướng tai (Ga 6:60). Và theo Phúc âm thuật lại: Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa (Ga 6:66). Từ ngữ môn đệ được hiểu là người theo Đức Giêsu và con số được ghi là bảy mươi hai môn đệ. Và khi có những môn đệ bỏ cuộc, Đức Giêsu không ngạc nhiên, cũng không buồn giận, và không thay đổi lập trường. Người không giải thích, cũng không rút lại lời giảng dạy để mong bắt được mẻ cá lớn là các môn đệ.
Đến lượt lớp thính giả thứ ba là các tông đồ thì Đức Giêsu còn thách đố các ông thêm nữa. Người đòi hỏi nơi các tông đồ một đức tin không dè dặt, không lưỡng lự. Đức Giêsu gần làm hoảng hồn các tông đồ, khi Người hỏi thêm các ông: Còn chúng con, chúng con có muốn bỏ Thầy mà đi không (Ga 6:67)? Hoặc ở lại hay bỏ đi, một câu hỏi mà họ không thể nào tránh né được. Để trả lời câu hỏi, ông Phêrô tiến lên, đóng vai trò lãnh đạo, đáp lại: Thưa Thầy, nếu bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6:68). Ông muốn nói là không có ai khác để mà theo cả. Đức Giêsu đòi hỏi một quyết định nơi các tông đồ. Và Người đã nhận được lời cam kết của thánh Phêrô. Một lời cam kết đã làm tiêu tan những nghi ngờ của các tông đồ khác.
Cũng vậy, tất cả những người đã quyết định theo Chúa qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức đều phải đương đầu với những thử thách về đức tin. Hằng ngày ta gặp nhiều cám dỗ để chối bỏ đức tin công giáo tông truyền. Ta gặp nhiều tiếng gọi dụ dỗ bảo ta điều gì phải tin, điều gì không cần tin, việc gì phải làm, việc gì không nên làm, điều gì cần phải được xét lại. Ta bị cám dỗ để giữ đạo theo xu hướng nhất thời, tuỳ theo hứng khởi: vui thì đi lễ thờ phượng, không thì ở nhà. Ta bị cám dỗ chỉ giữ đạo nếu Giáo hội thay đổi lập trường về một vài nguyên tắc luân lý nào đó, nếu Giáo hội chiều theo ước muốn của ta.
Ta bị cám dỗ chối bỏ đức tin vào sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh thể vì không hiểu sao bánh rượu sau khi linh mục đọc lời truyền phép vẫn giống bánh rượu trước khi truyền phép? Và đó chính là mầu nhiệm trong đạo mà loài người không thể dùng lí trí để giải thích và hiểu được. Nếu người ta có thể hiểu được mầu nhiệm trong đạo, thì cái được gọi là mầu nhiệm, không còn phải là mầu nhiệm nữa, mà chỉ là một triết thuyết hay một hệ thống khoa học. Vì thế mầu nhiệm vẫn mãi mãi là mầu nhiệm, nếu không thì đức tin không còn phải là đức tin nữa, mà chỉ là sự hiểu biết thôi. Tuy nhiên, nếu không hiểu, tại sao lại tin? Tin là chấp nhận dựa trên lời nói hay thế giá của người khác. Các tông đồ không hiểu, nhưng vẫn tin vì dựa trên lời nói của Thầy mình.
Khi cảm thấy khó chấp nhận về đường lối giáo huấn chính thức của Giáo hội, là phản ảnh của đường lối Phúc âm, về một vài vấn đề như tính dục, ly dị, phá thai…, đó là lúc mà câu hỏi Chúa đặt ra cho các tông đồ sẽ lại vọng lên bên tai ta: Còn con, con có muốn lìa bỏ Giáo hội mà Thầy đã thiết lập trên nền tảng các tông đồ không? Khi bất đồng ý kiến với Giáo hội về một số chính sách của Toà Thánh Vatican, đó là lúc mà một câu hỏi tương tự sẽ vọng lên bên tai ta: Còn con, con có muốn chấp nhận đường lối của Giáo hội mà Thầy thiết lập không? Khi thấy những gương xấu xẩy ra ngay trong hàng giáo sĩ, câu hỏi khác sẽ vọng lên: Còn con, con có muốn ở lại trong Giáo hội để cầu nguyện và xây dựng Giáo hội của Thầy không?
Khi phải đối chất với những lời giảng dậy chướng tai (Ga 6:60) trong đạo, hoặc giáo lí khó khăn của đạo thì người theo đạo nửa mùa, hoặc mạo nhận theo đạo, toan cắt nghĩa sao cho phiên phiến đi, để cho trở nên dễ dãi, hoặc thay đổi lẽ đạo sao cho phù hợp với ước muốn và quan niệm của họ cũng như của quần chúng. Thính giả trong Phúc âm hôm nay hiểu rõ lời Đức Giêsu giảng dạy, hiểu ý Người muốn nói gì nên mới cho là chướng tai đấy. Vậy mà Chúa cũng không cải chính về sự chướng tai đó đâu. Họ hiểu Chúa không nói đến việc ăn thịt và uống máu theo nghĩa tượng trưng thôi đâu. Khi cảm thấy Chúa mà mình tôn thờ, sao mà khó thế nếu so sánh với những chúa và thần của những đạo khác, đó là lúc mà câu hỏi giả sử của ông Giôsuê cũng vọng bên tai ta: Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Thiên Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ (Js 24:15).
Phúc thay cho những gia đình, cộng đoàn giáo xứ và trong Giáo hội mà có được những người nói được những lời bất hủ để bầy tỏ đức tin quả quyết như Thánh Phêrô và ông Giôsuê hầu giúp củng cố đức tin của người khác trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ và trong cả Giáo hội.
Lời cầu nguyện xin cho được giữ vững niềm tin vào Bí tích Thánh Thể:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể.
Con xin cảm tạ Chúa đã lập Phép Thánh Thể
để làm của ăn uống thiêng liêng cho loài người.
Xin Chúa làm no thoả những đói khát của con
khi con lãnh nhận Mình Thánh Chúa
Và xin cho con giữ vững lời Chúa.
Đừng để con nghe theo lời quyến rũ rỉ tai
mà chối bỏ đức tin và xa lìa Chúa. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam