Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 71
Tổng truy cập: 1376801
HÃY DÂNG LỜI NGỢI KHEN VÀ TẠ ƠN CHÚA
(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)
Thánh Lễ lớn lao là hành động trung tâm tôn giáo của chúng ta là những người Công giáo. Bởi vì Thánh Lễ là hành động của Đức Kitô Thượng Tế và Thân Thể Ngài là Giáo Hội, đó là một tác động thánh vượt trên hết cả mọi cái khác. Không có gì có thể ngang với sức mạnh quyền năng của Thánh Lễ, có thể thay thế sự quan trọng của Thánh Lễ (x. Hiến chế về phụng vụ, đoạn 7).
Thánh Lễ thì giàu có phong phú mà chúng ta không có thể nào lưu lại hoặc nghĩ về trong một dấu hiệu đơn độc. Thánh Lễ là một hy tế không đổ máu của thánh giá, đó là bữa ăn tối của chúng ta, đó là việc tưởng nhớ sống động về mầu nhiệm Vượt Qua, và bí tích của sự chết và sự sống lại của Đức Kitô, đó là Thân Mình thật của Ngài đã được tuôn đổ vì chúng ta, đó là bữa tiệc thánh mà trong đó Đức Kitô đã tiêu hủy Mình hoàn toàn, đó là những lời nài xin và lời hứa từ sự Phục Sinh và cuộc sống đời đời. Giữa những chỉ định rực rỡ này của Thánh Lễ, nhiều vị tư tế và dân chúng kể từ Công đồng Vatican II đã thường sử dụng một từ, từ đó là”hy tế Thánh Thể, Euchris”.
Euchris là một từ Hy lạp được dùng trong Tân Ước mà chúng ta đã chuyển dịch sang là: “Dâng lời tạ ơn”. Dâng lời tạ ơn có liên quan đến sự biết ơn mà chúng ta mắc nợ trong thời gian nơi bạn bè, cũng như nơi liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa; vì lý do này vị linh mục đọc: “Hãy để chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”. Đáp lại: “Thật chính đáng để dâng lên Ngài lời tạ ơn và ngợi khen” và thêm lời”ngợi khen” là để chúng ta biết mình phải dâng lời tạ ơn lên Thiên Chúa. Chúng ta nhận biết rằng quan hệ của chúng ta với Cha trên trời, Đấng là Chúa và là Thiên Chúa chúng ta.
Hãy nhớ dâng lời tạ ơn là việc tốt đẹp, đừng để cho việc đó trở nên xấu xa. Khi một người trong mười người bị bệnh hủi đã được chữa lành trở lại ngợi khen Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã hỏi: “Còn chín người kia đâu?”. Chúng ta hầu như có thể nghe lại câu hỏi thất vọng của Ngài. Chúng ta cũng không cần làm thất vọng Chúa Giêsu và Cha của Người. Hãy nhớ rằng Thánh Lễ là hy tế tạ ơn của chúng ta là lời tạ ơn của chúng ta dâng cho Thiên Chúa.
Tất cả chúng ta đều có lý do để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trong Thánh Lễ. Hôm nay chúng ta có thể ước ao cám ơn Chúa vì đặc ân sự sống nơi một em bé sơ sinh, hoặc chúc sức khỏe đã được phục hồi nơi một người già lão bệnh hoạn. Chúng ta cũng có thể dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về công việc sau một thời gian dài thất nghiệp, cho một giải pháp nơi một gia đình đang tranh cãi, hoặc cho một sự độ lượng của một người bạn tốt. Mỗi Chúa Nhật chúng ta cần hồi tâm lại về những động lực cá nhân của chúng ta để dâng lời cám ơn. Tiếp đó, chúng ta hãy nhớ rằng luôn luôn ở mọi nơi, mọi lúc là phải tạ ơn Thiên Chúa, đơn giản bởi vì Chúa là Thiên Chúa của chúng ta. Dâng lời tạ ơn diễn tả quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa.
Tạ ơn là một điều mà Naaman người Syria đã muốn dâng lên Thiên Chúa. Ông đã được tẩy sạch bệnh phong cùi sau khi đã tắm bảy lần trong dòng nước của sông Giođan. Ông đã yêu cầu lấy hai thúng đất của Israel để xây nên một Đền Thờ trên Syria, nơi quê hương của ông, để từ nơi đó ông có thể dâng lời tạ ơn với Thiên Chúa. Kinh nghiệm của ông như là một dấu hiệu của phép rửa chúng ta. Chúng ta đã rửa sạch trong phép rửa và đã được thông dự vào chức tư tế của Đức Kitô. Phép rửa kêu gọi chúng ta trở thành một dân thờ lạy Thiên Chúa, dâng cho Ngài lời tạ ơn và ngợi khen. Nhưng chúng ta không cần đất đặc biệt, không cần một vị trí đặc biệt, để dâng lời tạ ơn cho Thiên Chúa. Bất cứ khi nào Thánh Lễ cử hành, đó là lễ dâng đẹp nhất của lời cám ơn và ngợi khen Thiên Chúa. Đối với chúng ta luôn luôn mọi nơi và mọi lúc đều có thể dâng lời cám ơn Thiên Chúa và chúng ta làm điều đó khi cử hành hy tế Thánh Thể.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Đầu tháng 10 năm 1962, chiếc phi cơ hàng không PanAm (Mỹ), chở mấy trăm Giám mục người Mỹ đi họp Công Đồng chung Vatican II. Trong hai cô tiếp viên hàng không phục vụ hành khách, có một cô kiều diễm tuyệt vời. Đức Cha Fulton Sheen, Tổng Giám Mục giáo phận New York đồng thời là một nhà văn và một nhà hùng biện nổi tiếng Nước Mỹ, đã lưu ý đến sắc đẹp của cô tiếp viên nầy.
Thế rồi, khi phi cơ hạ cánh, hai cô đứng bên cửa xuống cầu thang chào từ biệt và hành khách đáp lại hai tiếng cám ơn. Nhưng đến lượt Đức Cha Fulton Sheen, người ta thấy ngài đưa miệng ghé vào tai cô tiếp viên xinh đẹp kia mà nói nhỏ một câu gì không ai nghe được.
Bốn tháng sau, khi khóa I Công Đồng chung Vatican II kết thúc, các Giám Mục được về nước nghỉ. Một hôm, cô chiêu đãi viên xinh đẹp nọ tìm đến gặp Đức Cha Fulton Sheen: “Thưa Đức Cha, Đức Cha còn nhớ con là ai không?” – “Tôi còn nhớ lắm, Đức Cha còn đáp. Cô là tiếp viên trên chiếc hàng không đưa chúng tôi đến Rôma”. – “Nhưng Đức Cha còn nhớ Đức Cha đã nói gì với con không?” – “Tôi đã nói: có khi nào cô đã tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho cô sắc đẹp tuyệt vời không?” – “Thưa Đức Cha, chính vì câu hỏi đó mà hôm nay con đến hầu chuyện Đức Cha, chính vì câu hỏi đó mà Cha nghĩ con phải làm gì để tạ ơn Chúa?”. Trước câu hỏi đột ngột, Đức Cha Fulton Sheen lúng túng không biết trả lời làm sao. Ngài trấn tỉnh, chấp tay lên ngực, rồi ngước mắt lên trời như thể xin ơn soi sáng. Trong chốc lát, ngài nói: “Cha vừa mới được một tin từ Việt Nam: đó là Đức Cha Jean Cassaigne, một người Pháp đang là Giám Mục giáo phận Sài Gòn, đã xin từ chức để đi phục vụ một trại phong cùi ở miền núi Di Linh – Lâm Đồng. Nhưng người phong cùi ở đó khốn khổ lắm con ạ! Họ đang chờ cái chết đến với họ. Vậy theo ý cha, cách tạ ơn Chúa đẹp lòng Ngài hơn cả và có ý nghĩa hơn cả là con hãy hy sinh một thời gian, đem nụ cười xinh tươi, đem tiếng nói dịu dàng, đem duyên sắc mặn mà của con để an ủi họ”. Mặt cô tiếp viên tái dần đi. Cô đứng lặng yên trong mấy phút. Đột nhiên cô cúi đầu tạm biệt không nói một lời. Rồi từ đó không biết hai người còn gặp nhau hay thư từ liên hệ gì nữa chăng. Nhưng đầu năm 1963, đài phát thanh cũng như báo chí ở Sài Gòn loan tin: “Một nữ tiếp viên rất xinh đẹp của hãng hàng không Panam tình nguyện đến Di Linh – Lâm Đồng để sống với những người phong cùi trong sáu tháng”.
Thưa anh chị em,
Cái nhìn đức tin thúc đẩy chúng ta tạ ơn Chúa là như thế đó. Nhận được ơn thì phải biết chia sẻ cho người khác, để nói với Thiên Chúa và anh em mình rằng: “Tất cả đều là hồng ân”. Biết bao ơn lành lớn nhỏ Chúa tuôn đổ xuống trên cuộc đời chúng ta. Có bao giờ chúng ta nhận ra những hồng ân ấy để dâng lên những lời cảm tạ mỗi ngày không? Những điều chúng ta đang có tưởng rằng tầm thường, nhưng thật ra lại rất phi thường. Đừng đợi khi mắt mù, tai điếc, cụt tay, què chân chúng ta mới nhận ra có thân thể lành lặn là quý giá vô cùng. Nếu chúng ta biết cám ơn những gì mình đang có, chúng ta sẽ biết cám ơn suốt đời vì tất cả những gì Ngài đã ban cho.
Chúa Giêsu đã hỏi: “Không phải cả mười người được khỏi phong cùi sao? Thế thì chín người kia đâu, sao không trở lại tạ ơn Chúa, mà chỉ có một người ngoại giáo nầy thôi?” Đối với người Do Thái, người bị phong cùi được coi như bị Thiên Chúa chúc dữ và còn bị luật coi là người mắc ô uế nhơ bẩn, bị xã hội khai trừ, phải sống biệt lập trong bãi tha ma, đi đâu thì phải lắc chuông lên tiếng báo động cho người ta xa tránh.
Nhưng Chúa Giêsu không xa tránh họ. Họ đã đến với Chúa như Chúa đến với họ. Vì Ngài là tình thương cứu chữa. Chỉ có tình thương mới tìm đến với những con người bị bỏ rơi, bị loại trừ. Trên đất nước chúng ta có hàng chục trại phong cùi. Một số trại do các tu sĩ, nữ tu đảm nhận điều hành, chăm sóc các bệnh nhân. Nếu ở Việt Nam tên tuổi của Đức Cha Jean Cassaigne gắn liền với trại phong cùi Di Linh thì danh tiếng của Đức Cha Đamien còn vang vọng giữa hải đảo Milokai – Thái Bình Dương, người mà nhà ái quốc Gandhi đã ca ngợi và nói: “Nên tìm hiểu đâu là nguyên do phát sinh một cuộc sống anh hùng như vậy”. Nguyên do của cuộc đời hy sinh ấy là tình yêu mến Chúa như Chúa đã yêu thương chúng ta cho đến tận cùng.
Vậy khi chúng ta được Chúa ban ơn, được mọi ơn lành hồn xác thì đừng quên cám ơn Chúa và đừng kiêu hãnh khinh miệt kẻ khác. Thánh Inhaxiô nói: “Tội lớn lao hơn cả là tội vô ơn”. Trong nhóm 10 người phong cùi được Chúa chữa lành, chỉ có một người đã trở lại cám ơn Chúa và người đó lại là người ngoại giáo. Nhiều khi chúng ta được ơn Chúa, nhưng không biết cám ơn Chúa. Khi hoạn nạn thì khấn vái bốn phương, khi được như ý thì quên lời đã nguyện hứa. Tệ hơn nữa, còn tự kiêu tự phụ khinh miệt những người xấu số, bệnh tật, nghèo khó, phong cùi.
Cám ơn là dấu chỉ của lòng tin. Chúa nói với người phong cùi biết ơn đang sụp lạy dưới chân Ngài: “Anh hãy đứng dậy mà về, vì lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Chính lòng tin đã thúc giục người Samari phong cùi trở lại tạ ơn Chúa trước hết, đang khi chín người Do Thái kia lo đi trình diện các tư tế để được xác nhận và được hội nhập vào cộng đoàn. Trong bài đọc I hôm nay, quan Naaman sau khi dược lành sạch phong cùi, cũng vì lòng tin đã tìm đến Ngôn sứ Êlizê và tuyên xưng lòng tin vào Thiên Chúa: “Thật tôi biết, không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vụ ngoài một Thiên Chúa của Israel”.
Anh chị em thân mến,
Tạ ơn Chúa là dấu chỉ của niềm tin. Tạ ơn Chúa không chỉ là chuyện lễ nghĩa, nhưng là nét đặc trưng của những tâm tình mà con người phải có trước các ơn thiêng đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Việc bẻ bánh ngày xưa cũng như Thánh lễ ngày nay là gì? Phải chăng là tâm tình tạ ơn mà người Kitô hữu khiêm tốn và hân hoan dâng lên Thiên Chúa là Cha vì hồng ân Ngài đã ban cho chúng ta trong Đức Giêsu? Phải chăng là phương thế tuyệt hảo để chúng ta nhận thức lại sự phong phú đích thực của mình và tìm lại bình an của niềm tin giữa những lắng lo cuộc sống?
Cũng chính trong tâm tình tạ ơn đó, chúng ta họp nhau chung quanh Bàn Tiệc Thánh nầy để cử hành Thánh Thể – Bí Tích Tạ Ơn. Ước chi lễ tế tạ ơn nầy đem lại cho chúng ta bình an và niềm vui sướng vô hạn. Bình an và niềm vui của một đức tin đã gặp được Đấng Cứu Độ.
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn An Khang)
Vào thời Đức Giêsu, phong cùi là bệnh truyền nhiễm ghê tởm và đáng sợ nhất, không thuốc nào chữa được. Người mắc bệnh coi như đã chết, bị loại ra khỏi cộng đoàn không chỉ vì lý do vệ sinh, nhưng còn vì lý do thiêng liêng nữa. Sách Đệ Nhị Luật viết: “Nếu ngươi không nghe lời Giavê, Thiên Chúa của ngươi, mà tuân hành mọi giới luật Ngài ban… Giavê sẽ giáng xuống ngươi bệnh lở lói kinh khủng nơi đầu gối và chân, ăn từ bàn chân đến đỉnh đầu không sao chữa nổi” (Đnl 28,15-35).
Giavê đã trừng phạt, cộng đoàn cũng xa cách. Người phong cùi được phép vào các làng, nhưng không được đi vào đô thị có tường thành chung quanh. Do đó, họ càng không được vào thành Giêrusalem, không được đến gần các người khác. Người mắc bệnh phong cùi phải mặc quần áo rách rưới, râu dài tua tủa, phải sống biệt lập trên bãi tha ma, đi đến đâu phải cầm chuông lắc cho người ta tránh và phải la lên: Ô uế! Ô uế! Bao lâu còn mắc chứng bệnh ấy, bấy lâu còn bị ô uế.
Sách ký sự ghi lại Osias, vua Giêrusalem, bị phong cùi, thầy tư tế tức tốc trục xuất ông ta khỏi thành và chính ông cũng vội vã ra đi, vì thấy mình bị Thiên Chúa ruồng bỏ (II Ký sự 26, 19-21).
Tin mừng Chúa nhật hôm nay, Luca kể: “Đức Giêsu từ Galilê tiến về Giêrusalem, khi đến Samaria, lúc Người vào một làng kia, có mười Người phong cùi đón gặp Người”. Trong miền đất bị chúc dữ này, đây là những ngời bị chúc dữ nhiều nhất. Thật lạ lùng khi nhóm này gồm cả người Dothái lẫn người Samaria. Đau khổ và bệnh tật làm con người xích lại gần nhau, quên đi mối thù truyền kiếp giữa người Dothái và người Samaria. Biết thân phận mời người phong cùi đứng đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi”. Họ gọi Đức Giêsu bằng tên Người, một sự kiện tương đối hiếm trong Tin mừng.
Trong ngôn ngữ Aramêen, Jeshouah có nghĩa là Thiên Chúa cứu. Kitô hữu gọi kinh cầu Chúa Giêsu, chính là lời cầu xin ấy được lặp lại nhiều lần: Lạy Chúa Giêsu xin thương xót chúng con… Trong thánh lễ chúng ta cũng lặp lại kinh này lúc đầu lễ Kyrie Eleison: Lậy Chúa xin thương xót.
Thay vì chữa họ lành ngay tức khắc, Đức Giêsu muốn thử thách lòng tin của họ. Cũng như ngày xưa ngôn sứ Êlisê sai môn đệ nói với quan Naaman người Siri :”Quan hãy đi tắm ở sông Giođan bảy lần”. Đức Giêsu cũng bảo mười người phong cùi: “Hãy đi trình diện với các tư tế”.
Vào thời đó, các Thầy tư tế có quyền chẩn đoán và quyết định người nào bị mắc, người nào khỏi. Ai mắc bệnh được thầy tư tế công bố là khỏi, người ấy sẽ được tái nhập vào cộng đoàn (Lv 14,3).
Khi truyền cho mười người phong cùi đi trình diện các thầy tư tế, Đức Giêsu đòi họ phải biết vâng lời trong đức tin. Ngài muốn hành vi tín thác đó phải được thể hiện bằng việc tuân phục lề luật. Đối với Đức Giêsu lề luật và ngôn sứ là khuôn vàng thước ngọc giúp người ta thực hiện ơn cứu rỗi, như Người đã đề cập trong dụ ngôn người phú hộ xấu bụng và Ladarô nghèo khó.
Khác với vị tướng lãnh Siri, mười người phong cùi tức tốc thi hành, không mảy may chần chừ. Đang khi đi, họ được sạch. “Một người trong bọn thấy mình được khỏi liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.” Thật kì lạ, Người quay lại cám ơn Chúa lại là một người ngoại, một người Samari. Nhưng đó chẳng phải là điều vẫn thường xảy ra đó sao? “Kẻ ở ngoài” coi mọi sự như quà tặng, “kẻ ở trong” coi mọi sự đều là hiển nhiên.
Người Dothái cho, mình thuộc tuyển dân có quyền đòi Thiên Chúa thi ân, không cần tỏ lòng biết ơn Người. Họ quên, cám ơn là một trong những tính nhân bản của con người. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Biết ơn là kí ức của tâm hồn”. Lời đầu tiên người Mỹ dạy con: “Thank You – Cám ơn”.
Mỗi khi nhận được ơn từ ai, ta phải biết nói lời cám ơn. Đó là điều tốt đẹp cho ta, nó thúc dục ta nhận ra sự hàm ơn người khác và làm cho người cho cảm nhận rõ giá trị của việc họ làm. Người không biết ơn trong việc nhỏ, sẽ không biết ơn trong việc lớn. Điều quan trọng là phải có lòng biết ơn.
Thánh Inhaxiô nói : “Tội lớn hơn cả là tội vô ơn”. Chín người Dothái không biết cám ơn, chỉ được khỏi bệnh phong cùi thể xác. Người Samaria biết cám ơn, khỏi phong cùi cả phần hồn là tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, anh đã sấp mình dưới chân Đức Giêsu tạ ơn Người, một cử chỉ người ta chỉ dành cho Thiên Chúa.
Thiên Chúa không cần ta cám ơn, ta phải cám ơn Chúa vì mọi sự trong cuộc đời:
Hồng ân Thiên Chúa bao la.
Muôn đời con sẽ ngợi ca danh Người.
(Trích dẫn từ ‘Vietvatican.org’ – bài viết của Nguyễn Hiền Nhu)
Tin Mừng Lc 17, 11-19, thánh sử Luca thuật lại câu chuyện xảy ra khi Chúa Giêsu đang trên đường tiến lên Giê-ru-sa-lem. Có mười người phong hủi đón Ngài để xin Ngài chữa lành. Họ không dám tiến tới gần Ngài nhưng chỉ đứng đằng xa. Họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Ngài bảo họ đến trình diện với tư tế, và họ đã vâng lời Ngài. Trên đường đi, tất cả mười người đều được sạch. Trong mười người đó, có một người đã quay trở lại cám ơn Ngài.
Được sạch là một niềm mong mỏi bấy lâu trong họ. Đã lâu lắm rồi, họ hằng khao khát được lành lặn, được sống gắn bó với những người mình thương yêu. Nhìn thấy người ta áp má chúc lành nhau, bắt tay hỏi han sức khỏe của nhau, họ ao ước được một lần như thế. Sách Lê-vi viết rằng: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế! Ô uế!’ Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại.” (Lv 13,45-46).
Người bị bệnh phong bị xem là ô uế. Họ bị tước quyền chung sống với những người thân quen; họ phải sống riêng ra. Họ bị đẩy ra bên lề xã hội. Tôi còn nhớ thời gian tôi được gởi đến sống với người phong tại Trại Phong Bến Sắn ở Bình Dương. Có một bệnh nhân phong thuật lại với tôi câu chuyện của chị: một ngày kia, trên đường về nhà, chị bước vào quán ăn để mua ít thức ăn cho con. Có một người phát hiện chị đến từ trại phong, thế là người đó la lên, và tất cả lần lượt bỏ bàn ăn đi nơi khác, cách xa chị. Thế đó, xã hội ngày nay, những bệnh nhân phong đang bị hất hủi. Xã hội ngày xưa đối xử với người phong còn tệ hơn thế. Để bảo vệ những người khác, họ buộc các bệnh nhân phong tự mình thốt lên “Ô uế! Ô uế!” (Lv 13,45) để người ta biết và tránh xa. Không ai dám đến gần bệnh nhân phong, không ai dám làm bạn với họ. Họ bị cô lập. Có lẽ nỗi đau thể xác do đặt tính của bệnh phong mang lại sẽ không nặng bằng nỗi đau tinh thần do sự kỳ thị của xã hội gây ra cho họ.
Hơn thế nữa, xã hội Do Thái thời bấy giờ quan niệm bệnh tật là do tội lỗi, người bị bệnh là người phạm tội và bệnh là án phạt của Thiên Chúa. Như vậy, người phong hủi còn bị hao mòn tinh thần từng ngày do mặc cảm tội lỗi.
Thấu cảm được vết thương khốn cùng của những bệnh nhân, Chúa Giêsu đã chữa lành bệnh cho họ. Việc chữa lành của Chúa không đơn thuần chỉ là việc chữa lành của một bác sỹ. Có lẽ hơn ai hết, Chúa đã hiểu những khát khao sâu kín trong lòng của họ. Chúa bảo họ đi trình diện tư tế, đi đến với người có thẩm quyền về phương diện xã hội cũng như tôn giáo thời bấy giờ để được kiểm chứng đã thanh sạch. Theo luật Lê-vi, một bệnh nhân phong khi được lành bệnh, phải đi trình diện với tư tế. Sau khi được tư tế khám xét, nếu như họ đã được lành bệnh, thì sẽ được tư tế tuyên bố là sạch. Khi được tuyên bố thanh sạch rồi, họ mới được quyền sống chung với xã hội, mới được hưởng những gì cơ bản nhất của một thành viên trong cộng đồng (x. Lv 13).
Từ thân phận người bị xã hội đẩy ra ngoài, giờ đây, họ được đón nhận. Chính Chúa đã mang lại cho họ niềm vui đó. Giờ đây, họ hoàn toàn có thể được sống chung với người thân, hoàn toàn có thể sánh bước cùng người họ thương yêu trên con đường làng vào mỗi buổi chiều. Họ sẽ không còn mặc cảm tội lỗi nữa. Quá khứ đã qua đi, và chính Chúa đã mở ra cho họ một cuộc sống mới. Nỗi đau trước đây bây giờ đối với họ sẽ là một kinh nghiệm quý giá; kinh nghiệm ấy đưa họ tới yêu quý cuộc sống họ đang có hơn.
Tuy nhiên, khi thấy mình được sạch, một người trong số họ đã quay trở lại để cám ơn Chúa. Một việc làm nhỏ bé nhưng tuyệt vời. Anh đã tạm quên con đường đi nhanh đến trình diện vị tư tế để được tuyên bố thanh sạch. Anh đã tạm quên đi niềm mơ ước bấy lâu của mình để quay trở lại cám ơn Đấng đã mang lại cho anh niềm vui. Niềm vui của anh đã trở nên trọn vẹn hơn khi anh được chính Chúa tuyên bố “con hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của con đã cứu chữa con”. Chúa khen ngợi lòng tin của anh. Quà tặng chỉ là phương tiện để dẫn đưa con người tới gặp Đấng tặng quà. Niềm vui của anh giờ đây trọn vẹn hơn vì không chỉ anh được thanh sạch, mà còn được gặp Đấng Chữa Lành anh. Tâm hồn anh giờ đây tràn ngập hân hoan.
Có lẽ trong tương lai, khi gặp lại Chúa, chín người kia sẽ cám ơn ngài. Có lẽ trong thâm tâm của họ đang mang một niềm tri ân nào đó mà họ chưa ý thức hoặc chưa có cơ hội diễn tả. Phải chăng niềm vui đó đã đến với họ quá bất ngờ, quá lớn lao, khiến họ quên cám ơn ân nhân của họ. Dường như có một chút gọi là vô ơn nơi họ, một chút vô tâm khi họ xem trọng ân huệ hơn là Đấng ban ơn. Họ đã không đủ nhạy bén để nhận ra rằng mình đã bỏ qua một cơ hội quý giá để đếp gặp Đấng đã ban ơn cho mình. Họ hân hoan vui mừng và đi tiếp con đường để hòa mình vào xã hội; đó là điều tốt đẹp, nhưng sẽ tốt đẹp hơn biết bao nếu họ không chỉ dừng lại với niềm vui hiện tại của bản thân để dành giây lát tri ân Đấng ban cho họ niềm vui đó. Chúa không hề hẹp hòi với họ, không hề vì một chút vô ơn của họ mà rút lại quà tặng. Cho dù họ có quay trở lại cám ơn Ngài, hoặc cho dù họ đã quên Ngài đi chăng nữa, thì chính Ngài là Đấng đã khôi phục quyền được sống như một con người của họ. Hy vọng rằng sẽ có một dịp nào đó họ sẽ nhận ra sự thiếu sót này và quay trở lại tri ân Ngài.
Một lời trách nhẹ nhàng của Chúa “còn chín người kia đâu?” như một lời nhắc nhớ những người nghe lời này của Ngài ý thức được lòng biết ơn của mình. Có khi tôi cũng thuộc về nhóm chín người kia. Hằng ngày, tôi vẫn nhận biết bao ơn lành từ Ngài; nhận nhiều đến độ tôi cảm thấy là bình thường và không cần thiết phải cám ơn. Chúa ơi, xin đừng để con vô cảm trước những ân huệ của Chúa. Từng giây từng phút trong đời con được bao bọc bởi tình yêu vô biên của Ngài. Hãy biến đổi tâm hồn con để cuộc đời con trở nên một lời tri ân Ngài.
Suy niệm 1: ĐIỀU ẤY XẢY RA NHƯ THẾ NÀO?
Vào thời đại của Đức Giêsu, bệnh phong hủi không có thuốc chữa. Khi một người mắc phải bệnh ấy, có sống cũng như chết. Thế mà tại sao chín người phong hủi đã không trở lại để cám ơn Đức Giêsu vì Người đã chữa lành cho họ? Chúng ta không lạm dụng trí tưởng tượng của chúng ta khi vẽ lại những gì đã xảy ra. Chúng ta giả sử điều đó xảy ra trong thời đại của mình.
Người thứ nhất là Miriam, vợ của một người bán hàng. Khi về lại nhà, bà thấy nhà mình bừa bãi, lộn xộn. Không phải do lỗi của chồng bà. Ông phải tất bật với công việc. Trở lại gặp Chúa không còn là vấn đề nữa – ít ra là trong lúc này.
Người thứ hai là Aaron, một nông dân. Mùa hè này là một mùa tồi tệ, và toàn thể mùa màng có nguy cơ bị mất trắng. May mà dự báo thời tiết đã nói rằng thời tiết tốt, có mưa nhiều đúng vào những ngày ông có thể trở lại.
Người thứ ba là Saul. Khi ông ta trở lại nhà, gia đình ông đã mở tiệc mừng ông. Họ không muốn nghe ông nói đi đến nơi nào đó. Ông đã không xa nhà đủ rồi hay sao? Chính họ đã ngăn cản ông trở lại gặp Chúa.
Martha là người thứ tư. Khi chị trở về nhà thì chương trình Tivi chị ưa thích vẫn còn, trong thời gian sống cách ly vì bệnh phong hủi, chị luôn thèm khát được xem chương trình đó. Giờ đây chị mải mê với chương trình ấy. Chị muốn ngày mai trở lại gặp Chúa. Nhưng ngày mai không bao giờ đến.
Người thứ năm là Daniel. Trước khi ông bị phong hủi, ông rất thành công trong kinh doanh, khi ông về đến nhà, ông thấy việc kinh doanh hoàn toàn suy sụp. Trở lại gặp Đức Giêsu không nằm trong các ưu tiên của ông. Chẳng bao lâu sau, ông hoàn toàn quên việc đó.
Amos, người thứ sáu không có nhà để về. Anh đã cảm thấy rất cay đắng về căn bệnh phong hủi của mình và về cuộc sống chung. Khi anh trở về, anh gom góp được ít tiền bạc mà người ta cho anh, về đến thành phố, anh uống rượu. Việc trở lại không bao giờ có trong đầu anh.
Peter là người thứ bảy. Khi anh về nhà, anh không có việc làm. Vì thế khi nghe nói về một cuộc phỏng vấn để được nhận vào một chỗ làm tốt, anh đến ngay. Trong lúc này, anh không thể trở lại.
Anna là người thứ tám. Lúc đó nhiên liệu đang bị khan hiếm. Chị hiện đang trên đường về nhà thì thấy một trạm xăng còn mở cửa. Chị phải xếp hàng ba giờ liền để được đổ đầy bình xăng. Sau đó chị đi thẳng về nhà. Thật đáng thương khi muốn phung phí xăng cho một cuộc hành trình thật sự không cần thiết.
Người thứ chín là Joseph. Khi ông ta về nhà, ông ta quyết định bán câu chuyện của ông ta cho một tờ báo. Không để mất thời gian. Một người khác có thể có cùng ý tưởng ấy và sẽ phỗng tay trên. Quay lại không có chỗ trong kế hoạch của ông.
Sau cùng, đó là Simon. Ông có mấy lý do để không quay trở lại. Một lý do đặc biệt thuyết phục. Ông là người Samari lại được một người Do Thái chữa lành. Một người Samari cám ơn một người Do Thái không phải là chuyện dễ. Nhưng là một người nhân ái, ông gạt bỏ những lý lẽ ấy và quay lại để cám ơn.
Xin lỗi! Những lý lẽ ấy xem ra nguỵ biện, đê tiện, trơ trẽn và rác rưởi. Nhưng có hiệu lực trong chín trên mười trường hợp. Chúng ngăn cản chín người ấy làm một việc mà có lên trời người ta cũng phải làm.
“Chúng ta viết trên cát những ơn ích mà chúng ta nhận được, nhưng viết trên đá cẩm thạch những tổn thất” (Thomas More).
Chín người phong hủi không thể diễn tả lòng biết ơn. Sự vô ơn ấy nói với chúng ta điều gì? Điều đó nói lên rằng họ chỉ lành lặn ở ngoài da. Bệnh phong hủi đã hết, nhưng không có gì khác nơi họ đã thay đổi. Sau kinh nghiệm cay đắng ấy, họ trở về với những thái độ cũ, những tập quán, mục tiêu của họ và sự nông cạn của cuộc đời. Họ đã không học được gì từ đau khổ của họ. Đây là một bi kịch thật sự.
Nhưng rõ ràng người Samari đã học được từ kinh nghiệm đau thương của mình. Kể từ đó, ông đã trở thành một con người hoàn toàn đổi khác, như Naaman sau khi được Êlisa chữa lành phần xác. Naaman và người Samari được chữa lành cả xác lẫn hồn.
Trong những lúc tốt đẹp, chúng ta quên mất Thiên Chúa, dù rằng chúng ta vẫn tiếp tục phục vụ Người bằng môi miệng. Nhưng rồi một cơn bệnh đến bắt chúng ta phải quỳ gối xuống, và bất ngờ chúng ta đối diện với sự nghèo nàn, yếu đuối và tính dễ chết của chúng ta. Tuy nhiên, nếu điều ấy đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn và làm cho chúng ta sống tâm linh hơn thì nó đúng là một ơn lành trong bộ áo cải trang. Dường như trong mười người phong hủi, chỉ có một người được đưa đến gần Thiên Chúa hơn qua bệnh tật và sự bình phục của người ấy.
Suy niệm 2: CÁI NHÌN SÂU XA HƠN
Câu chuyện mười người bị phong hủi có một bài học rất rõ ràng, đó là tầm quan trọng của việc bày tỏ lòng biết ơn. Nhưng nó có một bài học khác: Tìm thấy Thiên Chúa qua đau khổ. Đau khổ có thể đưa con người rời xa Thiên Chúa hoặc có thể đem họ đến gần Thiên Chúa. Nhiều người trở lại đạo là những tân tòng của Ngày Thứ Sáu Tốt Lành: họ vào Nước Chúa qua những cái cổng của đau khổ. Naaman là một gương tốt.
Vào một giai đoạn của đời mình, ông ở đỉnh cao của ngọn sóng. Ông có một công việc danh giá: chỉ huy trưởng đạo quân hùng mạnh của nước Syri. Ông được nhà vua kính nể có quyền lực và danh tiếng. Ông ta không cần Thiên Chúa. Tôn giáo không có vai trò nào trong đời sống của ông. Ông là kiểu mẫu của một số người thành công hôm nay. Họ dường như không dành chỗ cho Thiên Chúa trong đời họ.
Tuy nhiên, khi ông đã đạt đến đỉnh cao của quyền lực, ông mắc một chứng bệnh kinh khủng: bệnh phong hủi. Thình lình, thế giới của ông bắt đầu tan rã.
Một phút trước, ông ở đỉnh cao của thế giới. Một phút sau ông rơi xuống vực thẳm.
Tuyệt vọng về việc chữa trị, ông phải nuốt trửng lòng tự hào và tìm kiếm sự giúp đỡ của ngôn sứ Êlisa ở Do Thái, một quốc gia nhỏ bé mà ông đã từng cướp bóc và khinh miệt. Tuy nhiên điều ông tìm kiếm là một “thứ thần dược” để ông có thể sớm quay về và đảm nhận đời sống cũ giống như trước đây.
Nhưng ông đã mau chóng nhận ra rằng không có thứ thần dược ấy; không có sự chữa lành mau chóng và không đau đớn. Vì thế ông phải học để trở nên khiêm nhường và nhẫn nại. Ông đã học tuân lệnh để thay đổi. Nhưng thời gian ông bỏ ra không uổng công bởi vì ông không chỉ được chữa lành bệnh phong hủi mà còn được hoán cải. Ông tìm thấy Thiên Chúa chân thực. Vì thế sau cùng ông có lý do để cám ơn bệnh phong hủi của ông, bởi vì qua đó ông đã nhận được ơn đức tin.
Người ta tự hỏi chín người phong hủi thu được gì từ kinh nghiệm khủng khiếp của họ. Khi họ không tạ ơn Thiên Chúa thì không chắc họ đã rút ra được lợi ích tâm linh nào từ kinh nghiệm ấy.
Giống với ông Naaman trước khi mắc bệnh, trong những thời kỳ tốt đẹp, chúng ta bỏ quên Thiên Chúa, dù rằng chúng ta vẫn tiếp tục phục vụ Người bằng môi miệng. Nhưng rồi một bệnh tật hoặc một cái gì tương tự bắt chúng ta phải quỳ gối, và chúng ta bất ngờ đối diện với sự nghèo nàn, yếu đuối và phải chết của chúng ta. Chúng ta nhận ra nền móng mà trên đó chúng ta đã xây dựng bao nhiêu niềm hy vọng sao quá mong manh, nông cạn.
Nếu điều ấy đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn và làm cho chúng ta sống tâm linh hơn thì đó là một sự chúc lành trong bộ y phục cải trang. Dường như chỉ một trên mười người phong hủi đã được đưa đến Thiên Chúa gần hơn qua bệnh tật và sự bình phục của người ấy.
Chúng ta không phải lúc nào cũng làm chủ những gì xảy đến với chúng ta, nhưng chúng ta phải làm chủ phản ứng của chúng ta khi sự việc xảy đến. Ví dụ như, có hai người bị thương nặng trong một tai nạn. Một người chọn cách sống cay đắng kinh nghiệm ấy và bị nó huỷ hoại. Người kia sống kinh nghiệm ấy với lòng biết ơn. Người này tin rằng dù sự việc xảy ra là gì, dù nó có đau khổ thì nó vẫn có thể đem lại một điều tốt. Vấn đề không phải là quên nó đi mà nhớ đến nó và hội nhập nó vào trong đời sống của mình.
Ước muốn đền đáp lại một điều gì là một dấu chỉ cao cả của lòng biết ơn. Khi bạn có đầy lòng biết ơn, bạn sẽ không có chỗ cho sự cay đắng hoặc căm giận. Mọi người hạnh phúc đều biết ơn. Những người bội bạc không thể có hạnh phúc.
CÂU CHUYỆN KHÁC
Một ngày nọ, David bố thí cho một người nghèo mà ông gặp trên đường phố. Khi ông tiếp tục bước đi ông bắt đầu cảm thấy một niềm vui thoả mãn bừng lên trong ông. Nhưng rồi một bóng tối lướt qua ông – ông nhớ lại người nghèo đó đã không cám ơn ông. Sau đó, ông kể lại sự cố cho vị giáo trưởng của ông. Vị giáo trưởng kiên nhẫn lắng nghe, sau đó ông này nói: “Ông cảm thấy thế nào khi ông bố thí?”
“Tôi cảm thấy rất vui” David đáp.
“Điều đó không đủ là phần thưởng cho ông sao?”
“Con vẫn nghĩ rằng hắn ta phải cám ơn con”, David nhấn mạnh.
“Chắc chắn ông không muốn được cám ơn vì đã có hành động như một người theo đạo phải có? Vậy thì ông đã cám ơn Thiên Chúa chưa?”.
“Về điều gì?” David ngạc nhiên hỏi.
“Vì Người đã ban cho ông cơ hội trở nên một công cụ để tình yêu của Người đến với một người đồng loại của ông”, câu đáp là như thế.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam