Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 73
Tổng truy cập: 1376821
HÃY GẮNG MÀ VÀO QUA CỬA HẸP
“HÃY GẮNG MÀ VÀO QUA CỬA HẸP”
Bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên hôm nay vẫn theo Phúc Âm Thánh Luca, đúng như chu kỳ Năm C của mình, chứ không như chu kỳ Năm B theo Phúc Âm Thánh Marcô đã được Giáo Hội thay bằng Phúc Âm Thánh Gioan, từ Chúa Nhật 17 đến Chúa Nhật 21 tuần này, với chủ đề về Bánh Hằng Sống bởi trời xuống, trích nguyên đoạn thứ sáu của Phúc Âm thứ bốn này. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng bỏ phần cuối của đoạn 12 về những dấu chỉ thời đại, và nhẩy sang đoạn 13, và chỉ lấy ở đoạn 13 này có tám câu, từ cầu 22 đến 30, sau đó lại bỏ 4 câu cuối của đoạn này để nhẩy sang đầu đoạn 14 vào Chúa Nhật XXII tuần tới. Đó là dấu chứng tỏ cho chúng ta thấy bài Phúc Âm bao giờ cũng phải phản ảnh ý hướng của Mùa Phụng Vụ. Vậy để tiếp theo ý nghĩa về “Lửa”Thánh Linh của bài Phúc Âm Chúa Nhật XX tuần trước, bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên Năm C tuần này muốn nói gì, phải chăng đến việc “hãy gắng mà vào qua cửa hẹp”?
Thật ra, nếu đối chiếu với hai bài đọc một và hai trong phần Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên Năm C hôm nay, chúng ta thấy bài đọc một theo Sách Tiên Tri Isaia chỉ hợp với phần cuối của bài Phúc Âm và bài đọc hai theo Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Do Thái lại chỉ hợp với phần đầu của bài Phúc Âm. Trước hết, bài đọc một theo Sách Tiên Tri Isaia chỉ hợp với phần cuối của bài Phúc Âm ở chỗ, cả hai đều nói đến ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Theo Sách Tiên Tri Isaia trong bài đọc một thì ý định cứu độ phổ quát này được bộc lộ qua lời Chúa phán: “Ta đến để qui tụ các dân tộc của đủ mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta… Ta sẽ sai những kẻ đào thoát … đến với các dân nước… đến các bờ cõi xa xăm chưa hề nghe nói về Ta hay chưa thấy vinh quang của Ta…”, và ý định cứu độ phổ quát này cũng được Chúa Giêsu xác nhận trong bài Phúc Âm Thánh Luca hôm nay: “Người ta sẽ từ đông sang tây, từ bắc chí nam đến ngồi vào chỗ của mình trong bữa tiệc vương quốc Thiên Chúa”. Nếu bài đọc một hợp với phần cuối của bài Phúc Âm thì bài đọc hai theo Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Do Thái lại chỉ hợp với phần đầu của bài Phúc Âm, liên quan đến nỗ lực con người cần phải đáp ứng ý định cứu rỗi phổ quát của Thiên Chúa. Nếu Chúa Kitô khuyên dạy người Do Thái trong bài Phúc Âm hôm nay là “hãy gắng qua cửa hẹp mà vào”, thì Thánh Phaolô cũng kêu gọi Giáo Đoàn Do Thái thế này: “Anh em hãy chịu đựng những gian nan thử thách như người môn đệ của Thiên Chúa, Đấng đối xử với anh em như con cái… Vậy anh em hãy kiên cường lên bàn tay rụng rời của mình và đầu gối bại nhược của anh em”.
Như thế, căn cứ vào cả ba bài đọc trong Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên Năm C hôm nay, chúng ta thấy có hai vấn đề chính yếu, đó là vấn đề ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa và vấn đề nỗ lực con người cần phải đáp ứng ý định cứu độ phổ quát này của Ngài. Tuy nhiên, theo Lời Chúa Giêsu mạc khải trong bài Phúc Âm hôm nay thì hình như vấn đề cứu độ không phải chỉ vỏn vẹn và đơn giản có thế, nghĩa là chỉ cần Thiên Chúa muốn cứu độ con người và chỉ cần con người nỗ lực đáp ứng là xong, là đủ. Đó là lý do, để trả lời cho vấn nạn của một người đặt ra trên đường Người lên Giêrusalem, về vấn đề: “Phải chăng có ít người được cứu độ?”, Chúa Giêsu chẳng những đã nhấn mạnh đến việc con người cần phải đáp ứng ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, khi Người phán: “Quí vị hãy gắng qua cửa hẹp mà vào”, mà còn nhấn mạnh đến cả yếu tố đặc biệt khác nữa, qua lời khẳng định: “Tôi bảo cho quí vị biết: nhiều người sẽ cố vào mà không được”. Ở đây, Chúa Giêsu không nói “ít người”mà là “nhiều người”, và Người cũng không nói “nhiều người”ấy “muốn vào”mà là “cố vào”, tức là không phải “nhiều người”ấy chỉ muốn xuông mà còn hết sức thực hiện ý muốn được cứu độ của mình nữa. Vậy “nhiều người”ấy đã tỏ ra “cố vào”bằng cách nào, nếu không phải, như Chúa Giêsu cho biết tiếp trong bài Phúc Âm qua lời họ tự biện hộ cho mình trước tòa phán xét chí công khi thấy mình hoàn toàn bị xua đuổi loại trừ: “Chúng tôi đã ăn uống chung với Ngài. Ngài đã dạy dỗ chúng tôi nơi phố xá”. Vậy, yếu tố vô cùng thiết yếu để được cứu độ đây không phải chỉ là “ăn uống với Ngài”, như kiểu Kitô hữu Công Giáo chúng ta năng xưng tội rước lễ, cũng không phải như anh em Kitô hữu Tin Lành chỉ nghe “Ngài đã dạy dỗ chúng tôi nơi phố xá”, những lời đã được ghi chép lại trong Thánh Kinh, mà còn là và chính là ở tại việc nhận biết Đấng mà họ “đã ăn uống chung với Ngài”và đã nghe “Ngài dạy dỗ nơi phố xá”. Thật thế, còn ai hơn các vị tông đồ là những người được diễm phúc “ăn uống chung với Ngài”và nghe “Ngài dạy dỗ”, chẳng những nghe “Ngài dạy dỗ nơi phố xá”, nghĩa là chung với dân chúng, mà còn “dạy dỗ”riêng tư nữa, và chẳng những một năm mà là ba năm liền. Ấy thế mà cuối cùng, các Phúc Âm cho chúng ta biết, một vị quay ra phản nộp Thày, tất cả mọi người đào tẩu khi thấy Thày bị bắt, nhất là vị đầu đàn công khai trắng trợn chối bỏ Thày.
Bởi thế, dù có “ăn uống chung với Ngài”và có được nghe “Ngài dạy dỗ”, nếu tận thâm tâm không thực sự nhận biết Ngài như Ngài mạc khải cho biết, thì cuối cùng chúng ta vẫn bị Ngài tuyên bố vĩnh viễn ruồng bỏ: “Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta”. Chưa hết, để thành phần hư đi này thấy được lý do chính đáng tại sao Ngài ruồng bỏ họ, dù họ đã “ăn uống chung với Ngài”và đã nghe “Ngài dạy dỗ”, ngay sau khi tuyên phạt họ, Ngài liền cho họ biết thành phần được cứu độ như sau: “Ở đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng khi thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả mọi tiên tri an lành trong vương quốc của Thiên Chúa…”. Qua việc điểm mặt chỉ tên thành phần được cứu độ như thế, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho riêng dân Do Thái và chung Kitô hữu chúng ta biết yếu tố cứu độ quyết liệt, đó là con người cần phải có Đức Tin Thần Linh, vì thành phần được Chúa Giêsu điểm mặt chỉ tên quả đã sống đức tin, như Thánh Phaolô nhắc lại để làm gương trong Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái đoạn 12 từ câu 8 đến 19 về Abraham, câu 20 về Isaac, câu 21 về Giacóp, và từ câu 35 đến 37 về các tiên tri. Vậy “hãy gắng mà vào qua cửa hẹp”đây có thể được chuyển dịch là “hãy gắng sống đức tin”.
Nếu thành phần được cứu độ chỉ có thế, chỉ đếm được trên đầu ngón tay như thế, thì quả thực những kẻ được cứu rỗi thật là hiếm hoi ít ỏi. Tuy nhiên, ngoài những thành phần tiêu biểu được cứu rỗi trong Dân Chúa thuộc về Cựu Ước này, Chúa Giêsu, ngay sau đó, còn thêm trong bài Phúc Âm hôm nay là: “Người ta sẽ từ đông sang tây, từ bắc chí nam đến ngồi vào chỗ của mình trong bữa tiệc vương quốc Thiên Chúa”. Như thế thì thành phần được cứu độ cũng nhiều chứ không ít. Thế nhưng, thành phần Dân Ngoại thuộc Tân Ước này sẽ được cứu độ như thế nào, nếu không phải, trước hết, chẳng những bởi ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa mà còn bởi ý muốn tự do chọn lựa của Thiên Chúa nữa. Đó là lý do hiện hữu và là tất cả ý nghĩa của lời Chúa Giêsu kết thúc bài Phúc Âm hôm nay: “Có những người sau hết sẽ lên trước hết và có những người trước hết sẽ thành sau hết”. Thành phần “sau hết sẽ nên trước hết”này không phải là thành phần Dân Ngoại hay sao? Điển hình nhất là trường hợp của ba chiêm gia Đông phương, những người chưa hề “ăn uống chung với Ngài”hay nghe “Ngài dạy dỗ”như dân Do Thái trong Mạc Khải Cựu Ước, thế mà họ cũng từ xa đến để triều bái “vua Do Thái mới sinh”, như Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại ở đoạn 2 từ câu 1 đến 12; trong khi đó, cũng Phúc Âm này cho biết, chính dân Do Thái, nhờ Mạc Khải Cựu Ước của mình, biết được nơi “vua Do Thái mới sinh”là “ở Bêlem xứ Giuđa”, song họ chỉ thông báo cho dân ngoại biết thôi, chứ họ không tin, nên không đến, thậm chí có đến không phải để triều bái Ngài như ba nhà chiêm gia Đông phương, mà là để tiêu diệt vị hài vương này. Phải chăng chính vì thế Chúa Giêsu đã ám chỉ họ là thành phần “trước hết sẽ thành sau hết”?
Vậy nếu bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên Năm C hôm nay chính yếu nói về thành phần được cứu độ và lý do hay yếu tố khiến họ được cứu độ, thì ý ngghĩa của bài Phúc Âm hôm nay liên hệ với ý nghĩa của bài Phúc Âm về “Lửa”Thánh Linh tuần trước ra sao? Theo tôi, ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI tuần này tiếp tục ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật XX tuần trước trong việc phản ảnh chủ đề phụng vụ trong Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh. Ở chỗ, nếu “không ai có thể tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa nếu không có Thánh Thần”, như Thánh Phaolô xác tín trong Thư Thứ Nhất gửi Giáo Đoàn Côrintô, được Giáo Hội lập lại trong bài đọc hai của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, mà yếu tố tối khẩn để được cứu độ là Đức Tin Thần Linh, bởi thế, dù là dân Do Thái hay Dân Ngoại, muốn được cứu độ, ai cũng phải có “Lửa”Thánh Linh do Chúa Kitô mang xuống từ trời, và là một thứ “Lửa”đã được Người chính thực thắp lên bằng Cuộc Vượt Qua của Người, trước hết, nơi các tông đồ khi Người sống lại từ trong cõi chết, rồi sau đó, qua các Vị Tông Đồ Chứng Nhân Tiên Khởi này, cũng như các Vị Chứng Nhân Đức Tin Tông Truyền, Người vẫn tiếp tục thắp lên trong lòng người trên khắp thế gian, cho đến khi Người lại đến trong vinh quang.
Vấn đề thực hành sống đạo: Lời Chúa Giêsu khuyên dạy “hãy gắng mà vào qua cửa hẹp”trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên Năm C Hậu Phục Sinh hôm nay có thể được chuyển dịch là “hãy gắng sống đức tin”, bằng không tất cả mọi việc chúng ta làm, như “ăn uống chung với Người”qua việc xưng tội rước lễ, hay như tác động nghe “Người giảng dạy”, qua việc đọc Thánh Kinh chẳng hạn, tự chúng cũng không thể cứu độ chúng ta. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu không có đức tin, chúng ta đã không xưng tội rước lễ hay đọc Thánh Kinh là những gì siêu nhiên và thiêng liêng giúp chúng ta có thể giao tiếp với “Thiên Chúa là Thần Linh”(Jn 4:24). Vậy làm thế nào để biết mình lúc nào đang thực sự sống đức tin, bằng những việc tỏ ra bề ngoài, và lúc nào thực hiện những việc làm đức tin bề ngoài ấy mà lại phi đức tin, để có thể tránh khỏi số phận: “Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta”.
32. Cửa hẹp – Lm. Bùi Quang Tuấn
Giáo trưởng Meir của người Do thái có viết: “Để được cứu rỗi, người ta phải cư ngụ trên đất nước Israel, nói tiếng Do thái là ngôn ngữ thánh, và sáng chiều đọc kinh Shema”. Có lẽ ý tưởng này xuất phát từ quan niệm “tự tôn chủng tộc”của một số trường phái vốn từng hiện diện trong thời Chúa Giêsu. Theo họ, ai có gốc Do thái đều được cứu độ hết.
Riêng những thành phần bị ảnh hưởng của cuốn mạo thư Esdra thì tin tưởng rằng số người được cứu thoát sẽ không nhiều lắm.
Nhưng dù với quan niệm nào đi nữa, người Do thái vẫn không thể hình dung hay chấp nhận được việc dân ngoại bước vào trong Nước Thiên Chúa. Thế nên, trên con đường tiến lên Giêrusalem, đang khi Chúa Giêsu nói với đám đông dân chúng và môn đệ về Tin mừng Nước Trời, một người Do thái, không rõ thuộc thành phần nào, đã đến xin Ngài giải đáp thắc mắc: “Phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?”
Theo nhận xét của nhà chú giải Kinh thánh Noel Quesson, thì đây là một câu hỏi nóng bỏng và luôn hiện thực. Ông viết: “Một câu hỏi rất nhân bản, căng phồng giòng máu của những quan hệ tình cảm con người. Bởi vì làm sao tôi có thể hưởng hạnh phúc trên trời nếu những người thân yêu không có ở đó? Một câu hỏi rất tự nhiên! Bạn chớ đến dự tiệc Nước Trời một mình; trên những nẻo đường bạn đi, hãy cao rao Tin mừng, vì Lời Chúa hứa là bánh được ban để ta chia sẻ với mọi người. Bất kỳ ai không ước ao “tất cả”đều được cứu, chính người ấy không hoàn thành luật của Nước Thiên Chúa là tình yêu phổ quát”.
Thế nhưng thay vì trả lời trực tiếp cho câu hỏi rất tự nhiên và chân thành đó, Đức Giêsu lại đưa con người vào một sự chọn lựa đầy tính chiến đấu: “Hãy cố gắng đi qua cửa hẹp”. Đức Giêsu không bảo số người được cứu sẽ ít hay nhiều như một sự sắp sẵn hoặc tiền định của Thiên Chúa, nhưng Ngài mời gọi nơi con người một cuộc phấn đấu quyết liệt để đạt đến sự sống muôn đời.
Không phải vì Đấng Cứu Thế không thể xác định con số những ai được cứu thoát, nhưng vì Ngài không muốn đặt người ta vào tình trạng dửng dưng hoặc kinh hoàng. Bởi vì nếu câu trả lời là “mọi người đều lên trời”thì coi chừng một sự buông thả, không còn gì phải lo lắng bị mất phúc đời đời. Còn nếu câu trả lời là “rất ít người được cứu độ”thì liệu mình nhọc công tổn sức mà có chắc được gì hay không?
Tuy nhiên, như Thánh Phaolô xác quyết, “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta muốn cho mọi người được cứu rỗi”(1 Tim 2:4). Và Đức Giêsu thì nói: “Cha các ngươi Đấng ngự trên trời, không hề có ý để hư đi một người nào trong những kẻ bé mọn này”(Mt 18:14). Như thế, ơn Chúa không hề giới hạn theo khu vực, chủng tộc, số lượng, song là tuôn trào đến khắp mọi nơi và cho hết mọi người. Nhưng như thế không có nghĩa là người ta “bị”cứu độ. Trái lại họ luôn có tự do để đón nhận hay từ khước. Một chiếc ly không thể chứa được những giọt nước tươi mát của trời cao nếu như chẳng bao giờ ngữa miệng ly lên để hứng. Cũng thế, để hưởng được thành quả của ơn thiêng, người ta phải mở rộng tấm lòng và hướng về cùng Thiên Chúa.
Mặc dầu Máu Đức Kitô có khả năng đem lại sự tha thứ cho mọi người, nhưng nếu tôi không tiếp nhận thì ơn giải thoát cũng không thể thấm đượm tâm hồn. Thế nên, khả năng cứu độ thì bao trùm tất cả, nhưng hiệu năng thì tuỳ thuộc vào nhiệt tâm đáp trả của mỗi người.
Câu trả lời của Đức Giêsu đã chuyển cái nhìn từ số lượng qua chất lượng. Không phải là chuyện ít hay nhiều, nhưng là có năng nổ chiến đấu để giành cho được hạnh phúc Nước Trời hay không.
Không thể mang ảo tưởng: có đạo là tự động vào thẳng thiên đàng. Cũng không phải cứ “lạy Chúa, lạy Chúa”mà đã trở thành người Kitô hữu chính danh, song tôi phải anh dũng như các chiến binh chống lại kẻ thù ma quỉ, thế gian, và xác thịt.
Cuộc đời có biết bao lôi cuốn cam go, nhưng chỉ khi can đảm, không thoả hiệp hay nhân nhượng với kẻ thù, người ta mới có thể nói được như Phaolô: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa; đã chạy đến cùng đường; kiên vững trong lòng tin. Giờ đây, triều thiên công chính được dành sẵn cho tôi, và Thiên Chúa, Đấng phán xét chí công, sẽ hoàn lại cho tôi trong ngày ấy, không chỉ cho tôi mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đã đầy lòng mến yêu trông đợi Ngài xuất hiện”(2 Tim 4:6-8).
Lắm khi để huấn luyện tôi nên người chiến binh dũng mạnh hầu chiến đấu đến cùng đường, Thiên Chúa cũng phải “quở trách… sửa dạy…và đánh đòn”(Dt 12:5-6). Âu cũng “vì thương con nên cho roi cho vọt”và “có gian nan mới tạo chí anh hùng”.
Trong nhiều bộ lạc Da đỏ Mỹ Châu hay có nghi thức huấn luyện và thu nhận thiếu niên vào hàng ngũ trai tráng trong làng như sau: khi mặt trời sắp lặn, người bố sẽ dắt đứa con của mình vào sâu trong một cánh rừng. Đứa bé được trao cho một cây lao với lời nhắn nhủ: “Con sẽ ở một mình trong rừng đêm nay”. Sau đó người bố rút lui.
Màn đêm buông xuống rất nhanh. Không gian chập chờn với bao tiếng gầm rú rùng rợn. Người ta dễ có cảm tưởng đang bị thú dữ rình chờ tấn công. Thỉnh thoảng, vài tiếng vỗ cánh của chim ăn đêm cũng có thể làm cho người yếu vía giật mình. Thời gian chậm chạp trôi qua. Mỗi giây phút là cả một khoảng dài vô định.
Nhưng cuối cùng, màn đêm cũng rút đi. Bầu trời từ từ hừng sáng. Nỗi sợ hãi trong đứa bé cũng phai mờ theo. Từ trong một lùm cây, một bóng người xuất hiện: cha của đứa bé. Đứa bé nhận ra và vui mừng chạy đến ôm chầm lấy bố, reo lên: “Bố đã trở lại”. Người cha hãnh diện khi thấy con mình trải qua đêm đen như một người trưởng thành. Đứa bé không hề biết rằng suốt đêm qua cha nó không ngừng trông chừng nó.
Để trở thành chiến binh anh dũng trên mặt trận đức tin, lắm khi tôi cũng phải chấp nhận bao thách đố trong bóng đêm cuộc đời. Những đe doạ của sự dữ, gầm rú của khổ đau, rình chờ của xác thịt như những phương thế giúp tinh luyện lòng tôi thêm can trường dũng mạnh. Và trong suốt chiều dài của những bóng đêm đó, dù tôi có ý thức hay không, Thiên Chúa vẫn luôn bên cạnh dõi mắt trông nhìn.
Có lẽ những khi “bóng đêm”buông xuống lại chính là những lúc tôi được gần Thiên Chúa hơn hết. Nhưng liệu tôi có biết lợi dụng nó như một dịp đi qua cửa hẹp để bước vào cung lòng yêu thương của Thiên Chúa hay không?
33. Hạnh phúc nước trời – Lm. Trần Minh Đức
Tôi không thể nào quên những ấn tượng đầu tiên trong những ngày mới tới nước Đức. Khi đi lễ tôi chỉ thấy những ông bà cụ già trong nhà thờ. Trẻ con và thanh niên không biết đi đâu? Ít lâu sau tôi được biết: Đại đa số không còn thường xuyên đi lễ ngày chúa nhật. Nhưng mỗi lần đi lễ họ lên rước lễ. Đời sống đạo ở tây phương không thể nào so sánh với những nơi khác! Tuy vậy, tôi vẫn tự hỏi trong thâm tâm giống như xưa có kẻ đã hỏi Đức Giêsu: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? “
Nếu như chúng ta đọc đi đọc lại, quan sát một cách tỉ mỉ bài Phúc âm hôm nay, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên trước những giải đáp của Đức Giêsu. Ngài không trực tiếp trả lời, cũng không thỏa mãn những hiếu kỳ của chúng ta về số phận của những người sống chung quanh chúng ta sau khi chết, cũng không đưa ra những tiên đoán vu vơ về ngày tận thế. Điều quan trọng đối với
Đức Giêsu chính là giây phút hiện tại, số phận của mỗi người trong chúng ta.
Câu trả lời của Đức Giêsu đòi hỏi các tông đồ năm xưa cũng như chúng ta ngày nay phải ra công gắng sức nhiều hơn. Ngài nói rằng: Nếu như chúng ta nghĩ rằng, chúng ta thuộc về phần thiểu số được cứu vớt, thì chúng ta phải dùng toàn bộ khả năng và sức lực của mình để có thể đi qua cửa hẹp. Đừng tốn phí thời giờ để ngồi đoán xét dông dài người này người kia, chuyện này chuyện nọ. Ích lợi gì khi chính mình bị luận phạt, bị khổ ải trầm luân!…
Đức Giêsu biết rằng, Thiên Chúa nhân hậu từ bi khôn lường. Ai hoàn toàn phó thác mình trong bàn tay đầy yêu thương quan phòng của Thiên Chúa, kẻ đó sẽ biết rõ hơn ai hết. Đức Giêsu nhìn thấy cửa trời mở ra, Thiên Chúa sẵn sàng đón tiếp chúng ta vào chung hưởng phúc thiên đàng, nhưng cửa rất hẹp. Ai đi đường rộng thênh thang, sống tự do phóng túng sẽ không thể nào đạt đến đích.
Rabbi Baruka, một người thông thạo Kinh thánh, đã kể một ngụ ngôn do thái như sau: Ông thường ra ngoài công trường. Một hôm tiên tri Êlia hiện ra trước mặt ông. Ông hỏi ngài: Trong đám đông này có người nào được chung hưởng hạnh phúc nước trời không? Êlia trả lời: Không có ai cả! Một lúc sau xuất hiện hai người tại công trường. Êlia nói với ông: Hai người này sẽ được vào thiên đàng. Rabbi Baruka liền hỏi hai người mới tới: Các anh làm nghề gì? Họ trả lời: Chúng tôi là vua hề. Khi chúng tôi thấy ai đó có vẻ buồn bã, chán đời thì chúng tôi tìm cách làm cho kẻ ấy vui vẻ trở lại. Khi chúng tôi thấy hai người tranh chấp cãi cọ, thì chúng tôi giúp họ làm hoà với nhau.
Tôi thiết tưởng câu chuyện này có phần giống như lời của Đức Giêsu. Ngài đòi hỏi chúng ta phải tận sức để có thể đi qua cửa hẹp. Có lẽ đến một lúc nào đó thì cánh cửa chật hẹp này sẽ bị khoá lại. Không phải chỉ có dân gian ác, trộm cướp không được vào, mà cả những kẻ tự cho rằng mình thuộc thành phần gia giáo, chẳng cần cố gắng cũng được vào. Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy một viễn tượng mới: Có nhiều người từ bắc chí nam, từ đông sang tây sẽ được vào chung hưởng hạnh phúc nước trời. Khổ một điều là: liệu chúng ta có ở trong số đó không? Tuy cánh cửa chật hẹp, nhưng Thiên Chúa không chịu thua lòng quảng đại của chúng ta. Ngài luôn luôn rộng tay chúc phúc và đón chờ chúng ta. Một khi chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức, sẵn sàng yêu mến và tôn trọng người khác như chính mình thì chúng ta tin rằng, hạnh phúc lớn lao đang chờ đợi chúng ta ở cuối chân trời bên kia.
34. Chọn cửa hẹp vì yêu
Theo tâm lý chung của con người, ai cũng muốn cái gì đó rộng rãi và thoải mái. Ở một ngôi nhà rộng rãi và đầy đủ tiện nghi thì thích hơn một ngôi nhà tù túng, chật hẹp. Đi trên một con đường lớn rộng thì cảm thấy dễ chịu hơn một con đường gồ ghề, nhỏ bé. Đối với người tín hữu, dường như chúng ta cũng muốn Chúa và Giáo hội rộng rãi và cho chúng ta được thoải mái trong việc giữ và sống đạo. Tuy nhiên, đằng sau những sự rộng rãi ấy quan trọng là có thật sự mang lại lợi ích cho chúng ta không.
Có lẽ, chúng ta sẽ thất vọng khi thấy Chúa và Giáo hội có vẻ như không đáp ứng được mong muốn của mình. Hơn nữa, với câu trả lời của Chúa Giêsu trong Tin mừng Chúa nhật hôm nay lại càng làm cho chúng ta thất vọng hơn. Khi ấy, có người hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”. Chúa Giêsu đã không trực tiếp trả lời câu hỏi ấy mà lại nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. Vậy “cửa hẹp” ở đây là gì và tại sao cần phải vào qua cửa ấy lại còn phải chiến đấu?
Trước hết, chúng ta hãy tin chắc là Thiên Chúa luôn muốn cứu độ con người và luôn mong muốn cho mọi người được hạnh phúc thật. Cho nên với câu trả lời của Chúa Giêsu chúng ta cũng hãy tin chắc là vì Người muốn chúng ta được cứu độ và hạnh phúc thật. Vì thế, cửa hẹp ở đây chúng ta không thể hiểu theo nghĩa vật chất mà phải hiểu rộng hơn, có tính cách thiêng liêng hơn.
Vì yêu thương và vì muốn cứu chuộc chúng ta nên chính Chúa Giêsu đã chọn qua cửa hẹp. Chúa Giêsu lên Giêrusalem nghĩa là Người chấp nhận đi vào con đường thập giá, con đường tử nạn. Cả cuộc sống của Chúa Giêsu ở trần gian cũng là đi vào cửa hẹp. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” (Pl 2, 6 – 8)
Như thế, nhìn vào Chúa Giêsu chúng ta thấy cửa hẹp là những gì không theo như ý muốn của riêng mình mà theo ý muốn của Thiên Chúa Cha. Khi chúng ta biết làm theo ý muốn Chúa Cha chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta và người khác lợi ích thiêng liêng, quý giá. Cho nên vì lợi ích của ta và của người khác và nhất là vì yêu, chúng ta sẵn sàng chọn vào qua cửa hẹp.
Chúng ta thấy, hai người nam nữ yêu nhau thật lòng sẽ vì nhau và hạnh phúc của nhau mà sẵn sàng từ bỏ những ý muốn và sở thích riêng tư. Cũng thế, một đứa con vì yêu cha mẹ nên sẽ bằng lòng vui vẻ từ bỏ những điều cha mẹ không muốn mình làm vì lợi ích của mình. Đó là những cửa hẹp.
Chúa Giêsu đã hứa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. (Ga 14, 25). Vậy nếu cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình chúng ta cũng sẽ biết đáp lại bằng tình yêu. Một trong những cách đáp đền tình yêu Chúa là chúng ta chọn vào qua cửa hẹp. Vào qua cửa hẹp là chúng ta sống theo những gì Chúa và Giáo hội truyền dạy. Chắc chắn khi quyết tâm sống theo những gì Chúa và Giáo hội dạy thì đòi hỏi chúng ta cần phải chiến đấu nhiều với bản thân mình. Cho dù trước mắt chúng ta sẽ thấy hơi gò bó, chật hẹp nhưng chúng ta hãy tin chắc đằng sau cửa hẹp ấy là một cuộc sống hạnh phúc bền vững.
35. Cửa Nước Trời
Tất cả mọi người trên trần gian này đều được mời gọi gia nhập Nước Chúa. Cửa luôn mở ra cho tất cả mọi người vào như là “cửa hẹp”, và phải qua kịp thời. Một khi đã được vào thì phải sống xứng đáng, do đó để được phải mỗi người cần phải cho Chúa sửa chữa uốn nắn.
- Cửa vào Nhà Chúa
Nhà Chúa luôn niềm nở, đón tiếp nhưng người ta chỉ có thể vào qua một cửa, cửa đó mở ra cho những người đến đúng lúc và có sự chuẩn bị xứng đáng. Tuy nhiên cửa đó lại là cửa hẹp, và người ta phải cố gắng mới được vào Quả thực, bài Tin Mừng hôm nay giáo huấn cho chúng ta biết về cái gọi là “cửa hẹp” được gia bội lên bằng một dụ ngôn về cửa đóng với những lời cảnh cáo thật đáng lo ngại.
- Cửa hẹp
Theo bối cảnh lịch sử tôn giáo Israel chúng ta hiểu khá rõ về cửa hẹp mà Đức Giêsu nói đến ở đây là cái cửa mà người Do Thái giáo thời đó từ chối không muốn bước qua. Cửa hẹp đó chính là lòng tin vào Đức Kitô. Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa.
Ta thấy Đức Giêsu không trả lời thẳng vào câu nói có người đặt ra liên quan đến con số những người được chọn: “thưa Thầy, ít người được cứu rỗi phải không” Ngài đã đáp lại rằng trong số những người Do Thái thời bấy giờ, thì có nhiều đã từ chối không nhận Ngài, là cứu Chúa đã hứa, họ muốn tìm lối khác nhưng không được vào (c24).
- Cửa đóng
Như đã nói trên, dụ ngôn cửa đóng đã được vận dụng để làm tăng thêm tầm quan trọng của cửa hẹp, buộc người ta phải đi qua lúc còn đang mở. Cửa tuy hẹp nhưng là cửa mở. Song mở thì cũng có thời có lúc mà thôi chứ đâu mở mãi bao giờ. Tất nhiên lúc mở là lúc muốn cho người ta ra vào, còn lúc đóng là lúc không còn muốn cho người ngoài vào cũng chẳng muốn cho người trong ra nữa. cho nên lúc mở cho vào mà không chịu vào, đến lúc đóng có muốn vào thì không được vào nữa, cho dù có đứng ngoài kêu gào, van xin cũng trở nên vô ích thôi, còn bị mắng đuổi đi nữa là đàng khác “Ta không biết các ngươi” và “Hãy xéo đi xa Ta”
Cái khổ nhất cho người không được vào là có kẻ khác đang sung sướng dự tiệc bên trong, nhất khi những người được vào đó lại là những người ở xa mà đến. Còn mình, ở gần, được mời, nhưng vì không khôn ngoan, nên phải đứng ở ngoài. Có khóc lóc, buồn sầu, nóng giận, hay nghiến răng cũng chỉ thế thôi, và càng thêm khổ tâm. Vì “có mà không biết đón nhận”
Hiểu như trên chúng ta thấy Chúa dùng những dụ ngôn “cửa hẹp” và “cửa đóng” là để cảnh tỉnh những người Israel cứng lòng. Họ là những người được xem là “dân riêng”, những người được hứ là sẽ được Đấng Thiên Sai cứu thế trước các dân tộc khác. Nhưng tới lúc Ngài đến, Ngài giảng dạy, Ngài làm những phép lạ cả thể để chứng tỏ Ngài là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa thì người ta lại không tin không nhận. tin Chúa Giêsu chính là điều kiện tối cần để được ơn cứu rỗi, cho nên được ví như là “cửa hẹp” độc nhất, người ta phải qua không còn lối nào khác nữa. bất cứ ai tin Ngài đều được cứu rỗi và ngược lại ai không tin thì bị luận phạt. không gì có thể thay thế được lòng tin đó. Chính Chúa Giêsu đã trả lời “Ta không biết các ngươi, phương gian ác hãy xéo đi”. Do đó, người Do Thái tuy được gọi trước, nhưng lại là kẻ đến sau vì chậm tin, và một số khác bị loại ra ngoài vì họ cứng lòng tin. Còn những người ngoại, tuy được gọi sau nhưng vì sự mau mắn nên họ là những người vào trước cả những người được mời trước.
Hạnh phúc cho ta là được biết Chúa, tin Chúa, sống trong gia đình của Chúa như một người con, được Chúa sửa chữa cho nên thành toàn. Đây có phải là một sự đổi mới do ta không? Và do ai? Tin Chúa là được vào gia đình của Chúa, nhưng sống trong nhà Chúa ta còn phải trung thành, và cố gắng sống theo giáo huấn của Chúa nữa. chắc chắn ai cũng biết mình chưa thành toàn, còn nhiều lỗi lầm, nhưng sẵn sàng để Chúa sửa chữa bằng cách này hay cách khác. Tôi có nhận ra những góp ý, xây dựng từ những người xung quanh mà Chúa gởi đến trong cuộc sống không. Ngoài ra chúng ta cũng được mời gọi góp phần xây dựng nước Chúa bằng cánh hướng dẫn anh em xung quanh để nhằm đưa họ vào Nước trời cùng với chúng ta. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam