Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 37

Tổng truy cập: 1378366

HÃY GIỮ LỜI THẦY

Hãy giữ lời Thầy

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Đức Trung)

Trong một lần đi thăm trung tâm xã hội Campuchia cách đây gần chục năm, chúng tôi có đến một nơi chăm sóc các anh chị em đang mang căn bệnh thể kỷ thời kỳ chót. Không khí ảm đạm, những cái nhìn vô vọng về một nơi xa xăm, nhưng tôi bắt gặp nhiều ánh mắt, những ánh mắt long lanh đan xen giữa hy vọng và sự sợ hãi. Chúng tôi ngỏ lời hỏi thăm vì biết rất nhiều người ở đó là người Việt Nam. Có một anh đã thì thào và ghi lại cho tôi một địa chỉ xin hãy chuyển tên và lời xin lỗi đến người thân ở phía Bắc, vì anh không có thể thư về cho họ được nữa, và anh hiểu trung tâm này sẽ là nơi anh yên nghỉ. Anh như năn nỉ tôi hãy nhớ đừng quên. Khi sửa soạn rời khỏi trung tâm, những ánh mắt đó lại như van lơn, mong muốn chúng tôi đừng đi và mong muốn chúng tôi đừng quên những gì họ đã ký gởi. Chắc đến nay nắm tro tàn của anh đã im lặng nơi lòng đất lạ, nhưng những hình ảnh và những lời ký thác của anh vẫn vấn vương đâu đó trong ký ức của tôi.

Là Kitô hữu từ thuở bé tới giờ, chắc chắn đã nhiều lần chúng ta nghe những lời tâm tình ký gởi của Chúa Giêsu đã tín nhiệm giao cho chúng ta, những lời tâm huyết mà chính Ngài đã xác nhận, không nhẹ ký vì nó chuyển tải một kho tàng thiêng liêng. Những lời Ngài nói không chỉ là của Ngài mà là của Cha, Đấng đã sai Ngài và chính trong tình yêu thông hiệp của Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần sẽ dạy dỗ và làm chúng ta hiểu. Vậy giữ lời Thầy là những điều nào, vì ba muơi ba năm Chúa đã ở nơi dương gian này, nhiều điều Chúa đã nói, thật là nhiêu khê, nhưng chắc chắn điều Chúa truyền dạy không gì khác hơn là để mọi người nhận ra Thiên Chúa là Cha nhân từ, Thánh Thần Chúa là tình yêu, Ngài là Đấng cứu chuộc, mọi người là anh em, và phải đi đến hệ luận thực hành là kính mến Chúa, yêu thương người, như Ngài đã yêu thương họ đến cùng, thì Ngài cũng mong muốn chính những người đã được Ngài yêu mến hãy đáp trả lại cho Ngài giống i như thế.

Câu chuyện Tin Mừng tuần này kể lại trong bầu khí của một giai đoạn quyết liệt mà chính Ngài quyết tâm thực hiện cho đến cùng. Sẽ có cuộc chia ly người đi kẻ ở lại, một cuộc ra đi về với Cha, điều mà các môn đệ không hề nghĩ đến vì các ông vẫn tưởng Ngài đến thế gian này là để thống trị chứ không phải là đến để rồi chết hay đi đâu cả, trong khi Chúa không hề che dấu điều gì về sứ vụ của mình. Chính vì vậy để tránh kiểu ông nói gà bà nói vịt, bằng những lời chân tình, Ngài bày tỏ sứ vụ của mình qua hình ảnh như Ngài ở trong Cha và Chúa Thánh Thần, để mọi người thấy Thiên Chúa luôn ở trong tình yêu, và là nguyên lý cho mọi người đi đến. Phải đi trong tình yêu, nghĩa là đi trong Chúa chúng ta mới đạt đến cùng đích cuộc sống. Giữa sự thánh thiêng và phàm nhân luôn có một khoảng cách nhất định, tuy nhiên chính ơn cứu chuộc của Đức Kitô làm cho khoảng cách này được nối kết, xoá bỏ. Nhưng vì con người vẫn còn ở dưới thế, cuộc hành trình đi lên của chúng ta vẫn nhiều chông gai. Chúa thấu hiểu điều đó nên Ngài đã ban bình an, một nguồn bình an thật, làm cho chúng ta dù có chao đảo nhưng không nghiêng đổ, dù có sợ sệt nhưng không hãi hùng, dù có hay quên nhưng vẫn nhớ tuân giữ lời Ngài và thực thi lời Ngài: “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời Thầy” vẫn vang vọng trong đời sống Kitô hữu của chúng ta, tuy nhiên nhiều khi chính trong chúng ta có cái khập khiễng có thể yêu Chúa nhưng không bao giờ giữ lời Chúa, hoặc giữ lời Chúa dạy nhưng lại không yêu mến Chúa. Các số liệu thống kê của giáo hội tại Âu châu phần nào cũng cho chúng ta thấy tình trạng này, đó chính là bài học để chúng ta xét mình về việc sống đạo. Chuyện đã có bên Tây cũng là chuyện của chúng ta, nếu chúng ta nghiêm túc xem xét lại, và thử rảo quanh bên ngoài các nhà thờ Công giáo vào ngày Chúa nhật. Chuyện gì đang xảy ra, thái độ không nghiêm túc của rất nhiều người đi tham dự đang bôi đen đi hình ảnh đẹp thờ phượng của Kitô hữu, đó là chưa kể đến việc sống đạo trong đời thường, những xung khắc vẫn xảy ra nơi cộng đoàn xứ đạo và nhiều người chỉ giữ đạo vào những mùa vui, lễ hội, chưa kể đến những phát triển xã hội sẽ có những khoảng trống trong niềm tin, thoái thác những ràng buộc để tự do hơn. Chuyện yêu mến Thầy và giữ lời Thầy sao nó nặng nề, sao nó rắc rối, cái mà chúng ta cảm thấy nguy đó khi những lối sống này đang trở thành thói quen xấu và đang có những sự lây lan, liều thuốc nào đó để ngăn chăn, vắc xin nào tăng sức đề kháng, tất cả đã có nơi chúng ta, chả lẽ chúng ta chấp nhận bệnh khi chúng ta có cả một vườn thuốc đặc trị!

Ánh mắt của Chúa khi trao cho người phụ nữ ngoại tình, không kết tội mà nói: “Con hãy về đi và đừng phạm tội” sao nhân từ quá. Chúa nhìn Phêrô khi Phêrô vừa bai bải chối Thầy, làm Phêrô đấm ngực khóc than sám hối. Mới thoáng qua chúng ta nghĩ cách đơn giản rằng Chúa yêu họ cách riêng, nhưng thực ra sau ánh mắt là bài học: con hãy giữ lời Thầy đừng phạm tội, đừng cao ngạo. Cái ánh mắt của anh thanh niên trong trung tâm xã hội kia, chỉ mong tôi giữ lời và thực hiện hộ cho anh điều mà anh muốn làm, hôm nay vì đau bệnh không thể làm được nữa, nó tha thiết làm ray rứt chính chúng tôi, hôm nay không phải bằng ánh mắt, mà bằng chính lời của Chúa đang thân tình nói với chúng tôi rằng: “Ai yêu mến Thầy, hãy giữ lời Thầy” chả lẽ không đủ đánh động tôi và mọi người nghiêm chỉnh thực thi sao?

 

24. Đến và ở lại

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Khi được hỏi Đức Kitô hiện diện ở đâu, chúng ta thường nghĩ ngay tới nhà thờ, nhà Tạm. Tiếc thay lắm khi chúng ta dừng lại ở đó. Chúng ta ít nghĩ đến một lối hiện diện khác của Ngài. Không phải chỉ là ở với, ở bên, ở trước mặt, mà còn là ở trong con người yếu đuối của ta. Chúng ta ít nghĩ, vì chúng ta không dám tin vào hồng ân quá đỗi lớn lao đó.

Chính vào lúc sắp chia tay các môn đệ để về với Cha, Đức Giêsu đã long trọng loan báo chuyện Ngài ở lại: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy,Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Chúng ta sẽ đến với người ấy và sẽ làm nhà nơi người ấy” (Ga 14,23).

Đại từ Chúng Ta ở đây để chỉ Chúa Cha và Chúa Con, mà ở đâu có Chúa Cha, Chúa Con thì cũng có Thánh Thần.

Vì yêu Đức Kitô, tôi được đón nhận thế giới Ba Ngôi. Vì yêu tôi, Ba Ngôi muốn đến thăm tôi và cư ngụ tại đó. Trong tình yêu hai chiều này, thiên đàng chớm nở. Thiên đàng thật gần, ngay trong lòng tôi. Thiên đàng ấm áp ở nơi nghèo hèn, bé nhỏ, nơi tâm hồn biết yêu Đức Kitô và tuân giữ lời Ngài.

Đôi khi tôi cần tự hỏi Thiên Chúa có ở trong tôi không. Tôi có cảm nghiệm được chút nào sự hiện diện đó chăng? Có bao giờ tôi thờ lạy sự hiện diện đó của Ngài không?

Kitô hữu không chỉ là bạn hữu của Đức Kitô, mà còn là người có Đức Kitô nơi chính mình. Họ là những cung thánh, những nhà thờ lưu động. Họ không chỉ chứa đựng Đức Kitô như một Nhà Tạm, họ còn nên một với Ngài trong tình yêu.

Các bí tích chúng ta lãnh nhận đều nhằm mục đích làm cho tình yêu giữa ta với Đức Kitô được lớn lên.

Trước khi tôi rước lễ, Đức Kitô đã ở trong tôi rồi. Sau khi tôi rước lễ, Ngài cũng chẳng bỏ tôi. Nhưng mỗi lần rước lễ, sự hiện diện Ngài lại tăng trưởng. Ngay cả khi không thể đến nhà thờ, tôi vẫn có thể gặp Đức Kitô nơi cung lòng mình. Chỉ cần để lòng mình lắng xuống, là tôi có thể gặp Ngài và bước vào cuộc đối thoại.

“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”

Yêu mến Đức Kitô không phải chuyện dễ. Yêu một người ta chưa gặp mặt và sống xa ta 20 thế kỷ.

Giữ lời Đức Kitô chẳng phải chuyện dễ. Lời đòi chúng ta ra khỏi mình và bay lên cao.

Chính Thánh Thần sẽ giúp ta thấy Đức Kitô thật gần để có thể say mê Ngài, thấy Lời Tin Mừng trở nên sống động và bừng sáng để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh.

Hội Thánh của chúng ta sẽ là một Hội Thánh vô hồn, nếu chẳng có sự hiện diện của Chúa nơi lòng các tín hữu.

Gợi Ý Chia Sẻ

Trong thánh lễ, linh mục chúc bình an cho giáo dân và mời họ chúc bình an cho nhau. Bạn thấy mình có bình an hơn nhờ tham dự thánh lễ không? Theo bạn, thế nào là người có tâm hồn bình an?

Bạn có quen ai mà bạn tin là có Chúa ở trong người ấy không? Dựa vào đâu mà bạn tin như vậy?

Cầu Nguyện

Ngài đã xuống tận đáy lòng con, xin cho con chỉ tập trung vào tận đáy lòng con.

Ngài là thượng khách của lòng con, xin cho con bước vào nhà là chính đáy lòng con.

Ngài chọn cư ngụ trong lòng con, xin cho con biết ngồi yên ngay tại đáy lòng con.

Duy Ngài ở lại trong con, xin cho con biết chìm sâu xuống tận đáy lòng con.

Duy Ngài hiện diện trong lòng con, xin cho con biết xóa mình khi Ngài ở bên con.

Khi con đã gặp Ngài, không còn con và Ngài nữa.

Con chẳng là gì cả, và Ngài là tất cả.

 

25. Trong và ngoài tình yêu

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Trong những năm qua, nước ta phải trải qua hai thiên tai khốc liệt. Thiên tai gây nên những thiệt hại trầm trọng về vật chất và tinh thần. Nhưng cũng chính trong thiên tai đã xuất hiện những nét đẹp của tình người.

Qua báo đài, tôi đã thấy nhiều Đức Giám mục, Linh mục mặc quần soọc áo may-ô chèo thuyền đi thăm viếng, khích lệ các nạn nhân. Nhiều cao tăng hoà thượng vận động tín đồ Phật tử tham gia công tác cứu trợ. Nhiều nữ tu đứng ra tổ chức công việc cứu trợ có khoa học và hiệu quả. Nhiều nhà thờ, nhà chùa, tu viện trở thành nơi tiếp đón các gia đình lâm nạn. Biết bao bộ đội, công an xả thân, liều lĩnh vượt qua sóng to gió lớn để cứu hộ các nạn nhân. Cả nước hướng về những nơi hoạn nạn đã đành. Cả những anh chị em ở nước ngoài cũng đau đớn khi khúc ruột trong nước đau đớn. Nên Việt kiều ở nước ngoài cũng đã vận động quyên góp, tổ chức những đoàn cứu trợ về thăm viếng và uỷ lạo các nạn nhân bão lụt. Nhiều cơ quan thiện nguyện nước ngoài cũng nhập cuộc. Tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, màu da, ngôn ngữ, khuynh hướng chính trị, giai cấp đang quy tụ lại để khắc phục thảm hoạ. Toàn cầu hoá với sự bùng nổ thông tin đang làm cho các nước xích lại gần nhau. Gần gũi không chỉ về không gian, nhưng nhất là về tấm lòng. Mọi người liên đới với nhau trong việc chống lại cái ác và cùng nhau đề cao sự thiện, lòng nhân ái. Đó là dấu chỉ cho thấy Lời Chúa đang được thực hiện.

Tuần trước khi Chúa Giêsu nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau”, Người đã cấp thẻ quốc tịch cho những kẻ thuộc về Người. Căn tính của những kẻ thuộc về Người không phải là mầu da, ngôn ngữ hay phong tục tập quán, nhưng là trái tim. Người ta nhận ra thần dân của Người không phải bằng chiều cao, sức nặng, nhưng bằng tình yêu.

Hôm nay, khi nói: “Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy. Và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”, Chúa Giêsu đang vẽ nên biên cương Nước Chúa. Biên cương này không xác định bằng rừng núi, sông biển, nhưng bằng tấm lòng. Chúa Giêsu không giới hạn Nước Chúa trong 4 bức tường nhà thờ vì Nước Chúa là Tình Yêu. Vì thế, điều quan trọng không phải là ở trong hay ngoài nhà thờ, nhưng là ở trong hay ở ngoài tình yêu. Ai ở ngoài nhà thờ mà ở trong Tình Yêu thì người ấy đã ở trong Nước Chúa. Trái lại, những ai ở trong nhà thờ mà không có Tình Yêu, thì người ấy vẫn còn ở ngoài Nước Chúa.

Rồi xã hội sẽ chẳng còn phân biệt hữu thần với vô thần. Nhưng sẽ chỉ có một phân biệt duy nhất: hữu tâm và vô tâm. Người hữu tâm là người có trái tim rộng mở, biết chạnh lòng thương xót, biết chia sẻ, phục vụ. Người vô tâm là người lòng chai dạ đá, trái tim khép chặt, chỉ biết trau chuốt bản thân. Người vô thần mà có trái tim nhân ái thì đã thuộc về Chúa. Hữu thần mà tâm hồn tàn nhẫn độc ác thì đã bị loại trừ ra khỏi Nước Chúa rồi.

Nhìn như thế, Nước Chúa thực là rộng lắm. Những người thuộc về Nước Chúa thực là đông đảo. Những người có trái tim yêu thương tạo nên thành Giêrusalem mới như ta nghe trong bài đọc thứ I hôm nay. Thành Giêrusalem mới có cửa mở ra 4 phương tám hướng để đón nhận mọi người từ khắp nơi tuốn về. Thành không có Đền Thờ vì thành được xây bằng yêu thương. Mà ở đâu có yêu thương thì ở đó có Thiên Chúa ngự trị. Thành không cần đèn đuốc vì Thiên Chúa tình yêu là ánh sáng cho thành. Gạch xây thành là những trái tim chan chứa yêu thương nên thành trở nên một khối pha lê trong suốt, như một viên ngọc quý toả ánh sáng tới khắp muôn dân.

Trong số những người có trái tim, xây dựng nên thành Giêrusalem mới ấy, tôi thấy có nhiều người trong anh chị em. Trong những năm qua số người tham gia công tác từ thiện bác ái ngày càng đông. Người âm thầm, kẻ công khai. Người góp của, kẻ dâng công. Tôi thấy rõ là anh chị em đang phấn đấu để ở trong tình yêu. Tôi thấy rõ là anh chị em đang rèn luyện để trở nên người hữu tâm.

Xin tình yêu Chúa thanh luyện trái tim ta không ngừng, để mỗi trái tim chúng ta trở thành một viên gạch trong suốt như pha lê, góp phần xây dựng thành Giêrusalem mới cho tình yêu Thiên Chúa ngự trị. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Chỉ đi lễ, đi đọc kinh thôi, đã đủ làm công dân trong Nước Trời chưa? Bạn có quan tâm giúp đỡ những người kém may mắn chung quanh bạn không?

2. Bạn có phấn đấu để hãm dẹp tính ích kỷ, chia rẽ và phát triển tình yêu thương tha thứ trong tâm hồn bạn không?

3. Bạn nghĩ gì về những người ngoại đạo tốt? Họ có phải là con Chúa không?

4. Trong và ngoài Giáo Hội. Trong và ngoài tinh thần. Bạn quan tâm tới điều nào hơn?

 

26. Bình an Phục Sinh

Suy nghĩ về tình trạng tai nạn giao thông trong nước, một người đã viết trên báo Tuổi trẻ số ra ngày thứ hai 16/04/2007 như sau: "Dư luận chưa hết bàng hoàng trước vụ xe tải cán chết bốn học sinh ở Tuy An, Phú Yên, nay lại thêm một xe tải khác cán chết ba học sinh ở Ninh Hòa, Khánh Hòa. Những thông tin chết chóc do tai nạn giao thông làm nhói lòng người. Người dân luôn nơm nớp lo sợ từng ngày về sự an nguy của mình, của người thân trước hiểm họa xe cộ còn kinh hoàng hơn cả chiến tranh bởi không biết đâu là mặt trận, chiến trường, mỗi con đường đều có thể là bờ vực của tử thần... ".

Trên đây là tâm trạng bất an trong chỉ một lĩnh vực trong muôn vàn lĩnh vực khác trong cuộc sống hiện nay. Dường như xã hội càng tiến bộ bao nhiêu thì con người lại càng làm cho nhau thêm bất an lo sợ. Như thế có sự bình an đích thực không?

Để giải đáp cho câu hỏi này hôm nay Chúa Giêsu đã nói đến trong bài Tin mừng: " Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi " (Ga 14, 27). Nói cách vắn gọn là trong Chúa Giêsu Phục sinh ta mới có được sự bình an đích thực và vững chắc.

Chúng ta nhớ sau khi Chúa Giêsu bị bắt và bị đóng đinh thì chính các Tông đồ là những người mất bình an hơn ai hết. Bấy giờ họ chỉ biết vào phòng đóng kín cửa mà vẫn chưa hết lo sợ. Đến nỗi khi Chúa Giêsu Phục sinh hiện đến thì các ông lại tưởng là ma (Lc 24, 37). Thế nhưng sau khi các ông đón nhận được sự bình an của Chúa Giêsu Phục sinh thì các ông không còn lo sợ nữa. Các ông đã được hoàn toàn đổi mới. Các ông đã trở nên những người can đảm và mạnh mẽ lạ thường. Các ông đã chia nhau mỗi người mỗi ngả mà đi loan báo Tin mừng Phục sinh. Các ông đã dám đánh đổi cả mạng sống của mình để bảo vệ Tin mừng trọng đại ấy.

Ngược lại, những Thượng tế và những kỳ mục là những người mất bình an sau khi Chúa Giêsu Phục sinh. Thánh Mathêu ghi lại sau khi họ được báo tin Chúa Giêsu đã sống lại: "Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: Các anh hãy nói như thế này: ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự. Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay" (Mt 28, 12 - 15). Vì không được sự bình an trong Chúa Giêsu Phục sinh nên những người này đã tìm cách che giấu sự thật này. Nhưng làm sao có thể che giấu cho được điều này.

Mỗi khi Thánh lễ kết thúc, Chủ tế luôn chúc chúng ta "ra đi bình an". Vì Giáo hội tin là qua Thánh lễ chúng ta đã gặp và đón nhận được Chúa Giêsu Phục sinh trong Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa. Do đó, chắc chắn chúng ta sẽ được bình an đích thực. Giáo hội cũng mong muốn mỗi tín hữu sau khi tham dự Thánh lễ về cũng biết đem bình an ấy cho gia đình và mọi người xung quanh. Cũng vậy, khi lãnh nhận Bí tích Hòa giải Linh mục thay mặt Thiên Chúa ban ơn bình an cho chúng ta. Chúng ta có tin và ý thức được điều ấy chưa?

Bình an đích thực là khi chúng ta biết làm theo lời Chúa và Giáo hội dạy. Khi chúng ta biết nghe lời Chúa và Giáo hội chắc chắn chúng ta sẽ có hạnh phúc thật sự. Đó là khao khát tận cõi lòng của mỗi người chúng ta.

Ngoài ra chúng ta hãy nhớ, những sự bình an theo kiểu thế gian chỉ là tạm bợ, mau thay đổi. Thậm chí, có khi lại là giả tạo.

Xin Chúa Giêsu Phục sinh ban cho mỗi người chúng ta biết chạy đến với Người để đón nhận bình an đích thực.

 

27. Hiện diện của kẻ vắng mặt – Thiên Phúc

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Có một nhà chuyên môn sưu tầm các loài bướm. Ngày nọ, khi bước vào một công viên, ông đã gặp tổ kén lạ. Ông liền bứt cành cây đem kén bướm về nhà. Ít ngày sau, ông thấy nhúc nhích bên trong kén, nhưng con bướm vẫn chưa phá kén bay ra.

Hôm sau, kén lại nhúc nhích, nhưng chẳng có gì khác lạ. Lần thứ ba, vẫn thấy như trước, ông liền lấy dao rạch kén, thế là con bướm bò ra ngoài. Tuy nhiên, bướm không tăng trưởng và chẳng bao lâu thì chết.

Sau này, ông được người bạn là nhà sinh vật học cắt nghĩa như sau: Thiên nhiên đã xếp đặt cho con bướm phải đấu tranh mới thoát ra khỏi cái kén, vì nhờ đấu tranh gian khổ mà nó có thể phát triển mạnh mẽ để sinh tồn.

***

Muốn làm cánh bướm bay trên ngàn hoa rực rỡ, bướm phải làm kiếp sâu lặng lẽ, cô tịch trong vỏ kén lặng lờ, khuất nẻo. Muốn làm con bướm bay trong bầu trời xanh ngắt, bướm phải là con sâu đen đủi xấu xa, vặn vẹo đau đớn trong tổ kén đợi chờ.

Để trở nên những tín hữu Kitô vững mạnh, tăng trưởng về đường thiêng liêng, chúng ta phải trải qua một thời kỳ gian khổ để tiến triển về mặt tâm linh, chúng ta cũng phải vượt qua đấu tranh thử thách. Nhưng trong những thời điểm ấy, Thiên Chúa luôn bên cạnh chúng ta, cho dù chúng ta không nhìn thấy Người.

Lúc sắp sửa ra đi, để trấn an các tông đồ, Chúa Giêsu đã hứa rằng, dù vắng mặt, nhưng Người vẫn luôn hiện diện giữa các ông và ban bình an cho các ông. Sự hiện diện của kẻ vắng mặt! Đó là cảm nghiệm mà chỉ có những kẻ yêu nhau mới nhận ra mà thôi. Từ sau biến cố Phục sinh, Chúa Giêsu đã trở nên con người của mọi thời đại.

Người hiện diện trong những kẻ yêu mến Người: “Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến ở lại với người ấy”.

Người hiện diện trong những kẻ thực hành và giữ lời Người: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”.

Người hiện diện không chỉ đơn độc, nhưng là hiện diện cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Cả Ba Ngôi cùng đến thăm và ở lại trong những ai yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ lời Người.

Nếu Chúa Cha chính là Thiên Chúa trong tình trạng vô hình, thì Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa đã hiện diện, nói năng, hành động để cứu chuộc con người; và Thánh Thần cũng là Thiên Chúa, Đấng kéo dài cách thiêng liêng sự hiện diện, lời nói và hành động của Chúa Giêsu và Chúa Cha.

Vì thế, Thánh Thần sẽ thông truyền trọn vẹn sự sống của Thiên Chúa cho con người, khi soi sáng dạy dỗ con người dần dần hiểu lời Thiên Chúa, Lời đó chính là Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Chúa Cha: “Thánh Thần sẽ dạy cho anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).

Với lời hứa này, kể từ ngày lễ Hiện Xuống đầu tiên, Thánh Thần đã soi sáng và hướng dẫn Giáo hội hiểu thấu triệt Lời Chúa trong Kinh Thánh, để trình bày một cách sáng tỏ hơn, và để giải quyết những vấn đề mới mẻ cho từng thời đại. Vì thế mà các Công đồng liên tiếp được triệu tập dưới sự bảo trợ của Thánh Thần.

***

Lạy Chúa Ba Ngôi, xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Người trong lòng chúng con, trong lòng Giáo hội, và trong lòng thế giới:

Để chúng con luôn yêu mến và tuân giữ Lời Người.

Để chúng con được soi sáng và hướng dẫn bởi Thánh Thần.

Và để chúng con được canh tân và tái tạo mỗi ngày trong Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.

home Mục lục Lưu trữ