Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 44

Tổng truy cập: 1376940

HÃY SẴN SÀNG VÀO DỰ TIỆC NƯỚC TRỜI

Hãy sẵn sàng vào dự tiệc Nước Trời

Chúa Giêsu là một vì Thiên Chúa cao trọng nhưng cũng là một Con Người bình dân, yêu mến quê hương. Ngài gắn bó với quê hương của Ngài nên Phúc âm hôm nay trình bày Ngài dùng một hình ảnh quen thuộc của quê hương, hình ảnh về cưới xin mà ai cũng có thể nhận ra bài học mà Ngài muốn nói đến. Bài học đó là chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa đến.

Thông thường trong một đám cưới, nhân vật chính là cô dâu và chú rể. Nhưng trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu lại đặt trọng tâm về phía các cô phù dâu, bởi vì chàng rể ở đây là Chúa Giêsu, mười trinh nữ phù dâu là toàn thể nhân loại.

Dụ ngôn này trước hết muốn nói đến tất cả mọi người phải sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa đến, nhưng ngày nào Chúa đến thì không ai biết được, chỉ cần biết rằng ngày đó rất bất ngờ. Hơn nữa, dụ ngôn này còn muốn nhắc tới ngày chết của mỗi người, ngày ấy đến bất ngờ, bất ngờ đến nỗi không ai không ai biết trước được. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường chứng kiến những cái chết, có người chết già là chuyện đương nhiên, nhưng cũng có nhiều người chết khi tuổi còn trẻ trung, cuộc đời họ lên như diều gắp gió. Cái chết không buông tha cho bất cứ một ai! Đời con người đã ngắn ngủi, lại có thể chết bất cứ lúc nào, cho nên đòi hỏi mỗi người phải cẩn thận và chuẩn bị sẵn sàng.

Việc chờ đợi sẵn sàng có tính cách bản thân cá nhân mỗi người, không ai làm thay ai được. Sự sẵn sàng này phải có luôn luôn, kéo dài mãi chứ không phải chỉ trong một thời gian nào thôi, vì Chúa đến bất ngờ, Chúa có thể gọi chúng ta ra khỏi đời này bất cứ lúc nào. Cho nên, như mười trinh nữ, sửa soạn có đèn mà thôi, đèn cháy mà thôi cũng chưa đủ, còn phải dự trữ dầu. Cũng vậy, chúng ta có đạo, có đức tin mà thôi chưa đủ mà còn phải thực hành đạo, sống đạo và ghi nhiều công phúc nữa. Dụ ngôn cho chúng ta thấy, trong mười cô phù dâu, có năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại. Đó là hình ảnh tượng trưng cho hai nhóm tín hữu khác nhau: một nhóm những người khôn ngoan và một nhóm những người khờ dại.

Khôn ngoan hay khờ dại là căn cứ vào cách sống của họ có biết sẵn sàng hay không? Có sống đạo và có công phúc hay không? Năm cô phù dâu khờ dại không chuẩn bị đủ dầu, đến giờ chót đi vay mượn và bị từ chối, có nghĩa là ơn Chúa ban cho người nào là của riêng người đó, không cho được, không vay mượn được. Chúng ta không thể nhường lại ơn Chúa cho ai khác và cũng không ai có thể nhường lại cho chúng ta được. Đàng khác, chúng ta cũng đừng nghĩ rằng: chỉ cần sắm sửa một ít dầu vào phút chót là được. Trái lại, phải sắm sửa cả đời và suốt đời. Sống đạo và ơn Chúa cần phải sắm sửa hằng ngày hằng giờ cho đến chết, vì không ai biết mình chết khi nào, đừng bao giờ nghĩ rằng mình còn lâu mới chết, vì sự chết không kiêng nể ai và cũng chẳng báo trước cho ai cả.

Năm cô khờ dại đã uổng công đi đón và mòn mỏi đợi chờ để rồi cứ phải đứng ở bên ngoài phòng tiệc cưới. Vì thế, nghe và thi hành Lời Chúa là một thái độ sống khôn ngoan để dù thức hay ngủ, ta vẫn trong tư thế sẵn sàng. Việc Chúa đến sẽ không còn là chuyện bất ngờ nữa mà là một cuộc hẹn hò gặp gỡ đầy ý nghĩa đã được chờ đợi.

Vì thế, qua bài Phúc âm hôm nay, chúng ta nghe Lời Chúa Giêsu dạy chúng ta: hãy khôn ngoan như năm cô trinh nữ đem đèn và trữ cả dầu. Chúng ta phải có đèn, đèn muốn hữu dụng phải có dầu, dầu đốt mãi cũng phải hết, do đó, chúng ta phải trữ dầu, trữ càng nhiều càng tốt. Dầu đây là đời sống thiện hảo của mình, là các việc lành, việc tốt, việc bác ái, việc thương người, việc chia xẻ cho những người thiếu thốn bất hạnh vv... Dụ ngôn mười cô trinh nữ, chúng ta thấy cả khôn cả dại đều ngủ, nhưng cái làm cho mười cô trở thành khôn dại khác nhau ở chỗ biết chuẩn bị sẵn sàng. Năm cô khôn đã ngủ nhưng ngủ trong sự sẵn sàng, còn năm cô dại đã ngủ trong một thái độ chểnh mảng, việc đâu hay đó, nhưng đến khi "hay" được thì đã quá muộn rồi.

Mỗi khi lên giường ngủ, chúng ta nên kết sổ cuộc đời chúng ta. Hãy Xét mình, sám hối, ăn năn tội cách trọn hằng ngày trước đi ngủ. Hãy tạ ơn Chúa, xin Chúa tha tội và phó dâng cuộc đời trong tay Chúa và Đức Mẹ. Hãy sám hối và phó thác cho Chúa, sẵn sàng vào tiệc cưới. Đừng chậm trễ nữa, vì cửa Nước Trời chỉ mở ra cho những người hôm nay sẵn sàng dự tiệc, cho những người hôm nay mang canh cánh bên lòng nỗi ưu tư thi hành ý muốn của Chúa, chứ không dành cho những kẻ chỉ biết nói: "Lạy Chúa, lạy Chúa" ngoài môi miệng, để rồi phải nghe trả lời: "Ta không biết các ngươi!" Câu trả lời này cũng là lời phán quyết của Thẩm Phán tối cao trong ngày phán xét cuối cùng.

Nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố, nếu chúng ta biết gặp gỡ Chúa trong sinh hoạt, nếu chúng ta tiếp xúc với Chúa trong từng phút giây.., thì cái chết chỉ là một nối dài của cuộc gặp gỡ thân tình này. Người luôn trung thành với những gặp gỡ trong giây phút hiện tại sẽ không phải sợ hãi trong cuộc gặp gỡ tối hậu là cái chết.

Hôm nay vẫn còn thờ giờ để chúng ta "khôn", vẫn còn thờ giờ để chúng ta đổ đầy dầu vào bình mà mang theo, vẫn còn thờ giờ để xây dựng đời mình trên nền tảng thực thi Lời Chúa và Chàng Rễ cũng đang đến loan báo niềm vui hội ngộ. Hãy sẵn sàng ra đón, để cùng Tân Lang vào dự tiệc Nước Trời hưởng niềm vui vô tận.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng, để khi Chúa đến, Chúa sẽ vui mừng khi thấy chúng con tỉnh thức, và Chúa sẽ đưa chúng con vào dự tiệc trong vương quốc vĩnh cửu của Chúa. Amen.

 

25. Chàng rể đến trễ

(Suy niệm của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)

Ngữ cảnh của đoạn 25, 1-13 là Chúa Giêsu kêu gọi hãy luôn luôn tỉnh thức vì không ai biết ngày Người đến (24:36-25:46). Ý tưởng nầy được lập lại nhiều lần dưới nhiều dạng khác nhau (24:36.42.50; 25:13). Liên kết với hai dụ ngôn đi trước, đoạn 25:1-13 có chung một số từ ngữ như phronimos, “khôn ngoan” (24:45; 25:2), kurios, “Chúa”, “chủ” (24:42.45-50; 25:11), chronizò, “đến trễ” (24:48; 25:5), hetoimos, “sẵn sàng” (24:44; 25:10). Chủ đề của đoạn nầy tiếp tục là sự sẵn sàng để chờ đón Chúa đến.

Về bố cục có thể phân chia như sau: 1/ Dẫn nhập. Các trinh nữ và chàng rể (25:1-5); 2/ Hành động của các trinh nữ (25:6-9); 3/ Số phận khác nhau của các trinh nữ và kết luận (25:10-13). Cách phân chia nầy dựa trên sự xuất hiện và phân bố của động từ exerchomai (c. 1.6), aperchomai và eiserchomai (c. 10). Tất cả đều diễn tả hành động “đi” của các trinh nữ. Hai lần đầu (c. 1 và 6) họ cùng chung một hướng là đi đón chàng rể. Lần cuối cùng (c. 10) họ đã chia tay và đi hai hướng khác nhau. Năm cô khờ dại ra đi để mua dầu và sẽ đứng ngoài cửa, còn năm cô khôn ngoan đi vào phòng tiệc cưới với chàng rể.

Dẫn nhập. Các trinh nữ và chàng rể (cc. 1-5)

Matthêô lấy dụ ngôn sắp được kể để so sánh với Nước Trời. Đặc biệt ở đây Matthêô dùng động từ homoioò ở thì tương lai thụ động (x. 18:23; 22:2), “Nước Trời sẽ được ví như …”. Nước Trời không được so sánh như mười cô trinh nữ, nhưng như những gì sẽ xảy ra cho các cô ấy vào kết thúc dụ ngôn. Nước Trời sẽ đến một thời điểm quyết định: những ai sẵn sàng thì được vào, những ai không sẵn sàng thì phải đứng bên ngoài cửa.

Theo phong tục, vào ngày cưới chàng rể đi về nhà cha mẹ cô dâu để rước nàng. Rồi các trinh nữ rước đôi tân hôn về tận nhà chàng rể và ở đó họ tổ chức lễ cưới và tiệc cưới. Các trinh nữ phải mang theo đèn và dầu khi phải rước vào ban đêm. Mục đích của việc mang đèn theo là “đi ra đón chàng rể”. Ngoài bản văn nầy, nymphios, “chàng rể”, chỉ xuất hiện thêm một lần khác ở 9:15, và ám chỉ Chúa Giêsu.

Mười cô trinh nữ được chia làm hai nhóm: năm cô khờ dại tương phản với năm cô khôn ngoan (c. 3). Cặp “khờ dại” (7:26) và “khôn ngoan” (7:24) gặp lần đầu tiên ở dụ ngôn xây nhà. Và gần hơn Matthêô nói đến người đầy tớ khôn ngoan (24:45). “Khờ dại” hay “khôn ngoan”, không quy chiếu về các khả năng trí tuệ, nhưng hệ tại sự thận trọng và quyết định. Sự khôn ngoan hay khờ dại của các cô trinh nữ như là một tình trạng; động từ “là” ở thì quá khứ chưa hoàn thành (imperfect). Câu chuyện trong dụ ngôn nầy là một thí dụ điển hình: các cô khờ dại “không mang theo dầu”, trong khi các cô khôn ngoan “mang theo dầu” (c. 4).

Chàng rể đến chậm, trái với sự mong đợi của các trinh nữ; “de”, “nhưng” mang tính cách trái ngược (adversative). Không một lý do nào đưa ra giải thích sự chậm trễ nầy. Sự chậm trễ của chủ/Chúa cũng được nói đến trong dụ ngôn trước (24:48). Trong khi chàng rể chưa đến, các cô trinh nữ đều rơi vào tình trạng như nhau là buồn ngủ và ngủ thiếp đi. Không giống với dụ ngôn trước, người đầy tớ khôn ngoan là người phải thức tỉnh chờ đợi cho đến khi chủ về và mở cửa cho chủ. Vậy sự khác biệt giữa các cô trinh nữ là mang theo dầu cho đèn của mình hay không.

Hành động khác biệt của các trinh nữ (25:6-9)

Phần thứ hai mở đầu bằng tiếng kêu báo chàng rể đến lúc nửa đêm (c. 6). Đến “nửa đêm” là đến bất ngờ lúc mà các trinh nữ đều ngủ say. Điều nầy liên hệ đến câu kết là không ai biết “ngày và giờ” của Chúa đến (c. 13; x. 24:48.50.51). Bởi việc đến bất ngờ nầy mà sự khôn ngoan và khờ dại của các trinh nữ sẽ được tỏ lộ.

Lần cuối cùng nhắc đến hành động chung của họ là tất cả các trinh nữ đều “chỗi dậy và sửa soạn đèn của họ” (c. 7). Hai câu kế tiếp 8 và 9 là cuộc đối thoại giữa hai nhóm, và nội dung liên quan đến đèn và dầu của họ. Lúc nầy các động từ chuyển sang thì hiện tại diễn tả hành động đang diễn ra. Đèn của các trinh nữ khờ dại đang bị tắt, và họ xin các trinh nữ khôn ngoan dầu bằng một mệnh lệnh “Hãy cho chúng tôi dầu” (c. 8). Đáp lại các trinh nữ khôn ngoan dùng hai mệnh lệnh: “hãy ra đi” và “hãy mua” (c. 9). Bên sau hình ảnh đèn ngún tắt của các trinh nữ khờ dại là sách Châm ngôn 13:9; Gióp 18:5.

Số phận khác nhau của các trinh nữ và kết luận (25:10-13)

Sang phân đoạn cuối nầy các trinh nữ không còn đi chung một hướng và làm chung một hành động nữa; họ đã cùng đi ra, exerchomai, đón chàng rể (c. 1.6). Trong câu 10, động từ “đi” được dùng đến 3 lần để diễn tả những gì xảy ra cho các trinh nữ. Khi các trinh nữ khờ dại ra đi, aperchomai, chàng rể đến, erchomai, và các trinh nữ khôn ngoan đi vào, eiserchomai, dự tiệc cưới với chàng rể. Lúc nầy các trinh nữ khôn ngoan được gọi là những người đã chuẩn bị/sẵn sàng, hetoimos. Từ nầy được dùng trong dụ ngôn trước khi trong lời kêu gọi phải sẵn sàng vì không biết giờ nào Con Người sẽ đến (24:44). Vậy “khôn ngoan” có thể hiểu là “sẵn sàng/đã chuẩn bị” cho ngày giờ Chúa đến. Các trinh nữ khôn ngoan đã chuẩn bị cho việc chàng rể đến trễ. Hình ảnh “cửa đóng lại” nhấn mạnh sự kiện là người đứng ngoài không thể vào được hơn là những người đã vào dự tiệc cưới bên trong.

Câu 11 và 12 là cuộc đối thoại giữa chàng rể bên trong cửa và các trinh nữ khờ dại đứng bên ngoài. Một mẫu tương tự như thế tìm thấy trong Lc 13:25. Sự tương phản giữa các trinh nữ ở đây vẫn còn: trong khi cửa đóng lại với các trinh nữ khôn ngoan ở bên trong, còn các trinh nữ đứng bên ngoài thì xin mở cửa, “Hãy mở cửa cho chúng tôi!”. Họ đã bị từ chối. Chàng rể bây giờ được gọi là “Chúa”. Tiếng kêu của các trinh nữ khờ dại Kurie, kurie, “Lạy Chúa, lạy Chúa” lúc nầy là áp dụng cụ thể cho lời Chúa Giêsu đã nói trước về những người không thực hành ý muốn của Chúa (7:20-23). Những ai không thực hành ý Thiên Chúa thì không được Thiên Chúa nhận biết. Cũng thế, các trinh nữ khờ dại bị chàng rể tuyên bố là không biết họ, vì họ đã không quan tâm chuẩn bị cho mình để có thể đón rước chàng rể bất cứ tình huống nào.

Dụ ngôn kết thúc bằng một huấn dụ “Vậy hãy tỉnh thức…” (c. 13). Liên từ oun, “vậy”, chỉ huấn dụ nầy rút ra từ dụ ngôn trên. Động từ grègoreò, “tỉnh thức”, Matthêô chỉ dùng trong các dụ ngôn nói về việc Chúa đến vào ngày giờ không ai biết (24:42.43; 25:13) và trong đoạn Chúa Giêsu và các môn đệ trong vườn Cây Dầu (26:38.40.41). Trong cả hai trường hợp, “tỉnh thức” có nghĩa là “sẵn sàng”, như chủ nhà phải chuẩn bị nếu như biết kẻ trộm sẽ đào ngạch vào nhà, hay như các tông đồ phải sẵn sàng để trợ lực Chúa Giêsu khi Người đang “buồn sầu cho đến chết” (26:38), và để chống lại cám dỗ mà các ông rất dễ sa vào là bỏ rơi Chúa (c. 26:41). Vậy “tỉnh thức” có nghĩa là chuẩn bị sẵn sàng những gì cần thiết cho chính mình để có thể vào dự tiệc Nước Trời khi Chúa đến.

Khi viết dụ ngôn về các cô trinh nữ, Matthêô nhắm đến những người Kitô hữu. Họ như các trinh nữ đang cầm đèn đi đón Chúa Kitô. Họ có thể là những người khờ dại và khôn ngoan. Việc vào Nước Thiên Chúa còn tùy vào mỗi người. Khởi đầu ai cũng giống nhau, nhưng kết thúc có thể hoàn toàn khác. Sự khôn ngoan đích thực là chuẩn bị cho mình những điều Thiên Chúa mong muốn để có thể đón tiếp Người.

Mặc dù Chúa Giêsu vẫn mời gọi kiên trì trong việc cầu nguyện và gõ cửa, “ai gõ cửa sẽ được mở cho” (7:7), cửa sẽ không mở ra cho những ai đã không sẵn sàng.

 

26. Tỉnh thức

Chúa Giêsu hay nói về đám cưới, vì đám cưới của người Do Thái sống ở Palestine thời Chúa Giêsu là một cơ hội lễ lạc linh đình. Theo William Barclay, toàn thể dân làng được mời tham dự vào đoàn rước chú rể và cô dâu về nhà mới, họ đứng hai bên đường ca hát và chúc mừng những lời tốt đẹp nhất. Đôi tân hôn không đi xa để hưởng tuần trăng mật, nhưng ở tại nhà, suốt cả tuần lễ tiệc tùng, và được đối đãi quý trọng như hoàng tử và công chúa. Đây là tuần lễ quan trọng đáng ghi nhớ nhất trong đời của một người. Do đó, theo luật lệ của các thầy Rabbi, ngày lễ cưới là ngày hoan lạc vui tươi, tất cả khách đến tham dự được miễn trừ không phải giữ luật ăn chay.

Thánh lễ cưới theo nghi thức tây phương, cô dâu đóng vai trò quan trọng với nghi thức rước dâu. Khi cô dâu xuất hiện, mọi người đều đứng lên tập trung vào cô dâu đẹp đẽ trong y phục áo cưới tiến lên bàn thờ với đoàn rước và tiếng nhạc hoan ca. Còn chú rể chỉ đứng chờ đợi sẵn trên bàn thờ đón tiếp cô dâu.

Trái lại, trong nghi thức đám cưới Do Thái, chú rể là người quan trọng. Mọi người phải chờ đợi và đón chú rể. Trước hết, nếu lễ cưới vào ban đêm, chú rể phải đi tới nhà cô dâu để thương lượng với người cha hay anh em của cô dâu về tiền bạc, quà cáp, của hồi môn… vào lúc mặt trời lặn. Thời đó chưa có đồng hồ, nên không thể định rõ giờ giấc để đón rước chàng rể từ nhà cô dâu về nhà chú rể được. Hơn nữa, theo phong tục, chú rể thường cố ý trì hoãn và kéo dài cuộc thương lượng để cô dâu và những nàng phù dâu phải chờ đợi trong hồi hộp và ngạc nhiên. Vì suốt ngày tiệc tùng, dạ vũ, nên chờ đợi đến khuya thường mệt mỏi và buồn ngủ. Mười cô trinh nữ được mời tham dự có bổn phận phải chuẩn bị sẵn sàng đèn đuốc để thắp sáng đường đi rước chú rể, cô dâu và khách đến tiệc cưới. Đây là một vinh dự rất đặc biệt cho các cô trinh nữ được mời.

Tuy nhiên, theo bài Phúc âm diễn tả, năm cô khờ dại chưa chuẩn bị sẵn sàng, không mang theo đủ dầu cần thiết, khi chú rể đến thì họ lại hết dầu. Điểm rất quan trọng cần lưu ý ở đây là thời xưa không ai được phép ra đường vào ban đêm mà không có đèn, nhất là trinh nữ. Vì bóng đêm với đầy dẫy sự nguy hiểm của gian tà tội lỗi!

Thánh Augustinô đã chú giải như sau: “Năm cô trinh nữ khờ dại trong bài Phúc âm hôm nay thực sự là ngu xuẩn. Họ khờ dại vì đã chểnh mảng giữ giới răn dễ dàng hơn, đó là mến Chúa và yêu người, để liều lĩnh giữ giới răn về sự thanh khiết”. Họ phải yêu thương tha nhân bằng việc thắp đèn dầu của mình soi sáng đường đi cho mọi người đến đón chú rể. Họ ngu xuẩn vì họ đã bỏ qua giới răn quan trọng và dễ thi hành này, “mến Chúa và yêu người”, để giữ một giới răn khó khăn là sự trong sạch. Theo William Barclay, tiệc cưới là những ngày hội vui tươi và linh đình, kéo dài cả tuần lễ. Ăn uống, vui chơi, đàn ca và khiêu vũ không chỉ dành riêng cho đôi tân hôn, nhưng cả bạn bè và những người thân đều được mời tham dự. Do đó, những cô trinh nữ khờ dại đã bị loại ra, uổng mất cơ hội hoan lạc đáng kể này!

Những nhân viên sĩ quan và thủy thủ đoàn cấp cứu của con tàu Titanic rất giống với những cô trinh nữ khờ dại trong dụ ngôn của Chúa Giêsu. Họ đã không chuẩn bị đầy đủ cho điều có thể xảy ra vì họ tin rằng con tàu của mình không thể chìm nổi, nhưng trong một số trường hợp họ cũng không biết điều khiển máy móc làm cho những chiếc thuyền cấp cứu hạ thấp xuống nước nữa. Do đó, khi tai nạn xảy đến, tất cả chỉ là một đám đông hỗn độn: thủy thủ đoàn không được huấn luyện không biết phải làm gì. Và khi họ phát ra những chiếc phao cấp cứu, họ mới khám phá thấy rằng tất cả những dụng cụ cấp cứu và phao nổi đã quá ít so với số hành khách và thủy thủ đoàn.

Đừng bắt chước năm cô trinh nữ khờ dại. Họ nghĩ rằng có thể mượn được dầu từ người khác. Chúng ta cũng không thể nào vay mượn được đời sống tinh thần của người khác. Phải tự phát triển đời sống đạo đức của riêng mình. Không ai có thể sống dùm cho chúng ta. William Barclay ví von rằng, chúng ta không thể nào vay mượn được tính tình và nhân đức giống như vay tiền từ thẻ tín dụng! Năm cô trinh nữ khôn ngoan và năm cô trinh nữ khờ dại là những biểu tượng của những cách sống của con người. Xin Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta ơn khôn ngoan để biết sống sẵn sàng vâng theo đường lối của Thiên Chúa.

home Mục lục Lưu trữ