Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 36

Tổng truy cập: 1378568

HÃY THEO THẦY

HÃY THEO THẦY (*) Chú giải của Noel Quession

Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển hồ Ti-bê-ri-a, Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simon Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simon nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”.

Công cuộc Phục sinh cần được thực hiện giữa đời thường. Các nhân chứng đầu tiên không phải là những siêu nhân. Họ lại hoạt động với nghề cũ. Họ tiếp tục đánh cá ở Biển hồ. Tất cả là bảy người, đều đã sống với Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu không hiện diện ở đó nữa. Chúng ta cần ghi nhận một chi tiết, Phêrô đóng vai chủ động khởi xướng. Đó là một biểu tượng đầy ý nghĩa.

Mọi người ra đi, lên thuyền nhưng đêm đó họ không bắt được gì cả.

Đánh cá vào ban đêm là một cách thông dụng. Đó là nét thực tế, mang tính lịch sử. Nhưng ở đây, ta cũng có thể nhận ra một ý hướng của người thuật chuyện: trong cảnh mù tối.. trong đêm khuya… họ đã mất giờ vô ích. Một mẻ lưới không bắt được con cá nào. Chúng ta cũng thường gặp như thế trước những lo lắng về gia đình, nghề nghiệp, xã hội, giáo hội. Đêm tối đời tôi là gì?

Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận đó chính là Đức Giêsu.

Bảy người đang sống trên “biển nổi sóng”, giữa cảnh mù tối. Đối với người Xê-mít, biển là nơi các thế lực ngầm, các lực lượng âm phủ, thù nghịch, thường gieo khiếp hãi. Còn Đức Giêsu đang đứng trên đất liền, trước ánh sáng của một ngày mới lên… nét tương phản cố ý để minh chứng rằng, kể từ nay Đức Giêsu ở một bến bờ khác? Người vừa mới trải qua một cuộc vượt biển và đang hiện diện ở phía bên kia, đang chờ đợi ta ở đó! Nhưng họ không nhận ra Người! Trên bến bờ đời đời.

Hôm nay, Ngài cũng luôn chờ đợi chúng ta như thế.

Đức Giêsu nói với các ông: “Này các chú, không ăn gì ư?”. Các ông trả lời: “Thưa không”. Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, anh em sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.

Đức Giêsu biết rõ, đêm tối của họ đầy thất vọng và nao núng. Người chia sẻ tình trạng khổ cực của họ. Người chủ động giúp đỡ họ… ngay lúc họ đang bối rối lo lắng. Còn tôi, tôi có thể nghe thấy gì, nếu tôi biết lắng nghe tiếng nói của Người vọng đến từ “bờ” bên kia?

Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó”. Vừa nghe nói “Chúa đó” ông Simon – Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.

Phêrô nhảy xuống biển. Ông bơi vội vã. Ta biết Phêrô là thế ông là một con người xung động. Nhưng, cũng như trong cảnh đến thăm mồ Chúa, tại Giêrusalem, Gioan vẫn là người phát hiện ra trước Phêrô. Ông sống “yêu thương”, nên ông đoán định theo trực giác. Nhận biết một người, chính là một công việc của tình yêu.

Do đó, đức tin luôn liên hệ với tình yêu. Đức Giêsu Phục sinh không biểu lộ mình ra với những kẻ thù nghịch, những đối phương. Người không có ý định khuất phục họ. Người không thích bá chủ, chiếm hữu và hiển thắng họ! Nếu bạn tìm kiếm Chúa với tình yêu, Người sẽ tỏ hiện ra với bạn, trong một cuộc gặp gỡ đầy tinh tế và chân thành. Bạn hãy kiếm tìm dung mạo Người, sự hiện diện của Người.

Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

Đây là một chi tiết rõ ràng, như chữ ký xác thực của một nhân chứng.

Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa.

Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”

Đây cũng là một chi tiết nữa, rất khác thường, và do đó đầy tính biểu tượng. Chính. Đức Giêsu đã chuẩn bị một “bữa ‘ăn” cho họ. Không phải bữa ăn họ chờ đợi, do nỗ lực sửa soạn của họ. Đó là một bữa ăn đã được dọn sẵn! Họ được kêu mời cứ việc tham dự, bằng cách tăng cường những hải sản mà họ vừa mới đánh bắt được, theo lệnh truyền của Đức Giêsu. Thực ra, chính Đức Giêsu đang nuôi dưỡng họ.

Ta biết tầm quan trọng của “bữa ăn” trong những lần hiện ra sau biến cố Phục sinh: vào chiều tối Thứ Năm Thánh Đức Giêsu cũng đã “phục vụ” các bạn hữu của Ngài như thế. Ngày nay cũng vậy, đối với các Kitô hữu, việc bẻ bánh và chia bánh luôn là một dấu chỉ đặc biệt sự hiện diện của Chúa Phục sinh. Vâng, Đức Giêsu đang ở trên một bến bờ khác và chờ đợi chúng ta, để chia sẻ cho ta sự sống mới trong một mối hiệp thông mà bữa ăn Thánh Thể là biểu tượng.

Ông Simon – Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con.

Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.

Sau trực giác yêu thương của Gioan, con người chiêm niệm… bây giờ đến thái độ dấn thân của Phêrô, con người hoạt động. Đó là hai vai trò cần thiết để xây dựng Giáo hội, được coi như “tấm lưới” không bị rách. Cũng như trong đoạn văn diễn tả “chiếc áo của Đức Giêsu không bị xé rách” (Ga 19,24). Ở đây ta gặp lại sự ám chỉ Giáo hội cần phải được giữ gìn khỏi mọi ly giáo và chia rẽ.

Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn”. Không ai trong các môn đệ dám hỏi: “ông là ai”, vì các ông biết rằng đó là Chúa.

Nhận xét đơn sơ trên đây giúp ta bước sâu vào “mầu nhiệm”. Cuộc Phục sinh đã khiến Đức Giêsu, người bạn thân và kẻ đồng hành với họ hôm qua Đức Giêsu Nadarét sống trong một trạng thái hoàn toàn khác… Rõ ràng đúng là Người, nhưng đồng thời không phải như người hôm qua. Người đã trở nên “O kiirios, Đức Chúa!”. Và trong trường hợp này, từ đó mang một ý nghĩa mạnh nhất. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng!

Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông, rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ sau khi chỗi dậy từ cõi chết.

Đây là bữa ăn thực sự… đồng thời, cũng là bữa ăn mầu nhiệm.

Chúng ta hãy nhớ lại diễn tả dài của Đức Giêsu về Bánh ban sự sống, chiếm gần hết chương sáu Tin Mừng theo thánh Gioan, sau khi Chúa dùng “năm chiếc bách lúa mạch và hai con cá nhỏ”, từ trong túi ăn của một cậu bé trên bờ hồ Tibêriát, để biến hoá ra nhiều…

Vâng, hiện nay Đức Giêsu đang ở “trên bến bờ khác”, trên một vùng đất khác, để trao ban cho ta “lương thực từ trời ” Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Ga 6,33). “Tôi là Bánh hằng sống… Thịt Tôi thật là của ăn… Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời….” (Ga 6,51-55-58).

Chúng ta cũng nên nhớ rằng, vào thời gian mà thánh Gioan viết trình thuật Tin Mừng trên đây, các Kitô hữu thường dùng hình ảnh con cá làm biểu tượng cho Đức Giêsu. Thực vậy, từ “con cá” (tiếng HyLạp là iktus) gồm năm chữ đầu các từ định nghĩa Đức Giêsu:

Lèsous Kristos Théou Unios Sôter

Giêsu Kitô Thiên Chúa Con Đấng cứu độ

Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”. Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy. Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”.

Trong cuộc đối thoại trên bãi biển, đã ba lần vang lên những lời hỏi thừa thế, Đức Giêsu biến đổi anh thuyền chài đó trở thành người mục tử. Người thông truyền cho Phêrô quyền điều khiển Giáo hội. Đừng quên rằng, vị Mục tử duy nhất là chính Đức Giêsu. “Tôi chính là Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên” (Ga 10,11). Giờ đây Đức Giêsu phải ra đi.. Người. không còn hiện diện “bằng xương, bằng thịt” nữa. Người trao cho Phêrô trách vụ phải tiếp tục sứ vụ của Người trên thế giới và trong lịch sử. Nhưng các chiên vẫn là chiên của Đức Giêsu: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”.

Lần thứ hai… rồi lần thứ ba, Đức Giêsu lại hỏi: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?”.

Ông Phêrô buồn, vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?”. Ông đáp: Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.

Bị hạch hỏi tới ba lần, Phêrô cảm thấy đau xót khi liên tưởng tới ba lần ông chối Thầy. Đó là thái độ cực kỳ tế nhị của Đức Giêsu. Người không hề nhắc lại với Phêrô về tội lỗi của ông! Người chỉ yêu cầu ông ba “lần biểu lộ tình yêu! “Anh có mến Thầy không?”: Câu hỏi đó, ngày nay đức Giêsu cũng đang đặt ra cho chính tôi. Trong thinh lặng, tôi lắng nghe câu hỏi trên: “‘Này anh X… anh có yêu Thầy không?”. Tôi hãy thay tên X bằng tên riêng của tôi.

Tôi sẽ trả lời ra sao? Tôi không thể dựa dẫm vào câu trả lời của kẻ khác. Chính tôi đang được để ý và hỏi han….

Như thế, người đã phạm tội nặng nhất, kẻ đã trói Đức Giêsu vào ngày Người bị kết án và chịu khổ hình (thật là một tội khủng khiếp!) hoàn toàn được phục hồi trong tương quan thân mật và yêu thương. Và Đức Giêsu lại uỷ thác cho con người tội lỗi đó, trách nhiệm trọng đại nhất trong toàn thể lịch sử nhân loại. Oi, tình yêu thật là quan trọng! Tình yêu phải trở nên khuôn thước cho hành động. Quyền bính trong Giáo hội, tác vụ trong Giáo hội, là một phục vụ, một tình yêu: cần phải phục vụ yêu thương anh em mình (Mc 9,35; Ga 13,4-16)… nhưng trong chính tác động đó, cũng là phục vụ yêu thương Đức Giêsu… Đó là một trong những nguồn gốc mầu nhiệm của đời độc thân tận hiến.

Thật Thầy bảo thật cho anh biết: “Lúc còn trẻ anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”.

Anh chị em, chúng ta hãy suy niệm dụ ngôn nhỏ bé cuối cùng của Đức Giêsu: Về tuổi trẻ như biểu tượng của tự do và hoạt động (“Anh đi đâu tuỳ ý”)… và tuổi già như biểu tượng của sự gò bó và thụ động (“một người khác sẽ thắt lưng cho anh”), nghĩa là sự từ bỏ triệt để của tuổi già đầy yếu đuối khiến ta không thể tự mình ăn mặc được nữa)… Thái độ thụ động, đành phải chấp nhận này, cũng là cách thế thuận theo của Đức Giêsu trên thập giá. ” Đó là hoạt động cuối cùng của con người khi chỉ còn biết phó mình trong bàn tay của một Đấng khác: đó chính là tác động yêu thương. Thái độ này không làm giảm thiểu hay làm mất thể diện Thiên Chúa, nhưng là tôn vinh Người. Đối với Đức Giêsu, cái chết là hoạt động cuối cùng.

(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

 CHÚA NHẬT III phục sinh – NĂM C

ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH VẪN HIỆN DIỆN- Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

*1. Tảng sáng, Đức Giêsu đã có mặt trên bờ biển hồ.

Các câu 30-31: “Còn nhiều phép lạ… ” kết thúc bài Tin Mừng Chúa nhật trước hiển nhiên là đoạn kết của Tin Mừng thánh Gioan. Bới vậy, nhiều nhà chuyên môn coi đoạn 21 như một phụ lục được thêm vào sau.

Alain Marchadour nhanh chóng quả quyết: “đoạn phụ lục này không phải chỉ là một “lời bạt “, nhưng là một nối tiếp có tính Giáo Hội học cho một Tin Mừng nặng tính Kitô học. Giữa Tin Mừng tập trung vào Đức Kitô coi như kết thúc sau đoạn 20 là phụ lục là đoạn 21 không có mâu thuẫn mà chỉ là sự chuyến hướng nhắm vào Giáo hội (I. Zumstein). Những trung gian cần thiết để Đấng Mạc Khải tiếp tục công trình đều được trưng diễn: bữa ăn tạ ơn trong đó sự hiện diện của Người được tiếp tục nhiệm vụ mục tử của Phêrô là các Đấng kế vị, nhiệm vụ của người môn đệ được Chúa yêu và Giáo Hội của Ngài ” (“Levangile de Jean “, Centurion, trg 253).

Một lần nữa, chúng ta lại thấy 3 giai đoạn của tiến trình Phục sinh:

– sáng kiến của Đấng Phục sinh

– nhận ra Đức Giêsu đang sống sau khi biết Người đã chết

– sứ mệnh Đấng Phục sinh trao cho Phêrô

*a/ Khung cảnh diễn ra trên bờ hồ Tibêriát, nơi họ gặp Đức Giêsu Nadarét. Simon Phêrô và 6 anh em khác: Tôma, Nathanael quê Cana xứ Galilêa, hai con ông Zêbêđê và hai môn đệ nữa đang dưới thuyền đánh cá. Nhưng không được gì hết. “Nhưng suốt đêm ấy họ không bắt được gì.? (so sánh với bản tướng thuật khởi đầu sứ vụ tại Galilê của Luca 5,1-11).

*b/ Tảng sáng, Đức Giêsu phục sinh hiện đến trên bờ hồ.

Các môn đệ không nhận ra Người. A. Marchadour chú giải rằng: “Họ không nhận ra Người. Sự Phục sinh đã tạo một biến đổi nào đó nơi Đức Giêsu. Vì sự biến đối đó nên các bản tường thuật cũng có những chi tiết khác biệt. Ở đây, cả sự hiện diện thể lý, cả giọng nói cũng không làm cho các môn đệ nhận ra, trừ người môn đệ được Chúa yêu.” (Sđd, trg 256).

Khi Đức Giêsu hỏi: “Các con bắt được con cá nào không? (Hãy nghĩ tới câu Chúa hỏi các môn đệ trên đường đi Emmaus: các bạn nói chuyện gì mà rầu rĩ thế?) họ thú thật: vất vả thâu đêm mà chẳng được gì, nhưng, vâng lời Người, “họ thả lưới “.

*c/ Sau đó, mẻ cá lạ lùng được trình bày như một biểu trưng cho sứ mệnh tông đồ của cộng đoàn. Các tông đồ tự sức mình, không thể thành công trong sứ mệnh, nhưng, dựa vào lời Đấng Phục sinh, họ bắt tay vào việc, và ngoài sự mong đợi, họ tập hợp được muôn người khắp nơi (bội thu: 153 con cá, gợi nhớ ở tiệc cưới Cana nơi Ga 2; bánh hoá nhiều Ga 6). Lại còn hình ảnh hợp nhất (chính sử đã muốn tượng trưng bằng chi tiết: lưới không bị rách, theo ngữ nghĩa Hy Lạp, không bị phân ly, không có chia rẽ).

*2. Chúa đó

– Gioan, người môn đệ Chúa yêu (như nơi Ga 20,2-10: “ông thấy và ông tin”), đã tỏ ra bén nhạy với dấu lạ. Và nhờ trực giác chiêm niệm này mà mắt các anh em khác mở rộng để thấy Đấng Phục sinh hiện diện trên bờ hồ: “Chúa đó “. Thánh Phêrô Chrysologue chú giải: ” Kẻ được yêu thấy trước vì con mắt tình yêu tinh hơn, và kẻ được yêu cảm nhận bén nhạy hơn.”

Lời của Gioan làm cho Phêrô tin tưởng, ông vội khoác áo vào và nhảy ùm xuống (Thi vị thật. Phêrô đang ở trần. Xin nhớ đến Luca 5,8: “Lạy Thầy, xin xa con ra, con chỉ là tên thuyền chài”)..

– Cái gì làm cho tâm trí Phêrô trì trệ vậy ông vẫn là người ban phát cho người khác mà bây giờ phải nhờ người khác mách bảo. Vẫn thánh Phêrô Chrysologue chú giải: “Đâu rồi lời tuyên xưng ” thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa ‘hằng sống “. Hay tại ông đã chối Thầy khi nghe một đứa nữ tỳ tra vấn? Khi bạn ông nói “Thầy đó”. Ông vội lấy áo vì đang ở trần, nhảy xuống biển, như muốn rửa sạch các vết tội như chối Thầy 3 lần. Ông, người đứng đầu các Tông Đồ, trở thành kẻ sám hối đầu tiên”.

Vào tới bờ các môn đệ thấy bánh và cá đã nướng sẵn đó. Trong bữa ăn mà Chúa đã chuẩn bị để đãi họ (“đến mà ăn “). Anh sáng thâm nhập tâm hồn: Không môn đệ nào còn hỏi Người Thầy là ai? Vì họ đều biết đó là Chúa?

Marchadour chú thích rằng: ” Trong những bích hoạ cổ, bánh và cá biểu tượng tiệc Thánh Thể. Như vậy, trình thuật này của thánh Gioan, muốn nhắc độc giả nhớ rằng: cử hành Thánh Thể là sự nối dài là hiện thực hoá điều mà các chứng nhân tiên khởi của biến cố Phục sinh tin nhận trong sứ vụ cũng như công việc đời thường, tín hữu cần nhớ: Chúa Giêsu vinh hiển đang chờ họ, đang chuẩn bị cho họ bữa ăn nuôi sống họ và làm cho họ có sức mà gặp được Người” (Sđd, trg 257).

*3. Hãy chăn các chiên của Ta.

Toàn bộ trình thuật của Gioan khẩn khoản mời chúng ta hướng về Phêrô. Ở bờ hồ, Phêrô được liệt kê trước hết trong danh sách các môn đệ. Ông là kẻ khởi xướng chuyến ra biển, các anh em khác theo ông và xuống thuyền của ông; chính ông nhào xuống nước lội vào gặp Đấng mà Gioan vừa chỉ ra là Chúa; và rồi, chính ông trở lại thuyền để kéo lưới vào tận bờ, đầy những cá lớn và trình mẻ cá cho Đức Giêsu thấy.

Và bây giờ, trong câu chuyện có tính quyết định, Phêrô đóng vai trò chính yếu nhất, khi Đấng phục sinh long trọng xác nhận sứ mệnh tông đồ đặc biệt của ông cũng như những điều kiện cần thiết để chu toàn sứ mệnh ấy.

Ba lần hỏi: “Con có yêu mến Thầy Không? Con có yêu mến Thầy hơn những người này không? ” những câu hỏi vừa gợi lại vừa sửa lỗi ba lần Phêrô đã chối Thầy (Ga 13,37 và 18, 17.25.27). Đức Giêsu đón nhận một tội nhân sám hối.

Ba lần trao nhiệm vụ. Kẻ mới chối Người, Người lại trao một nhiệm vụ đặc biệt trong Giáo Hội Người. Ba lần trao nhiệm vụ theo thói quen thời đó, Đức Giêsu đã chính thức uỷ thác cho Phêrô nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên. Nhiệm vụ này, Phêrô đã chu toàn khi “theo ” Thầy mình cho tới cái chết để làm chứng. (Ga 13,36): tham dự vào sứ mệnh của Đức Giêsu, chính là tham dự vào mầu nhiệm chết và sống lại của Người; và cũng chính là chấp nhận hiến dâng mạng sống cho những anh em đã được Chúa trao phó như Đức Giêsu.

BÀI ĐỌC THÊM:

*1. Đức Giêsu trên bờ biển Hồ (“Bible du Dimanche”” trg 582).

Đức Giêsu đã hứa với các Tông đồ: Người sẽ gặp các ông ở Galilê sau khi sống lại. Người đang ở bờ biển Hồ (biểu tượng của vĩnh cửu), trong khi các môn đệ đang vất vả trên.mặt biển, trong thử thách, hiểm nguy. Các Tông đồ không nhận ra Người ngay. Chỉ đức tin mới làm cho người ta nhận ra Người qua những dấu chỉ Người tỏ bày.

Đức Chúa vinh hiển, Đấng từ xa kêu gọi và chỉ tỏ mình trong đức tin, lại cũng chính là người mời phục vụ chuẩn bị bữa ăn và mới gọi chúng ta ngồi chia sẻ bữa ăn ấy. Đức Kitô sai các Tông đồ đi chài lưới người ta. Mẻ chài này, Người điều khiển. Người làm cho cá vào đầy lưới, biểu tượng Nước Trời (Mt.13,47). Người trao nhiệm vụ chủ chăn cho Phêrô. Uy quyền này được trao cho một con người rất bình thường (Simon con Giona), một con người mỏng giòn, đã chối bỏ Người và không thể yêu Người sâu xa hơn ngoài sự gắn bó thuần tình cảm.

Nhưng từ đây, Đức tin của Phêrô dựa trên Đức Giêsu chứ không dự’ trên sức mình: ” Thầy biết “. Phêrô không đòi chia sẻ mọi tâm tư của Thầy, ông chỉ còn việc duy nhất phải làm: theo Thầy.

Số phận của Phêrô cũng sẽ là số phận của các tín hữu: từ lòng tin nhiệt thành phác hoạ lối đi, ông tiến tới đức tin chín chắn, dám để cho Chúa dẫn dắt cuộc đời cho tới chết, tới tử đạo.

*2. Người của bờ biển Hồ (G. Bessière, trong dieu si proche, Nãm C”. DDB, trg 57-58).

Không ai nhận ra con người đứng trên bờ biển Hồ. Người môn đệ Đức Giêsu yêu đã kêu lên: ” Chúa đó! ” Vào sáng phục sinh, ông là người đã đến mồ trước tiên, “ông đã thấy và đã tin; và trong ánh sáng của tình yêu, ông còn là người đầu tiên nhận ra Đấng Phục sinh. Phêrô cũng là người có phản ứng rất đặc biệt: nhảy ùm xuống nước mà lội vào với Chúa.

Bản tướng thuật như quên những anh em khác để tập chú vào hai nhân vật này. Mỗi người một vẻ. Người thì được Đức Giêsu quá yêu thương. người thì là.thủ lãnh năng động của tập thể. Giáo Hội sơ khai cần nhận ra đặc điểm của hai khuôn mặt vĩ đại này. Đó là hai cực sống động của những cộng đồng quan trọng tiên khởi, hai trào lưu khác nhau của Kitô giáo thuở đầu. Cả hai vị đều tiếp nhận từ Đức Giêsu vai trò đặc biệt của mình.

Còn một biểu tượng rất giàu ý nghĩa: người ta chèo thuyền, người ta thả lưới, đêm dài vô tận, bình mình nhợt nhạt, mà thuyền cá nhẹ tênh. Phải nhìn ra đấng Phục sinh đang ở xa xa, phải biết đi tới tận cùng thế giới. Nghe người chỉ mà quay lại quăng lưới. Chỉ Người có thể dẫn ta vào những cuộc mạo hiểm khi nhắc cho ta những đòi hỏi và hạnh phúc của cuộc mạo hiểm đó, đời sống của Giáo Hội phải luôn được “hiệu chỉnh ” dưới ánh mắt của Đức Giêsu”

Lưới không rách. Cộng đồng Kitô giáo cũng vậy. Nhiều dị biệt. Nhưng là nơi người ta nghe nhau, hiệp thông với nhau dù rất khác biệt. Đức Giêsu luôn mời gọi. Người hiến tặng bánh và cá, như thời nuôi dân trong hoang địa, như bữa tiệc chiều ly biệt. Chúng ta thoáng nhận ra hình ảnh bữa tiệc ngày thế mạt mà Người muốn mời cả loài người. Chân trời này gợi nơi ta một mối quan tâm vô cùng sâu sắc.

Các Kitô hữu, thực hiện sứ mệnh mỗi người mỗi cách, nhưng phải trùng hợp với ý Đức Giêsu, nhận ra Người, nghe “được tiếng Người khi thi hành sứ mệnh Chính Người nuôi dưỡng và làm cộng đồng sống động: chúng ta nghĩ đến Bữa tiệc ly Thánh Thể. Và như tại Emmaus, chúng ta nhận ra Đấng Phục Sinh nhờ cử chỉ khi hiện diện, phục vụ và chia sẻ của Người.

home Mục lục Lưu trữ