Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 33

Tổng truy cập: 1378933

HÃY VUI LÊN

HÃY VUI LÊN– Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ

Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu biến hình trước mắt ba tông đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê. Cũng chính ba tông đồ này là những người sẽ chứng kiến Đức Giêsu biến hình ở vườn dầu: “Ngài kinh hoảng âu sầu”. Ở vườn dầu, Đức Giêsu sấp mình xuống đất cầu xin cùng Thiên Chúa Cha để nếu có thể cho Ngài khỏi phải uống chén đắng; còn ở đây, Đức Giêsu hiển dung vinh hiển và Thiên Chúa xác chuẩn Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng tuyển chọn Ngài. Ba tông đồ đã được chứng kiến Ngài hiển dung, để có thể chứng kiến Ngài buồn sầu xao xuyến: “linh hồn thầy buồn sầu đến chết được”. Đức Giêsu hiển dung, dấu chỉ cho thấy thân xác con người sẽ được biến đổi trở nên vinh hiển sáng láng, cho dù hiện tại người ta thấy thân xác mong manh mỏng dòn.

Thân xác con người sẽ được biến đổi. Đức Giêsu chết trần trụi trên thập giá và toàn thân Ngài bị biến dạng bởi những vết thương do người ta hành hạ, nhưng khi Ngài phục sinh thì thân xác Ngài trở nên tuyệt vời. Thân xác con người trước phục sinh và sau phục sinh tuy là một nhưng rất khác nhau. Đức Giêsu khi còn tại thế vẫn là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, Đức Giêsu Phục Sinh và Đức Giêsu trước đó vẫn là một tuy dù người ta thấy Ngài rất khác qua biến cố Phục Sinh. Theo niềm tin Kitô hữu, thân xác con người ở dương gian và lúc sống lại vào ngày cánh chung tuy là một nhưng vẫn khác. Theo thánh Phaolô, sống lại là thân xác thần thiêng, khác với thân xác dương thế biến đổi theo thời gian và cái chết (1Co.15, 44)

Con người thật lạ kỳ. Thân xác con người giới hạn và có những nhu cầu rất tự nhiên. Có người sống đời tại thế này chỉ biết lo thỏa mãn những nhu cầu của thân xác, mà quên đi một chiều kích siêu việt của con người. Khi chỉ thỏa mãn những nhu cầu vật chất, con người trở nên ích kỷ nhỏ nhen, không đạt được hạnh phúc thật ở trần gian này. Nếu người giầu chỉ biết lo tìm tiền bạc mà không chú trọng đến những nhu cầu tinh thần của mình và của những người thân của mình, thì họ không thể hạnh phúc thật. Con người có liên đới với người thân, với gia đình cha mẹ anh chị em họ hàng, và đặc biệt với con cái. Nếu không lo cho con cái triển nở, nếu không biết giáo dục con cái, con người sẽ không thể hạnh phúc được cho dù họ có tiền bạc dư giả, cho dù họ có địa vị chức quyền.

Phaolô đã có một thời bắt bớ những người tin vào Đức Giêsu Kitô, nhưng bây giờ ông đã miệt mài rao giảng Đức Giêsu Phục Sinh. Chính niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh đã làm Phaolô bình an hạnh phúc hơn. Phaolô đã tìm ra con đường hạnh phúc thật. Bây giờ, niềm vui niềm tự hào của ông là Thiên Chúa và những người thuộc về Ngài. Tuy rằng con người có thể thay đổi lòng dạ nhưng vì tin vào Thiên Chúa nên Phaolô vẫn an lòng. Trừ phi Thiên Chúa thất bại, còn không Phaolô luôn chiến thắng, vì Phaolô chọn những gì Thiên Chúa chọn. Cho dù ngay cả những lúc Phaolô cảm thấy rơi lệ khi thấy những con cái ngài đã thay lòng đổi dạ, đã chọn thực tại trần gian trên hết: “Chúa của họ là cái bụng”, thì Phaolô vẫn hy vọng họ sẽ trở lại với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng trung tín. Thiên Chúa vẫn kiên trì đến với con người, và sẽ làm con người trở lại với Ngài.

Qua những chọn lựa của mình trước những thực tại trần gian mà con người hình thành chính mình. Phaolô đã là một con người khác qua biến cố té ngựa trên đường đi Damas. Phaolô đã hình thành chính mình trong suốt đời ngài. Mỗi người trong chọn lựa sống của mình, làm mình trở thành người tuyệt vời hay chỉ giống con vật, trở nên con cái Thiên Chúa hay trở nên con cái ma quỷ. Qua hành vi yêu thương mà con người ra khác và trở thành tuyệt vời hơn. Con người không chỉ chờ đến ngày Phục Sinh mới được biến đổi, nhưng mỗi người cũng đã đang biến đổi ngang qua chọn lựa sống từng ngày.

Con người vui mừng, vì Thiên Chúa đã yêu thương và cứu độ con người qua Đức Giêsu. Thiên Chúa đã và đang làm tất cả qua Đức Giêsu Kitô. Ngày xưa Thiên Chúa ký kết giao ước với Abraham, ngày nay giao ước mới đã được ký kết với con người bằng máu Đức Giêsu Kitô. Máu Đức Giêsu là dấu chỉ Thiên Chúa yêu thương con người. Làm sao không vui khi biết Thiên Chúa yêu thương mình như yêu chính Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô (Ga.17, 23)?!

Thiên Chúa đã ký kết giao ước với Abraham. Thiên Chúa ký kết giao ước với con người vì con người chứ không phải vì Thiên Chúa. Thiên Chúa không cần giao ước vì Ngài luôn chân thật và thành tín. Thiên Chúa luôn trung thành, không bao giờ Ngài phản bội. Chỉ có con người mới bất trung và hay thay đổi, vì vậy mới cần giao ước. Thiên Chúa đã thề hứa với con người, để con người được biết tình yêu của Ngài đối với con người, để con người có thể sống an bình hạnh phúc vì mình được Chúa Tể hoàn vũ thương yêu.

Thiên Chúa đã đặt nơi Abraham ước vọng có con cháu nối dòng, và chính Thiên Chúa cũng là Đấng hứa ban cho ông con cháu đông như sao trên trời như cát bãi biển. Thiên Chúa cũng là Đấng giao ước với ông, để ông thuộc về Thiên Chúa, để Thiên Chúa lo cho ông. Thiên Chúa vẫn luôn ở với con người, giúp con người đi tìm chính Ngài, làm con người thuộc về Ngài trong suốt quá trình sống. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đang làm con người sống trong tình yêu và thuộc về tình yêu. Chính khi con người sống trong tình yêu và làm tất cả vì tình yêu, thì con người được hạnh phúc, vì lúc đó con người nên giống Thiên Chúa.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

-Một năm vừa qua, bạn có hài lòng với chính mình không? Bạn thấy mình khá hơn hay dở hơn? Bạn có biết tại sao không? Xin bạn chia sẻ, nếu được.

-Bạn có kinh nghiệm về một niềm vui thiêng liêng không? Xin chia sẻ nếu được.

-Hiện tại bạn có ao ước điều gì cách đặc biệt không? Điều bạn ao ước phản ánh chính con người bạn với những thao thức và giá trị sống, bạn có biết hơn gì về bạn qua ao ước này không? Bạn có sẵn sàng chia sẻ với các bạn khác về điều bạn ao ước không? Nếu được, xin mời bạn.

CHÚA  NHẬT II MÙA CHAY- NĂM C

ĐAU KHỔ VÀ VINH QUANG-  Cố Lm. Hồng Phúc

Phúc Âm thánh Luca thường được gọi là Phúc Âm cầu nguyện. Tin Mừng nói đến 15 lần việc Chúa đi cầu nguyện thì 11 lần do thánh Luca.

Hôm nay, Chúa đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện và việc Chúa biến hình xảy ra trong giờ cầu nguyện đó. Nhiều khi người ta cũng chứng kiến cảnh một số các thánh mặt rạng rỡ trong khi đăm chiêu đàm đạo với Chúa.

Chúa Giêsu đưa ba môn đệ lên núi Tabor, cao khoảng 600 thước và cho các ông được chứng kiến vinh quang của Ngài, như một ngày kia các ông sẽ là nhân chứng cuộc hấp hối của Ngài trong vườn Cây Dầu. Trong đời của Chúa, đau khổ và vinh quang gắn liền với nhau thì trong cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng vậy. Sự đọc kinh cầu nguyện sẽ giúp ta vượt thắng đau khổ lo âu, biến hóa đau khổ thành vinh quang.

Đang khi Chúa cầu nguyện thì “diện mạo Ngài đổi khác thường”, như có ánh sang từ châu than loan tỏa ra, “áo Ngài trắng tinh sáng láng”, và hai bên có Moisê và Êlia xuất hiện. Hai nhà tiên tri đại diện Cựu ước cũng đã từng được chứng kiến vinh quang của Thiên Chúa trên núi Horeb (I Vua 19, 13-21), và Sinai (X.H 20, 2-17).

Ba Đấng đàm đạo về việc gì?

Luca là người duy nhất cho biết: “Về sự chết của Chúa sẽ thực hiện tại Giêrusalem”.

Chúa Giêsu là Con Chiên sẽ gánh hết tội nhân loại. Ngài là vật tế sinh. Ngài biết rằng Ngài đến cũng vì mục đích ấy. Vinh quang núi Taborê không làm quên lãng khổ nạn đồi Calvê. Khuôn mặt sang chói hôm nay, một ngày kia sẽ “không còn hình tượng” (Isaia). Áo chói lọi hôm nay, một ngày kia sẽ bị lột trần phân chia.

Là một người như chúng ta, Chúa cũng có tình cảm, cũng cần được chia sẻ trong những phút ưu phiền cô đơn, Moisê và Êlia đã từng bị bắt bớ có thể mang lại phân nào chút thông cảm và an ủi, trước giờ quyết định quan trọng.

Nhưng, nhất là lời kinh của Chúa đến thẳng Đức Chúa Cha “Đấng hằng tôn vinh Chúa Con” (Gio 8, 54). Bấy giờ từ trong đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Ba lần, có tiếng bởi trời vọng xuống để long trọng tôn vinh Đức Chúa Con; đó là sau khi Ngài chịu phép Rửa, khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, hôm nay trên núi biến hình và ngày mai khi sắp bước vào tuần tử nạn. Cuộc biến hình là một suy tôn bằng hành động rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa.

Câu kết luận Chúa dành cho chúng ta hôm nay: HÃY NGHE LỜI NGƯỜI. Moisê và Êlia đã biến mất, đạo cũ đã lùi vào dĩ vãng. Mọi chủ thuyết triết học, mọi ý thức hệ vắng bóng một thời rồi cũng sẽ bị lãng quên. “Chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu”.

Văn hào André Froissard thuộc Hàn lâm viện Pháp đã được ơn “trở lại” lạ thường. Ông đã thuật lại trong cuốn sách thời danh “Có Thiên Chúa và tôi đã gặp Ngài”. Thân phụ ông, TTK đảng cộng sản Pháp, đã từng tuyên bố: “Nếu có Thiên Chúa thì tôi khuyên ‘ông ấy’ lo rút lui vì không ai thích ông”. Nhưng chính con ông lại được gặp gỡ Chúa và khẳng định: “Khi người ta được may mắn gặp Thiên Chúa thì mọi sự khác chỉ là trò hề. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng không làm cho tôi thất vọng kể từ một buổi sáng năm ấy, 1935” (Phỏng vấn của Paris Match 8-4-1988).

“Lạy Chúa Giêsu là Đức Chúa và là Cứu Chúa của con, trong tay Ngài con được an toàn. Nếu Ngài gìn giữ con, nào con sợ chi.

Nếu Ngài ruồng bỏ con, con không còn gì để hy vọng nữa. Con xin Chúa ban điều tốt nhất cho con.

Và con xin phó thác hoàn toàn cho Chúa” (HY Newman).

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY C- NĂM C

VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Sau khi được tiên báo về cuộc Thương khó Chúa Giêsu sắp phải trải qua, các môn đệ đã xuống tinh thần trầm trọng, thậm chí các ông còn ngần ngại đồng hành với Chúa lên Giêrusalem.

Tin mừng Nhất Lãm tường thuật lời loan báo về cuộc tử nạn. Chúa Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi lên Giêrusalem, dọc đường, Người nói với các ông: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy” (Mt, 17-19).

Theo tin mừng Luca và Maccô, các môn đệ không hiểu và sợ hãi khi nghe Thầy loan báo về cuộc thương khó. “Nhưng các ông không hiểu gì cả; đối với các ông, lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những điều Người nói” (Lc 18,34); “Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình” (Mc 10,32).

Vì không hiểu nên sợ. Sợ nên không muốn đi. Phêrô kéo riêng Chúa ra mà ngăn cản và trách móc. Chúa trách mắng Phêrô, nhưng để giúp Phêrô cần có sự can thiệp của Chúa Cha. Vì thế, biến cố Biến Hình đã xảy ra (Mt 17,1-9).

Chúa đưa ba môn đệ lên núi Tabor. Biến Hình rực rỡ nhằm củng cố tinh thần cho các môn đệ sau khi Chúa loan báo cuộc khổ nạn.

Núi Tabor

Tôi có dịp hành hương lên Núi Tabor. Từ khách sạn ở Nazareth, xe đi qua những thung lũng với nhiều vườn cây ôliu, vườn chuối, vườn cam xanh tươi ngút mắt. Tabor là ngọn núi rất đẹp, nó đưa mình lên êm ả từ một cánh đồng cỏ xanh. Xe buýt chỉ đến chân núi, sau đó phải đổi xe chuyên leo núi. Lên dốc cao, đường ngoằn ngoèo theo vòng xoáy trôn ốc như đường Đèo Ngoạn Mục. Trời thật lạnh khoảng 4độ, gió thổi rét buốt trên đỉnh có độ cao 600m làm ai nấy run lên vì lạnh.

Núi Tabor có một ngoại hình rất cân đối. Núi mọc lên giữa cánh đồng như một bàn thờ giữa trời đất, giống như lễ đàn của các bộ lạc để tế thần minh. Lúc Chúa Giêsu đem ba môn đệ yêu quý lên đây, không gian phải rất im vắng. Chỉ có gió vi vu và mây nắng với rừng cây thắm một màu xanh hùng vĩ.

Núi tiêu biểu cho quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa. Núi là nơi mặc khải những điều trọng đại như khi xưa Thiên Chúa hiển linh trên núi Sinai với Môsê, núi Khoreb với Êlia, núi Tabor với ba môn đệ. Từ đỉnh núi, nhìn về hướng nam là làng Naim, một thành cổ hiện tại người Ảrập sinh sống, nơi đây Chúa cho con trai bà goá sống lại. Nazareth, một thị trấn sầm uất về hướng tây và Biển hồ Galilê mênh mang phía đông. Tabor, ngọn núi thiêng tạo thành một tam giác đều. Cả ba nơi đều gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu: lớn lên, truyền đạo và hiển dung. Bên ngoài, phía trái Nhà thờ vẫn còn dấu vết tường đá tu viện các cha dòng Bênêđictô một thời Trung cổ huy hoàng.

Theo sử gia Josephus thì nhóm Nhiệt Thành (Zelot) đã chiến đấu với quân Roma tại đây vào năm 66tcn. Năm 1.634 các thầy Phanxicô mới dành lại được ngọn núi này từ tay quân Thổ. Nhưng mãi gần 300 năm sau mới xây được Nhà thờ. Ngôi nhà thờ đầu tiên do thánh nữ Hêlêna mẫu hậu của hoàng đế Costantin cho xây vào thế kỷ IV SCN, qua thời kỳ Bizantin và thời thánh chiến bị phá hủy. Ngôi nhà thờ hiện tại được xây dựng trên chính nền nhà thờ cũ đó. Nhà thờ Hiển Dung xây dựng từ năm 1925 do các cha dòng Phanxicô phụ trách. Mặt tiền nhà thờ lối kiến trúc nổi bật với hai ngọn tháp vuông cao vút. Bên trong hai ngọn tháp này là hai nguyện đường nhỏ kính tổ phụ Môisen và Êlia. Một bức tranh tuyệt đẹp theo nghệ thuật mosaic phía trên bàn thờ vòm cung thánh. Chúa biến hình trong hào quang rực sáng. Hai bên có Môisen trên núi Sinai và Êlia trên núi Carmel. Phía dưới là ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê.

Biến hình

Tường thuật biến cố biến hình, cả ba Phúc âm đều nhấn mạnh đến thái độ hoảng sợ của các môn đệ. “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông hoảng sợ” (Mc 9,6); “Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ” (Lc 9,34); “Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17,6). Và khi Phêrô “ngã sấp mặt xuống đất” thì Chúa đến chạm vào ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”.

Các môn đệ không thể hiểu được hành trình của Đấng Cứu Thế sao lắm gian nan; kẻ theo Ngài làm sao không ngại ngùng sợ hãi cho được! (x. Mt 17,13-14; Mc 8,34; Mt 8,18; Mc 13,9; Lc 9,26).

Nếu người ta làm an toàn những viên thuốc đắng bằng vỏ bọc kẹo ngọt; Chúa Giêsu hoá giải tin cuộc khổ nạn bằng cuộc Biến Hình rực rỡ. Bọc kẹo chứ không bọc thuốc ngũ. Hoá giải chứ không gây mê. Chúa cho các môn đệ thấy trước một thoáng Phục Sinh trước Phục Sinh. Chúa cho cảm nếm một chút Thiên đàng. Các ông đã tưởng là Thiên Đàng nên Phêrô xin làm ba lều để an nhàn trên núi cao, ngũ yên trong hào quang, quên đi các bạn và các cuộc truyền giáo dưới chân núi. Các ông không biết rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh Tabor trong chốt lát rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá bước vào cuộc thương khó. Hai đỉnh núi Tabor và Calvariô không xa nhau lắm về mặt địa lý, nhưng lại là con đường vạn lý. Chúa Giêsu đã nối kết hai đỉnh núi bằng con đường tình yêu cứu độ.

Biến cố Chúa biến hình trên núi Tabor là một trong những biến cố đặc biệt. Nó trở nên như một ngôi sao sáng cho các môn đệ trong đêm tối của những gian nan thử thách. Biến cố ấy vẫn luôn ghi đậm trong ký ức của các môn đệ. Nó là một điểm tựa, là một trợ lực cho đức tin của các ngài trong suốt tiến trình theo Chúa Giêsu.

Câu chuyện Chúa Biến Hình trên núi Tabor được đặt làm sườn cho cả văn kiện “Tông Huấn Vita Consecrata” (đời sống thánh hiến). Thánh Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.3.1996, đúc kết những thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng 10.1994. Tông Huấn trình bày vẻ đẹp của đời tu. Con đường tu đức được ví như một cuộc đi tìm cái đẹp (số 19), hướng tới sự chiêm ngưỡng nhan Chúa, chân phúc dành cho các tâm hồn trong trắng. Các Tu sĩ đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa; họ mê say chiêm ngưỡng Chúa, để rồi phản chiếu khuôn mặt rạng rỡ của Ngài (số 27); sau khi lên núi chiêm ngắm Chúa Biến Hình, các môn đệ được mời hãy đi xuống núi để phục vụ (số 75); họ còn phải trèo lên một núi khác đó là núi Calvariô (số 14;40). Nhiều năm huấn luyện trong nhà dòng, người thanh niên nam nữ nhiều khi phải “sinh” ra bốn năm lần mới biến hình nên một Tu sĩ: từ ứng sinh, thỉnh sinh, tiền tập sinh, tập sinh, khấn sinh, nhiều năm sau mới khấn trọn đời và vẫn tiếp tục hành trình biến đổi đời mình nhờ gặp gỡ Chúa Kitô.

Nghe Lời Người

Người sống đời tận hiến cũng như người tín hữu, muốn được “biến hình” trong đời sống cũng như muốn được trở nên “con yêu dấu” của Thiên Chúa cần phải “vâng nghe lời Người”. Không chỉ nghe bằng tai bằng mắt mà còn nghe bằng hết tâm hồn cũng như bằng cả cuộc đời quy chiếu sống theo Đức Kitô.

Cả ba Phúc âm đều tường trình tiếng nói từ trời cao. Lời Chúa Cha như giới thiệu, chuẩn nhận Chúa Con và là lệnh truyền cho chúng ta: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5); “ Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,6); “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Đó là lệnh truyền của Chúa Cha, là điệp khúc kết luận của tiếng nói từ trời cao. Điệp khúc quan trọng vì cả ba Phúc âm đều nói đến. Lời của Chúa Kitô chính là chuẩn mực, là lề luật tuyệt đối mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Lời của Chúa Kitô là Lời Giao Ước vĩnh cửu cho con người được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”, một phán quyết long trọng và công khai của Chúa Cha. Từ nay, vâng nghe Lời Chúa Kitô, chúng ta sẽ được biến hình với Chúa Kitô, cùng được hưởng vinh quang Phục sinh với Chúa Kitô.

Muốn vâng nghe lời ai đó, trước hết phải tin vào người đó. Tin một ai thì phải hiểu biết về người ấy, phải có mối liên hệ thân thiết với người ấy. Muốn tin Chúa, chúng ta phải hiểu biết và sống tương quan mật thiết với Ngài. Nhờ Lời Chúa, chúng ta được hiểu biết về Ngài và được lớn lên trong niềm tin. Nhờ cầu nguyện, chúng ta gặp gỡ, hiểu biết và kết hiệp với Chúa ngày càng thân mật hơn, đức tin sẽ vững vàng hơn. Có tin mới yêu và nghe lời người mình yêu. Chúa Cha muốn chúng ta phải vâng nghe Lời Chúa Giêsu và thực thi giáo huấn của Ngài.

“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Không chỉ nghe bằng tai, bằng mắt mà còn nghe bằng lòng trí và bằng cả cuộc sống luôn quy chiếu suy nghĩ hành động theo Chúa Giêsu. Để có thể vâng nghe lời Chúa Giêsu, chúng ta phải gặp Ngài khi dự thánh lễ, khi đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày.Nhờ đó cuộc đời chúng ta sẽ biến đổi, dung mạo sẽ đổi khác. Vâng nghe Lời Chúa, dung mạo chúng ta sẽ ngày càng thân thiện hơn, bình an vui tươi hạnh phúc hơn.

Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa; xin lấy lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin của chúng con, nhờ vậy cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen. (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật II Mùa Chay).

home Mục lục Lưu trữ