Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 46

Tổng truy cập: 1378984

HÃY YÊU NHƯ THẦY

HÃY YÊU NHƯ THẦY- Lm. Giuse Đinh Tất Quý

 “Để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16)

Anh chị em thân mến,

Chúng ta vừa nghe lại một trong những đoạn Tin Mừng có nhiều ý nghĩa nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Chúa nói những lời này trong phòng tiệc ly lúc Chúa sắp đi vào cuộc tử nạn. Chúng ta phải coi những lời này như những lời trối của Chúa.

“Anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em” Nhưng yêu như Chúa yêu là yêu như thế nào?

Trước hết Chúa bảo các tông đồ : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của một người dám hiến mạng mình vì bạn hữu mình”

Với những lời như thế rõ ràng Chúa đã muốn nói đến sự hy sinh trong Tình yêu. Không có hy sinh thì không có tình yêu đích thực. Tình yêu không có hy sinh là tình yêu giả và hy sinh không vì tình yêu là hy sinh thừa.

Nhưng làm thế nào mà biết, mà nhận ra được sự hy sinh trong tình yêu? Chúa Giêsu đã đưa một dấu chỉ rất dễ nhận ra. Đó là phải biết tự hiến, phải biết cho đi, phải biết ban tặng, phải biết trao ban v…v

Cho là dấu chỉ của Tình yêu

Cho nhiều là dấu chỉ yêu nhiều

Cho ít là dấu chỉ yêu ít

Cho tất cả là dấu chỉ của một tình yêu không bờ không bến.

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của một người dám hiến mạng mình vì bạn hữu mình”?

Vâng, đó là một trong những yếu tố làm nên tình yêu nơi Chúa Giêsu.

Chúa nói tiếp: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nhưng là bạn hữu”

Chúa muốn nói gì khi nói với các tông đồ như vậy?

Rõ ràng Ngài muốn nói đến sự kính trọng nhau trong Tình yêu.

Trong Tình yêu đòi hỏi phải có sự kính trọng lẫn nhau. Thiếu sự kính trọng, tình yêu sẽ khó mà tồn tại. Chúa đã hết lòng quí mến các tông đồ đệ của Ngài. Ngài kính trọng họ…mặc dầu họ chỉ là những con người tầm thường.

Trước khi rửa chân cho những con người này, Chúa nói “Các con gọi thầy là thầy, là Chúa thì thậm phải vì sự thật là thế.” và ngay sau đó Chúa lấy nước quì xuống rửa chân cho họ.

Công việc rửa chân cho người khác trong xã hội Do thái là công việc dành cho các nô lệ hay ít ra cũng là cho những người tôi tớ. Vậy mà Chúa đã làm công việc đó. Một Thiên Chúa rửa chân cho những con người. Như vậy không phải là Thiên Chúa kính trọng con người sao?

Vâng, trong tình yêu, không thể thiếu sự kính trọng, sự tôn trọng lẫn nhau. Nguyên tắc là như thế nhưng trong cuộc sống chúng ta thấy có những người đối xử với người yêu chẳng khác gì với một người đầy tớ, một người nô lệ. Cách đối xử như thế không phải là cách đối xứ của tình yêu mà là của tình dục, chỉ nhằm thỏa mãn dục tính của mình. Nhất định đó không phải là tình yêu như Chúa Giêsu. Thiếu sự tôn trọng lẫn nhau thì bất hòa, hận thù, đỗ vỡ, chia ly sẽ xuất hiện.

Chúa nói tiếp với các môn đệ của Ngài: “Những gì Thầy nhận bởi Cha Thầy thì thầy đã truyền lại cho anh em hết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em con và sai anh em đi”

Tại sao Chúa nói như thế? Thưa vì Chúa tin tưởng các tông đồ của Ngài.

Trong tình yêu phải có sự tin tưởng lẫn nhau.

Chúa tin tưởng các tông đồ của Ngài. Chúa thừa biết họ là con người mỏng giòn, yếu duối, dễ sa ngã, dễ phản bội. Thế nhưng vì yêu thương mà Chúa đã hết lòng tin tưởng.

Ai như Phaolô một con người thật nguy hiểm và ác độc. Ông đã tự động đứng ra xin các thủ lãnh của người Do thái cho ông được quyền đi lùng bắt và tiêu diệt Giáo Hội ngay từ lúc Giáo Hội mới chào đời. Một con người như thế quả đáng phải trừng phạt. Thế nhưng Chúa chỉ cảnh cáo ông bằng một cú ngã ngựa. Và ngay sau đó Ngài đã trao cho ông một sứ mạng thật lớn lao: Sứ mạng đem Tin Mừng của Chúa cho dân ngoại. Việc làm của Chúa thật khó hiểu. Thầy cả Anania đã phải run sợ nhưng Chúa bảo ông: “Đừng sợ đây là người ta đã chọn để làm vinh danh ta”. Chọn một kẻ thù của mình để làm vinh danh mình. Có ảo tưởng hay không? Không! Chúa không ảo tưởng. Bằng tình yêu thương tha thứ, bằng sự tin tưởng Ngài đặt vào trái tim, Chúa đã biến Phaolô thành một dụng cụ tuyệt vời trong tay của mình.

Trong tình yêu không thể thiếu lòng tin. Hầu như mọi sự đổ vỡ trong tình yêu đều ít nhiều bắt nguồn từ sự thiếu tôn trọng và không tin tưởng ở nhau.

Ngược lại nếu biết tin tưởng, tình yêu sẽ làm nên được những điều diệu kỳ. Đây là câu truyện do nhà văn Nguyễn Hiến Lê kể lại:

Hôm đó khi vừa mới ở trường về đứa bé hỏi mẹ nó: “Mẹ, thế nào là trật đường rầy hả mẹ?

Bà cụ phì cười trả lời:

+ Một chuyến xe lửa trật đường rầy mà con không biết sao?

– Hiểu chứ mẹ, nhưng một đứa nhỏ trật đường rầy nghĩa là làm sao hả mẹ?

+ Nghĩa là nó hơi khùng khùng chứ làm sao.

– Và thế nào là “không bình thường” hả mẹ?

+ Không bình thường?…Nghĩa là….Nhưng con nghe ai nói vậy?

– Chiều nay Ông Thanh tra tới thăm trường của con. Ông có vô thăm lớp con. Ông có hỏi thầy về tình hình học tập trong lớp. Thầy lấy tay chỉ vào con và nói với ông thanh tra là “nó là đứa bé trật đường rầy”-  nó là đứa bé bất bình thường, có dạy dỗ nó cũng chỉ tốn công vô ích”.

Tức quá bà cụ nhảy choi choi lên và la lớn lớn:

– A thầy giáo bảo con vậy hả? Đi đi ngay với mẹ. Mẹ sẽ cho ông thầy ấy biết tay con mụ này.

Nói xong bà nắm tay con lôi đi – đôi mắt long lên, đôi môi mím lại, hùng dũng đi đến nhà ông giáo. Tới nơi bà lấy tay chỉ  thẳng vào mặt ông giáo và nói dằn từng tiếng:

– Nè, thầy nói gì với ông thanh tra về thằng Al của tôi ?- Tôi biết hết. Thầy bảo nó là “trật đường rầy” là “bất bình thường” hả? Tôi nói thật cho cái mặt thầy biết: Có kẻ nào đó trật đường rầy thì kẻ đó chính là thầy chứ không phải là con của tôi. Tôi cầu cho thầy được thông mình bằng một nửa nó thì cũng là phúc lắm rồi.

Rồi bà nắm tay đập lên bàn nhà thầy giáo…vừa đập vừa hét lớn:

– Thấy nhớ kỹ nghe chưa? Một ngày kia người ta sẽ nhắc đến tên tuổi của nó – Còn cái mặt của thầy không ai thèm biết tới đâu.

Tội nghiệp cho ông giáo cứ nín thinh không dám hé môi nói một lời.

Nói xong bà bảo cậu con.

– Thôi từ nay con khỏi tới trường nữa. Ở nhà mẹ dạy cho con.

Rồi bà dắt con quay gót bước ra.

Rồi bằng một tình yêu với những hy sinh không biết mệt mỏi, bằng một lòng quí trọng không bờ không bến, và nhất là bằng một niềm tin rắn chắc và vững vàng như sắt đá bà thổi vào trong tâm hồn đứa con của bà sự tự trọng, ý chí muốn vươn lên và sự kiên trì không biết mệt mỏi. Cuối cùng bà đã biến một đứa bé bất bình thường, đứa bé trật đường rầy, đứa bé có lần ông thầy mắng là “dốt như bò” thành một nhà bác học đã đóng góp cho nhân loại một số bằng phát minh nhiều hơn bất cứ một nhà bác học nào ở trên thế giới này từ trước cho đến hôm nay: 2500 bằng phát minh. Vâng 2500 bằng phát minh…trong đó có bằng phát minh rất quan trọng về điện mà chúng ta đang được thừa hưởng hôm nay. Đó là nhà bác học Thomas Alva Edison.

Sau này khi ông thành đạt thì mẹ đã chết, ông hay nói với mọi người: “Tôi được như thế này là nhờ mẹ của tôi.”. Vâng chúng ta hãy biết yêu như Chúa đã yêu để tình yêu làm nên những điều kỳ diệu cho cuộc sống của chúng ta . Amen.

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH- Năm B

HÃY YÊU NHƯ THẦY-  Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Tình yêu là một đề tài nói không bao giờ cạn. Trải qua các thế hệ, không chỉ các nhà văn, nhà thơ, triết gia, nghệ sĩ… họ định nghĩa, tìm hiểu, ca tụng không hết lời, mà ngay cả chúng ta cũng đã từng sống yêu và có kinh nghiệm về tình yêu. Đặc biệt hơn là đạo Công Giáo, Chúa dạy chúng ta sống phải có tình yêu thương.

Ngày nay, khi nói đến tình yêu tưởng là chuyện xưa như trái đất. Vì cứ nhìn vào giới trẻ đâu cần ai dạy, thế mà chúng yêu nhau thật là mãnh liệt, để rồi phải đi giải quyết, mà hậu quả là những thai nhi giết chết vô tội trong dạ mẹ.

Hay là có những đôi bạn trẻ yêu cuồng sống vội quyết định lập gia đình, dẫn nhau đến cha xin cho con học khóa giáo lý cấp tốc, để rồi cũng tốc hành chia tay nhau. Nếu yêu như thế là tình yêu chiếm hữu, tình yêu thoả mãn thú vui xác thịt, chứ không phải là tình yêu đúng nghĩa, như Thầy Giêsu đã mời gọi trong trang Tin mừng hôm nay đó là ” Yêu như Thầy đã yêu” (Ga. 15, 12).

Yêu như Thầy là hạ mình

Chúa Giêsu là Đấng quyền năng tác thành mọi sự, nhưng vì yêu thương nhân loại, Ngài hạ mình xuống sống với chúng ta là loài thụ tạo thấp hèn.

Ngài là Thiên Chúa giàu có vô cùng, nhưng vì yêu thương mà Ngài hạ mình xuống sống nghèo khó, để nâng chúng ta lên bậc giàu có.

Ngài là Đấng thánh thiện, nhưng vì yêu nên đã hạ mình xuống sống với chúng ta là những kẻ tội lỗi. Khi ở giữa các môn đệ Ngài nói: “Thầy không gọi các con là tôi tớ nhưng là bạn hữu” (Ga. 15,15). Nhưng  còn hạ mình hơn là bạn hữu nữa, bằng chứng là trong đêm Tiệc ly,  đang dùng bữa với các môn đệ, Ngài rời bàn ăn, cởi áo choàng,lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu, rồi quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ.

Yêu như Thầy là hiến mình

Nếu chúng ta có dịp đến Chùa, sẽ nhìn thấy tượng Đức Phật Thích Ca ngồi nơi chánh điện trên một bệ Hoa Sen. Nhìn thấy dung nhan tượng Phật thật xem ra là thanh thản, từ bi, phúc hậu.

Nhưng khi chúng ta bước vào nhà thờ, ngước nhìn nơi cung thánh, chúng ta thấy tượng Chúa Giêsu đóng đinh trên cây thập giá bầm dập tả tơi mình đầy thương tích. Đó là biểu tượng tình yêu cao cả của Thiên Chúa đã hiến mình chết cho nhân loại, như lời Chúa nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn cho bằng kẻ hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga. 15,13).

Yêu như Thầy là huỷ mình

Nghe nói người Mỹ họ quí chó lắm, bằng chứng là có bệnh viện chữa bệnh cho chó. Có nghĩa trang để chôn chó. Có những nhà giàu dành gia tài cho chó. Nhưng giã như có ai yêu quí con chó đến độ làm bạn với nó, chơi với nó…. Thử hỏi người khác nhìn vào có cho người đó có bình thường không? Bởi vì người không chơi mà chơi với chó.

Điều mà con người không thể làm được thì Thiên Chúa đã làm vì yêu thương chúng ta. Chúa Giêsu là Thiên Chúa quyền năng hạ mình xuống sống với con người thì khiêm tốn lắm rồi.

Chúa Giêsu Đấng hằng sống vì yêu thương nhân loại hiến mình chết trên cây thánh giá như một tội nhân, nhưng vẫn còn là con người. Bây giờ Thiên Chúa ấy lại huỷ mình ra không, ngự trong tấm bánh, là vật vô tri vô giác, làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta, thì đây là mầu nhiệm tình yêu ngàn đời ai hiểu thấu.

Anh chị em thân mến,

Giáo hội trải qua hơn 2.000 năm qua, đã có những người noi gương Thầy Giêsu sống yêu thương, hi sinh cho người khác, kể cả mạng sống mình. Chẳng hạn như: Cha Đa-miêng tông đồ người hủi; cha Maximilianô Maria Kolbê, chết thay cho bạn tù; Mẹ Têrêsa Cancútta. Hay những người mẹ đã hi sinh tấm thân để cho con mình được sống. Và có những người con đã hy sinh cả tuổi xuân chăm sóc cha mẹ già bại liệt.

Theo ngân hàng thế giới cho biết hiện nay có trên 1 tỉ 300 triệu người đang đứng ở ngưởng cửa của sự nghèo đói, 840 triệu người đi ngủ đêm với bụng đói, và khoảng hơn 40 ngàn người chết đói, chết khát, chưa kể chết vì phá thai, bệnh tật, tai nạn, chiến tranh…

Thế giới văn minh với khoa học kỹ thuật vượt mức, những vẫn là một thế giới nghèo đói. Tại sao mà chết như vậy?.

 Thưa là vì mỗi năm những nước giàu đổ xuống biển hàng bao nhiêu tấn lương thực, do thừa mứa, do quá đát, cho cá cho tôm ăn, mà không viện trợ cho những nước nghèo.

Chết là vì hơn 80% của cải đang nằm trong tay những ông đại gia, nằm trong két sắt, trong tủ, trong túi áo của những nhà tỉ phú.

 Chết là vì con người ích kỷ, hưởng thụ… mà quên đi lẽ công bằng, đức bác ái, tình chia sẻ…

Có khi người ta không chết vì đói chén cơm manh áo, nhưng người ta chết vì cô đơn, đói tình người, đói sự quan tâm, chia sẻ, tình liên đới… hay nói đúng hơn người ta thiếu lòng bác ái với nhau.

Người ta bỏ ra hàng bao nhiêu tiền của để đầu tư vào những vũ khí tối tân, những thiết bị y tế, nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ con người, nhưng người ta lại sẵn sàng giết chết bao nhiêu thai vô tội còn nằm trong dạ mẹ.

Người ta bỏ bao nhiêu thời giờ, bao nhiêu tiền của đi du lịch nước này nước nọ được, nhưng người ta lại khó lòng bước sang nhà bên cạnh để thăm một bệnh nhân đang cần một lời kinh hay một lời thăm hỏi.

Là những người sống đạo yêu thương, chúng ta được mời gọi bước theo chân Thầy Giêsu, để học cho biết thế nào là những môn sinh của Thầy. Môn sinh của Thầy Giêsu không phải là những người rao giảng hay, hay có tài làm phép lạ, cũng không phải là những người có khả năng chữa bệnh, nhưng môn sinh của Thầy Giêsu là những người biết sống yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Amen.

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH- Năm B

NIỀM TÂM SỰ CỦA CHÚA GIÊSU-  Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc

Lệnh truyền của Chúa Giêsu là một lời tâm sự của người yêu nói với người yêu, đó là: “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”(Ga 15,9).

Lệnh truyền này không mang tính nghiêm khắc nhưng là trao ban, là chia sẻ hạnh phúc của tình yêu. Chúa Giêsu đã nâng các tông đồ lên ngang tầm với mình, Ngài nói: “Thầy không gọi các con là tôi tớ, Thầy gọi các con là bạn hữu”. Từ hàng tôi tớ trở nên bạn hữu là sự cách nhau một trời một vực. Người tôi tớ không được phép biết việc chủ làm; người tôi tớ chỉ biết hầu hạ. Ngược lại, bạn hữu là người chia sẻ, là người đồng hành. Nhưng từ tôi tớ lên bạn hữu, con người đâu có thể thực hiện được, nếu không phải là chính Thiên Chúa nâng con người lên. Vậy lý do nào để Chúa Giêsu kết luận điều này? Ngài giải thích: “Vì tất cả những gì Cha Ta nói với Ta, Ta cũng tỏ cho các con biết” (Ga 15, 15). Chúa Giêsu đã không dấu điều gì. Đó là tiếng nói của người yêu để trao cho các tông đồ và qua các tông đồ tiếng nói của Chúa Giêsu đến với toàn thể Hội Thánh, đến với toàn thế giới về một sứ điệp Tình yêu dành cho tất cả mọi người, rằng: “Thiên Chúa yêu thương con người và yêu đến tận cùng”.

Tại sao lại gọi là “Yêu đến tận cùng”? Vì lời mời gọi của Chúa Giêsu đã nêu rõ “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Ở lại trong tình yêu của Thầy có nghĩa là Chúa Giêsu gìn giữ, Chúa Giêsu thánh hóa. Chúng ta được ở lại trong tình yêu của Thầy, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta nên bạn hữu với Thầy. Trò lại được gọi là bạn hữu. Tất cả những điều này là đặc tính của tình yêu. Tình yêu đích thực không tính toán, luôn đi bước trước, quảng đại cho đi và chấp nhận tất cả. Chúa Giêsu đã không đòi một điều kiện nào, ngoại trừ một yếu tố duy nhất là “Các con hãy giữ lệnh truyền của Thầy”(Ga 15,10). Và lệnh truyền của Thầy rất ngắn gọn, đầy đủ mà không ra ngoài tình yêu. “Điều Thầy truyền là các con hãy yêu thương nhau”(Ga 15,17).

Đức Giêsu không chỉ dạy chúng ta ở lại trong tình yêu của Chúa mà còn trao cho chúng ta một mẫu gương để chúng ta “hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”(Ga 15,12). Với một tiêu chuẩn và cách thức trên, Đức Giêsu đã tự hạ mình xuống để trao ban cho con người những gì là cao cả nhất của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là tình yêu. Thế nên, trao ban cho con người là Thiên Chúa đã nâng con người lên bằng với Ngài. Chúng ta không hiểu theo nghĩa tuyệt đối việc Chúa Giêsu đã dùng ngôn ngữ của loài người để diễn tả. Gọi là bạn hữu, có nghĩa là nâng lên ngang hàng, để đồng hưởng một tình yêu như Đức Giêsu là đầu nói với thân mình, hay như Đức Giêsu là chồng nói với Hội Thánh là hiền thê. Vậy còn gì nữa mà Ngài không cho chúng ta giá trị của một tình yêu đích thực? Còn gì nữa để chúng ta dám đòi hỏi? Cho nên, Đức Giêsu đưa ra lệnh truyền hôm nay không phải là một mệnh lệnh nghiêm khắc nhưng chúng ta khẳng định lại một lần nữa, đó là một niềm tâm sự.

Một niềm tâm sự của một người đã cho người mình yêu đến tận cùng. Đây cũng là tiêu chuẩn để trắc nghiệm: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hiến mạng vì người mình yêu”(Ga 15,13). Đức Giêsu đã cho đến tận cùng. Cho Máu, cho Nước từ Trái Tim Ngài chảy ra; cho quyền năng của Thiên Chúa hạ cố đến viếng thăm con người. Cho tình yêu đích thực của Thiên Chúa đến với một tình yêu bất trung, bội phản và hay thay đổi của con người. Cho hạnh phúc vĩnh cửu đi vào trong thế giới của con người. Một hạnh phúc của con người nay còn, mai mất nay lại được đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu đời đời. Chẳng lẽ, chúng ta không thấy tất cả những điều ấy là một huyền nhiệm sao? Chúng ta không thấy đó là một đặc tính đích thật của tình yêu, trao ban, hiến thân hay sao? Vì vậy, chúng ta không còn gì để nói, không còn gì để đòi hỏi mà chỉ còn lãnh nhận với lòng biết ơn. Và lòng biết ơn đó là gì? Là hãy sinh hoa trái cho Thiên Chúa. Hoa trái ấy không phải là tự chúng ta làm được nhưng là hoa trái mà Chúa sẽ ban cho, chúng ta đừng để hư mất. Ngoài ra, Chúa Giêsu còn tiên liệu trước cho chúng ta trong những gì vượt quá khả năng của con người, Ngài căn dặn: “Những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con”(Ga 15, 16). Vì vậy, hãy lấy danh Đức Giêsu Kitô để xin và Thiên Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta.

Điều mà Chúa Giêsu tâm sự: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các con” và “ở lại trong tình yêu của Thầy”, chính là để bảo vệ và nâng đỡ. Thế nên chúng ta được ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa là Cha. Với tất cả điều này, người Ki tô hữu hôm nay không còn gì phải phàn nàn, không còn gì phải lo âu hay sợ hãi. Họ được từng bước mời gọi, họ được từng bước trao ban. Chúng ta hãy cố gắng mỗi ngày, không phụ tình yêu thương của Chúa:

– Hãy biến những trìu tượng thành thực tế;

– Hãy hiện thực hóa khái niệm về một tình yêu cao vời và siêu nhiên;

– Hãy thực hành trong chính những người thân yêu của gia đình, những người bé mọn trong xã hội để chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa đã được thể hiện trong đời sống của mỗi người chúng ta;

– Hãy đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng việc chúng ta đối xử với nhau theo gương của Đức Giêsu Kitô đã yêu và đã ban trao.

Một lần nữa, Chúa lại cho chúng ta một đơn vị, một mô hình thực tế nhất và dễ dàng nhất để chúng ta thực hiện mỗi ngày, đó là YÊU THƯƠNG NHAU. Với tiêu chí đó, chúng ta sẽ không thiếu bất kỳ một cơ hội nào, chúng ta không thiếu một giây phút nào, vì lúc nào chúng ta cũng có thể yêu thương nhau. Và đó cũng sẽ là những nét đặc trưng để chúng ta đáp lại tình yêu cao vời và nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Chúng con chỉ còn biết im lặng, để tôn thờ và yêu mến Chúa. Vì Chúa đã dùng tất cả quyền năng và thượng trí, để trao cho chúng con một tình yêu lớn lao.

Xin cho chúng con biết thực hành trong đời sống mỗi ngày, với Chúa và với nhau, để chúng con không phụ tình yêu thương muôn đời của Chúa, để cho mỗi người chúng con được ở lại trong tình yêu Chúa đến muôn đời.

Xin cho mỗi người chúng con khi được lời Chúa hứa, là được bảo đảm cho sự sống đời đời. Và trong tình yêu ấy, chúng con cũng sẽ hy vọng được gặp lại nhau như Chúa đã yêu chúng con và chúng con được ở lại trong tình yêu Chúa muôn đời. Amen.

home Mục lục Lưu trữ