Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 59

Tổng truy cập: 1377500

HIỆN DIỆN VÀ VẮNG MẶT

HIỆN DIỆN VÀ VẮNG MẶT

Vào ngày Lễ Thăng Thiên, Đức Giêsu đã rút lại sự hiện diện thể lý của Người đối với các môn đệ. Nhưng sự vắng mặt thể lý ấy không có nghĩa là chấm dứt sự hiện diện. Sự thăng thiên của Đức Giêsu là sự giải phóng của Người khỏi mọi giới hạn của thời gian và không gian. Nó không thể hiện vận động của Người trên mặt đất, nhưng sự hiện diện thường xuyên của Người ở mọi nơi trên trái đất.

Sự hiện diện thể chất không phải là tất cả. Thật vậy, một đôi khi, sự hiện diện có thể đạt được bằng con đường hiệp thông mật thiết. Trong đời sống chúng ta gặp nhiều nỗi thất vọng bởi sự kiện, sự gặp gỡ và tiếp xúc không phải lúc nào cũng tạo ra sự thân mật, gần gũi mà chúng ta tìm kiếm. Hai người có gần gũi nhau về mặt thể chất thế nhưng cuộc sống vẫn xa cách, cô đơn. Bởi lẽ không có sự gặp gỡ trong trí óc và tâm hồn. Họ giống như những vỏ sò trên bãi biển.

Mặt khác, người ta có thể rất gần nhau dù xa cách nhau hàng ngàn dặm. Đối với những người cùng nhau lớn lên, trưởng thành phải có những thời kỳ vắng mặt và hiện diện. Khi vắng mặt, chúng ta nhìn nhau bằng một phương thế mới mẻ. Chúng ta bớt bực bội nhau vì những cung cách bên ngoài, và có thể thừa nhận giá trị thật của nhau tốt hơn.

Nếu chúng ta có thể hiện diện trọn vẹn với bạn hữu khi chúng ta ở với họ thì sự vắng mặt của chúng ta cũng sẽ mang lại kết quả. Khi hồi tưởng sự hiện diện nồng nàn ấy hơi ấm của nó sẽ tiếp tục nuôi dưỡng người kia. Vì thế, không chỉ sự hiện diện của chúng ta mà cả sự vắng mặt của chúng ta cũng đem lại nhiều ơn ích.

Khi chúng ta nghĩ đến nhau trong sự yêu thương, một dây liên kết tinh thần hình thành ở giữa chúng ta và chúng ta bước vào một sự thân mật mới. Đối với những người yêu thương nhau, không có chỗ dành cho sự “xa cách”.

Đức Giêsu lên trời không phải là một cuộc hành trình ra ngoài không gian, nhưng là một cuộc hành trình về nhà, chúng ta không nên nghĩ rằng trước đó Người sống trên mặt đất, còn giờ đây Người lại trở lại nơi thật sự thuộc về Người. Nếu như thế thì Kitô giáo không hơn một tôn giáo của sự hoài niệm, hồi tưởng. Đức Giêsu đã về với Chúa Cha. Trong suốt sứ vụ ở trần gian, Người chỉ có thể ở một nơi và trong một thời gian. Nhưng giờ đây, Người đã hiệp nhất với Thiên Chúa, Người hiện diện bất cứ nơi nào Thiên Chúa hiện diện, có nghĩa là ở khắp mọi nơi.

Các Kitô hữu tiên khởi đã hiểu điều ấy rất rõ. Họ biết rằng Đức Giêsu vẫn ở với họ, cho dù không cùng một cách thức như trước đây. Họ tin rằng Người vẫn chia sẻ đời sống với họ, và cái chết có nghĩa là được hiệp nhất với Người trong vinh quang mãi mãi.

Tuy nhiên khi nhìn lại, chúng ta cũng thèm muốn được như những người có may mắn nhìn thấy Chúa Phục Sinh bằng chính mắt mình. Nhưng Tin Mừng cho biết những người ở trong tình huống đáng ao ước ấy đã không thật sự nhận ra Đức Giêsu cho tới lúc Người dẫn giải Kinh Thánh và bẻ bánh.

Là những Kitô hữu hôm nay, chúng ta cũng có những phương tiện như thế để nhận ra Chúa: Kinh Thánh và việc bẻ bánh. Về vấn đề gặp gỡ Đức Giêsu bằng đức tin, thế hệ đã qua không có nhiều đặc quyền hơn thế hệ hiện tại.

Đức Giêsu đã tín nhiệm các Tông đồ (và giờ đây tín nhiệm chúng ta) để Tin Mừng bảo đảm được rao giảng và được sống. Người cần chúng ta làm chứng cho sự hiện diện của Người trong thế gian.

Suy Niệm 2. NHÂN CHỨNG CHO ĐỨC KITÔ

Trước khi rời xa các tông đồ, Đức Giêsu đã uỷ thác cho họ việc rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới. Để giúp họ thi hành sứ vụ ấy. Người hứa sẽ gởi Chúa Thánh Thần đến cùng họ. Trong ngày Lễ Hiện Xuống, Người đã hoàn thành lời hứa ấy.

Nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho thế giới hiện nay tuỳ thuộc vào chúng ta. Chúng ta là những nhân chứng của Đức Kitô. Đó là một đặc ân to lớn nhưng là một nhiệm vụ luôn làm người ta chán nản. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể cậy đến sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần. Nhưng chúng ta phải làm chứng như thế nào?

Có sự làm chứng bằng lời nói. Chúng ta làm chứng bằng việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Điều này có thể bao gồm việc giải thích đức tin và bảo vệ đức tin.

Có sự làm chứng bằng việc làm. Một cây táo không bao giờ cho trái táo sẽ là một chứng tá nghèo nàn đối với vườn cây ăn trái. Dù chỉ trái táo ngon cũng nói lên được một điều gì đó. “Chớ vao giờ khuyên bảo một điều gì mà bạn không thể làm gương về điều đó” (Thoreau).

Rồi có sự làm chứng bằng đời sống của mình. Cây cối làm chứng cho sự sống bằng chính sự hiện hữu của nó. Cao, thẳng, bất độn, chúng là những chứng tá im lặng nhưng hùng hồn của đời sống. Bông hoa làm chứng về cái đẹp đơn giản bởi vẻ đẹp phong phú của chúng. Và những Kitô hữu làm chứng bằng đời sống của họ. Bài giảng thuyết hùng hồn nhất là bài giảng thuyết thinh lặng bằng gương sáng. Ngày nay, người ta không còn muốn nghe những bài giảng về đức tin. Họ muốn nhìn thấy Tin Mừng trong hành động.

Sự làm chứng bằng đời sống của một Kitô hữu còn mạnh mẽ hơn bất cứ lý luận nào. Có những người mà đời sống của họ toả sáng chứng cứ về quyền năng biến đổi của đức tin. Trong đời sống của họ, đức tin là một ngọn lửa sáng, giữa đời sống của những người khác, đức tin là một ánh sáng lờ mờ hoặc một tia lửa bất chợt. Dù có mọi giới hạn và khuyết điểm của con người, nếu một người sống đơn sơ, lấy Đức Kitô làm mẫu mực thì người ấy là dấu chỉ về Thiên Chúa và về những thực tại siêu việt.

Chứng tá của Tin Mừng mà thế giới cho rằng có thể kêu gọi người ta nhiều nhất là sự quan tâm đến con người, là việc làm bác ái hướng về người nghèo, người yếu đuối và người chịu đau khổ. Sự quảng đại được nhấn mạnh trong thái độ và các hành động đó nổi lên sự tương phản với tình vị kỷ của con người. Nó đưa ra những vấn đề chính xác dẫn đưa người ta đến với Thiên Chúa và đến với Tin Mừng. Một cam kết với hoà bình, công lý, nhân quyền là một sự làm chứng cho Tin Mừng.

Có một cấp độ thứ tư của việc làm chứng, đó là làm chứng với cái chết của mình. Nhưng điều này không đòi hỏi mọi người hoặc ban cho mọi người. Đây không phải là con đường êm ái và dễ dàng, nhưng là một con đường đòi hỏi một tính kiên trì, sức mạnh và lòng can đảm đặc biệt.

Thế giới ngày nay có một sự khao khát mãnh liệt Đức Kitô của Tin Mừng. Đức Giêsu nói với các Tông đồ: “Anh em hãy ở lại thành đô, cho đến lúc mặc lấy quyền năng từ trên cao”. Quyền năng nói ở đây là quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần có chính quyền năng này, nếu chúng ta làm chứng cho Đức Giêsu. Và ai làm chứng sẽ chia sẻ vinh quang của Người.

CÂU CHUYỆN KHÁC.

Ngày xưa, có một người cha có mười hai người con. Dù ông đều yêu thương các con, ông vẫn có một tình thương dịu dàng với đứa con áp út tên Giuse. Những người con khác ganh tỵ với Giuse và quyết định giết anh. Tuy nhiên, vào giây phút cuối cùng, họ đổi ý. Thay vì giết em, họ bán em cho những thương gia đi ngang qua đó, họ nói với cha họ rằng người em đã bị thú giết chết.

Giuse bị xích lại và đưa sang Ai Cập, ở đó ông được bán như một người nô lệ. Ông có một đời sống cùng cực, hèn kém. Dsư5 việc còn tệ hơn, khi ông bị vu khống và bị giam vào ngục tối. Dù xung quanh là những tội phạm cứng lòng, ông vẫn tiếp tục tín nhiệm vào Thiên Chúa và sống một đời sống tốt. Ông cũng làm bạn với các tội phạm. Cuối cùng ông làm rạng danh ông và được tha.

Lúc đó, như thấy trước nạn đói khủng khiếp sẽ đến, ông đã cảnh báo nhà vua phải truyền lệnh cho dân tiết kiệm ngũ cốc. Nhà vua không chỉ theo lời khuyên của ông mà còn đặt ông làm quản lý công việc. Giuse đã hoàn thành công việc một cách xuất sắc.

Nạn đói đã xảy ra như dự kiến và dân chúng có thể lấy lúa gạo tích trữ ra dùng. Nhưng trong các nước láng giềng, tình trạng trở nên tồi tệ. Dân chúng các nước kéo nhau về Ai Cập để tìm mua ngũ cốc. Và nhà vua nói với họ: “Hãy đến gặp Giuse”.

Một ngày kia, anh em của Giuse đã đến Ai Cập để mua ngũ cốc. Khi họ nhận ra ông họ run sợ. Nhưng thay vì trả thù, Giuse đã tiếp đãi tử tế, và cho họ đầy đủ ngũ cốc mà họ cần. Ông nói với họ hãy trở về nhà và đưa cha họ đi theo họ trở lại Ai Cập cho ông gặp.

Người cha già rất đỗi vui mừng khi nghe nói rằng đứa con trai thân yêu của ông vẫn còn sống. Các anh của Giuse đã phạm phải một hành động ác độc chống lại ông. Nhưng qua đó, điều tốt lành đã đến với ông. Ông có thể cứu các anh mình khỏi nạn đói và làm cho cho cả nhà được đoàn tụ.

Câu chuyện của Giuse là một trong những câu chuyện cao cả nhất của Kinh Thánh. Ông Giuse là hình ảnh của Đức Giêsu, Chúa Con yêu dấu của Chúa Cha, đã bị anh em Người bán đi, bị giết chết, nhưng giờ đây đã được Chúa Cha cho sống lại và đặt Người ở bên hữu Chúa Cha trong vinh quang. Từ vị trí cao trọng ấy, Người cứu chuộc chúng ta, anh chị em của Người khỏi tội lỗi và cái chết đời đời. Và Người tìm kiếm để quy tụ mọi thành phần còn tản lạc của gia đình Thiên Chúa.

Ngày hôm nay chúng ta cử hành sự thăng thiên của Đức Giêsu. Người lên trờ ngự bên hữu Chúa Cha. Đây là một ngày vui vẻ. Nhưng Người đã cho chúng ta một nhiệm vụ phải hoàn thành. Không phải là phân phát ngũ cốc, nhưng là rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới.

 

37. Chuyển giao sứ mạng

Trong điền kinh có môn chạy tiếp sức. Người thứ nhất cầm gậy chạy một đoạn quy định, chạy đến người đồng đội của mình trao cây gậy đó cho đồng đội của mình để chạy tiếp và cứ như thế cho đến hết số người quy định.

Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thăng Thiên. Chúa Thăng Thiên là làm sao? Có phải Chúa bay về vùng trời cao xa, Chúa bay về thiên quốc... Không phải như thế đâu. Chúa Thăng Thiên tức là Chúa chấm dứt sự hiện diện hữu hình tại thế của Người. Chúa Thăng Thiên nhưng Chúa không bỏ mặc các môn đệ mồ côi nhưng Ngài hứa "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế". Đoạn Tin Mừng theo thánh Luca mà chúng ta được đọc hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra và minh chứng chính Ngài là chứng mà Kinh Thánh đã tiên báo và kêu gọi các môn đệ hãy làm chứng về những điều đó. Muốn làm chứng điều đòi hỏi đầu tiên là người đó phải là người chứng kiến, phải cảm nhận tức là họ phải tin chắc chắn đó là thật thì mới dám làm chứng. Nhưng ở đây làm chứng cho Chúa Phục Sinh còn đòi hỏi một yếu tố quan trọng hơn đó chính là sức mạnh, quyền năng từ trời cao ban xuống.

Sau khi Chúa Giêsu sống lại nhiều lần Chúa đã hiện ra với các môn đệ để minh chứng rằng chính Ngài là Đấng đã chịu đau khổ, đã chịu chết, và nay đã sống lại. Các môn đệ đã tận mắt chứng kiến và hôm nay các ông được mời gọi làm chứng cho điều đó. Chúa Giêsu đã làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và hôm nay trọng trách đó, "cây gậy tình yêu" đó được chuyển giao lại cho các môn đệ để các ông làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa cho con người được thể hiện qua tình yêu tự hiến, qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.

Chúa Thăng Thiên, Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mạng của Ngài và Ngài chuyển giao sứ mạng đó cho mỗi người chúng ta. Đối với chúng ta niềm vui Chúa Phục Sinh của Chúa Giêsu có là một niềm vui trọng đại nào không? Sự phục sinh của Chúa Giêsu có mang lại cho chúng ta chút ý nghĩa nào không? Sự phục sinh của Chúa Giêsu là một niềm vui lớn lao cho cả nhân loại, không riêng gì chúng ta. Chúa phục sinh tức Chúa đã chiến thắng cái chết với thân xác phải chết của chúng ta qua sự vâng phục trọn vẹn thánh ý Chúa Cha. Qua cái chết của Chúa Giêsu còn thể hiện một tình yêu bao la mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, ngay Con Một mà Chúa cũng chẳng từ mà ban cho chúng ta thì thử hỏi Chúa còn tiếc gì đối với chúng ta nữa, thánh Phaolô đã nói "Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là những tội nhân", chúng ta không đáng yêu chút nào nhưng tình yêu của Thiên Chúa bao trùm lấy chúng ta. Qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Chúa đã biểu lộ tình yêu của Chúa cho chúng ta bây giờ chỉ còn việc ta sẽ đáp lại tình yêu đó như thế nào, và sẽ loan báo tin vui đó ra sao. Nếu chúng ta tin rằng Chúa đã chết và sống lại vì chúng ta thì sao chúng ta chưa biết tạ ơn Chúa, chúng ta chưa cảm tạ Chúa trong từng ngày sống của chúng ta, chúng ta chưa phó thác mọi sự cho Chúa. Phó thác không phải là buông xuôi nhưng là thực hiện hết khả năng của mình trong sự tin tưởng vào Thiên Chúa. Chúa Giêsu chiến thắng khi Ngài hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, vậy chúng ta hãy vâng nghe lời Chúa để cũng được chiến thắng như Chúa Giêsu. Nghe tiếng Chúa qua việc siêng năng cầu nguyện, qua việc học hỏi thánh Kinh, qua việc tham dự Thánh Lễ, lãnh nhận các bí tích nhất là Bí Tích Thánh Thể... nghe tiếng Chúa để thi hành ý Chúa.

Chúa Thăng Thiên nhưng các môn đệ không buồn sầu thảm não như hôm Thầy bị bắt nhưng lòng các ông đầy hân hoan vì các ông biết rằng từ nay không được thấy Thầy mình hiện diện khả giác nữa nhưng các ông cảm nhận được sự hiện diện ấy bằng niềm tin. Trong niềm tin các ông cùng nhau hiệp nhất, cầu nguyện, chính trong niềm tin Chúa Phục sinh mà các ông gắn bó hơn với Chúa và gắn bó hơn với nhau. Mọi người Kitô hữu chúng ta cũng hãy biết gắn bó với nhau, hiệp nhất nhau trong lời cầu nguyện, hiệp nhất nhau trong Thánh Lễ, và chắc chắn khi đó sẽ cảm nhận được sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô.

Hôm nay Chúa Thăng Thiên mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Giáo hội, kỷ nguyên của chính chúng ta. Chúng ta hãy làm chứng cho tình yêu thương của Thiên Chúa đã cho chúng ta tất cả kể cả Con yêu Dấu của Ngài bằng một đời sống vui tươi, cảm tạ, một mối tương quan bác ái, huynh đệ đối với mọi người chung quanh để làm sao thể hiện một con người được cứu độ, được Thiên Chúa yêu thương và loan báo tình yêu thương đó cho mọi người.

Người ta nói khi yêu không thể giấu được: một anh chàng hay một cô nàng đột nhiên ca hát, hớn hở, rất linh hoạt, rất cởi mở, vui tươi, yêu đời... thì người ta có thể đoán anh chàng hay cô nàng đó đang yêu.

Ước gì mỗi người Kitô hữu chúng ta sẽ tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu trao phó là loan báo tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta bằng một đời sống như thế.

 

38. Suy niệm của R. Gutzwiller

Ý nghĩa Phục sinh

‘Đức Kitô phải chịu khổ nạn và ngày thứ ba sống lại từ cõi chết, rồi phải nhân danh Ngài rao giảng cho mọi dân tộc việc hối cải để được tha thứ tội lỗi –khởi từ Giêrusalem’. Đấng chịu đóng đinh và Phục sinh sẽ là Đấng mà lề luật, các tiên tri và thánh vịnh đã hứa. Biến cố daỳ vò các tông đồ không phải là cái gì khác hơn là sự thực hiện chương trình vĩ đại về việc cứu độ của Thiên Chúa. Được phác hoạ trong Cựu ước và hoàn thành trong Tân ước. Đường dây nối mọi sách thánh lại là Đấng Messia đến, hành động, hy sinh. Và kết quả riêng tức ý nghĩa sâu xa nhất là sự thứ tha tội lỗi cho mọi dân moị nước. Phổ quát tính của ơn cứu độ, ý nghĩa bao quát của hy sinh thập giá được diễn tả qua những lời đó. Hy sinh thập giá là hy tế đem lại ơn cứu chuộc. Và Đấng Thiên Sai khi hoàn tất hy tế ấy đã trở nên ơn cứu độ cho Israel cũng như cho cả nhân loại.

Loan báo Phục sinh

‘Các anh em là những chứng nhân về điều đó’. Sứ điệp Kitô giáo không phải là một ý tưởng sáng tạo một sáng kiến độc đáo chi phối những khám phá mới, cũng không phải là việc tìm kiếm các chân lý, nhưng chính là xác quyết sự kiện: Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Kitô giáo trước hết là một biến cố, rồi từ biến cố ấy thành lịch sử. Và lịch sử đó không tường thuật lại những hoạt động của loài người nhưng là những hoạt động của Thiên Chúa, nhất là sự hy sinh, của một vị Thiên Chúa nhập thể, đem ơn cứu chuộc đến cho mọi dân tộc. Loan truyền sứ điệp ấy có nghĩa là chứng thực biến cố ấy, vững lập trường về sự kiện ấy. Đó là làm chứng bằng lời nói, bằng đời sống và có khi phải bằng máu nữa. Đã làm chứng được như vậy, con người phải đón nhận sức mạnh Thánh Thần Thiên Chúa ‘Ta sắp sai đến trên anh em, điều Cha Ta đã hứa’. Chính Chúa Thánh Linh là chứng tá đích thực. Ngài sẽ làm chứng trong các tâm hồn bằng đức tin bên trong, còn con người làm chứng bên ngoài bằng việc rao giảng. Bởi thế, sự Phục sinh của Chúa Kitô là nội dung chính cốt của sứ điệp Kitô giáo qua các lời giảng dạy của các tông đồ cũng như qua sách công vụ và các thơ, đứng trước biến cố trọng đại ấy, tất cả đều phai nhoà đi hết. Việc rao giảng Kitô giáo không phải là trình bày các qui luật luân lý, giảng giải các chân lý giáo điều hoặc trình bày cuộc đời Chúa Giêsu, nhưng sự rao giảng ấy trước hết là một khẳng định rõ về cái chết và sự Phục sinh của Chúa, vì đó là những yếu tố trung tâm của lịch sử ơn cứu độ.

TỪ BIỆT

Đây là lần cuối cùng Chúa Giêsu ở giữa các tông đồ. Ngài ở giữa họ để nói lên lời từ biệt. Sự việc xảy ra gần Bêtania ở cửa thành thánh. Thánh Luca trình bày sự kiện này hết sức ngắn gọn, nhưng Ngài sẽ trở lại vấn đề trong chương Tin mừng sách Công Vụ với nhiều chi tiết hơn là ở đây, khi nói đến việc Chúa về Trời. Theo Tin mừng ta thâý việc kết thúc sứ vụ loan báo Tin mừng

1. Đức Kitô

Chúng ta được biết Đức Kitô từ biệt các tông đồ đang khi các Ngài chúc lành cho họ. Ngài không còn giảng dạy và ra lệnh gì nữa. Mọi cái mờ ám đều biến dạng. Cho dầu cuộc khổ nạn, việc Phêrô chối Chúa, sự nghi ngờ Chúa sống lại và sự phập phồng sau lần hiện ra cuối cùng. Mọi sự đều được sáng tỏ. Tất cả đều kết thúc tốt đẹp bằng phúc lành của Chúa, Đấng sẽ ban cho họ sinh lực để sống dù Ngài không còn hiện diện trước mắt nữa, và để họ hành động và tiếp tục sự nghiệp, họ sẽ giữ kỷ niệm sống động, việc Thày chúc lành.

Chúa lên trời chẳng qua là sự Người trở về cùng Chúa Cha và được biến hình cả thể xác lẫn tình thần, việc Chúa lên trời đó đối với các môn đệ cũng là một dấu chỉ tối cao về việc Ngài trở lại và nhờ đó, các ông cũng được lên trời. Từ giờ đó, họ biết rằng đời họ là một cuộc hành trình tiến về ánh sáng và bất chấp mọi trở ngại của cuộc sống trần gian cũng như quân thù bách hại, mọi chuyện sẽ hoàn tất trong ánh sáng của sự biến hình.

2. Các tông đồ

Họ quì gối xuống và thờ lạy. Họ không còn u tối, sợ sệt, phập phồng, hồ nghi gì nữa. Vì thế họ tin kính thờ lạy. Việc Ngài Phục sinh và lên trời chứng minh rõ ràng cho họ biết nguồn gốc cũng như bản tính Thiên Chúa của Ngài và Ngài được cất nhắc lên ngự bên hữu Chúa Cha. Thờ lạy, thán phục chỉ là cách thức nói lên sự hân hoan của họ. ‘Rồi họ trở lại Giêrusalem, vui mừng khôn xiết, và hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa’. Tin mừng kết thúc trong niềm hoan lạc, việc Chúa trở lại ‘uy nghi’ cho các tông đồ có cơ hội tôn vinh Ngài. Khi nhìn lại, khi nhớ đến lời truyền tin cho Giacaria và Đức Maria, khi nhớ lại các sứ điệp các thiên thần gởi cho các mục tử, nhớ đến việc dâng Chúa trong Đền thờ, rồi ơn kêu gọi riêng họ, việc họ thông dự vào quyền giảng dạy và làm các phép lạ của Chúa, từ đây họ hiểu rằng mọi sức đối kháng của thù địch đều không làm gì được và qua cuộc khổ nạn và thập giá Chúa, sự đối kháng ấy cũng góp phần vào việc đặt nền cho hoạt động cứu thế đúng nghĩa, cho hy tế cứu chuộc để cứu rỗi thế giới, sau cùng họ thấy rằng Chúa biến hình, từ đây không còn khổ đau nữa, thì họ chỉ còn biết tạ ơn Thiên Chúa với lòng thành tín khôn tả. Kế hoạch Ngài đã thực hiện, sự nghiệp Ngài đã hoàn thành, vinh quang Ngài đã tỏ hiện cho loài người. chính Thánh Luca đã kết thúc Tin mừng của ông bằng thánh thi ngợi khen vậy.

 

39. Mở đường

"Đang khi Chúa chúc lành cho các ông, Người được rước về trời" (Lc 24, 51)

Tập truyện Tây Du ký rất hấp dẫn, không những cho người Tàu, người Việt chúng ta, mà còn cho một số người ngoại quốc nữa. Người ta nói rằng: nhiều người mê chuyện Tây Du ký không phải vì chuyện đánh đấm, vì quyền phép của Tề Thiên mà thôi; cái chính là ở chỗ chuyện Tây Du ký đem lại sự kích thích tính tò mò hiếu kỳ của con người. Đó là chuyện trên trời, chuyện của thần tiên. Nhân loại vì tò mò, vì không ai biết trên trời ra sao, có gì trên đó, và cõi trời ở đâu, vì chưa có ai lên đó kể lại.... Thật ra, tính tò mò đó không phải là điều không chính đáng. Hôm nay mừng lễ Chúa lên trời, Hội thánh không phải để thỏa mãn tính tò mò của con người; cái chính Hội thánh muốn nói: đây là một sự thật chính Chúa từ trên trời xuống nói cho ta biết về trời, nhất là hôm nay, người về trời đi trước dọn chỗ cho ta, để mai sau ta cùng được lên đó với Chúa.

a. Thiên đàng là gì, ở đâu và ra sao? Có phải thiên đang là giấc mơ của tuổi thơ? Hay thiên đàng là thế giới đại đồng của người CS như Max hay Engels nói? Hay thiên đàng là cõi trời của Tây Du Ký?

Chúng ta thử nhìn lại: Cõi trời hay thiên đàng của Tây Du Ký, thực ra không khác gì ở trần gian, vì nơi đó còn đầy gian tham, hối lộ, còn đầy cái ác trên đó...Thực ra cõi trời của Tây Du Ký, theo Ngô Thừa Ân, đó chỉ là hiện thân của cõi lòng con người còn đầy lục dục, thất tình, và cõi lòng đó có khao khát muốn thóat ra cái không tốt đó. Tóm lại cõi trời đó chính là cái tâm của con người không hơn không kém.

Bây giờ ta lại nói đến cõi trời hay thiên đàng của trẻ thơ: thiên đàng của trẻ thơ thực ra chỉ là giấc mơ, nghĩa là không có thật; vì khi lớn lên ta mới hiểu, giấc mơ đó đẹp lắm, nhưng vì là giấc mơ, nên nó không phải là thực tại, không phải là sự thật. Ngày nay người thanh niên gọi thiên đàng của tuổi thơ: đó là thế giới mộng, hoặc thế giới ảo....

Theo triết lý của Max Engels mơ ước thiết lập cho người một thiên đàng thật lý tưởng, một thế giới đại đồng ở đó không có cảnh người bóc lột người, ở đó mọi của cải là của chung, và người ta sử dụng công bằng theo nhu cầu của mình. Thế giới đại đồng này đẹp quá, lý tưởng quá, đẹp và lý tưởng hơn cả thiên đàng của người Công giáo nữa; nhưng chừng nào thì ta đi tới đó?

Sau cùng, cũng phải nói đến thiên đàng của Chúa Giêsu; dĩ nhiên đây là sự thật chính Chúa nói cho ta biết, cũng vì chính Chúa đã từ trời mà xuống, nói lại cho nhân loại hiểu. Cũng chính Chúa Giêsu đã sẵn sàng chết để minh chứng cho lời nói của Chúa là sự thật. Sau này, qua lịch sử của Hội thánh, các thánh hàng hàng lớp lớp đã đứng lên làm chứng cho ta về sự thật này... Có người sẽ nói vì là người Công giáo, nên mình bênh vực cho Chúa, cho các thánh, đó là điều dĩ nhiên... Nói thế cũng không phải sai, nhưng có một điều này, nếu bênh vực một điều không đúng, không phải là sự thật, tại sao qua hai mươi thế kỷ, hàng tỉ con người luôn nghe theo, và sẵn sàng dám sống chết cho Chúa, cho hội thánh? Chẳng lẻ họ là những người dốt nát cả sao? Chính lý lẽ này phải làm cho ta suy nghĩ....

b. Gợi ý sống và chia sẻ:

Thật ra Hội thánh, mẹ chúng ta chẳng cần phải làm chứng cho chúng ta về sự thật này, về hạnh phúc thiên đàng, vì có Chúa Thánh Thần luôn làm chứng cho Hội thánh. Dù vậy Chúa Kitô đã chết để trở thành chứng nhân sống động cho ta tin nơi thiên đàng. Phần ta, ta có sẵn sàng tin vào Chúa và vào Hội thánh của Chúa không?

 

40. Chúa lên trời

Cách đây mấy ngàn năm, khi khoa học về vũ trụ chưa được phát triển, dân Do Thái cũng như những dân tộc vùng cận đông thường có một cái nhìn đơn sơ về vũ trụ. Họ coi trái đất là như một chiếc mâm, chung quanh đất là biển, dưới lòng đất là âm phủ, nơi ở của những người đã khuất. Còn bầu trời là như cái lồng bàn úp lên trên đất và biển. Trên chiếc lồng bàn này có nhiều thứ kho: kho nước, kho mây, kho gió, kho tuyết, kho sương mù. Mỗi khi Thiên Chúa mở cửa những kho này là chúng ta lập tức sẽ có những hiện tượng thiên nhiên tương ứng.

Vòm trời cũng là nơi Ngài treo các vì tinh tú để soi sáng cho mặt đất. Thiên Chúa ngự trên chốn trời cao cùng với các thiên thần. Vậy khi nói Chúa Giêsu được đưa lên trời, thì có nghiã là Ngài được đưa vào thế giới của Thiên Chúa. Ngài được tôn vinh bên Chúa Cha, sau khi đã hoàn tất công trình cứu độ nhân loại.

Đối với chúng ta thì hơi khác một chút. Điều cốt lõi của biến cố Chúa về trời không phải là chuyện Chúa đã bay lên, thoát khỏi sức hút của trái đất, mà là mầu nhiệm Ngài được Chúa Cha nâng dậy từ cõi chết và đưa vào chung hưởng vinh quang bên Chúa Cha. Nơi ở của Thiên Chúa là thiên đàng. Nhưng thiên đàng ở đây, chúng ta không được rõ. Toan tính đi tìm thiên đàng bằng một con tàu vũ trụ điều đó chỉ đưa đến thất vọng và chứng tỏ một thái độ ấu trĩ, vì thiên đàng nằm ngoài khả năng cảm nhận của giác quan, như lời thánh Phaolô: Tai chưa hề nghe, mũi chưa hề ngửi và trái tim chưa một lần cảm nghiệm được những điều Thiên Chúa dành cho những người trung thành phụng sự Ngài. Chúng ta không thấy thiên đàng nhưng thiên đàng còn có thực hơn cả vũ trụ hữu hình này, bởi vì thế giới của con người sống nhờ vào thế giới của Thiên Chúa.

Mặc dù Chúa đã về trời nhưng Ngài vẫn còn ở lại với chúng ta luôn mãi; bởi vì lên trời không phải là đi vào một thế giới xa lạ với thế giới loài người và cắt đứt mọi liên hệ với trần thế… Tuy chúng ta không còn thấy Ngài một cách hữu hình nhưng Ngài vẫn tiếp tục hiện diện giữa chúng ta dưới những hình thức khác.

Chúng ta có thể gặp Ngài qua những kỳ công trong vũ trụ. Chúng ta có thể gặp Ngài qua những lời giảng dạy. Chúng ta có thể gặp Ngài qua Bí tích Thánh Thể. Chúng ta có thể gặp Ngài qua Giáo Hội. Chúng ta có thể gặp Ngài nơi những người anh em, nhất là những kẻ khổ đau và bất hạnh. Như thế Ngài được tôn vinh lên trời không phải là làm một cuộc đi xa, nhưng trái lại là một cuộc đến gần. Phục sinh và Lên Trời là để làm tròn sứ vụ giữa lòng thế giới. Chính vì thế mà Ngài đã truyền cho các môn đệ cũng như cho chúng ta phải tiếp tay với Ngài: Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Bởi đó, hãy chu toàn bổn phận của chúng ta, bằng cách sống đức tin và đem đức tin đến cho những người chung quanh, để rồi trong ngày sau hết, chúng ta sẽ được chia sẻ niềm hạnh phúc thiên đàng với Ngài.

 

home Mục lục Lưu trữ