Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 40
Tổng truy cập: 1378363
HIẾN LỄ TẠ ƠN
HIẾN LỄ TẠ ƠN- Lm. Trần Thanh Sơn
Hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Thật ra, trong bất cứ thánh lễ nào, chúng ta cũng đã suy tôn mầu nhiệm Thánh Thể. Tuy nhiên, vì muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh Thể trong đời sống của mỗi kitô hữu, nên mẹ Giáo Hội đã chọn riêng một ngày để chúng ta có thời giờ nhiều hơn trong việc tôn thờ, suy gẫm và tạ ơn tình yêu Thiên Chúa nơi bí tích Thánh Thể. Nếu như các bí tích nói riêng và các sinh hoạt phụng vụ nói chung là phương thế để chúng ta nhận lãnh ơn cứu độ của Đức Giêsu, thì với bí tích Thánh Thể, chúng ta được đón nhận chính Đức Giêsu là nguồn của mọi ân phúc. Chính vì thế sách Giáo lý chung của Hội Thánh Công Giáo số 1324 đã viết: “Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống kitô hữu”. “Những bí tích khác cũng như các thừa tác vụ và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với bí tích Thánh Thể và qui hướng về đó…”.
Mầu nhiệm về bí tích Thánh Thể rất phong phú, chúng ta không thể nào suy cho hết được. Do đó, trong giờ này, tôi muốn được chia sẻ cùng quý OBACE. về một trong những khía cạnh của bí tích Thánh Thể, đó là nhìn bí tích Thánh Thể dưới góc độ của một hiến lễ tạ ơn.
- HIẾN LỄ TẠ ƠN CỦA ĐỨC KITÔ
Khi nói đến hiến lễ, chúng ta không thể không nói đến lễ vật. Đức Giêsu chính là lễ vật được hiến dâng lên Thiên Chúa Cha làm của lễ đền tội cho chúng ta. Chính vì thế, khi thuật lại việc Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể, mặc dù là đang trong bữa tiệc với các môn đệ, thánh Phaolô đã nói: “Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, nầy là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con …”. Khi nhắc đến việc Đức Giêsu sắp bị nộp, thánh Phaolô muốn chúng ta nhớ đến cuộc khổ nạn của Đức Giêsu trên thập giá. Hiến thân làm của lễ, Đức Giêsu đã thực sự trở nên tấm bánh bẻ ra cho chúng ta được sống.
Mặt khác, trong hiến lễ tạ ơn này, Đức Giêsu không chỉ là của lễ mà còn là người dâng. Đức Giêsu đã tự hiến dâng chính mình cho Chúa Cha làm của lễ đền bù tội lỗi cho chúng ta. Hơn nữa, không giống như các tư tế của Cựu ước hàng năm đều phải tiến dâng lễ vật, nhưng vẫn không xoá được tội lỗi như lời tác giả thư Do Thái: “Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và đang đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xoá bỏ được tội lỗi”(Dt 10, 11). Trái lại, Đức Giêsu “đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta”(Dt 9, 12).
Nhờ sự tự hiến này của Đức Giêsu, tất cả chúng ta đã được chữa lành khỏi mọi vết nhơ của tội lỗi. Chính vì thế trước khi tường thuật lại phép lạ hoá bánh ra nhiều, thánh sử Luca đã cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu đã “chữa lành những kẻ cần được cứu chữa”. Đức Giêsu đã chữa lành những tật bệnh thân xác, như một dấu chỉ báo trước việc Ngài sẽ dùng chính Máu Ngài đổ ra trên thập giá, để chữa lành những vết thương do tội lỗi gây ra.
Như thế, Đức Giêsu chính là vị Thượng Tế đời đời theo phẩm hàm Melkisêđê. Chức tư tế của Ngài vượt trên mọi tư tế của Cựu ước, bởi lẽ các tư tế của Cựu ước đều là con cháu tổ phụ Abraham, mà tổ phụ Abraham lại phải dâng “một phần mười tất cả chiến lợi phẩm”cho Melkisêđê và nhận lời chúc phúc của ông như chúng ta vừa nghe trong bài đọc một.
Đức Giêsu đã tự hiến dâng chính mình Ngài làm của lễ đền tội và ban chính Mình và Máu Ngài làm của ăn đem lại sự sống vĩnh cửu cho tất cả chúng ta. Đồng thời, mỗi khi chúng ta tham dự tiệc Thánh Thể, là lúc chúng ta nhận được lời mời gọi tiếp tục cử hành và sống hiến lễ tạ ơn này cho đến tận thế, như lời Đức Giêsu đã phán khi lập bí tích Thánh Thể: “Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.
- SỐNG HIẾN LỄ TẠ ƠN
Mỗi khi lãnh nhận Thánh Thể là lúc chúng ta lãnh nhận được sự sống Thần Linh của Thiên Chúa. Do đó, tâm tình đầu tiên phải có của mỗi người chúng ta, đó là tâm tình tạ ơn. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì tình yêu bao la mà Ngài đã dành cho chúng ta. Nhất là chúng ta tạ ơn Đức Giêsu vì Ngài đã ban cho mỗi người chúng ta chính Mình và Máu Ngài làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế này.
Mặt khác, với kinh nghiệm của mình, chắc hẳn mỗi người chúng ta cũng nhận ra rằng: một sự tri ân đích thực không chỉ là một tâm tình bên trong, nhưng cần phải được loan báo. Thực vậy, có một niềm vui thật trong lòng, chúng ta không thể dấu kín, nhưng luôn muốn kể lại cho mọi người cùng biết. Do đó, nhận được hồng ân sự sống từ bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng có nhiệm vụ loan báo cho anh chị em của mình, để tất cả mọi người đều cất tiếng ngợi khen và tôn vinh Thiên Chúa. Hay nói theo cách nói của thánh Phaolô trong bài đọc hai: “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”.
Kế đến, lòng tri ân của chúng ta cũng không chỉ dừng lại ở một lời loan báo, nhưng cần được thể hiện bằng một hành vi cụ thể. Đức Giêsu đã tự hiến dâng thân mình Ngài, trở nên một tấm bánh bẻ ra làm của ăn cho tất cả chúng ta, đến lượt mình, chúng ta cũng phải biết tự hiến, biết cho đi bản thân mình làm của ăn cho anh chị em của chúng ta.
Trong bài Tin mừng, đứng trước nhu cầu của cả một đám đông dân chúng, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Đức Giêsu muốn các môn đệ làm một cái gì đó thật cụ thể, với hết khả năng của họ, cho dù đó chỉ là “5 chiếc bánh và 2 con cá”, để giúp đỡ đám đông, chứ không chỉ là một lời nhận xét, một lời góp ý xuông, hay chỉ là một lời bàn làm cách nào để mình được thoải mái, nhẹ nhàng nhất: “Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn”. Điều này xem ra thật quá dễ và hợp lý cho các môn đệ và Đức Giêsu, nhưng lại không phải là điều mà Đức Giêsu muốn. Điều Ngài muốn là các môn đệ bắt tay cùng cộng tác với Ngài để làm dịu cơn đói của đám đông đang theo Ngài.
Là chi thể trong Nhiệm Thể của Ngài, mỗi người chúng ta cũng hãy dâng đời sống, lời ca ngợi, kinh nguyện và cả những đau khổ do tật bệnh trên thân xác, cùng với những lo âu trong cuộc sống… kết hợp với hiến lễ của Đức Giêsu trên thập giá, để dâng lên Chúa Cha trong Thánh Lễ mỗi ngày (x. SGL 1368). Nhờ đó, ngày càng có nhiều người nhận được ơn cứu độ do bởi hiến tế của Đức Giêsu trên thập giá. Amen.
THÁNH THỂ, BÀN TIỆC TÌNH YÊU- Lm. Vũ Xuân Hạnh
Ăn uống là chuyện bình thường của mọi sinh vật sống. Khi tôi ăn uống, thức ăn, thức uống trở thành tôi. Tôi sống, tôi hoạt động, tôi lớn lên… nhờ bao nhiêu chất dinh dưỡng từ chút rau xanh, cá tươi, hoa trái…
Trừ những bữa tiệc, những độ nhậu phi nghĩa, phi đạo đức, nhằm mua quan, bán chức, hối lộ, mãi lộ, nịn hót. Hoặc những bữa tiệc, những độ nhậu mà người ta dùng như một cuộc hẹn hò làm ăn, bàn tính, thậm chí qua đó, người ta lên chương trình cho cả một hệ thống phi luân lý như cùng hợp tác với nhau giết người, cướp của, bóc lột dân lành, mánh mung, trả thù, bớt xén của công, chạy chọt để thoát sự trừng trị của pháp luật…
Trừ tất cả những bữa tiệc ấy, những bữa cơm, dù toàn những thức ăn sang giàu, hay chỉ đạm bạc, đơn giản vài trái cà gém, một chút mắm tôm của những gia đình nghèo, vẫn không bao giờ mất đi tính thiêng liêng và vẻ đẹp của nó. Nó cần nhận được sự tôn trọng của mọi người như: tránh gây gỗ, cãi vả, hiềm khích, đánh đập nhau. Câu nói nổi tiếng của ông bà từ ngàn xưa để lại cho con cháu: “Trời đánh tránh bữa ăn”, là câu nói rất hữu ích giáo dục lòng tôn trọng sự thiêng liêng và vẻ đẹp của bữa cơm. Những bữa cơm giàu tình yêu, nồng ấm tình gia đình, tràn ngập sự thành thực…, dù là những bữa cơm sang giàu hay đạm bạc đều là những bữa cơm quý phái, cần thiết cho cuộc đời.
Chúa Kitô đã nhiều lần sử dụng bữa cơm để mạc khải nhiều chân lý quý giá cho Giáo Hội. Càng suy nghĩ, ta càng nhận thấy Chúa Kitô thật là một nhà giáo dục tài ba. Vì có lúc nào tình yêu đằm thắm, lòng người tin tưởng nhau, và là nơi trổ sinh niềm vui cho bằng bữa cơm. Người đã dùng khung cảnh tốt đẹp của bữa cơm như thế để nâng hôn nhân lên hàng bí tích tại tiệc cưới Cana. Người đã đến nhà và dùng bữa tại nhà cô Maria, một phụ nữ tội lỗi, để tha tội cho chị, khi chị gục đầu khóc bên chân Người. và trong một bữa cơm, Người dạy người ta hãy ngồi vào chỗ rốt hết, vì “ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”, Người đã ăn với các môn đệ trên biển hồ sau khi sống lại để bày tỏ mầu nhiệm phục sinh… Còn nhiều, nhiều nữa những bữa cơm mạc khải như thế.
Liên quan tới bí tích Thánh Thể, Thánh Kinh cũng cho thấy nhiều bữa ăn mạc khải mầu nhiệm Thánh Thể. Chẳng hạn hai lần Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân trong thời gian Người giảng dạy. Hay bữa ăn cuối cùng trước khi rời xa các môn đệ. Chính trong bữa ăn này, Chúa Giêsu chính thức thành lập bí tích Mình Máu Thánh Người, qua lời truyền phép mà hôm nay thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô đã nhắc lại: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”và “Chén này là Tân Ước trong Máu Thầy. Mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Hôm nay, lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, Giáo hội mời gọi ta suy niệm một trong ba bữa ăn ấy. Đó chính là lần Chúa làm phép lạ từ năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi sống năm ngàn người đàn ông, chưa kể đàn bà và trẻ con.
Chúa không làm phép lạ chỉ như một phép lạ mà thôi, càng không bao giờ làm phép lạ để khoe mẽ tài năng của mình. Nhưng phép lạ hóa bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá, gọi về một phép lạ khác lớn lao hơn. Đó là phép lạ hóa nên Mình Máu của chính Chúa Kitô để nuôi dưỡng linh hồn con người, không phải năm ngàn hay mười ngàn, nhưng là lớp lớp người từ đời này sang đời khác. Hóa ra phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều là để hướng lòng ta về chính Bánh là của ăn muôn đời trường tồn, là Bánh bất tử đưa ta vào sự sống nhiệm mầu và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Bánh ấy chính là Thịt máu Chúa Kitô.
Bữa ăn Thánh Thể do Thiên Chúa dọn cho chúng ta là một cuộc hạ sinh mới trong lòng người. Nếu đã có lần Chúa Giêsu sinh ra trong trần gian một cách thể lý, thì cuộc sinh hạ của Chúa trong lòng người ta là một cuộc sinh hạ không ngơi nghỉ. Mỗi khi ta rước Chúa Giêsu vào tâm hồn mình, là mỗi lần Chúa chấp nhận giáng sinh lại trong lòng ta. Người chấp nhận làm điều đó không nhằm lợi ích cho riêng mình, nhưng cho chính chúng ta. Vì các của ăn phàm trần, khi ăn vào, sẽ biến thành máu thịt ta, nhưng ăn Máu Thịt Chúa Giêsu, ta được “Thiên Chúa hóa”(ngôn ngữ chuyên môn của thần học gọi là “thần hóa”), nghĩa là trở nên giống Chúa hơn. Người sẽ ban cho ta sức mạnh của lòng tin, của tình mến để ta tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa, vững vàng trước mọi cám dỗ, không sa ngã và bảo vệ đức tin của mình thành toàn. Tắt một lời, Người hạ sinh trong lòng ta qua bí tích Thánh Thể để ta ngày một nên thánh thiện như Người.
Trên mọi bữa ăn, Thánh Thể là bữa ăn của hiệp thông trong tình yêu. Cuộc hiệp thông trong tình yêu này là một cuộc hiệp thông lớn lao đến mức tuyệt vời: Thiên Chúa tìm đến viếng thăm tâm hồn người thế và con người được diễm phúc đón nhận chính Thiên Chúa vô cùng cao cả ấy. Cuộc hiệp thông ấy lớn đến mức tuyệt vời nằm ở chỗ: siêu nhiên đến với tự nhiên, Thánh ở với người, cái vô cùng ở cùng cái hữu hạn. Một cuộc hiệp thông lớn đến thế, chỉ có thể thực hiện bởi tình yêu của Thiên Chúa mà thôi. Ngoài tình yêu ấy, không còn một sự hiệp thông nào sánh ví.
Một cuộc hiệp thông cao cả như vậy, mang lại giá trị cho con người. Bởi Thiên Chúa đã không trao ban bất cứ một cái gì ngoài Người, nhưng là trao ban chính Con Một của mình cũng là Thiên Chúa của chúng ta. Vì thế, nơi cuộc hiệp thông được thực hiện trong tình yêu của Chúa, chúng ta kín múc nguồn hạnh phúc là chính Thiên Chúa, Đấng Tuyệt Đối. Có ai ngờ, nơi bí tích Thánh Thể, loài người bé nhỏ là thế, lại được gần Thiên Chúa đến nỗi nên một trong nhau. Do đó, loài người không còn chỉ là tạo vật đơn thuần, nhưng là tạo vật mang chiều kích vĩnh cửu.
Lãnh nhận tình yêu hiệp thông nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi sống yêu thương và hiệp thông với anh chị em của mình. Kinh Tạ Ơn II nói lên điều đó: “Chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Kitô”. Hoặc kinh Tạ Ơn III: “Khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô”.
Lời cầu xin ơn hiệp thông khi cử hành Thánh Thể phải được cả cộng đoàn sống và áp dụng trên từng cá nhân. Chính vì điều này ta có thể nói, để đánh giá sức sống của một cộng đoàn Thánh Thể, tiêu chuẩn đúng nhất là sự hiệp thông, duy nhất nơi cộng đoàn đó. Một cộng đoàn chia rẽ không thể nói về “một thánh lễ sốt sắng”. Cũng như mỗi thành viên trong gia đình mà chia rẻ, rạn nứt, gia đình đó, dù chuyên chăm tham dự thánh lễ, lãnh bí tích Thánh Thể đến đâu, vẫn là gia đình đánh mất ơn hiệp thông, lẽ ra phải có, nhờ Thánh Thể Chúa Kitô.
Chúng ta có những bữa cơm hằng ngày, có khi đạm bạc, có khi sang trọng. Những bữa cơm ấy là nơi gặp gỡ và nuôi dưỡng tình gia đình, tình bạn, tình lối xóm, và biết bao nhiêu thứ tình cần thiết trong cuộc sống.
Trong chiều kích thánh thiêng của tâm hồn, chúng ta tham dự tiệc Thánh Thể, để múc lấy tình yêu của Thiên Chúa. Từ đó sống với anh chị em quanh mình. Tình yêu nơi bàn tiệc Thánh Thể không đơn thuần nuôi dưỡng tình con người, nhưng đi một bước cao hơn: thánh hóa mọi tình yêu nhân loại, vĩnh cửu hóa tình yêu ấy. Tình yêu nơi bàn tiệc Thánh Thể còn thần hóa những người yêu nhau và biến họ nên đồng hình, đồng dạng với Chúa Kitô.
Vì thế, mỗi một lần rước Chúa Giêsu Thánh Thể, bạn và tôi xin Người ban cho mình được chìm ngập trong tình yêu của Người, để nên một với Thiên Chúa và với anh chị em.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam