Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 42

Tổng truy cập: 1379312

HIỆP NHẤT

Hiệp nhất

Công đồng Vaticanô II đã trình bày Giáo Hội là như bí tích của sự hiệp nhất. Hay nói cách khác, Giáo Hội chính là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại. Giữa dấu chỉ và thực tại mà nó muốn diễn tả phải có sự tương đồng gần gũi, như nước và ơn thánh tẩy trong bí tích Rửa Tội, như dầu và ơn sức mạnh trong bí tích Thêm Sức. Vì thế, khi nói rằng Giáo Hội là dấu chỉ sự hiệp nhất, thì sự hiệp nhất ấy phải được thể hiện trước hết nơi cộng đoàn Giáo Hội.

 

Hơn thế nữa, Giáo Hội còn là khí cụ Thiên Chúa dùng để đưa tất cả nhân loại vào trong sự hiệp nhất với Ngài và với nhau. Càng sống trong một thế giới bị xâu xé vì chia rẽ và thù hận, sứ mạng đó càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Vai trò của Giáo Hội như dấu chỉ và khí cụ xây dựng sự hiệp nhất được thể hiện một cách tuyệt vời trong khung cảnh của ngày lễ Hiện Xuống.

 

Thực vậy, đám đông vây quanh các Tông đồ lúc ấy là những người nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Họ cũng có những lai lịch và gốc gác khác nhau. Có người từ Rôma mà đến. Có người là Do Thái đạo gốc. Có người ngoại quốc theo đạo. Có người ở đảo Krephi, có người ở Ả rập… Thế nhưng, tất cả đã cùng hiệp nhất trong một ngôn ngữ, ngôn ngữ của đức tin, ngôn ngữ ấy loan báo những kỳ công của Thiên Chúa. Họ hiệp nhất với nhau trong và nhờ sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Thật khác xa khung cảnh xây tháp Babel thuở nào. Sự hiệp nhất ấy xảy ra ngay trong ngày lễ Hiện Xuống và còn phải được tiếp nối trong suốt chiều dài của lịch sử Giáo Hội.

 

Thực vậy, ngày hôm nay cũng thế. Chỉ nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội mới có thể thực hiện được ý nghĩa là dấu chỉ và khí cụ xây dựng sự hiệp nhất.

 

Đoạn Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta suy nghĩ một cách cụ thể hơn. Thánh Gioan ghi nhận: Chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín vì sợ người Do Thái. Người Việt Nam chúng ta diễn tả một tuyệt vời là nhà cửa. Đã làm nhà thì phải có cửa. Và hai chữ nhà cửa thường đi đôi với nhau. Cửa để đóng và để mở. Đóng để có được một không gian riêng tư và bảo đảm an ninh. Nhưng cũng phải có lúc mở, để người ở trong có thể đi ra và người ở ngoài có thể bước vào, tạo nên sự hiệp thông và gặp gỡ.

 

Thế nhưng, cửa nhà các môn đệ thì lại đóng suốt vì các ông sợ. Chúa Giêsu hiện ra và nói với các ông rằng: Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con. Đã sai thì phải đi, mà muốn đi, thì việc đầu tiên là phải mở cửa ra, phải phá đi những gì ngăn cản sự hiệp thông và gặp gỡ.

 

Hình ảnh ngôi nhà các môn đệ ở chính là hình ảnh của tâm hồn chúng ta và của Giáo Hội. Để trở thành dấu chỉ và khí cụ xây dựng sự hiệp nhất, thì điều kiện tiên quyết là phải mở ra, nhưng chúng ta lại đóng kín. Phải nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng ban nguồn sức sống mới, chúng ta khả dĩ có đủ can đảm mở ra đón nhận Chúa đến với mình và đến với tha nhân, nghĩa là sống đầy đủ ý nghĩa là dấu chỉ và khí cụ xây dựng sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất với anh em đồng loại.

 

2. Chúa Thánh Thần.

Có một phóng viên đã đặt câu hỏi với một chuyên viên Kinh Thánh như sau: Nếu nhờ khoa học tiến bộ, người ta sáng chế ra được một máy quay phim ngược thời gian. Máy này có thể thu lại tất cả hình ảnh và lời giảng dạy của Chúa Giêsu cách đây hơn 2000 năm. Vậy bộ phim ấy có khả năng thay thế được bốn sách Tin Mừng hay không? Nhà chuyên viên trả lời: Không thể được, bởi vì đức tin không phải do mắt thấy tai nghe, nhưng là do ơn Chúa Thánh Thần tác động.

 

Thực vậy bọn biệt phái ngày xưa đã từng nhìn thấy Chúa, nghe lời Chúa giảng, chứng kiến những việc Chúa làm thế mà họ không những không tin mà còn thù ghét và cuối cùng đã đóng đinh Chúa vào thập giá. Còn các tông đồ mặc dù đã theo Chúa, nhưng cũng chỉ thực sự có đức tin và dám sống chết cho Ngài sau biến cố tử nạn và phục sinh nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động trong ngày lễ Ngũ Tuần. Vậy Chúa Thánh Thần đã đổi mới các tông đồ, Giáo Hội và người tín hữu như thế nào?

 

Trước hết Chúa Thánh Thần đổi mới các tông đồ. Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu phục sinh hiện ra, thổi hơi trên các tông đồ và phán: Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu nhắc lại công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa được diễn tả bằng hình ảnh: sau khi nắn đất sét thành người, Ngài đã thở hơi ban sự sống để nó trở thành người sống. Qua việc thở hơi trên các tông đồ, Chúa Giêsu muốn làm một cuộc sáng tạo mới. Ngài ban Chúa Thánh Thần để biến đổi các ông nên những con người mới, có đủ khả năng chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Sách Tông đồ công vụ cho hay trong ngày lễ Ngũ Tuần, người ta thấy một cơn gió lốc ùa vào nhà các tông đồ đang ở và có cái gì giống hình lưỡi của lửa xuất hiện trên đầu mọi người và lập tức các ông được đổi mới. Trước kia các ông u mê dốt nát thì nay các ông được thống suốt giáo lý của Chúa. Trước kia các ông nhát đảm sợ hãi thì nay các ông được can đảm, sẵn sàng rao giảng Tin Mừng, tuyên xưng đức tin và chấp nhận chịu khổ cực và chịu chết vì danh Đức Kitô.

 

Tiếp đến Chúa Thánh Thần đổi mới Giáo Hội. Thực vậy, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và không ngừng tác động để canh tân Giáo Hội tuỳ theo nhu cầu thời đại, chẳng hạn như Augustinô, Đôminicô, Phanxicô, Ignatio, Têrêsa... nhờ các ngài Giáo Hội vượt qua được những giờ phút khủng hoảng và đen tối nhất. Và gần đây hơn, Công đồng Vatican II cũng được coi là một lễ Hiện Xuống mới vì Công đồng này mà Giáo Hội có dịp nhìn lại mình để lau sạch những tì vết và bụi bặm do lịch sử để lại, đồng thời đổi mới Giáo Hội về nhiều phương diện để nhờ đó đi sát với Tin Mừng mà vẫn thích nghi với một thế giới không ngừng biến động và tiến bộ hơn.

 

Sau cùng Chúa Thánh Thần đổi mới mỗi người chúng ta. Thực vậy ngày hôm nay Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục tác động nơi các tín hữu, tuy âm thầm, nhưng không kém phần hậu quả. Vậy chúng ta phải làm gì?

 

Việc thứ nhất là hãy tạo cho mình một bầu khí thinh lặng nội tâm, tránh đi những lo toan thái quá về vật chất đời thường như cơm áo gạo tiền. Hãy lo tìm Nước Thiên Chúa trước còn những sự khác, Ngài sẽ ban cho chúng ta sau. Việc thứ hai là phải chăm chỉ lắng nghe lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và tham dự nghi thức bẻ bánh, như hai môn đệ làng Emmaus ngày xưa. Việc thứ ba là phải đồng tâm nhất trí, chuyên tâm cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ trong đó có Đức Mẹ Chúa Giêsu và với những anh em của Ngài. Nhờ đó, mà cuộc đời và bản thân chúng ta mỗi ngày một đổi mới.

 

 

 

 

4. Thần Khí sự thật và sự thật toàn vẹn

(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)

 

Tôi vẫn thường thắc mắc về ý nghĩa hay nội dung đích thực của ‘sự thật toàn vẹn’. Nhiều bản văn Thánh Kinh Anh ngữ dùng các từ ‘all truth, whole truth, all the truth’ để dịch từ ‘aletheia pase’tiếng Hy Lạp. Đối với tôi, vấn đề chính ở đây là xác định được nội dung của ‘sự thật’ hay ‘chân lý’ mà Đức Giêsu nhiều lần đề cập tới, thậm chí có lúc còn tự đồng hóa mình với aletheia (xem Ga 14:6). Nói như thế vì tôn giáo nào cũng thường cho mình là dạy dỗ sự thật, hoặc mình thủ đắc chân lý duy nhất đúng, và đề ra cả một hệ thống thuyết giáo phức tạp để quảng diễn chân lý hay sự thật đó. Trong lãnh vực này, thiết tưởng đạo Công giáo chúng ta cũng không là ngoại lệ.

 

Thế nhưng nếu có thứ chân lý của hiểu biết, thì cũng có chân lý hay sự thật của cứu rỗi. Khi tuyên bố với các kỳ mục trong Hội Thánh Ê-phê-xô rằng: ông đã rao giảng cho họ ‘tất cả ý định của Thiên Chúa’, Phao-lô chỉ đơn thuần khảng định rằng, ông rao truyền cho họ tất cả những hiểu biết cần thiết để tiến tới ơn cứu độ (Cv 20:17-35). Ông cũng nói với các tín hữu Cô-rin-tô rằng: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu… mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì!” (1 Cr 13:2). Chính Đức Giêsu đã từng khảng định rằng: có sự thật giải thoát, có chân lý thánh hóa’ (Ga 4:22; 17:17-19). Trong cuộc đối đáp giữa Người với Phi-la-tô, thuật ngữ ‘sự thật’ đã được hai người hiểu rất khác nhau là thế. Rõ ràng ‘chân lý toàn vẹn’ không thể chỉ là hiểu biết, mà phải là ‘sự thật cứu rỗi’.

 

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”. Có điều gì các môn đệ không chịu nổi hay chậm hiểu? Các lý luận thần học hay các tín lý trong đạo chăng? Đương nhiên là mấy ông môn đệ đó khó có thể hiểu nổi…, nhưng Đức Giêsu đâu có đòi điều này nơi những người bình dân chất phác như các ông. Không, tất cả các ông đều đang đi tìm sự cứu rỗi cho mình và cho toàn dân Ít-ra-en; tuy nhiên cũng như phần đa các người Do Thái khác, các ông cho rằng sự cứu rỗi rõ ràng hệ tại ở việc tuân giữ lề luật. Thực hiện Giao Ước với Gia-vê như thể con đường duy nhất dẫn tới giải thoát, cả về mặt chính trị lẫn thiêng liêng. Vấn đề ở đây là, làm sao các ông chịu hiểu ra rằng, sự cứu rỗi và giải thoát duy nhất phải tới từ Đức Ki-tô, từ cuộc tử nạn của Người, vì qua đó Thiên Chúa mới biểu lộ được trọn vẹn tình yêu và lòng nhân ái của Người?

 

Rõ ràng, khi giáo huấn các môn đệ bằng các dụ ngôn và lời giảng dạy, Đức Giêsu cố giải thích cho các ông hiểu nội dung cứu rỗi này. Người coi việc thực hiện trước mắt các ông nội dung này, qua việc chính các ông phải là những chứng nhân của cuộc tử nạn và thập giá Người chịu, là điều tối quan trọng. Tiếp theo, trong suốt thời gian sau khi sống lại, Người vẫn không ngừng giải thích cho các ông hiểu sự thật giải thoát này. Tuy nhiên xem ra các ông vẫn chưa thấm; đúng là các ông không có sức chịu nổi, và sẽ chẳng bao giờ chịu nổi, bao lâu còn bị truyền thống xã hội và tôn giáo ngàn năm bao vây. Do đó Đức Giêsu thấy cần phải “sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha… một Đấng Bảo Trợ”. Công việc chính của Đấng này là ‘làm chứng về Thầy’, là làm cho Đức Giêsu được nhận biết, nhất là qua cuộc tử nạn thập giá và phục sinh Người, như dấu chỉ chân thực nhất của mạc khải vĩ đại ‘Thiên Chúa đã yêu thế gian tới nỗi đã ban Con Một Người…’ (Ga 3:16). Phải chăng ‘sự thật toàn vẹn – all truth - aletheia pase’ hệ tại chính ở điều này, đó là sự thật của cứu rỗi giải thoát, chứ không chỉ là sự thật của hiểu biết suy tư? Và sự thật này thì chỉ Thần Khí Chúa mới ‘dẫn’ tới được! Phao-lô từng khẳng định với các Ki-tô hữu gốc Do Thái đang sinh sống tại Rô-ma rằng: không có Thần Khí này, họ vẫn chỉ là ‘nô lệ và phải sợ sệt như xưa’, nhưng một khi lãnh nhận Thần Khí “Anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8:14-17). Chính vì thế mà Đức Giêsu gọi Chúa Thánh Thần là ‘Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha’ (Ga 15:26). Và công việc của Thánh Thần không chỉ là dạy dỗ các tín hữu biết mọi lẽ đạo, mà phải là ‘làm chứng về Thầy…’, và ‘cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu’.

 

Thần học hay giáo lý, chủ yếu vẫn là công việc của trí tuệ và hiểu biết của con người. Điều mà cá nhân tôi và mọi ki-tô hữu thực sự cần là ‘sự thật toàn vẹn’, có sức cứu rỗi và giải thoát. Vì thế sống Thánh Thần liên tục là điều kiện thiết yếu để tôi vun trồng niềm tin yêu vào Thiên Chúa cứu độ trong Đức Ki-tô Giêsu… và biến đời tôi thành nhân chứng sống động của tình yêu nhân hậu đó. Vì từng là một linh mục của thần học và trí tuệ, tôi càng có khuynh hướng coi sự thật chỉ là hiểu biết và lý luận; chính vì thế mà tôi càng cần xác tín về ‘sự thật cứu rỗi’ này và nhận ra sự cần thiết tuyệt đối của nó, nhất là cho chính mình.

 

Lạy Đấng Bảo trợ là Thánh Thần Thiên Chúa đang hiện diện nơi thẳm sâu cõi lòng con, xin không ngừng dẫn con tới ‘sự thật toàn vẹn’ mà rất nhiều khi con bị trí tuệ làm cho quên lãng. Trong mọi hoàn cảnh, nhất là giữa những thử thách yếu đuối và sa ngã, xin hãy cứ tiếp tục ‘rên siết khôn tả’ trong con (Rm 8:26), cho tới khi con dám chân thành mở miệng thốt lên từ đáy lòng mình: ‘Áp-ba! Cha ơi!’ Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ