Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 35

Tổng truy cập: 1378384

HÒA BÌNH, HỒNG ÂN CỦA THIÊN CHÚA

Hoà bình, hồng ân của Thiên Chúa

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Tháng 2 năm 1991 sau khi quân đội đồng minh đổ bộ lên Kouweit được ba ngày, thế giới đã thở phào một cái nhẹ nhõm vì mối đe dọa của một cuộc chiến tranh nguyên tử đã qua đi và nền hòa bình đã trở lại với thế giới. Hiểu như thế thì hòa bình hay bình an là không có chiến tranh. Nhưng không có chiến tranh chưa chắc là đã có hòa bình.

Sau thế chiến thứ hai, thế giới đã chia làm hai phe: Tư Bản và Cộng Sản. Trong khoảng từ năm 1945 đến năm 1990 không có một cuộc chiến tranh nào với tính cách quy mô giữa hai phe Tư Bản và Cộng Sản. Vậy mà thế giới vẫn nơm nớp lo sợ một cuộc chiến tranh. Lý do là vì cả hai phe đều chạy đua vũ trang. Tình trạng đó được gọi bằng một cái tên là “chiến tranh lạnh”. Năm 1989 sau khi khối Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu, người ta đã họp nhau lại tại Paris để tuyên bố cuộc chiến tranh lạnh đã kết thúc.

Như vậy trong gần một nửa thế kỷ, tuy thế giới không có một cuộc chiến tranh nào trên quy môn lớn, nhưng con người vẫn phải sống trong sự bất an. Mới đây (ngày 8/5/1995) thế giới vừa mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít Đức và kết thúc thế chiến thứ hai. Nhưng người ta lại lo sợ trước chủ nghĩa “Phát xít mới”, trước nạn khủng bố lan tràn và các cuộc xung đột chủng tộc… Người ta nói nhân loại đang sống trong một nền “hòa bình nóng”!

Thưa anh chị em, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta hòa bình của Ngài từ gần hai ngàn năm nay rồi. Vậy mà tại sao loài người lại không được sống trong hòa bình?

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng”.

Chúa Giêsu đã coi sự bình an như một ân huệ Ngài để lại. Ngài ban bình an của Ngài cho các môn đệ. Ngài không cầu chúc, nhưng Ngài để lại, Ngài ban tặng bình an. Ngài không ban như người ta, vì người ta không thể ban cho ai bình an, chỉ có thể cầu chúc, ước muốn được bình an mà thôi.

Vậy thì bình an của Chúa Kitô là gì? Bình an của Chúa Kitô không phải là tình trạng yêu ổn không bị khuấy động vì chống đối, vì chiến tranh. Bình an ở đây là sự sống trọn đầy, là ân huệ gồm tóm mọi ân huệ của thời đại Chúa Cứu Thế. Chính vì vậy, bình an nầy gắn liền vớ Chúa Giêsu và sự hiện diện của Ngài: “Chúa Giêsu là sự bình an của chúng ta” (Ep 2.14). Sự bình an mà Chúa Giêsu trối lại hay là chia sẻ cho chúng ta là sự bình an mà Ngài thực sự có được và nghiệm thấy một cách trọn vẹn, khi Ngài đã chiến thắng được sợ hãi đứng trước tử thần. Đó là sự bình an của Đấng đã yêu thương đến cùng (Ga 13,1), nghĩa là chấp nhận hy sinh mạng sống cho những kẻ mình yêu thương (Ga 15,13). Nói khác đi, đó là bình an mà Chúa Giêsu đã có thể chia sẻ cho chúng ta, sau khi Ngài đã thực sự chia sẻ chính thân mình Ngài cho chúng ta.

Thánh Phaolô gọi sự bình an đó là “bình an của thập giá”: “Nhờ máu Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trởi” (Cl 1,24). Bình an của thập giá là bình an mà Chúa Giêsu đã phải trả bằng chính máu của Ngài để giao hòa nhân loại với Ngài và nhân loại với nhau. Nói khác đi, Chúa Giêsu đã lấy cái chết của mình để xóa bỏ tội lỗi nhân loại, đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét, khiến cho nhân loại từ nay được hòa giải với Thiên Chúa và trở nên một thân thể duy nhất. Bởi vậy mà Chúa Giêsu xứng đáng được gọi là “Bình an của chúng ta” (Ep 2,14-18).

Anh chị em thân mến,

Bình an là khát vọng của mọi người, ở mọi nơi và mọi thời. Nhưng thực ra có lẽ chưa bao giờ nhân loại được hường một sự bình an toàn diện và phổ quát. Người ta có thể dập tắt ngọn lửa chiến tranh, có thể áp đặt một nền hòa bình, ký kết những bản hòa ước. Nhưng không ai có thể hiểu thấu lòng người để có thể đem lại được sự bình an vào tận cõi sâu thẳm bên trong; bởi vì ít có ai có được bình an thực sự trong lòng mình để có thể chia sẻ cho người khác. Con người chỉ có thể xây dựng hòa bình bên ngoài, nhưng không có khả năng chế ngự, điều khiển được những đợt sóng ngầm vẫn luôn sôi sục trong đáy lòng của mỗi cá nhân. Bởi vậy, hòa bình trên thế giới từ trước đến nay thường chỉ là những nền hòa bình giả tạo, mong manh, tạm thời. Dĩ nhiên có được hòa bình đó vẫn còn tốt hơn là không.

Người Kitô hữu phải là những người tác tạo và tái tạo hào bình, những người làm chứng cho hoàn bình trong thế giới bằng cuộc sống không bạo lực và bằng cách sống đồng tâm nhất trí với nhau. Điều kiện cần thiết là phải tin vào Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời được Cha sai đến loan báo Tin Mừng bình an (Cv 10,36), phải tuân giữ Lời Chúa, và như vậy chúng ta sẽ có được sự hiện diện của Chúa trong chúng ta, như Chúa Giêsu đã tỏ cho biết: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến ở trong người ấy” (Ga 14,23). Có Chúa hiện diện trong chúng ta, chúng ta sẽ không còn lý do nào để phải lo lắng, sợ hãi. Sợ hãi, lo lắng, chứng tỏ một tâm hồn xao xuyến, chưa được ổn định, chưa được bình an và là một tâm hồn không có Chúa ngự trị.

Muốn xây dựng hòa bình của Chúa, chúng ta phải là những con người hiếu hòa, đã được ổn định và bình an trong tâm hồn. Nếu chúng ta còn để cho dục vọng làm chủ mình; nếu chúng ta còn khư khư bám víu sự sống mình một cách ích kỷ; nếu chúng ta còn có sợ mất mát những của cải, hoặc phải bảo vệ chúng để hưởng thụ; nếu chúng ta còn muốn thống trị kẻ khác, làm sao chúng ta có thể gieo rắc bình an và xây dựng được hòa bình? Muốn xây dựng hòa bình ở bình diện lớn, thiết tưởng phải bắt đầu từ những bình diện nhỏ, vừa tầm tay, từ cá nhân, trong gia đình, đến xã hội, đất nước và lan tỏa đến toàn thế giới.

Cuối cùng, phải chăng Thánh lễ là một lời cổ vũ mạnh mẽ cho hòa bình và là một sự thúc đẩy người Kitô hữu dấn thân xây dựng hòa bình? Khi chúng ta chia sẻ bình an của Chúa cho anh chị em, chúng ta cam kết sống an hòa, yêu thương và dấn thân đem lại hòa bình, an vui, hạnh phúc cho mọi người. Và lời chúc cuối lễ của vị chủ tế là chúc anh chị em ra đi với sự bình an của Chúa Kitô, ra đi mang theo một cái gì đó của Nước Thiên Chúa cho mình và cho kẻ khác.

 

43. Sống trong sự hướng dẫn của Chúa

Một người Ấn giáo và một người Công giáo trẻ tuổi cùng tham dự cuộc hội thảo về bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Họ nhanh chóng trở thành bạn tốt. Ngày nọ, người Ấn giáo nói với người Công giáo: tôi biết bài giảng này của Chúa Giêsu ảnh hưởng đến Gandhi và cuộc sống của ông ta thế nào, nhưng tôi nghĩ bài giảng đó quá cao với hạng bình dân. Người Công giáo không vội trả lời nhưng đề nghị tìm nơi thanh vắng và cả hai cùng làm dấu thánh giá cầu nguyện với Chúa. Kết quả, người Ấn giáo đã tìm ra câu trả lời cho tình huống khó xử của anh: Đạo lý thật sự rất cao nhưng có Chúa Thánh Thần hiện diện, hướng dẫn, soi sáng và nhắc bảo chúng ta biết phải làm gì cho đúng lời Chúa dạy.

Thật vậy, nhờ có Chúa Thánh Thần soi dẫn mà Giáo hội tồn tại và phát triển giữa muôn vàn thử thách. Giáo hội vượt qua mọi gian lao nhờ vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Trong thời Giáo Hội sơ khai, cuộc tranh luận về việc giữ luật Môsê khá gay cấn. Người kitô hữu không biết có phải giữ luật cắt bì và tập tục của người Do thái hay không? Nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà các Tông đồ quyết định miễn luật cắt bì và tập tục của Do Thái. Chúa Thánh Thần giúp cho mọi người hiểu rằng: ơn cứu độ phát xuất từ Chúa Giêsu chứ không do việc giữ luật Do thái. Chỉ cần giữ những lời Chúa Giêsu thì sẽ được sống. Và lời quan trọng nhất Chúa trối lại cho chúng ta là: các con hãy yêu thương nhau. Điều cần thiết nhất là giữ giới răn yêu thương. Yêu thương là chu toàn mọi lề luật:"ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy".

Nếu chúng ta yêu mến Chúa Giêsu thì chúng ta muốn làm đẹp ý Ngài, vâng giữ lời ngài. Kitô hữu giữ luật theo tinh thần mới, khác với cách giữ luật của nhiều người Do thái: giữ cho đủ hình thức vì sợ bị phạt, giữ luật vị luật. Chúa Giêsu là tình yêu, dạy chúng ta giữ luật tình yêu và yêu thương là con đường dẫn chúng ta về tới nhà Cha.

Ai yêu mến Chúa thì tuân giữ Lời Chúa. Đối với một người con có hiếu thì luôn sẵn sàng vâng lời cha mẹ, vì người đó yêu mến, kính trọng cha mẹ mình. Kitô hữu chúng ta cũng vậy. Chúng ta biết Chúa thông minh và rất yêu thương chúng ta, luôn dạy chúng ta làm điều đúng, điều tốt thì lẽ nào chúng ta lại lưỡng lự, từ chối việc thực thi ý Ngài. Nếu chúng ta yêu mến Chúa thì hãy tuân giữ Lời Chúa. Và phần thưởng Chúa ban cho chúng ta là vô cùng quí giá. Đó là cho chúng ta được cư ngụ nơi thành Giêrusalem mới mà sách khải huyền mô tả: Thành thánh này không phải do tay người phàm dựng nên nhưng từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Ánh sáng của nó toả ra như đã quí, giống như ngọc thạch, óng ánh tựa pha lê. Thành không cần mặt trời mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó và đèn của nó chính là Con Chiên (x. Kh 21, 22). Thân phận con người vốn là thụ tạo nhỏ bé thấp hèn, không xứng đáng nhưng lại được Chúa yêu thương cách đặc biệt. Chúa muốn nâng con người lên và nhận lấy địa vị cao trọng: làm con Thiên Chúa. Điều này vượt qua sự mong đợi của loài người nhưng đó lại là phần thưởng Thiên Chúa dành cho những ai vâng giữ lời Người. Thiên Chúa biết đó là phần thưởng rất cao quí, đem lại hạnh phúc vô biên cho loài người nên Ngài sẵn sàng chịu khổ nhọc, xuống thế làm người và cố gắng diễn tả tình thương và ý định tốt lành của Thiên Chúa cho con người hiểu và được ơn cứu độ. Ngài đã làm tất cả những gì cần làm cho loài người được hạnh phúc. Vấn đề là ai biết chạy đến Chúa với tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ, vâng phục thì sẽ được ban ơn dồi dào. Còn kẻ cứng lòng, chống đối, kiêu căng thì sẽ không được Chúa làm gia nghiệp và mai sau sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

Chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta nói rằng mình yêu mến Chúa, thì chúng ta hãy giữ lời Thầy Chí Thánh với lòng chân thành, yêu mến Chúa. Mai đây, Chúa sẽ trở lại dẫn chúng ta vào Thiên Đàng đời đời.

 

44. Ơn bình an – Flor McCarthy

(Trích trong ‘Phụng Vụ Chúa Nhật và Lễ Trọng’)

Suy Niệm 1. BÌNH AN Ở GIỮA SỰ RỐI LOẠN

Trong cuốn sách Go Down to the Potter’s House của Donagh O’Shea, ông có một câu chuyện về một ông vua có hai hoạ sĩ trong triều là hai đối thủ gay gắt. Một ngày nọ, nhà vua nói: “Trẫm quyết định một lần này cho xong để biết ai trong hai khanh là hoạ sĩ giỏi nhất. Hai khanh phải vẽ cùng một đề tài và như vậy, trẫm sẽ ở giữa để phán xét. Và đề tài là bình an”.

Hai người hoạ sĩ đồng ý, và một tuần sau trở lại với các bức tranh của họ.

Hoạ sĩ thứ nhất giới thiệu bức tranh của mình. Nó cho thấy một phong cảnh thơ mộng với những ngọn đồi đều đặn kề bên nhau và một mặt hồ không gợn sóng. Toàn bộ phong cảnh nói lên sự hài lòng, bình an, tĩnh lặng. Tuy nhiên, khi nhà vua nhìn vào bức tranh, ngài không thể giữ cho mình khỏi ngáp. Rồi quay lại hoạ sĩ, ngài nói; “Bức tranh của khanh đẹp, nhưng nó làm ta buồn ngủ”.

Kế đó, hoạ sĩ thứ hai đã trình bày công trình của mình. Nó cho thấy một thác nước chảy ầm ầm. Lối vẽ hiện thực làm cho người ta như nghe thấy tiếng gầm của nước khi va vào các tảng đá ở bên dưới hàng trăm thước.

“Nhưng đây không phải là một cảnh bình an như trẫm đã ra lệnh”, nhà vua tức giận nói. Hoạ sĩ không đáp lại nhưng xin nhà vua tiếp tục xem. Rồi nhà vua nhận ra một chi tiết mà trước đó ngài không để ý: ở giữa các tảng đá bên dưới thác nước, có một bụi cây mọc lên với một tổ chim trên cành. Khi nhìn kỹ, nhà vua thấy có một con chim trong tổ: một con se sẻ đang ấp trứng, đôi mắt lim dim. Nó đang chờ các con nó được sinh ra, một hình ảnh bình an hoàn hảo.

Nhà vua rất thích thú khi nhìn vào điều đó. Quay lại người hoạ sĩ thứ hai, ngài nói: “Trẫm rất thích bức tranh khanh đã chuyển tải một điều rất quan trọng về bình an, đó là có thể sống trong bình an cả khi ở giữa cảnh ồn ào hỗn loạn của đời sống”.

Đức Giêsu đã nói về sự bình an trong suốt bữa Tiệc Ly. Người nói với các tông đồ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”.

Quả là một thời điểm lạ lùng để nói về sự bình an vì mọi sự đang rối loạn ở xung quanh Người. Làm thế nào mà lúc đó Người có thể nói về sự bình an? Bởi lẽ bình an là hiệp thông với Thiên Chúa. Và Đức Giêsu đã ở trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Vì thế, Người có thể nói về sự bình an cả khi các kẻ thù đang siết chặt vòng vây xung quanh Người và cái chết đang ở một góc tối nào đó.

Bình an không giống như sự yên tĩnh. Yên tĩnh thuộc về ngoại giới. Bình an chủ yếu thuộc về nội giới. Bình an là một tình trạng của sự tĩnh lặng nội tâm và chỉ rõ những mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa và với những người khác. Một thành phần chủ yếu của bình an là sự chính trực. Vì thế đối với kẻ xấu, không có sự bình an.

Bình an là kết quả của việc người ta tín thác vào Thiên Chúa và khi ước muốn làm vui lòng Người là việc quan trọng nhất trong đời sống của người ấy. Đó là điều mà người ta có thể có cả khi ở giữa sự xáo trộn, xung đột và những vấn đề chưa giải quyết được.

Đức Giêsu ban bình an của Người cho chúng ta: “Thầy để lại bình an cho anh em”. Bình an mà Người ban cho chúng ta không phải là thứ bình an để chúng ta trốn tránh thực tại. Nó là một điều rất thâm sâu và độc lập với những hoàn cảnh bên ngoài. Bình an ấy vượt qua mọi sự hiểu biết, bình an mà thế gian này không thể ban cho và không một ai có thể lấy mất của chúng ta.

Suy Niệm 2. ĐỂ NGƯỜI RA ĐI

Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu nói về sự ra đi của Người. Không bị bất ngờ, các Tông đồ chìm sâu vào sự đau buồn trước viễn cảnh mất Người. Họ không muốn Người đi, họ muốn giữ Người lại. Bạn không dễ dàng chấp nhận Người mà bạn yêu thương ra đi. Ngay cả một đồ vật hoặc một con thú cưng của bạn cũng thế.

Một ngày nọ, một cậu trai trẻ thấy một con chim nhỏ run lẩy bẩy nằm dài trên mặt đất, bên dưới một cái tổ. Cảm thấy xót xa trong lòng vì chim, cậu đem chim và nhà và đặt gần lò sưởi, ở đó chim từ từ hồi sinh. Tuy nhiên, thay vì trả chim về tổ, cậu làm một cái lồng cho chim. Trong lồng, cậu cho chim nhiều thức ăn, nước uống và hơi ấm.

Chim nhỏ mau lớn và bắt đầu bay quanh lồng. Kế đó, nó bắt đầu hót. Cậu trai run lên vì sung sướng. Nhưng một ngày kia nó bắt đầu đập cánh vào cạnh lồng. Cậu liền hỏi ông cậu điều đó có nghĩa gì.

“Nó không hạnh phúc”, ông cậu đáp.

“Cháu không hiểu”, cậu trai hỏi: “Nó không có mọi thứ nó cần trong lồng hay sao?”.

“Mọi thứ ngoại trừ một điều mà chim nào cũng mong ước?”.

“Điều đó là điều gì?”

“Tự do” ông cậu đáp.

“Ông muốn nói là cháu phải cho nó tự do, nó muốn rời bỏ cháu”.

“Nó chỉ muốn được tự do, vì thế nó mới có thể giống như những con chim khác”.

“Nhưng làm sao cháu có thể để nó đi?” Cậu khẩn khoản. “Nó không biết gì về những nguy hiểm đang chờ nó trong thế gian. Nó có thể bị giết chết hoặc chết đói”.

“Đó là một sự liều lĩnh mà cháu phải có”.

“Nhưng cháu yêu nó nhiều đến nỗi cháu không thể để nó đi”.

“Nếu cháu thật sự yêu nó, cháu phải để nó đi”.

Cậu bé trở nên thinh lặng. Nó nhìn con chim và con chim vẫn tiếp tục vỗ cánh vào lồng. Và với mỗi cái đập cánh, nó dường như muốn nói: “Trả tự do cho tôi! Trả tự do cho tôi!”. Không thể chịu nổi nữa, cậu quyết định để chim đi.

Khi nó bay ra ngoài cửa số, nó mang theo nó một mảnh hồn của cậu. Cậu nhìn theo qua cửa sốt mở rộng một lúc lâu. Rồi thình lình, cậu nghe tiếng chim hót ở một cây gần đó. Tiếng hót này dường như vui tươi và ngọt ngào hơn trước đây. Và đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng, cậu cảm thấy tự do: hạnh phúc và bình an.

Các tông đồ không muốn để Đức Giêsu ra đi. Nhưng khi làm thế, họ không nghĩ đến Người mà nghĩ đến họ. Người đã nói với họ như thế. Người nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14,28). Đối với Đức Giêsu, trở về với Chúa Cha là mục đích của đời sống Người. Cố giữ Người ở lại là tỏ ra không yêu mến Người.

Tình yêu chiếm hữu rất thường gặp. Một số cha mẹ có tinh thần chiếm hữu rất mạnh trong tình yêu đối với con cái họ. Đã ban cho con cái họ đời sống, họ từ khước để cho chúng sống đời sống ấy theo cách của chúng. Sự việc tương tự cũng xảy ra trong một số cuộc hôn nhân. Người ta không sẵn lòng để cho người phối ngẫu có đời sống riêng của họ.

Tình yêu chiếm hữu gây ra nhiều đau khổ và thiệt hại. Mặt khác tình yêu không chiếm hữu làm nên điều kỳ diệu cho cả đôi bên.

Sự trưởng thành, tiến bộ, thay đổi đòi hỏi một sự để cho đi, một sự buông bỏ điều gì đó mà chúng ta đang có và coi là thân thiết. Nhưng sự buông bỏ ấy là để đạt được một điều mới mẻ và tốt đẹp hơn.

Khi rời xa các Tông đồ, Đức Giêsu xác nhận rằng Người không bỏ rơi họ. Người nói với họ: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7). Và Người làm đúng như lời Người đã nói. Khi chúng ta sẵn lòng để Người khác ra đi, người ấy có thể rời xa chúng ta mà không làm cho chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi. Và chúng ta cởi mở lòng mình để đón nhận một điều mới mẻ mà nếu không ra đi người ấy sẽ không đem lại cho chúng ta.

CÂU CHUYỆN KHÁC

Một số người thường hay tức giận trong lòng và kết quả là họ thiếu sự bình an trong trí óc và sự thanh thản trong linh hồn. Nhưng có những người khác có được sự bình an nội tâm và họ làm cho đời sống của họ khác hẳn.

Hai người láng giềng, James và John cày đất trên hai cánh đồng sát liền nhau. Mặt trời chói chang trên họ và trên mặt đất cứng, nhiều đá sỏi. James có tính khí hắc ám. Ông quất roi da vào lưng con ngựa. Tuy nhiên, sự đánh đập ấy càng làm cho con ngựa thêm ương ngạnh và không chịu hợp tác với chủ của nó. James tin chắc rằng lúa mì của người láng giềng sẽ mọc cao hơn của ông. Và cứ mỗi lần ông nhìn qua người láng giềng, ông có cảm tưởng rằng ông này đang cười nhạo ông.

Trái lại, John có tính khí trầm tĩnh. Ông im lặng làm việc và làm tốt, mặc dù cực nhọc và đau đớn. Thỉnh thoảng, ông dừng lại cho ngựa được nghỉ ngơi. Ông nhìn qua người láng giềng và thầy rằng ông này ở tình trạng rất dao động, ông muốn giúp đỡ người láng giềng, nhưng ông biết rằng khi ông tất bật như thế thì tốt hơn nên để ông ta làm một mình.

Sự khác nhau giữa hai người láng giềng không do những điều kiện bên ngoài của đời sống họ mà do tình trạng bên trong của tâm trí họ. Chúng ta nhìn thế giới và người khác, không được như bản chất của họ nhưng theo bản chất của chúng ta: suy bụng ta ra bụng người. John vui sống với sự bình an và thanh thản nội tâm. Còn James sống trong tình trạng rối loạn nội tâm. Không có trở ngại nào lớn hơn trong mối quan hệ tốt đẹp với người khác bằng việc mình khó chịu với chính mình.

Đức Giêsu đến để mang lại cho chúng ta sự sống và giải phóng chúng ta khỏi chính mình. Người trấn an những nỗi sợ hãi của chúng ta, và chữa lành những lo âu cùng thù hận của chúng ta, nhờ thế Người làm chúng ta có thể nhìn thế giới với một tấm lòng bình thản và một tâm hồn rộng mở.

 

45. Ánh sáng soi đường – Giuse Lm. Phạm Thanh Liêm

Chúng ta đang ở Chúa Nhật thứ sáu phục sinh, thứ năm tới là lễ Chúa Thăng Thiên nếu nơi đó không dời vào Chúa Nhật tới, và Chúa Nhật tới nữa là lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Ai yêu Ta thì giữ Lời Ta

Theo Tin Mừng, Đức Yêsu nói với các tông đồ rằng: “Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta, Cha Ta sẽ yêu mến người đó, và chúng ta sẽ đến và ở với người đó”.

Yêu mến ai, thì vâng lời người đó, làm theo điều người đó muốn. Không vâng lời ai, là không yêu người đó, ít nhất là không yêu đến độ bỏ ý riêng mà vâng lời. Thánh Y-nhã nói: “tình yêu hệ tại ở việc làm hơn tại lời nói”. Chúa Yêsu đã nói: “không phải những người nói ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Thiên Chúa” (Mt.7, 21).

Ai vâng nghe Lời Chúa, được Thiên Chúa ở cùng, và người đó trở thành dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện cho người khác nữa.

Thánh Thần sẽ dạy các con mọi sự

Đấng Bầu Chữa, Thánh Thần được Thiên Chúa Cha gởi tới nhân danh Chúa Yêsu, sẽ dạy các tông đồ mọi sự, và sẽ nhắc nhớ các tông đồ những gì Đức Yêsu đã nói với các ngài.

Chính trong Thánh Thần và nhờ Thánh Thần, Đức Yêsu ban bình an của Ngài cho chúng ta. Bình an Chúa Yêsu ban cho chúng ta, không ai có thể cướp được, ngay cả những người quyền thế có thể giết người, cũng không thể cướp được bình an ấy. Bình an Chúa ban, là hậu quả của xác tín được Chúa thương yêu vô cùng. Người có ơn bình an Chúa ban, cảm nhận Chúa là tất cả đối với mình. Ngài là Đấng không gì có thể đánh đổi được, Ngài là “mối lợi tuyệt vời” mà người được ơn nhận ra.

Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta. Ngài dạy chúng ta mọi sự, Ngài giúp chúng ta làm những gì làm đẹp lòng Thiên Chúa. Thánh Thần giúp chúng ta tự do với tất cả. Trong bài đọc thứ nhất, một số Kitô hữu gốc Do Thái đòi các Kitô hữu gốc dân ngoại phải cắt bì, vì họ cho rằng có như vậy, các tín hữu dân ngoại mới được cứu độ. Để bảo vệ và làm sáng tỏ Tin Mừng, Phao-lô vàBarnabas đã quyết làm sáng tỏ vấn đề: Kitô hữu được cứu độ không do cắt bì nhưng do tin vào Đức Yêsu. Và “quyết định dưới tác động Thánh Thần” của các tông đồ đồ, là các Kitô hữu không phải cắt bì. Thánh Thần giúp chúng ta sống trong bình an và tình yêu, chứ không sống trong sợ hãi hay nô lệ. Thánh Thần Thiên Chúa, làm chúng ta tự do đích thực.

Ánh sáng soi thành là Con Chiên

Để có thể nhìn thấy vật gì đó, vật đó cần ánh sáng chiếu rọi và hình ảnh được phản chiếu vào mắt, nhờ vậy người ta có thể nhìn được. Con Chiên là đèn soi thành, Đức Yêsu là ánh sáng, là tiêu chuẩn giúp người ta nhận định được đâu là điều hay để làm và điều xấu để tránh.

Thế gian có tiêu chuẩn riêng của nó, và những người theo thế gian sống theo tiêu chuẩn thế gian: tiền bạc, danh vọng, địa vị. Hậu quả của việc đi tìm tiền bạc, danh vọng, không là hạnh phúc đích thực. Tiền bạc, danh vọng, khoái lạc, có “xiềng xích” riêng của nó, nó có thể trói buộc con người và biến con người thành nô lệ.

Ước gì mỗi người nhận ra Đức Yêsu là “đường, sự thật và sự sống”, và để Chúa trở thành tiêu chuẩn và ánh sáng cho từng người, để chúng ta được tự do đích thực.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Theo Chúa, bạn được giải phóng khỏi nô lệ điều gì?

2. Bạn có kinh nghiệm Thiên Chúa gần gũi với bạn không? Xin bạn chia sẻ.

3. Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta! Điều nào Chúa dạy khó nhất đối với bạn? Tại sao?

 

46. Suy niệm của Lm. Thu Băng

THÁNH THẦN SẼ NHẮC NHỞ CÁC CON MỌI ĐIỀU THẦY ĐÃ NÓI VỚI CÁC CON

Lời Chúa hôm nay được trích trong Tin Mừng Thánh Gioan trong bữa tiệc ly sau khi Giuđa phản bội ra đi nộp Ngài. Chúa Giêsu thoải mái nhắn nhủ các môn đệ thâm tín (Ga 14,23-29).

- Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người đó và chúng ta sẽ đến và ở trong họ;

- Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy và Đấng Bảo Trợ sẽ đến và ban bình an cho họ.

Có câu chuyện kể rằng: Một thanh niên chân thành muốn đi tìm thầy để học đạo. Anh từ giã cha mẹ để lên đường. Cha mẹ khuyên anh ở nhà để học theo gương cha mẹ cho đắc đạo. Nhưng anh không muốn những đạo lý thông thường cha mẹ dạy mà muốn học hỏi cao siêu hơn. Trên đường đi anh gặp một đạo tặc đầy uy tín, ra lệnh một lời là người ta phăm phắp nghe theo. Nhưng một hôm đi hành nghề, vị đạo tặc lại chạy trốn một toán quân của nhà vua đang tầm nã, khiến anh đâm ra nghi ngờ vị đạo tặc này cũng không có uy thế bằng quân lính nhà vua. Anh liền bỏ vị đạo tặc và đi theo xin phò nhà vua.

Cũng chẳng được bao lâu, nhân dịp nhà vua mở một lễ tế tôn phục thượng đế nhân vụ mùa màng Thượng đế cho tốt đẹp. Anh nghĩ đức vua cũng còn thua vị Thượng Đế này nên anh xin phép được đi suy phục Thượng Đế. Đi một hồi, anh đến đồi Thánh Giá, thấy Chúa Giêsu treo trên đó. Ngài phán: “Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta. Cha Ta và Ta sẽ yêu mến và chúng ta sẽ ở trong người ấy và tâm hồn họ sẽ được bình an thư thái”..

Anh suy phục Chúa và xin làm môn đệ. Chúa truyền cho anh trở về làng và gặp bất cứ ai đi chân đất, tay cầm tràng hạt và sống công chính, giữ luật và an vui với cuộc sống thì hãy theo người đó mà học đạo.

Anh trở về, trên đường anh để ý quan sát có người nào giống như vậy không để bái phục, nhưng chẳng thấy. Gần tới nhà thì trời đã xẩm tối, anh đành phải về xin trọ đêm. Vừa gõ cửa nhà cha mẹ, ông bà đang đọc kinh tối, nghe tiếng gõ cửa, bà liền chạy ra không kịp đi dép, tay cầm cỗ tràng hạt đọc kinh với dáng vẻ bình an thư thái. Anh liền hiểu ra lời Chúa dạy trên Thánh Giá. Cha mẹ đạo hạnh giữ lời khuyên của Chúa, yêu mến Chúa hết lòng, thi hành đức bác ái yêu thương.... Anh suy phục cha mẹ học đạo làm người theo gương Chúa dạy.

Tuân giữ lời Chúa bằng việc giữ lời khuyên dạy của cha xứ, vị đại diện Thiên Chúa.

Tuân giữ lời Chúa bằng việc chu toàn bổn phận thờ phượng Chúa mỗi ngày Chúa Nhật.

Tuân giữ lời Chúa bằng việc giữ bổn phận thờ Chúa trong gia đình.

Tuân giữ lời Chúa bằng việc nghe lời giáo huấn của Giáo Hội.

Tuân giữ lời Chúa bằng giữ đức công bằng và xa tránh các tội lỗi, đam mê, ham ước cách bất công.

Tuân giữ lời Chúa bằng việc sống đạo hạnh, nhân từ thương yêu đồng loại...

Được như vậy Chúa Ba Ngôi sẽ ngự trị trong gia đình, trong tâm hồn, ơn Chúa sẽ đổ tràn cho chúng ta. Chúng ta sẽ được bình an, được thảnh thơi thư thái, được sống trong ơn Chúa soi động mỗi ngày, mỗi việc, được sống hạnh phúc và an hòa.

Gia đình yêu mến Chúa thì giữ lời Chúa, chu toàn giới luật của Chúa, siên năng cầu kinh thì gia đình sẽ được bình an.

 

47. Phúc kẻ giữ luật Chúa - Lm. Minh Vận, CRM

Một ngày kia, bà vợ quan Phutipha vì say mê cậu Giuse là tôi tớ trong nhà, tìm mọi cách cám dỗ cậu phạm tội với bà, Giuse cự lại và nói với bà: “Có lý nào tôi đang tâm làm truyện đồi bại và lỗi phạm đến Thiên Chúa của tôi sao?” (Gn 39,9) Chính vì không chấp nhận điều bất xứng đó, mà Giuse đã bị vu khống là dụ dỗ bà phạm tội, nên cậu đã bị quan Phutipha chồng bà tống ngục, nhưng Chúa hằng phù trợ, khiến Giuse được ơn trước mặt quan giám ngục.

Cũng một mẩu truyện tương tự: Một phụ nữ trắc nết kia dụ dỗ một tu sĩ phạm tội với cô, Thầy đã dùng lời khôn ngoan để thức tỉnh lương tâm khi nói với cô: “Chúng ta hãy ra chợ”. Cô ta đã bẽ mặt rút lui vì sợ con mắt người đời. Vậy chúng ta càng phải sợ hơn biết bao trước nhan Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, khi tưởng nhớ Ngài hằng hiện diện khắp mọi nơi, cả những nơi kín nhiệm nhất trong tâm hồn con người.

I. GIỚI LUẬT CÔNG BẰNG

Đọc Cựu Ước, chúng ta thấy Do Thái là một dân tộc kiêu hùng, vì họ luôn tự hãnh diện là một Dân Riêng Chúa tuyển chọn và được Chúa yêu thương cách đặc biệt. Do đó, có thể nói họ là một dân tộc cứng đầu cứng cổ. Mặc dầu Chúa vẫn tỏ ra là một Thiên Chúa đầy khoan dung và hay tha thứ; nhưng nhiều lần Ngài cũng đã phải minh chứng Ngài là một Thiên Chúa đầy uy quyền và công thẳng, trừng phạt cân xứng vì tội bất tuân, bỏ Ngài để tôn thờ ngẫu tượng tà thần của dân ngoại. Chẳng hạn truyện tổ phụ Maisen lên núi cầu nguyện và được Chúa trao cho bia đá khắc 10 giới luật của Chúa; khi trở lại với dân, thấy họ đang thờ cúng tượng bò vàng mà họ đã yêu cầu ông Aaron đúc cho họ, nên đã bị Chúa nổi cơn thịnh nộ trừng phạt họ; vì, Do Thái đã hiểu sai tinh thần luật Chúa, họ giữ luật do óc nô lệ sợ hãi, chứ không do lòng kính mến tuân giữ luật để làm hài lòng Ngài.

II. GIỚI LUẬT TÌNH THƯƠNG

Chúa Kitô đến trần gian, Ngài khai mào một kỷ nguyên Tình Thương, đồng hóa lề luật với lòng thương xót, như trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa đã phán dạy: “Ai yêu mến Thầy, sẽ tuân giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Trái lại: “Kẻ không yêu mến Thầy, thì cũng không tuân giữ lời Thầy truyền dạy” (Jn 14:23-24). Những ai tuân giữ lời Chúa, không những được Chúa Cha yêu thương, mà còn được Chúa Ba Ngôi đến lập cư trong linh hồn, biến người đó trở nên Đền Thờ sống động Chúa hiển ngự, nên Thiên Đàng Chúa ưa thích. Đó là vinh hạnh của chúng ta, một thụ tạo hèn mạt mà được Thiên Chúa, Đấng cao cả vô cùng hạ cố tới và còn lấy làm vui sướng hạnh phúc ngự trong tâm hồn chúng ta.

Để tỏ cho chúng ta thấy giáo lý của Chúa là Bác Ái, lề luật của Chúa là Tình Thương, nên nơi khác trong Tin Mừng, Chúa đã kêu gọi: “Các con hãy mang lấy ách của Cha, hãy học cùng Cha, vì Cha nhân từ và khiêm nhường trong lòng” (Mt.11:30). Chúa còn thêm: “Ách của Cha thì êm ái, gánh của Cha thì nhẹ nhàng” (Mt 11:30). Luật của Chúa sẽ trở nên ách êm ái và gánh nhẹ nhàng cho những ai yêu mến Chúa. Nhưng nếu thực sự khi nào chúng ta cảm thấy luật Chúa nặng nề, thì chính Chúa lại kêu gọi: “Nếu chúng con là những kẻ mệt nhọc vì gánh vác nặng nề, hãy đến, Cha sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các con”. Ban lề luật cho chúng ta, không phải là Chúa bắt chúng ta phải chịu khổ cực, nhưng là vì muốn cho chúng ta được hạnh phúc. Luật lệ xã hội cũng chứng minh điều đó.

III. PHÚC CHO AI GIỮ LUẬT CHÚA

Nói đến lề luật, tự nhiên ai cũng cảm thấy là khó khăn, gò bó, khắt khe, là trừng phạt, là công bình; nhưng trái lại, những ai ý thức được giá trị đích thực của lề luật, thì phải chân nhận lề luật đáng yêu đáng qúi, vì lề luật đưa con người đến hạnh phúc. Chính vì thế mà Chúa đã ban lề luật cho chúng ta, để chúng ta được hạnh phúc. Chúa đã cầu phúc: “Phúc cho những ai suy ngắm và tuân giữ luật Chúa đêm ngày”.

Vinh dự và hạnh phúc của chúng ta được ngay ở đời này, là được chính Chúa Ba Ngôi yêu thương và ẩn ngự trong linh hồn, nếu chúng ta tuân giữ luật Chúa, có ơn nghĩa với Người. Được hưởng sự bình an hạnh phúc, thứ bình an hạnh phúc đích thực mà người tội lỗi không bao giờ được nếm hưởng, dầu họ có quyền uy thế lực, nhiều tiền lắm của tới đâu, họ cũng không bao giờ được hưởng. Chính Chúa đã quả quyết: “Thầy ban sự bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thứ bình an Thầy ban không phải là thứ bình an của thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và sợ hãi”.

Chúa còn phán: “Những điều Thầy nói với các con bây giờ khi Thầy còn ở với các con; nhưng khi Đấng Phù Trợ là Thánh Thần sẽ được Cha nhân danh Thầy sai đến với các con, Ngài sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”. Nếu chúng ta yêu mến và tuân giữ luật Chúa, có ơn nghĩa với Người, chắc chắn chúng ta sẽ luôn được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, nhắc nhở, soi sáng qua tiếng lương tâm chân chính, để chúng ta biết làm điều thiện tránh điều ác. Chúa luôn soi sáng trí khôn, kích thích lòng muốn, tăng cường ý chí và lòng can đảm thực hiện điều Chúa muốn, để có nghị lực làm điều thiện tránh điều ác, đồng thời được Chúa cho hưởng nếm nguồn an bình hạnh phúc. Nhờ đó, chúng ta biết tuân giữ lề luật của Chúa cách dễ dàng, bằng tất cả tấm lòng yêu mến và tình con ngoan thảo, chỉ muốn làm hài lòng Cha nhân từ của mình.

Kết Luận

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta được nếm hưởng nguồn an vui hạnh phúc của con cái Chúa, bằng việc tuân giữ lề luật của Người với lòng yêu mến, luôn làm hài lòng Chúa Ba Ngôi đang hiển ngự trong tâm hồn chúng ta. Đừng bao giờ xua đuổi Chúa ra khỏi tâm hồn chúng ta bằng cách chấp nhận tội lỗi, vong ân bội nghĩa với Chúa. Khi chu toàn được điều đó rồi, chúng ta không còn sợ hãi bất cứ điều gì và rồi có thể quả quyết được như Thánh Tông Đồ Phaolô: “Ai có thể làm tôi xa lià được tình yêu Chúa Kitô?” Thánh Nhân lại tự trả lời: “Không ai, không thụ tạo nào có thể làm tôi xa lià được tình yêu Chúa Kitô”.

 

48. Bình an thật - Thiện Mỹ

Có người thợ giày ngày ngày vui vẻ ca hát. Lúc nào trẻ con trong xóm cũng đến ca hát với anh.

Đối diện với anh là một ông nhà giàu, suốt đêm lo đếm tiền, đến sáng mới ngủ nhưng không sao ngủ được vì tiếng hát ồn ào của thợ giày.

Ông mời ông thợ giày sang nhà, tặng anh môt túi đầy tiền vàng. Anh thợ giày mừng quýnh, đem về đếm cả ngày. Thấy đám trẻ đến nhìn, anh sợ chúng biết anh có nhiều tiền nên đuổi chúng đi.

Ban đêm anh sợ mất túi tiền, không dám ngủ rán thức canh giữ. Mòn mỏi quá, anh buộc lòng đem giấu, nhưng vẫn sợ mất, nên chỗi dậy giấu chỗ khác. Thế là anh không còn ca hát vui vẻ gì được nữa, đám trẻ xa lánh, đêm ngày anh càng gầy ốm xanh xao!

Thế là anh không chịu nổi nữa. Anh mang túi vàng trả lại cho ông nhà giàu. Từ đó anh lại vui vẻ thoải mái, ca hát với các trẻ hằng ngày. (Theo Wille Hoffsemmer).

Anh thợ giày dính bén tiền của, ham mê quá sinh ra rối lòng, từ đó ảnh hưởng đến tâm sinh lý; ăn không ngon, ngủ không yên, mất cả niềm vui thân thuộc, càng ngày càng suy thoái về tinh thần lẫn thể xác. May thay anh lại biết từ bỏ một đối tượng không lành mạnh để trở về cuộc sống an lành bình thường.

Phải chăng nhờ ảnh hưởng của Tin Mừng mà anh đã biết chỗi dậy không để cho của cải chi phối cuộc sống đến mức tai hại. Chúa đã nói rằng: “ Nếu tay ngươi làm cho ngươi vấp ngã, hãy chặt nó đi… Nếu chân ngươi làm cho ngươi vấp ngã, hãy chặt nó đi…. Nếu mắt ngươi làm cho ngươi vấp ngã, hãy khoét nó đi… (Mc.9,42-48)

Trong cuộc sống còn quá nhiều điều làm chúng ta mất bình an: Tội lỗi sinh ra rối lòng, mất tình yêu với Thiên Chúa, và khi xúc phạm đến tha nhân ta lại lỗi đức ái. Mỗi lần lỗi phạm chúng ta lại phải tái lập sự bình an trong tâm hồn, hoà giải với Thiên Chúa và tha nhân.

Ngoài tội lỗi ra những điều làm chúng ta mất bình an đó là đam mê thái quá. Những ham muốn ở đời này tự nó là tốt nếu đi trong lề lối của Thiên Chúa, nhưng ham mê quá độ đi vượt quá giới răn Chúa lại là thảm hoạ cho chính mình, cho tha nhân, cho xã hội. Cũng như anh thợ giày ham mê túi tiền vàng, thì ở đời này còn rất nhiều thứ làm cho người ta hấp dẫn. Chẳng hạn. Chúa ban cho loài người có nam có nữ để nâng đỡ nhau, bổ túc cho nhau và để tạo nên một hương thơm tình yêu tuyệt vời, nhưng khi sự hiện diện của chàng hay nàng chiếm đoạt tâm hồn đến ngày tưởng đêm mơ, nó bắt đầu đi đến phiền toái. Ham quá hoá ra tội lỗi, bệnh tương tư, thủ đoạn chiếm hữu, tệ hại nhất là bất chấp lề luật Chúa kể cả xung đột để được theo ý mình. Những chuyện đại loại như thế vẫn thường xảy ra trong cuộc sống thường ngày, ngay cả trong Kinh Thánh cũng không thiếu những chuyện giống như thế: Quan Pô-ti-pha mua Giuse từ chợ bầy bán nô lệ đem về nhà, thế mà đã lọt vào đôi mắt long lanh của bà vợ ông quan. Nàng dụ dỗ Giuse phạm tội:

- Anh nằm với em đi!

Từ xáo trộn nội tâm của nàng, làm rối rắm thêm cho tâm hồn Giuse, kèm theo bao tai hoạ khác nữa.

Trong con người chúng ta còn có rất nhiều đam mê không thể nào kể cho xiết, nếu chúng ta không tự chủ được, nó sẽ đảo lộn tâm hồn, làm mất bình an nội tâm. Chỉ có đường lối Thiên Chúa và ơn thánh của Ngài mới kìm hãm con người yếu đuối của ta được. Nếu chúng ta đi tìm tình yêu, thì hãy “ở lại trong tình yêu của Chúa” (Ga. 15,9). Nếu chúng ta đi tìm tiền của cũng là để dùng nó để mua chuộc nước trời mà thôi. Chúa Giêsu xuống thế làm người là để làm lại trật tự cho thế gian, đem bình an cho thế giới. Những trang đầu của sách Tin Mừng đã viết về lời chúc của Sứ thần khi Đấng Cứu Thế vừa mới ra đời:

“Vinh danh Chúa cả trên trời.

Bình an dưới thế cho người lòng ngay.” (Lc.2,14)

Nguồn bình an từ đó cứ tiếp tục chan chảy trên địa cầu, Ngài đến để xua đuổi mọi xáo trộn, đem lại niềm vui cho tâm hồn. Chính Đấng Cứu Thế sẽ đem lại phúc lộc bình an tuyệt vời nhất: “Lúc đó sự công chính nở rộ và bình an lớn lao tới khi mặt trăng khuất bóng”. (T.v. 72,7). Những ai thành tâm tìm kiếm Ngài sẽ tìm được yên vui. Các thánh Tông đồ là những vị theo sát chân Chúa nên đã được nếm hưởng nguồn ơn phúc bao la. Bình an của Chúa để lại cho các Tông đồ trước khi Ngài về trời không phải là lời bình an như phong tục người Do Thái chào chúc nhau mỗi khi từ giã, mà đây là sự trao ban bình an cho các Tông đồ: “Thầy ban cho chúng con sự bình an của Thầy” (Ga.14,27).

Hiệu quả ơn bình an của Chúa Giêsu rất dồi dào, các môn đệ không còn lo âu sợ hãi dù Thầy mình đã khuất bóng. Trái lại các môn đệ còn phải vui mừng vì Thầy mình đã hoàn tất sứ vụ Cứu độ ở trần gian, mang hào quang vinh thắng trở về với Chúa Cha. Hơn nữa các Ngài còn được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, nhắc nhở những việc phải làm, ban ơn sức mạnh phi thường để các Ngài hăng say đi vào giữa lòng thế giới, đem Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân. Dù phải túng thiếu, xa xôi, vất vả, hiểm nguy, bắt bớ, đòn đánh, tù ngục, cuối cùng sẵn sàng chịu chết vì Đức Kitô và cho muôn thế hệ mai sau.

 

49. Sống Lời Chúa - Tuân giữ lời Chúa

Vào một buổi chiều mùa đông, thánh Antôn đang quì cầu nguyện trong căn phòng nhỏ bé của mình, thì bỗng nghe thấy tiếng gõ cửa. Thánh nhân đứng dậy và ra mở cửa. Thấy một em bé có khuôn mặt sáng sủa đang đứng đó với chiếc bị trên vai. Thánh nhân liền hỏi:

- Em là ai?

Em bé trả lời:

- Ta là con của đức vua.

Thánh nhân hỏi tiếp:

- Vậy em từ đâu mà đến?

Em nói:

- Ta từ trời cao mà đến.

Thánh nhân tò mò:

- Thế em định tìm gì trên mặt đất này?

Em be chớp chớp đôi mắt và trả lời:

- Ta đi ăn xin tình yêu của loài người.

Em bé ấy chính Chúa Giêsu Hài đồng, đã hiện ra với thánh Antôn. Với chúng ta cũng vậy. Mặc dù Chúa Giêsu Hài đồng không hiện ra một cách cụ thể dưới hình ảnh một em bé với khuôn mặt sáng sủa và chiếc bị trên vai, nhưng Ngài hiện ra trong tâm hồn chúng ta. Ngài đang đứng đó và gõ cửa. Ngài chờ chúng ta đứng dậy và ra mở cửa để van xin chúng ta một tấm tình yêu. Ngài sẽ hỏi chúng ta như ngày xưa đã hỏi Phêrô:

- Con có yêu mến Thầy không?

Dĩ nhiên, chúng ta cũng sẽ hăng hái thưa lên với Chúa như Phêrô ngày xưa:

- Có chứ, con yêu mến Chúa là cái chắc.

Thế nhưng, chúng ta phải làm thế nào để biểu lộ được tình yêu chúng ta dành cho Chúa? May mắn thay, qua đoạn Tin mừng hôm nay, chính Ngài đã chỉ cho chúng ta một phương thế chắc chắn nhất và bảo đảm nhất. Ngài nói:

- Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ những lời Thầy truyền dạy.

Thực vậy, có lần Ngài đã kể lại câu chuyện về một người cha có hai đứa con trai. Vào một buổi sáng đẹp trời, ông nói với đứa anh:

- Con hãy vác cuốc ra làm vườn nho cho cha.

Đứa anh vâng vâng dạ dạ, nhưng sau đó nó vào trong buồng và nằm ngủ miết. Ông lại nói với đứa em:

- Con hãy vác cuốc ra làm vườn nho cho cha.

Đứa em lúc đầu tỏ ra ngần ngại, nhưng sau đó nó đã vác cuốc ra vườn làm cỏ. Như thế, đứa em đã yêu thương cha nó hơn đứa anh. Một người con ngoan trong gia đình chắc chắn không phải là một đứa con vùng vằng cãi trả mỗi khi cha mẹ sai bảo điều gì, trái lại phải là một đứa con mai mắn, vui vẻ vâng lời cha mẹ. Đối với Chúa cũng vậy. Để yêu mến Chúa, chúng ta phải tuân giữ những điều Ngài truyền dạy.

Chúng ta có nhiều cách để nói lên tình yêu thương dành cho một người nào đó. Chẳng hạn khi yêu thương ai, chúng ta có thể cầu nguyện cho họ, nghĩ tốt về họ và thầm mong cho họ được nhiều may mắn. Thế nhưng, ý nghĩ và tư tưởng thì trừu tượng, khó mà kiển chứng. Chẳng hạn khi yêu thương ai, chúng ta có thể ca tụng họ và nói tốt về họ. Thế nhưng, lời nói nhiều khi trở thành bôi bác và giả hình. Tuy nhiên, có một phương tiện chắc chắn nhất để biểu lộ tình yêu thương, đó là việc làm. Đức tin không việc làm, thì chỉ là một đức tin đã chết. Tình yêu không việc làm thì cũng chỉ là một tình yêu đã chết mà thôi. Chúng ta không thể chỉ cho người khác thấy một tình yêu không việc làm. Trái lại, căn cứ vào những việc làm, người ta sẽ đánh giá được tình yêu thương của chúng ta. Và đối với Chúa, việc làm đẹp lòng Ngài hơn cả, chính là tuân giữ những điều Ngài truyền dạy.

Thiên Chúa đã cho mặt trời mọc lên để soi sáng và sưởi ấm, đã cho mưa xuống để ruộng đồng được xanh tươi. Thế nhưng, muốn có được cơm gạo, bác nông phu đã phải làm lụng vất vả suốt ngày dưới ánh nắng gay gắt. Cũng vậy, để được Chúa yêu thương, chúc phúc và cứu độ, chúng ta cần phải cộng tác với Ngài, ít nữa bằng cách tuân giữ những điều Ngài truyền dạy, bởi vì chính Ngài đã xác quyết với chúng ta qua đoạn Tin mừng hôm nay: Ai yêu mến Thầy, thì tuân giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy.

 

50. Bình an

Thầy để lại bình an cho các con. Những lời chúc ấy thật là cần thiết và nâng đỡ, thoa dịu êm thắm lòng tôi.

Thật vậy, bình an Chúa hứa ban cho thật là cần thiết và an ủi, nhất là khi Người bảo chúng ta: “Đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Bình an Thầy ban cho anh em không phải như thế gian đã ban tặng…” Thật vậy, bình an của Chúa ban không phải là một thứ an tâm trong cám dỗ và thiếu xót, không phải là tránh lương tâm dưới áp lực của tội lỗi và tật xấu, không phải là đầu hàng để sống sai trái và bất công. Song bình an của Chúa là niềm hân hoan, vì tâm hồn được hòa giải với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa. Dù có đau khổ trong tinh thần hay thân xác, cả những lo âu trăn trở thì những đau khổ, những lo âu ấy cũng được chấp nhận, chia sẻ, và nó có một giá trị với những đau khổ của Chúa như một chia sẻ của những khó khăn và thử thách đối với người mình yêu thương.

Để được hưởng sự bình an ấy, chúng ta cần sống hòa giải với Chúa, với tha nhân và với chính mình, nghĩa là không để tội lỗi làm mình bất nhân, bất nghĩa với Chúa. Không để lòng mình bị những khuấy động sôi sục vì những ghen ghét, vì những bon chen ước muốn quyền lực, danh vọng… Chúa ban bình an cho chúng ta là để chúng ta mang bình an của Ngài cho tha nhân, để chúng ta trở thành dụng cụ bình an của Chúa đối với người khác.

Như vậy, bình an của Chúa nói đây là một lời trăn trối cuối cùng của Ngài khi Ngài sắp ra đi chịu chết và cũng là bình an của niềm vui khi Ngài sống lại. Bình an đó là điều qaun trọng, vì đó là ơn của Chúa Thánh Thần ban, nó chính là hạnh phúc đích thật mà chúng ta đang tìm kiếm. Bình an đó Thiên Chúa còn muốn cho mọi người, cho mọi quốc gia trên thế giới đều được hưởng mà chúng ta gọi là hòa bình.

Hòa bình ấy trong bài giảng ngày 29.9.1979 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói: “Trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ hòa bình được người ta tha thiết ước mong như ngày nay, nhưng rồi mỗi ngày người ta phải chứng kiến nó đang bị phá hoại và tiêu hủy, hòa bình là kết quả quan liêu, là thái độ tụ tập lại. Đó là những sản phẩm bận tâm về luân lý đạo đức của những nguyên tắc đạo đức dựa trên Phúc âm và được củng cố bởi Phúc âm”.

Hòa bình phải dựa trên con người, dựa trên ý thức bất khả xâm phạm của con người, dựa trên sự chấp nhận nguyên tắc bình đẳng giữa con người với con người, dựa trên tình huynh đệ lẫn nhau, sự kính trọng và yêu thương con người, chỉ vì tất cả con người là hình ảnh của Thiên Chúa.

 

home Mục lục Lưu trữ