Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 52

Tổng truy cập: 1379490

HOA QUẢ CỦA LÒNG THỐNG HỐI

Hoa quả của lòng thống hối

Sứ mạng của Gioan Tiền Hô là kêu gọi người ta ăn năn sám hối (Lc 3, 7 – 9) để dọn lòng mừng Chúa đến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ông, dân chúng tuôn đến nghe ông giảng dạy và muốn thực thi sự hóan cải đó. Vì thế họ gặp trực tiếp để bàn hỏi mình phải làm gì.

Gioan khuyên họ sống tốt trong hoàn cảnh của mình. Tùy theo hoàn cảnh của họ mà Gioan truyền dạy phải thực thi công bằng bác ái, sống đúng với nhiệm vụ của mình, thích hợp với địa vị của mình.

Việc thực thi công bằng bác ái mà Gioan đề ra như ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn cũng hãy làm như vậy.

Gioan lấy lại những yêu sách các tiên tri đã công bố. “Hỡi ngươi, Người đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; điều mà Giavê đòi ngươi lại không phải là thực thi công bằng, yêu mến sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Thiên của ngươi sao? ” (Mi 6, 6-8). Vì thế, ông không đòi buộc người ta phải lìa khỏi thế gian xấu xa hoặc phải từ bỏ các nghề nghiệp trong thế gian. Ông chỉ đòi hỏi lòng nhân hậu và đức công bằng: đó là những hoa trái biwe63u lộ lòng sám hối đích thực trong lúc này. Những việc làm bác ái mà ông đề nghị đã được quy định trong Cựu Ước (Is 58,7; Giop 31,17.19.21; Ez 18,7.16…)

Như thế lời khuyên này vẫn còn thích hợp trong thời đại chúng ta. Bên cạnh chúng ta còn nhiều người cần chúng ta thực thi lòng bác ái, sự chia sẻ, quan tâm giúp đỡ…. Vì cuộc sống của họ còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn; bệnh tật luôn theo đuổi. Họ thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, thiếu tình thương, thiếu sự chia sẻ công bằng, sự thật, chân lý,…

Để thực hiện lời mời gọi của Gioan thực thi công bằng bác ái, sống đúng với nhiệm vụ của mình, thích hợp với hoàn cảnh của mình, chúng ta phải thực hiện cuộc hoán cải nội tâm, canh tân đời sống, nhất là trong thái độ ứng xử tốt đối với mọi người, xây dựng m,ột nền văn minh tình thương, có công lý và hòa bình ngự trị.

Qua sứ điệp Lời Chúa hôm nay, Giáo Hội muốn dùng lời khuyên bảo của Gioan đối với dân chúng để nhắc nhở chúng ta phải tỏ lòng sám hối và đời sống bác ái và công bằng để xứng đáng đón nhận Chúa đến.

Ước gì niềm vui của Chúa Nhật III mùa vọng hôm nay không chỉ mang đến niềm vui cho chúng ta mà còn mang đến niềm vui cho tha nhân sưởi ấm lòng họ chờ đón Chúa đến.

Xin Chúa cho chúng ta sống niềm vui này là gặp được tha nhân và chính Chúa trong đời sống mình.

 

27. An và Vui – Anmai, CSsR

Những lần đi tham dự tiệc cưới, người ta thường hay chúc cho những đôi tân hôn với những lời chúc hết sức dễ thương: chúc cho hai bạn được an vui, hạnh phúc. Và trong những ngày đầu năm người ta vẫn thường hay chúc nhau: chúc anh, chúc chị, chúc ông, chúc bà sang nắm mới được an vui, hạnh phúc. Chẳng biết vô tình hay hữu ý mà chữ an vui nó dính liền với nhau. Nếu suy nghĩ như vậy thì ta có thể nói là khi nào tâm hồn ta bình an thì lòng ta mới vui được. Mà thật là thế! Không có niềm vui trọn vẹn nếu như tâm hồn người đó không được vui.

Thánh Lễ Chúa Nhật 3 Mùa Vọng người ta vẫn thường gọi là Chúa nhật hồng với ý chỉ rằng Chúa gần đến rồi, hãy vui lên, vui lên vì Chúa sắp đến.

Thi thoảng, chúng ta vẫn thường nghe hay thường hát với nhau: Vui lên anh em hãy mừng vui trong Chúa! Vang lên câu ca ta tạ ơn Thiên Chúa! Người đã đoái đến viếng thăm người chúng ta! Hallê Hallê lui! Hallêluia! Một khách quý, một thượng khách đến với gia đình ta, đến với cộng đoàn ta thì ta đã cảm nhận niềm vui ấy như thế nào huống hồ chi Chúa chính là vị Thượng thượng khách của mỗi người chúng ta. Lẽ nào Chúa đến với mỗi người chúng ta mà chúng ta lại buồn?

Hơn ai hết, Israel có cái cảm nghiệm hết sức sâu sắc về sự mong chờ Chúa đến. Trong lịch sử cứu độ, Chúa đã bằng cách này cách khác đến với dân qua các ngôn sứ, qua các sấm ngôn. Một trong những sấm ngôn, ngôn sứ loan báo niềm vui Chúa đến đó chính là ngôn sứ Sôphônia. Sấm ngôn mà chúng ta vừa nghe thật là hay:

Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion,

hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi!

Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi!

Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại,thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.

Đức Vua của Ísrael đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa.

Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ.

Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giêrusalem:

“Này Sion, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời.”

Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi,

Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng.

Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ,

sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi.

Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội.”

Thiên Chúa cũng mang trong mình cảm thức của con người, có lúc Ngài vui và cũng có lúc Ngài buồn. Vui khi thấy dân chúng nghe lời của Ngài và đi theo đường ngay nẻo chính mà Ngài chỉ vẽ. Buồn khi mà dân chúng cứng đầu cứng cổ. Bằng chứng, qua lời sấm ngôn chúng ta thấy đó. Thiên Chúa tức giận nên ra án phạt nhưng rồi khi nguôi cơn giận thì Ngài lại thương. Giá như mà dân Israel chịu đi theo con đường mà Thiên Chúa vạch ra thì đâu có chuyện tai ương, đâu có chuyện án phạt.

Dừng lại một chút để chúng ta thấy tại sao có tai ương, tại sao có án phạt? Đơn giản có tai ương án phạt vì dân Israel – dân Do Thái – sống có Chúa mà như không có Chúa trong cuộc đời của họ vậy. Họ đã đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ. Khi họ đẩy Thiên Chúa ra khỏi đời họ thì họ thoải mái sống bất công, chèn ép những người nghèo, những người thấp cổ bé họng hơn họ.

Đọc lại lịch sử cứu độ thời Cựu Ước, ta sẽ thấy rõ phần nào của cái kiếp nô lệ. Đã nghèo mà còn rơi vào cảnh nô lệ nữa thì coi như đời đã tàn.

Sang thời Tân Ước tưởng chừng khá hơn nhưng có khá gì đâu? Khi người ta đến hỏi thì Gioan trả lời một cách mau chóng, một cách thẳng thừng như chúng ta vừa nghe ông trả lời với dân. Không phải ngẫu nhiên mà Gioan lại trả lời một cách huỵt tẹt như thế này: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Câu trả lời này đủ hiểu là cuộc sống của của những người Do Thái thời Gioan như thế nào.

Và, gần nhất, ngay cái thời buổi hiện tại này, chuyện bất công trong xã hội, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội còn quá nhiều. Người ta nói cũng không sai rằng người giàu càng giàu thêm và người nghèo càng nghèo thêm. Vì sao? Vì tình trạng bất công cứ lan tràn trong xã hội.

Thế nên, lời của Gioan hôm nay rất có giá. Gioan trả lời quá sức là thực tế: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”

Bi đát của cuộc đời ngày hôm nay đó chính là tình trạng “sống chết mặc bay”. Người ta bất chấp lương tâm, bất chấp đạo đức của con người để rồi chỉ cần biết sao cho đầy túi tiền của họ là được rồi. Người ta vẫn mang trong mình cái tâm trạng hơn người khác là bắt đầu lên mày lên mặt và tìm đủ mọi cách để hà hiếp những kẻ dưới quyền mình, những kẻ thấp cổ bé họng hơn mình. Thực tế cuộc đời đã cho ta thấy quá rõ vai trò địa vị của những người nghèo trong cuộc sống và vì thế Gioan khuyên nhủ rất chính xác: Đừng hà hiếp ai! Đừng tống tiền ai!

Thật sự ra mà nói, hà hiếp, tống tiền người khác thì đời sống vật chất thoải mái thật đấy vì nhà cửa của họ thường sung túc, cao sang hơn người nghèo. Nhìn bề ngoài, những người giàu có có vẻ hạnh phúc hơn người nghèo, đó là điều hiển nhiên nhưng chưa chắc như vậy. Có chắc chắn rằng là giàu có là hạnh phúc hay không? Nếu được nghe những người giàu tâm sự ắt hẳn chúng ta, những người nghèo sẽ vở lỡ ngay! Vì lẽ đa phần người giàu họ hiếm có hạnh phúc lắm. Có chăng thì thoả mãn được nhu cầu vật chất của con người nhưng con người đâu sống bởi vật chất mà còn cả một cái khoảng trời tinh thần rất lớn.

Nhớ lời của Thánh Gioan nói thật hay: Hãy an phận! Vấn đề nằm ở chỗ đó đó! Không phải là chuyện giàu hay nghèo nhưng là chuyện ta có cảm thấy cuộc đời ta, phận người của ta có an hay không mà thôi!

Một chuyện kể có thật. Ở một xứ đạo nghèo nọ, có anh chàng kia bỗng dưng không thấy lui tới nhà thờ nữa. Cha xứ hỏi anh ấy tại sao anh không đến nhà thờ thì anh nói là tại vì anh đi chiếc xe đạp cọc cạch đến nhà thờ anh ta cảm thấy nhục quá! Để khi nào anh có xe máy thì anh sẽ đến nhà thờ! Thời gian sau, cha xứ thấy anh đi xe máy nhưng anh vẫn không đến nhà thờ. Cha xứ thắc mắc và hỏi tại sao anh không đến nhà thờ thì anh thiệt tình nói là anh cảm thấy nhục, nhục vì lẽ nhà anh ở còn xập xệ!

Thế đấy! Lòng tham của con người hình như nó vô đáy! Tưởng chừng có chiếc xe máy thì cũng an được cái phận nghèo nhưng chưa! Còn cái nhà! Thế nhưng, chưa chắc có cái nhà là anh ta chưa cảm thấy hết nhục vì khi anh ta xây được nhà thì người ta đã ở cao ốc cả rồi!

Cái vòng luẩn quẩn của sự bất an nó cứ đeo bám anh ta để rồi anh ta không bao giờ cảm thấy an được. Và không thấy an với tất cả những gì mình có thì làm sao cuộc đời của anh có thể vui được.

Ta cũng vậy thôi, ta dừng lại một chút để nhìn ta. Thời còn bao cấp, ta ước ao có được chiếc xe đời 81 như nhà hàng xóm nhưng nay, ta có cả một chiếc xe Dream, ngoài ước mơ của ta thuở ấy nhưng ta đâu có chịu dừng lại ở chiếc xe Dream. Khi có Dream rồi, ta lại ước mơ cao hơn nữa để rồi mãi mãi cuộc đời ta ở trong tâm trạng bất an.

Ta cũng giống như cái anh chàng ở xứ đạo nghèo kia. Khi ước mơ của ta thành hiện thực thì ta không dừng lại ở ước mơ đó mà lại đi tìm cái ước mơ cao hơn. Không phải ước mơ là xấu, không phải có óc cầu tiến là xấu nhưng chuyện quan trọng là ta phải biết dừng ước mơ của ta ở đâu và óc cầu tiến của ta như thế nào là đủ. Chuyện cần thiết là ta có cảm thấy ta an khi ta được như vậy hay không? Khi ta cảm thấy không đủ, không bằng người khác thì ta lại cứ đi tìm và đi tìm mãi có bao giờ thoả mãn lòng tham của con người. Khi nào ta cảm thấy ta đủ thì ta mới vui, ta mới bình an được.

Tâm thư của Thánh Gioan vừa gửi cho ta nơi cộng đoàn Philip thật là hay: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su

Tâm tình của Thánh Phaolô quá rõ ràng, chuyện của ta, chuyện cuộc đời của ta, ta cứ đem đi giãi bày cho Thiên Chúa và Ngài sẽ ban cho ta những điều mà ta thỉnh nguyện. Khi ta giãi bày với Thiên Chúa, ta sẽ được sự bình an thật, bình an của Chúa trong đời ta. Cuộc đời ta, nhìn lên không bằng ai như người ta vẫn thường nói nhưng khi nhìn xuống ta hơn được nhiều người. Khi ta đặt mình trước mặt Chúa, ta thấy Chúa thương ta nhiều hơn ta tưởng, ấy vậy mà ta vẫn cứ để cho cuộc đời ta cứ mãi loay hoay với nhiều thứ phù du mau qua chóng tàn.

Khi và chỉ khi ta chìm đắm trong cầu nguyện ta mới có được sự bình an và niềm vui thật.

Thật sự thì Chúa đã đến rồi, Chúa đã đến trong thế gian này và một lúc nào đó bất chợt Chúa đến với cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chúa đến với mỗi người chúng ta như kẻ trộm như Chúa đã từng báo trước vậy. Chúa đến vào lúc chúng ta không ngờ và vào giờ mà chúng ta không thể nào biết được. Chuyện quan trọng, chuyện cần thiết là ta phải giữ sao cho tâm hồn của ta được bình an đển khi Chúa đến ta có được niềm vui trọn vẹn. Khi ta thấy Chúa là đủ cho chúng ta, Chúa là tất cả cho chúng ta thì cuộc sống ta mới an bình thư thái thật sự.

Vinh danh Thiên Chúa trên trời – bình an dưới thế cho người thiện tâm! Bình an chỉ dành cho những ai thiện tâm, những ai có tấm lòng biết chia sẻ, biết quan tâm đến người nghèo.

Nguyện xin Chúa đến và ở lại với mỗi người chúng ta để tâm hồn chúng ta được tràn đầy niềm vui, tràn đầy bình an thật sự.

 

28. Hãy vui mừng trong Chúa!

Trong tâm tình chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, Chúa Nhật 3 Mùa Vọng hôm nay, Phụng vụ Lời Chúa kêu mời chúng ta sống tâm tình vui mừng, hoan hỷ, mừng biến cố Ngôi Hai Nhập Thể.

Niềm vui đó bén rễ sâu trong lời cầu nguyện và đó là dấu chỉ của người Kitô hữu: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa!” (Pl 4, 4). Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy vui lên trong Chúa, tôi nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui lên vì Chúa đã gần đến”. Và chúng ta nghe những lời đầy khích lệ được trích từ sách tiên tri Sôphônia: “Hỡi Israel, hãy hân hoan. Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nhảy mừng. Chúa đã rút lại lời kết án. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi sẽ không còn sợ tai họa nữa” (Xp 3, 14 – 15). Câu đáp ca cũng kêu gọi sống tâm tình hân hoan: “Hãy nhảy mừng và ca ngợi vì ở giữa ngươi có Đấng thánh của Israel thật cao cả”. Như thế Giáo Hội muốn chúng ta đón mừng Chúa Cứu Thế bằng một tâm hồn hân hoan, vui vẻ.

Trên thực tế, chúng ta không dễ dàng được an ủi và vui mừng vì mình mỗi ngày nghe, thấy, chứng kiến biết bao cái chết do chiến tranh, thiên tai, ôn dịch, nghèo đói, công lý bị coi thường. Làm sao chúng ta có thể vui mừng được khi biết rằng chung quanh chúng ta nhiều người đang gặp khổ sở do những ảnh hưởng trên. Hơn nữa, ngày nay con người cố tạo nhiều niềm vui giả tạo. Nhưng đâu là những niềm vui đích thực cho con người? Vì có những niềm vui mà sau đó con người cảm thấy trống rỗng, buồn sầu và chán nản. Có những niềm vui mà sau đó con người trở nên mệt mỏi và thất vọng. Có những niềm vui làm cho con người thêm âu lo, hối hận. Thế nên niềm vui mà Giáo Hội mong muốn chúng ta đạt được đây phải là niềm vui thật.

Nếu niềm vui bên ngoài như đến từ những cánh thiệp của mùa Noel, những trang hoàng rực rỡ đèn màu, ngôi sao, hang đá, máng cỏ,… thì đó chưa hẳn là niềm vui thật. Vì lễ Giáng sinh sẽ qua đi, mọi trang hoàng sẽ được dọn dẹp, mọi người đều trở về với cuộc sống hằng ngày. Niềm vui thật phải là niềm vui phát xuất từ bên trong của con người. Nếu chỉ đi tìm niềm vui bên ngoài mà thôi thì chỉ là một sự chạy trốn thực tại trong tâm hồn. Niềm vui chân chính phải bắt nguồn từ một trạng thái của tâm hồn và đặt nền tảng trên sự bình an.

Khi phục vụ tha nhân và chu toàn bổn phận hằng ngày của mình vì Chúa, đó là đường dẫn đến niềm vui thật sự cho tâm hồn mình. Mảnh đất tốt cho niềm vui thật phát triển là tình thương yêu nhau giữa con người. Sống trong một thế giới chạy theo lợi nhuận cá nhân “mạnh được yếu thua”, theo lối “chủ nghĩa cái tôi” thì con người chắc là không bao giờ yêu thương nhau được, họ khó thực hiện những điều Gioan Tiền Hô chỉ dạy trong Phúc Âm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể mĩm cười trong đau khổ và vui tươi trong thử thách, khi chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện trong đau khổ của chúng ta. Niềm xác tín này làm nảy sinh và gia tăng niềm hy vọng hân hoan.

Thật vậy, Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong lịch sử của con người, lịch sử cứu độ nhất là kể từ sự nhập thể của Chúa Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Đó là một sự hiện diện sống động như chính Chúa Giêsu đã nói: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng thế”(Ga 5, 17). Sự hiện diện đó không bao giờ là không giá trị nhưng chính sự hiện diện đó làm cho con người có giá trị hơn trong cuộc sống chung với đồng loại. Vì thế, chúng ta hãy có cái nhìn lạc quan vào Thiên Chúa và tha nhân. Với cái nhìn lạc quan và tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha nhân từ đầy lòng từ bi thương xót, chúng ta hãy luôn sống trong niềm vui và hy vọng. Niềm vui và hy vọng đó phải thúc đẩy mỗi người chúng ta cộng tác tích cực vào công trình cứu rỗi, nhờ ơn Chúa và với những người thành tâm thiện chí.

Nhưng làm sao để nhận ra “Đấng đang ở giữa ngươi”? Gioan Tẩy Gỉa đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể: “Ai có hai áo thì hãy chia cho người không có..Ai có cái ăn thì cũng làm như vậy…Đừng đòi hỏi quá mức ấn định…Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta. Hãy an phận với số lương của mình”(Lc 3, 10 – 14). Nói chung, Gioan đã đưa ra những hướng đi cụ thể: bác ái, chia sẻ, chấp nhận thực tại, sống hiền hòa, công bình, chính trực trong các mối tương quan xã hội. Sống như vậy là chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế, là đặt mình vào trong hàng ngũ những kẻ bé mọn của Thiên Chúa. Chính những người bé mọn này mới cảm thấy vui mừng và hy vọng, vì nhận ra Chúa sắp đến, đang đến…Ngài sẽ thay đổi tất cả, đổi mới toàn thế giới và xã hội.

Hãy vui mừng vì Chúa giải thoát đã đến và đang ở với chúng ta. Ngài đang thực hiện một cuộc đổi mới toàn diện, đang qui tụ muôn nước thành một dân một nước. Đó là Dân Chúa, Nước Trời. Không phải bằng vũ lực khống chế, nhưng bằng sự giải thoát loài người khỏi những ràng buộc của tội lỗi, ích kỷ nhỏ nhen, bất chính; bằng cách sống liên đới yêu thương, chia cơm sẻ áo; bằng cách sống công bình, chính trực và chan hòa với mọi người.

Lời Chúa trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước đều cho chúng ta thấy rõ đâu là niềm hy vọng của những kẻ tin, đâu là lý do hân hoan của những người bé nhỏ của Thiên Chúa: Thiên Chúa Cứu Độ, đó là tất cả động lực của cuộc sống và cuộc chiến đấu của người tin theo Chúa Kitô. Thiên Chúa nhập thể và cứu độ là căn bản để giải quyết mọi vấn đề: Thiên Chúa nhập thể để chúng ta sống như con cái, nghĩa là, như những con người tự do và trách nhiệm, những con người tự nguyện cống hiến cho tha nhân. Vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh bế tắc khó khăn nào, người có lòng tin vào Thiên Chúa vẫn không thất vọng, chán nản, vì họ biết rằng mọi phấn đấu của mình và của loài người đều mang một ý nghĩa cứu độ: ý nghĩa dọn đường cho Nước Trời, cho Đức Giêsu của Thiên Chúa ngự đến.

Muốn hòa mình vào niềm vui của Phụng vụ, chúng ta không thể không liên đới với những người đang khao khát đổi mới, đang khát vọng phẩm giá con người. Hơn thế nữa, Giáo Hội Chúa Kitô không thể đứng ngoài nhửng cuộc đấu tranh cho hòa bình, bình đẳng, tôn trọng con người, phát triển xã hội mà loài người đang theo đuổi. Sống Mùa Vọng là sống liên đới với người nghèo, là sống công bình với tha nhân, là sống hòa giải với mọi người, là sống yêu thương, an bình trong mọi hoàn cảnh, là đấu tranh cho tình huynh đệ và khơi lên niềm vui cho những ai đang chán nản, thất vọng chán chường vì không có niềm tin, vì đã mất niềm tin nơi con người, nơi xã hội và cả nơi Thiên Chúa nữa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết mở lòng mình ra để đón nhận Lời Chúa, thay đổi cách nghĩ, để sống tích cực hơn, phù hợp hơn với tinh thần Chúa mời gọi và cho chúng con niềm vui vì nhận ra Chúa đang hiện để cứu độ chúng con. Amen.

 

29. Niềm vui đích thực

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)

Cũng như Chúa Nhật III Mùa Chay, Chúa Nhật 3 Mùa Vọng được gọi là Chúa Nhật mầu hồng. Không biết truyền thống này có từ bao giờ, nhưng hẳn chúng ta thầm hiểu ý của giáo hội khi cho phép mặc phẩm phục mầu hồng trong Thánh Lễ. Mầu hồng gợi lên niềm vui, niềm hân hoan. Các bài đọc Lời Chúa cũng tràn đầy niềm hân hoan, phấn khởi. Tất thảy vì một lẽ này: đổi mới vì sợ hải thì sẽ hời hợt và chóng qua, trái lại vì hân hoan phấn khởi mà đổi mới thì sẽ thiết thực và bền lâu.

Sau khi nghe Gioan Tẩy giả rao giảng, dân chúng tuôn đến tham vấn: chúng tôi phải làm gì đây? Không ẩn mình trong đám đông, nhóm thu thuế, anh em binh lính cũng đến để xin hướng dẫn cách cụ thể đối với trường hợp của mình (x. Lc 3,11-14). Chắc hẳn người dân Israel thời bấy giờ đang khát khao sự xuất hiện của Đấng Thiên sai để giải thoát họ khỏi ách nô lệ ngoại bang. Và họ cũng như đã thông thuộc lời tiên báo của ngôn sứ Isaia năm nào về thời của Người: ” Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi… Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40,4-5). Qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta có thể nhận ra một vài lý do để phấn khởi, vui mừng:

– “Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Đấng Thánh của Israel thật cao cả”. Điệp khúc của đáp ca cho chúng ta một lý do để hân hoan đó là vì Đấng Thánh đang ở giữa chúng ta. Gioan Tẩy Giả cũng đã trả lời với một số tư tế và thầy Lêvi được phái đi từ Giêrusalem: ” Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Đấng ấy chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Có Chúa ở cùng, chính là hạnh phúc bất tận. Có Đấng cao cả cũng là Đấng đầy lòng từ bi và hay thương xót ở cùng, thì chúng ta đâu còn sợ gì. Dù người mẹ nào có bỏ con mình đi nữa thì Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta, vốn là hình ảnh của chính Người (x. St 1,27). Vấn đề là chúng ta đã thực sự nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa chưa? Câu trả lời nằm ở nơi thái độ của chúng ta, đó là có phấn khởi mừng vui hay không.

Nếu như chúng ta chưa thực sự mừng vui thì đó là một trong những dấu chỉ cho biết chúng ta chưa nhận ra Đấng Thánh, Đấng cao cả đang ở giữa chúng ta. Phận phàm hèn, làm thế nào để chúng ta có thể thấy Thiên Chúa, Đấng ngàn trùng chí thánh? Chính Chúa Giêsu đã minh nhiên cho chúng ta chìa khóa vấn nạn. ” Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Những lời khuyên của Gioan Tẩy Giả cho dân chúng cũng như cho binh lính và những người thu thuế xưa chính là cách thế giúp họ thanh tẩy tâm hồn để nên trong sạch. Và Ngài đã lưu ý rằng không phải cứ cúi mình xuống nhận dấu thanh tẩy mà được thanh sạch, nhưng phải thay đổi đời sống. Sau này chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định với người Pharisiêu đã mời Người dùng bữa rằng: Không phải do việc tẩy rửa bên ngoài mà làm cho chúng ta nên thanh sạch, nhưng phải đem những cái bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên thanh sạch cho chúng ta. (x. Lc 11,37-41).

– Hãy vui mừng vì Thiên Chúa đã rút lại lời kết án. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và vì chúng ta, Người cũng quy tụ những kẻ hư hỏng, người tội lỗi về (x.Soph 3,14-18). Niềm vui của người được tha thứ tội lỗi là niềm vui thật khó tả, hơn nữa, khi đó là một món nợ, vượt quá khả năng chi trả của chúng ta. Một người được thứ tha sẽ trở thành nguyên cớ để nhiều người tội lỗi khác tin tưởng trở về. Bất cứ tội lỗi nào cũng có tính lây nhiễm ít nhiều. Cũng thế và hơn thế nữa, ân phúc tha thứ nào cũng có sức năng động lan tỏa. Đây chính là lý do để ngôn sứ Sôphônia mời gọi chúng ta hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn (Soph 3,14).

– Hãy vui mừng vì Chúa Kitô đã chọn chúng ta, không vì công nghiệp của chúng ta mà chỉ vì tình yêu của Người. Thánh tông đồ dân ngoại đã nói với tín hữu Philipphê rằng nếu tự hào về công trạng theo lề luật, thì ngài có thể hơn rất nhiều người. Nhưng ngài bỏ tất cả đằng sau, ngài chấp nhận mọi thua thiệt, trước một mối lợi lớn là được biết chúa Kitô (x. Phil 3,1-16). “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em…” (Ga 15,16). Vì đã chọn chúng ta nên Chúa Giêsu tự nguyện liên đới với chúng ta cho đến cùng. Người không chỉ làm con chiên gánh lấy tội nhân trần mà còn đón nhận loài người như đàn em đông đúc để thông chia phần phúc gia nghiệp đã hứa ban (x. Êph 1,3-14).

Tuy nhiên, một vấn đề cần làm sáng tỏ: niềm vui đích thật được biểu lộ như thế nào? Chắc hẳn chúng ta đồng thuận với nhau rằng đó không phải là những tiếng cười ha hả của những bữa tiệc tùng đầy sơn hào hải vị và rượu bia. Cũng chẳng nhất thiết là trạng thái lâng lâng, ngay sau khi đạt được một thành công trong kinh doanh hay trong thi đấu thể thao…Một niềm vui đích thật đó là tâm trạng của người cảm nhận mình được yêu thương vượt quá mọi công trạng mình đã có, vượt quá mọi khả năng mình đang có hay sẽ có. Tâm trạng này chính là sự bình an tận đáy tâm hồn khiến chúng ta can đảm vượt qua mọi thử thách và gian khổ, đồng thời thúc đẩy chúng ta nỗ lực sống đức ái, nghĩa là biết yêu thương một cách không tính toán không chỉ với người dễ thương mà với cả những người thù ghét và bách hại chúng ta. Có thể nói rằng các thánh tử đạo là những người đã thể hiện niềm vui đích thực này cách rõ nét.

Nước Trời là vương quốc của tình yêu và của niềm vui đích thật. Chúng ta có thể luận suy chân lý này qua các hình ảnh tiệc cưới mà Chúa Giêsu đã dùng để minh họa về thực tại Nước Trời và các hình ảnh mà Người nói về tình trạng trầm luân đời đời, đó là nơi phải khóc lóc và nghiến răng (x. Mt 22,2; Mt 8,12). Mùa Vọng lại về, một trong những ý nghĩa của Mùa Vọng là chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Chúa nhập thể – nhập thế. Thiên Chúa đã làm người, đã vào trần gian và Người mãi ở với chúng ta cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Nước Trời đang ở giữa chúng ta (x. Lc 17,21). Ước gì bà con lương dân, anh em khác đạo và cả những người tự nhận là vô thần, thấy được niềm vui đích thật nơi Kitô hữu chúng ta. Trăm nghe không bằng một thấy. Thiết tưởng rằng đó cũng là một lời loan báo tin mừng khả tín không thua, mà có khi lại hơn những tổ chức “lễ hội đình đám” bên ngoài trong dịp mừng Chúa Giáng Sinh.

 

30. Bác ái và bổn phận

Tác giả Ôn Như Nguyễn Ngọc có kể câu chuyện như sau: Gia đình buôn bán nọ chế ra một cái cân để lừa đảo khách. Cái cân vừa nhẹ vừa nặng và bao giờ phần lợi cũng về phía ông ta. Vì buôn bán vậy nên chẳng bao lâu ông đã trở nên giàu có. Lại sinh được hai người con trai hiền lành, học giỏi khôi ngô tuấn tú, ai cũng khen là nhà có đại hồng phúc.

Một hôm, hai vợ chồng bàn nhau: bây giờ hai vợ chồng ta đã dư giả, giàu có không còn thiếu thứ gì ta hãy phá bỏ cái cân kia đi để dành cái đức lại cho con. Sau khi đem cái cân ra đập. Khi bể ra thì thấy có đọng một cục máu đỏ hỏn. Sau đó ít lâu thì hai đứa con bất tử lăn đùng ra chết, làm cho hai vợ chồng khóc lóc thảm thiết. Được Bụt hiện ra dạy “Hãy tu tĩnh làm ăn không tham lam gian lận”. Từ đó hai vợ chống cố gắng làm ăn không gian lận, làm phúc bố thí. Quả nhiên sau một thời gian sinh được hai đứa con trai khác hiền lành tử tế, văn hay chữ tốt, và sau lớn lên cha mẹ được vẻ vang hạnh phúc.

Qua câu chuyện trên ta thấy hai vợ chồng vì buôn bán gian lận nên hai đứa con bị Trời phạt nhãn tiền. Điều đáng khen là họ nhận ra mình tội lỗi, và tự biết phục thiện sửa đổi và được tha thứ. Công việc mà họ phục thiện chính là ăn ngay ở lành, làm phúc bố thí và không buôn bán gian lận. Nhìn chung lại chính là hãy biết làm tròn bổn phận và sống bác ái. Tương tự bài Tin Mừng dân chúng cũng lũ lượt kéo đến với Gioan.B và hỏi ông “Tôi phải làm gì?” hay “Tôi phải phục thiện bằng cách nào? ” để rước Chúa. Câu trả lời của Gioan.B không ngoài hai việc chính là:

  1. Sống bác ái

Trong bản văn Tin Mừng không nói rõ là Gioan.B kêu gọi mọi người sống bác ái. Nhưng qua lời ông yêu cầu mọi người hãy sống tương trỡ lẫn nhau:”Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”. Gioan.B muốn họ làm một công việc bác ái cụ thể giúp tha nhân chứ không phải chờ đợi bằng lời nói xuông. Thật ra ngày nay chúng ta cũng gặp được nhiều người làm việc từ thiện, làm những công việc bác ái giúp đỡ người nghèo, người tàn tật cơ nhỡ ở khắp nơi. Nhưng cách làm việc của họ không có được tinh thần bác ái như lời Gioan.B kêu gọi. Vì đôi khi họ chi cho những chiếc “áo cũ”, “áo không mặc nữa”. Còn Gioan.B thì kêu gọi người ta cho đi cái mình “đang mặc”. Không thể phủ nhận lòng tốt của mọi người, nhưng nhiều người đã lạm dụng công việc bác ái để đạt được mục đích mà họ muốn, chứ không có chút gì là ái cả. Cho nên cũng có rất nhiều phần lương thực được giúp cho người nghèo, mà là phần dư thừa chứ không phải tất cả những gì họ có. Nhưng cũng có những tấm lòng cao cả mà cho đi với tinh thần không đắn đo, không đòi hỏi mà làm việc bằng một con tim hiến dâng. Điều đó thật đáng khen.

Thực trạng ngày nay đang cần con người sống bác ái với nhau nhiều hơn nữa, biết “nhường cơm xẻ áo”. Qua thống kê mới đây cho biết trên thế giới có khoảng một tỉ người bị đói vì cuộc khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó lại có quá nhiều người dư thừa tiền của. Nếu tất cả mọi người đều sống theo lời mời gọi cua Gioan.B, thì trên thế giới không còn người đói nghèo và bệnh tật nữa. Thánh Gioan.B khôngđưa ra một đòi hỏi nào quá sức mình, vì vậy để sống trong tầm tình mùa vọng, chúng ta không chỉ dọn đường mà còn phải sống bác ái ngay trong đời thường, với những người ở xung quanh ta. Vì chắc chắn Thiên Chúa sẽ không thích ta sống dư thừa của cải, trong khi người anh em lại thiếu thốn không đủ cung ứng cho nhu cầu của họ.

  1. Làm việc bổn phận

Bài Tin Mừng còn nhắc đến những người thu thuế và lính tráng. Đối với dân Israel, hai hạng người này bị coi là xấu xa tội lỗi, vì họ tiếp xúc với dân ngoại và nghề nghiệp mang đến cho họ hành vi bất nhân, làm giàu cách bất chính. Nhưng thánh Gioan.B thì không nghĩ thế, ngài chỉ yêu cầu họ làm đúng, làm tròn và làm tốt công việc mà họ đang làm. Tiêu biểu đối với người thu thuế ngài nói: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh”. Nghĩa là gian lận trong thu thuế là không hợp với đạo đức. Với người lính cũng nhận được mệnh lệnh tương tự: “Chớ hà hiếp ai cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”. Công việc binh nghiệp tự nó đâu phải là xấu, mà cũng chẳng đáng chê trách, chỉ xấu khi người ta lợi dụng nó làm việc bất chính, như hà hiếp, tống tiền… Lời kêu gọi của Gioan.B trong mùa chay này thật đơn giản dễ thực hiện. Nhưng đòi hỏi mỗi người phải thực hiện cách triệt để và quyết liệt. Vì nếu chúng ta dọn lòng không sửa đổi thì Thiên Chúa sẽ không vào được lòng ta, vì nó đã chứa đầy những bất chính lo âu rồi. Vậy mỗi người hãy biết ăn năn sám hối để dọn lòng đón Chúa trong mùa vọng này.

Lạy Chúa, xin cho con biết mở lòng ra với tha nhân, để yêu thương chia sẻ những gì mình có, và làm tốt công việc mà Chúa đã giao. Amen.

home Mục lục Lưu trữ