Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 91

Tổng truy cập: 1379713

HOÀN HẢO HƠN

HOÀN HẢO HƠN-  Lm P. Huỳnh Ngọc Tiên

Chúa Giêsu đã từng phán: “Ta đến không phải để phá luật lệ mà để làm trọn”. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay minh chứng điều đó: “Luật mới hoàn hảo hơn luật cũ.”

Phúc Âm, (bài đọc 3) kể lại người luật sĩ kia, có vẻ lúng túng vì luật lệ đạo cũ quá nhiều và phức tạp, đến hỏi Chúa Giêsu rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Và Chúa Giêsu, sau khi kê hai giới răn, mến Chúa, yêu người, đã thêm rằng: “Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó.” Chúa không đưa ra điều răn nào mới lạ cả. Điều răn thứ nhất rút ra trong sách Đệ nhị luật (bài đọc 1) ông Môisen bảo dân Do Thái: “Hỡi Israel, hãy nghe đây. Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn, hết sức ngươi…” Điều răn thứ hai rút trong sách Lêvi (19,18): “Ngươi sẽ không báo oán cừu hờn với các dân ngươi, nhưng ngươi sẽ yêu mến đồng loại ngươi như chính mình…” Có điều mới lạ chăng? Là Chúa ráp hai giới răn đó lại làm một: vì quan trọng như nhau và không tách rời nhau. Hễ mến Chúa là phải yêu người. Càng mến Chúa thì càng yêu người. Yêu người, không những bà con bạn hữu mà lại cả kẻ thù nghịch nữa. Chính ông luật sĩ cũng đã tán đồng ý tưởng Chúa: “Đúng lắm! Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình và yêu người như chính mình, thì hơn mọi lễ hy sinh”.

Trong thơ gởi tín hữu Do Thái (bài đọc 2), Phaolô cũng minh chứng Giao Ước mới hoàn hảo hơn Giao Ước cũ. Thánh nhân lấy ví dụ người tư tế. Theo Cựu Ước, người tư tế và lễ vật hiến tế khác nhau. Theo Tân Ước, Tư tế và lễ vật cũng là một. Chúa Giêsu vừa là Thầy Tư tế vừa là Lễ vật. Chúa tự dâng mình làm lễ tế thượng tiến Chúa Cha. Xưa phải có nhiều tư tế: vì các tư tế hay chết, nên phải có nhiều để tuần tự nối tiếp nhau mà tế lễ. Nay một mình Chúa Giêsu, vì Người không chết nữa, là thượng tế đời đời. Lễ Misa hằng ngày cũng là lễ tế xưa Chúa truyền lại để nhắc đến Người: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Ta”. Vậy Phaolô quả quyết rằng: “Người làm việc ấy chỉ có một lần, khi hiến dâng chính mình. Vì lề luật thì đặt nhiều người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau lề luật, thì đặt Người Con hoàn hảo làm Thượng Tế đến muôn đời”. Cho nên Lễ tế mới hoàn hảo hơn Lễ tế cũ.

Có xưa mới có nay, có cũ mới có mới, luật cũ, luật mới cũng đều do Chúa ban ra cả. Chúa dùng Môisen truyền rao luật cũ, Chúa sai Con Một mình là Đức Kitô rao truyền luật mới. Chúa dùng vật chất cụ thể đưa lần người ta đến trừu tượng thiêng liêng. Tân Ước chính là viên mãn Cựu Ước mà Chúa là tác giả chính: Vì chỉ có mình Chúa mới có quyền ra lề luật cho nhân loại.

Tân Ước hay Cựu Ước đều là Lời Chúa hay ban sự sống. Chúng ta có bổn phận phải lĩnh hội để được sống. Như Chúa Giêsu đã phán: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Ý thức như thế, âu là được Chúa cũng sẽ bảo như đã bảo ông luật sĩ: “Ông không xa nước Thiên Chúa bao nhiêu”.

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN- Năm B

GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT (*) –  Lm. Giuse Đinh Tất Quý

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực,và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”(Mc 12,33)

Kính thưa anh chị em.

Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đã nghe đi nghe lại nhiều lần. Những gì Chúa muốn nói với chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta cũng dư biết. Ở đây tôi chỉ xin được đưa ra một vài nhận định để rồi sau đó chúng ta cố rút ra một vài bài học thực tế cho chúng ta.

Trước hết là vấn đề được đặt ra với Chúa hôm nay.

Đây là vấn đề vốn được bàn cãi rất nhiều trong giới rabbit Do thái.

Vào thời của Chúa Giêsu thì Luật được coi là chính thức gồm 613 điều trong đó có 248 điều buộc phải làm và 365 điều cấm không được làm.

Vấn đề mà người luật sĩ đặt ra với Chúa hôm nay không phải là vấn đề con số nhưng là giá trị. Trong số những khoản luật đó, khoản nào là quan trọng nhất?

Để trả lời, Chúa Giêsu đã trưng ra hai điều luật tương đối được nhiều người cho là quan trọng. Điều thứ nhất như sau:

“Hỡi Israel, hãy nghe đây, Giavê Chúa chúng ta là Thiên Chúa độc nhất”

Đây là điều mà người Do thái coi là hết sức quan trọng. Chính vì thế mà

+ họ phải được đọc câu này lên mỗi khi khởi sự giờ thờ phượng trong nhà hội,

+ những người Do thái ngoan đạo còn ghép câu này lại trong các thẻ bài bằng da rồi đeo trên trán và trên cườm tay để đọc mỗi khi cầu nguyện

+ Rồi còn được chép lên một tấm bảng đặt vào trong một hộp nhỏ hình trụ gọi là Mezuzah để treo lên trước cửa nhà cũng như trên cửa các phòng trong nhà, để nhắc cho người ta nhớ đến Chúa lúc đi ra cũng như đi vào.

Khi Chúa Giêsu trích dẫn câu này và coi như một điều răn quan trọng, thì ai cũng thấy điều đó là quá đúng rồi, không còn phải bàn cãi chi nữa.

+ Tiếp đến Chúa trưng ra một câu thứ hai. Câu này được trích từ sách Lêvi 19,18.”Hãy yêu thương người lân cận như chính mình” Trong câu này, Chúa Giêsu có sửa đổi lại một chút. Sách Lêvi xác định rất rõ kẻ lân cận là người Do thái, chứ không bao giờ bao hàm cả những người ngoại bang, là kẻ mà dân Do thái được phép thù ghét. Còn Chúa khi trích dẫn câu này thì Ngài không xác định, cũng không giới hạn đối tượng của nó. Như vậy Ngài đã lấy một điều luật cũ rồi đổ vào đó một ý nghĩa mới.

Và sau đây mới là điều hoàn toàn mới: Chúa ghép chung hai điều răn này lại với nhau. Trước đó chưa hề có một rabbit nào dám làm như vậy. Với việc ghép chung lại như thế, Chúa muốn xác định một cách dứt khoát đạo của Chúa là đạo Tình yêu: Yêu Chúa và yêu người. Và Ngài cũng ngụ ý dạy rằng phương pháp duy nhất để người ta chứng minh được mình yêu mến Thiên Chúa là yêu thương người khác.

Ông kinh sư hôm nay quả là một người rất thông minh. Ông nắm bắt được ý của Chúa một cách rất nhanh. Ông cũng là người biết tôn trọng sự thật, dám công khai nhìn nhận những điều Chúa dạy là đúng là phải trước mặt mọi người.

Nội dung câu chuyện đơn sơ như vậy, nhưng nó cho chúng ta thấy cốt lõi đạo của Chúa nằm ở chỗ nào: Nằm trong hai tiếng yêu thương.

Thánh Gioan Tông đồ viết: Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình yêu. (1Ga 1, 7- 8).

Albert Camus một nhà văn lớn của Pháp tuy không có cảm tình gì mấy với Chúa Giêsu nhưng ông cũng đã nói một cách rất chân thành: “Nếu tôi phải viết một cuốn sách về luân lý, thì cuốn sách ấy sẽ dài 100 trang, mà 99 trang để trống, trên trang cuối cùng, tôi sẽ viết: tôi chỉ  biết có một nghĩa vụ, và nghĩa vụ đó là yêu thương.”

 Pascal cũng đã từng nói: “Tất cả những gì không dẫn đến yêu thương đều là giả tạo.”

Léon Bloy “Bạn sống như thế nào đối với người bạn thân của bạn mỗi ngày: kính trọng hay khinh khi? Nào bạn không biết rằng Đức Kitô ở giữa mọi người, Ngài đảm nhiệm tất cả, gánh chịu tất cả, đau khổ vì tất cả. Bởi thế, xúc phạm đến một người là xúc phạm đến Ngài, hạ nhục một người là hạ nhục chính Ngài, nguyền rủa một người là nguyền rủa chính Ngài, giết hại một người là giết hại chính Ngài”

Mục tiêu của toàn bộ Kinh thánh cũng chính là lòng bác ái yêu thương.

Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô viết: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, trừ phi là tình mến, vì kẻ yêu người là chu toàn lề luật.”

Chúa Giêsu đã đến không phải là để hủy bỏ lề luật và các tiên tri, mà là để kiện toàn. Và Ngài kiện toàn lề luật bằng cách qui mọi giới răn và lệnh truyền vào giới răn: mến Chúa yêu người. Luân  lý Kitô-giáo do đó không phải là một hệ thống gồm những điều phải làm và những điều không được làm, mà thiết yếu là con đường dẫn đến sự sống và hạnh phúc thật.

Không có tình yêu cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa nhưng sống yêu thương điều đó mới đẹp làm sao!

Một vị Giám mục kiểm tra khả năng của một nhóm ứng viên xin lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Ngài hỏi:

– Bằng vào dấu chỉ nào các người khác nhận ra các con là người Công giáo?

Không có tiếng trả lời. Rõ ràng không có ai ngờ một câu hỏi như thế. Vị Giám mục lập lại câu hỏi và ngài lập lại thêm một lần nữa, lần này ngài làm dấu thánh giá có ý mách nước cho các người dự tòng một câu trả lời đúng. Bất chợt một ứng viên trả lời:

– Đó là “Tình yêu” .

Hãy nhớ lại lời của Chúa Giêsu: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau”

Tại đất nước Bangladesh, một trong những nước nghèo nhất thế giới, có một người đàn ông nọ đi bộ về nhà sau một ngày làm việc cực nhọc tại xương thợ.

Vì  quá mệt mỏi, ông dừng lại ngồi nghỉ dưới bóng cây ven đường và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Khuôn mặt tiều tụy của ông khiến người đi đường tương ông là một người hành khất kiệt sức và ngất xỉu. Và người ta chạnh lòng thương, ai đi qua cũng bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu.

Khi thức giấc người công nhân già hết sức ngạc nhiên thấy chiếc mũ cũ kỹ của mình đầy nhữ đồng xu. Số tiền đếm được còn nhiều hơn một ngày công thợ của ông. Ông mỉm cười tự nghĩ mình đã là một người hành khất bất đắc dĩ. 

Trên đường về nhà, ông nhìn thấy nhiều người ăn mày đui mù tàn tật, ông lặng lẽ chia đều cho họ số tiền vừa mới nhận được. Và hơn ai hết, người công nhân nghèo ấy hiểu được: được nhận lãnh và được chia sẻ cũng đều là một niềm hạnh phúc không gì có thể sánh bằng.

Lạy Chúa,

xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin

để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,

nơi khuôn mặt khốn khổ

của tất cả những người bị thử thách,

những kẻ đói không chỉ vì thiếu của ăn,

nhưng vì thiếu Lời Chúa;

những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,

nhưng còn vì thiếu sự bình an, sự thật,

công bằng và tình thương;

những kẻ vô gia cư,

không chỉ tìm kiếm một mái nhà,

nhưng còn tìm trái tim hiểu biết, yêu thương; những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,

không chỉ trong thân xác,

nhưng cả trong tinh thần,

bằng cách thực thi lời hy vọng này:

“ Điều các con làm cho

người bé mọn nhất trong anh em

là các con làm cho chính Ta”.

                                         Mẹ Têrêxa Calcutta

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN- Năm B

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI-  Trích Logos B

Ngày 16/5/2004 là một ngày đặc biệt : Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong chân phước Gianna Beretta Molla lên bậc hiển thánh.

Tại sao chị Gianna Beretta Molla, một người phụ nữ bình thường đã trở thành thánh ? – Thưa, vì đó là một người mẹ đầy can đảm.

Gianna là một bác sĩ công giáo, sinh năm 1922 tại Bắc Ý. Cô có chồng là kỹ sư Pietro Molla và 3 người con. Năm 1961, Gianna mang thai lần thứ tư. Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì hai vợ chồng nhận đươc tin dữ : Gianna bị ung thư (tử cung). Vì là 1 bác sĩ, Gianna hiểu rõ bệnh trạng của mình. Chị phải đứng trước một chọn lựa thật khó khăn : một bên là mạng sống mong manh của đứa con, một bên là mạng sống của chính mình. Chị phải chọn lựa: hoặc là phá thai và cắt bỏ bướu ung thư, cách này an toàn cho người mẹ hơn ; cách thứ hai : chỉ cắt bỏ bướu ung thư mà không đụng đến thai nhi. Cách này cứu được đứa con, nhưng mạng sống của người mẹ bị đe dọa nặng nề.

Gianna đã chọn cách thứ hai. Sau khi các bác sĩ mổ lấy hài nhi ra cách an toàn, Gianna đã sung sướng ôm lấy con vào lòng. Sau đó, bệnh của Gianna đã trở nặng và vào ngày 28/4/1962, Gianna đã trút hơi thở cuối cùng. Chị đã chết để cho con mình được sống. Chị đã chết vì tình yêu.

Thánh nữ Gianna Beretta đã đi theo con đường tình yêu mà Chúa Giêsu đã đi. Hôm nay, Chúa Giêsu đã xác định lại con đường tình yêu đó qua việc khẳng định lại giới răn trọng nhất là : mến Chúa yêu người (101 giai thoại các thánh, Luy Gonjaga Maria, tr. 90).

Giới răn trọng nhất

Bài Tin Mừng theo thánh Marcô hôm nay thuật lại câu chuyện một luật sĩ đến chất vấn Chúa Giêsu xem giới răn nào trọng nhất. Có lẽ giới luật sĩ coi đây là câu hỏi khó trả lời. Họ rất muốn nhìn thấy Chúa Giêsu lúng túng trước câu hỏi này. Vấn nạn này khó trả lời vì trong đạo Do Thái có 613 khoản luật được đặt ra dựa trên Mười Điều Răn. Thế nhưng, toàn bộ lề luật không cho biết điều luật nào trọng nhất.

Hơn nữa, những luật sĩ cùng mang một quan niệm như những người Do Thái thời bấy giờ : giới răn được chú trọng nhất là giới răn hướng về Thiên Chúa. Như trong bài đọc I, trích sách Nhị Luật, ông Môisen nhấn mạnh cho dân Do Thái thấy điểm quan trọng của điều răn kính mến Chúa : “Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi”.

Trải qua bao thế hệ, người Do Thái đã tuân giữ điều răn ấy. Tuy nhiên, kính mến Chúa chưa phải là giới răn duy nhất quan trọng. Vì giới răn đó chỉ có chiều dọc hướng về Thiên Chúa mà thiếu chiều ngang hướng về con người.

Chúa Giêsu đã đưa ra giới răn trọng nhất là giới răn “kép” gồm hai giới răn song hành với nhau : “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức và yêu mến tha nhân như chính mình”.

Điều trọng nhất của giới răn này là Chúa Giêsu đã coi việc “yêu mến tha nhân” ngang hàng với việc “yêu mến Thiên Chúa”. Điều đó cho thấy Chúa Giêsu đã nâng lề luật cũ lên một tầm cao hơn, trọn hảo hơn. Ngài không đến để phá bỏ lề luật, nhưng để hoàn thiện lề luật. Điều đó còn cho thấy một nét cao cả trong mầu nhiệm cứu chuộc : Thiên Chúa đã xuống thế làm người để nâng loài người lên ngang hàng Thiên Chúa trong tình yêu, trở thành đối tượng bình đẳng trong tình yêu.

“Yêu người” chính là “mến Chúa”

Hôm nay, Chúa Giêsu đã nâng “luật yêu người” ngang tầm với “luật mến Chúa” và kết hợp thành một giới luật duy nhất : “Mến Chúa yêu người”. Cũng giống như người Do Thái ngày xưa, chúng ta thường chỉ chú trọng đến việc “mến Chúa” hơn là “yêu người”. Chúng ta cũng chỉ quan tâm giữ trọn luật “ngày Chúa Nhật” nghĩa là đi dâng lễ ngày Chúa Nhật hơn là thực thi bác ái trong đời sống. Thánh Gioan đã khẳng định một cách mạnh mẽ : “Nếu ai nói yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà họ không trông thấy” (1 Ga 4, 20). Hơn nữa, Chúa Giêsu còn đồng hóa mình với những kẻ bé mọn thấp hèn. Vì thế, nếu chúng ta yêu mến phục vụ tha nhân là yêu mến phục vụ chính Chúa. Còn nếu chúng ta ghét bỏ khước từ tha nhân là ghét bỏ khước từ chính Chúa (Mt 25, 31-39).

Tuy nhiên, nếu chỉ “yêu người” theo cách thức thế gian, nghĩa là không xây dựng tình yêu nhân loại trên nền tảng lòng yêu mến Chúa, thì đó chỉ là “tình người” nhất thời, vị kỷ và mau lụi tàn. Vì vậy, tình yêu Chúa phải là căn nguyên, là động lực, là điều kiện để yêu người, yêu tha nhân. Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa như cội nguồn và phải quay trở về Thiên Chúa như là cùng đích của nó. Chỉ có lòng yêu mến Chúa mới nuôi dưỡng tình yêu tha nhân bền chặt, dài lâu và vô vị lợi.

“Mến Chúa yêu người”, con đường ngắn nhất về trời

Sau khi nghe Chúa Giêsu giải thích và hướng dẫn về giới răn trọng nhất, vị luật sĩ kia đã thấu hiểu lời Chúa dạy và Chúa Giêsu đã khen ngợi ông : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Một cách gián tiếp, chúng ta có thể hiểu rằng : mến Chúa, yêu người chính là con đường ngắn nhất giúp chúng ta đạt tới Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, đó không phải là con đường một chiều, trái lại luôn có hai chiều song hành với nhau: một chiều hướng về Thiên Chúa, một chiều hướng về tha nhân.

Chúng ta có thể tạm ví con đường mến Chúa yêu người giống như “đường rầy xe lửa”. Chuyến tàu tốc hành của đời người sẽ mau chóng về đến đích nếu luôn chạy vững vàng trên “hai đường ray” mến Chúa yêu người.

Ngày 31/10/2006, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Giáo phận Đà Lạt cùng với các linh mục trong Giáo phận đã cử hành lễ giỗ 33 năm của Đức Cha Jean Cassaigne, người cha vĩ đại của những người cùi Di Linh, cũng là người thiết lập trại cùi Di Linh.

Sau 15 năm làm Giám mục địa phận Sài Gòn, Đức Cha Jean Cassaigne đã tình nguyện về sống với những người cùi ở Di Linh, trong một ngôi nhà gỗ nhỏ hẹp. Mười tám năm trời, ngài sống trong thinh lặng giữa rừng núi âm u, với những người cùi quê mùa chất phác. Cuối cùng, ngài đã chết ở giữa họ như một chứng nhân tình yêu. Hiện nay, ngôi mộ của ngài vẫn hiện diện ở giữa trại như là một chứng tích hùng hồn nhất về tình yêu quảng đại vị tha.

Điều gì khiến một giám mục có quyền sống an nhàn sung sướng, đã từ bỏ mọi sự để đến sống giữa những người cùi khốn khổ ? Tất cả vì lòng mến Chúa yêu người. Có lẽ chuyến xe cuộc đời của Đức cha Cassaigne chở đầy ắp yêu thương đã về nơi vĩnh cửu. Nhưng với gương sáng của lòng mến Chúa yêu người, ngài tiếp tục đưa nhiều người về với Chúa, xứng với danh hiệu mà Giáo phận Đà Lạt đã đặt cho ngài : “Ông tổ của công cuộc truyền giáo tại Di Linh”.

Ước gì cuộc đời chúng ta cũng là một chuyến xe được thúc bách bởi lòng mến Chúa yêu người, cũng đưa được nhiều người về với tình yêu Thiên Chúa.

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN- Năm B

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI-  Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Dân Do thái được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn giữa bao dân tộc khác. Ngoài việc thiết lập Giao ước, Thiên Chúa còn ban cho họ Mười Điều Răn được khắc trong hai Bia Đá, qua đại diện ông Môisê trên núi Sinai. Đó là luật căn bản, nhưng với thời gian, trải qua nhiều thế hệ, giới lãnh đạo Do thái đã giải thích thêm thành 613 điều, chia ra 248 điều tích cực phải làm, và 365 điều cấm làm. Khi đặt ra nhiều luật lệ như thế, thì họ không biết điều nào quan trọng hơn cả.

Chính vì thế, có một nhà luật sĩ tìm đến hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, trong các giới răn, giới răn nào trọng nhất?”. Đức Giêsu đưa ra hai điều: một trong sách Đệ Nhị Luật: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” (Đnl 6,5). Và một trong sách Lêvi: “Ngươi hãy yêu thương người thân cận như chính mình” (Lv 19,18). Đó là hai điều căn bản, quan trọng nhất , thật rõ ràng và đầy đủ. Chỗ khác Chúa nói: toàn bộ Thánh kinh và các lời ngôn sứ đều qui tóm lại hai điều đó là: Mến Chúa yêu người thôi.

Mến Chúa và yêu người tuy không đồng hạng nhưng phải đồng hành với nhau một cách khắng khít. Thánh Gioan tông đồ nói rằng: nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét tha nhân là kẻ nói dối, vì tha nhân là những người cùng chung sống mà chúng ta không yêu thương, thì làm sao yêu mến Đấng vô hình được . 

Thật vậy, Đức Chúa Trời ban 10 điều răn, nhưng chỉ dành 3 giới đầu trong việc thờ phượng kính mến Chúa, còn lại 7 giới răn sau, Chúa dành cho việc đối xử với tha nhân. Như vậy, Chúa coi việc đối xử với tha nhân là thước đo lòng yêu mến Chúa. Thế thì, tại sao ta phải thương yêu tha nhân? Thưa vì :

Tha nhân là hình ảnh của Chúa (St 1, 26). Ta yêu Chúa thì phải yêu những gì thuộc về Chúa.

Tha nhân là chi thể của Chúa. Nói theo tư tưởng của thánh Phaolô về mầu nhiệm hiệp thông. Chúa Giêsu là đầu nhiệm thể, còn tất cả chúng ta là chi thể của nhau (1Cr 6,15).

Tha nhân là giá máu cứu chuộc của Đức Kitô. Đức Kitô đã trả giá rất cao để cứu độ từng người chúng ta, nên chúng ta cũng phải biết kính trọng tha nhân.

Tha nhân là đền thờ Chúa Thánh Thần. Ngày chúng ta lãnh Bí tích rửa tội, đã trở nên đền thờ Chúa Ba Ngôi ngự trị, vậy ta phải tôn kính đền thờ sống động này (1Cr 6, 19).

Ấy thế mà thưa anh chị em, thế giới càng văn minh thì dường như phần đông nhân loại trái tim lại hẹp hòi ích kỷ hơn, do chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ. Vì thế, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nhận định: “Đó là nền văn minh của sự chết “.

Mặc dầu thế giới văn minh, nhưng vẫn còn rất nhiều nơi thiếu thốn lương thực. Đức Chúa Trời tạo dựng nên vũ trụ này tốt đẹp và ban cho con người trí óc thông minh. Thế mà tại sao vẫn còn tình trạng thiếu thốn đói khát như vậy?. Thưa bởi vì con người thiếu tình liên đới quan tâm đến nhau.

Phần lớn của cải được cất giữ trong ngân hàng, trong két sắt, tủ áo của những nhà tỉ phú, của những đại gia kếch sù.

Người ta bỏ ra hàng bao nhiêu tiền của để đầu tư vào những vũ khí tối tân, những thiết bị y tế, nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ mạng sống con người, nhưng trong khi đó người ta sẵn sàng giết chết những đứa con ngay từ trong dạ mẹ.

Người ta bỏ bao nhiêu thời giờ, bao nhiêu tiền bạc, thời giờ đi du lịch nước này nước nọ chơi được, nhưng lại khó lòng dành ra một chút thời giờ đi thăm viếng những người đau yếu, bệnh tật, những người neo đơn bị con cháu bỏ rơi trong những khu ổ chuột ngay trong làng xóm ngỏ chúng ta.

Có khi người ta không chết vì chén cơm manh áo, nhưng người ta chết vì đói lòng thương xót, đói tình người, đói sự quan tâm chia sẻ với nhau. Cho nên, thế giới ngày nay con người rất cần những tấm lòng yêu thương, đồng cảm, chia cơm xẻ áo cho nhau.

Xin anh chị em nhớ cho rằng: Ngày nhắm mắt lìa đời, khi đối diện trước mặt Thiên Chúa là người Cha nhân lành. Chúa không hỏi chúng ta mỗi ngày con đi mấy lễ, con vào mấy hội đoàn, con đọc mỗi ngày bao nhiều kinh…. Nhưng chỉ hỏi một điều duy nhất là con có yêu mến Ta không?. Mà thước đo lòng yêu mến Chúa được căn cứ vào đức bác ái đối với tha nhân mà thôi.

Cầu mong cho mỗi chúng ta, ngày sau hết được nghe những lời Chúa mời gọi: “Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh lấy phần gia nghiệp là sự sống đời đời mà Cha Ta đã dành sẵn cho các ngươi, vì xưa Ta đói các ngươi cho Ta ăn, Ta khát các ngươi cho Ta uống, Ta bệnh tật các ngươi viếng thăm… hãy vào hưởng sự vui mừng hạnh phúc với Ta”(Mt 25, 34-35). Amen.

home Mục lục Lưu trữ