Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 69

Tổng truy cập: 1379741

HÔM NAY THIÊN CHÚA CẦN NGƯỜI MẪU

HÔM NAY THIÊN CHÚA CẦN NGƯỜI MẪU- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ

Tin mừng theo thánh Mác-cô cho thấy Đức Giêsu trích lời Kinh Thánh trong sách Đệ Nhị Luật: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết trí khôn hết sức lực, và yêu anh em như chính mình”. Đây thực sự là giới răn đem lại hạnh phúc cho con người.

Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng

Từ thời Môsê, khoảng thế kỷ 13 trước Công Nguyên, dân Do Thái đã nhận lãnh giới luật yêu mến Thiên Chúa: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Anh em hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực anh em”. Đến thời Đức Giêsu, khi một ký lục hỏi Đức Giêsu: “Thưa thầy, giới răn nào trọng nhất?” Đức Giêsu đã trả lời bằng cách lập lại giới răn Môsê đã truyền cho dân Do Thái ngày xưa: “Đây là giới răn thứ nhất: hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực ngươi. Giới răn thứ hai: hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn những điều này”.

Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực- nghĩa là- đặt Thiên Chúa trên hết mọi sự, chọn Thiên Chúa trên tất cả, lấy Thiên Chúa là đủ cho mình và không ao ước gì ngoài Thiên Chúa. Làm sao để điều này thành hiện thực khi con người chạy theo tiền tài danh vọng? Làm sao để những người cho rằng Thiên Chúa là một từ ngữ có một tương quan tình yêu thiết thân với Ngài? Con người được mời gọi nhận biết và cảm nghiệm Thiên Chúa là Đấng yêu thương, và Ngài sẵn sàng làm tất cả để được con người. Điều này, không phải con người làm nhưng chính Thiên Chúa làm cho con người; Thiên Chúa đang dùng con người để giúp Ngài làm cho con người nhận ra tình yêu của Ngài đối với họ.

Đức Giêsu được sai đến để thực hiện điều này: làm sao để con người yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn hết trí khôn hết sức lực. Đức Giêsu đã làm mọi cách: đã nói cho con người biết Thiên Chúa là ai, Ngài yêu thương con người đến độ nào, và Ngài chờ mong con người trở về với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng luôn săn sóc con người; Ngài sẵn sàng ban tất cả cho con người, ngay cả chính Con Ngài. Lời của Thiên Chúa mang trọn vẹn ý nghĩa khi con người, cụ thể nơi các tông đồ, nhận ra Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể làm người. Chỉ với biến cố phục sinh, con người mới nhận biết Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, và rồi, con người mới biết Thiên Chúa yêu thương con người đến độ nào.

Con người tự do chọn lựa

Con người là hữu thể tự do. Con người được tạo dựng để thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đặt để nơi con người một ước vọng hướng về Ngài như nguồn chân thiện mỹ. Con người luôn được mời gọi để hướng về Ngài, chọn Ngài qua những thực tại trần gian. Chọn điều tốt, chọn điều thiện hảo, chọn yêu thương tha nhân, là chọn chính Thiên Chúa. Chọn điều tốt lành thiện hảo, chọn Thiên Chúa, sẽ làm con người được bình an hạnh phúc.

Làm sao con người có thể chọn điều thiện hảo tốt lành, khi mà thân xác con người cảm thấy cần tiện nghi vật chất, cần tiền bạc để thỏa mãn những nhu cầu vật chất? Thánh I-nhã Loyola cho rằng khi người ta có cái nhìn đúng đắn về Thiên Chúa và tạo vật, khi người ta bình tâm trước tạo vật và chỉ đi tìm Thiên Chúa và ý định của Ngài, thì con người được hạnh phúc đích thực. Đức Yêsu nói với các tông đồ: “giầu có khó vào được Nước Trời; lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Thiên Chúa”. Nhưng làm sao để người ta nhận ra rằng điều đó là đúng, và làm sao để người ta chọn điều người ta thấy là đúng?

Tình yêu giúp người ta nhận ra sự thật. Tình yêu sẽ đưa người ta vào chính đạo. Tình yêu sẽ giúp người ta trở về với Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa tác động trên con người, trên những trung gian con người mà Ngài dùng, đồng thời trên mỗi người để khao khát tiềm ẩn nơi họ được bừng sáng, để họ nhận ra con đường đích thực giúp họ bình an hạnh phúc. Yêu mến Thiên Chúa và yêu mến con người, sẽ làm con người được bình an hạnh phúc. Những người sống trong tình yêu sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi phục vụ anh em mình.

Yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn hết trí khôn

Con người được gì khi yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn hết trí khôn hết sức lực mình? Thiên Chúa là chân thiện mỹ; nếu một người chọn Thiên Chúa, chọn chân thiện mỹ, là chọn anh em mình. Nếu một người chọn Thiên Chúa, thì sẽ tôn trọng quyền lợi của tha nhân. Người chọn Thiên Chúa và tha nhân sẽ sống an bình và hạnh phúc với tha nhân. Một người chọn tiền bạc danh vọng, sẽ dùng tha nhân và ngay chính anh em như phương tiện để đạt được mục đích của mình; như vậy họ gây khổ não cho tha nhân và ngay cả anh em họ. Nếu một người chỉ chọn họ và không để ý tới quyền lợi của tha nhân, người đó không thể sống hạnh phúc với người khác.

Yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn hết trí khôn hết sức lực, là đặt thực tại trần gian vào đúng chỗ của nó. Với những người này, Thiên Chúa và ý định yêu thương của Ngài đối với con người phải là trên hết, tha nhân phải được tôn trọng; và khi sống như vậy, chính người “yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn hết trí khôn và yêu anh em như chính mình” sẽ là người sống hạnh phúc, sống an bình và thuận hòa với chính mình và với người khác xung quanh họ.

Yêu mến Thiên Chúa trên hết và yêu mến tha nhân như chính mình, không chỉ là lề luật phải giữ mà còn là khuôn vàng thước ngọc, giúp người ta sống an bình hạnh phúc. Với những người chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, thì phải diễn đạt điều lề luật Do Thái nói trên bằng “mỗi người phải chọn chân thiện mỹ trên tất cả, tôn trọng và yêu mến tha nhân như chính mình”. Để đạt được điều trên, mỗi người cần ơn trên soi sáng và giúp đỡ; và trong mức độ con người, Thiên Chúa vẫn cần những con người cộng tác với Ngài để giúp con người hôm nay ý thức và sống lề luật này. Thiên Chúa cần những người mẫu cho con người hôm nay.

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN- Năm B

GIỚI RĂN MỚI SIÊU THĂNG VÀ HOÀN HẢO HÓA GIỚI RĂN CŨ- Lm  Gioan M. Nguyễn Đức Hùng CRM

Từ trước tới nay tôi nghe và đọc nhiều bài giảng nói khá hay về giới răn cũ, nhưng lại thấy rất ít ai đề cập và đào sâu hơn một chút về giới răn mới, giới răn yêu thương của Chúa Giêsu, và điều đó làm tôi ngạc nhiên không ít.

Thưa các bạn,

Phải thú thực là yêu thương người khác được như chính mình như giới răn Chúa đòi dân Do Thái thời Cựu ước, thì cũng là khá trình độ và tuyệt vời rồi. Chúng ta thử tưởng tượng là, nếu các nước ngày hôm nay họ sống yêu thương, đối xử với nhau, lo cho nhau như lo cho chính mình họ, như lo cho chính gia đình họ, thì chắc hẳn là bầu không khí của giữa những con người với nhau, giữa các cá nhân, giữa các gia đình, giữa các quốc gia với nhau sẽ đẹp, thanh bình và hạnh phúc biết bao nhiêu!

Tất cả chúng ta đang được vinh hạnh sống trong thời Tân ước, thời mà Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa Cha, nhập thể và nhập thế để trở nên Đấng Emmanuel ở cùng chúng ta, Đấng đã từng phán: Hạnh phúc của Ta là được ở với con cái loài người. Chính Đấng ấy đã mặc khải cho chúng ta biết về Chúa Cha, và kêu gọi chúng ta hãy nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt.5,48). Như Cha là Đấng cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt,và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. (Mt.5,45).

Chúa Giêsu với tất cả tình yêu thương âu yếm,Ngài đến để bảo đảm hạnh phúc cho ta. Ngài bật mí cách thoải mái Tình Yêu Hiền Phụ của Thiên Chúa Cha đối với từng người chúng ta. Ngài dẫn chúng ta đi sâu vào tình thân mật đối với Cha Ngài; Ngài lại còn tỏ cho chúng ta biết phẩm giá vô cùng hạnh phúc lớn lao là chúng ta được nâng lên làm con Thiên Chúa, con đúng nghĩa hơn tất cả những người con với bố nó hợp lại;Ngài mặc khải cho ta về chỉ có Cha là Đấng Nhân Lành đúng nghĩa hơn hết, là Đấng yêu chúng ta chỉ vì Ngài muốn yêu,chứ không phải tại ta có gì tốt mà Ngài mới yêu, rồi khi ta không tốt nữa thì Ngài lại không yêu chúng ta nữa. Không, ngàn lần không, Tình Yêu của Ngài luôn bất biến, dù tình con người có thay đổi đổi thay, nhưng Tình Ngài muôn đời vẫn thế! Ngài say yêu ta, đối xử với ta rất tình Cha với ta,lại còn cho phép và rất muốn chúng ta đối xử thân tình dễ thương với Ngài như những đứa con bé nhỏ thảo mến ruột thịt. Đồng thời, Ngài phá bỏ mọi ranh giới giữa chúng ta với nhau,để nhận ra nhau đều là những anh chị em con cùng một Cha một Mẹ trên trời.

Các bạn kính ái!

Chúa Giêsu đã đến không phải là để hủy luật cũ mà là kiện toàn, siêu thăng, hoàn hảo hóa lên, trình độ hơn, cao cơ hơn…

Thế thì, có phải không? Chúa Giêsu đã từng nói: Anh em đã nghe luật xưa dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù; còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em; nơi khác Chúa nói rõ hơn: Hãy yêu thương kẻ thù, làm ơn cho người ghét các con, chúc phúc cho người nguyền rủa các con, để các con nên giống Cha các con trên trời…Vâng, giới răn cũ và mới khác rồi đấy, các bạn ạ!

Trước đó Chúa còn nói: Luật xưa dạy rằng: Mắt thế mắt, răng thế răng; còn Thầy, Thầy bảo anh em: Đừng chống cự người ác; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy cho nó cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm (Mt.5,38-41). Giới răn cũ và mới đã rất khác rồi đấy!

Chính vì thế mà Chúa đã tuyên bố nhiều lần, nhất là trước khi chịu chết là: “Thầy truyền cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

Bài Tin mừng hôm nay, Chúa nhắc lại giới răn cũ khi người thanh niên đầy thiện chí hỏi Chúa. Sở dĩ Chúa nhắc lại giới răn cũ là bởi vì lúc đó Chúa chưa thiết lập giới răn mới là giới răn mà Chúa chỉ tuyên bố thiết lập khi Chúa đã dạy dỗ đủ điều và đã làm gương. Và Ngài đã chính thức thiết lập Giới Răn Mới trong bữa Tiệc ly, trước khi Chúa đi chịu chết để cứu chuộc nhân thế.

Như vậy bạn và tôi có lẽ chúng ta đã hiểu được tinh ý của Thầy Chí Thánh rồi. Ngài muốn chúng ta yêu nhau, yêu mọi người với mức độ như CHÍNH NGÀI đã yêu, chứ không phải là yêu như CHÍNH MÌNH nữa. Có phải khác biệt nhau một trời một vực phải không, thưa các bạn?

Các bạn ạ!

Cách đây gần mười năm, lúc đấy tôi còn là một ông thầy muôn năm. Hôm đó đi chia sẻ cho một nhóm quý anh chị đã tận hiến cho Đức Mẹ, chủ đề về đức Bác ái, một chị trưởng nhóm có hỏi tôi rằng: Thưa Thầy, ở vùng chúng con có một người đàn ông còn mạnh khỏe mà lại đi hành khất, ban tối lại thấy ông ấy vào nhà hàng để nhậu…,vậy lần sau ông đó đến nhà chúng con xin, chúng con có nên cho nữ hay không? Vì nếu cứ cho thì ra như cho để ông đi nhậu, lại còn vào nhà hàng mà có khi chúng con cũng không dám vào. Ông này cứ đúng như họ kể, thì có lần ban ngày, tôi đã trông thấy mang nạng, chân khèo khèo đi xin; lần khác, lại trông thấy ông vào ban tối, thấy ông vai vác hai cái nạng, ung dung đi đứng rất đàng hoàng như không có bị què gì cả…Vậy nếu người ta hỏi bạn, bạn sẽ giải quyết là nên cho hay không nên cho, hả bạn?

Hôm đó, tôi đã nại vào câu Chúa nói: Ai xin các ngươi cứ cho, ai vay mượn các ngươi đừng từ chối. (Mt.5,42), để trả lời là chúng ta cứ cho. Khi nghe tôi trả lời cứ cho, nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên lắm! Và tôi nói tiếp, nếu căn cứ theo giới răn cũ (yêu nhau như mình) thì không cho là đúng, nhưng theo giới răn mới (yêu nhau như Chúa yêu) không cho là không đúng; vã nữa, Chúa bảo chúng ta là: Ai xin các con cứ cho cơ mà! Ai mà Chúa nói đây là tất cả mọi người,cả người tốt lẫn người xấu,cả người ngay lẫn người gian.., nên nhiều ít tùy chúng ta,nhưng cứ cho thì sẽ là yêu thương như Chúa yêu thương hơn,sẽ nhân đức hơn… Sau đó, tôi còn nói khôi hài một câu để cho mọi người cười cho vui vẻ là: chúng ta cũng phải để cho họ nhậu, họ bồi dưỡng họ mới có sức khỏe hôm sau đi xin tiếp chứ! Thế là mọi người cười rất to và nhận ra rằng tiền của người ta vất vả nắng nôi, lại còn đóng kịch giả bộ là mình tật nguyền để người ta thương hại mà cho.., là sở hữu của họ, họ muốn nhậu, muốn làm gì tùy họ chứ!

Như vậy là giới răn mới và giới răn cũ rất khác nhau đấy bạn nhỉ? Bạn và tôi, chúng ta đang được hân hạnh sống trong thời đại mới của Tân ước, và dĩ nhiên Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta sống theo luật mới của Tân ước mà thôi. Rượu mới phải được đổ vào bầu da mới mà, phải không bạn? Cầu chúc bạn tìm được nhiều niềm vui trong việc yêu thương mọi người như Chúa đã yêu thương và làm gương cho chúng ta.

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN- Năm B

MỘT TÌNH YÊU DUY NHẤT- Trích Niềm Vui Chia Sẻ

Không dễ gì tìm được trong Tin Mừng một luật sĩ đã tìm đến Chúa Giêsu với thành tâm thiện chí như trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta bắt gặp một luật sĩ được Chúa Giêsu ca ngợi rằng: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Luật sĩ này đã tìm đến với Chúa Giêsu để hỏi Ngài giới răn nào là giới răn trọng nhất. Chúa Giêsu đã cho ông thấy hai giới răn trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Mến Chúa và yêu người thực ra cũng là điều đã được dạy trong Cựu Ước. Nhưng điều độc đáo ở đây là Chúa Giêsu liên kết hai giới răn này lại với nhau và cho đây là giới răn trọng nhất.

Luật sĩ đã tỏ ra đồng ý với Chúa Giêsu. Chính ông cũng đã lập lại: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình thì hơn là dâng mọi lễ vật toàn thiêu và hy lễ”.

Thưa anh chị em,

Mến Chúa và yêu người là nội dung căn bản của toàn bộ lời giảng dạy và việc làm, toàn bộ cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu. Ngài đã mạc khải tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua việc sai Con Một của Ngài nhập thể làm người, sống giữa mọi người để làm nền tảng cho lòng mến Chúa và yêu người của những người tin Chúa. Qua những dụ ngôn, như dụ ngôn “người Samari nhân hậu”, dụ ngôn “cảnh phán xét cuối cùng” v.v… Chúa Giêsu đã đi tới chỗ nhập cả hai giới mến Chúa và yêu người thành một giới răn duy nhất: mến Chúa thì yêu người, yêu người thì mến Chúa. Một tình yêu người được diễn tả một cách cụ thể, qua việc cho kẻ đói ăn, cho người khát uống, cho người không có áo mặc, băng bó vết thương tích cho người không quen biết… Tình yêu thương người đồng loại được diễn tả qua những cử chỉ, việc làm dù là nhỏn mọn, theo giáo huấn của Chúa Giêsu đều hơn cả những nghi lễ, những lễ vật người ta muốn dâng cho Thiên Chúa để tỏ lòng yêu mến và tôn kính Ngài. Bởi vì Thiên Chuá đã chọn, đã muốn được tôn vinh, được yêu mến nơi con người, và những con người bé mọn, nghèo hèn, hẩm hiu… được tôn vinh và được yêu mến. Những cử chỉ của lòng thương người, vẫn theo giáo huấn của Chúa Giêsu, đã thay thế mọi nghi lễ, lễ vật người ta cử hành và dâng cúng để tỏ lòng yêu mến Chúa.

Yêu Chúa không hệ tại tuân giữ một cách hình thức một số lề luật, tham dự một số nghi lễ. Việc tuân giữ này không làm nên tình yêu đích thực, nếu không phát xuất từ tâm tình thâm sâu bên trong.

Yêu người cũng không phải là “cho của dư thừa”, cũng không chỉ là “cho cái mình có”, mà là trao thân hiến mạng cho kẻ khác, là chấp nhận bị tước đoạt, là xác tín rằng nơi con người có cái gì đó của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương, được Ngài cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Giêsu, xứng đáng được phục vụ và yêu thương đến cùng.

Vì vậy, tình yêu Chúa phải là căn nguyên, là động lực, là điều kiện để yêu người, yêu tha nhân. Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa như cội nguồn và phải quay trở về Thiên Chúa như là cùng đích của nó. Hơn nữa, chỉ có tình yêu Chúa mới nuôi dưỡng tình yêu tha nhân bền chặt lâu dài. Ngay trong tình yêu vợ chồng, nếu không được nuôi dưỡng bằng tình yêu mến Chúa, một tình yêu quên mình, tha thứ, hy sinh, phục vụ người mình yêu, thì tình yêu vợ chồng cũng sớm phai nhạt và có nguy cơ tan rã… chỉ khi nào chúng ta gặp gỡ được Thiên Chúa bằng cách sống gắn bó với Ngài, chúng ta mới có thể tôn thờ Thiên Chúa đích thực và thực sự yêu thương tha nhân.

Thưa anh chị em,

Giới răn mới mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ giúp chúng ta đi vào trong ý định của Thiên Chúa và góp phần đổi mới cộng đồng nhân loại. Giới răn mới cải thiện mối tương quan giữa người với người, từ các mối tương quan hạn hẹp giữa hai cá nhân cho đến các mối tương quan rộng lớn giữa nước này với nước khác, giữa dân này với dân kia. Bác ái phá đổ mọi hàng rào chủng tộc hay màu da, vượt trên mọi phân biệt quốc gia hay tôn giáo, xoá bỏ mọi thành kiến hay những hiềm khích quá khứ. Yêu người đồng loại đâu chỉ là yêu kẻ gần gũi hay thích hợp với ta, nhưng còn là “bước tới”, là làm cho mình trở nên gần gũi với tha nhân, dù người ấy có ở xa hay ở ngoài vòng thân bằng quyến thuộc của mình. Vì thế, người Kitô hữu có thể yêu thương người mình không chọn. Bác ái thực sự vượt trên cảm tình. Nó đòi hỏi phải có một sự trao ban không hoàn lại, ngay cả khi làm ơn mà phải mắc oán, làm phúc và phải mang hoạ vào thân…

Cuối cùng, người Kitô hữu không yêu bằng lời nói, bằng môi mép, nhưng bằng hành động cụ thể. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Nếu ai có của cải đời này, thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu mà đóng lòng dạ lại với anh em, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa lưu lại trong người ấy được?” (Ga 3, 17// Gc 14-17). Một tình yêu chân thật bắt ta đem hết tài năng và của cải mà phục vụ người khác. Như Chúa Giêsu đã thí mạng cho nhân loại, người Kitô hữu cũng phải là những người dấn thân xây dựng công lý và hoà bình, để hết thảy, dù xa hay gần, đều đạt đến hạnh phúc Nước Trời.

Đối với chúng ta, yêu thương anh em là một món nợ phải trả cho Chúa Kitô, như Thánh Gioan còn nói: “Nếu Đức Kitô đã hiến mạng sống mình vì chúng ta, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải hiến mạng sống vì anh em. Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 3,16; 4,11).

“Đây là lệnh truyền chúng ta đã lãnh nhận nơi Chúa Kitô là: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu mến anh em mình” (1Ga 4, 20-21).

Nhìn ngắm Chúa Kitô trên thập giá và nhất là được hiệp thông với Ngài trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta cầu xin được thêm lòng yêu mến Cha trên trời và yêu thương anh em đồng loại như Ngài đã yêu thương chúng ta.

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN- Năm B

LỀ LUẬT BÓP CHẾT CON TIM – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

Các biệt phái ngày xưa họ thường nhân danh lề luật để làm theo ý mình. Lề luật trở thành dụng cụ để người ta thống trị người khác. Lề luật bị lạm dụng đến nỗi không còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người mà nhằm bảo vệ quyền lợi cho một nhóm nhỏ lãnh đạo. Lề luật không đưa đến sự an bình, hạnh phúc cho con người nhưng trở thành một gánh nặng, một nỗi sợ hãi cho số đông thấp cổ bé miệng.

Nhân danh lề luật họ răn đe người này, khủng bố người kia. Họ nhân danh Chúa để bôi nhọ người này, rêu rao lỗi lầm người kia. Điều tệ hại nhất là họ có thể nhân danh Chúa, nhân danh lề luật để loại trừ người khác. Cụ thể là những người bị coi là ô uế đều bị loại trừ thẳng tay như: người bệnh phong cùi, người phụ nữ ngoại tình, người vi phạm luật của Chúa mà theo luật đã trở nên ô uế thì đều bị loại ra khỏi sinh hoạt cộng động.

Họ cũng có thể nhân danh Chúa để ném đá, để đóng đinh kẻ đi ngược lại với quan điểm của mình. Lề luật trở thành phương tiện để họ lợi dụng, để họ vu khống, để họ hãm hại người khác. Đã có rất nhiều cái chết oan uổng chỉ vì ý đồ cá nhân. Đã có quá nhiều cái chết cay nghiệt của những người công chính bị hàm oan.

Điều đáng buồn là những người nhân danh lề luật để hãm hại người khác nhưng họ không hề tỏ lòng hối tiếc về hành vi gian ác của mình. Lương tâm họ đã bị lề luật trói buột. Trái tim họ đã bị lề luật làm tê cứng. Lề luật đáng lý giúp cho lương tâm trong sáng và trái tim nhân bản hơn, thế nhưng, vì quá chú trọng lề luật nên họ đã đánh mất đi trái tim yêu thương của con người chỉ còn lại những mưu mô xảo trá.

Cách đây ít năm Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại Thủ tướng Do thái, ông Y. Rabin, khi bị tòa án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ cử chỉ hối hận nào, mà còn tuyên bố: “Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel”. Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa đưa ra nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai mầu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay.

Lương tâm của Gilgal Zamir đã bị lề luật làm cho trai cứng. Trái tim của anh đã bị băng giá bởi lề luật mà anh đã được giáo dục. Anh mến Chúa. Anh trung thành với lề luật nhưng anh không được giáo dục để có một trái tim yêu thương. Những người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng hành xử như vậy. Họ nhân danh lề luật. Họ nhân danh Giavê Thiên Chúa để áp đặt và thống trị người khác. Chính họ đã làm cho lề luật trở thành gánh nặng cho dân.

Nhân danh lề luật, những người Biệt phái thời Chúa Giêsu không ngừng dòm ngó rình mò để bắt bẻ Ngài, nhất là những gì có liên quan đến việc tuân giữ ngày Hưu lễ như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay. Nhưng đối với Chúa Giêsu, linh hồn của lề luật chính là tình yêu thương. Con người sống với Chúa và sống với tha nhân là nhờ tình yêu và cho tình yêu. Con người được sống nhờ tình yêu của Chúa nên con người cũng phải biết sống cho tình yêu một cách trọn vẹn: yêu Chúa hết mình và yêu tha nhân như chính mình.

Người Việt Nam thường có câu “sống có lý có tình”. Nếu cuộc sống chung chỉ có lý mà không có tình thì cuộc sống chung đó là một hoả ngục. Người ta chỉ rình mò kết án lẫn nhau. Người ta chỉ dựa theo lý để hành xử sẽ dẫn đến cảnh cá lớn, nuốt cá bé. Cuộc đời sẽ trở thành bãi chiến trường mà kẻ mạnh làm chúa, kẻ yếu làm tôi. Nếu cuộc sống chung chỉ dựa theo lý sẽ dẫn đến sa mạc hoá tình người. Người ta sẽ nại vào lý do này, nại vào lý do kia để từ chối giúp đỡ anh em của mình. Sống phải có tình mới có thể “chín bỏ làm mười”. Sống phải có tình có lý người ta mới quan tâm giúp đỡ nhau, người ta mới sống chân thành và cởi mở, chia sẻ với nhau đến độ “một con người đau cả tàu bỏ cỏ”.

Hôm nay Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh đến hai vấn đề cốt lõi của cuộc sống đó là: con người có hồn có xác. Con người cần phải có tương quan và bổn phận với Chúa và tha nhân. Mến Chúa phải yêu tha nhân. Mến Chúa mà không yêu tha nhân điều đó hợp lý nhưng không hợp tình. Hợp lý vì con người là thụ tạo của Chúa thì phải thờ phượng và kính mến Chúa. Nhưng con người là hình ảnh Thiên Chúa nên phải yêu mến tha nhân. Ngược lại yêu mến tha nhân mà không kính mến Chúa là vô ơn bất hiếu. Vì sự sống là của Chúa, những gì chúng ta làm được cho tha nhân đều xuất phát từ ân huệ của Chúa nên con người phải thờ phương kính mến Chúa. Yêu mến Chúa phải yêu hình ảnh của Chúa. Vì thế mà thánh Gioan bảo rằng: “ai nói mình yêu mến Chúa mà không yêu mến tha nhân đó là kẻ nói dối:.

Ước gì mỗi người chúng ta không chỉ yêu Chúa trên môi miệng mà yêu Chúa thật lòng, biết dành thời giờ phụng thờ Chúa và biết dùng khả năng để phục vụ hình ảnh Chúa nơi tha nhân. Amen.

home Mục lục Lưu trữ